Thỏa thuận chấm dứt ‘chiến tranh ma túy’, thành công lớn của ông Trump khi đến Trung Quốc

Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20174:00 SA(Xem: 8645)
Thỏa thuận chấm dứt ‘chiến tranh ma túy’, thành công lớn của ông Trump khi đến Trung Quốc

Trong cuộc họp chung giữa 2 nhà lãnh đạo hôm 9/11, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết sẽ hợp tác để hạn chế dòng chảy thuốc gây nghiện từ Trung Quốc vào Mỹ.

Trong một tuyên bố chung với ông Tập sau cuộc họp, Tổng thống Trump cho biết: “Hàng năm, buôn bán ma túy bất hợp pháp hủy hoại hàng triệu, hàng triệu sinh mạng. Chúng tôi đã thảo luận những cách thức tăng cường phối hợp nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy chết người và ngăn chặn luồng thuốc độc gây chết người vào đất nước chúng tôi, vào các cộng đồng của chúng tôi. Đặc biệt chúng tôi sẽ tập trung vào chất gây nghiện mới Fentanyl đang hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người”.

Đồng ý với thỏa thuận, ông Tập cũng nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác chống ma túy”.

Nếu chính quyền Trung Quốc tuân theo thỏa thuận này, nó sẽ chấm dứt những gì được mô tả như một cuộc chiến kéo dài hàng thập niên Trung Quốc tiến hành chống lại nước Mỹ.

Giải thích thêm về thỏa thuận này trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh cùng ngày 9/11, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Về vấn đề nghiêm trọng của các chất opioids, chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong các hành động, nhằm hạn chế các chất gây nghiện có hại vào Mỹ, để cứu sống người Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết tiến hành những hành động mới, bao gồm thỏa thuận kiểm soát việc xuất khẩu các tiền chất fentanyl mới, chia sẻ thông tin tình báo về buôn bán ma túy, và trao đổi các gói thông tin buôn bán bất hợp pháp, để xác định những cá nhân và mạng lưới tội phạm tiến hành buôn bán bất hợp pháp”.

20.000 người chết năm 2016

Các thuốc giảm đau dòng opioid tổng hợp thường có nguồn gốc ở Trung Quốc, đã trở thành nhóm ma túy gây chết người nhiều nhất ở Mỹ. Các chất tổng hợp dòng opioid được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 20.000 người năm ngoái ở Mỹ do dùng quá liều. Trong số các chất opioid, nghiêm trọng nhất là chất Fentanyl với ảnh hưởng mạnh gấp 50 lần heroin, và thường được trộn với các loại thuốc khác mà người sử dụng không hay biết.

COV_Opioid_406x275
(Ảnh minh họa: Hospitals & Health Networks)

Các trường hợp tử vong do dùng thuốc opioid tổng hợp quá liều ở Mỹ đã tăng 264% trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2015, theo một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

“Mặc dù tỷ lệ kê đơn thuốc đã giảm, việc dùng quá liều liên quan đến chất fentanyl đã tăng lên đáng kể, góp phần làm tăng đột ngột số ca tử vong do dùng opioid tổng hợp”, báo cáo cho biết.

Nhiều loại thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện tuồn vào Mỹ là có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc có tiền chất do Trung Quốc sản xuất. Nó bao gồm các thành phần chính cho thuốc methamphetamine, và nhiều thuốc tổng hợp, bao gồm fentanyl.

Trong thời gian trước đây, chính quyền Trung Quốc đã không đáp ứng lại yêu cầu giúp ngăn chặn các loại thuốc độc hại này tuồn vào Mỹ, thường được thực hiện thông qua mạng lưới người Mexico.

Ông Jorge Guajardo, Đại sứ Mexico tại Trung Quốc từ năm 2007 đến năm 2013, nói với tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng của Hồng Kông rằng: “Trước khi đến Trung Quốc, cuộc họp đầu tiên mà tôi có với Bộ trưởng Tư pháp Mexico, là về vấn đề của luồng tiền chất từ Trung Quốc tuồn vào Mexico. Đó là vấn đề số một mà tôi phải giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ đạt được kết quả gì”.

“Chưa bao giờ có bất kỳ sự hợp tác nào từ phía Trung Quốc, không có chia sẻ thông tin tình báo nào, đến mức tất cả các quan chức chính phủ Mexico đến thăm Trung Quốc đều có chỉ thị phải đưa ra vấn đề này”, ông Guajardo nói.

Các loại thuốc tổng hợp giảm đau gây nghiện thường được sản xuất bởi các công ty niêm yết ở Trung Quốc. Vào năm 2015, đã có 150 công ty Trung Quốc công khai bán thuốc tổng hợp giảm đau Alpha-PVP, còn được gọi là “Flakka”.

‘Chiến tranh ma túy’

Đối với chính quyền Trung Quốc, thị trường ma túy đã từng là một phần của chiến lược phá hoại, nhằm làm suy yếu nước Mỹ thông qua các phương tiện phi quân sự, theo một báo cáo từ Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Quân đội Mỹ vào ngày 13/10/2014.

Báo cáo cho biết chiến lược cụ thể này được gọi là “chiến tranh ma túy”, được gắn liền với một chiến lược quân sự rộng lớn hơn của Trung Quốc, với mục tiêu “làm kẻ thù mất ổn định”.

Việc sử dụng chiến tranh ma túy đã trở nên bình thường đối với chính quyền Trung Quốc. Ông Joseph D. Douglass, nguyên Phó Giám đốc CIA, phụ trách tình báo, đã giải thích chiến lược này trong cuốn sách “Cocaine Đỏ” của mình, trong đó nêu rõ chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các chất gây nghiện trong nhiều thập kỷ, như một vũ khí quyết định trong cuộc chiến tranh cấp thấp đang diễn ra, mà họ tiến hành để chống lại nền văn minh phương Tây”.

Ở Trung Quốc, lịch sử chiến tranh ma túy trước đây là cuộc Chiến tranh Thuốc phiện mà người Anh tiến hành chống lại Trung Quốc trong thế kỷ 19, khiến cho triều đại nhà Thanh bị sụp đổ vào năm 1912. Cũng theo ông Douglass, Mao Trạch Đông đã lấy bài học này trong quá trình thành lập Nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và ra lệnh cho các cấp dưới của mình “bắt đầu trồng cây thuốc phiện trên quy mô lớn”, vừa để có nguồn tài chính cho chính quyền vừa để đầu độc kẻ thù.

Khách du lịch tại một trang trại trồng cần sa hợp pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc (Ảnh chụp màn hình truyền hình Trung Quốc)

Ông Douglass nói thêm rằng dưới tại Trung Quốc, “sản xuất thuốc phiện đã được quốc hữu hóa, và việc buôn bán ma túy nhằm vào các nước bị coi là kẻ thù đã trở thành một hoạt động chính thức của chính quyền Trung Quốc”. Ông Douglass lưu ý “hoạt động chính thức” này đã diễn ra ngay cả sau khi nó bị phơi bày bởi các điều tra ở Nhật Bản và Mỹ vào năm 1951.

Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn và một quan chức của Cục Phòng chống Ma túy Mỹ đã nói với tờ  Stars and Strips vào năm 2012: “Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho những kẻ buôn bán ma túy Mexico do các quy định lỏng lẻo về ngành sản xuất hóa chất và xuất khẩu của Mexico”.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới từ ông Trump và  ông Tập đã cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẵn sàng thay đổi điều này. Nếu được thực hiện nghiêm túc, thỏa thuận sẽ chấm dứt chiến lược phá hoại của chính quyền Trung Quốc nhằm làm suy yếu nước Mỹ với ma túy, đánh dấu một bước ngoặt thay đổi quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung.

 Phạm Duy, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn