Du học sinh Trung Quốc 2 năm tiêu hết 2 triệu Nhân dân tệ

Thứ Năm, 21 Tháng Hai 20195:00 SA(Xem: 4460)
Du học sinh Trung Quốc 2 năm tiêu hết 2 triệu Nhân dân tệ

Gần đây lại có một du học sinh Trung Quốc lên top tìm kiếm: Đi du học nước ngoài, tiêu sạch 2 triệu Nhân dân tệ trong vòng 2 năm, cuối cùng ngay cả lớp dự bị cũng không tốt nghiệp nổi. Phụ huynh bất lực đón về nước cho đi học ở trường lớn, không ngờ chưa đến 2 tháng lại về nhà, cả ngày chơi game. Người thanh niên 22 tuổi này đã trở thành “đứa trẻ to xác”, thậm chí ngay cả ăn bà nội cũng phải đút từng miếng.

Thanh niên 22 tuổi tiêu tốn 2 triệu tệ đi du học để rồi về nhà

Theo truyền thông đại lục đưa tin, cậu thanh niên Chen Yu 22 tuổi được bố mẹ gửi đi du học ở New Zealand năm 18 tuổi với dự định học xong khóa dự bị rồi học tiếp đại học. Không ngờ trong vòng 2 năm, ngay cả khóa dự bị cậu ta cũng không tốt nghiệp được, học phí và các chi phí khác tiêu tốn ít nhất 2 triệu Nhân dân tệ.

Quá bất lực, phụ huynh quyết định đón con về nước để sắp xếp rồi gửi đến một trường chuyên. Đi học chưa đến 2 tháng, Chen Yu nhất quyết về nhà vì xảy ra mâu thuẫn với bạn, từ đó bắt đầu “ở nhà chơi game”, “dựa dẫm bố mẹ cho tiền, bà nội đút cơm”.

Bài báo cho hay, cậu thanh niên này lớn lên trong gia đình đơn thân, mẹ của cậu là một người phụ nữ có thành tựu sự nghiệp, bố là một nhân viên nhà nước. Mùa xuân năm 2006, bố mẹ của Chen Yu ly hôn, cậu sống cùng bố. Mẹ cậu rất đam mê công việc, sau khi ly hôn lại càng không chăm sóc con trai. Nhưng bố mẹ lại luôn đáp ứng yêu cầu vật chất của Chen Yu.

Bà nội biết chuyện cháu đích tôn nhà mình sống cùng mẹ kế, sợ cháu bị ức hiếp nên đón về sống cùng bà.

Bà nội yêu thương cháu cảm thấy bố mẹ ly hôn khiến cháu chịu uất ức, tủi thân, bà quyết tâm dành cho cháu trai những gì tốt nhất để bù đắp cho những gì mà cháu phải chịu. Bà chăm sóc Chen Yu mọi cách có thể, cháu muốn bất cứ điều gì, dù là bố, mẹ hay bà nội cũng sẽ thỏa mãn vô điều kiện.

Yêu con bằng tiền bạc, chiều con như hại con

Bài báo cho biết có một lần trời lạnh bà nội bị thấp khớp nên đi nằm nghỉ ngơi, nhưng thấy cháu ngoại 5 tuổi của mình ăn một miếng bánh mì của Chen Yu do đói, bà chẳng nói chẳng rằng bật dậy mặc kệ trời tuyết để đi mua 3 túi bánh khác. Quan điểm của bà nội là “Không ai được đụng vào đồ của cháu trai bà.”

Nhưng sự yêu thương quá mức này hoàn toàn không khiến Chen Yu trở nên tươi sáng, vui vẻ, mà ngược lại còn khiến cậu ta ngày càng cô độc.

Trước khi ra nước ngoài, ở trường Chen Yu không có bạn bè, thành tích học tập luôn ở mức trung bình trở xuống. Năm 2014, Thần Vũ học lớp 11 tại một trường cấp 3 tư thục ở Cáp Nhĩ Tân, mẹ cậu phân tích điểm số của con rồi đề nghị cho con trai đi du học.

Mẹ của Chen Yu gửi cậu đến New Zealand học khóa dự bị với mong muốn cậu tiếp tục học đại học ở đó. Thế nhưng sự phát triển của Chen Yu ở nước ngoài kém xa so với những gì mà mẹ cậu nghĩ: vẫn không có bạn, hầu như không giao tiếp với ai, chơi game là việc chính để cậu giết thời gian.

Về mặt tiêu tiền, Chen Yu hoàn toàn tùy ý tiêu. Lúc ở nước ngoài, hễ không vừa lòng là cậu về nhà, chỉ tính riêng tiền vé máy bay đi lại cũng đã hơn 100.000 Nhân dân tệ.

Học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ khiến Chen Yu tiêu hết ít nhất 2 triệu Nhân dân tệ trong vòng 2 năm. Nhưng cuối cùng đổi lại kết quả là chẳng cầm nổi tấm bằng.

Điều tệ hơn là khi ở nước ngoài, tính cách của Chen Yu càng thêm cô độc, gần như mắc chứng trầm cảm. Tháng 7/2016, bố mẹ quyết định để Chen Yu từ bỏ cuộc sống du học để về nhà điều chỉnh lại.

Sau khi về nước, Chen Yu suốt ngày giam mình trong phòng, ngày ngày chơi game. Ngay cả ăn cũng được bà nội bưng đến trước mặt, thậm chí là đút từng miếng.

Tháng 9/2017, bố mẹ cho Chen Yu đi học ở một trường cao đẳng, mong con có thể học ra nghề. Nhưng đi học chưa đến 2 tháng thì Chen Yu xảy ra mâu thuẫn với bạn, nhất quyết về nhà và lại bắt đầu cuộc sống ở nhà chơi game online.

Du học sinh Trung Quốc 2 năm tiêu hết 2 triệu Nhân dân tệ
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Trong số các tin nhắn với bố mẹ thì ngoài tin nhắn chuyển tiền ra chẳng còn tin nào khác. Đối với Chen Yu, cơ bản là cậu không có khái niệm “tiền”. Khi chơi game do máy tính có cấu hình không đủ mạnh nên không thắng được, cậu lập tức gửi Wechat cho mẹ: “Cho con 10.000 tệ, đổi máy tính.”

1 năm trôi qua, cảnh tượng vẫn là Chen Yu chơi game, bà nội không nề hà đút cơm.

Hiện nay, tuy mẹ của Chen Yu kiếm được nhiều tiền, sống cuộc sống giàu sang, nhưng đứa con trai đã trở thành một “đứa bé to xác” là tâm bệnh lớn nhất của cô.

Mẹ: Sự nghiệp thành đạt nhưng không bù đắp được sự thất bại trong việc giáo dục con

Nhớ lại quá trình lớn lên của Chen Yu, người mẹ rơi nước mắt, cô cho hay mình không nhìn thấy tương lai của con.

Cô bày tỏ rằng, tuy hiện nay sự nghiệp của mình thành đạt, kiếm không ít tiền, nhưng con trai thì luôn là tâm bệnh của vợ chồng cô. Cô còn chia sẻ rằng cô cảm thấy bản thân mình cũng có triệu chứng trầm cảm vì vấn đề này….

Chuyên gia tâm lý Trương Thông Bái chỉ ra rằng, sự nuông chiều lệch lạc khiến tính cách của Chen Yu trở nên tiêu cực và tách rời khỏi xã hội. Ông cho rằng sự đồng hành với con mới là lối giáo dục đúng đắn. Còn bố mẹ của Chen Yu thì lựa chọn dùng vật chất để thay thế cho sự kề cận con, khiến con trai mãi mãi không thể lớn được, cứ là một “đứa trẻ to xác”, không có bất cứ khả năng sống nào.

Những “đứa trẻ to xác” kiểu Trung Quốc

Thật ra thì ngoài Chen Yu, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều rất nhiều những “đứa trẻ to xác” như vậy.

“Những đứa trẻ to xác kiểu Trung Quốc” là danh từ mới nổi những năm gần đây, nói về một nhóm người trưởng thành kỳ lạ, cực kỳ ích kỷ, chỉ đòi hỏi mà không cho đi, tuyệt đối xem mình là trung tâm, tất cả mọi người đều phải xoay quanh mình mới được, xem sự giúp đỡ, cho đi của người khác là lẽ dĩ nhiên, không hề có bất cứ sự biết ơn nào, cả thế giới đều nợ họ, xem bản thân là “em bé của quốc gia”.

Vì sao Trung Quốc lại sản sinh ra những “đứa trẻ to xác” như vậy? Nguyên nhân phía sau là điều đáng phải suy ngẫm.

Minh Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn