Tại sao ta ghét dùng email nhưng thích nhắn tin?

Thứ Sáu, 07 Tháng Chín 20185:00 SA(Xem: 7654)
Tại sao ta ghét dùng email nhưng thích nhắn tin?
bbc.com
Bryan Lufkin BBC Capital

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Khoảng 15 năm trước, tôi làm bán thời gian cho gian hàng đồ điện trong một thương xá. Cô đồng nghiệp hỏi tôi có "sử dụng tin nhắn" hay không.

"Tôi nghiện mất rồi," cô mở tròn mắt. "Tin nhắn quá vui đi."


Thời đó, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại kiểu cũ với màn hình LED và bàn phím bằng nhựa. Tôi không còn nhớ tin nhắn giới hạn số lượng ký tự ra sao, nhưng rõ ràng là ngắn hơn một dòng trạng thái trên Twitter, và phải mất đến 12 năm để bạn gõ hết ra được những gì muốn nói.

Tin nhắn chậm chạp, đắt tiền, và chỉ đủ số chữ cho 1/4 bài thơ Haiku. Tôi thành thật nghĩ rằng nó thật ngớ ngẩn, chỉ là thứ nổi lên nhất thời chứ chẳng thể tồn tại lâu.

Nhưng tôi đã sai lầm.

Tin nhắn đầu tiên ("Merry Christmas" - Chúc mừng Giáng Sinh) được gửi từ năm 1992 ở Anh Quốc. Sau đó tin nhắn lan rộng khi điện thoại di động trở nên phổ biến ở những nơi như Nhật Bản, rồi lan tới Hoa Kỳ một thời gian sau đó, nhưng đến những năm cuối thập niên 2000, tin nhắn đã có mặt ở khắp nơi.

Vào năm 2012, người ta ước tính rằng có đến 14,7 nghìn tỷ tin nhắn được gửi trên điện thoại di động khắp thế giới. Con số này tăng lên đến 28,2 nghìn tỷ tin nhắn vào năm 2017. Công nghệ này chẳng hề biến mất.

Nhưng một tin nhắn ngắn (SMS) và các hình thức khác của tin nhắn đã phát triển và trở thành một trong những phần cơ bản trong cách ta giao tiếp với nhau. Chúng phát triển và đổi lại là sự hi sinh của một hình thức giao tiếp kỹ thuật số khác có từ trước - đó là email.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chúng ta thường sử dụng email trong máy tính văn phòng gói gọn trong những cao ốc làm việc, vì thế chúng ta thường liên hệ email với công việc và sự vất vả

Chỉ trước đây không lâu, email vẫn còn là phương thức mới toanh để người ta giữ liên lạc.

Nhưng tình yêu của ta với email thật ngắn ngủi và rất nhiều người trong chúng ta thành thật ghét hộp thư, và thích gõ tin nhắn cho đến khi ngón cái đau nhức.


Vậy tại sao ta lại không ưa email đến vậy? Tại sao email lại là nguồn cơn của lo lắng, nhàm chán, và tội lỗi? Tại sao chúng ta ghét email nhưng lại yêu thích nhắn tin?

Nghiêm túc, nhàm chán và không cấp bác

Chỉ vài thập niên trước, tất cả chúng ta đều vui khi được nhận email, Tạp chí Altlantic nói.

AOL, nền tảng internet từng rất phổ biến ở Hoa Kỳ và Canada trong thập niên 1990 thậm chí còn chào đón người dùng với một câu khẩu hiệu "Bạn có mail mới!" ngay trên màn hình đăng nhập. Nhưng sự mới mẻ đã trôi qua.

Giờ đây, chỉ một ngày rời xa hộp thư công việc, ta kinh sợ phải bò qua hàng trăm email mới chờ đợi được hồi đáp lịch sự, với những phản hồi sâu sắc, và với những lời hứa nửa vời sẽ "ký lại hợp đồng" hoặc "hồi đáp lại".

Máy tính trong công ty của ta mắc kẹt với hàng chuỗi thư dài mà chúng ta đã lười biếng gửi kèm tới và những tin nhắn chung chung như "Gửi mọi người".

"Rất nhiều người sợ email vì nó là kênh cho những quảng cáo không ai muốn xem, một mớ thư rác, và những trò lừa đảo công khai hoặc "phishing" [thuật ngữ lừa ta click vào một đường link và tiết lộ thông tin cá nhân]," Michael Stefanone, giáo sư truyền thông tại Đại học Buffalo ở New York, nói. "Nói chung là nó không riêng tư và chỉ liên quan đến công việc."

Aimée Morrison, giảng môn viết trong kinh doanh tại Đại học Waterloo ở Ontario cho biết một lý do lớn khiến email bị người dùng ghét là vì nó có hình thức nghiêm túc, gò bó của một bản ghi nhớ trong văn phòng, với những ô trống cần điền như "gửi đến", "gửi từ", "tiêu đề" và "nội dung".

"Người ta từng dùng nó để đùa giỡn vì trước đó không có phương tiện nào khác để giao tiếp online," Morrison nói. Vào thời đó, không phải ai cũng có một địa chỉ email, hay có internet.

Nói ngắn gọn, thời đó email là mốt.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Rất nhiều thiếu niên ngày nay coi email là quá nghiêm túc để giao tiếp và họ thích sử dụng tin nhắn hơn

"Tất cả chúng ta đều có nhiều địa chỉ email ngu ngốc," Morrison nói. "Bạn phải nhớ những địa chỉ email ngu ngốc của mọi người - và bạn có chừng, 5 người quen có email, và tất cả đều thấy rất hay. Thời đó là vậy - email khi đó chưa được biết đến nhiều lắm."


Nhưng tỷ lệ người dùng email cho vui với người dùng email cho công việc đã thay đổi từ thập niên 1990, theo Morrison.

Những email không mong muốn và những email có nội dung không cấp bách bắt đầu ngập đầy hộp thư. Giờ đây, ta nhận email từ sếp, khách hàng, thậm chí từ những người hay công ty hoàn toàn xa lạ.

"Nếu bạn muốn mua một cái áo thun từ hãng Gap và được giảm giá 3 đô la Mỹ, bạn cho họ địa chỉ email," Morrison nói. "Và sau đó bạn sẽ nhận email từ họ mỗi ngày cho đến hết đời."

Chúng ta nhận quá nhiều những thư từ kiểu này đến mức không thể nào đọc hết được chúng, đến mức mọi người quyết định giải phóng tâm lý bản thân bằng cách bấm vào nút xóa hết toàn bộ email.

Sự gần gũi của tin nhắn

Cảm giác khó chịu "chỉ dành cho công việc" với email có lẽ là rõ ràng nhất với những người thuộc thế hệ hậu thiên niên kỷ, lớn lên mà không hề biết đến từng có một cuộc sống không hề có điện thoại thông minh (chứ không chỉ điện thoại di động). Thiết bị họ sử dụng luôn đi kèm với nhiều ứng dụng tin nhắn, và điều này đã thổi sức sống mới vào hiện tượng sử dụng tin nhắn.

Nhưng thế hệ Z không tiêu diệt email - một số ước tính cho thấy 85% số người thuộc Thế hệ Z (sinh trong khoảng những năm 2000 trở đi) coi email là giao thức liên lạc cần thiết, so với 89% thế hệ thiên niên kỷ và 92% thế hệ X (những người ra đời trong khoảng thời gian 1965 - 1980). Nhưng những người dưới 22 tuổi chắc chắn sử dụng email theo cách khác hẳn.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trong thập niên 1990, hầu hết mọi người nghĩ xài email thật vui vì không phải ai cũng xài, và email chưa tràn ngập đời sống công sở

Sharon Lauricella là giáo sư khoa học xã hội và nhân văn tại Học viện Công nghệ của Đại học Ontario.

Bà đã cho số điện thoại di động cho sinh viên suốt 10 năm qua. Có câu hỏi gì không? Nhắn tin cho tôi, bà nói với sinh viên.


"Tôi muốn gặp gỡ sinh viên ở nơi họ ưa gặp gỡ," bà cho biết. "Làm cách nào tôi có thể khiến các sinh viên liên hệ với tôi như con người với nhau?"

Bà đã nghiên cứu cách thức giới học thuật từ 18-24 tuổi sử dụng email, tin nhắn và Skype trong giao tiếp với các giảng viên của khoa. Bà nhận thấy sinh viên coi email là nghiêm túc, là cách giao tiếp coi trọng địa vị và tuổi tác.

"Email là phương tiện liên lạc được ưu tiên trong mối quan hệ mà một người lớn hơn người kia, ví dụ như giữa sinh viên và khoa, trong khi tin nhắn hay các kênh mạng xã hội được ưa thích hơn trong các quan hệ gần gũi hơn," bà nói.

Về bản chất, tin nhắn có tính cá nhân hơn. Bạn cần phải có số điện thoại của người đó - hoặc số điện thoại xài cho Whatsapp, hoặc tên Facebook Messenger - để bắt đầu trò chuyện. Trong hầu hết các trường hợp, là vì họ đã chấp nhận chia sẻ thông tin đó với bạn.

Với email, có một "thứ gì đó đòi hỏi hành động", Lauricella cho biết. Điều này có nghĩa là bạn phải bỏ chút công sức, đặc biệt vì nó quá gắn kết với công việc. Bạn phải phản hồi gì đó, hoặc bạn phải cam kết thực hiện điều gì đó.

Email cũng không có tính tức thời - bạn có thể nhận và phản hồi bất cứ lúc nào - điều này có thể khiến email chất chồng lên và ta cảm thấy quá tải. Phản hồi email nhanh chóng biến thành như làm việc nhà. Tất cả điều đó đều không tồn tại với tính chất nhanh chóng, cá nhân và thân thiện của tin nhắn.

Lauricella cho biết không có gì bất kính hay bất thường gì xảy ra trong suốt một thập niên bà nhắn tin với sinh viên, vốn chỉ đơn giản là hỏi về bài luận văn hoặc báo bà biết họ sẽ trễ học mà không cần phải suy nghĩ quá sâu sắc về từng từ họ nói.

Bà cũng cho biết bà tránh biến tin nhắn thành một hoạt động công việc đáng sợ vì email đã có sẵn tính chất bất thành văn mà ai cũng hiểu: một lần nữa, email không thân thuộc và nghiêm túc, và đòi hỏi phải có sự hồi đáp kỹ càng và dài hơn. Chúng ta hiểu điều này về mặt văn hóa, và bất cứ sự chậm trễ nào về mặt thời gian đều được chấp nhận vì email thường được gửi từ người mà chúng ta không quen thân, hoặc chẳng quen biết gì.

Bên cạnh đó, hầu hết sinh viên đều không muốn gửi email, và dĩ nhiên họ không muốn nói chuyện qua điện thoại luôn.

"Tôi không nghĩ mình đã từng nói chuyện qua điện thoại với sinh viên," bà nói. "Họ không bao giờ gọi tôi."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Điện thoại di động và công nghệ tin nhắn đã trở thành nền tảng của đời sống trong thế kỷ 21

Khi nào tin nhắn 'tàn đời'?

Nhưng liệu tin nhắn có gặp phải số phận tương tự như email ngay khi có một hình thức liên lạc khác "ngon lành" hơn xuất hiện?


"Một công nghệ [mới] sẽ kéo theo những công nghệ khác," James Ivory, giáo sư truyền thông tại Học viện Bách khoa và Đại học bang Virginia nói. "Vòng thích nghi ngày càng nhanh hơn."

Nói cách khác, internet và máy tính đã sinh ra email, thứ sau đó đã dẫn tới sự ra đời của điện thoại thông minh và tin nhắn. Và điện thoại thông minh, với máy ảnh có độ phân giải cao, giờ đây đã đem lại cho những người tiếp cận công nghệ mới nhất những phương thức luên lạc theo cách mới.

"Tôi nghĩ đơn giản là "nhắn tin" đã bị thay thế rồi," Stefanone từ Đại học Buffalo cho biết. "Snap [công ty mẹ của Snapchat] đã cho phép ta lý tưởng hóa hình ảnh ta thể hiện với bản thân mình qua các bộ lọc - hãy nhìn vào sự tăng trưởng của nó xem."

Con số người sử dụng Snapchat hàng ngày đã liên tục tăng trong mỗi quý từ năm 2014, với gần 200 triệu người dùng khắp thế giới trong quý đầu tiên của năm 2018.

Thế giới của những người nổi tiếng trên Instagram, những vlogger trên Youtube và ảnh động GIF đã tạo ra văn hóa hình ảnh trong liên lạc. GIờ đây đó không chỉ còn là tin nhắn bằng chữ - đó là hình ảnh, là ảnh động Boomerang [một loại ảnh động theo vòng lặp tạo ra hiệu ứng], một hình chú ngựa một sừng màu hồng hoặc một chữ bong bóng với nội dung "lit" [đã xỉn] hay "it me" [tôi cũng vậy - một meme phổ biến trên Twitter]

"Là giảng viên, tôi đã làm việc với sinh viên gần 20 năm qua," Lauricella nói. "Và mọi thứ đã chuyển qua hình ảnh nhiều hơn. Tin nhắn chữ chỉ thuần túy là từ ngữ - trong khi giờ đây nếu tôi muốn con gái tôi chú ý, tôi sẽ gửi cho nó một tin nhắn Snapchat. Tôi sẽ gửi hình ảnh mặt vui vẻ và hỏi 'Con có thể đổ rác được không?'"

Tôi để ý đến điều này trong đời sống của mình. Các tin nhắn Facebook bắt đầu chất chồng lên, khiến tôi trì hoãn việc phản hồi và sau đó cảm thấy tội lỗi. Có lẽ chúng bắt đầu gợi nhắc cho tôi quá nhiều về email?

Nhưng cho dù chúng ta có bao nhiêu sự tiếc nuối chăng nữa, thì email vẫn còn một điều gì đó xứng đáng vớt lại.

"Chúng ta đang mất một thứ khi email dần ít đi - đó là không ai thực sự sở hữu email nữa," Ivory cho biết. "Hầu hết công nghệ và ứng dụng đang cạnh tranh nhau để thay thế email đều do ai đó tư hữu - đó là CEO của Snap, đó là CEO của Facebook. Dù tốt hay xấu, chúng ta đang dần mất đi một trong những công nghệ công cộng tuyệt vời nhất trên web."

Chắc chắn là sẽ có ai đó tranh luận là Microsoft sở hữu Hotmail, hay Google sở hữu Gmail. Nhưng ý tưởng chủ đạo về email không do một công ty nào sở hữu theo cách các ứng dụng hay dạng thức tin nhắn đang trở thành. Hoặc, đó là cách email được sáng tạo ra.

Có thể không đủ thuyết phục để mọi người quay trở lại yêu thích dùng email, nhưng nếu tin nhắn bằng chữ cũng dần dần được thay thế bằng các công cụ truyền thông dựa trên ứng dụng, thì cách thức chúng ta nhắn tin cho nhau sẽ ngày càng lệ thuộc vào quy định mà các công ty lập ra.

Tuy nhiên, trong thực tế tin nhắn sẽ chỉ có thể "tàn đời" nếu chúng trở nên gắn chặt với công việc như email.

"Ngay khi sếp nhắn tin cho bạn," thế là hết, Morrison cho biết. Sẽ chẳng còn gì vui nữa.

"Việc này giống như bạn tổ chức một bữa tiệc cocktail trong văn phòng và tự hỏi sao không vui gì hết."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn