Nên làm gì để không bị ảnh selfie 'đè chết'

Thứ Hai, 28 Tháng Giêng 201911:00 SA(Xem: 7120)
Nên làm gì để không bị ảnh selfie 'đè chết'
Getty Images

Tôi phải thú nhận là tôi có 20.577 email chưa đọc trong hộp thư, 31.803 bức ảnh trên điện thoại và 18 tab trình duyệt mở cùng lúc trên chiếc laptop.

Cuộc đời tôi thế là bị thế giới kỹ thuật số hung hăng xâm chiếm trong lúc tôi quả là không biết phải đối phó thế nào.


Mỗi khi nâng cấp thiết bị là ta lại có trong tay bộ lưu trữ lớn hơn. Các gói dịch vụ lưu trữ trên dữ liệu đám mây thì càng ngày càng rẻ. Quả là tiện lợi để ta có thể dễ dàng giữ lại hàng ngàn email, ảnh, tài liệu và rất nhiều thứ khác ở dạng kỹ thuật số.

Sự lưỡng lự trong việc xoá bỏ khỏi máy tính những thứ mà ta đã thu thập trong công việc và đời sống cá nhân được gọi chung là hành vi tích trữ kỹ thuật số.

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng hành vi này rất dễ khiến ta thấy căng thẳng và quá tải như khi ta tích trữ, lưu cữu đồ đạc ngoài đời thật.

Đó là chưa kể đến những tác hại mà sự cố an ninh mạng có thể gây ra cho từng cá nhân và doanh nghiệp, chẳng hạn nó khiến bạn không thể tìm một email cần thiết.

Cụm từ "tích trữ kỹ thuật số" (digital hoarding) lần đầu tiên được sử dụng vào năm 2015 trong một nghiên cứu về một người đàn ông ở Hà Lan chụp ảnh kỹ thuật số mỗi ngày và dành nhiều giờ để xử lý chúng.

"Ông ấy không bao giờ sử dụng hay xem lại những bức ảnh đã lưu, nhưng tin rằng những bức ảnh đó sẽ được dùng trong tương lai," các tác giả viết.

Định nghĩa tích trữ đồ kỹ thuật số là "hành vi tích lũy các tập tin kỹ thuật số đến mức mất cái nhìn tổng thể, cuối cùng dẫn đến căng thẳng và tình trạng vô tổ chức," các tác giả cho rằng đây là một kiểu tính chất thứ cấp mới cho rối loạn tích trữ đồ đạc - một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đã được công nhận từ năm 2013.

Người đàn ông Hà Lan này đã tích trữ đồ đạc trong đời thực trước khi chuyển qua ảnh kỹ thuật số.


Nick Neave, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về hiện tượng tích trữ đồ đạc ở Đại học Northumbria, cho biết ông chú ý đến mô thức mà ông thấy ở hành vi tích trữ đồ đạc giờ đây cũng xuất hiện trên không gian kỹ thuật số.

"Khi bạn nói chuyện với một người tích trữ đồ và nói, 'Xem này, tại sao bạn thấy khó bỏ bớt đồ đạc đi vậy?' thì một trong những lý do đầu tiên mà họ nói là, 'À thì bởi nó có thể hữu ích trong tương lai.' Đó chính xác là những gì xảy ra khi mọi người nơi công sở nói về email của họ," ông nói.

Trong một nghiên cứu công bố đầu năm nay, Neave và đồng nghiệp hỏi 45 người cách họ xử lý email, hình ảnh và các loại file khác.

Lý do mà mọi người giữ lại những tập tin kỹ thuật số rất đa dạng - có thể đơn giản chỉ là lười biếng, có thể do muốn trữ sẵn đó, hay có thể do cảm thấy lo lắng nếu xóa mất thông tin nào đó đi, và thậm chí có thể là bởi họ muốn "vũ trang" chống lại ai đó.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng những phản hồi này để phát triển bảng câu hỏi tiếp cận hành vi tích trữ kỹ thuật số ở nơi làm việc, rồi áp dụng khảo sát với 203 người có dùng máy tính khi làm việc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy email đặc biệt có vấn đề: trong số những người tham gia, một hộp thư trung bình của họ có 102 email chưa đọc và 331 email đã đọc.

Lý do phổ biến nhất khiến mọi người không xóa email công việc vì chúng tiện dụng: chúng có thể chứa các thông tin họ cần trong công việc, có thể là bằng chứng cho các việc đã thực hiện - tất cả đều là các lý do cực kỳ hợp lý.


Thế nhưng khi cứ tiếp tục tích trữ hàng trăm email, bạn có lẽ sẽ không bao giờ xem lại chúng.

"Mọi người rất ý thức rằng đó là vấn đề, nhưng họ bị cản trở bởi cách thức làm việc trong công ty," Neave nói. "Họ nhận được hàng đống email nhưng lại không dám xóa bớt đi, và thế là mọi thứ cứ tích tụ, dồn đống lên."

Ông cũng cho biết nghiên cứu vẫn còn mới và ta vẫn chưa biết đầy đủ để xác định rằng thế nào là "bình thường" và thế nào là không bình thường.

Vậy làm cách nào để biết liệu bạn đã "mắc bệnh" tích trữ kỹ thuật số hay chưa?

Hãy thử nghĩ lại xem tuần trước bạn có nhớ lúc nào mình khổ sở tìm một file nào đó trên máy tính hay điện thoại - có thể là địa chỉ email của ai đó trong một chuỗi email, hay một ly cocktail tuyệt vời mà bạn đã đăng trên Instagram để dùng về sau.

Khi bắt đầu tìm hiểu về vấn đề rối loạn tích trữ đồ trên không gian kỹ thuật số, Darshana Sedera, phó giáo sư tại Đại học Monash ở Úc đã hỏi nhiều người câu hỏi này. Ông nhận thấy rằng hầu như ai cũng nhớ về lúc mà họ thật vất vả khi phải tìm lại thứ gì đó.

Trong một nghiên cứu mà ông trình bày vào 12/2018, ông và đồng tác giả Sachithra Lokuge hỏi 846 người về thói quen tích trữ đồ trên không gian kỹ thuật số cũng như mức độ căng thẳng mà họ cảm thấy. Họ nhận thấy có liên hệ giữa hành vi tích trữ thông tin và mức độ căng thẳng của những người tham gia nghiên cứu.

Rối loạn tích trữ đồ đạc truyền thống có thể khiến người ta khó ra quyết định và đối mặt với vấn đề cảm xúc như buồn bã và lo âu, Sedera cho biết. "Những gì chúng tôi nhận thấy thực ra là, trong không gian kỹ thuật số, dù có nhận biết hay không, tất cả chúng ta đều rơi vào tình trạng căng thẳng ở mức độ nào đó."

Jo Ann Oravec, giáo sư công nghệ thông tin và đào tạo kinh doanh tại Đại học Wisconsin-Whitewater, nói rằng việc tích trữ không nhất thiết liên quan đến lượng thông tin mà ta lưu trữ. Thay vào đó, đây là việc liệu ta có "khả năng kiểm soát có kinh nghiệm" với dữ liệu này không. Nếu có, thì đây không phải là tích trữ chất chồng.


Nhưng bà lập luận rằng khi ta bắt đầu thu thập nhiều dữ liệu hơn thì nhiều người trong chúng ta sẽ trở nên mất kiểm soát. "Sinh viên nói với tôi họ cảm thấy buồn nôn, đó là cảm giác mất cân bằng khi họ bắt đầu xem xét đống ảnh khổng lồ họ có," bà nói.

Tích trữ tư liệu kỹ thuật số tới mức nào là quá tải - mức độ này ở mỗi người mỗi khác, Neave nói. "Nếu đến mức cảm thấy mình có quá nhiều dữ liệu, khiến họ không thể tìm thấy dữ liệu, đến mức khiến mọi thứ lộn xộn - thì đó là những chỉ dấu cho thấy mức độ quá tải."

Vậy tại sao tất cả chúng ta đều rơi vào sự lộn xộn này?

Những nền tảng như Google Drive là "sự cám dỗ mở" với hành vi tích trữ, bởi nó khiến ta có thể lưu trữ các tập tin (file) một cách quá dễ dàng trong lúc gần như không bao giờ nhắc nhở chúng ta xem lại các file đó, Oravec nói. "Cảm giác 'có thể lấy lại được thông tin lúc nào cũng được, chỉ cần là ta lưu trữ nó ở đâu đó' khiến ta có thấy yên tâm một cách lầm lạc."

Và có rất nhiều dịch vụ lưu trữ. Trong nghiên cứu về tình trạng tích trữ thông tin kỹ thuật số, những người tham gia nghiên cứu cho biết trung bình họ lưu trữ tới 3,7 terabyte.

Một số người nghĩ rằng vì các công ty công nghệ đã tạo ra điều này, họ nên giúp ta chỉnh sửa xu hướng tích trữ đồ kỹ thuật số.

Sedera tin rằng sẽ sớm có cách đánh dấu thư mục và sắp xếp tất cả dữ liệu của ta trên nhiều thiết bị mà các nền tảng không thể biết, tương tự như cách danh bạ điện thoại của bạn được đồng bộ hóa trên nhiều ứng dụng.

Oravec tán đồng rằng các công ty công nghệ có thể, và cần phải nghĩ lại về cách họ khiến ta phát triển xu hướng tích trữ kỹ thuật số.

Nhưng bà cũng muốn các cá nhân có trách nhiệm hơn trong việc sắp xếp tài sản kỹ thuật số của họ và coi việc sắp xếp lưu trữ là nhiệm vụ cần thiết như việc đi khám nha sĩ.

Tuy nhiên sự sắp xếp này không nhất thiết phải đáng sợ như đi chữa tủy răng, và thậm chí có thể coi như là món đầu tư tốt cho danh tính của ta trong tương lai.

Oravec kể rằng dì của bà, người vừa mất ở tuổi 100, đã cẩn thận tập hợp sáu quyển album ảnh về suốt cuộc đời bà. "Bà chọn và sắp xếp những bức ảnh này từ rất nhiều bức bà đã chụp khi đi nghỉ hay trong các buổi gặp mặt gia đình và việc sắp xếp này tạo ra cảm xúc mạnh mẽ về bà," bà nói.

Thay vì tự hạ thấp bản thân vì có quá nhiều email chưa đọc hay chụp quá nhiều ảnh selfie, có lẽ tốt hơn là ta nên dành thời gian để kiểm soát đống lộn xộn trên kỹ thuật số của mình - một album ảnh mỗi lần chẳng hạn.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn