Lo biểu tình: chính quyễn VC cưỡng bức công dân rời khỏi thủ đô

Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu 201812:01 CH(Xem: 8113)
Lo biểu tình: chính quyễn VC cưỡng bức công dân rời khỏi thủ đô
35476424_10209052149541273_910316059234402304_n
Sự việc xảy ra vào trưa ngày 15/6/2018 khi tôi đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc học phần môn Tư pháp Quốc tế sẽ diễn ra vào lúc 17h30 cùng ngày. Tuy nhiên, khi máy bay vừa đáp xuống Hà Nội tôi đã bị câu lưu và bị cưỡng bức quay trở lại Sài Gòn nên không thể đến được phòng thi.
Diễn biến câu lưu tại sân bay nghiêm trọng đến mức như thể tôi là một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm.
Khi máy bay vừa đáp xuống, hàng chục nhân viên an ninh Bộ Công an đã đứng đợi sẵn, khi tôi vừa bước ra khỏi cửa máy bay thì họ xông tới, nắm lấy tay tôi rồi dẫn tôi xuống những chiếc xe đã đậu sẵn ngay trong bãi đỗ máy bay rồi chở thẳng về Đồn Công an Sân bay Nội Bài cách đó khoảng 1 km.
Tại đồn công an, họ cho biết lý do đưa tôi về làm việc vì “Cơ quan An ninh Bộ Công an nhận được đơn tố cáo rằng tôi đã có hành vi kích động, xúi giục bạo loạn ở Bình Thuận và biểu tình ở TP.HCM trong những ngày vừa qua. Và bây giờ tôi ra Hà Nội để cùng với một số đối tượng tại đây tiếp tục kích động và tổ chức biểu tình ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm vào những ngày tới”.
Tôi đã bác bỏ tất cả những lời tố cáo không có cơ sở và vô căn cứ này, và nói rõ đây chỉ là “cái cớ” để Cơ quan An ninh có thể giam giữ tôi nhằm mục đích ngăn chặn và phòng ngừa tất cả các rủi ro có thể gây nguy hại cho an ninh thủ đô trong những ngày tới, và cũng có thể nhằm mục đích ngăn cản việc tôi đi thi.
Tôi cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc bảo vệ an ninh quốc gia là cần thiết ở bất kỳ quốc gia nào nhưng phải đúng đối tượng, phải có cơ sở vững chắc, chứ không thể áp dụng một cách tùy tiện lên một công dân như tôi. Việc đặt ra các giới hạn ngăn ngừa phải phù hợp với Luật An ninh Quốc gia và Hiến Pháp, cũng như không được phép xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân.
Không thể xem hoạt động thúc đẩy nhân quyền là một hoạt động gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia được. Các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia cần phải loại bỏ những Người hoạt động nhân quyền ra khỏi danh sách cần giám sát và áp đặt các giới hạn phòng ngừa đối với họ.
Mặc cho những lời giải thích đầy chính đáng về chuyến ra Hà Nội lần này của tôi là để đi thi chứ không phải đi biểu tình, nhưng những viên an ninh vẫn “đánh giá cao” khả năng tìm ẩn nguy cơ tôi ngây nguy hại đến an ninh thủ đô trong những ngày tới.
Sau khoảng 3 tiếng làm việc, họ đưa ra 2 yêu cầu để tôi lựa chọn: một là, Cơ quan an ninh sẽ mua vé máy bay để tôi trở về Sài Gòn ngay lập tức; hoặc hai là, nếu không tự nguyện quay trở về thì họ sẽ đưa tôi vào B14 (trại tạm giam của Bộ Công an) để tiếp tục làm việc.
Tôi không đồng ý với yêu cầu này và đề nghị an ninh phải thả tôi ra cho tôi kịp giờ đi thi. Khi thi xong đương nhiên tôi sẽ sắp xếp quay về Sài Gòn.Nhưng rất tiếc an ninh vẫn khước từ lời đề nghị chính đáng này mà vẫn tiến hành cưỡng bức tôi về lại Sài Gòn.
Tôi bày tỏ thái độ phản đối hành vi cưỡng bức này và nói rõ với họ rằng, đây là một hành vi tùy tiện và lạm quyền của cơ quan an ninh khi không tuân thủ luật lệ về an ninh quốc gia vì họ đã áp đặt gới hạn ngăn chặn thiếu cơ sở và không có căn cứ, rồi tiến hành các biện pháp phòng ngừa một cách quá mức cần thiết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại và quyền học tập của một công dân.
Các đề xuất thiện chí từ phía tôi nhằm giải quyết vấn đề đều bất thành, tôi bị đưa ra lại sân bay, họ mua vé cho tôi (họ lấy trong ví của tôi 1,2 triệu và họ bù thêm 2,5 triệu) để tôi bay ngay chuyến bay lúc 18h, và chỉ rời khỏi tôi khi cửa máy bay đóng lại.
Ngoài ra, cơ quan an ninh đã thu giữ một chiếc Iphone 6s và Giấy phép lái xe của tôi mà không lập bất kỳ một biên bản thu giữ nào.
Tôi đã kêu gọi họ tuân thủ luật lệ mà pháp luật đã trao quyền cho họ. Bảo vệ an ninh quốc gia cũng cần phải tuân thủ luật lệ mà pháp luật cho phép, còn ngược lại nó sẽ là một điều gây nguy hại cho an ninh quốc gia trong bối cảnh quốc gia đang thiếu cơ chế giám sát các hoạt động của lực lượng an ninh.
Trước khi chia tay, một viên an ninh có ngỏ lời không muốn gặp tôi trong hoàn cảnh này, mà muốn gặp tôi ở một hoàn cảnh khác, trong một quán café chẳng hạn, và đưa cho tôi một mảnh giấy có số điện thoại của ảnh, rồi nói “khi nào ra thì gọi cho anh”.
Khi tôi còn đang cân nhắc với lời mời ngỏ này, thì nhân cơ hội đó tôi đã yêu cầu anh trả lại điện thoại và giấy tờ cho tôi như là một động thái tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trên tinh thần đối thoại, nhưng anh cho biết: “khi nào ra lại thì gọi cho anh, anh sẽ giải quyết”.
Tôi cũng trả lời: “Vậy thì tôi sẽ càng không gọi. Sẽ chẳng có cuộc gọi nào từ tôi để hẹn gặp anh!”, rồi quay lưng đi.
Khi bước vào cửa máy bay tôi cũng ráng quay lưng lại và hỏi lần nữa: “Các anh vẫn muốn giữ điện thoại và giấy tờ của tôi đúng không?” Một viên an ninh khác trả lời: “khi nào anh ra hãy gọi cho chúng tôi…”
Thế đấy, họ muốn giữ tài sản và giấy tờ của tôi như một vật thế chấp để tôi phải gặp lại họ. Việc thu giữ tài sản và giấy tờ không lập biên bản như vậy rõ ràng là một hành vi không được thừa nhận, kể cả theo luật có nhiều ngoại lệ là Luật an ninh quốc gia cũng không cho phép thực hiện việc này.
Và vì vậy, sẽ chẳng có một buổi gặp chủ động hoặc tự nguyện nào từ phía tôi trong thời gian tới khi tôi đánh giá rằng, nhân viên an ninh thiếu tôn trọng luật lệ và có các hành vi lạm quyền trong việc thi hành các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách cưỡng bức tôi rời khỏi thủ đô Hà Nội và tước đoạt tài sản, giấy tờ của tôi.
Theo điểm h, Khoản 1, Điều 21, Luật An ninh Quốc gia quy định biện pháp nhằm bảo vệ an ninh quốc gia khi bị đe dọa như: “Buộc người có hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia rời khỏi các khu vực quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng hoặc không được rời khỏi nơi cư trú”. Nhưng để thi hành điều khoản này đòi hỏi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chứ không phải Cơ quan an ninh.
Và tất nhiên, tôi chẳng là gì để ông Thủ tướng chú ý đến mà dành tôi một quyết định cưỡng bức rời khỏi khu vực thủ đô.
Dù gì thì cũng xin cảm ơn những an ninh khi làm việc đã cho tôi những lời khuyên, cố giữ cho tôi không đi quá xa để có thể nhìn thấy bờ khi muốn quay đầu trước khi quá muộn. Nhưng đối với những người có tư tưởng khám phá và chinh phục, đi xa thật xa là một chân trời của miền giá trị đầy hy vọng ở phía trước.
Quyền con người là miền giá trị xứng đáng để không chỉ tôi mà bất kỳ ai hãy mạnh dạng ra khơi, hãy vươn mình đi xa thật xa. Chúng ta cần khám phá, phát triển, thúc đẩy và bảo vệ Quyền một cách không ngừng nghỉ, bởi đơn giản vì chúng ta là Con người!
Nguồn FB Phạm Lê Vương Các
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn