Nhịp sống như vũ bão ở Hàn Quốc

Thứ Hai, 28 Tháng Giêng 20197:00 SA(Xem: 8453)
Nhịp sống như vũ bão ở Hàn Quốc
bbc.com
Matt C. Crawford BBC Travel

Matt C. Crawford Bản quyền hình ảnh Matt C. Crawford

Vào một buổi tối gần đây tại Nhà hàng Ttobagi Driver ở Quận Gwanak của Seoul, tôi đã lén đặt đồng hồ đếm giờ khi gọi món.

Cô phục vụ bàn thong thả bước đi, sau đó quay lại với kim chi và các món ăn kèm chỉ sau hai phút 20 giây. Một phút rưỡi sau đó, món ppyeodagwi haejangguk (canh sườn heo) đựng trong tô đất được dọn ra bốc khói nghi ngút.

Văn hóa ppalli-ppalli

Thật tuyệt vời khi mà một đất nước nơi không có tục cho tiền bo lại có tác phong phục vụ như thế.


Tuy nhiên còn bất ngờ hơn nữa là Nhà hàng Ttobagi, một địa điểm bình dân nơi các tài xế taxi thường lui tới, lại không hề nhanh hơn các nhà hàng khác.

Tác phong nhanh nhẹn thường ngày là điều xuyên suốt xã hội Hàn Quốc và đặc biệt phổ biến ở thủ đô Seoul. Thậm chí còn có một từ riêng để gọi nó: văn hóa ppalli-ppalli vốn có nghĩa là 'nhanh' hay 'vội'.

Xu thế ppalli-ppalli có thể được nhìn thấy trong tốc độ Internet dẫn đầu thế giới của Hàn Quốc, các lớp học ngoại ngữ nâng cao hứa hẹn kết quả gần như lập tức và các sự kiện hẹn hò siêu tốc vốn rất phổ biến.

Cũng ý thức về thời gian cao độ như vậy là những lễ đường tổ chức lễ cưới bóng loáng, nơi vào mỗi dịp cuối tuần diễn ra liên tục các buổi lễ dài một tiếng đồng hồ.

Ppalli-ppalli cũng là nguyên tắc vàng của hàng ngàn người giao đồ ăn bằng xe gắn máy vốn bất chấp luật giao thông và - dường như là cả nguyên tắc vật lý nữa - để giao hàng cực kỳ nhanh chóng.

Để cạnh trạnh, McDonald's, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đứng đầu thế giới, đã bắt đầu xây dựng đội xe scooter giao hàng ở Hàn Quốc hồi năm 2007.

Ấy vậy mà, cách nay chưa lâu, nhịp sống ở Hàn Quốc còn rất chậm do đặc trưng nông thôn của đất nước này. Vào năm 1960, một tỷ lệ đáng kinh ngạc là 72% dân số Hàn Quốc sống ở thôn quê.

Vậy thì làm sao mà người dân nước này đi từ cấy lúa đến tải phim và nhạc trên mạng chỉ trong vòng có vài thập niên?

Điều thần kỳ sông Hàn

Gary Rector, công dân Hàn Quốc được nhập tịch vốn đến Seoul vào năm 1967 với tư cách là tình nguyện viên của Peace Corps, hồi tưởng: "Tôi nhớ lại mình đã ngạc nhiên bởi vì trước khi tôi đến đây, tôi đã có suy nghĩ cố hữu rằng họ có cuộc sống trầm tư, suy nghiệm và có nhịp sống chậm rãi."

"Tuy nhiên tôi đã nhận thấy rằng họ thường vội vã hơn cả người Mỹ. Người lớn tuổi thì chậm rãi hơn trong khi những người trong độ tuổi của tôi - lúc đó tôi chỉ mới 24 tuổi - thì hết sức bận rộn ngược xuôi để cải thiện cuộc sống."

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Rector vào lúc đất nước này diễn ra thay đổi mạnh mẽ.

Vào đầu những năm 60, Hàn Quốc bắt đầu tiến hành một loạt những kế hoạch kinh tế năm năm do tổng thống khi đó là Park Chung-hee đưa ra. Những chiến dịch theo kiểu quân sự này đã đem lại Điều thần kỳ sông Hàn (chuyển đổi từ một nước bị chiến tranh tàn phá thành một trung tâm kinh tế) và tạo ra Korea Inc, với những đại diện điển hình như Samsung, Hyundai và LG.


Những thành quả của ppalli-ppalli được trưng bày một cách đầy tự hào tại Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Cận đại Hàn Quốc ở trung tâm Seoul. Có thể hoàn toàn phù hợp khi cho rằng tinh thần tiến lên khẩn cấp của Hàn Quốc xuất phát từ chính tòa nhà này. Rất lâu trước khi trở thành không gian bảo tàng, đây là nơi đặt trụ sở của cả Hội đồng Tối cao Tái thiết Quốc gia và Ủy ban Kế hoạch Kinh tế.

Trong gian triển lãm về giai đoạn 1961-1987, giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của Hàn Quốc, tôi đã quan sát thấy một đôi vợ chồng trẻ nhìn chăm chú vào sản phẩm điện tử tiêu dùng đầu tiên của đất nước, một chiếc radio A-501 vốn được sản xuất vào năm 1959.

Gần đó, một người cha chỉ cho con trai xem mẫu xe Hyundai Pony màu xanh dương nhạt có hình dáng như chiếc hộp vốn lần đầu tiên được đưa lên dây chuyền lắp ráp là vào năm 1975.

Một điều choáng ngợp nữa xuất khẩu của quốc gia này trong giai đoạn này đã tăng từ 30% đến 40% một năm.

Sự táo bạo của các nhà hoạch định kinh tế và sự hăng say của lực lượng lao động đã giúp cho đất nước này nhảy vọt từ việc xuất khẩu tơ lụa thô và quặng sắt đến sản xuất những mặt hàng như tóc giả và sản phẩm may mặc.

Sau đó, với sự học hỏi trong quá trình phát triển, quốc gia này đã chuyển sang các sản phẩm điện tử tiêu dùng, tàu chở dầu và vật liệu bán dẫn.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tốc độ xây dựng

Nhà nhân chủng học Kim Choong-soon cho rằng phần lớn sự thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu là nhờ vào sự tập trung vào tốc độ.


"Việc thực hành ppalli-ppalli không chỉ là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hàn Quốc, mà hiệu suất nhanh nhẹn còn in sâu vào trong đầu óc của họ như là một giá trị cơ bản," ông viết trong cuốn sách 'Way Back into Korea'.

"Nhờ vào nền văn hóa vội vã này, Hàn Quốc đã có thể đạt được những tiến bộ kinh tế và công nghiệp hóa to lớn trong khoảng thời gian rất ngắn ngủi."

Biểu tượng định hình thành tựu ppalli-ppalli vẫn còn có thể được nhìn thấy ở tuyến xa lộ Gyeongbu, vốn chạy 428 km từ Seoul theo hướng đông nam về thành phố lớn thứ hai là Busan. Lúc đầu định là sẽ thi công trong vòng ba năm rưỡi, tuyến xa lộ này được hoàn thành chỉ trong vòng có hai năm và năm tháng sau buổi lễ động thổ vào năm 1968. Khoảng chín triệu ngày công đã được đổ vào dự án.

Tuy nhiên, kể từ đó, tốc độ xây dựng ở Hàn Quốc không thuyên giảm một chút nào. Một khu đô thị hoàn toàn mũi nhọn, Khu Thương mại Quốc tế Songdo, đã được dựng lên trên một vùng đất được bồi đắp ở tây nam Seoul bắt đầu vào năm 2004. Giai đoạn đầu tiên của dự án, bao gồm một công viên trải rộng, một trung tâm hội nghị, khách sạn Sheraton và mỗi chuỗi các tòa tháp căn hộ được khánh thành chỉ năm năm sau đó.

Thậm chí còn tham vọng hơn và nhanh hơn nữa là trung tâm hành chánh Thành phố Sejong, nằm cách Seoul khoảng 120 km về phía nam, đã được xây dựng từ con số không từ năm 2010 và được khánh thành vào năm 2012.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Bắc Triều Tiên

Mặc dù Hàn Quốc được mọi người thừa nhận nhiều hơn về tốc độ, Bắc Triều Tiên dường như cũng có gien về tốc độ trong mình. Ông Kim Nhật Thành, người cha lập quốc của Bắc Triều Tiên, đã khuyến khích công nhân phải có lý tưởng có được 'tốc độ chollima' - tức là một con ngựa huyền thoại vốn có thể bay khoảng 400 km một ngày.

Tuy nhiên, cháu nội của Lãnh tụ Tối cao, ông Kim Jong-un, còn tăng tốc hơn nữa với câu khẩu hiệu 'tốc độ mallima' - tăng lên đến 10 lần. Câu khẩu hiệu của ông đã đem lại một số kết quả - với những tòa tháp căn hộ để trưng bày trên đường Ryomong của thủ đô Bình Nhưỡng được khai trương vào năm 2017 chỉ sau một năm xây dựng.

Điều này đặt ra vấn đề là liệu cội rễ của nền văn hóa ppalli-ppalli này có nguồn gốc sâu xa hơn là thời hiện đại hay không. Kim đánh cá rằng đúng như vậy. "Việc xây dựng các công trình trong quá khứ cũng được hoàn thành trước thời hạn," ông viết và đưa ra dẫn chứng là công trình pháo đài Hwaseong ở Suwon. Pháo đài hùng vĩ này, vốn được công nhận là Di sản Thế giới của Unesco, được hoàn thành sớm bảy năm vào năm 1796 và cho đến giờ vẫn đang trong tình trạng rất tốt.

Nhìn về lịch sử

Tương tự, mọi người tự hỏi liệu có phải những đồ gốm tráng men ngọc bích tuyệt mỹ của vương triều Cao Ly (918-1392) được tạo tác trên bàn xoay cũng với tính hiệu quả như những gì đặc trưng của nền sản xuất Hàn Quốc ngày nay hay không.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Giai đoạn đầu tên xây dựng Quận Thương mại Quốc tế Songdo mới ở Incheon được hoàn tất chỉ trong thời gian 5 năm

Sự khéo léo của đôi tay và trình độ nghệ thuật siêu đẳng chắc chắn được trân trọng vào thế kỷ 16, khi mà nhà thư pháp Han Seok-bong đã viết Hán tự bằng nhiều nét chữ khác nhau, trong đó có nét chữ thảo đầy mạnh mẽ. Viết những dòng thơ mà không cần phải nhấc bút khỏi tờ giấy đòi hỏi khả năng kiểm soát hoàn toàn, và cả tốc độ nữa.

Mặc dù ngày nay ít người dân Hàn Quốc có thể cầm bút lông, nhưng nhiều người trong số họ đã rèn luyện được ngón tay cực kỳ nhanh nhẹn. Trong Cúp Thế giới LG Mobile, một cuộc thi nhắn tin, chiến thắng đã thuộc về đội Hàn Quốc hồi năm 2010 ở New York. Và cũng không phải là ngẫu nhiên khi các vận động viên Olympic của Hàn Quốc vượt trội ở những môn thể thao nhanh như chớp như bắn cung và bắn súng. Họ làm bá chủ ở hầu hết những môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn và giành được tổng số 48 huy chương Olympic cho đến nay.

Tuy nhiên, những nhà bình luận bên ngoài đôi khi dựa quá mức vào tinh thần ppalli-ppalli khi họ tìm cách giải thích về Hàn Quốc, ông Koo Se-woong, nhà sản xuất Korea Exposé, một kênh truyền thông độc lập chuyên về tình hình bán đảo Triều Tiên, nhận định.

"Nó gần như là giống với bức hí họa về văn hóa Triều Tiên," ông Koo nói. "Tôi hiểu rằng ở đây mọi người nhấn mạnh vào tốc độ nhưng thật lạ lùng khi thấy cách nó được kết tinh vào biểu hiện cụ thể này mà thậm chí bản thân người Hàn Quốc cũng không vận dụng một cách thường xuyên."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn