'Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo'

Chủ Nhật, 12 Tháng Tám 20186:00 CH(Xem: 6174)
'Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo'
bbc.com
Richard Hollingham BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào ngày 18/05/2009, ở độ cao 570km bên ngoài Trái Đất, phi hành gia John Grunsfeld trở thành người cuối cùng chạm tay vào Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Trước khi quay trở lại buồng khí của Tàu vũ trụ Atlantis ở chặng cuối chuyến du hành không gian đầy vất vả, ông nhắc lại lời nói của huyền thoại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Arthur C Clarke.

"Cách duy nhất để biết được giới hạn của những điều có thể đạt được là phải vượt qua chúng để vươn tới những điều không thể," ông nói qua điện đàm với các nhân vật quan trọng khi đó đang có mặt ở trung tâm điều hành.


"Trong hành trình này, chúng tôi đã thử làm một số thứ mà nhiều người nói là không thể... Chúng tôi dành cho Kính viễn vọng Hubble những lời chúc tốt đẹp nhất."

Phi hành đoàn thả Hubble trở lại vào quỹ đạo và khi tàu Atlantis quay đầu, chiếc kính hình trụ lấp lánh dần biến mất vào không gian.

Ngày nay, với đội Tàu Con Thoi nằm yên không hoạt động, người ta không có cách nào khác để thực hiện tiếp nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa kính Hubble.

Mọi thứ đều ổn, kính Hubble sẽ vẫn hoạt động trong vài năm tới và tiếp tục tiết lộ cho chúng ta biết sự kỳ vĩ của Vũ trụ. Nhưng trong thập niên tới, các bộ phận của vệ tinh sẽ dần hỏng hóc và quỹ đạo của chiếc kính sẽ dần sai lệch.

Là một trong những nỗ lực khoa học quan trọng nhất của nhân loại từ trước tới nay, số phận kính Hubble đã được định đoạt từ trước - nó sẽ vỡ tan thành từng mảnh khi đi vào bầu khí quyển của Trái Đất vào đầu thập niên 2030. Nó sẽ đi theo con đường mà rất nhiều vật thể không gian khác trong lịch sử đã trải qua - từ vệ tinh đầu tiên và "phi hành gia" chó Laika, đến Skylab và Trạm không gian Mir.

Nhưng vẫn còn một cách "không thể" khác.

"Đó hẳn sẽ là một kết thúc đầy đau đớn cho vật thể đáng được tôn vinh như vậy," Stuart Eves, chủ tịch diễn đàn Trao đổi Thông tin Không gian (Space Information Exchange), một tổ chức chính phủ và công nghiệp của Anh Quốc về an ninh không gian và cơ sở hạ tầng, nói. Ông cũng là kỹ sư vệ tinh và chuyên gia về mảnh vụn trong không gian.

"Nhưng thay vì để nó vỡ tan, ta có thể áp dụng cách giống như cách ta đã bảo tồn những con tàu, máy bay, xe hơi và xe lửa quan trọng trong bảo tàng," ông nói, "chúng ta có thể chăm sóc kính Hubble và giữ gìn nó cho hậu thế."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tàu Con thoi đã trở về Trái Đất, nhưng còn nhiều vật dụng nhiều ý nghĩa khác vẫn đang trôi nổi trên quỹ đạo

Thay vì đưa kính trở lại Trái Đất - một nhiệm vụ tốn kém và đầy thách thức (Tàu Con Thoi từng thực hiện thành công vào năm 1984 với hai vệ tinh liên lạc) - Eves kêu gọi Hoa Kỳ bảo tồn kính viễn vọng trong không gian.

Trước khi kính Hubble bắt đầu nhiệm vụ cuối cùng, Nasa đã nghiên cứu khả năng sử dụng tàu vũ trụ robot để kết nối và sửa chữa vệ tinh này thay vì nhờ đến các phi hành gia.


Eves muốn sử dụng công nghệ tương tự để giữ kính viễn vọng tiếp tục ở trong quỹ đạo.

"Một vệ tinh có thể móc vào kính viễn vọng, chỉ nó đúng hướng đi và đẩy nó lên quỹ đạo cao hơn, để nó có thể ở vị trí đó một thời gian," ông nói.

"Sau đó bạn sẽ vấp phải một vấn đề - giống như những giám tuyển bảo tàng thường làm - là phải tìm cách bảo tồn hiện vật chống lại sự tàn phá của thời gian, chẳng hạn như do tia phóng xạ, hay nguy cơ nó bị những mảnh vụn khác trong không gian va vào."

Giải pháp mà ông đưa ra là phóng một vệ tinh nhỏ - loại vệ tinh có tên CubeSat có kích cỡ bằng hộp đựng giày - vào cùng quỹ đạo với kính Hubble để thực hiện vai trò bảo vệ hoặc làm giám tuyển ảo cho chiếc kính viễn vọng.

"Bạn có thể phóng một camera robot nhỏ bay vòng quanh hiện vật và quay phim lại để cho khách thăm bảo tàng xem bằng kính thực tế ảo VR chẳng hạn," ông cho biết. "Ít nhất, chúng ta sẽ có thể có tài liệu ghi nhận về kính Hubble."

Công nghệ vệ tinh dạng hộp cũng có thể được sử dụng để quan sát những hiện vật không gian quan trọng khác như Telstar - vệ tinh truyền hình đầu tiên - được phóng vào năm 1962 và giờ đây vẫn bay trong quỹ đạo hình ellip trong khoảng 1.000 đến 5.600km bên trên Trái Đất, hay vệ tinh Vanguard-1, vật thể không gian lâu đời nhất giờ vẫn còn bay trên quỹ đạo.

Bản quyền hình ảnh NASA
Image caption Vệ tinh Vangaurd satellite - vật thể do con người tạo ra và đưa lên quỹ đạo sớm nhất - có thể trở thành một điểm thu hút du khách

"Vệ tinh CubeSat đã được cân nhắc sử dụng cho việc quan sát Trạm Không gian Quốc tế," Eves cho biết. "Một camera có độ phân giải cao có thể bay vòng quanh trạm để khảo sát tình trạng của trạm và xem có hư hại gì bên ngoài mà ta phải chú ý không."

Eves không chỉ muốn bảo tồn những vệ tinh trong quỹ đạo vòng quanh Trái Đất.


Với kế hoạch trở lại Mặt Trăng của Nasa, người ta ngày càng quan ngại các chuyến thám hiểm không gian có con người hoặc robot sẽ bỏ lại những vật thể gây nguy hại trong vũ trụ.

Một tổ chức quốc tế mới tên gọi For All Moonkind, gần đây đã kêu gọi ý thức về vấn đề này. Chẳng hạn, tổ chức này đề xuất những đạo luật mới từ Liên hiệp quốc để bảo vệ tàu hạ cánh, lá cờ, và vết chân của những phi hành gia từ tàu Apollo.

Mặc dù trong tương lai, có thể sẽ đến một ngày nào đó chúng ta có bảo tàng trên Mặt Trăng, hay ít nhất là một kiểu bảo tồn nào đó cho những hiện vật không gian quan trọng, những thứ bị bỏ lại xứng đáng được đưa trở về Trái Đất.

"Tôi ủng hộ ý tưởng nên có một số hoạt động giám tuyển và bảo tồn hiện vật và theo dõi những dấu vết hóa thạch như dấu chân," Eves nói. "Nhưng tôi không nghĩ chúng nên quá nghiêm ngặt tới mức ta không thể khai thác được thêm lợi ích khoa học nào từ chúng."

"Một trong những đề xuất lạ lùng nhất mà tôi từng nghe là quay trở lại và nhặt những túi phân mà phi hành gia đã bỏ lại," ông nói. "Các nhà sinh học không gian sẽ rất vui tìm hiểu xem vi khuẩn trong phân sống ra sao khi phải đối mặt với môi trường không gian cực kỳ khắc nghiệt." Nó chắn chắn sẽ là một cuộc trưng bày khác thường trong bảo tàng.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Những vết chân của các nhà du hành vũ trụ đi chuyến Apollo nhiều khả năng sẽ là thứ chúng ta nỗ lực bảo tồn

Đây không phải là lần đầu tiên hiện vật từ Mặt Trăng trở về Trái Đất.

Vào 11/1969, phi hành đoàn của tàu Apollo 12 đưa trở lại chiếc camera từ tàu thăm dò robot tên Surveyor-3 để nghiên cứu.

Những phát hiện ban đầu thậm chí cho thấy chiếc máy ảnh có một quần thể vi khuẩn đã sống sót được trên Mặt Trăng. Tuy nhiên sau đó, những vi khuẩn này được xác định rằng nhiều khả năng là do tiến trình bảo đảm vệ sinh không tốt, đã có ai đó hắt hơi vào chiếc máy camera trong quá trình kiểm tra, xem xét.

Trong vòng thập niên tới, rất có thể con người một lần nữa sẽ lại đặt chân lên Mặt Trăng và nhìn thấy dấu chân đầu tiên của Neil Armstrong.

Nhưng liệu phi hành đoàn của Tàu Con Thoi Atlantis vào năm 2009 có phải là những người cuối cùng nhìn cận cảnh kính viễn vọng Hubble không?

Không hẳn thế.

Các thế hệ tương lai sẽ có thể bay vòng quanh Trái Đất trong tàu vũ trụ cá nhân để xem xét các vệ tinh. Nhưng trong thời gian trước mắt, chỉ một số ít những ai có đặc quyền mới có thể một lần nữa sẽ được nhìn cận cảnh một số hiện vật lịch sử trong không gian.

"Nhiều công ty đang thảo luận nghiêm túc về việc xây khách sạn không gian, quỹ đạo họ sẽ chọn là gì?" Eves đặt câu hỏi. "Một quỹ đạo trùng với kính Hubble có thể giúp họ thấy được điều kỳ diệu bên ngoài cửa sổ - khi bạn nhìn xuống Trái Đất, sẽ thật tuyệt nếu bạn thấy Kính viễn vọng Hubble bay ngang qua."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn