Cuộc chiến chống gian lận của Apple ở Trung Quốc

Thứ Sáu, 19 Tháng Mười 20184:00 SA(Xem: 5437)
Cuộc chiến chống gian lận của Apple ở Trung Quốc

Nhiều người Trung Quốc tháo các thành phần có giá trị của iPhone ra rồi đem tới Apple Store báo hỏng, khiến Apple tốn hàng tỷ USD sửa chữa.


The Information mới đây viết về một cuộc chiến kéo dài 5 năm (từ 2013 đến 2018), tiêu tốn hàng tỷ USD giữa công ty sản xuất smartphone lớn nhất của Mỹ với những kẻ gian lận ở Trung Quốc, xoay quanh việc sửa chữa và bảo hành iPhone. Cụ thể, nhiều người mua hoặc ăn cắp iPhone, sau đó tháo các bộ phận có giá trị như CPU và màn hình ra, sau đó, đem máy tới Apple Store và tuyên bố rằng thiết bị đã bị hỏng để yêu cầu được bảo hành. Các bộ phận bị tháo ra được bán trên thị trường chợ đen sau đó.

large-1cf615e2-789a-41a5-9cbc-5573-6030-1539243691

Hành vi này bắt nguồn từ cơ chế tiếp nhận bảo hành sửa chữa khá thoải mái tại các Apple Store. Theo ước tính của đội ngũ quản lý, các trường hợp gian lận chưa tới hơn 10% số lượng máy mang tới sửa chữa.

Tuy nhiên, năm 2013, nhân viên phân tích dữ liệu của Apple đã đếm số lượng iPhone chuyển đổi Apple ID sau khi được sửa chữa để xem có bao nhiêu trường hợp gian lận đã được thực hiện. Vào quãng thời gian cao điểm, Apple phát hiện 60% các trường hợp sửa chữa và bảo hành ở Trung Quốc và Hong Kong là gian lận.

Trong năm tài chính 2013, Apple dự trữ 1,6 tỷ USD cho các chi phí sửa chữa bảo hành nhưng cuối cùng công ty tiêu tốn tới 3,7 tỷ USD. Sự chênh lệch được giải thích là do các trường hợp gian lận ở Trung Quốc. Apple sau đó phải đưa ra một báo động đỏ bởi điều này đồng nghĩa với việc công ty mất tới hàng tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là thời điểm cuộc chơi "mèo vờn chuột" giữa những kẻ gian lận với công ty điện thoại Mỹ bắt đầu.

Ban đầu, Apple ngừng tiếp nhận thiết bị từ các khách hàng không hẹn trước và yêu cầu mọi người phải đặt chỗ để đảm bảo rằng họ là chủ nhân thật sự của thiết bị. Hệ thống đặt chỗ này sau đó bị tin tặc khai thác lỗ hổng và đánh sập.

Apple sau đó yêu cầu nhân viên tại cửa hàng chạy phần mềm để chuẩn đoán xem iPhone mang tới bảo hành có bộ phận nào bị làm giả hay không, mà không cần tháo máy kiểm tra. Nhưng kẻ gian đã vượt qua thử thách này khá dễ dàng bằng cách làm cho iPhone không thể bật lên được.

Một số tên thậm chí còn tinh vi hơn. Chúng mua lại hồ sơ khách hàng của những chiếc iPhone đã được bán ra, sau đó sửa cấu hình iPhone giả để hiện lên thông số của máy đã bán. Việc này sẽ đánh lừa các đại lý, khiến họ tiếp nhận sửa chữa và bảo hành cho thiết bị đã hết hạn.

Apple luôn tìm ra những cách mới để phát hiện gian lận, nhưng những kẻ xấu cũng thích ứng không ngừng. Có trường hợp, một nhân viên quản lý tại Apple Store đã bị kẻ xấu đe dọa bằng vũ lực khi không chịu bán dữ liệu khách hàng.

Hiện Apple yêu cầu tất cả iPhone cần thay thế linh kiện phải được gửi đến các trung tâm sửa chữa đặc biệt, nơi có thể tiến hành các thử nghiệm nghiêm ngặt. Công ty thậm chí còn đưa vào áp dụng các biện pháp bảo mật cho từng thành phần của máy, bao gồm thuốc nhuộm vô hình trên pin và phủ lên CPU bằng chất chống thấm nước đặc biệt.

Theo báo cáo, tất cả rắc rối trên bắt nguồn từ nguyên tắc bảo mật các bí mật nội bộ của Apple, khiến công ty mất nhiều thời gian để xử lý các vấn đề này. Bởi sự việc liên quan tới quá nhiều bộ phận, từ hậu cần chuỗi cung ứng, bộ phận sản xuất tới các phòng AppleCare để các bên hợp tác cùng nhau trong việc đưa ra một giải pháp phù hợp.

Dù mất gần 5 năm, dường như Apple vẫn chưa tìm ra được một biện pháp hoàn hảo để chống lại nạn gian lận sửa chữa iPhone này. Theo ước tính, hiện tại tỷ lệ gian lận trong sửa chữa bảo hành thiết bị tại Trung Quốc đã giảm từ mức cao nhất 60% xuống khoảng 20%. Tuy nhiên, các vấn đề tương tự lại nảy sinh ở những thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út. Đây dường như là một cuộc chiến không có hồi kết cho công ty điện thoại lớn nhất thế giới.


(theo 9to5mac)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn