Đức xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'

Thứ Hai, 23 Tháng Tư 20188:43 SA(Xem: 9396)
Đức xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'

Michele Tantussi/Getty Images Bản quyền hình ảnh Michele Tantussi/Getty Images
Image caption Phiên tòa theo kế hoạch bắt đầu diễn ra tại trụ sở Tòa Hình sự, Landgericht Berlin, vào ngày 24/4/2018

Phiên tòa xử một người bị cáo buộc có liên quan tới vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' và các hoạt động gián điệp bắt đầu diễn ra từ sáng thứ Ba 24/4/2018 tại Berlin.

Người đàn ông quốc tịch Việt Nam 47 tuổi, được nêu tên là Long N. H., bị bắt giữ tại Prague hôm 12/8 năm ngoái và bị dẫn độ về Đức sau đó một hôm.


Người này, theo nhà báo Nguyễn Trung Khoa từ thờibáo.de nói với BBC, là ông Nguyễn Hải Long, người đứng tên chủ doanh nghiệp Money Gram tại chợ Sapa, Prague, Cộng hòa Czech.

Ông Long, đã sinh sống tại Czech nhiều năm, được cho là đã lái chiếc xe trong vụ bắt cóc.

Trong ngày đầu tiên của phiên tòa, dự kiến cơ quan công tố sẽ công bố nội dung cáo trạng dài 90 trang, trong đó có nêu chi tiết những nội dung mô tả về vụ mà phía Đức nói là ông Long cùng các nhân viên mật vụ khác của Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Phía Đức nói trong số những người tham gia có một tướng công an Việt Nam.

Ông Trịnh Xuân Thanh 'là nguyên đơn'

Trong phiên tòa, ông Trịnh Xuân Thanh thông qua luật sư đại diện tuyên bố ông là nguyên cáo, và tuyên bố này "đã được tòa án chấp nhận", luật sư của ông ở Đức cho BBC biết.

Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, đại diện cho thân chủ trước tòa.

Ông Thanh đã được cấp quy chế tị nạn chính trị tại Đức kể từ 12/2017.

Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf
Image caption Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf nói đơn xin tị nạn chính trị của ông Trịnh Xuân Thanh đã được duyệt, và nay ông có quyền cư trú hợp pháp tại Đức, có quyền tới Đức bất kỳ lúc nào

Bà Schlagenhauf cho BBC biết với tư cách là đại diện của ông Thanh, bà sẽ có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và được tiếp cận hồ sơ vụ án.

Vụ bắt cóc "đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu, trong đó có người bị cáo buộc," cơ quan công tố Đức nói.


Ngoài ông Long, còn có các nghi phạm khác được nêu tên trong hồ sơ, trong đó có một người mang tên Đường Minh Hưng, bà luật sư cho biết.

"Vai trò của ông Đường Minh Hưng trong vụ bắt cóc thân chủ tôi sẽ được làm rõ với toàn bộ các chi tiết được nêu trong cáo trạng, cũng như vai trò của những người khác, trong đó có các nhân viên của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin."

Ông Đường Minh Hưng hồi trung tuần tháng Ba được truyền thông Đức nêu rõ là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng An ninh, Bộ Công an Việt Nam, và đã bị cơ quan công tố Đức điều tra.

Tuy nhiên, bà Schlagenhauf giải thích, luật Đức không cho phép xét xử vắng mặt bị cáo, cho nên các nghi phạm khác không bị đưa tòa lần này.

Cho đến nay, mới chỉ có duy nhất ông Long bị tạm giam tại Đức liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Những người khác đã nhanh chóng rời khỏi Đức trước khi bị phát hiện, hoặc đã bị Đức trục xuất.

Bên công tố cáo buộc ông Long đã làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài và hỗ trợ cho việc bắt cóc, là các cáo buộc có thể khiến ông phải đối diện án tù tới 10 năm cho mỗi tội danh, Reuters tường thuật.

Về trình tự xét xử, phiên tòa sẽ diễn ra trong 21 ngày, rải rác từ nay tới cuối tháng Tám, bà Schlagenhauf cho biết.

Theo luật Đức, mọi chứng cứ, chi tiết cần phải được tranh luận trực tiếp tại tòa, và đó là một tiến trình tốn nhiều thời gian, bà giải thích.

Bên cạnh việc cơ quan công tố đọc cáo trạng, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên.

Được biết đơn xin tị nạn chính trị tại Đức của ông Trịnh Xuân Thanh đã được xét duyệt hồi 12/2017, theo đó ông Thanh "được quyền ở lại Đức, được phép cư trú hợp pháp, và được quyền vào Đức vào bất kỳ lúc nào ông có thể tới nước này", theo lời luật sư của ông.

Việt Nam luôn bác bỏ cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và nói ông Thanh, người đã nộp đơn xin tị nạn tại Đức, đã tự nguyện trở về nước để đầu thú.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn