Hóa thạch cổ xưa nhất thế giới chỉ là đá thông thường?

Thứ Bảy, 27 Tháng Mười 20182:00 CH(Xem: 5809)
Hóa thạch cổ xưa nhất thế giới chỉ là đá thông thường?

Hóa thạch cổ xưa nhất thế giới chỉ là đá thông thường? - Ảnh 1.

Cục đá được cho là hóa thạch cổ đang gây tranh luận trái chiều - Ảnh: ABIGAIL ALLWOOD

Theo National Geographic ngày 17-10, vào tháng 8-2016, Giáo sư Allen Nutman - một nhà địa chất học đến từ Đại học Wollongong, Úc tuyên bố ông và các cộng sự đã tìm thấy những mẫu hóa thạch được cho là lâu đời nhất thế giới trong một mỏm đá ở Greenland. 

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những khối cấu trúc stromatolit dạng nón (được tạo ra bởi những vi khuẩn cổ xưa) có kích thước khoảng 20cm, nằm trong những lớp đá có niên đại khoảng 3,7 tỉ năm.

Phát hiện của Nutman đã xô đổ kỷ lục trước đó thuộc về những mẫu hóa thạch có niên đại 3,5 tỉ năm được tìm thấy ở vùng Pilbara, Úc.

Vào thời điểm đó, phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học Nature, và tiến sĩ Abigail Allwood - một nhà địa chất học và là nghiên cứu viên hàng đầu trong Chiến dịch Mars 2020 của NASA, cũng đồng tình với phát hiện của ông Allen Nutman.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, Allwood cảm thấy rất kỳ lạ với cấu trúc của các stromatolit này. Cô và đồng nghiệp thuê trực thăng đến địa điểm mà Nutman từng phát hiện, cắt lấy một mẫu hóa thạch và bay trở lại vào ngày hôm sau.

Quay trở lại phòng thí nghiệm, Allwood cắt thứ được gọi là "stromatolit" này và nhận ra rằng nó không hề có dạng hình nón như báo cáo công bố.

Hóa thạch cổ xưa nhất thế giới chỉ là đá thông thường? - Ảnh 2.

Mẫu hóa thạch được cho là lâu đời nhất thế giới được tìm thấy trong một mỏm đá ở Greenland - Ảnh: LUCAS JACKSON/REUTERS

Trong một bài báo cũng được công bố trên tạp chí Nature, Allwood lập luận rằng đây chỉ là sản phẩm của quá trình biến động địa chất diễn ra cách đây hàng tỉ năm, hình thành nên các cấu trúc thoạt nhìn có vẻ giống như stromatolit.

Nutman và các đồng nghiệp đã phản bác lại, cho rằng các stromatolit ở Greenland có tồn tại các lớp bên trong, mặc dù không được bảo quản tốt như các mẫu stromatotit trẻ tuổi hơn ở Úc. Ông cũng chỉ ra sự khác biệt về hóa học của các cấu trúc hình nón. 

Allwood không đồng tình và chỉ ra một loạt "chứng cứ" khác chứng minh lập luận của mình. 

Phoebe Cohen - một nhà cổ sinh vật học và là phó giáo sư ngành địa chất tại trường Williams College, Mỹ cũng cho rằng giải thích của Allwood có nhiều khả năng đúng hơn, có nghĩa là mẫu vật hóa thạch đó thực chất chỉ là một cục đá đơn thuần. Rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đồng quan điểm với Allwood. 

Nếu những luận điểm của Allwood và những người ủng hộ cô là đúng thì 'hóa thạch cổ xưa nhất thế giới' thực sự là một cú nhầm lẫn 'lịch sử' trong giới khoa học.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn