Chuyến bay mang số SSG004 của chính phủ Slovakia đã đưa chui Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU?

Thứ Hai, 07 Tháng Năm 20187:16 SA(Xem: 7202)
Chuyến bay mang số SSG004 của chính phủ Slovakia đã đưa chui Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU?

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

Ảnh chụp bài báo TAZ ra ngày 04/05/2018 với hình lưu trữ của không lưu

Một sự nghi ngờ khủng khiếp: Có phải Slovakia, một nước thành viên EU, đã giúp đưa một nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi EU? Cuộc họp ở Bratislava giữa Slovakia và Việt Nam kéo dài bao lâu? Tại sao Slovakia nói dối? Nhân vật Lê Hồng Quang là ai và giữ vai trò gì trong cuộc họp ở Brastilava?

Tại tất cả sân bay trên thế giới, hệ thống kiểm soát không lưu của sân bay đều tự động lưu trữ tất cả các dữ liệu về các chuyến bay. Các phóng viên của nhật báo TAZ với trụ sở chính ở Berlin đã truy tìm ra được dữ liệu không lưu của các chuyến bay liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là chiếc chuyên cơ Airbus A319 của chính phủ Slovakia đang bị nghi ngờ đã chở Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU.

Những dữ liệu không lưu này đã được công bố qua bài báo của tờ TAZ, số ra ngày 04/05/2018. Sau đây là nội dung của bài báo TAZ.

Ảnh minh họa: Chuyến bay mang số SSG004 ngày 26/07/2017 của chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc chính phủ Slovakia

Bộ trưởng Tô Lâm và Trung tướng Đường Minh Hưng bay đến Praha

Lúc 11:26 sáng ngày 26.07.2017 bốn người Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Praha thủ đô CH Séc, với chuyến bay của hãng hàng không Czech Airlines đến từ Paris:

– Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an,

– Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh,

– Một quan chức cấp cao của Bộ An ninh,

– Và một người hộ tống.

Họ muốn đến Bratislava thủ đô Slovakia để làm việc với Bộ Nội vụ Slovakia, ít nhất đó là nguyên cớ chính thức.

Đúng ra, bốn người định đến Vienna, thủ đô Áo vào buổi sáng và từ đó tới Bratislava. Phía Slovakia đã lo chuẩn bị xe limousine đón họ. Theo trình bày của phía Slovakia: Nhưng một ngày trước cuộc họp, phía Việt Nam nói rằng họ muốn được đón tại Praha và sau đó bay tới Moscow vì có một cuộc hẹn tiếp theo của Bộ trưởng Tô Lâm tại đó.

Vì vậy họ đã được Bộ Nội vụ Slovakia cung cấp một chiếc chuyên cơ Airbus A319 thuộc phi đội thường trực của chính phủ Slovakia. Thỉnh thoảng cũng xảy ra việc cho khách của nhà nước mượn máy bay, chẳng hạn như Giáo hoàng hoặc Hoàng đế Nhật Bản. Hoặc mật vụ Việt Nam, dường như họ đã mang chui nạn nhân bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU.

Một trong bốn người đàn ông, tướng mật vụ Đường Minh Hưng, đang bị Tổng công tố viên điều tra. Ông ta được cho là đã chỉ huy vụ bắt cóc doanh nhân Việt Nam và chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh. Vào ngày 23.07.2017 tại Tiergarten ở Berlin ông Thanh và người tình đã bị lôi vào một chiếc xe VW bảy chỗ ngồi.

Một sự nghi ngờ khủng khiếp: Có phải Slovakia, một nước thành viên EU, đã giúp đưa một nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi EU?

Ba ngày sau khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, ngay sau 12:30 giờ trưa ngày thứ Tư 26.07.2017, bốn người đàn ông nói trên từ Praha đã bay đến Bratislava trên một chiếc chuyên cơ Airbus A 319 của chính phủ Slovakia. Đúng 13h15‘ chiếc chuyên cơ hạ cánh tại sân bay Bratislava và ở đó 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Bởi vì lúc 14:52 giờ chiếc chuyên cơ lại cất cánh bay đến Moscow thủ đô Nga. Các phóng viên của tờ TAZ có thể tái tạo lại hành trình bay dựa trên cơ sở lưu trữ dữ liệu không lưu của chuyến bay.

Chính phủ Slovakia bây giờ cần phải làm rõ về chuyến bay mang số SSG004, tức là chuyến bay ngày 26.07.2017 của chiếc chuyên cơ nêu trên. Theo Công tố viện Liên bang Đức, nạn nhân bị bắt cóc đã được đưa về Việt Nam như thế nào thì vẫn chưa rõ. Có phải bằng chuyên cơ chính phủ của một nước thành viên EU? Đây là một sự nghi ngờ khủng khiếp.

Chính phủ Slovakia phủ nhận bất kỳ một sự tham gia nào trong vụ bắt cóc. Nếu giả sử sự nghi ngờ này là đúng, thì do sự hiếu khách của họ đã bị phía Việt Nam lợi dụng, họ nói. Trong danh sách hành khách không có tên của nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Và cũng không có hành khách nào là đáng ngờ.

Nhưng sự nghi ngờ này có cơ sở. Slovakia là một quốc gia tràn ngập tham nhũng, nơi một nhà báo đã bị sát hại vào cuối tháng Hai vừa qua, bởi vì nhà báo này điều tra những âm mưu của các thế lực. Và Slovakia là một quốc gia, nơi có những mối liên hệ với Việt Nam mà đáng đặt câu hỏi.

Cuộc họp ở Bratislava giữa Slovakia và Việt Nam kéo dài bao lâu? Tại sao Slovakia nói dối?

Thật trùng hợp, ông Peter Pellegrini Tân Thủ tướng Slovakia đã có chuyến thăm Đức vào thứ Tư tuần trước tại Berlin, người tiền nhiệm của ông đã từ chức vào tháng Ba vừa qua. Tại Dinh Thủ tướng Đức, ông được đón tiếp bằng nghi lễ duyệt binh và sau đó là cuộc hội đàm khoảng một giờ với Thủ tướng Đức.

Trong cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói về vụ bắt cóc. “Tất cả những gì đã xảy ra phải được đặt lên bàn“, bà nói. Thủ tướng Slovakia đã hứa với thủ tướng Đức sẽ làm sáng tỏ hoàn toàn. Hôm thứ sáu tuần trước, Đại sứ Slovakia tại Berlin đã được mời đến Bộ Ngoại giao Đức. Trong khi đó, các nhà điều tra Đức lại một lần nữa quay sang chính quyền ở Bratislava. Họ muốn phỏng vấn phi hành đoàn của chiếc chuyên cơ và nhân viên khách sạn, trang tin tức Aktuality.sk đưa tin như thế.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Pellegrini đã trả lời một cách thân thiện nhưng có vẻ miễn cưỡng đối với các câu hỏi chỉ trích của các ký giả. Tại sao đến bây giờ Slovakia mới bắt đầu triệu tập Đại sứ Việt Nam? “Tôi đã phản ứng ngay, khi hồ sơ của vấn đề đến bàn giấy của tôi“, ông nói. Và đó là lần đầu tiên xảy ra. Chính quyền Đức sẽ nhận được tất cả thông tin mà họ yêu cầu.

Slovakia chỉ thừa nhận đã cung cấp chuyên cơ của chính phủ cách đây một tuần, khi các nhà báo hỏi xoáy vào chuyện này. Và ít nhất về câu hỏi cuộc họp ở Bratislava trong khách sạn Bôrik kéo dài bao lâu, họ đã nói dối. Mới đầu họ trả lời là 3 tiếng đồng hồ, sau đó họ sửa lại là khoảng hai tiếng đồng hồ. Nhưng ngay cả 2 tiếng đồng hồ cũng không thể đúng. Chiếc chuyên cơ chỉ đậu ở đó một tiếng rưỡi đồng hồ.

Từ sân bay đến khách sạn Bôrik của chính phủ cần khoảng 20 phút, với một sự hộ tống của cảnh sát thì có thể nhanh hơn một chút. Và cũng cần 20 phút để đi từ nơi họp đến sân bay. Do đó thời gian còn lại không đầy 1 tiếng đồng hồ dành cho cuộc họp làm việc. Vì vậy cuối cùng cuộc họp chỉ là cái cớ để dùng chuyên cơ này đưa nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam?

Ai đã có mặt trong cuộc họp ở Bratislava trong khách sạn Bôrik?

Theo thông tin của tờ TAZ nhận được, tại khách sạn Bôrik ngoài tướng hai sao Đường Minh Hưng còn có sĩ quan mật vụ Vũ Quang Dũng, người được cho là thuộc thành phần chỉ huy của đội đặc vụ bắt cóc. Và từ 12:35 giờ đến 14:17 giờ, một chiếc xe Mercedes Vito với hai người đàn ôngViệt Nam cũng tham gia vụ bắt cóc, đã đậu ngay trước mặt khách sạn. Các nhà điều tra đã biết được nhờ vào hệ thống định vị GPS gắn trên xe này. Có phải Trịnh Xuân Thanh bị đưa đến Bratislava bằng chiếc xe này?

Nghi can mật vụ Nguyễn Hải Long đã thuê chiếc xe này ngày hôm trước ở Praha, hiện nay nghi phạm Long đang bị xét xử ở tòa án tại Berlin. Theo bản cáo trạng, nghi can Long bị cáo buộc hoạt động gián điệp và tiếp tay bắt cóc.

Chiếc xe Mercedes Vito (Biển số: 4SF-5888) bị tình nghi là đã chở Trịnh Xuân Thanh từ Praha tới Bratislava và đã đậub trước khách sạn Bôrik

Cuộc họp tại khách sạn Bôrik, theo những người tham gia nói, là một bữa cơm trưa. Theo chương trình nghị sự chính thức là bàn về việc các chuyên gia Slovakia có thể giúp Việt Nam sản xuất vũ khí và trang bị bảo hộ cho cảnh sát cũng như sở cứu hỏa như thế nào.

Vào tháng 3 năm 2017, Bộ trưởng Nội vụ trước đây của Slovakia, ông Robert Kaliňák và đối tác phía Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đã ký một Hiệp định tại Bratislava về sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát hai nước. Vào tháng 6, ông Kaliňák đã đến thăm Việt Nam. Các chủ đề bao gồm phòng chống tội phạm, chống buôn người và tham nhũng và cải thiện hợp tác trong việc​ truy nã tội phạm. Chắc là có ý nhắm đến Trịnh Xuân Thanh? Lúc đó nhà chức trách Việt Nam đang săn lùng ông Thanh.

Bốn người Việt Nam mà được chở đến đây bằng chiếc chuyên cơ Airbus đã tham gia bữa ăn trưa làm việc, và phía Slovakia gồm có:

– Bộ trưởng Nội vụ Kaliňák, người hiện nay đã từ chức,

– 2 bộ trưởng

– Và một người Việt Nam tên là Lê Hồng Quang.

Trịnh Xuân Thanh bị đưa chui từ Bratislava ra khỏi EU?

Sau bữa ăn trưa làm việc tại Bratislava, 4 người đàn ông Việt Nam mà ngồi họp với phía Slovakia và 8 người Việt khác, không rõ liệu họ có có vai trò chính thức nào trong cuộc gặp gỡ này hay không, đã đi bằng xe đến phi trường và làm thủ tục tại tại cổng dành cho VIP với hộ chiếu ngoại giao. Khoảng thời gian ngắn trước 15 giờ, chiếc chuyên cơ Airbus của chính phủ Slovakia cất cánh và đã hạ cánh lúc 17.10 giờ (giờ châu Âu) trên sân bay Vnukovo tại Moscow. Nếu Trịnh Xuân Thanh có trên máy bay này, thì chính quyền Slovakia phải biết điều đó. Hoặc là họ đã quá cẩu thả.

Chiếc máy bay Slovakia từ Moscow đã quay trở lại Bratislava vào buổi tối cùng ngày. Không rõ từ Moscow Trịnh Xuân Thanh bị đưa về Hà Nội như thế nào.

Điều đáng lưu ý là không thể tìm thấy một cuộc hẹn nào đó của Bộ trưởng Tô Lâm ở thủ đô Nga.

Cuối cùng, Trịnh Xuân Thanh bị tống vào nhà tù tại thủ đô Việt Nam và một tuần sau đó, vào ngày 3 tháng 8, ông Thanh xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước như một người tự nguyện đầu thú.

Nhân vật Lê Hồng Quang là ai và giữ vai trò gì trong cuộc họp tại Brastilava?

Cuộc họp ở khách sạn Bôrik tại Brastilava, phía Slovakia có tổng cộng 4 người tham dự, trong đó có 1 người Việt Nam tên là Lê Hồng Quang, 53 tuổi, mang quốc tịch Slovakia và Việt Nam.

Ông Lê Hồng Quang sinh năm 1964, tại Nghệ An, sang du học tại Slovakia (khi ấy thuộc nước CH Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc) năm 1984. Ông tốt nghiệp kỹ sư, có vợ và hai con, một trai một gái. Ông là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Slovakia.

Từ những năm đầu của thập kỷ 90, ông Quang đã làm cố vấn cho Vụ châu Á thuộc Bộ Kinh tế Slovakia.  Sau đó ông làm Chủ tịch Phòng Thương mại Slovakia – Việt Nam. Khi Slovakia mở lại đại sứ quán tại Việt Nam, ông Quang được bổ nhiệm làm Tham tán thương mại Đại sứ quán nước Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam.

Trong năm 2014 tại Hà Nội đã có những tố cáo Lê Hồng Quang tham nhũng, và Bộ Ngoại giao Slovakia đã đưa cho cảnh sát nước này. Cảnh sát đã kiểm tra vụ này, nhưng thấy không có lý do để điều tra.

Dưới thời Thủ tướng Robert Fico (hiện nay đã từ chức) ông Quang là Cố vấn Ngoại Thương của Thủ tướng Slovakia.

Đặc biệt là khi ông Igor Pacolak kết thúc nhiệm kỳ đại sứ Slovakia tại Việt nam hồi cuối tháng 8. 2017 có nghĩa là sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam, thì Lê Hồng Quang được cử làm Đại biện lâm thời Sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam.

Ông Lê Hồng Quang, hiện là Đại biện lâm thời Đại Sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Cuối tháng 11 năm ngoái ông Peter Pellegrini (hiện là Thủ tướng Slovakia) đi thăm chính thức Việt Nam với tư cách là Phó Thủ tướng. Trong cuộc gặp và nói chuyện với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Peter Pellegrini thông báo rằng Slovakia sẽ chính thức bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang làm Đại sứ Slovakia tại Việt Nam.

Ông Peter Pellegrini đã hết lòng ca ngợi Lê Hồng Quang. Trích nguyên văn: “Phó Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini nhấn mạnh kết quả đạt được trong quan hệ hai nước những năm gần đây có sự đóng góp to lớn của Đại biện lâm thời Slovakia tại Việt Nam Lê Hồng Quang. Tới đây, Slovakia sẽ chính thức bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang làm Đại sứ tại Việt Nam, qua đó cũng là thể hiện quyết tâm của Slovakia trong việc phát triển hơn nữa quan hệ song phương”.

Kể từ khi Lê Hồng Quang là Đại biện lâm thời Sứ quán Cộng hòa Slovakia tại Việt Nam (coi như người đứng đầu sứ quán vì chưa có Đại sứ), thì có những tố cáo mới. Ai muốn nộp đơn xin thị thực du lịch cho Slovakia, trước tiên phải đặt 3.000 euro trên bàn, nhiều người Việt Nam đã báo cho tờ TAZ biết như thế. Đối với một visa đi làm việc thì còn phải trả nhiều tiền hơn nữa.

Hiện nay Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam vẫn chưa có đại sứ mới và Lê Hồng Quang vẫn là Đại biện lâm thời của Sứ quán. Một câu hỏi được đặt ra, Lê Hồng Quang giữ vai trò gì trong cuộc họp ở khách sạn Bôrik tại Brastilava nơi đang bị nghi ngờ Slovakia giúp đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn