Tin Tức ngày 21 tháng 03 -2025:

Thứ Sáu, 21 Tháng Ba 20254:08 SA(Xem: 576)
Tin Tức ngày 21 tháng 03 -2025:

Trump vayCo
**************

Tổng thống Brazil thăm Việt Nam: bàn thảo về BRICS, máy bay và thịt bò


minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva dự kiến sẽ thăm Việt Nam từ ngày 27-29/3, với BRICS, máy bay và thịt bò là tâm điểm của chương trình nghị sự.

Đoàn doanh nghiệp tháp tùng ông Lula bao gồm đại diện của hãng sản xuất máy bay Embraer và tập đoàn thực phẩm JBS, hai doanh nghiệp đang quan tâm đến các cơ hội hợp tác tại Việt Nam, hãng thông tấn Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết.

Chuyến thăm thứ hai của ông Lula tới Việt Nam với tư cách là tổng thống sẽ diễn ra khi Hà Nội, dưới áp lực giảm thặng dư thương mại lớn với Mỹ từ chính quyền Donald Trump, đang cam kết tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành. Hiện Brazil là nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu sang Việt Nam.

Theo chính phủ Brazil, ông Lula sẽ tới Việt Nam sau khi thăm Nhật Bản.

Việt Nam sẽ gia nhập BRICS hay chần chừ vì ngoại giao 'cây tre'?

Tổng thống Brazil dự kiến sẽ mời Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil vào tháng 7/2025, theo một quan chức Brazil.

Vị này cũng lưu ý rằng Việt Nam đã được mời tham gia BRICS với tư cách đối tác vào năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa có lập trường chính thức về triển vọng gia nhập.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề này.

Đại sứ quán Brazil tại Việt Nam cũng từ chối bình luận.

Khối BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn đầu được nhiều nhà quan sát và chính trị gia xem là một đối thủ địa chính trị lớn của G7, tập hợp bảy nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập khối "BRIC", viết tắt từ tên tiếng Anh của các quốc gia này.

Nam Phi gia nhập vào năm 2010 và khối đã đổi tên sang "BRICS".

Hôm 7/1, Indonesia đã chính thức gia nhập BRICS, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập khối này.

Thái Lan và Malaysia cũng đã tiến hành các bước để gia nhập BRICS.

Còn Myanmar vào tháng 9/2024 tuyên bố rằng quốc gia này muốn tham gia BRICS với tư cách quan sát viên, không phải thành viên có tư cách đầy đủ.

Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập BRICS, đại diện quốc gia này là ông Tri Tharyat (thứ ba từ trái sang) đã dự cuộc họp BRICS Sherpas lần thứ nhất tại Brazil vào ngày 25/2/2025

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập BRICS, đại diện quốc gia này là ông Tri Tharyat (thứ ba từ trái sang) đã dự cuộc họp BRICS Sherpas lần thứ nhất tại Brazil vào ngày 25/2/2025

Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định với nền ngoại giao cây tre, duy trì cân bằng chiến lược với các nước lớn, tránh bị rơi vào vòng xoáy đối đầu, dù diễn ngôn dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm ít sử dụng cụm từ này so với thời ông Nguyễn Phú Trọng.

Chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam dựa trên nguyên tắc tự lực, tự chủ và giữ vững độc lập cùng với chính sách quốc phòng "bốn không" và định hướng quốc phòng giúp Việt Nam giữ được sự cân bằng trong bối cảnh đối đầu gia tăng giữa các cường quốc.

Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm từ Đại học New South Wales, Úc đã cảnh báo về khả năng Hà Nội gia nhập BRICS, khi Moscow cho biết sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia khối này với tư cách là "quốc gia đối tác" trong một tuyên bố chung được đưa ra hôm 15/1 sau chuyến thăm Hà Nội hai ngày của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.

Khi có thông tin rằng BRICS sẽ tạo ra đồng tiền chung thay thế cho đồng đô la Mỹ, ông Trump hồi đầu tháng 12/2024 đã cảnh báo rằng các quốc gia ủng hộ đồng tiền BRICS hoặc tìm cách thay thế đồng đô la sẽ phải đối mặt với thuế quan "lên tới 100%".

"Không có cơ hội nào BRICS có thể thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Bất kỳ quốc gia nào cố gắng làm điều đó hãy nên tạm biệt nước Mỹ," ông Trump nói.

Do đó, giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam nên cực kì thận trọng về khả năng gia nhập nhóm các quốc gia "không thân thiện" theo lời ông Trump.

"Dù con đường này rất khó khăn, nhưng không cường quốc nào có thể áp đặt những bước đi tiêu cực lên Việt Nam, kể cả các chính sách thuế quan của Trump," ông nói với BBC News Tiếng Việt vào tháng 2/2025.

Thảo luận hợp tác

Trong chuyến thăm của Tổng thống Lula, Việt Nam và Brazil dự kiến sẽ thống nhất về một kế hoạch hành động trong các lĩnh vực quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng, có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học như ethanol, một thế mạnh của Brazil, vị quan chức Brazil cho biết.

Quốc gia Nam Mỹ cũng muốn tăng xuất khẩu sang Việt Nam và đang yêu cầu Hà Nội cho phép nhập khẩu thịt bò của họ, vị quan chức cho biết thêm, xác nhận các thông tin trước đó trên các cơ quan truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý.

Việc mở cửa thị trường Việt Nam cho thịt bò Brazil là yếu tố quan trọng để tập đoàn JBS, gã khổng lồ thực phẩm của Brazil, xem xét đầu tư tại Việt Nam.

Ba nguồn tin được thông báo về các cuộc đàm phám, bao gồm cả quan chức Brazil, cho Reuters hay công ty này đang khảo sát xây dựng một trung tâm chế biến thịt ở miền Bắc Việt Nam, nhà máy đầu tiên của công ty tại châu Á, với khoản đầu tư có thể lên tới hàng chục triệu đô la.

Các nguồn tin từ chối nêu tên vì thông tin này chưa được công khai.

JBS cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Embraer vẫy tay chào sau khi rời buồng lái chiếc máy bay của hãng khi ông Chính thăm Brazil vào tháng 9/2023

Nguồn hình ảnh, VGP

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Embraer vẫy tay chào sau khi rời buồng lái một chiếc máy bay của hãng khi ông Chính thăm Brazil vào tháng 9/2023

Về lĩnh vực hàng không, tập đoàn hàng không - vũ trụ Embraer cũng đang đàm phán về khả năng bán 10 máy bay phản lực thân hẹp E190 cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, vị quan chức Brazil cho biết.

Hãng cũng đang cố gắng bán dòng máy bay vận tải quân sự C-390, với chuyến bay trình diễn có thể diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5/2025, Reuters dẫn lời một nguồn tin chính thức và một nguồn tin trong ngành tiết lộ.

Embraer từ chối bình luận về thông tin trên, còn Vietnam Airlines không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới và các hãng hàng không nội địa lâu nay đã tìm cách tăng số lượng tàu bay.

Trong những ngày gần đây, giám đốc điều hành cấp cao của các hãng hàng không khổng lồ Airbus và Boeing đã gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam, theo truyền thông nhà nước và một chương trình nghị sự nội bộ mà Reuters được tiếp cận.

Hôm 28/2, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam (tên mới sau hợp nhất là Bộ Xây dựng) đã gửi công văn đề nghị chính phủ sửa một nghị định để giúp khai thông thủ tục cấp phép khai thác máy bay nước ngoài tại Việt Nam, một động thái được cho là "dọn đường" cho việc thuê máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất.


***********

Campuchia trục xuất 82 người Việt, 'bao gồm cả tội phạm'


Những người Việt Nam bị lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất

Nguồn hình ảnh, Tổng cục Di trú Campuchia

Chụp lại hình ảnh, Những người Việt Nam bị lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất hôm 20/3

Tổng cục Di trú Campuchia hôm 20/3 đã trục xuất 82 công dân Việt Nam, trong đó có 24 phụ nữ, về nước do cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Campuchia.

Thiếu tá Lim Watana, Phó trưởng Đơn vị Cảnh sát Di trú tỉnh Svay Rieng, cho biết trong số những người bị trục xuất, một số đã bị bắt tại các tỉnh khác với cáo buộc làm việc và cư trú không có giấy tờ hợp lệ tại Campuchia.

Báo Khmer Times dẫn lời cảnh sát cho biết những người khác là tội phạm từng phạm các tội như giết người, trộm cắp, sử dụng và buôn bán ma túy và đã thụ án xong tại Campuchia.

Ông Lim Watana nói rằng theo khuyến nghị của lãnh đạo Tổng cục Di trú và Bộ trưởng Nội vụ Sar Sokha, những người này đã được trục xuất về Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế Bavet (cặp với cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) và Prey Voar (cặp với cửa khẩu Bình Hiệp, tỉnh Long An) ở tỉnh Svay Rieng.

Theo thống kê của giới chức Campuchia, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, khoảng 200 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ và trục xuất vì vi phạm luật pháp Campuchia do cư trú và làm việc trái phép.

Ông cũng cho biết thêm rằng, ngoài việc Campuchia trục xuất người Việt Nam, phía Việt Nam cũng thường xuyên trục xuất nhiều người Campuchia vượt biên sang bán vé số ở Việt Nam, với tần suất gần như mỗi tháng.

Trong những năm gần đây, không ít người Việt Nam đã bị lừa sang Campuchia để làm việc trong các sòng bài, trung tâm lừa đảo.

Báo Vietnamnet trong một bài viết vào ngày 25/2 dẫn thông tin từ cơ quan chức năng Việt Nam cho biết không ít công dân Việt Nam đã bị lừa bán qua Campuchia, lao động và cư trú bất hợp pháp tại "thiên đường casino" ngay cửa khẩu Bavet... với các sòng bài như: Las Vegas Sun Casino, Titan King Resort and Casino, Crown Casino Bavet, Dynasty Casino Hotel, Mộc Bài, New World, Le Macau, Gwin...

Trong khi phần lớn những người bị lừa là nạn nhân của các trung tâm này, một số khác đã trở thành quản lý và tham gia thực hiện hành vi lừa đảo. Công an Việt Nam gần đây đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia để giải cứu các nạn nhân, triệt phá nhiều ổ lừa đảo, trong đó có các trung tâm mang tên Tam Thái Tử ở gần biên giới.

Nhiều người Việt Nam tham gia các trung tâm lừa đảo này đã bị đón lỏng và bắt giữ khi trở về nước.

Không chỉ tại Campuchia, người Việt Nam còn bị lừa vào các trung tâm lừa đảo ở một số nước khác, như Myanmar và Philippines

Hồi tháng 2/2025, có 572 người Việt Nam đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo tại tại thị trấn Shwe Kokko và khu phức hợp KK Park ở thành phố Myawaddy, bang Karen, miền đông nam Myanmar.

Giới chức Việt Nam cho biết hiện vẫn còn nhiều người Việt Nam kẹt lại tại các trung tâm lừa đảo ở những nước này.

Bên cạnh việc triệt phá các trung tâm lừa đảo, nhà chức trách Việt Nam hiện đang không ngừng "tuyên truyền" để người dân tránh khỏi các cạm bẫy mà những đường dây lừa đảo xuyên biên giới giăng ra.


*************

Tham vọng chính trị đe dọa hoạt động kinh doanh của Elon Musk

Thanh Hà

Từ khi Elon Musk được tổng thống Donald Trump mời lãnh đạo DOGE, bộ Hiệu Quả Chính Phủ, để giúp Nhà Trắng giải quyết gánh nặng chi tiêu, giảm bớt nợ công cho Mỹ, 100 tỷ đô la tài sản của người giàu nhất hành tinh đã bốc hơi. Cổ phiếu của Tesla mất hơn 50% so với thời điểm tháng 12/2024. Ngoài hãng xe Tesla, mạng xã hội X hay tập đoàn Starlink trong tay Elon Musk đều khốn đốn do những tính toán « điên rồ » của một người đang « xem trời bằng vung ».

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

6 phút

Elon Musk đang trả giá đắt cho những lập trường chính trị của ông. Chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ trực tiếp nhắm vào Canada đã khiến vùng Ontario thông báo hủy hợp đồng 100 triệu euro trang bị vệ tinh Starlink của Elon Musk. Brazil, một mục tiêu khác của Nhà Trắng, cũng đưa ra một thông báo tương tự. Vào lúc Ukraina chịu sức ép để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh do Nga khởi động, Washington « tạm ngừng viện trợ quân sự »« ngừng chia sẻ thông tin tình báo » với Kiev, thì Elon Musk dọa ngừng cung cấp dịch vụ cho Ukraina qua hệ thống vệ tinh Starlink. Dù lời đe dọa sau đó đã được Elon Musk cải chính, nhưng đã quá trễ.

Người giàu nhất hành tinh không dừng lại ở đó. Chủ nhân mạng xã hội X tận dụng tất cả những phương tiện có trong tay để « can thiệp vào đời sống chính trị » của châu Âu và nhất là của Nam Phi, sinh quán của ông. Với Elon Musk hiện diện gần như thường trực sát cạnh từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ giữa Washington và Pretoria trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, gần đây nhất là qua việc chính quyền Mỹ trục xuất đại sứ Nam Phi ở Washington để phản đối chính sách của Pretoria « ngược đãi cộng đồng người da trắng ».

Việc tự cho phép mình can thiệp vào mọi lĩnh vực khiến Elon Musk bị chỉ trích là « xem thường thiên hạ » và làm xấu đi hình ảnh của X và Starlink, cũng như Tesla, các tập đoàn mà ông điều hành. Ngay cả nước Ý và thủ tướng Giorgia Meloni, vốn có quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với tỷ phú Mỹ Elon Musk, cũng đã tuyên bố Roma đang xét lại khả năng trang bị Starlink. Vào lúc nhà cung cấp dịch vụ internet này có nguy cơ bị mất hợp đồng, công ty khởi nghiệp EutelSat của Pháp đã thách thức Starlink, khẳng định « hoàn toàn sẵn sàng thay thế hãng Mỹ cung cấp dịch vụ cho toàn lãnh thổ Ukraina ».

Để mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X, Elon Musk đã phải đi vay rất nhiều tiền của ngân hàng. Nhưng chính sách của ông ở bộ Hiệu Quả Chính Phủ và lập trường chính trị của doanh nhân xuất chúng này khiến nhiều ngân hàng của Elon Musk trở nên thận trọng. Họ bắt đầu đòi nhà tỷ phú này thoái lui khỏi guồng máy lãnh đạo của mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất thế giới.

Nhưng vố đau nhất đối với Elon Musk có lẽ là việc ông đang bị các nhà đầu tư chính, từng sát cánh với Tesla ngay từ đầu, tẩy chay. Hôm 18/03/2025, một trong những nhà đầu tư « nặng ký » nhất của Tesla, ông Ross Gerber, cho rằng đã đến lúc tập đoàn xe điện này của Mỹ cần « tìm người điều hành mới », thay thế Elon Musk đang phải tập trung quá nhiều vào công việc mà tổng thống Mỹ Donald Trump giao phó.

Tính từ ngày 17/12/2024, trong ba tháng, cổ phiếu Tesla mất giá hơn 50%, 700 tỷ đô la trị giá chứng khoán tan thành mây khói. Điều hành một quỹ đầu tư và là nhà tài trợ cho Tesla, Ross Gerber không vòng vo cho rằng đã đến lúc Elon Musk phải ra đi « tránh để làm xấu thêm hình ảnh của công ty ».

Tuyên bố này được đưa ra vào lúc gần như hàng ngày, xe Tesla, các đại lý phân phối của nhãn hiệu này bị đập phá ở Mỹ và châu Âu. Trên thị trường châu Âu, hãng xe điện của Mỹ liên tục bị các đối thủ, nhất là những đối thủ Trung Quốc, lấn sân. Những tuyên bố của Elon Musk ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức trước bầu cử Quốc Hội nước này, những dòng tin ngắn gọn của chủ nhân mạng xã hội X cổ vũ các phong trào cực đoan của Anh, của Pháp..., khiến xe Tesla bán ra trên thị trường châu Âu giảm 47% trong hai tháng đầu năm 2025.

Tại Hoa Kỳ, vì lập trường chính trị của Elon Musk, xe Tesla cũng bị tẩy chay. Đứng đầu bộ Hiệu Quả Chính Phủ, với sự đồng thuận của tổng thống Trump, lãnh đạo tập đoàn Tesla đã mạnh tay sa thải hàng trăm ngàn công chức, đóng cửa nhiều cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang Hoa Kỳ, cắt ngân sách các trường đại học Mỹ, tấn công từ giới nghiên cứu khoa học đến giới cựu chiến binh.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng là những yếu tố bất lợi cho hình ảnh và uy tín những tập đoàn mà Elon Musk điều hành. Thêm một thông tin mới bất lợi cho Elon Musk và hình ảnh của các tập đoàn ông điều hành : Matxcơva muốn « hợp tác làm ăn » với Elon Musk.

Vào lúc mà đa số công luận Mỹ « không tin tưởng vào nước Nga » và phản đối thái độ « đầy thiện cảm » của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với đồng cấp Nga Vladimir Putin, một cựu nhân viên mật vụ KGB, báo The Moscow Times đưa tin là sau cuộc điện đàm Trump-Putin hôm 18/03/2025, lãnh đạo quỹ đầu tư của Nga, cánh tay đắc lực của điện Kremlin, Kirill Dmitriev, loan bán kế hoạch « hợp tác cùng thám hiểm sao hỏa với Elon Musk ».

Công luận Mỹ cũng rất thận trọng với Trung Quốc. Đây là một trong những chủ đề hiếm hoi mà chính giới Hoa Kỳ từ cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa có sự đồng thuận, thì Elon Musk được biết đến như « một người bạn lớn » của Bắc Kinh. Ông là một trong những lãnh đạo tập đoàn Hoa Kỳ được đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón. Elon Musk từng trực tiếp « đàm phán » với đương kim thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về dự án xây dựng nhà máy Tesla ở Thượng Hải.


***********

Việt Nam sẽ có đặc khu?

Trường Sơn

Thông tin bạn cần biết là gì?
Chính quyền Việt Nam có vẻ sẽ thành lập đơn vị hành chính đặc khu, thông tin này được thể hiện trong một công văn của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị .

Ngày 20 tháng 3, một Ban Chỉ đạo Trung ương với nhiệm vụ giám sát quá trình sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam, đã ban hành công văn nhằm hướng dẫn việc thực thi đề án này.

Điều đáng chú ý trong Công văn số 43-CV/BCĐ là sự xuất hiện của đơn vị hành chính đặc khu.

Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tồn tại đơn vị hành chính cấp đặc khu. Tuy nhiên, trong công văn được ban hành ngày 20 tháng 3, Ban Chỉ đạo Trung ương chuyên trách vấn đề sắp xếp lại bộ máy chính trị, đã đề cập tới đặc khu như thể đây đã là một thực tế ở Việt Nam.

Cụ thể, công văn có đoạn “Chỉ đạo tổ chức đại hội đại biểu đảng bộ xã, phường, đặc khu nhiệm kỳ 2025 - 2030 (hoàn thành trước ngày 31/8/2025)”.

Trong một bài báo đăng trên Báo Điện tử Chính phủ hôm 20 tháng 3 nhằm đưa tin về công văn 43-CV/BCĐ, đặc khu thậm chí đã xuất hiện trong tiêu đề của bài báo.

Tham vọng thiết lập các đặc khu đã gần trở thành hiện thực vào năm 2018, khi một dự thảo luật về vấn đề này đã được trình lên Quốc hội, và chỉ chờ được thông qua.

Tại sao bạn nên biết thông tin này?
Việc thành lập đặc khu đã trở thành cơn địa chấn chính trị tại Việt Nam vào năm 2018, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên quy mô cả nước.

Tuy nhiên, nỗ lực trên của nhà nước đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dân chúng, hàng loạt cuộc biểu tình đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí, bạo loạn đã nổ ra ở một số địa phương như Bình Thuận và Bình Dương.

Dự thảo Luật Đặc khu sau đó đã bị rút và cuộc bỏ phiếu ở Quốc Hội đã không diễn ra như kế hoạch.

Những lo ngại về việc thành lập đặc khu chủ yếu liên quan đến việc các doanh nghiệp nước ngoài được phép thuê đất lên tới 99 năm, nhiều người cho rằng điều này sẽ dẫn đến việc các công ty Trung Quốc kiểm soát các vị trí quan trọng của Việt Nam, như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc, vốn là nơi các đặc khu được dự tính thành lập.

Với việc bao gồm đặc khu vào danh sách các đơn vị hành chính ở Việt Nam trong Công văn số 43-CV/BCĐ, và trong bối cảnh chính quyền đang thực hiện kế hoạch sắp xếp lại bộ máy chính trị rầm rộ, đã đặt ra câu hỏi về việc liệu các đặc khu sẽ được thành lập.

Nhà nước vẫn chưa lên tiếng về việc liệu sẽ thành lập đơn vị hành đặc khu hay không.

Trong chuyến thăm tới Cuba vào tháng năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới thăm đặc khu kinh tế duy nhất của nước này. Sự kiện đã được báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải.


**********

Tù nhân chính trị ở Trại giam Xuân Lộc kêu cứu vì bị bỏ đói

Trại giam đổi hình thức phát thức ăn khiến những tù nhân nhận sau bị thiếu ăn

Huynh Duc Thanh Binh
Hình ghép: Tù nhân chính trị Huỳnh Đức Thanh Bình và mẹ, ảnh chụp năm 2017 (trái); Trại tù Xuân Lộc (phải) (Facebook Nguyễn Thị Huệ/RFA edited)

Một số tù nhân chính trị ở Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) lên tiếng về tình trạng chăm sóc y tế không tốt, thiếu nước sạch dùng để sinh hoạt, ăn uống và thiếu thức ăn.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huệ cung cấp cho RFA sau chuyến thăm con trai Huỳnh Đức Thanh Bình đang thụ án tại cơ sở giam giữ này trong ngày 18/3.

Ông Bình bị bắt năm 2018 cùng với Trần Long Phi và người Mỹ gốc Việt Michael Minh Phương Nguyễn với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật Hình sự. Năm sau, ông Bình bị kết án mười năm tù giam, hai người còn lại bị kết án lần lượt 12 năm và tám năm tù giam nhưng đều được phóng thích trước thời hạn.

Bà Huệ được con trai cho biết trại giam cung cấp nước bơm trực tiếp từ giếng khoan cho tù nhân chính trị ở Phân trại 2 sử dụng, do vậy hầu hết tù nhân ở đây đều bị bệnh ngoài da, nhiều người còn bị sỏi thận.

Để phản đối, ông Bình và nhiều bạn tù khác hồi tháng 2 đã từ chối nhận khẩu phần ăn của trại trong hàng chục ngày.

Ông Bình cho biết thêm, sau đó cán bộ Phân trại 2 thay đổi cách phát khẩu phần ăn. Thay vì đẩy xe đến từng buồng giam và phát cho từng người, cán bộ quản giáo để xe chở thức ăn ở đầu khu và cho tù nhân lần lượt đến và xúc thức ăn mang về phòng.

Cách làm này khiến những tù nhân ở các phòng cuối bị đói ăn. Bà Huệ nói với RFA trong ngày 20/3:

Nguồn nước và việc chăm sóc y tế ở các trại giam hiện nay nói chung và trại Xuân Lộc rất kém. Nó ảnh hưởng lên sức khỏe của người tù dữ lắm, bệnh tật kinh khủng luôn.

Cách chia đồ ăn như vậy gây ra tình trạng người có thể ăn no còn người khác thì đói."


Thân nhân của một tù nhân khác ở cùng phân trại với ông Bình xác nhận thông tin về nguồn nước cung cấp cho tù nhân sử dụng nước giếng khoan, lẫn tạp chất và phèn, nhưng chưa được người nhà phản ánh về tình trạng đói ăn.

​Ông Nguyễn Ngọc Ánh, người thụ án ở cùng trại giam từ đầu năm 2020 đến khi mãn hạn tù vào ngày 30/8/2024 cho biết:

Mùa nắng là nó (trại giam) bơm (nước) trực tiếp từ giếng khoan ngầm lên không qua hệ thống lọc gì hết, cho nên nó bơm cả sình lầy lên. Tôi có ý kiến và nói chuyện với tất cả quản giáo mà tôi gặp được nhưng nó vẫn không giải quyết.”

Bà Huệ cho biết do không nhận thức ăn của trại giam trong tháng trước, và bị thiếu thức ăn trong tuần này, ông Bình phải mua thêm thức ăn ở căng-tin và chia sẻ cho bạn tù khác dù giá cả các mặt hàng cao hơn từ ba đến bốn lần so với giá thị trường.

Tuy nhiên, trại giam chỉ cho phép một tù nhân được mua đồ với tổng số tiền không vượt quá 1.935.000 đồng/tháng từ tháng này.

Do thiếu thức ăn từ trại và không được mua nhiều đồ từ căng-tin, ông Bình cùng bạn tù tên Tấn đã tuyệt thực trong một tuần, chỉ uống nước. Cho đến ngày 15/3 vừa qua, khi ông Bình nhận được thực phẩm gửi qua bưu điện của mẹ thì họ mới ăn trở lại.

​Hai ông Y Phương và Trần Văn Vinh sau khi phản đối điều kiện sinh hoạt không tốt đã bị chuyển sang trại giam khác, còn ông Nguyễn Văn Ướt bị chuyển đến khu giam giữ tù hình sự.

Phóng viên không thể kết nối được với số điện thoại của Trại giam Xuân Lộc để kiểm chứng các thông tin trên.

Phóng viên gọi điện cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhưng người trực điện thoại nói sẽ thông báo cho lãnh đạo cơ quan và sẽ trả lời trong ngày hôm sau. Phóng viên cũng gọi điện cho Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Phòng 8) nhưng không ai nghe máy.


**********

Greenpeace phải bồi thường hơn 665 triệu đô la cho một công ty dầu khí Mỹ

Thùy Dương

Một tòa án ở Bắc Dakota, Hoa Kỳ, hôm 19/03/2025, ra phán quyết là tổ chức phi chính phủ Hoà Bình Xanh (Greenpeace) đã phạm tội vu khống một công ty dầu khí Mỹ và phải bồi thường cho công ty này hơn 665 triệu đô la.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Greenpeace đã giữ vai trò then chốt trong phong trào biểu tình của bộ tộc bản địa Standing Rock Sioux và nhiều tổ chức sinh thái hồi năm 2016-2017 chống lại dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Dakota Access Pipeline.

Dự án sau đó đã được khởi động lại trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Donald Trump. Nhưng công ty xây dựng Energy Transfer và hiện đang là nhà vận hành đường ống dẫn dầu đã yêu cầu Greenpeace bồi thường thiệt hại. Tổng cộng, cả tiền bồi thường và lãi lên tới hơn 665 triệu đô la. Greenpeace xem phán quyết của tòa đe dọa quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình, đồng thời cho biết sẽ kháng án.

Từ Atlanta, thông tín viên Edward Maille cho biết thêm:

« Ngay cả trước khi phiên tòa bắt đầu, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã lên án chiến thuật của công ty dầu khí dùng tòa án để chống lại các cuộc biểu tình, nói cách khác là dùng vụ kiện nhằm trấn áp. Đối với bà Sushma Raman, giám đốc tạm quyền của Greenpeace Mỹ, phán quyết của tòa sẽ để lại hậu quả cho tương lai của các cuộc biểu tình ôn hòa. Bà nói: « Đối với những người tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tập hợp, ai cũng sẽ lo ngại. Phán quyết này có thể khiến các cuộc biểu tình ôn hòa không thể diễn ra nữa ».

Ba thực thể của Greenpeace đã bị kết án, gồm tổ chức Greenpeace quốc tế, tổ chức Greenpeace Fund chuyên trách tài chính và Greenpeace Mỹ. Greenpeace chi nhánh Mỹ đã thông báo từ trước là họ có nguy cơ phá sản ở Hoa Kỳ. Nhưng đối với giám đốc Sushma Raman, hiện còn quá sớm để biết điều đó có xảy ra không. Bà cho biết thêm : « Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi sẽ kháng án và tiếp tục nỗ lực để bảo đảm công lý về môi trường và khí hậu, cũng như để buộc các đại tập đoàn dầu khí phải chịu trách nhiệm ».

Phán quyết được đưa ra bởi một bồi thẩm đoàn nhân dân, gồm các công dân địa phương, mà hơn một nửa có quan hệ cá nhân với các công ty năng lượng hóa thạch, vốn là một lĩnh vực chiếm vị thế áp đảo trong nền kinh tế của địa phương ».


***********

Sáp nhập tỉnh và xã: hệ lụy và lợi ích

Trước mắt, việc sáp nhập tỉnh thành, sáp nhập các xã và hủy bỏ cấp huyện sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Sáp nhập tỉnh
Việt Nam đang trải qua quá trình tái sắp xếp đơn bị hành chính rầm rộ. (RFA)

Hôm 12 tháng Ba, 2025, Chính phủ Việt Nam quyết định hoàn thành kế hoạch sáp nhập tỉnh thành, xây dựng mô hình hành chính ba cấp trước ngày 15 tháng Tư. Theo đó, các tỉnh thành sẽ được sáp nhập, cấp huyện bị hủy bỏ, và các xã sẽ được gộp lại.

Lợi ích của sáp nhập tỉnh thành

Việc sáp nhập tỉnh thành, thay đổi hành chính hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích. Việt Nam có 63 tỉnh-thành, hoạt động manh mún như những vương quốc độc lập, không có liên kết vùng. Tỉnh lớn hơn, quy hoạch kinh tế dễ hơn, phát triển nhanh hơn, nếu tỉnh trưởng có năng lực. Số lượng tỉnh chỉ còn một nửa cũng sẽ giúp hợp tác cấp vùng dễ hơn.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở UNSW Canberra, Úc, cho rằng Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích khi loại bỏ cấp chính quyền thứ tư trong cơ cấu chính trị của mình. Điều đó sẽ giúp giảm chi tiêu cho hành chính và đẩy nhanh “quá trình ra quyết định” cũng như hiệu quả của chính quyền. Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, cũng cho rằng một số vùng kinh tế trọng điểm hiện nay bị chia nhỏ bởi ranh giới hành chính, nếu được gom lại thành một tỉnh lớn thì có thể sử dụng nguồn lực tốt hơn. Do đó, việc sáp nhập các tỉnh, hình thành các đơn vị hành chính lớn hơn, thuận lợi hơn trong quy hoạch kinh tế và phát triển vùng.

Giáo sư Zachary cho rằng ông Tô Lâm rõ ràng lo ngại về tình trạng quan liêu quá mức và tình trạng kém hiệu quả của chính phủ, và tìm cách hợp lý hóa các chức năng của chính phủ. Việc xóa bỏ cấp huyện có ý nghĩa rất lớn. Chính quyền điện tử giúp tổ chức và tuân thủ dễ dàng hơn.

Nhưng đó chỉ là giả định về lợi ích tương lai. Còn trước mắt, việc sáp nhập tỉnh thành, sáp nhập các xã và hủy bỏ cấp huyện sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Trước hết là những việc phải làm. Để thực thi việc này, nhà nước sẽ phải làm hàng loạt thay đổi lớn. Do thay đổi địa giới và tên gọi hành chính, Bộ Công an sẽ phải thay đổi căn cước công dân, khắc con dấu mới. Sổ đỏ, sổ hồng liên quan đến bất động sản sẽ phải thu hồi và làm mới. Bộ Nội vụ sẽ phải sửa đổi hàng loạt luật như Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật sửa đổi bổ sung Luật cán bộ công chức. Bộ Quốc phòng bố trí lại quân đội. Các hoạt động quy hoạch đô thị, dân cư, kinh tế cũng phải thực hiện lại.

Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó.

Có hàng loạt vấn đề người dân sẽ phải đối mặt và nhà nước sẽ phải có trách nhiệm xử lý. Đó là sự xung đột chính trị tại địa phương, các vấn đề xã hội chính trị khi quyền lực xã tăng lên, và hàng loạt vấn đề khác.

Tăng quyền cho xã: quan xã có thành “ông trời con” không?

Khi quyền lực cấp xã tăng lên, người dân có ít cơ hội tiếp cận cấp cao hơn để khiếu nại. Điều này có thể dẫn đến xã trưởng trở thành “ông trời con” ở địa phương mình hay không? Quan xã trở nên lộng hành hơn vì không có ai giám sát?

Hậu quả dễ xảy ra sẽ là nhà nước sẽ gia tăng đàn áp bằng công an xã, để kiểm soát bất mãn. Đó là nhận xét của Luật sư Vũ Đức Khanh. Theo ông, nếu không có cơ chế giám sát minh bạch, việc tăng quyền cho xã sẽ dẫn đến lạm quyền và tham nhũng nghiêm trọng hơn.

Quyền lực cấp xã sẽ phải tăng lên: Xã trở thành huyện. Bí thư đảng cấp xã giờ đây có thể sẽ là tỉnh ủy viên và tham gia dự đại hội đảng và trở thành ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Như vậy cấp xã có thể ảnh hưởng tới chính trị trung ương ở mức độ nào?


Đọc thêm

Sáp nhập tỉnh: người dân băn khoăn điều gì?

Phương án 34 tỉnh được lan truyền trên mạng trông thế nào?

Cả nước theo công an bỏ cấp huyện có hợp lý?

Sáp nhập tỉnh: sao không trưng cầu dân ý?


Theo GS Carl Thayer, nếu xóa bỏ các huyện, đại hội đảng ở cấp xã, phường sẽ bầu trực tiếp đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố. Nếu sáp nhập các tỉnh trước khi tổ chức đại hội đảng bộ tỉnh, sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là số lượng đại biểu tỉnh sẽ giảm vì có ít tỉnh hơn. Hai là nếu số lượng đại biểu từ mỗi tỉnh dựa trên tỷ lệ đảng viên trong một tỉnh thì tổng số đại biểu tỉnh sẽ vẫn gần bằng với đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bất kể khả năng nào xảy ra, đại biểu từ các tỉnh và thành phố sẽ tạo thành khối đại biểu lớn nhất tham dự đại hội đảng lần thứ XIV.

Như vậy, cấp xã trong tương lai có thể ảnh hưởng tới quyền lực ở trung ương? Bởi lẽ, khi bí thư xã có thể trở thành tỉnh ủy viên, rồi từ tỉnh ủy viên tiến lên cấp trung ương (tham gia vào Ban chấp hành Trung ương), điều này sẽ thay đổi cấu trúc quyền lực trong Đảng?

Đối với vấn đề này, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận xét rằng nếu mô hình này thành công, các lãnh đạo cấp xã có năng lực sẽ lên cao, thay thế dần hệ thống quan liêu cấp trung gian. Nhưng ngược lại, nếu không kiểm soát tốt, việc này có thể tạo ra một lớp quan chức cơ sở thao túng quyền lực, hình thành các nhóm lợi ích mới.

Cái gì cũng có thể là cơ hội nhưng cũng có thể là nguy cơ.

Trái ngược với quyền lực có thể sẽ có của cấp xã ở Việt Nam sau cuộc cải cách này, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra chia sẻ với RFA rằng ở Canada và Úc, chính quyền cấp địa phương (thấp nhất) không có bất kỳ ảnh hưởng gì đến chính quyền liên bang (trung ương).

Mô hình ba cấp: Việt Nam thiếu gì?

Mô hình 3 cấp (trung ương, tỉnh, xã) là mô hình tương tự Úc (federal, state or territory, and local) và Canada (federal, provincial and municipal.) Vậy mô hình 3 cấp ở Australia và Canada có lợi và hại gì? Liệu khi áp dụng mô hình 3 cấp, Việt Nam có đạt được những lợi ích như Australia và Canada không, khi cấu trúc kinh tế, chính trị khác nhau? Để đạt được lợi ích trong bối cảnh Việt Nam thì Việt Nam cần cải cách như thế nào?

Ngoài những câu hỏi đó, Việt Nam còn phải đối mặt với những câu hỏi nhỏ hơn. Mô hình ba cấp tỉnh, huyện, xã đòi hỏi những cơ chế luật pháp nào? Cơ sở kĩ thuật nào? Văn hóa và năng lực cán bộ cấp xã ra sao? Nếu quyền lực của cấp xã quá cao, trong khi người dân ở địa phương ít có cơ hội tiếp cận cấp cao hơn. Những hiện tượng như khiếu kiện đông người, người dân phải kéo nhau đến các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh để gặp các cơ quan trung ương… là ví dụ rõ ràng. Đó là hàng loạt vấn đề Việt Nam vẫn chưa đặt ra để trả lời.

Vậy nay quyền lực cấp xã cao hơn, xã trưởng thành ông trời con, dân sẽ chịu đựng thế nào? Liệu chính quyền sẽ tăng cường công an xã để đàn áp? Luật Luật Công an nhân dân năm 2018, trước cuộc cải cách này 7 năm, đã cấp quyền lợi lớn cho trưởng công an cấp xã: Trưởng công an xã đã có thể có hàm trung tá.

Trao đổi với RFA, nhà báo Trân Văn, một người có nhiều năm kinh nghiệm viết về các vấn đề kinh tế chính trị Việt Nam, đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời cho cuộc cải cách này:

“Đã đề cập đến “mô hình chính quyền ba cấp” tại sao lại bỏ qua các đặc điểm về công chức của mô hình ấy. Lý do “mô hình chính quyền ba cấp” hiệu quả vì công chức trong mô hình ấy phải là chuyên viên trong lĩnh vực mà họ chịu trách nhiệm, việc thực thi công vụ của công chức trong mô hình ấy chỉ tuân theo quy định của pháp luật, không để chính trị chi phối, cũng không tùy tiện đưa ra những tuyên bố hay hành động ngoài phạm vi mà luật pháp xác định công chức được phép thực hiện.

Ông Tô Lâm và đảng của ông có dám xây dựng “mô hình chính quyền ba cấp” với đội ngũ công chức có các đặc điểm như vậy hay không?”

Khi cấp xã lớn hơn, người dân làm việc với xã nhiều hơn trong vẫn cách xa cấp tỉnh và cấp trung ương như trước, hệ thống chính trị này cần những điều kiện gì để làm việc hiệu quả.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng mô hình ba cấp đòi hỏi những nền tảng về thể chế, luật pháp, năng lực công chức địa phương và hạ tầng kỹ thuật. Hiện tại, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, chỉ có điều kiện công nghệ (chuyển đổi số) là sẵn sàng, còn các yếu tố khác đều chưa đủ.

Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng mô hình ba cấp ở Việt Nam và ở Canada, Úc có những khác biệt nền tảng căn bản khiến không thể so sánh chúng với nhau. Cả Úc và Canada đều là hệ thống nghị viện Westminster, theo đó đặc trưng rõ nhất là có nền dân chủ đa đảng, có hệ thống nghị viện độc lập. Quan trọng nhất, cả hai đều có hệ thống liên bang mạnh. Không có yếu tố nào trong số đó áp dụng được cho Việt Nam.

Ngoài ra, Giáo sư Carl Thayer cho biết trong hệ thống ba cấp ở Úc và Canada, hệ thống tư pháp (hệ thống tòa án) độc lập với hệ thống chính trị. Hệ thống tư pháp độc lập của hai nước này kiểm tra hoạt động của chính quyền từ trung ương xuống tận cấp thấp nhất.

Quan trọng hơn, GS Carl Thayer giải thích, mô hình ba cấp ở Úc và Canada hoạt động hiểu quả nhờ hệ thống bầu cử địa phương rất vững mạnh. Các cuộc bầu cử tiểu bang có chu kỳ riêng, tách biệt với chu kỳ bầu cử liên bang. Thượng viện có trách nhiệm đảm bảo rằng các quyền của các tiểu bang, tỉnh và vùng lãnh thổ được bảo vệ, trong khi đó Hạ viện phản ánh quan điểm của người dân toàn quốc. Luật phải được cả Thượng viện và Hạ viện chấp thuận. Điều này nhằm ngăn chặn những thay đổi triệt để chỉ do bởi những cảm xúc dân túy nhất thời.

Với những thực tiễn thành công của mô hình ba cấp ở Úc và Canada như vậy, chúng ta có thể thấy gì về mô hình tương tự của Việt Nam trong tương lai gần? Theo nhà báo Trân Văn, nếu Việt Nam copy “mô hình chính quyền ba cấp” nhưng “sửa chữa, bổ sung” như đã từng đem “kinh tế thị trường” ghép với “định hướng XHCN” thì tương lai của mô hình đó sẽ ra sao? Theo ông, rất có thể, đó sẽ là uống thuốc quá liều cho phép.

Chính trị địa phương có hỗn loạn không?

Việc sáp nhập tỉnh có dẫn đến đấu tranh giành vị trí trong tỉnh mới không? Những xung đột này sẽ xuất hiện trong những chuyện nhỏ như thủ phủ tỉnh đặt ở đâu, tên mới thế nào, đến những chuyện lớn như quy hoạch mới như thế nào, chia nguồn lực vào vùng nào của tỉnh mới. Nhân sự cấp huyện có ba con đường để đi: một là sa thải, hai là đi về xã và ba là đi về tỉnh. Xung đột lợi ích thế nào khi giải quyết vấn đề “ai ra đi, ai lên tỉnh, ai về xã?”

Đó là những câu hỏi nóng hổi mà không chỉ chính quyền trung ương ở Hà Nội mà các cấp ở địa phương phải trả lời trước tiên.

Báo chí nhà nước bắt đầu cho biết nhiều địa phương xuất hiện xung đột từ những điều tưởng như rất nhỏ, như “quê anh, “quê tôi”, tại sao lấy tên tỉnh của anh đặt cho tên tỉnh mới mà không phải tỉnh tôi. Theo RFA được biết, một chuyên gia về môi trường đã gửi email đến một loạt lãnh đạo chính phủ như các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, tự giới thiệu quê ở Thái Bình, đặt ra nhiều vấn đề về sáp nhập tỉnh thành, trong đó có câu hỏi: tại sao sáp nhập Hưng Yên và Thái Bình thì tên tỉnh mới là Hưng Yên mà không phải là Thái Bình.

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, khi sáp nhập tỉnh, sẽ có cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích về nơi đặt thủ phủ tỉnh, về phân bổ ngân sách và nguồn lực. Những vùng từng là trung tâm hành chính của tỉnh cũ có thể lo lắng bị suy giảm vai trò và bị cắt giảm ngân sách. Ai được giữ chức vụ quan trọng cũng là vấn đề gây xích mích. Khi hai tỉnh nhập lại, chỉ còn một Chủ tịch tỉnh, một Bí thư tỉnh, một Giám đốc Sở... Những quan chức còn lại sẽ “tâm tư” vì bị loại bỏ hoặc phải xuống chức. Trong bối cảnh như vậy, xung đột lợi ích là không tránh khỏi, và nếu không có cơ chế điều phối hợp lý, tình hình có thể trở nên căng thẳng.

Quy hoạch tỉnh, vùng thuận lợi hơn, nhưng có làm được không? Ai có năng lực để làm? Nhìn vào giàn lãnh đạo chính phủ hiện nay, có đến 7 phó thủ tướng sau khi sắp xếp lại các bộ trung ương, chúng ta có thể thấy rất khó kể ra thành tích nổi bật của họ khi còn lãnh đạo địa phương.

Nếu không cải cách bộ máy nhân sự, thì dù có quy hoạch lại tỉnh, chất lượng quản lý cũng không cải thiện. Lãnh đạo giỏi không tự thân xuất hiện chỉ bằng cách sáp nhập các tỉnh. Đó là nhận xét của Luật sư Vũ Đức Khanh.


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 18 Tháng Tư 20256:35 SA
Thứ Năm, 17 Tháng Tư 20256:22 SA
Thứ Tư, 16 Tháng Tư 20253:22 SA
Thứ Ba, 15 Tháng Tư 20256:25 SA
Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Tư 20256:19 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Tư 20256:17 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Tư 20256:44 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Tư 20255:56 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Tư 20253:51 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo