Vì sao bạn phải tắt sóng điện thoại khi lên máy bay?

Thứ Tư, 01 Tháng Tám 20184:00 CH(Xem: 7835)
Vì sao bạn phải tắt sóng điện thoại khi lên máy bay?
Ở Việt Nam quy định về việc tắt điện thoại khi máy bay chuẩn bị cất hạ cánh giờ đã được nới lỏng đáng kể, Vietnam Airlines, Jetstar chỉ yêu cầu chuyển sang chế độ máy bay, riêng Vietjet vẫn yêu cầu tắt hẳn mới chịu chứ airplane mode cũng không được. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao bạn phải tắt điện thoại trên máy bay chưa, ngoại trừ lý do xung đột tín hiệu với thiết bị dẫn đường?

Trang Vice hồi đầu năm có nói chuyện với một tiếp viên hàng không giấu tên, tạm gọi người này là Betty. Betty kể: "Chẳng ai tắt điện thoại cả. Thậm chí tôi cũng không tắt. Tất cả những mệnh lệnh đó thực chất chỉ là để dự phòng mà thôi. Cứ để điện thoại của bạn bật lên đi. Chẳng ai quan tâm đâu".

Patrick Smith, một phi công Mỹ và cũng là tác giả quyển Cockpit Confidential, thì không "tự tin" như thế. "Liệu một thiết bị có thể xung đột với chuyến bay không? Điều đó phụ thuộc vào thiết bị là gì và nó được sử dụng khi nào, vào lúc nào". Nhưng ông cũng thừa nhận rằng việc yêu cầu hành khách tắt điện thoại chỉ là một biện pháp an toàn hơn là cách né một mối đe dọa thật sự.

Ví dụ, với laptop, Smith nói rằng năng lượng nó phát ra rất nhẻ, ngay cả với những chiếc laptop đời cũ. Mối nguy hiểm thật sự của laptop đó là nó có thể rơi vào người hoặc biến thành một vật thể bị bắn đi với tốc độ cao làm bị thưởng người khác khi máy bay gặp sự cố trong quá trình cất hạ cánh hay có va chạm.

Còn với điện thoại, Smith nói rằng vẫn có khả năng sóng điện thoại nhiễu vào radio của phi công, nhưng trong đa số trường hợp thì điều đó không diễn ra. Tất nhiên, với các nhà làm luật thì họ luôn đặt vấn đề an toàn lên trên hết - phòng bệnh hơn chữa bệnh - thế nên Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ mới ra quy định tắt thiết bị điện tử trong lúc cất hạ cánh. Vì khi có sự cố xảy ra, người đầu tiên bị trách sẽ là các cơ quan này chứ không phải là hành khách.

Ông nói thêm thiết bị điện tử của máy bay được thiết kế và bảo vệ khỏi các xung đột tín hiệu này nên không sao cả. Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có trường hợp nào chứng minh rõ ràng rằng việc sử dụng điện thoại trên máy bay có ảnh hưởng tới kết quả chuyến bay.

Smith thừa nhận rằng trong đa số các chuyến bay, rất nhiều hành khách hoặc lười tắt hoặc quên tắt điện thoại của mình. "Ít nhất phân nửa số điện thoại vẫn được bật". Ngoài ra, ông chia sẻ là nếu điện thoại thật sự nguy hiểm thì quy định sẽ siết chặt hơn chứ không phải như hiện tại mỗi hãng muốn làm gì thì làm.

Đã có 2 trường hợp nghiêm trọng được ghi nhận: vụ rơi máy bay Crossair ở Thụy Sĩ năm 2000 khi tín hiệu của phi công bị nhiễu vì sóng lạ, và vụ thứ hai là rơi máy bay ở New Zealand năm 2003. Nhưng các ca này là ngoại lệ và vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Trong khi đó, một phi công khác viết trên trang airlineupdates.net rằng khi người này lái máy bay thì hay nghe tiếng "dit d-dit d-dit d-dit…" giống như khi bạn để điện thoại gần loa. "Tôi thật sự đã nghe những tiếng nhiễu này trên radio khi bay. Có thể nó không ảnh hưởng nhiều tới an toàn nhưng nó phiền lắm." Ví dụ có 50 người cùng bật điện thoại, tức là 50 chiếc luôn tìm sóng và điều đó sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều tới các phi công.

Còn một lợi ích nữa của việc tắt điện thoại hoặc tắt sóng điện thoại trên máy bay: nó giúp cabin đỡ ồn hơi vì người ta không thể gọi điện thoại và oang oang bàn tán việc. Đồng ý với điều này!

Tóm lại, có nên tắt sóng điện thoại khi bay không? Theo mình là có, phòng bệnh hơn chữa bệnh, khi máy bay rớt vì một cú điện thoại nào đó thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để sửa sai nữa rồi. Ngoài ra, việc tắt điện thoại để tránh làm ồn trong một không gian kín như vậy là điều vô cùng cần thiết. Chỉ cần bật Airplane Mode lên là xong, chứ yêu cầu tắt hẳn máy như Vietjet Air thì tiêu cực quá.

Ảnh: Quartz
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn