Tại sao phải mua điện thoại mới? Điện thoại tốt nhất là cái bạn đang có

Thứ Năm, 18 Tháng Mười 20185:00 CH(Xem: 6524)
Tại sao phải mua điện thoại mới? Điện thoại tốt nhất là cái bạn đang có

Cuộc chiến giành giật thị trường của những chiếc điện thoại đang được phơi bày rõ ràng. Tháng 9/2018, Apple cho ra iPhone mới, sang tháng 10, các hãng khác rục rịch trình làng: Google giới thiệu điện thoại Pixel mới, và còn có OnePlus, LG, Samsung…

(ảnh: Apple)
(ảnh: Apple)

Nhiều người trong chúng ta có thể sẽ đặt câu hỏi, chúng ta có thực sự phải mua thêm một (hoặc nhiều) chiếc smartphone nữa? Vì sao chúng ta phải mua điện thoại mới?

Trên các trang mạng tràn ngập các bài review về sự vui mừng hay thất vọng khi mở chiếc điện thoại mới của Apple. Điều này làm cho người tiêu dùng khó cưỡng lại cái ham muốn sở hữu chiếc điện thoại thời thượng với cấu hình mạnh và thiết kế bóng bẩy. Những cải tiến này làm cho chiếc điện thoại cũ với camera đơn hoặc bảo mật bằng vân tay trở nên lạc hậu.  

iphone-xs-gallery-2018-5
iPhone XS (ảnh: Apple)

Với một chiếc smartphone mới, người tiêu dùng dễ bị đánh lừa về vẻ bề ngoài hào nhoáng mà quên đi những mặt trái đối với người lao động, môi trường và thậm chí là thời gian của họ.

Thiết bị cần được ca ngợi chính là những chiếc điện thoại mà chúng ta đang sử dụng: bị va đập, trầy trụa, băng bó mà vẫn không yêu cầu chủ nhân của nó phải đổi sang cái mới hàng năm.

Lý thuyết Sashimi đằng sau cuộc đua công nghệ

Sashimi là tên của một loài cá. Khi những con cá đầu tiên được câu lên, nó rất đắt và được bán cho các nhà hàng sang trọng. Một thời gian sau đó, lớp cá thứ hai có giá chỉ bằng một nửa và được nhiều nhà hàng sử dụng làm thực đơn hơn. Đến lần câu thứ ba, thứ tư thì nó sẽ được coi là “cá chết” vì chẳng được mấy người trả giá. Vì vậy, bí quyết thành công trong thị trường điện tử chính là việc liên tục tung ra các sản phẩm mới và hiện đại. Cách làm này sẽ giúp bạn liên tục bán được giá, được gọi là thuyết Sashimi.

Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên trên Trái Đất là có hạn, nếu cứ mãi khai thác để thỏa mãn chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism), có thể chúng ta sẽ phải trả những chi phí khác mà nhà sản xuất không hề nhắc đến…

Những chi phí không được biết đến

Hầu hết chúng ta không được biết những câu chuyện đằng sau vẻ hào nhoáng và những chiến dịch marketing rầm rộ cho các sản phẩm công nghệ. Đó là những cái giá phải trả về vấn đề nhân quyền và biến đổi khí hậu.

Thiết kế sang trọng của một chiếc iPhone mới khiến người dùng cảm giác rằng các chức năng cơ bản được xử lý bên trong cái vỏ chống nước kia. Nhưng những chức năng xử lý quan trọng nhất và tiêu thụ năng lượng khổng lồ thực sự xảy ra ở phía máy chủ, ví dụ như xử lý và truyền phát video, thực hiện các tính toán và phân tích phức tạp hơn. Điện năng của pin chủ yếu chỉ phục vụ màn hình và một số nhỏ các chức năng khác.

Ứng dụng Siri không hoạt động bên trong điện thoại, nó nằm trong các cụm máy chủ HP ở trên đám mây. Máy chủ tiêu thụ lượng điện năng khổng lồ, nhất là khi so sánh với việc sạc chiếc smartphone mỗi đêm. Xem 1 tiếng video trên smartphone mỗi tuần trong 1 năm tiêu thụ điện năng tương đương với 2 chiếc máy giặt. Vậy mà, số điện năng tiêu thụ đó mới chỉ chiếm khoảng 20% trong suốt cuộc đời của điện thoại thông minh, còn phải tính đến cả lượng điện năng tiêu thụ cho quá trình sản xuất và phân phối.

Nếu các vật liệu sử dụng cho điện thoại được tái chế thì sẽ tốn thêm chi phí điện năng, nhưng ít nhất phần năng lượng tăng thêm này đã được tiêu hao có ý nghĩa.

(ảnh: Apple)
(ảnh: Apple)

Và dĩ nhiên, hầu hết rác thải điện tử đều được chất thành đống cao ngất ở các nước đang phát triển, tạo thành những núi rác thải độc hại, nơi những người nghèo khó đến tìm bới những thứ còn giá trị để bán. Dự báo sang năm tới, khối lượng rác thải điện tử sẽ đạt mức 60 triệu tấn.

Cuối cùng, tất cả các điện thoại thông minh đều mang trong nó một vài gram kim loại đất hiếm và các kim loại quý như vàng, thiếc, vonfram, và tantalum. Chúng được khai thác bởi các nô lệ trẻ em ở Congo. Đúng vậy: việc bạn mua một smartphone mới đã khiến cho những đứa trẻ phải đi vào các hầm tối để khai khoáng, đồng thời tăng sức mạnh cho các công ty và những kẻ đang bóc lột trẻ em. (Tuy nhiên, cũng có thể nói công bằng rằng, hầu hết các nhà sản xuất điện thoại thông minh đều cảm thấy tệ hại về việc khai thác lao động với các nô lệ trẻ em và họ cũng muốn tìm ra nguồn nguyên liệu không phụ thuộc vào việc bóc lột và giết hại trẻ em.)

(ảnh minh họa, trẻ em làm việc trong một khu mỏ tại Sierra Leone, ảnh: Public Domain)
(ảnh minh họa, trẻ em làm việc trong một khu mỏ tại Sierra Leone, ảnh: Public Domain)

Tại sao bạn lại cần thêm một chiếc điện thoại mới nữa?

Các công ty bao giờ cũng có lý do của mình. Hoạt động của các công ty luôn phụ thuộc vào các lao động nô lệ và việc phá hủy môi trường. Trong khi đó, các cổ đông luôn đòi hỏi công ty tăng trưởng theo mỗi quý, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ. Khi Apple bán ít hơn điện thoại so với năm trước, giá trị công ty trên thị trường của nó giảm xuống hàng tỉ đô la.

Vậy lý do để mua điện thoại mới của chúng ta là gì? Một chiếc tai nghe không dây hay chiếc vỏ chống nước có xứng đáng cho những đánh đổi về xã hội và môi trường? Bao nhiêu lời bình luận cao đẹp trên Facebook có thể bù đắp cho những thiệt hại gây ra bởi việc mua một chiếc điện thoại thông minh mới?

Câu trả lời duy nhất – câu trả lời thực sự là dành cho dân kỹ thuật – là học cách làm cho một chiếc điện thoại được sử dụng càng nhiều năm càng tốt. Thay vì phải mua để tránh lỗi thời, chúng ta sẽ lập trình, điều chỉnh và tìm cách giải quyết khác. Điều làm cho một chiếc điện thoại tuyệt vời không phải là nó mới như thế nào, mà nó dùng được bao lâu.

Đó là lý do tại sao người xứng đáng có được sự ngưỡng mộ của chúng ta, không phải là anh chàng sở hữu dòng smartphone hoặc máy tính xách tay mới nhất, mà là người phụ nữ đang sử dụng chiếc iPhone 3 và một chiếc MacBook Pro 2009. Không phải vì cô ấy là một người bảo thủ, mà vì cô ấy có khả năng thực hiện công việc hiệu quả trên các thiết bị mà những người ít rành rẽ hơn cho là lỗi thời.

Những thứ cũ lại trở lên tốt đẹp

“Đã đến lúc chúng ta, những người tiêu dùng công nghệ cần bắt đầu yêu cầu một điều khác hơn từ các nhà sản xuất: tuổi thọ cho sản phẩm.”

Đó là một yêu cầu to tát. Ngay cả khi điện thoại của chúng ta không lỗi thời về thiết kế, chúng cũng trở nên lỗi thời do việc nâng cấp hệ điều hành và các thay đổi về kết nối mạng. Các nhà phát triển ứng dụng có thể bị xóa sổ bởi một bản cập nhật iPhone duy nhất, và thường phải lựa chọn giữa việc phục vụ những người sử dụng hệ điều hành “cũ” hay những người sử dụng hệ điều hành mới.

dien-thoai-cu

Và khi càng nhiều người trong chúng ta gắn bó với điện thoại hiện có, các nhà phát triển sẽ chịu áp lực lớn hơn để duy trì khả năng tương thích ngược của các phần mềm.

Nếu chúng ta chọn mua chiếc điện thoại mới, chúng ta đang ủng hộ sự thay đổi chỉ để thay đổi mà thôi, va sẽ phải đánh đổi bằng tính ổn định, dễ sử dụng, phát triển mở, tính bền vững về môi trường, và các quyền con người cơ bản.

Vì thế, hãy yêu chiếc điện thoại mà bạn đang có.

Theo Digital Trends
Thiện Tâm tổng hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn