Nên đi làm một tuần 3-4 ngày ăn lương 5 ngày?

Chủ Nhật, 14 Tháng Mười 20187:00 CH(Xem: 6637)
Nên đi làm một tuần 3-4 ngày ăn lương 5 ngày?
bbc.com
Bryan Lufkin BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Nếu bạn có một công việc toàn thời gian thì nhiều khả năng bạn sẽ làm việc ít nhất là tám tiếng một ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta làm việc nhiều hơn rất nhiều. Elon Musk, sếp lớn của Tesla, trong một bài viết về chân dung mới đây trên New York Times nói rằng ông làm việc tới 120 tiếng mỗi tuần, tức là gần như triệt tiêu toàn bộ cơ hội để có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.


Dành ra quá nhiều thời gian để làm việc không có nhiều mặt tốt: rất nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới đã chỉ ra rằng làm việc quá nhiều sẽ khiến con người trở nên trầm cảm nhiều hơn và kém hiệu quả hơn.

Trong nỗ lực cải thiện cân bằng giữa cuộc sống và công việc của người lao động, các công ty, chính phủ trên khắp thế giới đang thử nghiệm việc cắt giảm giờ làm.

Đó là một động thái thu hút sự quan tâm to lớn - một thử nghiệm mới đây ở New Zealand đã lên trang nhất các tờ báo quốc tế với việc cắt giảm tuần làm việc từ năm xuống còn bốn ngày.

Nhưng tại sao lại dừng ở bốn ngày? Tại sao tất cả chúng ta không làm ba, hai, hay thậm chí chỉ là nửa ngày mỗi tuần? Liệu có một điểm tối ưu mà nếu vượt quá ngưỡng đó thì việc ít giờ hơn sẽ không có lợi ích gì?

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Thử nghiệm bốn ngày

Perpetual Guardian, một công ty tín thác và chuyến dịch vụ lập di chúc có trụ sở ở New Zealand, đã thử nghiệm việc cắt giảm hoàn toàn một ngày ra khỏi tuần làm việc.

Cách thực hiện như sau: trong hai tuần lễ trong tháng Năm, công ty yêu cầu 240 nhân viên làm việc bốn ngày mỗi tuần, mỗi ngày 8 tiếng, thay vì năm ngày. (Các nhân viên vẫn được trả lương cho năm ngày).


Các nhà nghiên cứu từ Đại học Aukland và Đại học Kỹ thuật Auckland sau đó đã khảo sát các nhân viên này. Kết quả là 24% cho biết sự cân bằng công việc - cuộc sống của họ đã được cải thiện, 7% nói rằng họ cảm thấy giảm áp lực. Trong khi đó, lãnh đạo công ty cho biết năng suất làm việc không hề giảm.

Ngay cả dịch vụ khách hàng cũng được cải thiện, ông Jarrod Haar, giáo sư về nhân sự và quản lý tại Đại học Kỹ thuật Auckland, người giúp giám sát dự án nghiên cứu, cho biết.

"Khi họ đưa ra thử nghiệm này, người sếp nói rằng nếu họ không duy trì được 100% hiệu suất trong khoảng đó trong vòng bốn ngày thì họ phải trở lại lịch làm việc bình thường. Nhờ vậy mà các nhân viên có động lực."

Dạng thử nghiệm này không chỉ diễn ra ở Nam Thái Bình Dương.

Hồi 2016, chính quyền thành phố Reykjavik ở Iceland đã công bố kết quả của nghiên cứu kéo dài một năm theo đó cắt giảm một nửa một ngày làm việc mỗi tuần cho các công chức toàn thời gian ở một số cơ quan ban ngành của thành phố.

Thí điểm này cho thấy cả chi phí và năng suất vẫn như cũ mặc dù thời gian làm việc ở công sở ít đi.

Thụy Điển cũng làm tương tự với một số thử nghiệm có liên quan đến một loạt các chủ lao động, từ các công ty khởi nghiệp cho đến các viện dưỡng lão - mà đáng chú ý nhất là ở Svartedalen, một cơ sở chăm sóc người già áp dụng thử chế độ làm việc 32 tiếng một tuần.

Ở Nhật Bản, nơi mà trong ngôn ngữ còn có riêng một từ để nói về hiện tượng 'chết vì làm việc quá sức', chính phủ đã đưa ra một biện pháp gọi là 'Thứ Hai sáng sủa', theo đó các công ty cho nhân viên cơ hội được đi làm trễ một buổi thứ Hai trong một tháng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giúp tiết kiệm tiền bạc cho công ty bởi vì những nhân viên hạnh phúc ít có khả năng nghỉ việc hơn, Jan Emmanuel De Neve, phó giáo sư kinh tế và chiến lược tại Trường Kinh doanh Saïd của Đại học Oxford, nói.


Trong công trình nghiên cứu của mình, ông đã nhận thấy rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nằm ở những ưu tiên hàng đầu để có cuộc sống viên mãn, thậm chí còn quan trọng hơn là việc họ có cảm thấy công việc của họ có hứng thú hay không.

"Quý vị muốn mọi người ở lại, bởi vì việc nhân viên liên tục ra đi thì vô cùng tốt kém," De Neve, người cũng là biên tập viên của Phúc trình Hạnh phúc Thế giới, giải thích.

Ông chỉ ra rằng vào năm 1930, kinh tế gia John Maynard Keynes đã từng dự đoán rằng cuối cùng tất cả chúng ta đều chỉ làm việc vào khoảng ít hơn 15 tiếng mỗi tuần nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ và năng suất.

Có thể cắt ngắn đến mức nào?

Vậy thì chúng ta có thể cắt ngắn tuần làm việc xuống đến mức nào? Bốn tiếng mỗi tuần thì sao?

Tác giả Tim Ferriss gần 10 năm trước đã nổi tiếng với cuốn sách, Tuần làm việc 4 giờ, đưa ra ý tưởng này.

Giả thiết là bạn có thể thoát ra khỏi nhịp sống quay cuồng với công việc bằng cách làm những việc như thu gọn những công việc thường xuyên xuống còn kiểm tra email hai lần mỗi ngày, dùng đồng hồ canh giờ trên mạng để tăng tốc hiệu quả công việc và chuyển giao việc xử lý hộp thư cho trợ lý ảo.

Một công ty khó có khả năng hoạt động được nếu như đội ngũ nhân viên chỉ làm việc có vài giờ một tuần - cuốn sách của Ferriss tập trung nhiều hơn vào việc giúp các cá nhân tối đa hóa hiệu quả công việc của bản thân.

Cắt giảm giờ làm có thể khiến chúng ta làm việc đạt năng suất cao hơn. Trong ví dụ về hãng Perpetual Guardian ở trên, tuần làm việc ngắn hơn thật sự thay đổi cách thức đội ngũ nhân viên làm việc để hoàn thành nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

Chẳng hạn như, mọi người đến đúng giờ và không về sớm, hoặc sẽ không có những giờ nghỉ giải lao dài (ở đây cần nhắc nhanh là trung bình chúng ta bỏ ra hai tiếng đồng hồ mỗi ngày để vào mạng xã hội).

Nếu tuần làm việc bốn giờ là không khả thi thì ít nhất liệu chúng ta có thể giảm xuống thành tuần làm việc hai hay ba ngày không?

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Không hề dễ dàng như thế, các chuyên gia nói - có một điểm đảo chiều khi mà chi phí bắt đầu vượt quá lợi ích, ngay cả đối với tuần làm việc bốn ngày.

Các thử nghiệm ở Thụy Điển và New Zealand được đề cập ở trên được báo chí đưa tin rất nhiều vào thời điểm đó - nhưng chúng ta hiếm khi nghe thấy về những gì diễn ra sau đó.

Một công ty giáo dục trực tuyến ở Portland, Oregon, cuối cùng cũng phải quay lại tuần làm việc bình thường là 40 tiếng sau khi thử nghiệm tuần làm việc bốn ngày. Cũng như nhiều công ty khác, Treehouse đã đối mặt với việc cắt giảm và dôi dư nhân viên - và không hay ho gì khi phải sa thải một số nhân viên trong khi những người còn lại tiếp tục làm việc bốn ngày một tuần.

Lợi bất cập hại

Giám đốc tiếp thị Treehouse là Megan Dorcey nói với BBC Capital rằng tuần làm việc đúng chuẩn năm ngày mỗi ngày tám tiếng cũng nuôi dưỡng tinh thần hợp tác tốt hơn cho toàn bộ công ty vốn nằm rải rác trên khắp các múi giờ của Mỹ.

Thêm vào đó, khách hàng muốn được phục vụ trong giờ làm việc thông thường - một lý do nữa khiến ý tưởng cắt ngắn tuần làm việc không được hoan nghênh.

Vậy còn thử nghiệm ở viện dưỡng lão Svartedalen ở Thụy Điển thì sao? Nó cũng không kéo dài được lâu. Chủ yếu là do người ta chỉ tính thử nghiệm này trong thời gian ngắn, nhưng kết quả cho thấy thời gian làm việc như vậy là không bền vững.

Ông Henrik Dahlberg, quản lý báo chí của thành phố Gothenburg, cho biết họ đã quay lại với tuần làm việc 40 tiếng như trước.

Tại sao? Để cho mọi người làm việc sáu tiếng mỗi ngày, viện dưỡng lão này phải tuyển thêm nhân viên đảm theo kịp khối lượng công việc - tức là họ phải bỏ chi phí ra nhiều hơn.

Dự án này và những dự án tương tự gây thiệt hại cho ngân sách chính quyền địa phương và tăng thêm thâm hụt trong khu vực phúc lợi. "Tính đến việc đó thì việc đề xuất cắt giảm triệt để thời gian làm việc khó mà thực tế," Dahlberg giải thích.

Dahlberg nói rằng lãnh đạo đảng Cánh tả trong chính phủ đã thúc đẩy thử nghiệm như thế nhiều hơn, nhưng sự thiếu thốn nhân lực được đào tạo và các điều kiện kinh tế khác khiến việc đó không khả thi.

Tuy nhiên, Dahlberg có chỉ ra trường hợp của một nhà máy Toyota ở gần đó vốn đó chuyển sang ngày làm việc sáu tiếng 13 năm trước đây và hiện giờ vẫn được thực hiện cũng như một bộ phận trong một bệnh viện đại học cũng có chương trình tương tự.

Mặc dù chi phí là một nhân tố quan trọng, vẫn có những cân nhắc khác nữa.

Ông Haar, thuộc dự án nghiên cứu ở New Zealand, nghi ngờ rằng giảm suất năng suất sẽ xảy ra nếu công ty yêu cầu nhân viên đi làm ít hơn bốn ngày một tuần - mặc dù có nhiều nhân viên sẽ hài lòng hơn nếu được làm việc chỉ ba ngày một tuần - thiệt hại về năng suất khiến khiến kế hoạch như vậy là không đáng.

"Tôi có cảm giác rằng việc cắt giảm thời gian làm việc đồng thời vẫn duy trì hiệu quả công việc có thể chấm dứt ở năm cho đến bốn ngày," ông Haar nói.

Giáo sư De Neve của Đại học Oxford cũng đồng ý. Cắt giảm thêm ngày và giờ làm việc 'sẽ trở nên ngày càng ít có tác dụng,' ông nhận định. Với việc giảm từ năm ngày xuống còn bốn ngày mỗi tuần, 'họ đã tìm thấy được điểm tối ưu.'

Còn về việc áp dụng dài hạn ở công ty Perpetual Guardian thì sao? Một phát ngôn nhân cho biết công ty vẫn chưa có quyết định liệu có áp dụng vĩnh viễn chế độ tuần làm việc bốn ngày hay không - hội đồng quản trị vẫn đang xem xét kết quả của nghiên cứu và đang cân nhắc.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn