UDG cho biết thành phố nói trên mang tên “Thị trấn Nghỉ dưỡng du lịch”, được xây dựng trên diện tích đất 1.200 ha ở tỉnh Koh Kong, phía Tây Nam Campuchia. Dự án bao gồm nhiều khách sạn hạng sang, văn phòng và công viên giải trí. Chi tiết cụ thể còn chưa nhiều nhưng việc xây dựng có thể bắt đầu vào năm sau.

Trong lúc chờ khởi công “Thị trấn Nghỉ dưỡng du lịch”, UDG đã bắt tay thi công một khu nghỉ dưỡng khác cũng ở tỉnh Koh Kong, với tên gọi Dara Sakor và có vốn đầu tư 3,8 tỉ USD. Từ năm 2008, UDG đã được cho thuê đất với thời hạn 99 năm để xây dựng Dara Sakor, nơi khi hình thành sẽ bao gồm một bến cảng và nhiều sòng bạc. Theo báo Guardian (Anh), nhiều dân làng đã bị di dời để lấy đất cho dự án, dẫn đến một số cuộc biểu tình.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen xác định đầu tư từ Trung Quốc là nguồn vốn quan trọng để phát triển đất nước. Trong lúc quan hệ với Liên minh châu Âu và Mỹ ngày càng xấu đi, ông Hun Sen hoan nghênh sự hỗ trợ của Trung Quốc cả về chính trị và tài chính.

Năm 2017, Trung Quốc đầu tư 1,7 tỉ USD vào Campuchia – đất nước có GDP khiêm tốn ở mức 20 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra việc doanh nghiệp Trung Quốc tràn vào Campuchia khiến nhiều công ty địa phương bị gạt ra lề. Thêm vào đó, văn hóa bản địa ở nhiều khu vực, như tỉnh Sihanoukville gần Koh Kong, bị mai một.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến, một tổ chức của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc có “động cơ sâu kín” khi đầu tư vào Campuchia, chứ không chỉ vì muốn “lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi” như họ tuyên bố. Trong báo cáo phát hành hồi tháng 4, tổ chức này phỏng đoán bằng cách nắm giữ các cảng ở Campuchia, Bắc Kinh có thể tiếp cận nhiều hơn các tuyến thương mại hàng hải và thậm chí là tiếp sức cho những yêu sách chủ quyền phi lý ở các vùng biển trong khu vực.

Theo Guardian