Tin Tức ngày 14 tháng 04 -2025

Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA(Xem: 602)
Tin Tức ngày 14 tháng 04 -2025
Trumvayco 2
************

Mỹ và châu Âu lên án Nga oanh kích Sumy khiến 34 người Ukraina thiệt mạng

Thu Hằng

Châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ lên án vụ tấn công bằng tên lửa của Nga, nhắm vào trung tâm thành phố Sumy đúng ngày Chủ Nhật Lễ Lá 13/04/2025 khiến ít nhất 34 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Donald Trump không trực tiếp lên án dù cho rằng Nga “đã phạm sai lầm” và “nghĩ rằng đó là một điều khủng khiếp”. Tổng thống Zelensky “mời” tổng thống Mỹ đến chứng kiến tình hình tại chỗ.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc Gia Mỹ Brian Hughes, được AFP trích dẫn, đánh giá vụ tấn công vào Sumy là một “lời nhắc nhở tàn khốc về việc cấp thiết đàm phán để chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này. Ông Keith Kellogg, đặc phái viên Hoa Kỳ về Ukraina, lên án cuộc tấn công là “điều không thể chấp nhận được” và “vượt quá ranh giới của sự nghiêm túc”. Đối với ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, vụ tấn công thật “khủng khiếp”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết là bị “sốc”. Các lãnh đạo châu Âu lên án mạnh mẽ hơn. Thủ tướng mãn nhiệm Đức Olaf Scholz lên án vụ tấn công “tàn bạo” còn theo người kế nhiệm Friedrich Merz, đó là “một tội ác chiến tranh nghiệm trọng, cố ý và có chủ đích”. Thủ tướng Ý Gorgia Meloni khẳng định vụ tấn công “kinh hoàng và hèn nhát” “đi ngược lại mọi cam kết về hòa bình”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại “cuộc chiến tranh này, ai cũng biết là chỉ có Nga muốn. Hiện giờ, rõ ràng là chỉ có Nga chọn cách tiếp tục”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo chỉ có “những kẻ khốn kiếp mới làm điều đó”, tấn công vào “đúng ngày người dân đi lễ nhà thờ”. Theo Kiev, các vụ tấn công này của Matxcơva nhằm mục đích tạo ra các vùng đệm để ngăn Ukraina xâm nhập thêm vào lãnh thổ Nga.

Thông tín viên RFI Emmanuel Chaze tại Kiev cho biết thêm :

« Hình ảnh trung tâm thành phố Sumy bị phá hủy vẫn tiếp tục gây chấn động. Nhiều vùng ở Ukraina đã tuyên bố một ngày để tang cho 34 nạn nhân của vụ tấn công ngày hôm qua (13/04) nhắm vào đúng khu vực đô thị đông dân cư. Trong số các nạn nhân có hai trẻ em và một nữ nhạc sĩ của Nhà hát giao hưởng Sumy. Những người chết này nhắc lại thực tế rằng thường dân vẫn là những nạn nhân đầu tiên trong các trận oanh kích của Nga và những cuộc không kích đó đều rơi xuống các khu vực đông dân cư.

Những cuộc tấn công liên tục này gây sốc vì xảy ra chỉ một tuần sau khi có hơn 20 người chết ở Kryvy Rih và làm suy giảm tinh thần của người dân, cũng như cảm giác bất lực khi phải chống lại đòn tấn công kiểu này. Do đó, Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm nguồn lực cho hệ thống phòng không.

Hôm qua 13/04, tình báo Ukraina tuyên bố đã xác định được các lữ đoàn Nga chịu trách nhiệm cho các cuộc không kích. Đây cũng là cách để Ukraina cho phần còn lại của thế giới thấy rằng Kiev sẽ có hành động đáp trả tương xứng các cuộc tấn công như vậy, trong khi drone của Nga vẫn tiếp tục rơi xuống Ukraina đêm qua, song song với các cuộc tấn công vào Odessa, Kharkiv và Zaporijjia ».


******

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại song phương

Minh Anh

Thứ Hai, 14/04/2025, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du cấp Nhà nước đến Việt Nam, chặng đầu tiên trong vòng công du ba nước Đông Nam Á. Tăng cường hợp tác thương mại và chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thuế quan với Mỹ là trọng tâm chương trình nghị sự.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

5 phút

Theo Reuters, chuyến thăm Việt Nam thứ hai trong vòng chưa đầy 18 tháng của ông Tập Cận Bình vào lúc Hoa Kỳ áp thuế đến 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực đàm phán với Mỹ để tránh mức thuế 46% sẽ được áp dụng vào tháng 7 sắp tới nếu đàm phán thất bại.

Trước khi đến Hà Nội, trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực từ thương mại, sản xuất, chuỗi cung ứng cho đến trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế xanh. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tìm cách rao bán máy bay dân dụng C909 do hãng COMAC sản xuất.

Lãnh đạo Trung Quốc muốn củng cố mối quan hệ với một nước láng giềng chiến lược, đầu tư nhiều tỷ đô la trong những năm gần đây.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, tuyên bố Hà Nội muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường sắt. Việt Nam đã đồng ý sử dụng các khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng các tuyến đường sắt mới giữa hai nước, nhưng hiện vẫn chưa có một thỏa thuận vay nào được công bố.

Hãng tin Anh nhận định, dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ, căng thẳng thường xuyên nảy sinh giữa hai nước do các tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc có thể khó chịu trước những nhượng bộ của Việt Nam đối với Mỹ để tránh thuế quan, bao gồm cả việc cho phép triển khai mạng vệ tinh Starlink của Elon Musk.

Trong những tháng gần đây, Việt Nam cũng áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc. Thậm chí, để xoa dịu Washington, Hà Nội tuyên bố thắt chặt hơn nữa kiểm soát xuất xứ sản phẩm để bảo đảm hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ là « Made in Vietnam ».

Truyền thông Trung Quốc hôm nay dẫn lời ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết các tranh chấp lãnh hải thông qua « đàm phán », kêu gọi hai nước « nên quản lý đúng đắn các khác biệt và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực ».

Chủ tịch Trung Quốc lên án chủ nghĩa bảo hộ

Chuyến thăm ba nước Đông Nam Á từ 14-18/04/2025 của chủ tịch Tập Cận Bình được Bắc Kinh đánh giá « mang tầm quan trọng rất lớn » cho khu vực trong bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ. Trước khi lên đường công du, ông Tập lên án chủ nghĩa bảo hộ « không dẫn đến đâu » và « không có ai chiến thắng » trong cuộc chiến thương mại này.

Thông tín viên RFI Cléa Broadhurst tại Bắc Kinh tóm lược lịch trình và những thách thức trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình :

« Chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam để bắt đầu vòng công du, nơi ông dự kiến ký khoảng 40 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực chủ đạo : giao thông đường sắt, nông nghiệp, kỹ thuật số hoặc phát triển xanh. Nhưng mối quan hệ khá phức tạp, Việt Nam vừa mới đánh thêm thuế chống bán phá giá về thép Trung Quốc.

Chặng tiếp theo là Malaysia. Chuyến công du của ông Tập được coi là bước quan trọng trong mối quan hệ song phương. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào thương mại và các công trình cơ sở hạ tầng. Và cuối cùng là Cam Bốt, một trong những đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh. Nhờ hỗ trợ của Trung Quốc, Cam Bốt vừa mới hoàn thành cải thiện và hiện đại hóa một căn cứ hải quân chiến lược.

Đông Nam Á là một khu vực kinh tế vô cùng quan trọng đối với Bắc Kinh. Năm 2024, các nước ASEAN là khách hàng lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc, đứng đầu là Việt Nam và Malaysia.

Ông Tập cũng muốn đặt trọng tâm vào hợp tác trong các ngành công nghệ mới nổi, như 5G và AI, để củng cố chuỗi cung ứng khu vực. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh muốn khẳng định là đối tác ổn định trước một Hoa Kỳ ngày càng khó lường bằng cách tập trung vào hợp tác khu vực, đổi mới công nghệ và hội nhập kinh tế ».

Trump cảnh báo không một nước nào « thoát được thuế quan »

Vài giờ trước khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Đông Nam Á, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 13/04, cảnh báo sẽ không có một nước nào « thoát » được các đòn tấn công thuế quan của Mỹ, « nhất là Trung Quốc ».

Trên mạng xã hội Truth, tổng thống Trump chỉ đích danh Trung Quốc, nước « đối xử tệ nhất với Mỹ ». Lời cảnh báo này đưa ra một ngày sau khi nguyên thủ Mỹ thông báo tạm thời miễn áp thuế nhập khẩu đến 145% đối với các sản phẩm công nghệ cao, điện thoại thông minh và máy vi tính cũng như là nhiều loại linh kiện bán dẫn của Trung Quốc.

Vào lúc căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, các số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố hôm nay cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3/2025 đã tăng vọt 12,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Con số này cao gấp 3 lần so với dự báo. Điều này phản ánh dường như các doanh nghiệp Trung Quốc hối hả hoàn tất các giao dịch trước khi mức thuế hải quan cao của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực.


*********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

7 phút

(AFP) - Washington và Teheran đánh giá tích cực đối thoại đầu tiên về hạt nhân Iran. Sau cuộc họp « gián tiếp » trong hai tiếng rưỡi đồng hồ ngày 12/04/2025 giữa Hoa Kỳ và Iran tại Oman về hạt nhân Iran phái đoàn hai nước sẽ gặp lại nhau vào Thứ Bảy tuần tới 19/04. Washington nói đến « một bước tiến bộ ». Teheran ghi nhận hai bên đã có một cuộc trao đổi trong tinh thần « tôn trọng lẫn nhau », cùng muốn tránh mọi thất bại cho dù « không dễ để nhanh chóng đạt được một kết quả cụ thể như Mỹ mong đợi ».

(Le Monde) - NATO quan ngại Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên không gian. Trả lời báo Đức Welt Am Sonntag, đăng ngày 12/04/2025, tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết « nhiều báo cáo chỉ rõ Nga quan tâm đến việc triển khai vũ khí hạt nhân trên không gian ». NATO lấy làm lo lắng là trong tương lai Nga có thể tiến hành một cuộc chiến trên không gian bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt các vệ tinh. Ngoài ra, tổng thư ký NATO còn thông báo tăng cường giám sát Bắc Cực bằng vệ tinh khi cho rằng « Trung Quốc và Nga sử dụng ngày càng nhiều những tuyến hải trình mới này và quân sự hóa nhiều nơi ở Bắc Cực ».

(AFP) - Nghị Viện bỏ phiếu cho phép chính phủ kiểm soát British Steel. Trong phiên họp bất thường ngày 12/04/2025, Nghị Viện Anh Quốc đã thông qua luật cho phép chính phủ tiếp quản British Steel, nhà máy sản xuất thép cuối cùng của đất nước. Thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn Trung Quốc, nhà xưởng này có nguy cơ bị đóng cửa trong những ngày sắp tới, đe dọa việc làm của khoảng 3.000 người lao động.

(AFP) - Đảng tranh đấu vì dân chủ lâu đời nhất tại Hồng Kông tự giải thể. Ra đời năm 1994 trên cơ sở hợp nhất nhiều phong trào dân chủ, đảng này quyết định tự giải tán hôm nay, 13/04/2025. Các lãnh đạo thế hệ đầu tiên của đảng này đóng vai trò quyết định trong việc xác lập nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », từng cho phép đặc khu được hưởng quyền tự trị rộng rãi kể từ năm 1997, sau khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc, cho đến khi Bắc Kinh đàn áp khốc liệt phong trào đòi dân chủ vào năm 2019. Đảng Dân Chủ đi tiên phong trong phong trào dân chủ thập niên 2010, trước khi mất đi vị thế chính trị, do chính sách đàn áp của Bắc Kinh.

(AFP) - Syria : Tân chính quyền đạt thỏa thuận với người Kurdistan trong việc kiểm soát an ninh một đập nước chiến lược. Từ hôm qua, 12/04/2025, các lực lượng vũ trang của chính quyền Damas bắt đầu triển khai xung quanh đập chiến lược Techrine, miền bắc, vùng đất tự trị của người Kurdistan, nòng cốt của lực lượng chống thánh chiến, được Mỹ hậu thuẫn. Việc triển khai diễn ra sau khi hai bên đạt thỏa thuận. Người Kurdistan tiếp tục quản lý đập về mặt hành chính, dưới sự bảo vệ an ninh của các lực lượng vũ trang hỗn hợp, bao gồm nhánh vũ trang FDS của người Kurdistan và quân chính phủ.

(AFP) - Serbia : Hơn 50.000 người biểu tình ủng hộ chính phủ. Hôm qua, 12/05/2025, một cuộc tập hợp lớn đã diễn ra tại thủ đô Belgrad, để ủng hộ tổng thống Aleksandar Vucic, trong bối cảnh phong trào phản kháng bùng khắp cả nước từ nhiều tuần qua. Số người tham gia nói trên thấp hơn nhiều so với lượng người tham gia phong trào phản kháng, với khoảng 300.000 người trong cuộc biểu tình ngày 15/03, theo số liệu của một nhóm thống kê độc lập.

(AFP) - Thủ tướng Đức tương lai cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng tài chính. Trả lời nhật báo kinh tế Handelsblatt, đăng ngày 12/04/2025, Friedrich Merz cảnh báo : « Chính sách của tổng thống Trump hiện nay đang làm gia tăng rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính sớm hơn dự kiến », đồng thời kêu gọi châu Âu « nên có một biện pháp đáp trả có sức thuyết phục ». Do châu Âu là « một thực thể chính trị có khả năng hành động và sẵn sàng thực hiện hành động của mình để bảo vệ các lợi ích cũng như là giá trị với sự tự tin ». Đây sẽ là thông điệp mà thủ tướng Đức tương lai dự định gởi đến Nhà Trắng nhân chuyến thăm Washington sắp tới sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 06/05 theo như dự kiến.

(AFP) - Thăm dò : Người dân Thụy Sĩ ủng hộ xích lại gần NATO và EU cho quốc phòng. Theo một thăm dò do tập đoàn báo chí Tamedia thực hiện và công bố hôm nay, 13/04/2025, khoảng 77% số người dân Thụy Sĩ được hỏi cho biết ủng hộ một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Châu Âu trên phương diện an ninh so với tỷ lệ 21% chống đối. Ngoài ra, thăm dò cũng cho thấy có đến 71% có cái nhìn tích cực về việc tăng cường hợp tác với NATO, so với tỷ lệ chống là 26%. Dù vậy, đa số người dân Thụy Sĩ (56%) phản đối gia nhập NATO, so với tỷ lệ 37%. Đáng chú ý là có đến 60% số người được hỏi ủng hộ trang bị vũ khí của châu Âu hơn là Mỹ để bảo đảm phòng thủ quốc gia. Thăm dò được thực hiện trên mạng từ ngày 31/03 đến 01/04/2025.

(Reuters) - Israel oanh tạc một bệnh viện ở dải Gaza. Trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật 13/04/2025, Israel phóng hai tên lửa nhắm vào bệnh viện lớn ở dải Gaza, đánh sập cơ sở cấp cứu và nơi tiếp nhận bệnh nhân. Ban lãnh đạo bệnh viện  Al Ahli cho biết đã phải sơ tán khẩn cấp bệnh nhân sau nhận được một cuộc gọi từ một người tự nhận là thành viên lực lượng an ninh Israel ngay trước khi cuộc oanh kích xảy ra. Israel cáo buộc các thành viên của phe Hamas, sử dụng cơ sở y tế này để chuẩn bị một cuộc tấn công. Nhưng lời cáo buộc này đã bị phong trào Hồi giáo cực đoan này phủ nhận.

(Yonhap) - Hàn Quốc mở phiên tòa đầu tiên xét xử ông Yoon về tội nổi loạn. Thứ Hai, 14/04/2025, phiên tòa hình sự đầu tiên, xét xử cựu tổng thống Yoon Suk Yeol bị truy tố vì tội kích động nổi dậy, sẽ được mở vào lúc 10 giờ sáng tại Tòa án trung tâm quận Seoul. Tuy nhiên, tòa án đã chấp nhận yêu cầu từ đại diện của ông Yoon không cho phép có sự hiện diện của truyền thông, đặc biệt là camera.

(AFP) - Triển lãm toàn cầu 2025 khai mạc tại Osaka -Nhật Bản. Trong vòng đúng sau tháng, kể từ hôm nay 13/04/2025 đến 13/10/2025 « Expo 2025 » chính thức mở cửa đón công chúng, qua các khu trưng bày của khoảng 160 quốc gia trên thế giới. Chủ đề chính năm nay là « xã hội trong tương lai » với hai điểm nhấn là « trí tuệ nhân tạo và công nghệ không gian ». Ban tổ chức chờ đợi sự kiện năm nay thu hút 28 triệu khách tham quan. Mục tiêu này thấp hơn rất nhiều so với Triển Lãm Thượng Hải hồi  2010, khi đó đã bán được 64 triệu vé vào cửa.

(AFP)- Marathon Paris 2025 : Vận động viên người Kenya Benard Biwott, 23 tuổi, giành chiến thắng với 2 giờ, 5 phút, 25 giây. Trong cuộc đua hôm Chủ Nhật 13/04/2025, vận động viên Kenya một mình dẫn đầu đoạn chạy trong suốt 10 km cuối, và còn dư sức đến mức biểu diễn một màn chạy nước rút một mình. Ibrahim Hassan, người Djibouti, về đích thứ hai với thời gian 2 giờ 6 phút 13 giây. Đây là lần thứ hai Paris tổ chức Marathon kể từ cuộc chạy « Marathon cho tất cả » trong kỳ Thế Vận Hội mùa hè năm ngoái. Tham gia cuộc thi hôm nay có 55.000 người, trong đó hơn 50% lần đầu tiên chạy Marathon. Các vận động viên khởi đầu từ đại lộ Champs-Elysées, chạy xuyên rừng Vincennes, dọc sông Seine, vòng qua rừng Bouglogne trước khi về đích tại Khải Hoàn Môn


***************

Tin tức thế giới 14-4: 150 người thương vong ở Sumy, Ukraine; Ấn Độ có vũ khí laser

BÌNH AN

Sumy - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa (phải) làm việc tại địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Sumy, Ukraine ngày 13-4 - Ảnh: REUTERS

Ukraine tố Nga tấn công tên lửa khiến 34 người chết, 117 người bị thương ở Sumy

Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ giới chức Ukraine cho biết 2 tên lửa đạn đạo của Nga đã giội xuống trung tâm thành phố Sumy ở miền bắc Ukraine vào ngày 13-4, khiến 34 người thiệt mạng và 117 người bị thương, trở thành cuộc tấn công đẫm máu nhất tại Ukraine từ đầu năm đến nay.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng cứng rắn với Nga sau cuộc tấn công. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến vẫn chưa thành công.

Trong đoạn video được ông Zelensky đăng tải trên mạng xã hội, các thi thể nằm rải rác trên đường phố trong thành phố, gần một chiếc xe buýt bị phá hủy và nhiều ô tô cháy rụi.

Các nhà lãnh đạo Anh, Đức và Ý đã lên án cuộc tấn công này. Nga chưa lên tiếng, nhưng thời gian qua Matxcơva phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường, dù hàng ngàn người đã thiệt mạng và bị thương trong cuộc chiến.

Quân đội Nga xác nhận bắn hạ tiêm kích F-16 của Ukraine

Ngày 13-4, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng nước này đã bắn hạ một chiếc tiêm kích F-16 của Ukraine. Theo Đài RT, đây là lần đầu tiên quân đội Nga tuyên bố phá hủy tiêm kích F-16 kể từ khi phương Tây bắt đầu chuyển máy bay thế hệ thứ tư này cho Ukraine vào mùa hè năm ngoái.

"Một máy bay F-16 của không quân Ukraine đã bị các phương tiện phòng không bắn hạ" - Bộ Quốc phòng Nga nêu trong cuộc họp báo hằng ngày, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Trước đó, quân đội Ukraine thông tin: "Vào ngày 12-4-2025, (phi công Ukraine) Pavlo Ivanov, 26 tuổi, đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên chiếc F-16. Anh đã ngã xuống khi đang bảo vệ quê hương khỏi những kẻ tấn công".

Sumy - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ làm việc gần thi thể một nạn nhân tại địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa của Nga tại Sumy, Ukraine ngày 13-4 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Trump cảnh báo các nước sẽ không thể thoát được thuế quan của ông

Rạng sáng 14-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo không quốc gia nào sẽ thoát khỏi các mức thuế quan trừng phạt của ông, sau khi chính quyền của ông đưa ra ngoại lệ đối với một số sản phẩm công nghệ.

"Không ai sẽ thoát được trách nhiệm về các cán cân thương mại không công bằng" - ông Trump viết trên nền tảng Truth Social, ngoài ra cáo buộc Trung Quốc đang là nước "đối xử với chúng ta tệ nhất".

Phía Mỹ dường như đã giảm nhẹ áp lực vào hôm 11-4 khi công bố danh sách miễn trừ thuế quan đối với điện thoại thông minh, máy tính xách tay, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác mà Trung Quốc là nguồn cung chính.

Tuy nhiên, trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump khẳng định rằng "không có ngoại lệ thuế quan" nào đối với những mặt hàng này, nói rằng chúng vẫn chịu mức thuế 20% trong một nhóm thuế quan khác.

ASEAN cam kết làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc 

Ngày 13-4, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết ASEAN cam kết làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và ủng hộ chủ nghĩa đa phương.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã, ông Kao Kim Hourn cho biết kể từ khi nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2021, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng vọt, củng cố vị thế đối tác thương mại lớn nhất của nhau. 

Ông mô tả Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (FTA) phiên bản 3.0 - với các cuộc đàm phán về cơ bản đã hoàn tất - là động lực then chốt cho hợp tác của hai bên trong lĩnh vực kinh tế số, công nghiệp xanh, kinh tế xanh và các quy trình hải quan đơn giản hóa. 

Tổng thư ký Kao Kim Hourn nhấn mạnh: "Chúng tôi kỳ vọng FTA ASEAN - Trung Quốc 3.0 sẽ được hoàn thành trong năm nay. Điều này sẽ mang lại tiềm năng kinh tế to lớn cho cả hai bên".

Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí laser 

Sumy - Ảnh 3.

Cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Kurnool, bang Andhra Pradesh, với phiên bản MK-II(A) gắn trên xe của hệ thống vũ khí laser - Ảnh: INDIA TODAY

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 13-4, Ấn Độ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng khi tiến hành thành công cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí năng lượng định hướng bằng laser (DEW).

Như vậy Ấn Độ chính thức gia nhập hàng ngũ các quốc gia sở hữu công nghệ vũ khí thế hệ mới có khả năng vô hiệu hóa máy bay không người lái và các thiết bị bay của đối phương.

Theo Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), cuộc thử nghiệm được thực hiện tại Kurnool, bang Andhra Pradesh, với phiên bản MK-II(A) gắn trên xe của hệ thống vũ khí laser do trung tâm CHESS phát triển.

DRDO tuyên bố: "Trong cuộc trình diễn thực địa, hệ thống đã thể hiện năng lực vượt trội khi tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu UAV cánh cố định và các máy bay không người lái hoạt động theo bầy đàn, gây tổn thất nghiêm trọng về cấu trúc và vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống cảm biến giám sát của đối phương".

Với thành tựu này, Ấn Độ là bước tiến quan trọng nhằm phát triển vũ khí năng lượng định hướng công suất cao như các cường quốc quốc phòng khác là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Thái Lan ban hành luật mới để ngăn chặn lừa đảo 

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, sắc lệnh khẩn cấp mới yêu cầu các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội phải chia sẻ trách nhiệm nếu không ngăn chặn được các vụ lừa đảo đã chính thức có hiệu lực tại Thái Lan từ ngày 13-4.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội số Thái Lan (DES) Prasert Jantararuangtong cho biết luật mới này nhằm bảo vệ mọi người khỏi mất tài sản do lừa đảo qua cuộc gọi và kênh điện tử.

Sắc lệnh về các biện pháp ngăn ngừa và trấn áp tội phạm công nghệ yêu cầu các tổ chức tài chính và nhà điều hành doanh nghiệp phải tiết lộ thông tin về các tài khoản và giao dịch tài chính bị nghi ngờ có liên quan đến lừa đảo. Họ cũng phải đóng băng các tài khoản và giao dịch đáng ngờ...

Các tổ chức tài chính, nhà khai thác viễn thông và chủ sở hữu nền tảng truyền thông xã hội không tuân thủ các biện pháp chống lừa đảo sẽ phải chịu khoản tiền phạt lên tới 500.000 baht. Bất kỳ cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc không tuân thủ sẽ phải chịu án tù lên tới 1 năm và/hoặc khoản tiền phạt 100.000 baht.

Hồ nghìn đảo

Tin tức thế giới 14-4: - Ảnh 1.

Ảnh chụp ngày 8-4-2025 từ trên cao các hòn đảo nằm trong khu vực hồ Thiên Đảo, còn gọi là hồ Nghìn Đảo, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Yang Bo/VCG)


***********

Houthi tuyên bố bắn hạ máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ

Ngày 13-4, lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố họ vừa bắn hạ một chiếc máy bay không người lái (drone) MQ-9 của Mỹ, nâng tổng số drone này bị bắn rơi kể từ tháng 11-2023 lên 19 chiếc.

Houthi tuyên bố bắn hạ máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ - Ảnh 1.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper - Ảnh: AFP

"Một chiếc máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đã bị bắn hạ khi đang thực hiện các nhiệm vụ thù địch trong không phận tỉnh Hajjah (tây bắc Yemen)" - phát ngôn viên quân sự của Houthi, ông Yahya Sarea, cho biết trong tuyên bố được phát trên kênh truyền hình al-Masirah do Houthi kiểm soát.

Ông Sarea nói chiếc drone này bị bắn hạ bằng một tên lửa đất đối không tự chế tạo tại Yemen, đồng thời nhấn mạnh các cuộc tấn công của Mỹ không làm tê liệt năng lực quân sự của lực lượng Houthi.

Tuyên bố cũng khẳng định sự ủng hộ của Houthi đối với người Palestine, nhấn mạnh các chiến dịch của lực lượng này sẽ tiếp tục "cho đến khi hành động gây hấn của Israel ở Dải Gaza chấm dứt và cuộc bao vây tại đây được dỡ bỏ".

Hiện Mỹ chưa lên tiếng về thông tin trên.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper do hãng General Atomics chế tạo, được thiết kế để thực hiện cả nhiệm vụ trinh sát và tấn công chính xác. Với sải cánh khoảng 20m và chiều dài thân máy bay khoảng 11m, drone này có thể bay ở độ cao lên tới hơn 15.000m trong hơn 24 giờ.

Theo Đài Al Jazeera, các khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen đang chứng kiến các cuộc tấn công gây chết chóc gần như hằng ngày. Ngày 13-4, Houthi cho biết các cuộc không kích mới của Mỹ vào vùng ngoại ô phía tây Sanaa đã khiến 6 người thiệt mạng và 13 người bị thương

Mỹ đã nối lại chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng Houthi vào ngày 15-3. Họ tuyên bố các cuộc tấn công này nhằm ngăn chặn Houthi tấn công tàu Israel và Mỹ ở Biển Đỏ.

Lực lượng Houthi, hiện kiểm soát phần lớn khu vực phía bắc Yemen, đã liên tục tấn công các mục tiêu liên quan Israel kể từ tháng 11-2023 nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza.


***********

Đại chiến thuế quan Mỹ-Trung, « cây tre » Việt Nam biết ngả về đâu

Thụy My

The Economist tuần này cảnh báo, Tập Cận Bình cố gắng lôi kéo các quốc gia láng giềng là nạn nhân bị Donald Trump áp thuế, và Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường Mỹ nếu không giữ khoảng cách với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ tiếp tục chiếm trang nhất các tuần san. The Economist ghép ảnh nhiều khuôn mặt của tổng thống Mỹ Donald Trump với đủ trạng thái, chạy tít « Thời của hỗn loạn ». Le Point đăng chân dung ông Trump trên trang bìa với tít lớn « Thời hoang dã » và tựa nhỏ « Một sự thay đổi lịch sử ». Hồ sơ của Courrier International được dành cho « Toàn cầu hóa dừng lại », với hình vẽ ông Trump cầm lưỡi cưa cắt ngang chiếc cà-vạt đỏ của ông với quả địa cầu.

Trên trang bìa của L’Express, Donald Trump cỡi trên lưng một con bò rừng đang hất hai cẳng sau lên trời, đầu chúc xuống cùng với biểu đồ mũi tên đỏ lao dốc, chạy tít « Làm thế nào tránh được thảm họa », với hồ sơ đặc biệt về khủng hoảng thế giới. Le Nouvel Obs « Cảnh báo về bóp méo thông tin khí hậu » và tựa nhỏ « Khi các nhân vật dân túy tấn công vào khoa học và sinh thái » : Donald Trump cùng với hai chính khách cánh hữu và cực hữu Pháp.

Mức thuế hủy diệt giữa hai đại cường

The Economist nhận định, chính sách thương mại bất nhất của tổng thống Donald Trump sẽ gây thiệt hại lâu dài. Dù có rút lại, ông cũng đã làm cho toàn thế giới lao đao.Cú sốc ông Trump gây ra là chưa từng thấy trong lịch sử. Trump thay thế mối quan hệ thương mại ổn định mà nước Mỹ đã mất hơn nửa thế kỷ mới xây dựng được, bằng chính sách kỳ quặc và tùy tiện, với những quyết định được đăng lên mạng xã hội và các cố vấn cũng chẳng biết tiếp theo là gì.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp cả thế giới đứng trước thử thách. Thị trường toàn cầu sụp đổ, trái phiếu kho bạc dài hạn bị bán đổ bán tháo, đồng đô la sụt giá. Sau thông báo tạm hoãn, lãi suất trái phiếu vẫn còn cao. Vật giá sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức mua của dân Mỹ và đầu tư. Ngay cả khi bãi bỏ tất cả mức thuế, « Ngày Giải phóng » sẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức tất cả những công ty nào đang xây dựng chuỗi cung ứng.

Dù sao đi nữa, ông Trump vẫn trong thế đối đầu công khai với Trung Quốc, khó thể lùi bước. Hoa Kỳ đánh thuế hàng Trung Quốc đến 145 %, Bắc Kinh áp thuế hàng Mỹ 125 % : Mức thuế cao như vậy đủ để tàn phá hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho đến nay vẫn liên hệ chặt chẽ với nhau.

Trump tấn công đồng minh thay vì liên kết chống Trung Quốc

Kể từ hơn một thập niên qua, phương Tây liên tục phàn nàn về cung cách làm ăn của Trung Quốc. Từ lâu Bắc Kinh đã vi phạm tinh thần của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mô hình chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong đó các nhà xuất khẩu được trợ giá theo những cách mập mờ, khó thể phù hợp với trật tự minh bạch dựa trên các quy định quốc tế. Trung Quốc sản xuất thừa một phần do tiêu thụ nội địa thấp. Nhìn chung, điều này không làm Hoa Kỳ nghèo đi, nhưng có nghĩa trao đổi thương mại với Trung Quốc là không công bằng, đặc biệt đối với những người lao động bị mất việc vì công nhân Hoa lục.

Tuy nhiên một cuộc chiến thuế quan mang tính hủy diệt và khó lường chưa bao giờ là giải pháp, vì gây tác hại kinh tế nặng nề cho cả đôi bên và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự. Cách lý tưởng cho Hoa Kỳ là tập hợp các đồng minh của mình vào một khối tự do mậu dịch đủ lớn để buộc Trung Quốc phải thay đổi cung cách làm ăn - chiến lược phía sau Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã hủy bỏ trong nhiệm kỳ đầu.

Nhưng giờ đây khi Washington bắt chẹt các đồng minh và từ bỏ các hiệp định đã ký, họ sẽ ít sẵn sàng hợp tác. Đó là sự thiển cận của chương trình thiếu suy nghĩ của Donald Trump. Chỉ trong mười ngày, tổng thống đã gây rối loạn cho toàn cầu, tuy hiện nay đã tạm lắng nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian để gầy dựng lại những gì đã mất.

Ai sẽ cứu tự do mậu dịch ?

Le Nouvel Obs đặt câu hỏi « Ai có thể cứu vãn tự do mậu dịch ? ». Ông Trump đã kết thúc 80 năm tự do thương mại mà không đo lường được tất cả những gì đang đảo lộn. Sau 1945, Hoa Kỳ trông cậy vào các trao đổi để người dân có thể làm giàu, kích thích tăng trưởng thế giới, tạo điều kiện cho hòa bình. Thuế quan phía Mỹ chỉ có 2,6 %, châu Âu 3,5 %. Sức mua tăng nhờ giá thành giảm, các nhà máy chuyển về châu Á. Giờ đây ông Trump muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, đồng thời thu về số thuế hải quan ước tính 500 tỉ đô la thay vì 170 tỉ để có thể giảm thuế cho người Mỹ như đã hứa. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ mới liệu có kết quả khi các nước đều đã có thế mạnh riêng, và năng lực kỹ nghệ phân bố không đều ?

Các công ty quốc tế có đầu tư vào Hoa Kỳ để tránh thuế, hay thế giới sẽ hỗn loạn khi tất cả các nền kinh tế đều chậm lại, thậm chí nguy cơ chiến tranh giữa những nước không còn quan hệ kinh tế nên dễ chấp nhận rủi ro này ? Những mối liên kết mới đã bắt đầu : các bộ trưởng thương mại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ba nước vốn không ưa nhau đã họp ở Seoul hôm 30/03 để chuẩn bị giải pháp đối phó với « Ngày Giải phóng ». Hiện hy vọng duy nhất để « thắng » bớt Trump là một thảm họa chứng khoán tầm cỡ như năm 1929.

Trên L’Express, nhà kinh tế Mark Skousen, đại học Chapman mỉa mai « Trump ngủ gục trong giờ học kinh tế chăng ? ». Ông coi thuế quan của Donald Trump là thêm một sắc thuế đánh vào người tiêu thụ và nhà sản xuất Mỹ. Nhà kinh tế Jason Furman từng đánh giá : « Nhập khẩu là tốt chứ không phải xấu. Người tiêu dùng có được những sản phẩm đa dạng hơn như trái bơ của Mêhicô, rẻ hơn như xe hơi Hàn Quốc, phẩm chất tốt hơn như rượu sâm banh Pháp ». Các công ty Mỹ cho ra được những sản phẩm chất lượng cao với giá thành cạnh tranh là nhờ dùng nguyên liệu, phụ tùng và máy công cụ nhập khẩu.

« Trâu bò đánh nhau », không chỉ ruồi muỗi chết

Le Point tóm tắt tình hình « Mỹ đánh thuế cao, Trung Quốc trả đũa, và chính bạn phải trả giá ». Trong báo cáo năm 2019, ba nhà nghiên cứu Mary Amiti, Stephen J. Redding et David E. Weinstein chứng minh nếu đánh thuế trên 100 %, sẽ dẫn đến tác động dây chuyền làm thương mại sụt mất 45 %. Và nếu cắt đứt hoàn toàn trao đổi, tổng sản phẩm nội địa thế giới sẽ giảm 1,5 %, tương đương 1.450 tỉ đô la.

Chẳng hạn cảng Long Beach ở California có 40 % hàng hóa đến từ Trung Quốc, với mức thuế 145 %, sẽ giảm 4 đến 5 triệu container, mất đi 15.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp ở Los Angeles, hàng trăm mặt hàng thông dụng tăng giá, đời sống đắt đỏ. Về công nghệ, trong số 50 công ty lớn nhất của Mỹ có 41 lệ thuộc vào Trung Quốc cho 40 % chuỗi cung ứng. Apple là một ví dụ cụ thể : một iPhone 14 Pro Max sản xuất tại Trung Quốc có giá thành 501 đô la, với mức thuế 145 % sẽ thành 1.227 chưa tính tiền lời của hãng và các nhà bán lẻ. Người tiêu dùng phải trả trên 2.000 đô la thay vì 1.099 như hiện nay. Apple ước tính mất ít nhất 7 năm để chuyển dịch được 20 % sản xuất khỏi Hoa lục.

Về phía Trung Quốc, sẽ mất 2,2 % GDP và 3,5 triệu việc làm bị đe dọa. Dù đầu tư rất lớn cho công nghệ, Bắc Kinh vẫn lệ thuộc nặng nề vào các công nghệ hiện đại nhất, phải nhập trên 80 % nhu cầu chip bán dẫn tân tiến. Riêng tại « công xưởng thế giới » Quảng Đông, chỉ cần xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm phân nửa là 4.000 nhà máy phải đóng cửa, 650.000 công nhân bị sa thải. Nếu chia làm các khối kinh tế đối địch, về lâu về dài GDP thế giới giảm 7 % và ở một số nước đang phát triển tỉ lệ này là trên 12 %.

Đối với Việt Nam, L’Express cho rằng « Ngày Giải phóng » của Trump là cú sốc cực lớn, mức thuế cao ngất 46 % đe dọa sự cất cánh kinh tế những năm gần đây. Chỉ trong 6 năm qua, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ tăng gấp ba, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng lên kỷ lục. Việc tiếp tay cho Bắc Kinh không thể thoát khỏi cặp mắt của chính quyền Mỹ.

Vũ điệu ngoại giao của Tập Cận Bình để lôi kéo Đông Nam Á  

The Economist cảnh báo, Tập Cận Bình có thể cố gắng rù quến các nạn nhân bị Donald Trump áp thuế. Đông Nam Á là khu vực bị liệt vào hàng đầu trong bảng phong thần của ông Trump : Việt Nam 46 %, Cam Bốt 49 %, Thái Lan 36 %...Ngay cả Singapore cũng phải chịu mức thuế sàn là 10 % dù không hề đánh thuế vào hàng Mỹ, thậm chí bị thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) tuyên bố trước Quốc Hội là « kỷ nguyên toàn cầu hóa dựa trên quy định và tự do mậu dịch đã kết thúc », nước Mỹ « đã hủy bỏ hệ thống do chính mình lập ra ».

Chuyến công du khu vực của Tập Cận Bình có vẻ như diễn ra vào thời điểm thích hợp để tận dụng sai lầm của đối thủ. Trước hết ông Tập đến Việt Nam ngày 14/04 và sẽ loan báo một loạt đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng cao cấp. Sau đó ông đến Malaysia với các thông báo tương tự, Cam Bốt là chặng cuối cùng. Tuy nhiên không có quốc gia Đông Nam Á nào, ít nhất là cả ba nước sắp tiếp đón Tập Cận Bình, từ bỏ quan hệ với Mỹ.

Khác với nhiều khu vực khác trên thế giới, họ bình tĩnh chuẩn bị thương lượng. Nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm nằm trong số những người đầu tiên liên lạc với ông Trump, đề nghị giảm thuế cho hàng Mỹ bằng không, và gởi một nhà đàm phán đến Washington. Trên thực tế, Đông Nam Á không có chọn lựa nào khác, không nước nào có thể sánh được ảnh hưởng của Trung Quốc hay Liên Hiệp Châu Âu. Dù một số người lo rằng thuế quan sẽ khiến Đông Nam Á xích gần với Bắc Kinh, nhưng hiện không có dấu hiệu nào. Tuy quân đội Trung Quốc quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và Cam Bốt, ông Tập sẽ không ký hiệp ước an ninh mới nào trong vòng công du.

Hơn nữa, ASEAN lo sợ hàng Trung Quốc không xuất được qua Mỹ sẽ ồ ạt tràn sang, trong khi thị trường đã tràn ngập hàng made in China. Một quan chức Malaysia gọi hiện tượng này là « chiến tranh thương mại cấp hai » với các nạn nhân thuế quan của Trump. Và thật ra vũ điệu ngoại giao của ông Tập không đúng lúc. Các nước chủ nhà không muốn tỏ ra quá thân thiết với Bắc Kinh vào lúc đang mở đàm phán với ông Trump, và sợ hàng Trung Quốc đe dọa sản xuất trong nước. Các thỏa thuận đã dự kiến từ lâu sẽ được ký kết, nhưng ngoài ra không hy vọng có tiến triển quan trọng.

Việt Nam có nguy cơ mất thị trường Mỹ nếu tiếp tay cho Bắc Kinh

Trung Quốc có thể đơn thương độc mã chống lại Hoa Kỳ hay không ? Ông Trump thừa hưởng một thị trường chứng khoán căng thẳng, nhưng một nền kinh tế vững chắc. Tổng thống Mỹ thứ 47 đã làm mọi cách để phung phí di sản này.  Kinh tế Trung Quốc thì đang bị giảm phát, và các nhà lãnh đạo quá cứng nhắc, quá chậm đổi hướng. Thương chiến nổ ra chóng vánh và ác liệt mà Bắc Kinh không lường nổi. Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc ngày 07/04, sau khi chính quyền quyết định trả đũa Mỹ. Ngân hàng Barclays ước tính Bắc Kinh cần bơm thêm đến 7.500 tỉ nhân dân tệ (trên 1.000 tỉ đô la, tức 5 % GDP năm nay) để thúc đẩy kinh tế.

Một chiến lược khác là rút về phía thượng nguồn, bán phụ tùng và thiết bị cho các nước láng giềng để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh xuất sang Hoa Kỳ, khi thuế cho Trung Quốc luôn trên 100 % còn Việt Nam, Thái Lan chỉ 10 %. Nhưng mới đây cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro đã tố cáo Việt Nam là « thuộc địa » của các nhà sản xuất Hoa lục. The Economist nhấn mạnh, Việt Nam có nguy cơ bị mất thị trường Mỹ nếu không tự tách mình khỏi Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Stevan Altman, NYU Stern School of Business trong cuốn sách « How Nations Escape Poverty » (Làm thế nào các quốc gia thoát được nghèo đói), đã phân tích về phép lạ kinh tế Việt Nam. Trả lời L’Express, ông Altman nhận xét Việt Nam đã ký kết các hiệp định tự do mậu dịch nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đây là ví dụ tuyệt vời cho thương mại tự do.

Trong thập niên 90, Việt Nam là nước nghèo nhất thế giới với GDP trên đầu người chỉ có 98 đô la. Rồi sau đó chính quyền cộng sản đã chấp nhận sở hữu tư nhân, hướng về kinh tế thị trường, mở cửa cho đầu tư ngoại quốc, từ 80 % dân chúng sống trong cảnh nghèo khổ nay chỉ còn 3 %. Đối với một nước lệ thuộc vào tự do mậu dịch như Việt Nam, việc ông Trump áp thuế là rất bất công. Nhưng Việt Nam đã nhanh chóng đề nghị giảm thuế cho hàng Mỹ còn 0 %, đây là phản ứng rất khôn ngoan.

Ukraina : Lính Trung Quốc hối hận vì đánh thuê cho Nga

Liên quan đến chiến tranh ở Ukraina, The Economist tìm cách lý giải, vì sao lại có lính Trung Quốc tham gia chiến đấu ở cả hai phía ? Ngày 08/04, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã công bố một video cho thấy một người lính Trung Quốc chiến đấu cho Nga bị bắt sống. Hôm sau, ông đăng thêm video thứ hai, có mặt hai công dân Trung Quốc tên Zhang Renbo và Wang Guangjun cùng với hộ chiếu. Zelensky cho biết đã xác định được hơn 150 lính Trung Quốc trong lực lượng Nga.

Theo tuần báo Anh, thật ra lâu nay lính Trung Quốc chiến đấu cho Nga hay Ukraina thường xuyên đăng các video khoe chiến công lên mạng xã hội. Người Trung Quốc đa số đánh thuê cho Nga để kiếm tiền, hoặc để tìm cảm giác mạnh vì chịu ảnh hưởng các phim tuyên truyền, có khi vì dân tộc chủ nghĩa. Một thanh niên 23 tuổi ở Cam Túc thổ lộ với Initium, một kênh truyền thông độc lập ngoài Hoa lục, rằng đánh thuê cho Nga có thu nhập cao gấp 5 lần so với làm việc ở Trung Quốc.

Zhao Rui, 38 tuổi ở Trùng Khánh đi lính cho Nga để đánh nhau với những người Nhật đã giúp Kiev, và bị một drone Ukraina bắn chết năm 2023. Trước đó Zhao đăng video lên mạng Douyin (TikTok của Trung Quốc) kêu gọi các đồng hương đừng theo gương mình. Một lính đánh thuê tên Zhou Zhiqiang nói với Chai Jing, một nhà báo Trung Quốc lưu vong, người Nga dùng họ làm bia đỡ đạn, họ không được đối xử như những con người.

Phía Ukraina, có một số tình nguyện quân Trung Quốc tham gia vì lý tưởng. Cái chết của lính Trung Quốc ở cả hai phe gây tranh cãi trên internet : Họ là người hùng, đánh mướn hay dân tộc chủ nghĩa mù quáng ? Chính quyền Bắc Kinh lâu nay làm ngơ, nay có lẽ sẽ phải lên tiếng.


*********

Cộng đồng quốc tế đồng thuận « về nguyên tắc » dự thảo Hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu

Trọng Thành

Cộng đồng quốc tế đã tiến được một bước quan trọng trong việc đúc kết Hiệp ước cho phép đối phó tốt hơn với các đại dịch toàn cầu trong tương lai. Theo đồng chủ tịch của cơ quan phụ trách thương thuyết về Hiệp ước, đại sứ Pháp về y tế, Anne-Claire Amprou, hôm 12/04/2025, các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) đã đạt được một « thỏa thuận về nguyên tắc ».

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Trên mạng X, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay lập tức ca ngợi đây là « một quyết định hệ trọng ». Với thỏa thuận này, thế giới sẽ có thể phản ứng « nhanh hơn, hiệu quả hơn, đoàn kết hơn và vững vàng hơn » trước các đại dịch. Tổng thống Macron nhấn mạnh đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy cộng đồng quốc tế « tiếp tục hành động đoàn kết ».

Hãng tin Pháp AFP lưu ý là văn bản này được cộng đồng quốc tế thông qua « về nguyên tắc » trong bối cảnh cơ chế đa phương và hệ thống y tế thế giới đang lâm vào tình trạng « khủng hoảng nghiêm trọng », đặc biệt do việc tổng thống Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh đóng góp tài chính của Mỹ, và tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi WHO.

Theo tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, « kể từ ngày thứ Ba, 15/04 », các quốc gia thành viên sẽ nối lại các thương thuyết về văn bản cuối cùng của Hiệp ước, sẽ phải được toàn thể các thành viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới phê chuẩn vào tháng 5/2025.

Một trong các điểm chủ yếu gây bất đồng hiện nay, theo nhiều nguồn tin của AFP, là việc chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm y tế liên quan đến các đại dịch. Trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia nghèo nhất đã lên án các nước phát triển độc quyền vaccin và các phương tiện xét nghiệm. Trong khi đó, nhiều quốc gia, nơi ngành công nghiệp dược phẩm là chủ lực của nền kinh tế, cho đến nay vẫn phản đối nghĩa vụ chuyển giao công nghệ, và cho rằng đòi hỏi này là « duy ý chí ».

Tháng 12/2021, hai năm kể từ đầu đại dịch Covid-19, khiến hàng triệu người chết và làm điêu đứng kinh tế toàn cầu, các quốc gia thành viên của WHO đã quyết định cần phải có một Hiệp ước phòng chống đại dịch toàn cầu. Hiện tại, nhiều dịch bệnh đang có nguy cơ trở thành đại dịch, như dịch cúm gia cầm H5N1, mà nguy cơ virus lây sang người chỉ còn là vấn đề thời gian, hay bệnh sởi đang lan rộng tại 58 nước, hậu quả của thái độ chống vaccin do tin giả. Bệnh đậu mùa khỉ hoành hành tại châu Phi cũng có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo