Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố duy trì cấm vận Bình Nhưỡng

Chủ Nhật, 08 Tháng Bảy 20185:54 SA(Xem: 5278)
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố duy trì cấm vận Bình Nhưỡng
mediaTừ trái qua: Các ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Nhật Taro Kono và Hàn Quốc kang Kyung Wha thể hiện tình đoàn kết trong cuộc gặp báo chí tại Tokyo 08/07/2018.Andrew Harnik/ Reuters

Họp báo chung với hai đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo ngày 08/07/2018 để thông báo về kết quả sau hai ngày công tác tại Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến một số "tiến bộ" trên hồ sơ giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên Washington vẫn duy trì chính sách cấm vận Bắc Triều Tiên cho tới khi nào quốc gia này "phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng".

Theo giới quan sát, trong hai ngày làm việc 06 và 07/07/2018 tại Bình Nhưỡng, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, đã có cuộc đàm phán "gay go" sáu giờ đồng hồ với ông Kim Yong Chol. Nhân vật  được xem là cánh tay mặt của nguyên thủ Bắc Triều Tiên Kim Un.

Trong buổi họp báo với hai đồng nhiệm Hàn Quốc và Nhật Bản, ngoại trưởng Mỹ một lần nữa đã nhấn mạnh rằng tiến trình "phi hạt nhân hóa được hiểu theo nghĩa rộng", bao gồm cả một loạt các loại vũ khí và phía Bắc Triều Tiên hiểu "không phản đối điều này".

Đánh giá về hai ngày làm việc tại Bình Nhưỡng, ông Pompeo cho biết đôi bên đã có những trao đổi "rất có hiệu quả".

Nhận xét này trái ngược với quan điểm của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên xem đối thoại với ông Mike Pompeo là "đáng tiếc". Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên chỉ trích Hoa Kỳ đàm phán theo kiểu các "băng cướp gangster", để ép Bắc Triều Tiên. Theo Bình Nhưỡng, thái độ này "vi phạm tinh thần của thượng đỉnh

Từ thủ đô Seoul thông tín viên Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết:

Bắc Triều Tiên đã sử dụng trở lại giọng điệu hung hăng mà từ nhiều tháng qua quốc gia này đã tạm gác lại một bên. Một phát ngôn viên của bộ ngoại giao nước này tuyên bố : "Mỹ yêu cầu giải trừ vũ khí hạt nhân theo kiểu của các băng gangster".

Bình Nhưỡng "rất thất vọng" vì các cuộc đàm phán với ngoại trưởng Mike Pompeo và bác bỏ những đòi hỏi của phía Hoa Kỳ về tiến trình phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Những lời chỉ trích trên đây của Bình Nhưỡng càng củng cố thêm lập trường hoài nghi của một số nhà phân tích tại Seoul, theo đó Bắc Triều Tiên chưa bao giờ có ý định từ bỏ vũ khí nguyên tử.

Quan điểm của bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của ông Pompeo cho rằng Washington và Bình Nhưỡng đã có những cuộc trao đổi "hiệu quả" và đôi bên đã đạt được những "tiến bộ quan trọng".

Tuy nhiên ông Pompeo cũng nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm. Đây là cách nói để làm giảm nhẹ thực tế, trong lúc chế độ Bình Nhưỡng dường như đang muốn kéo dài các vòng đàm phán để câu giờ.

Hai cái nhìn hoàn toàn khác nhau về cùng một vấn đề ?

Làm sao có thể giải thích về quan điểm của Washington và Bình Nhưỡng hoàn toàn trái ngược nhau trên tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên? Theo lời nhà báo Dorian Malovic đặc trách về hồ sơ châu Á của tờ La Croix, đây là chiến thuật của Bình Nhưỡng buộc Hoa Kỳ phải đàm phán. Bắc Triều Tiên ý thức được rằng chính quyền Trump không thể để thất bại trên hồ sơ quan trọng này. Dorian Malovic phân tích :

"Đây mới chỉ là một giai đoạn, chưa phải là hồi kết. Như thông lệ ở Hoa Kỳ cánh tân bảo thủ luôn quan niệm rằng, Donald Trump bị lừa trong thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua và Bắc Triều Tiên không có tiến bộ nào trên hồ sơ nguyên tử, không đưa ra bằng chứng về quyết tâm giải trừ hạt nhân.

Trên thực tế, tiến trình mới chỉ bắt đầu. Về phía chính quyền Mỹ, Washington cố gắng đưa ra những tín hiệu tích cực để chứng minh rằng tổng thống Trump đã không mắc phải sai lầm. Tôi nghĩ là tình cảnh này sẽ kéo dài cho đến bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Sau đó chúng ta mới biết được là Donald Trump có thay đổi thái độ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên hay không và đôi bên có giữ lời hứa hay không.

Trong mọi trường hợp, cần nhắc lại là bản tuyên bố Singapore nêu lên 4 điểm một cách chung chung, mà mỗi điểm đều cần được đi sâu vào chi tiết khi bắt đầu đàm phán. Điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn