Khi các 'siêu cường' chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm

Thứ Bảy, 09 Tháng Hai 20193:00 CH(Xem: 6075)
  • Tác giả :
Khi các 'siêu cường' chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm

Khi các siêu cường chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm - Ảnh 1.

Từ trước Thế chiến II, Đức Quốc Xã đã tiến hành các nghiên cứu về ngoại cảm - Ảnh: Wikimedia

Vào thời gian trước và trong Thế chiến II, Đức Quốc Xã là nước đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu thần giao cách cảm.

Sau chiến tranh, dựa trên những tài liệu tịch thu được từ các khoa học gia Đức, các cơ quan tình báo CIA (Mỹ) và KGB (Liên Xô) cũng bắt đầu quan tâm và nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Đỉnh điểm là vào thập niên 70 thế kỷ 20, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã đổ nhiều tiền của để nghiên cứu và thử nghiệm nhằm triển khai vào lĩnh vực thu thập thông tin tình báo và quân sự.

Bởi lẽ, không có gì tuyệt vời hơn nếu có thể đọc được suy nghĩ của các lãnh đạo chính trị và quân sự phe đối phương để biết trước mọi động thái ngoại giao, ý đồ triển khai quân đội, kế hoạch và mục tiêu tấn công của kẻ địch. Thế là coi như cầm chắc đến 99% khả năng chiếm ưu thế đàm phán ngoại giao và giành thắng lợi quân sự.

Khi các siêu cường chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm - Ảnh 2.

Thần giao cách cảm được cho rằng giúp con người có thể liên lạc với nhau bằng ý nghĩ mà không cần dùng lới nói - Ảnh: MailOnline

Về thông tin liên lạc, việc gửi - nhận các thông tin ngoại giao nhạy cảm, thông tin quân sự tuyệt mật bằng sóng vô tuyến có nhiều khả năng bị đối phương nghe trộm, dù đã được mã hóa. Nếu truyền tin bằng "sóng" thần giao cách cảm thì không quốc gia nào dù có nền kỹ thuật tối tân đến đâu, có thể "đón sóng" mà nghe lén được.

Có thông tin cho rằng vào thời Chiến tranh Lạnh, giới quân sự Mỹ và Liên Xô đã tiến hành thử nghiệm việc liên lạc bằng thần giao cách cảm giữa các tàu ngầm lặn sâu dưới biển khơi với căn cứ trên bờ.

Vào thời chiến tranh Việt Nam, từ năm 1972 Cơ quan Tình báo Trung ương CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phối hợp nghiên cứu về khả năng tiên cảm (precognition). Các nghiên cứu của CIA và Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra kết luận rằng khả năng tiên cảm là có thật ở một số cá nhân, và có mức độ mạnh yếu tùy người.

Giới quân sự các nước ghi nhận rằng, từ thời Thế chiến I và II đã có một số quân nhân ngoài mặt trận có khả năng tiên cảm. Họ "đánh hơi" được sự nguy hiểm sắp đến với bản thân và đồng đội, ví dụ như có quân địch đang phục kích ở phía trước, hoặc đối phương sắp mở cuộc tấn công vào vị trí họ đóng quân - dù rằng họ chỉ là người lính bình thường, không liên quan gì đến lĩnh vực tình báo quân sự.

Khi các siêu cường chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm - Ảnh 3.

Một số ít quân nhân có khả năng 'tiên cảm', thấy trước được mối nguy hiểm sắp xảy ra cho mình và đồng đội - Ảnh: HistoryOnTheNet

Cho dù đó là do bản năng sinh tồn của một chiến binh luôn cận kề cái chết, hay do một khả năng chưa biết đến của bộ não người, các nhà khoa học vẫn rất muốn tìm hiểu xem điều gì đã "kích hoạt" cái khả năng kỳ diệu đó.

Từ đầu thập niên 80, Bộ Quốc phòng Mỹ đã giao cho Cơ quan Tình báo quân sự DIA một khoản ngân sách 20 triệu USD để triển khai chương trình tuyệt mật mang tên Dự án Stargate. Chương trình này tuyển dụng và huấn luyện những cá nhân được cho là có khả năng ngoại cảm thấu thị vào lĩnh vực thu thập thông tin tình báo và quân sự.

Họ tập trung vào khả năng "quan sát từ xa" (remote viewing) để thu thập thông tin ở những nơi không thể tiếp cận bằng trinh sát con người hay vệ tinh do thám (ví dụ nằm sâu trong lãnh thổ đối phương và được ngụy trang che giấu rất kín, ở dưới lòng đất…).

Theo lời kể của quan chức quân sự (đã về hưu) Joseph McMeonagle, người đã tham gia từ ngày đầu tiên của Dự án Stargate cho đến năm 1984, một toán ngoại cảm của DIA đã tham dự vào chiến dịch tìm kiếm và giải cứu vị tướng người Mỹ Joseph Dozier bị bắt cóc ở Ý năm 1984.

Một số nhiệm vụ khác bao gồm dùng ngoại cảm dò tìm vị trí ẩn náu của nhà độc tài Iraq Saddam Hussein trong Cuộc chiến Vùng Vịnh, thu thập thông tin về các tàu ngầm Nga, cũng như tìm kiếm nơi Triều Tiên cất giấu nguyên liệu hạt nhân plutonium.

Năm 2017, nhà báo điều tra trong lĩnh vực quân sự nổi tiếng người Mỹ Annie Jacobsen đã xuất bản một quyển sách nói về các nghiên cứu trong lĩnh vực ngoại cảm của chính phủ Mỹ có tựa là Phenomena: The Secret History of the U.S. Government’s Investigations Into Extrasensory Perception and Psychokinesis.

Trong quyển sách này có tường thuật một sự kiện xảy ra vào tháng 9-1979, khi đó Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã yêu cầu DIA dùng các nhà ngoại cảm để "trinh sát từ xa" một căn cứ bí mật của Hải quân Liên Xô.

Khi các siêu cường chạy đua nghiên cứu thần giao cách cảm - Ảnh 4.

Quân đội Mỹ đang có chương trình nghiên cứu về khả năng 'tiên cảm' - Ảnh: US Army Reasearch Laboratory

Theo mô tả của một thành viên trong nhóm ngoại cảm, ông ta "thấy" một tòa nhà to cạnh bờ biển, "ngửi" được mùi xăng dầu và máy móc công nghiệp. Bên trong tòa nhà có chứa một loại vũ khí to lớn có các cánh vây, hình dáng giống như con cá mập.

Vài tháng sau, vệ tinh do thám của CIA thu được hình ảnh về việc Hải quân Liên Xô đang đóng một chiếc tàu ngầm thế hệ mới có trang bị tên lửa đạn đạo. Điều trùng hợp là người Nga đặt tên cho thế hệ tàu ngầm mới này là lớp Akula (tiếng Nga có nghĩa là "cá mập").

Nhiều giới chức tham gia Dự án Stargate nhận xét rằng nó mang lại những thành công nhất định và chứng minh rằng khả năng thần giao cách cảm là có thật, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng bác bỏ nhận xét này.

Năm 1995, Dự án Stargate được DIA chuyển giao sang Cơ quan Tình báo Trung ương CIA để tiếp tục nghiên cứu. CIA đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ AIR để thẩm định những kết quả thu được của Stargate.

AIR đưa ra kết luận rằng những kết quả đó là chưa đủ sức thuyết phục đối với giới khoa học, cũng như không mang lại hiệu quả rõ rệt. Dù kết quả công bố là vậy, nhưng theo một số nguồn tin, CIA vẫn ngầm tiếp tục các nghiên cứu về ngoại cảm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn