Hà Nội 'di chuyển' hàng chục cây xanh ven Hồ Gươm làm sân khấu nhạc nước
8–10 minutes
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Vườn hoa Lý Thái Tổ có diện tích hơn 12.000m2, nằm trên địa bàn phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
Việc chính quyền tại thủ đô Hà Nội chuẩn bị "di dời" nhiều cây xanh đang khiến nhiều người bức xúc, phản đối.
Đúng 10 năm trước, vào ngày 22/3/2015, đông đảo người dân Hà Nội đã đổ xuống đường tuần hành để phản đối đề án chặt 6.700 cây xanh của UBND thành phố.
Tại Hồ Thiền Quang, hàng trăm người đã xuống đường hôm đó, trên tay cầm biểu ngữ "Vì một Hà Nội xanh" hay "Chúng tôi yêu cầu minh bạch trong việc chặt hạ cây xanh", "Cứu lấy cây xanh Hà Nội" "Phản đối hành động đê hèn chặt cây xanh Hà Nội"…
10 năm sau, dư luận một lần nữa xôn xao khi có thông tin quận Hoàn Kiếm đề xuất với UBND TP Hà Nội xin chặt hạ và dịch chuyển 25 cây xanh để cải tạo, nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm.
"Đừng hỗn láo với hồ Gươm, hồ Gươm cần cây xanh, không cần nhạc nước" là nhan đề của bài viết được hàng trăm lượt chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Phó Giáo sư, Tiến sĩ dân tộc học Bùi Xuân Đính.
Trong bài viết, ông Đính, cựu Trưởng phòng Phòng nghiên cứu tộc người Việt (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhấn mạnh rằng "đây là sự xúc phạm tới linh khí Hồ Gươm, hồn thiêng dân tộc".
Nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng bày tỏ sự bức xúc trên trang Facebook cá nhân, cho rằng không khí Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, "thế mà thay vì bàn nhau đi dọn rác, tìm cách làm sạch môi trường, trồng thêm cây xanh lấy ôxy,... họ lại đang ủ mưu với nhau chặt hạ bớt cây cổ thụ bên bờ Hồ Gươm đó!"
TP Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch để mở rộng không gian công cộng khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm. Trong đó, dự kiến vườn hoa Lý Thái Tổ sẽ được cải tạo từ tháng 4 và hoàn thành vào tháng 10/2025 với tổng mức đầu tư là 182 tỷ đồng từ ngân sách quận.
Theo phương án thiết kế cải tạo, nâng cấp vườn hoa Lý Thái Tổ được nhiều tờ báo trong nước đăng tải hôm 19/3, 25 cây xanh sẽ bị chặt hạ và dịch chuyển do nằm trên đường dạo và trên hệ thống nhạc nước, bao gồm:
8 cây gồm vàng anh, giáng hương, muồng hoàng yến, đề, lát, sưa đỏ và 2 cây lộc vừng sẽ phải cắt hạ thân và tán để dịch chuyển trong nội bộ vườn hoa
8 cây gồm giáng hương, ngọc lan, 3 cây bằng lăng, 3 cây thàn mát phải cắt hạ thân và tán để dịch chuyển ra khỏi vườn hoa
9 cây gồm thàn mát, lát, giàu nước, muồng đen, lan tây, giáng hương, liễu và 2 cây lộc vừng sẽ bị chặt hạ, không trồng lại.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Chưa rõ số cây xanh sẽ được dịch chuyển để làm sân khấu nhạc nước
Ngày 21/3, UBND quận Hoàn Kiếm ra thông cáo báo chí chính thức về việc cải tạo vườn hoa Lý Thái Tổ, cho biết sẽ loại bỏ một số cây bóng mát, thì những phản ứng trên mạng càng thêm dữ dội.
Đến ngày 22/3, truyền thông trong nước dẫn lời UBND Quận Hoàn Kiếm nói rằng sẽ "dịch chuyển" chứ không chặt hạ 25 cây xanh.
Theo đó, quận sẽ đánh chuyển một số cây bóng mát tại khu vực vườn hoa, một số cây kém phát triển sẽ được đánh chuyển về vườn ươm, một số khác sẽ được đưa sang vị trí phù hợp nhưng không chặt hạ.
Theo chính quyền quận Hoàn Kiếm, để cải tạo vườn hoa, một số cây xanh bóng mát không phù hợp sẽ được loại bỏ, đồng thời trồng bổ sung tăng diện tích bóng mát và cảnh quan của vườn hoa.
"Những cây quý hiếm như sưa đỏ quận sẽ không dịch chuyển, trên nguyên tắc sau cải tạo sẽ giữ tối đa cây xanh. Sau khi cải tạo, quận đặt mục tiêu mật độ cây xanh và thảm cỏ sẽ tăng lên 400-500m2," báo Tiền Phong dẫn lời một đại diện quận.
Về phương án dịch chuyển cây xanh, quận Hoàn Kiếm cũng đang họp với Sở Xây dựng Hà Nội để thống nhất. Sau đó, phía sở sẽ báo cáo lại UBND thành phố.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ số cây xanh sẽ được dịch chuyển là bao nhiêu.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Đính trên Facebook cá nhân đã bày tỏ quan điểm khá gay gắt, gọi đó là sự "xúc phạm Hồ Gươm, xâm phạm tài sản vô giá của Thủ đô và của quốc gia".
Ông cũng đề nghị Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vào cuộc ngay vụ này; không để diễn ra "sự đã rồi".
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Một số chuyên gia cho rằng việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh sẽ xâm phạm đến không gian linh thiêng và vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Gươm
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề cây xanh Hà Nội được mang ra mổ xẻ.
Vào tháng 9/2024, sau khi cơn bão Yagi càn quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm khi đó là hàng ngàn cây xanh gãy đổ, bật gốc, lộ ra bộ rễ trơ trụi, bị bó chặt trong các bầu đất.
Riêng tại Hà Nội, số cây bật gốc ước tính khoảng 24.000.
Đáng chú ý, những hình ảnh mà nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ khi đó cho thấy các cây xanh to đổ bật gốc trên nhiều tuyến đường đô thị để lộ ra bộ rễ chùm rất ngắn.
Nguồn hình ảnh, UGC
Chụp lại hình ảnh, Cây xanh ở Hà Nội bật gốc do bão Yagi
Trước đó, vào năm 2015, hàng loạt cán bộ ở Hà Nội đã bị đình chỉ liên quan đến vụ chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh trên gần 200 tuyến phố.
Vào thời điểm đó, việc hàng trăm cây xanh còn khỏe mạnh, xanh tốt không bị cong, hỏng sâu bệnh trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã bị chặt hạ, kéo theo hàng ngàn mét vuông bóng mát không còn đã khiến nhiều người lên tiếng phê phán.
Báo cáo tại cuộc họp ở UBND TP Hà Nội vào ngày 19/3/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết công tác chặt hạ, thay thế cây xanh được triển khai đồng loạt trên 9 tuyến phố, khoảng gần 500 cây xanh đã bị chặt hạ, đào tận gốc để chuẩn bị trồng cây mới vào.
Tới ngày 22/3/2015, người dân Hà Nội tập trung đông đảo tại nhiều địa điểm trong thành phố để biểu tình phản đối quyết định chặt 6.700 cây xanh của UBND thành phố.
BBC khi đó đưa tin khoảng 300-400 người dân đã tập trung quanh khu vực hồ Thiền Quang để phản đối việc chặt hạ hàng loạt cây mà có nguồn nói đã lên tới 2.000 cây xanh.
Người dân Hà Nội đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang "6.700 người vì 6.700 cây xanh", thu hút hàng chục ngàn lượt thích (like).
Dư luận cũng xôn xao về việc tiêu thụ gỗ từ các cây xanh bị chặt ở Hà Nội là không minh bạch.
Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thế Thảo cùng ngày đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và đình chỉ trưởng, phó phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp đến việc thay thế cây xanh.
Đến tháng 7/2015, hàng loạt cán bộ đã bị kỷ luật do liên quan đến những sai phạm trong việc thay thế cây xanh tại Hà Nội.
Thông báo kết luận của UBND TP Hà Nội khi đó cho biết có 11 cán bộ phải nhận các hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, đến giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.
Trong đó có 8 cán bộ, lãnh đạo thuộc Sở Xây dựng và 3 lãnh đạo thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khi đó đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu UBND thành phố để các cơ quan, đơn vị có những thiếu sót, tồn tại trong cải tạo, thay thế cây xanh.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Người dân ở Hà Nội tuần hành phản đối chặt cây xanh năm 2015
Sau 10 năm, TP Hà Nội đang nghiên cứu quy hoạch để mở rộng không gian công cộng khu vực Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm.
Cùng với việc nghiên cứu quy hoạch, cải tạo khu vực phía đông Hồ Gươm thành khu quảng trường - công viên đặc biệt, thành phố cũng lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực bắc Hồ Gươm, nam phố cổ, chủ đạo là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Tòa nhà "Hàm cá mập" dự kiến sẽ được phá bỏ với kinh phí 18 tỷ đồng để mở rộng không gian công cộng ở khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Để thực hiện dự án trên, TP Hà Nội cũng dự kiến di dời 12 trụ sở cơ quan, tổ chức và 35 hộ dân trong khu đất kim cương khu vực phía đông Hồ Gươm.
Chính quyền cho biết những hộ dân nằm trong diện di dời nếu đủ điều kiện bồi thường đất sẽ được đền bù với chính sách cao nhất, bố trí tái định cư bằng đất tại huyện Đông Anh.
Các trụ sở dự kiến phải di dời như: Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Văn học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chi cục Dân số Hà Nội, Hội Người mù Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Khách sạn Điện lực, Trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội, Điện lực Hoàn Kiếm, Trụ sở văn phòng Kho bạc Nhà nước...
***********
Nhật, Trung, Hàn tìm cách tăng cường hợp tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại
Các ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hôm nay 22/03/2025, họp tại Tokyo, Nhật Bản, để tìm cách xích lại gần nhau và vượt qua những bất đồng về các vấn đề như Ukraina và Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ phát động đang đe dọa khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chụp ảnh trong cuộc họp ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/03/2025.AP - Rodrigo Reyes Marin
Theo hãng tin AFP, phát biểu khi khai mạc cuộc họp với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị và Hàn Quốc Cho Tae Yul, ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố: “Tình hình quốc tế đang ngày càng trở nên khó khăn hơn và có thể nói không ngoa rằng chúng ta đang ở một bước ngoặt trong lịch sử. Hơn bao giờ hết chúng ta phải tăng cường nỗ lực để vượt qua chia rẽ và đối đầu thông qua đối thoại và hợp tác."
Cuộc họp ba bên tại Tokyo, cuộc họp thứ 11 theo hình thức này, diễn ra trong bối cảnh khu vực Đông Á đang bị đe dọa bởi cuộc tấn công thuế quan của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và phải đối phó với nhiều vấn đề như việc Bắc Triều Tiên triển khai lực lượng để hỗ trợ quân Nga ở Ukraina và các hành động uy hiếp của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan.
Theo lời ngoại trưởng Nhật Iwaya, trong cuộc họp hôm nay, họ đã "trao đổi thẳng thắn những quan điểm về hợp tác ba bên" và về các vấn đề quốc tế hiện nay, đồng thời nhấn mạnh mong muốn chung của ba nước, đó là "thúc đẩy hợp tác hướng tới tương lai".
Ông tuyên bố Tokyo, Seoul và Bắc Kinh sẽ "đẩy nhanh" các cuộc thảo luận để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới giữa ba nước. Vào tháng 05/2024, lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã mở cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên sau 5 năm, trong đó họ đã tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Seoul và Tokyo đang có lập trường cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng so với Bắc Kinh, vốn vẫn là một trong những đồng minh thân cận và nước hậu thuẫn kinh tế chính của Bắc Triều Tiên.
Quảng cáo
Phát biểu sau cuộc họp tại Tokyo, ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae Yul tuyên bố: “Chúng tôi tái khẳng định rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích chung và trách nhiệm chung của ba nước. Mặt khác, tôi nhấn mạnh rằng sự hợp tác quân sự bất hợp pháp giữa Nga và Bắc Triều Tiên phải chấm dứt ngay lập tức".
Nhưng các vấn đề kinh tế mới là mối quan tâm chính của ngoại trưởng ba nước, trong bối cảnh Hoa Kỳ đã áp thêm mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 25% đối với thép và nhôm, một quyết định gây ảnh hưởng nặng nề đến các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc
************
Tổng thống Mỹ thông báo ký hợp đồng sản xuất chiến đấu cơ mới với Boeing
Thanh Phương
~3 minutes
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm qua, 21/03/2025, thông báo đã ký một hợp đồng với tập đoàn Boeing để sản xuất một thế hệ chiến đấu cơ tàng hình mới, được đặt tên là F-47.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Khi thông báo tin trên với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, tổng thống Mỹ nói ông không thể công bố trị giá của hợp đồng với Boeing, “vì những lý an ninh”.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình:
“Khi thông báo tin này, ông Donald Trump đã hoan nghênh cái tên được đặt cho thế hệ chiến đấu cơ hoàn toàn mới F-47. Dĩ nhiên là vị tổng thống thứ 47 rất hài lòng với cái tên đó. Theo ông, những chiếc phi cơ này sẽ giúp Mỹ giành lại quyền thống trị trên không.
Ông nói: "F-47 sẽ là máy bay tinh vi nhất, hiệu quả nhất và gây sát thương mạnh nhất từng được chế tạo. Không gì trên thế giới có thể sánh được về mặt kỹ thuật. Không chiến đấu cơ nào có được tốc độ, tính cơ động và khả năng cao như vậy."
Hợp đồng này, đã được đưa ra đấu thầu, cuối cùng đã lọt vào tay Boeing, một cơ hội rất tốt cho một nhà sản xuất máy bay khi họ đang trải qua giai đoạn rất khó khăn sau một loạt sự cố hàng không và những thất bại của Starliner, công ty con trong ngành không gian. Mặt khác, chính ông Trump cũng đã phàn nàn rằng Boeing đã chậm trễ trong việc giao máy bay Air Force 1 mới cho tổng thống.
Dẫu sao thì, hợp đồng này, mà chi phí cho giai đoạn phát triển lên tới hơn 20 tỷ đô la, là một món quà trời cho đối với nhà sản xuất máy bay Mỹ. Giá trị cổ phiếu Boeing đã tăng 4,2% vào hôm qua sau những thông báo nói trên.”
Bộ Quốc phòng Đức hôm qua cho biết họ hề không có ý định xem xét lại đơn đặt hàng chiến đấu cơ F-35 sau khi có nhiều đồn đoán về độ tin cậy của vũ khí Mỹ. Hôm thứ 5, một tờ báo Đức đã đưa tin bộ trưởng Quốc Phòng Boris Pistorius, trên nguyên tắc sẽ vẫn giữ chức vụ này trong chính phủ của thủ tướng Friedrich Merz, sẽ tham vấn các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự và đại diện của văn phòng mua sắm của quân đội về vấn đề an ninh của các thiết bị của Mỹ mà quân đội đã sử dụng hoặc đã đặt mua, bao gồm cả F-35.
**********
Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cảnh báo công dân cẩn thận khi nhập cảnh Hoa Kỳ
Ngày 21/03/2025, tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đã khuyến cáo công dân có ý định nhập cảnh vào Mỹ thời gian tới cần « cẩn trọng, tỉnh táo, và có trách nhiệm trong mọi lời nói, hành vi, và hoạt động cá nhân ». Nhiều nước trên thế giới, như Đức, Pháp, Đan Mạch… cũng khuyến cáo công dân sau vụ một nhà khoa học Pháp bị từ chối nhập cảnh khi đến Mỹ tham dự hội thảo dường như do bị phát hiện « có ý kiến cá nhân » phản đối tổng thống Trump.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
(Ảnh minh họa) Hành khách làm thủ tục tại một ki-ốt tại Sân bay Quốc tế Denver, Mỹ, ngày 27 tháng 2 năm 2025.AP - David Zalubowski
Theo truyền thông trong nước (nhưng bài trên VnExpress và VOV đã bị rút), « tổng lãnh sự quán khuyến cáo người Việt về nhập cảnh vào Mỹ », theo 10 điểm cần lưu ý, như không để giấy tờ hết hạn ; không nên ra khỏi lãnh thổ Mỹ nếu không thật sự cần thiết ; tuyệt đối tránh đăng tải, chia sẻ hay viết các nội dung mang tính nhạy cảm chính trị, phân biệt sắc tộc, tôn giáo hoặc có thẻ bị hiểu nhầm là cực đoan ; không tham gia hoặc thể hiện quan điểm (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến các phong trào bị chính quyền Mỹ coi là nhạy cảm, cực đoan, hoặc gây chia rẽ cộng đồng ; không xóa dữ liệu trong điện thoại, máy tính trước khi nhập cảnh nếu có nội dung nhạy cảm: Việc xóa dữ liệu ngay trước chuyến bay có thể bị nghi ngờ là « che giấu chứng cứ», làm tăng rủi ro bị điều tra…
Những khuyến cáo này được đưa ra sau khi có một số trường hợp bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Gần đây nhất là một chuyên gia về không gian, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS, đến Mỹ tham dự hội nghị gần Houston, đã không được nhập cảnh và phải quay về ngày 10/03, sau khi điện thoại của người này bị kiểm tra ngẫu nhiên và phát hiện nhiều trao đổi cá nhân « thể hiện sự thù hận với tổng thống Trump ». Tuy nhiên, cuộc điều tra của FBI đã bác những cáo buộc đó.
Ngày 18/03, bộ Ngoại Giao Đức cũng cập nhật hướng dẫn đi lại đối với công dân tới Mỹ sau khi ghi nhận nhiều công dân Đức bị giữ lại ở Mỹ, theo báo Spiegel ngày 20/03. Bộ này đặc biệt cảnh báo là ngay cả những vi phạm nhỏ về thủ tục cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức hoặc cấm nhập cảnh.
Quảng cáo
Ngày 20/03, Đan Mạch yêu cầu công dân là người chuyển giới phải tìm hiểu kỹ thông tin tại đại sứ Mỹ ở Copenhagen trước khi đến Hoa Kỳ. Theo Reuters, thông báo này được đưa ra sau khi Phần Lan đưa ra cảnh báo về việc chính quyền tổng thống Trump chỉ công nhận hai giới tính : nam và nữ.
***********
Theo kêu gọi của Đảng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên bố tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện
May
5–6 minutes
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm 21/3 tuyên bố sẽ tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện để phù hợp với quá trình tinh gọn bộ máy của Nhà nước đang diễn ra.
Báo Giác Ngộ của giáo hội được Nhà nước Việt Nam công nhận cho biết, thông báo này được Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhấn mạnh tại Hội nghị sinh hoạt Giáo hội của các tỉnh phía Nam diễn ra tại TP. HCM vào ngày 21/3.
Việt Nam đang thực hiện một kế hoạch tinh gọn bộ máy lớn, sáp nhập các tỉnh, thành và bỏ cấp huyện theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Số tỉnh/thành của Việt Nam sau khi sắp xếp đã giảm từ 63 tỉnh/thành xuống còn 34 tỉnh/thành.
Chính phủ Việt Nam đưa ra kế hoạch hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6, đến ngày 30/8 các đơn vị được sáp nhập đi vào hoạt động, không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo chủ trương này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đưa ra kế hoạch có văn bản hướng dẫn chính thức về việc sáp nhập và tinh gọn vào cuối tháng ba theo mô hình hai cấp gồm tỉnh và xã.
Báo Giác Ngộ dẫn lời Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh “Giáo hội hưởng ứng việc tinh gọn theo chủ trương của Nhà nước, sẽ không còn Giáo hội cấp huyện, thay vào đó sẽ có đại diện theo phường, xã để dễ quản lý.”
Theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đồi năm 2023, hệ thống tổ chức Giáo hội gồm bốn cấp là Trung ương (Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng chứng minh, Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trí sự); cấp tỉnh, thành (Chứng minh Ban Trị sự; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự); cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; cấp cơ sở (Ban Quản trị cơ sở tự viện).
Từ trong nước, nhà báo Nam Việt, cho rằng việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là minh chứng cho thấy tính không độc lập của tổ chức tôn giáo này:
“Việc Giáo hội Phật giáo Nhà nước tuyên bố tổ chức tinh gọn bộ máy theo chủ trương của chính quyền hiện nay thì đã tự mình bộc lộ cho thấy rằng đây không phải là một tổ chức tôn giáo thuần tuý mà hoàn toàn là một tổ chức chính trị khoác áo tín ngưỡng mà thôi.
Người ta dễ dàng nhìn ra rằng Giáo hội Phật giáo nhà nước đã trở thành một hệ thống chức sắc tay sai, chỉ thừa hành hoạt động theo tôn chỉ của Đảng Cộng sản.”
Nhà báo Nam Việt chỉ ra rằng các tôn giáo khác trong nước như Công giáo, Tin Lành hay Hoà Hảo, Cao Đài hiện không hưởng ứng việc tinh gọn bộ máy theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản.
Theo Sách Trắng tôn giáo của Việt Nam năm 2023, Việt Nam hiện có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo. Phật giáo chiếm số lượng tín đồ đông nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự. Kế đến là Công giáo với trên bảy triệu tín đồ và 7.771 cơ sở thờ tự. Lần lượt xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ là đạo Tin Lành và đạo Cao Đài.
Giáo hội Phật giáo được thành lập từ năm 1981 gần đây đang vấp phải nhiều chỉ trích từ người dân và các phật tử trong nước liên quan đến hiện tượng sư Thích Minh Tuệ - người tự nguyện tu theo 13 hạnh đầu đà của đức Phật nhưng không tự nhận mình là người của giáo hội.
Sư Thích Minh Tuệ đã đi bộ khắp Việt Nam nhiều lần trong sáu năm qua để khất thực và không nhận tiền. Hình ảnh vị sư khổ hạnh này đã truyền cảm hứng khiến nhiều người theo dõi và thậm chí cũng đi bộ hành theo ông nhưng đã khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng khẳng định ông không thuộc tổ chức này. Công an đã giải toán đoàn bộ hành của ông vào giữa năm ngoái và bắt ông ẩn tu cho đến khi ông rời nước để bộ hành đến Ấn Độ vào tháng 12 năm ngoái.
Hình ảnh của sư Thích Minh Tuệ đã khiến nhiều người dân so sánh ông với một số vị sư, chức sắc nổi tiếng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà họ cho là chỉ kêu gọi chúng sinh cúng dường, giảng dạy những điều sai trái.
Một phật tử trong nước giấu tên vì lý do an toàn, nhận xét với RFA:
“Với người dân và ngay cả phật tử thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn xa lạ, không có mối quan hệ nào. Tổ chức Giáo hội từ trung ương đến địa phương lập ra để quản lý tư tưởng chính trị và xét duyệt bổ nhiệm thăng chức cho các sư.”
Vì vậy, phật tử này cho rằng việc tinh gọn Giáo hội không chỉ gói gọn trong cấp huyện mà nên xoá bỏ cả hệ thống kiểm soát áp đặt này.
**********
Giới thiệu sách : « Người của chúng ta ở Washington, Trump trong tay Nga » của nhà báo Régis Genté
1977-1987, 10 năm để thiết lập những mối liên lạc đầu tiên giữa Matxcơva và một công dân Mỹ mang tên Donald Trump. Đó cũng là thời điểm « mafia đỏ » đầu tư vào Hoa Kỳ, tập trung khá nhiều ở tòa nhà cao tầng Trump Tower. Từ hơn 4 thập niên qua « người của Kremlin » lúc nào cũng « bao quanh » ông chủ địa ốc tại New York và không ít trong số ấy đã theo chân ông vào Nhà Trắng.
Trên đây là một số chương chính trong cuốn sách mang tựa đề Người của chúng ta ở Washington, Trump trong tay Nga, nhà xuất bản Grasset, mà tác giả Régis Genté cho ra mắt bạn đọc tháng 9/2024. Chuyên nghiên cứu về khu vực thuộc ảnh hưởng của Liên Xô, từ 20 năm nay, Régis Genté định cư tại Tbilissi-Gruzia, là phóng viên thường trú của nhiều phương tiện truyền thông Pháp, trong đó có RFI.
Matxcơva dễ đoán tính khí của Donald Trump
Trong lời nói đầu, tác giả ghi nhận : nhìn từ Matxcơva, Trump không là một chính khách khó lường. Năm 1987 sau chuyến tham quan đầu tiên đến thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết, trở về đất tự do Hoa Kỳ, nhà kinh doanh bất động sản còn trẻ tuổi Donald Trump muốn xây dựng một sự nghiệp chính trị, bắt đầu khẳng định rằng đã đến lúc Mỹ cần « ngừng tài trợ cho an ninh cho những quốc gia khác », các thành viên trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO là mục tiêu ông nhắm tới.
37 năm sau, trong cuộc vận động tranh cử ở bang Nam Carolina, Trump tố cáo các đồng minh trong NATO « bần tiện » không tự bảo đảm an ninh cho bản thân : « Không, tôi sẽ không bảo vệ ai hết mà còn khuyến khích Nga muốn làm gì thì làm ». Tại Washington, chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, « im như thóc » cho dù điều khoản 5 của Hiệp ước NATO quy định nguyên tắc « liên đới » khi một thành viên liên minh này bị tấn công.
« NATO là hồ sơ quan trọng nhất đối với an ninh của nước Nga, nhìn từ điện Kremlin. (…) Trong 40 năm qua, chưa khi nào Donald Trump tuyên bố điều gì bất nhã đối với Liên Bang Xô Viết trước kia và nước Nga ngày nay. Trái lại Vladimir Putin là một nhà lãnh đạo mà tổng thống thứ 45 và 47 của Hoa Kỳ ngưỡng mộ ».
Trong cuốn sách này, tác giả trình bày những mối liên hệ chồng chéo, những « cái vòng bao quanh » Donald Trump từ nửa sau thập niên 1970 … khi mà những tay trùm mafia và xã hội đen của nước Liên Xô cộng sản nghiễm nhiên đầu tư vào Hoa Kỳ, mà nhiều đầu mối lại tập trung cả ở New York, ở khu Brighton Beach cũng như ở ngay trong tòa nhà cao tầng trên đại lộ số 5 nơi Trump Tower ngự tọa.
Điểm khởi đầu của một mối quan hệ tốt đẹp
Trả lời RFI tiếng Việt hôm 03/01/2025 trước khi tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, nhà báo Régis Genté trở lại điểm khởi đầu khi mà mật vụ KGB của Nga bắt đầu để ý đến một công dân Mỹ kết hôn với một người Tiệp Khắc thuộc quỹ đạo của Liên Xô.
Régis Genté « Đây là một câu chuyện dài mà tôi đã thuật lại trong sách. Yếu tố thời gian ở đây hết sức quan trọng. Cũng cần nói thêm, Donald Trump không là nhân viên của cơ quan mật vụ làm việc cho Matxcơva. Ông không là nhân viên và cũng không được mật vụ của Liên Xô trả lương. Trump là người có liên hệ với chính quyền và cơ quan tình báo của Liên Xô trước kia. Mọi việc bắt đầu từ thập niên 1970 khi ông thành hôn với bà Ivana, công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc. Lập tức an ninh Tiệp Khắc chú ý đến ông. An ninh Tiệp Khắc không hơn không kém là một chi nhánh của cơ quan an ninh và mật vụ Liên Xô KGB».
Những đầu mối bao quanh Trump
Trong sách, Régis Genté đã đơn cử nhiều nhân chứng, trích dẫn nhiều tài liệu cho thấy Donald Trump bị theo dõi và người ta muốn hiểu rõ về cuộc sống trong gia đình ông. Chẳng hạn như chính thân phụ bà Ivana báo cáo với cơ quan an ninh Tiệp Khắc về chương trình đi lại, làm việc của Donald Trump trong lúc ông cư ngụ trên đất Tiệp … Nhưng từ 1987 mọi việc tiến triển nhanh hơn, khi ông bắt đầu giao tiếp với khá nhiều công dân Liên Xô : từ giới ngoại giao đến các mạng lưới mafia.
Régis Genté : « Năm 1987 Donald Trump lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô Matxcơva và ở đây KGB đã mở hẳn một chiến dịch để thắt chặt liên hệ với công dân Hoa Kỳ này. Donald Trump trở thành ‘một mối liên lạc kín’ như trong thuật ngữ của mật vụ Liên Xô thời đó ».
Semyon Kisline, mà sau này trở thành Sam là một người Do Thái xuất thân từ Odessa sang Mỹ định cư năm 1972 là gạch nối đầu tiên giữa ông Trump với thế giới trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô. Nhân vật này làm chủ cửa hàng bán đồ điện tử Joy- Lud Electronics nằm ở số 200 trên đại lộ Fith Avenue. Đây là « nơi nhân viên của Liên Xô công tác tại New York hay Washington đều lui tới (…) Joy- Lud Electronics do KGB kiểm soát (…) Kisline và các cộng sự có nhiệm vụ báo cáo về tất cả những đối tượng có thể được mật vụ của Liên Xô chú ý » (tr.21).
Năm 1980 Donald Trump mượn tiền của Kisline và đó cũng là thời điểm mà ông thực sự « lọt vào mắt xanh » của tình báo Liên Xô và bắt đầu được « KGB chăm sóc ». Đến khoảng 1985-1986, Matxcơva đã trao cho một phụ nữ 29 tuổi, Natalia Doubinina, nhiệm vụ mời hai vợ chồng ông Trump sang Liên Xô. Bản thân bà Doubinina là con gái của một nhà ngoại giao Liên Xô hàng đầu, đại diện thường trực của Matxcơva tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Tháng 07/1987 Ivana và Donald Trump đến Matxcơva. Ông Trump trở lại thành phố này thêm 3 lần nữa trước khi ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.
Một trong những điều vừa thú vị, vừa bắt độc giả phải rất tập trung trong cuốn sách của Régis Genté, là tác giả đã đề cập đến rất nhiều nhân vật cao cấp lui tới các cửa công quyền, am hiểu guồng máy chính trị của chế độ ở Matxcơva cho đến khi Liên Xô sụp đổ, và dưới thời của Liên bang Nga sau này. Đó có thể là những nhân viên ngoại giao hàng đầu, những « ông lớn » trong hàng ngũ của bên an ninh, tình báo …. Và có cả những ông trùm mafia khét tiếng đã làm nên sự nghiệp từ quần đảo ngục tù Goulag … và thường có « những liên hệ mật thiết và ở cấp rất cao với mật vụ Liên Xô và Nga ».
Tác giả cuốn Người của chúng ta ở Washington, Trump trong tay Nga đã trích dẫn nhiều nhân chứng hàng đầu, (thường là những điệp viên của Nga đã đào tẩu sang Mỹ hay các nhà báo điều tra và hồ sơ mật của an ninh Hoa Kỳ) cho thấy những thành phần này dùng tiền để kết nối với quỹ đạo của ông Trump, đặc biệt và vào những thời điểm mà sự nghiệp của Donald Trump có nhiều thăng trầm … Tại Matxcơva cũng như New York, ai là những người đã trực tiếp liên lạc với ông Trump ?
Régis Genté : « Như đã biết, Liên Xô là một chế độ độc tài toàn trị, có nghĩa là không một công dân nào thoát khỏi tai mắt của chính quyền hay thoát khỏi ảnh hưởng của chế độ. Thí dự chúng ta biết nhiều về tổ chức được gọi là Mafia Đỏ. Mạng lưới này trỗi lên từ quần đảo ngục tù và hoạt động với sự hậu thuẫn của chính quyền, của công an và mật vụ …Vào thập niên 1970 trong một đợt di tản, khá nhiều người Do Thái tại Liên Xô -chính xác hơn là ở Ukraina và Odessa đã sang định cư tại Hoa Kỳ và số này tập trung ở khu Brighton Beach tại New York. Ông Trump giao tiếp với cộng đồng này, trước hết là qua trung gian của thân phụ ông là Fred Trump. Fred là một doanh nhân trong ngành địa ốc. Thành phần từ Liên Xô sang Mỹ định cư đó vì lợi ích của chính họ và của Matxcơva đã đầu tư vào nhiều chương trình của gia đình Trump. Như đã biết, Donald Trump đã có lúc suýt khánh tận, ông đã sáu lần suýt trắng tay, đặc biệt là vào thời điểm Hoa Kỳ bị khủng hoảng tín dụng địa ốc hồi 2008. »
Régis Genté dựa trên những tài liệu điều tra đưa ra một danh sách khá dài những đầu mối của cơ quan tình báo Liên Xô và Nga « bao quanh » ông Trump trong hàng chục năm và không ít người trong số đó « thậm chí đã theo chân ông vào tận Nhà Trắng từ ngày 20/01/2017 ».
Về phía các công dân Mỹ thì có nào là : « Michael Flynn (người được tổng thống Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia), Paul Manafort (luật sư và là một nhân vật chủ chốt trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Trump 2016), Carter Page (một chuyên gia về tài chính ngân hàng và bị FBI nghi ngờ là « người của nước ngoài), Dmitri Simes (công dân Mỹ gốc Nga và đang bị truy tố do cộng tác với truyền thông Nga và cũng từng là cố vấn cho ứng cử viên tổng thống Donald Trump hồi 2016), Michael Cohen (nguyên là một luật sự thân tín của nhà tỷ phú Trump), George Papadopoulos (một cố vấn của Trump hồi 2016) , Roger Stone (« bạn » lâu năm của tổng thống Mỹ thứ 45), Jeff Sessions (bộ trưởng Tư Pháp dưới thời tổng thống Trump) … » (tr.84-85).
Có sự can thiệp của Putin ?
Riêng về nhân vật Papadopoulos, Régis Genté viết : « Mùa xuân 2016, một lần choáng hơi men, nhân vật này tiết lộ với một nhà ngoại giao Úc, ông được chỉ thị của chính Nga theo đó, Matxcơva có thể sẽ yểm trợ ứng viên của đảng Cộng Hòa bằng cách cho công bố nặc danh những thông tin bất lợi cho Hillary Clinton ». Bà Clinton đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống và là đối thủ của Donald Trump. (tr.85)
Còn về phía Nga, danh sách cũng dài không kém. Trả lời RFI tiếng Việt, Régis Genté nhắc lại ngay từ thập niên 1980, đã có không ít « thân chủ » từ xứ cộng sản Liên Xô mang tiền sang Mỹ, đổ vào New York và mua lại nhiều căn hộ trong tòa tháp Trump Tower. Cũng không hiểu do một sự tình cờ nào mà năm 1992 một tay anh chị khét tiếng của Matxcơva, Viatcheslav Ivankov (chết từ 2009) đang bị FBI truy lùng đã lẩn trốn ngay trong một căn hộ nguy nga cũng trong tòa cao ốc trên đại lộ Fifth Avenue. Chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ. Năm 2008 khi mà toàn thế giới bị kéo vào cuộc khủng hoảng địa ốc và tài chính, tỷ phú địa ốc New York suýt phá sản, và lại được một số các nhà hảo tâm Nga giúp đỡ … Tuy nhiên lá bài quan trọng nhất của ván cờ giữa Donald Trump và Matxcơva có lẽ xoay quanh nhân vật Felix Sater.
Theo báo New York Times 2017, doanh nhân người Mỹ Felix Sater là một đầu mối giữa tập đoàn Trump với phía Nga về « dự án xây dựng một Trump Tower » ngay giữa lòng thủ đô Matxcơva hồi 2015. Vẫn theo tờ báo này tổng thống Vladimir Putin đã « tán thành » dự án nói trên. Nhưng như đã biết, kết quả đã không thành. Régis Genté giải thích với RFI Tiếng Việt về nội dụng một bức thư điện tử Sater đã gửi cho Michael Cohen, luật sư của Donald Trump.
Régis Genté : « Các nhà điều tra của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã tìm thấy trong hồ sơ của doanh nhân Felix Sater một email với nội dung như sau : ‘Chúng ta có một cơ hội ngoài mong đợi để người của chúng ta được bầu vào Nhà Trắng (…) Tôi sẽ thuyết phục Vladimir Putin hỗ trợ chúng ta trong mục đích này’. Chính từ email ấy, tôi đã chọn tựa đề cho cuốn sách mang tên Người của chúng ta ở Washington. Nội dung bức thư điện tử của Sater cho thấy giới điều tra đã tiến rất gần đến khả năng đã có một sự thông đồng giữa Donald Trump và điện Kremlin ».
Sau nhiều chuyến đi tới Matxcơva từ 1987 đến tận 2015 Donald Trump có dự án đầu tư nào tại thủ đô nước Nga hiện tại hay không ? Régis Genté trả lời là không nhưng không loại trừ khả năng Matxcơva đã tìm đúng mạch để « phỉnh » một công dân Mỹ : Donald Trump thích tiền và muốn làm tất cả để « được thiên hạ ngưỡng mộ », muốn mở rộng địa bàn làm ăn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, ngoài thế giới tư bản.
Régis Genté : « Nhiều lần, và đó từng là mục tiêu chuyến thăm Matxcơva đầu tiên của ông Trump năm 1987 người ta đã nêu lên khả năng xây dựng một tòa cao ốc Trump Tower cách không xa điện Kremlin ra để nhử nhà tỷ phú người Mỹ này. Điều đó trúng ý ông bởi Donald Trump muốn quốc tế hóa các thương vụ làm ăn của ông. Nhưng dự án đó đã không thành. Không có tòa cao ốc nào mang tên ông ở thủ đô Matxcơva cả. Nhưng đó là bước khởi đầu cho phép ông Trump mở rộng địa bàn ra ngoài phạm vi nước Mỹ. Nhưng đề xuất tương tự đã liên tục nối đuôi nhau cho đến mãi tận 2015 khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống, trước hết là ở cấp sơ bộ để đại diện cho đảng Cộng Hòa ».
Nga hài lòng với những gì Trump đang làm
Ba chương cuối của cuốn sách mang tựa đề Người của chúng ta ở Washington, Trump trong tay Nga, tập trung vào phản ứng của Matxcơva khi ông Trump đắc cử trong nhiệm kỳ đầu hồi tháng 11/2016, vào đánh giá của Vladimir Putin về tổng thống siêu cường số 1 thế giới, về nhà lãnh đạo của một nền dân chủ lớn trên toàn cầu … về nỗi ám ảnh của Donald Trump khi đòi NATO phải « trả giá » để được Mỹ bảo vệ …
Vladimir Putin hiểu rằng nước Mỹ trong tay Donald Trump sẽ « để cho nước Nga xây đắp ảnh hưởng cần thiết vì an ninh và những tham vọng bá chủ của Matxcơva (…) nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của Trump không làm bất kỳ một điều gì để củng cố nền dân chủ trên thế giới (…) nước Mỹ đó cũng sẽ không tài trợ cho các xã hội dân sự cho các phương tiện truyền thông » ở những quốc gia như Gruzia, Ukraina, Kazakhstan … « Nước Mỹ đó sẽ không còn cổ vũ cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng, không còn đứng về phía những tiếng nói đối lập » (tr.205).
F-35 : Biểu tượng cho sự phụ thuộc của châu Âu vào vũ khí Mỹ
Minh Anh
8–9 minutes
Liệu việc mua vũ khí cao cấp của Mỹ, như máy bay tiêm kích phối hợp F-35 Joint Strike Fighter có còn là lựa chọn chiến lược khôn ngoan ? Sự đắn đo này của Canada và châu Âu, các nước đồng minh của Mỹ, ngày một lộ rõ vào lúc có nhiều nghi ngại cho rằng Hoa Kỳ có thể từ xa « bấm nút khóa » các chiến đấu cơ mà Mỹ bán cho đồng minh trong trường hợp có căng thẳng ngoại giao.
Mọi sự bắt đầu từ phát biểu của ông Michael Schoellhorn, tổng giám đốc hãng Airbus Defence tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành cho một tờ báo Đức : « Nếu Đan Mạch một ngày nào đó có ý muốn bảo vệ Groenland (hàm ý nhắc đến tham vọng sáp nhập vùng này vào Mỹ của ông Trump), thì những chiếc F-35 của nước này có lẽ khó thể mà bay xa ».
F-35 : Báu vật của không quân
Phát biểu này của ông Schoellhorn đã làm rộ lên những bàn tán trên các mạng xã hội cho rằng Washington chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể khiến vài chiếc trong số 1.100 tiêm kích F-35 mà Đan Mạch, Anh Quốc, Ý, Na Uy, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan, Thụy Sỹ, Đức và gần đây nhất là Rumani đặt mua từ hãng Lockheed Martin, phải nằm yên. Điều này có thể được thực hiện nhờ vào một « cánh cửa bí mật », rất có thể được giấu kín trong số 8 triệu hàng mật mã.
Theo Les Echos, sự việc đang khiến nhiều lãnh đạo phương Tây đắn đo hơn về việc mua F-35. Vài giờ sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Canada Mark Carney đã yêu cầu bộ Quốc Phòng xem xét lại hợp đồng mua F-35 đã được đúc kết với Hoa Kỳ, và khả năng những giải pháp thay thế khác để đáp ứng nhu cầu của Canada. Đây cũng là lập trường của chính phủ Bồ Đào Nha trong việc tìm kiếm các khả năng để thay thế dàn F-16 của không quân sắp hết thời hạn sử dụng.
Cho đến hiện tại, tiêm kích F-35 được đánh giá như là một « báu vật », biểu tượng cho uy lực của không quân một nước nhờ vào các tính năng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến, theo như giải thích của đại tá Martin Thu Tesli, Chỉ huy Căn cứ Orland, Không quân Na Uy với kênh truyền hình Thụy Sĩ RTS :
« Máy bay F-16 và F-35 có cách bay rất giống nhau. Cả hai đều là máy bay chiến đấu và có cách bay rất giống nhau. Nhưng trên máy bay F-35, phi công nhận được nhiều thông tin hơn từ các cảm biến. Sau đó, những thông tin này sẽ được cung cấp cho phi công theo một cách khác. Bạn hiểu biết chiến trường chi tiết hơn khi điều khiển F-35 so với chiếc F-16. Trước đây chúng tôi trực tiếp xử lý các cảm biến, thì F-35 sẽ thực hiện phần lớn công việc đó thay bạn. »
Chiếc cổng bí mật
Nhưng cuộc tranh luận về khả năng Mỹ có thể « bấm nút » từ xa, « án binh bất động » các chiếc F-35 của đồng minh đã làm lộ rõ một vấn đề rộng lớn hơn : Sự phụ thuộc của châu Âu vào vũ khí Mỹ. Nếu như Mỹ là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới (43%), thì châu Âu lại là khách hàng lớn nhất của Mỹ khi nhập đến 35% nguồn xuất khẩu vũ khí Mỹ trong giai đoạn 2020-2024.
Trở lại với cuộc tranh luận, báo Pháp Les Echos khẳng định Mỹ không cần đến « mánh khóe » đó để giữ quyền kiểm soát sử dụng F-35. Khác với nhiều loại chiến đấu cơ khác, « báu vật » của Lockheed Martin hoạt động dựa vào hệ thống tin học phức tạp cho phép điều khiến từ các hoạt động bảo trì và cập nhật, giống như chiếc iPhone thông thường.
Đây mới chính là điểm gây lo lắng. Theo giải thích của Xavier Tytelman, chuyên gia về hàng không với đài RTBF, những yếu tố này cho thấy Washington có các phương tiện tác động đến phương thức hoạt động : « Điều đó được ghi rõ trên giấy trắng mực đen trong các hợp đồng rằng, các máy bay này cần phải kết nối ít nhất 30 ngày một lần với máy chủ tại Mỹ để hệ thống chuẩn bị nhiệm vụ có thể tiếp tục hoạt động bình thường ».
Về điểm này, Les Echos giải thích rõ hơn, trung tâm thông tin để các chiếc F-35 kết nối được đặt tại căn cứ Eglin, bang Florida của Mỹ. Cơ sở chiến lược này không những xử lý các dữ liệu được các máy bay chuyển về và gởi thông tin cập nhật cho chiến đấu cơ cũng như các vũ khí của tiêm kích, mà còn đáp ứng cả nhu cầu các linh kiện thay thế cho khắp thế giới trong khuôn khổ hệ thống trao đổi kết hợp giữa các đối tác công nghiệp của chương trình (như Anh Quốc, Ý, Hà Lan, Úc, Na Uy, Đan Mạch và Canada).
Thế nên, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể gởi virus có khả năng gây tê liệt các chiến đấu cơ. Nhưng theo hãng Lockheed Martin, tiêm kích F-35 được thiết kế để vẫn có thể hoạt động trong vòng 30 ngày mà không kết nối với hệ thống bảo trì. Trong trường hợp có vấn đề, phi công vẫn có thể điều khiển chúng một cách độc lập, trong một giai đoạn hạn chế với điều kiện có linh kiện để thay thế.
MDF – Công cụ để Mỹ « khống chế » đồng minh ?
Ngoài ra còn có một vấn đề khác hạn chế nghiêm ngặt sự chủ động của những nước khách hàng F-35 : Việc chuẩn bị các tệp tin học (fichier informatique) dữ liệu nhiệm vụ (données de mission – MDF), một khi được tải về hệ thống sẽ cho phép phi công thực hiện các nhiệm vụ của mình. Nhà báo Mỹ Bill Sweetman, tác giả một loạt tác phẩm về F-35 giải thích trên mạng X như sau :
« Đó không chỉ đơn giản là bản cập nhật. Tệp tin MDF là lệnh chiến đấu điện tử cho F-35. Tệp tin này cung cấp các đặc điểm của những mục tiêu đã biết cũng như là các mối đe dọa tiềm tàng. Chúng quản lý các thông tin liên lạc và cho phép máy bay đi theo một đường bay ít có khả năng bị phát hiện nhiều nhất ».
Chỉ có điều, tất cả những tệp tin MDF đó phải được thực hiện và thử nghiệm tại căn cứ Eglin bởi các nhóm chuyên gia quân sự của những nước mua tiêm kích, được điều đến tại chỗ, nhưng dưới sự giám sát của các đồng nhiệm Mỹ. Cơ chế « F-35 Partner Support Complex » quy định rõ ràng rằng công dân các nước đối tác « không được phép thực hiện các trắc nghiệm độc lập ngoài nước Mỹ do chính sách của Mỹ ».
Điều này được áp dụng nghiêm ngặt cho các đối tác Anh, Ý, Na Uy, hay Úc và Canada. Giai đoạn chuẩn bị này là cần thiết để giúp máy bay tránh được tầm rà soát của các ra-đa, tầm bắn của tên lửa và cho phép bắn trúng mục tiêu.
Theo một phi công Pháp, hiểu rõ về chủ đề này, thì hiện chưa có một đối tác nào của chương trình F-35 có được một trung tâm thông tin độc lập có khả năng thực hiện điều tương tự. Anh Quốc đã từng thử làm nhưng cuối cùng đành từ bỏ.
Ông Xavier Tytelman, trả lời RTBF, lưu ý thêm rằng, việc một nước ngừng hợp tác với Mỹ hay bị hỏng hóc tin học kéo dài có nguy cơ khiến các chiếc F-35 của mình mất dần khả năng tác chiến. Vị chuyên gia về hàng không này nhắc đến một giai thoại liên quan đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất : « Trong các cuộc đàm phán để mua chiến đấu cơ F-35, họ phát hiện ra rằng Washington có thể vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay từ xa. Một tiết lộ đã khiến Abu Dhabi phải từ bỏ hợp đồng trị giá 20 tỷ đô la và chuyển sang mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp. »
Ngoại lệ Israel
Việc Mỹ kiểm soát khâu chuẩn bị nhiệm vụ chiến đấu, cũng như các dữ liệu do các máy bay thu thập được, không hẳn là do Mỹ không muốn để các đồng minh tranh thủ, tận hưởng kỹ nghệ của mình. Điều này cho phép chính quyền Mỹ bảo đảm là việc sử dụng F-35 luôn phù hợp với lợi ích quốc gia. Đặc biệt là tại châu Âu, các chiếc F-35 được thiết kế để có thể mang bom nguyên tử B61 được Mỹ cất trữ tại Đức, Bỉ, Hà Lan và Ý.
Nhưng Israel đã không bị đánh lừa về điều này và đã có được sự đồng ý của Mỹ một ngoại lệ nhân danh những ràng buộc về quyền tự quyết đặc biệt. Nhà nước Do Thái, nhiều lần bị áp đặt lệnh cấm vận, không những đã được quyền tự quản lý các chiếc F-35 « Adir » của mình, mà còn có cả quyền được sửa đổi các phần mềm cho phép chúng tương thích với các loại bom và tên lửa do Israel sản xuất, bao gồm cả bom nguyên tử mà Israel muốn giữ quyền tự chủ hoàn toàn giống như là Pháp với năng lực răn đe hạt nhân của mình.
*************
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh xóa bỏ bộ Giáo Dục
Thu Hằng
~3 minutes
Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời hứa trong cuộc vận động tranh cử. Ngày 20/03/2025, ông ký sắc lệnh « loại bỏ » bộ Giáo Dục tại phòng khách của Nhà Trắng, được biến thành lớp học với nhiều khách mời là trẻ em. Bộ Giáo Dục cấp liên bang được thành lập từ năm 1979. Quyết định xóa bộ này được phe siêu bảo thủ hoan nghênh do muốn biến trường học thành chiến trường chống lại những tư tưởng cấp tiến.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Thông tín viên Loubna Anaki tại New York tường trình :
« Chúng ta sẽ nhanh chóng đóng cửa bộ này ». Tổng thống Donald Trump hoan hỉ tuyên bố khi ký sắc lệnh biến mong muốn của ông thành hiện thực khi xóa bỏ bộ Giáo Dục. Ông khẳng định « đây là một ngày lịch sử ».
Để biện minh cho quyết định, tổng thống Mỹ chỉ trích trình độ giáo dục yếu kém trên cả nước và muốn trao lại quyền cho các bang về vấn đề này. Ông nói : « Chúng tôi sẽ trả lại quyền kiểm soát cho các bang. Một biện pháp rất được lòng dân, nhưng trên hết đây là biện pháp hợp lý ! Việc này có lẽ chỉ tốn một nửa chi phí nhưng lại được hưởng nền giáo dục tốt hơn rất rất nhiều ! »
Trên thực tế, các bang đã kiểm soát việc chọn môn học và giảng dạy như thế nào. Bộ Giáo Dục chỉ phụ trách những chương trình dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người khuyết tật và quản lý khoản nợ khổng lồ của sinh viên. Và điều quan trọng nhất là bộ Giáo Dục do Quốc Hội thành lập, cho nên chỉ có Quốc Hội lưỡng viện mới có thể đóng cửa.
Nhưng điều mà tổng thống Mỹ đang cố gắng làm là cắt giảm quỹ lương càng nhiều càng tốt, cũng như các dịch vụ do bộ này phụ trách. Biện pháp này đã được thi hành, vì trong những tuần gần đây số lượng nhân viên đã giảm hơn một nửa.
Sắc lệnh được ký ngày 20/03 đã bị một số dân biểu của đảng Dân Chủ và các công đoàn giáo viên chỉ trích mạnh mẽ. Họ lên án một « màn kịch chính trị ».
Theo AFP, bộ Giáo Dục không thể bị xóa bỏ hoàn toàn nếu không có được 60 phiếu thuận ở Thượng Viện, trong khi đảng Cộng Hòa hiện chỉ chiếm 53 ghế.
***********
Việt Nam, Indonesia ký hiệp định phân định ranh giới hàng hải ở Biển Đông trong tháng Tư
Thu Hằng
2–3 minutes
Sau 12 năm đàm phán, Việt Nam và Indonesia chuẩn bị ký thỏa thuận hàng hải, xác định chính thức vùng đặc quyền kinh tế (ZEE). Quốc Hội Indonesia sẽ họp phê chuẩn vào tháng 04/2025 khi kết thúc mùa chay ramadan. Và sau khi được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn, thỏa thuận dự kiến được chính thức ký kết nhân chuyến công du Hà Nội của tổng thống Indonesia Prabowo Subianto, nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Đăng ngày:
2 phút
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ngày 21/03, thông tin được tổng thống Indonesia công bố ngày 10/03 khi tiếp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Tô Lâm nhân chuyến công du cấp Nhà nước. Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng, tập trận chung và tuần tra chung. Indonesia trở thành nước thứ 11 có mối quan hệ ở cấp cao nhất với Việt Nam (Singapore là nước thứ 12).
Hai bên tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với lập trường nhất quán của ASEAN và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Thỏa thuận giữa Việt Nam và Indonesia cho phép chấm dứt những tranh chấp liên quan đến các vùng biển giàu tài nguyên quanh biển Bắc Natuna và Biển Đông. Thỏa thuận này cũng có thể khiến Bắc Kinh phản ứng giận dữ vì Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết Biển Đông, bao gồm cả một phần biển Bắc Natuna của Indonesia.
Tháng 12/2022, Việt Nam và Indonesia đã đạt được đồng thuận đầu tiên về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (ZEE). Nếu được thông qua, thỏa thuận hàng hải song phương cũng mang tính quyết định cho vấn đề đánh bắt cá trái phép của ngư dân Việt Nam, vẫn bị Indonesia cáo buộc sử dụng lưới rê hủy hoại môi trường ở biển Bắc Natuna. Chính quyền Jakarta trừng phạt nặng tội đánh bắt cá trái phép.
**********
Thượng đỉnh Bruxelles : Các nước châu Âu tiếp tục chia rẽ về tái vũ trang và viện trợ cho Ukraina
Ngày 20/03/2025, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles nhằm tái vũ trang để đủ khả năng tự bảo vệ mình trong bối cảnh vẫn duy trì viện trợ cho Ukraina.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Kaja Kallas phát biểu trước khi dự phiên họp Hội đồng Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 20/03/2025.AP - Geert Vanden Wijngaert
Hội nghị thượng đỉnh khẳng định Liên Âu tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraina, nhưng không đưa ra con số cụ thể nào. Ngoài ra, trong chương trình nghị sự của hội nghị còn có vấn đề quốc phòng châu Âu. Một chủ đề tiếp tục gây chia rẽ các nước châu Âu là tìm kiếm nguồn tài chính khổng lồ để giúp châu Âu tái vũ trang trong 5 năm tới.
Đặc phái viên RFI Nicolas Feldmann tại Bruxelles tường trình :
Đối mặt với cuộc chiến thương mại của Donald Trump, với cuộc canh tranh của Trung Quốc, 27 nước Liên Âu lên danh sách các ưu tiên để có thể cạnh tranh tốt hơn. Theo kết luận cuối cùng của thượng đỉnh, châu Âu trước hết phải tiếp tục thực hiện cú sốc đơn giản hóa các thủ tục, quy định. Theo đó, các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu giảm bớt chuẩn mực, quy định trong tất cả các khu vực kinh tế, kể cả từ an ninh đến quốc phòng.
Quốc phòng là một hồ sơ lớn khác của cuộc họp Hội Đồng Châu Âu này. Các nước thành viên kêu gọi đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu nhằm tái vũ trang châu Âu trong 5 năm. Văn kiện cuối cùng của cuộc họp nhấn mạnh « sự cần thiết đầu tư vào quốc phòng ».
Tại Bruxelles hôm qua, đây chính là điểm đã xuất hiện những vết rạn vỡ giữa một bên là các nước được gọi là « tằn tiện » như Đức hay Hà Lan. Với họ, không có chuyện mắc nợ thêm nữa để chi phí cho quốc phòng. Ngược lại, Pháp và Tây Ban Nha, hay Ý thì ủng hộ vay mượn chung.
Bảo đảm an ninh cho Ukraina : « Liên minh các nước tình nguyện » họp tại Paris ngày 27/03
Tối hôm qua, 20/03/2025,tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo một hội nghị các nước « tình nguyện » bảo đảm an ninh cho Ukraina, trong trường hợp đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, sẽ được tổ chức tại Paris ngày 27/03. Từ nhiều ngày qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Keir Starmer cố thúc đẩy thành lập một « liên minh các nước tình nguyện ». Tổng tham mưu trưởng quân đội của khoảng 30 quốc gia tình nguyện họp lần đầu tiên tại Paris ngày 11/03.
Hôm qua, sau cuộc họp của « hơn 25 tổng tham mưu trưởng các quốc gia » tình nguyện tại Luân Đôn, thủ tướng Anh cho biết kế hoạch bảo đảm an ninh, duy trì hòa bình tại Ukraina « bắt đầu định hình ». Ông nhấn mạnh : « Mọi thỏa thuận hòa bình đều phải có lực lượng bảo đảm an ninh » để phòng ngừa đe dọa từ Nga và kế hoạch này phải được sớm hoàn tất để sẵn sàng triển khai một khi Ukraina và Nga đạt thỏa thuận hưu chiến.
Báo Nga: Pháp đề cập khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Báo Nga Izvestia, thân điện Kremlin, hôm nay, 21/03, dẫn lại tin của báo Anh Telegraph, theo đó, tổng thống Pháp, bên cạnh nỗ lực lập lực lượng châu Âu gìn giữ hòa bình tại Ukraina, cùng với Anh, đang cân nhắc khả năng lập một lực lượng gìn giữ hòa bình dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc. Đây là điều ông Macron đề cập với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bên lề hội nghị của Hội Đồng Châu Âu hôm qua.
Theo báo Anh Telegraph, về dự án lập lực lượng châu Âu duy trì hòa bình tại Ukraina, tổng thống Pháp đang đối mặt với nhiều phản đối từ phía các đảng đối lập trong nước cũng như từ phía một số đồng minh châu Âu chủ chốt, như Ba Lan và Ý.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.