Nguồn gốc của những "chuyến bay ma" làm náo loạn bầu trời London

Thứ Bảy, 11 Tháng Tám 201810:00 CH(Xem: 8511)
Nguồn gốc của những "chuyến bay ma" làm náo loạn bầu trời London

Sân bay Heathrow (London) đông đảo bậc nhất thế giới mà lại có những chuyến bay “không người”? Cùng tìm hiểu nguyên nhân có 1-0-2 đằng sau đó.

Nếu có dịp đáp xuống sân bay Heathrow ở London, bạn sẽ choáng ngợp với lượng hành khách cực khủng của một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới.

Ước tính mỗi năm Heathrow đón tới 78 triệu hành khách, tương đương với sân bay O’Hare của Chicago. Thế nhưng nếu như O’Hare có đến 7 đường băng thì Heathrow chỉ có 2 mà thôi. Vì vậy, đối với các hãng bay thì Heathrow quả thật là "đất lành chim đậu" kèm với "đất chật người đông".

Sân bay Heathrow chỉ có 2 đường băng so với sân bay O’Hare – 7 cái.
Sân bay Heathrow chỉ có 2 đường băng so với sân bay O’Hare – 7 cái.

Điều đó dẫn tới việc các hãng bay không thể muốn đậu ở Heathrow vào lúc nào cũng được. Họ buộc phải mua "slot pair" (cặp chỗ đậu) - tức là trả phí cho không gian cất cánh và hạ cánh xuống Heathrow. Chỗ đậu này vô cùng đắt đỏ nhưng luôn trong tình trạng "cháy hàng". Bởi mỗi ngày chỉ có 650 slot pair mà thôi.

Hãy xét ví dụ sau để thấy sự đắt đỏ của Heathrow. Tính đến năm 2016, hãng Kenya Airways vẫn sở hữu giờ hạ cánh vào 6:30 và bay đi vào 8:30 hàng ngày. Đây được xem là "khung giờ vàng" mà các chuyến bay đêm từ Mỹ, châu Á... đều tranh giành nhau.

Trung Đông cũng không ngoại lệ. Hãng Oman Air đã mua đứt khung giờ 6:30 và 8:30 sáng từ Kenya Airways với số tiền "đè chết người" 75 triệu USD - cao kỷ lục từ trước đến nay.

Về phần Kenya Airways, họ đã đánh mất khung giờ chính yếu để khai thác chuyến từ thủ đô Nairobi của quốc gia châu Phi đến London vì gánh nặng tài chính.

Nhưng mua slot pair là một chuyện, giữ được nó lại là chuyện khác. Nếu ai mua khung giờ bay xong mà "chỉ" khai thác nó ít hơn 80%, hãy chuẩn bị tinh thần trả lại cho Heathrow vì nhiều hãng khác đang chờ!

Và đây chính là lúc "ghost flights" - những chuyến bay ma của Heathrow ra đời. Chắc bạn cũng lờ mờ đoán được lí do rồi chứ?

Cảnh tượng đông đúc đã quá quen ở Heathrow.
Cảnh tượng đông đúc đã quá quen ở Heathrow.

Việc này như sau, vào đầu năm 2007, hãng British Mediterranean thông báo sẽ hoãn vô thời hạn chuyến bay từ London đến Tashkent, Uzbekistan. Bình thường tuyến này đi từ London vào 2:35 chiều và sẽ về lại London vào 12 giờ trưa hôm sau.

Lí do hoãn là bất ổn chính trị ở Tashkent và theo hãng bay, việc này làm họ không kịp trở tay. Họ không thể nào mở một chuyến bay quốc tế mới thay thế cho khung giờ trên. Không có đủ thời gian để tuyển nhân viên sân bay, nhân viên hành lý, thông dịch viên và hàng tá việc khác.

Kết quả, British Mediterranean chịu lỗ bất chấp. Họ yêu cầu phi hành đoàn bay đến Cardiff (thủ phủ xứ Wales) vào 2:35 chiều, nghỉ qua đêm rồi... trở về London trưa hôm sau. Lưu ý là quãng đường này chỉ vỏn vẹn có... 244km.

Được biết, các chuyến bay London - Cardiff không chở hành khách, không để kiếm lời mà chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu "khai thác khung giờ từ 80% trở lên" của Heathrow. Nói chung là nhằm giữ chỗ!

Khỏi phải nói, việc làm của British Mediterranean gây phẫn nộ cho các tổ chức bảo vệ môi trường và nhiều người dân, bởi quãng đường bay chưa tới 250km đã có thể thải ra đến 5 tấn CO2 độc hại.

Dù vậy, máy bay của hãng trên vẫn đều đặn đi về giữa London với Cardiff suốt hàng tháng trời. Sau vụ việc, tên gọi "ghost flight" - những chuyến bay ma cũng trở nên rất phổ biến.

Thật ra, trước đó, việc sử dụng các "chuyến bay không hành khách" đã diễn ra nhưng không nổi đình đám như với British Mediterranean. Rốt cuộc, sau những pha lỗ liên tiếp thì vào cuối năm 2007, hãng này đã phải bán mình cho chủ mới.

Sau tất cả, Heathrow vẫn đông đúc cực kỳ!
Sau tất cả, Heathrow vẫn đông đúc cực kỳ!

Ngày nay, chiêu trò "chuyến bay ma" dường như đã không còn sau cú ngã đau của British Mediterranean.

Thế nhưng biến thể của nó thì vẫn có. Vào mùa đông khi nhu cầu bay của hành khách giảm, nhiều hãng bay đã cắt bớt tuyến đường dài để tăng thêm chuyến bay nội địa hoặc quãng đường ngắn.

Mà đến nay, Heathrow vẫn chỉ có... 2 đường băng và đang được tận dụng đến 99% công suất. Bài toán tìm mua rồi giữ vững khung giờ bay vẫn luôn làm nhức đầu các hãng bay ở Heathrow - sân bay đông đúc, đắt đỏ và độc đáo bậc nhất của thế giới.

 Theo helino
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn