Tin Tức ngày 19 tháng 03 -2025:

Thứ Tư, 19 Tháng Ba 20255:14 SA(Xem: 660)
Tin Tức ngày 19 tháng 03 -2025:

trumvayco 4
************

Điện đàm Trump-Putin về Ukraina : Vở kịch soạn sẵn ?

Thụy My

Trump trao đổi qua điện thoại với Putin về Ukraina, quân đội Ukraina rút khỏi Kursk, chính sách áp thuế và cắt giảm chi tiêu của tổng thống Mỹ kéo kinh tế thế giới đi xuống và khiến Hoa Kỳ có nguy cơ suy thoái. Đó là một số vấn đề đáng chú ý hôm nay 18/03/2025. Le Figaro đặt câu hỏi, phải chăng cuộc đàm phán về Ukraina thực ra chỉ là một bản ghi nhớ đã được chuẩn bị sẵn giữa Matxcơva và Washington ?

Các nhà quan sát nghi ngờ Mỹ và Nga đã định đoạt xong

Le Figaro điểm qua tình hình : Một gáo nước lạnh cho Zelensky tại Phòng Bầu dục cách đây 15 ngày, rồi hy vọng dấy lên với đề nghị ngưng bắn hôm 11/03 ở Djedda, và rốt cuộc Donald Trump lại điện đàm với Vladimir Putin hôm nay. Cứ như là chỉ trong vài ngày, nỗ lực của châu Âu để tác động lên cỗ máy sản xuất ra lịch sử của Donald Trump, cũng như kỳ vọng của Ukraina rằng Mỹ sẽ rắn giọng với Putin, bỗng dưng bị xóa sạch.

Phải chăng số phận của Ukraina cũng như nội dung bản hòa ước tương lai đã được Trump và Putin quyết định trước ? Phải chăng một thỏa thuận ngưng bắn trên cơ sở đóng băng các chiến tuyến, dỡ bỏ trừng phạt cho Nga và khai thác khoáng sản của Ukraina, đã được Matxcơva và Washington bàn bạc kỹ trước đó, và tất cả những gì còn lại chỉ là một vở kịch ? Các nhà quan sát ở châu Âu đã bắt đầu nghi ngờ từ khi Matxcơva thả công dân Mỹ Marc Fogel bị bắt từ 2021. Từ đó đến nay, lần lượt những mảnh ghép được xếp cùng nhau, hợp thành một hình ảnh mới do Washington tạo ra để làm vui lòng Nga hơn là Ukraina.

Ngay trước khi thương lượng, tổng thống Mỹ đã nhượng bộ tất cả cho Vladimir Putin, khi bác bỏ việc Kiev tham gia NATO và quay lại với biên giới trước 2014, gọi Volodymyr Zelensky là « nhà độc tài ».Khi nói chuyện với các đồng nhiệm ngoại quốc, Trump luôn dùng những từ ngữ không hay để nói về tổng thống Ukraina. Nhưng sau khi Putin hầu như bác bỏ đề nghị ngưng bắn, Trump chẳng đòi hỏi gì mà vẫn lặp lại luận điệu tuyên truyền của Kremlin.

Trump có đâm sau lưng Ukraina ở Kursk ?

Donald Trump đóng vai trò gì trong sự thay đổi tương quan lực lượng ở Kursk, vùng đất mà Ukraina có thể dùng để trao đổi ? Trump ngưng viện trợ quân sự và cắt tin tình báo, đúng vào lúc quân Nga tung ra cuộc phản công, hóa giải lá bài của Kiev khi đàm phán. Giáo sư Roman Sheremeta, đại học Purdue, Hoa Kỳ cho biết một số thậm chí còn nghi ngờ là Mỹ cung cấp cho Matxcơva tin tức về các trung tâm hậu cần của Ukraina ở Kursk để giúp quân Nga tái chiếm. Và Mỹ cũng không giấu ý định hất cẳng Zelensky, như Putin mong muốn. Đặc phái viên Keith Kellogg của Trump đã liên lạc với tất cả nhân vật đối lập ở Ukraina.

Trong khi Kremlin không hề từ bỏ một yêu sách nào, Matxcơva và Washington tiếp tục xích gần lại với nhau. Thương lượng hòa bình diễn ra giữa đôi bên trong bóng tối, Ukraina bị gạt ra ngoài. Chuyên gia Michel Duclos nhận xét, ưu tiên của Washington và Matxcơva là tái thúc đẩy quan hệ, giúp Nga trở lại là đại cường quốc tế, còn Mỹ rảnh tay lo các vấn đề khu vực. Người ta nghi ngờ Trump sẽ gia tăng sức ép lên Zelensky.

Pháp đã cố gắng đóng vai trò trung gian với sự trợ giúp của Anh, sắp xếp cuộc gặp Mỹ-Ukraina để chặn trước việc Trump nói chuyện tay đôi với Putin. Nhưng các nhà ngoại giao Pháp nhanh chóng hiểu rằng Mỹ chẳng cần đến châu Âu, cứ tự hành động theo ý mình.

Châu Âu không thể để Trump và Putin quyết định số phận Ukraina

Một nhà ngoại giao bình luận, châu Âu luôn tuân thủ các nguyên tắc, trong khi Mỹ không còn tôn trọng, như vậy cần phải thích ứng. Tổng thống Emmanuel Macron nói thẳng : Nếu Ukraina yêu cầu có lực lượng đồng minh trên lãnh thổ mình, Matxcơva chẳng có quyền gì xen vào. Paris và Luân Đôn cố gắng thành lập một « liên minh các quốc gia tình nguyện » gởi quân sang Ukraina.

Đây có thể là một cấu trúc an ninh châu Âu gồm cả Ukraina, với các quân đội hùng mạnh hơn trong 5 năm tới. Michel Duclos dự báo hai kịch bản. Thứ nhất, Vladimir Putin đạt được những yêu sách chính, vì Donald Trump nhất định muốn « thành công ». Thứ hai, là Trump chỉ nhân nhượng phân nửa. Nhưng trong cả hai trường hợp, châu Âu cần phải có sự đột phá chiến lược.

La Croix nhận định « Trump và Putin quyết định số phận Ukraina qua điện thoại ». Để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, Hoa Kỳ giúp cho Nga một lối thoát, để có thể tuyên bố chiến thắng. Như vậy Ukraina sẽ bị yếu đi và mất một phần lãnh thổ, còn châu Âu bị nước Nga nay hùng mạnh hơn đe dọa. Đại diện ngoại giao châu Âu Kaja Kallas đề nghị kế hoạch 40 tỉ euro để vũ trang cho Ukraina tự vệ, nhưng một số nước cho rằng quá tốn kém, tuy vẫn ủng hộ chủ trương.

Khoảng 30 nước có thể tham gia liên minh tình nguyện do Pháp và Anh thành lập, gởi quân sang Ukraina giữ an ninh sau ngưng bắn, nhưng phải có sự yểm trợ của Mỹ. Rốt cuộc, việc giải quyết cuộc chiến vẫn nằm trong tay Donald Trump và Vladimir Putin. Trên Le Monde, giáo sư Olivier Schmitt ở Đan Mạch đánh giá « Điểm yếu chính của châu Âu là sự thông đồng giữa nhiều chính khách với Putin ». Ông đưa ra ví dụ, ba đảng cực hữu, cực tả và dân túy ở Đức đều thân Nga, còn tại Pháp sau khi vị thế Emmanuel Macron yếu đi, một số khuôn mặt muốn lên kế nhiệm rất thân thiết với chế độ Kremlin.

Nga dùng biển người, bom tấn để chiếm lại Kursk

Trên chiến trường, Le Figaro cho biết quân đội Ukraina gần như đã rút khỏi Kursk. Bảy tháng sau khi tung ra đợt tấn công táo bạo tháng 8/2024 khiến Kremlin không kịp trở tay, những đơn vị cuối cùng của Kiev được bố trí ở phía Ukraina. Chỉ còn lại một số toán quân cố thủ ở các hầm hào trên đất Nga, dọc theo một dải đất hẹp sát biên giới để bảo vệ miền bắc đất nước.

Sasha, chỉ huy một đơn vị drone ở Kursk, nói rằng tình hình vô cùng căng thẳng. Vitali kể lại qua điện thoại : « Chúng tôi bị các drone quấy nhiễu liên tục, luôn phải ẩn nấp ». Khi rút quân vội vã, nhiều đơn vị phải bỏ lại các trang thiết bị, trong đó có cả thiết giáp Bradley và xe tăng Abrams của Mỹ. Những tuần vừa qua, Nga đã làm tê liệt được hậu cần của Ukraina khiến không thể duy trì vị trí các toán quân. Nhà nghiên cứu Mykola Bielieskov giải thích : « Nga cô lập vùng chiến sự bằng cách tập trung hỏa lực vào các trục liên lạc để gây khó cho tiếp tế và tập hợp quân ».

Chuyên gia Serhii Kuzan nhận xét : « Điều cốt yếu là số lượng áp đảo của quân Nga ở Kursk, được lính đánh thuê Bắc Triều Tiên trợ lực. Bằng cách dùng bộ binh làm bia đỡ đạn, Nga đã xuyên thủng được cạnh sườn của Ukraina ». Nga huy động đến 70.000 quân để tái chiếm Kursk, trong đó có 12.000 lính Bắc Triều Tiên. Từ giữa tháng Hai, hầu như không còn có thể sử dụng đường R 200, xương sống hậu cần nối Kursk với Sudja của Ukraina. Trước những trận mưa bom « KAB » mỗi quả có thể đến 3 tấn, và các drone dùng cáp quang không bị gây nhiễu, lữ đoàn 43 phải dùng xe jeep để tiếp tế thay vì xe chuyên dụng, mất đến bốn tiếng đồng hồ để đưa hai quả đạn đến cho khẩu đội pháo. Vladimir Putin nay đã rửa được nỗi nhục lần đầu tiên một lãnh thổ Nga bị chiếm đóng kể từ Đệ nhị Thế chiến.

Say quyền lực, Donald Trump ngả dần về độc tài  

Libération nhận định, say sưa với quyền hành không bị kiểm soát, càng thử vai độc tài, ông Trump càng thích thú đẩy xa hơn các giới hạn. Tổng thống Mỹ thứ 47 thích ra những quyết định khiến vai trò của mình nổi bật và không một người tiền nhiệm nào dám làm. Mới đây Donald Trump cho ngưng hoạt động các đài VOA, RFA, RFE, từng là món ăn tinh thần cho những người dân bị kẹt sau bức màn sắt thời chiến tranh lạnh.

Cuối tháng Giêng, Nhà Trắng phổ biến danh sách 200 từ khóa, nếu trong một tài liệu khoa học có những chữ này, nhà nghiên cứu có thể bị cắt ngân sách : « phụ nữ », « hội nhập », « bình đẳng », « khí hậu » … Những ai nghiên cứu về các chủ đề trên có nguy cơ bị sa thải. Đại sứ Nam Phi tại Washington chỉ có 72 giờ để ra đi, vì nước ông bị cho là phân biệt đối xử với người da trắng. USAID bị đóng cửa, đại học Johns Hopkins, vốn có vai trò quan trọng trong việc chống HIV và bệnh sốt rét, loan báo sa thải 2.000 nhân viên…

Nhưng phải nhìn nhận rằng nếu không có Trump, châu Âu luôn dùng dằng trong vấn đề tự chủ chiến lược. Nhờ chính sách thô bạo của Washington, Liên Hiệp Châu Âu mới dám quyết định. Ban đầu Pháp cô đơn, nay đã có Anh, Đức, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Canada, Úc, New Zealand. Tất cả các quốc gia đã tin tưởng Hoa Kỳ, nay không còn trông cậy vào Donald Trump để cứu vãn Ukraina, mà phải lo tái vũ trang. Con đường bắt đầu rộng mở với ông Emmanuel Macron, nhưng không có thời gian để mất.

Bóng ma suy thoái đe dọa nước Mỹ

Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro cảnh báo « Bóng ma suy thoái lại sống dậy ở Hoa Kỳ ». Les Echos đánh giá « Chiến tranh thương mại đã đè nặng lên kinh tế Mỹ », « Tăng trưởng của thế giới bị sụt giảm vì chính sách của Trump ». Các trụ cột kinh tế Mỹ chao đảo vì cuộc thương chiến của Donald Trump. Tiêu thụ giảm sút, lòng tin của doanh nghiệp nhanh chóng tan biến và chính quyền liên bang chuẩn bị tinh thần cho việc thắt lưng buộc bụng lâu dài. Việc áp thuế, tạm ngưng rồi đánh thuế tiếp khiến tình hình thêm bấp bênh. Một hỗn hợp độc hại cho tăng trưởng.

Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ 2,4 % cho năm nay xuống còn 1,7 %. Do không thấy mục tiêu rõ ràng của Nhà Trắng, khó thể đoán trước được tình hình, từ hoạt động kinh tế tạm thời chậm lại đến suy thoái, sau một giai đoạn trì trệ. Người Mỹ ngần ngại chi tiêu, cho rằng Donald Trump không có những biện pháp đủ để chống lạm phát, và không chia sẻ với ông « tình yêu thuế quan ». Sự xuống dốc của Wall Street những tuần qua càng khiến người tiêu dùng e sợ.

Việc giảm thuế như Donald Trump đã hứa không thể giảm sốc tác động của thuế quan, ít nhất là trong năm nay, các chuỗi cung ứng bắt đầu chịu áp lực. Với việc đánh thuế hải quan qua lại liên miên, doanh nghiệp không thể vạch ra kế hoạch lâu dài, chỉ số sản xuất đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2024. Những người lạc quan nhất bám vào các vấn đề căn bản : các công ty nói chung ít nợ nần, lợi nhuận nhiều, và nếu lạm phát chậm lại, kinh tế Mỹ có thể chịu đựng được thương chiến vài tháng nữa. Tuy nhiên bóng ma suy thoái vẫn hiển hiện, ngân hàng JPMorgan hồi đầu năm đánh giá nguy cơ này là 30 %, nay tăng lên 40 %.

Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể bị Donald Trump gây sức ép để giảm lãi suất chỉ đạo. Tuy nhiên đây là định chế độc lập, giám đốc không thể bị sa thải, nhiệm kỳ của ông Jerome Powell đến tháng 6/2026 mới kết thúc. Chủ nhân Nhà Trắng có ba khả năng : ra sắc lệnh, gợi lên lý do an ninh quốc gia, hoặc dùng đến vũ khí hạng nặng là thông qua một luật hủy bỏ tính độc lập của FED. Les Echos ví von, vào lúc nội chiến Liban ác liệt nhất, thống đốc ngân hàng trung ương nước này đã phải cố thủ trong văn phòng, các bức tường chất đầy bao cát bảo vệ. Nhật báo kinh tế cho rằng « Có lẽ đã đến lúc ông Powell phải mua bao cát ».


************

Pháp, Đức yêu cầu Ukraina phải được tham gia đàm phán

Trọng Thành

Theo AFP, ngày 18/03/2025, trong cuộc họp báo chung với thủ tướng mãn nhiệm Đức Olaf Scholz tại Berlin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định cần phải có cơ chế để thỏa thuận ngừng bắn vào các cơ sở năng lượng « có thể kiểm soát được và được tôn trọng đầy đủ », và chính quyền Kiev cần phải được tham gia vào các đàm phán hướng đến một « nền hòa bình vững chắc đi kèm các bảo đảm ».

Đăng ngày:

1 phút

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng nhấn mạnh « không thể có một quyết định nào về Ukraina mà không có sự tham gia của Ukraina ». Hai lãnh đạo Pháp và Đức bảo đảm châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina về quân sự để chống xâm lược Nga.

Về phía Luân Đôn, hôm qua, theo phủ thủ tướng Anh, vài giờ sau cuộc trao đổi Trump – Putin, thủ tướng Keir Starmer đã có cuộc điện đàm với tổng thống Ukraina để « thảo luận về các tiến bộ đạt được, do sự thúc đẩy của tổng thống Trump, trong việc hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn » tại Ukraina.

Phát biểu trước Thượng Viện hôm qua, thủ tướng Ý Giorgia Meloni kêu gọi xây dựng một nền quốc phòng châu Âu hùng mạnh hơn, nhưng đồng thời nhấn mạnh là « không thể hình dung được » châu Âu có thể tự bảo đảm an ninh mà không có Mỹ. Theo AFP, phát biểu của thủ tướng Ý được đưa ra trong bối cảnh dự án xây dựng nền quốc phòng chung của Liên Âu đang gây chia rẽ nội bộ liên minh cầm quyền tại Ý.

Trên mạng X, chính trị gia Matteo Salvini, thủ lĩnh đảng cực hữu Liên đoàn, nhân vật số hai trong chính phủ Ý, vốn hâm mộ Putin, khẳng định : « Dùng tiền của nước Ý để trả cho việc mua xe tăng Đức à ? Không thể được ! ».


**********

Điện đàm Trump - Putin: Nga từ chối đề xuất ngừng bắn toàn diện 30 ngày với Ukraina

Cuộc điện đàm rất được trông đợi hôm qua, 18/03/2025, giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không đạt được thỏa thuận « đình chiến 30 ngày » vô điều kiện, theo đề xuất của Mỹ và Ukraina. Tổng thống Nga chỉ chấp nhận ngừng tấn công vào hạ tầng năng lượng của Ukraina trong 30 ngày. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết sẵn sàng có quyết định tương tự, nhưng yêu cầu phía Mỹ cho biết « chi tiết » về những gì mà hai ông Trump và Putin đã thỏa thuận.

This combination of pictures created on March 18, 2025 shows President Donald Trump (L) on the phone on January 28, 2017 in Washington, and Russia's President Vladimir Putin (R) on the phone Moscow on
Hình ghép minh họa : Ngày 18/03/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump và Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm về hồ sơ Ukraina và quan hệ Washington-Matxcơva, được dư luận cả thế giới theo dõi. © Gavriil GRIGOROV, Drew ANGERER / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / POOL / AFP
Quảng cáo

Hãng tin Pháp AFP dẫn lại thông báo của tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social: « Chúng tôi đã thỏa thuận về việc ngừng tân công vào các cơ sở năng lượng và các cơ sở hạ tầng, trên tinh thần nỗ lực hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt cuộc chiến tranh thực sự là kinh khủng này ». Theo một thông báo của Nhà Trắng, các quan chức cao cấp Mỹ và Nga sẽ bắt đầu « ngay lập tức » các đàm phán về đình chiến tại Biển Đen và hướng đến một thỏa thuận hòa bình bền vững chấm dứt cuộc chiến tranh, do Nga phát động từ tháng 2/2022. Thông báo của Nhà Trắng không nói rõ Ukraina có được mời tham gia đàm phán hay không. 

Theo Reuters, điện Kremlin cho biết tổng thống Putin đã truyền lệnh ngừng tấn công các cơ sở năng lượng Ukraina đến quân đội Nga. Matxcơva hoan nghênh « cuộc trao đổi chi tiết và thẳng thắn » giữa lãnh đạo hai nước, tuy nhiên nhấn mạnh đến « các điểm chủ chốt » mà Nga cho rằng đang cản trở việc xuống thang căng thẳng. Đối với Nga, chỉ có thể có ngừng bắn toàn diện 30 ngày, nếu các đồng minh của Ukraina ngừng hoàn toàn  trợ giúp vũ khí và tin tức tình báo, và Kiev không được phép huy động thêm binh sĩ.

Hôm qua, trong một cuộc họp báo trực tuyến, tổ chức tại Phần Lan, nơi ông đang công du, tổng thống Ukraina Zelensky cho biết Kiev « sẽ ủng hộ các đề xuất » hưu chiến được hai tổng thống Mỹ-Nga thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh là « cần có một cuộc trao đổi với tổng thống Trump » để « biết chi tiết về những gì Nga đã nhân nhượng với Mỹ và Mỹ đã nhân nhượng với Nga ». Tổng thống Zelensky cũng khẳng định « mục tiêu tối hậu của Putin là làm suy yếu tối đa Ukraina », « Nga không sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này » và « sẽ còn tiếp tục đưa ra các yêu sách khác ». Tổng thống Ukraina cảnh báo việc Mỹ - Nga thỏa thuận về Ukraina không có sự tham gia của Ukraina « sẽ không thể cho phép đạt được kết quả mong muốn ».

Matxcơva : Dấu hiệu tích cực về bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ

Nhìn từ điện Kremlin, cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Vladimir Putin và Donald Trump là một cuộc trao đổi « chi tiết và thẳng thắn ». Đối với nhiều kênh truyền thông Nga, đây là khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Matxcơva và Washington, cũng như khởi đầu cho việc giải quyết xung đột Nga - Ukraina.

Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết chi tiết :

« Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể nói chắc chắn rằng việc giải quyết xung đột Ukraina và các vấn đề song phương giữa Matxcơva và Washington đã bắt đầu. Đó là quan điểm của phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma, Alexei Chepa. Đối với Anastasia Gafarova, phó giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị, điều quan trọng nhất rút ra được từ cuộc điện đàm hôm qua giữa Vladimir Putin và Donald Trump, đó là giờ đây đôi bên vẫn tiến hành được những cuộc đàm phán sâu như vậy về nhiều nội dung, từ quan hệ song phương đến Trung Đông, hay hồ sơ Ukraina.

Về phần Fyodor Loukianov, tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs, ông đặt ra câu hỏi bằng cách nào Washington có thể khiến Nga yên tâm về việc phi quân sự hóa Ukraina. Loukianov nhấn mạnh thêm rằng đôi bên vẫn chưa thảo luận về một giải pháp thực sự cho cuộc xung đột, cả về bản chất lẫn hình thức, nhưng xem thiện chí tiếp tục thảo luận của các bên là một tín hiệu tích cực.

Những cuộc đàm phán mà cách nay vài tháng, không ai có thể tưởng tượng là có thể có, nay được mọi người nhất trí mô tả là mang tính xây dựng. Thế nhưng, một số nhà quan sát lo ngại rằng cuộc điện đàm này rồi sẽ đột ngột thất bại ê chề ».

Ukraina hoài nghi về đề xuất ngưng bắn một phần của Mỹ - Nga

Hôm qua, 18/03/2025, vài giờ sau khi cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ - Nga, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông ủng hộ về mặt nguyên tắc lệnh hưu chiến một phần.

Dù vậy, ông Zelensky cũng lên án rằng các điều kiện do đồng nhiệm Nga áp đặt để đi đến hưu chiến toàn diện với Kiev còn nhằm làm « suy yếu » Ukraina, và điều này cho thấy Nga chưa sẵn sàng « chấm dứt » chiến tranh.

Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze tường thuật :

« Bất chấp các thông báo từ Matxcơva và Washington, phía Ukraina không mấy gì chắc chắn về việc Nga ngưng cuộc chiến chống Ukraina và chẳng cảm thấy nhẹ nhõm chút nào.

Tối hôm qua, ông Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraina ủng hộ lệnh hưu chiến một phần này, nhưng nhấn mạnh ông hy vọng có thể thảo luận trực tiếp với phía Mỹ về các mô thức, và rằng Ukraina sẽ đáp trả nếu nước này vẫn tiếp tục bị tấn công.

Đó cũng chính là những gì đã diễn ra trong suốt đêm qua, bởi vì nhiều vùng của Ukraina là mục tiêu tấn công của không quân Nga. Các cuộc không kích đã nhắm trúng một bệnh viện tại thành phố Sumy. Tại Kiev, hệ thống phòng không đã bắn hạ 19 trong số 45 drone tự sát nhắm vào thủ đô.

Vào lúc các cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Nga dự trù diễn ra vào ngày 23/03 ở Djedda, Ả Rập Xê Út, phía Ukraina cho biết một số điều kiện mà Matxcơva tìm cách áp đặt vẫn là không thể chấp nhận được: Giải giáp Ukraina, ngưng hỗ trợ quân sự của Phương Tây cho Kiev,cũng như việc điện Kremlin xem thường các lằn ranh đỏ của Ukraina, bao gồm cả việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nước này. »


***********

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Tổng thống Trump: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể công du Mỹ « trong một tương lai khá gần ». Phát biểu của Donald Trump được đưa ra hôm 17/03/2025 khi ông tới thăm một khán phòng ở thủ đô Washington, nhưng tổng thống Mỹ không cho biết thêm chi tiết. Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm hôm 17/01, trước ngày nhậm chức của Donald Trump. Đến tháng 02/2025, tổng thống Mỹ loan báo ông đã nói chuyện với ông Tập sau khi trở lại Nhà Trắng, nhưng Bắc Kinh không xác nhận thông tin. Theo báo Mỹ The Wall Street Journal, Washington và Bắc Kinh đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc thượng đỉnh vào tháng 06/2025. Thời điểm này được chọn không phải ngẫu nhiên : Sinh nhật tổng thống Mỹ Donald Trump là 14/06 và sinh nhật của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ngày 15/06.

(AFP) - Tổ Chức Y Tế Thế Giới : Việc chính quyền Trump cắt tài trợ nước ngoài có thể đe dọa sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Trong cuộc họp báo tại Genève, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 17/03/2025 lấy làm tiếc là các quyết định của chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump có thể xóa bỏ 20 năm tiến bộ trong cuộc chiến chống bệnh SIDA, khiến thế giới có thể sẽ có hơn 10 triệu ca nhiễm mới và 3 triệu ca tử vong vì virus HIV, nhiều gấp 3 lần số người chết vì HIV trong năm 2024. Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi Washington xem xét lại việc hỗ trợ thế giới về chăm sóc sức khỏe.

(AFP) - Cựu thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cảm ơn tổng thống Donald Trump đã đóng cửa các cơ quan truyền thông. Hun Sen, cựu thủ tướng đã cầm quyền bằng bàn tay sắt ở Cam Bốt gần 40 năm, hôm qua đã « cảm ơn tổng thống Mỹ  Donald Trump » đã đóng cửa nhiều cơ quan truyền thông của Mỹ như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Voice of America và Đài Á Châu Tự Do Radio Free Asia, mà ông coi là thù địch với Phnom Penh. Nhà lãnh đạo 72 tuổi viết  trên Facebook tối thứ qua: « Chúng tôi vô cùng trân trọng tổng thống Donald Trump vì lòng dũng cảm của ông khi dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch. »

(FMM và DW) – Hai cơ quan truyền thông Pháp FMM và Đức DW « bàng hoàng » về quyết định của Mỹ ngừng tài trợ cho các đài quốc tế VOA, RFA và đài Châu Âu Tự do. Hôm qua, 17/03/2025, hai cơ quan truyền thông lớn của châu Âu, France Médias Monde của Pháp và Deutsche Welle của Đức, đã ra một tuyên bố chung, nhấn mạnh là quyết định nói trên của Mỹ - vốn là một cường quốc về quyền tự do báo chí – đang gây tổn hại lớn cho tự do báo chí. Hàng triệu người bị mất đi « các nguồn thông tin xác thực và cân bằng ». FMM và DW khẳng định : « quyết định của hành pháp Mỹ một lần nữa cho thấy đòi hỏi khẩn thiết bảo vệ mô hình dân chủ châu Âu đối với các phương tiện truyền thông phục vụ lợi ích công ». Theo FMM và DW, đe dọa tự do báo chí với quyết định nói trên của Mỹ càng trở nên nguy hiểm hơn trong bối cảnh « thế giới đang ngày càng phân cực, và nhu cầu cầu về các thông tin đa nguyên và đa ngôn ngữ chưa bao giờ lại cần thiết như hiện nay ».

(AFP) - Nhà Trắng phản đối việc một nghị sĩ châu Âu người Pháp kêu gọi Mỹ « trả lại tượng Thần Tự do ». Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt, hôm qua, 17/03/2025, dùng những lời lẽ như sau để phản bác lại nghị sĩ Raphaël Glucksmann : « Chính là nhờ nước Mỹ mà người Pháp giờ đây không phải nói tiếng Đức (ngụ ý Mỹ đã giúp Pháp giải phóng khỏi phát xít Đức trong Thế Chiến Thứ Hai). Như vậy, lẽ ra họ phải rất biết ơn đất nước vĩ đại của chúng ta ». Trước đó, hôm 16/03, nghị sĩ Pháp 45 tuổi, đứng đầu danh sách của liên đảng Xã Hội và Place publique của Pháp tranh cử Nghị Viện Châu Âu năm 2024, đã cảnh báo nước Mỹ đang ngả sang độc tài, và nhà cầm quyền Mỹ đang chống lại các nhà khoa học, như vậy Washington nên trả lại cho Paris bức tượng có ý nghĩa biểu tượng mà Pháp đã tặng cho Mỹ trước đây. 

(AFP) -  Công du Anh Quốc, tân thủ tướng Mark Carney thừa nhận Canada phụ thuộc « quá nặng nề vào Mỹ về thương mại và an ninh ». Hôm qua, 17/03/2025, trong cuộc họp báo sau buổi gặp đồng nhiệm Anh Keir Starmer, thủ tướng Canada Mark Carney khẳng định « cần đa dạng hóa các quan hệ hợp tác » để tránh tình trạng phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Theo lệ thường, các tân lãnh đạo Canada vẫn chọn nước Mỹ, láng giềng và vốn là đồng minh số một, làm điểm đến đầu tiên. Thế nhưng, thủ tướng Mark Carney đã chọn đi Pháp và Anh ngay sau khi nhậm chức, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump đe dọa biến Canada thành bang thứ 51 của Hoa Kỳ.

(AFP) - Canada và Pháp khẳng định « sự ủng hộ kiên định » với Ukraina. Tại Paris, hôm qua, 17/03/2025, tân thủ tướng Canada Mark Carney khẳng định Pháp và Canada cần tăng cường hợp tác để « bảo đảm an ninh của chúng ta, của các đồng minh của chúng ta và của toàn thế giới », trong bối cảnh « thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn và nguy hiểm ». Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh đến quyết tâm chung tiếp tục hậu thuẫn Ukraina và bảo đảm an ninh châu Âu.

(Le Monde) - Chiến tranh Ukraina – Nga : Đụng độ dữ dội tại vùng đô thị chiến lược Pokrovsk, tỉnh Donetsk. Theo bộ tổng tham mưu quân đội Ukraina hôm qua, 17/03/2025, hơn 31 cuộc giao tranh đã diễn ra trong ngày hôm qua tại vùng đô thị chiến lược nói trên, trên tổng số gần 100 trận trên toàn chiến tuyến. Cho đến nay, quân đội Ukraina vẫn bảo vệ được Pokrovsk, đô thị có hơn 50 nghìn dân trước chiến tranh. Theo nhiều chuyên gia quân sự, cuộc tấn công của Ukraina sang tỉnh biên giới Kursk hồi mùa hè năm ngoái là nhằm buộc quân Nga phải giảm bớt lực lượng tại mặt trận Pokrovsk.

(AFP) - Ba Lan và ba nước Baltic sẽ rút khỏi Công ước cấm mìn sát thương cá nhân do lo ngại Nga. Hôm nay, 18/03/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan cùng các đồng nhiệm Litva, Estonia và Latvia, ra một thông báo chung, tuyên bố sẽ rút khỏi Công ước cấm mìn sát thương cá nhân Ottawa. Lý do được đưa ra là các quốc gia này « cần sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ và tự do ». Thông báo nhấn mạnh « kể từ khi phê chuẩn Công ước về cấm mìn sát thương cá nhân, tình hình an ninh trong khu vực trở nên xấu đi nghiêm trọng với cuộc xâm lăng của Nga và mối đe dọa thường trực của Nga đối với cộng đồng các quốc gia châu Âu - Đại Tây Dương ».

(AFP) - Quân nổi dậy Houthi tấn công tàu sân bay Mỹ lần thứ ba để trả đũa các đợt tấn công mới của Mỹ. Hôm nay, 18/03/2025, lực lượng Houthi ở Yemen cho biết hai tên lửa hành trình và hai drone đã tấn công tàu sân bay USS Harry Truman, đang hoạt động tại phía bắc Biển Đỏ. Cuộc tấn công được thông báo là « thành công ». Hàng chục nghìn người Yemen đã biểu tình tại nhiều thành phố ở nước này để lên án các cuộc oanh kích của Mỹ. Đêm hôm qua, rạng sáng nay, Mỹ đã oanh kích nhiều địa điểm tại Yemen, trong đó có một nhà máy thép, « gây thiệt hại nghiêm trọng ». Trước đó, các đợt oanh kích của Mỹ khiến 53 chết, trong đó có 5 trẻ em và 98 người bị thương. Phe nổi dậy Houthi cũng cho biết sẽ trả đũa Israel để hậu thuẫn lực lượng đồng minh Hamas, sau cuộc oanh kích đêm qua tại dải Gaza.

(AFP) - Căng thẳng ngoại giao Pháp - Algerie tăng thêm một nấc. Hôm qua, 17/03/2025, Algerie đã bác bỏ thẳng thừng danh sách những công dân Algerie bị trục xuất do Pháp đề nghị. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Algerie cho biết: « Chính quyền Algerie đã quyết định không chấp nhận danh sách do chính quyền Pháp yêu cầu ». Pháp đã lập danh sách ban đầu gồm khoảng sáu mươi người Algerie cần trục xuất vì là những đối tượng "nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Pháp". Danh sách đã được gửi tới đại sứ quán Algerie tại Pháp hôm 14/03. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bruno Retailleau ngay tối qua đã hứa sẽ có phản ứng mạnh hơn, đồng thời tỏ ý « lấy làm  tiếc vì Algerie từ chối áp dụng luật pháp quốc tế ».

(AFP) - Cam Bốt chuẩn bị khánh thành căn cứ hải quân do Trung Quốc cải tạo. Hôm nay 18/03, phát ngôn viên quân đội Cam Bốt cho biết, công trình cải tạo căn cứ hải quân Ream, do Trung Quốc tài trợ, sẽ khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 02/04. Ream trước đó là căn cứ hải quân của Mỹ trong vịnh Thái Lan. Năm 2022, việc Trung Quốc tài trợ cho Cam Bốt để cải tạo căn cứ đã khiến Hoa Kỳ lo ngại. Theo Washington, cơ sở này có thể giúp Bắc Kinh có được vị trí chiến lược trong vùng vịnh Thái Lan, một lối ra Biển Đông. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Cam Bốt, tàu chiến của tất cả các nước bạn bè của Cam Bốt đều có thể thả neo tại Ream nếu đủ điều kiện, kể cả tàu Mỹ.

(AFP) - Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản họp tại Tokyo vào cuối tuần. Mục đích hội đàm ngày 22/03/2025 nhằm tăng cường quan hệ khu vực trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bắc Triều Tiên, theo bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay, 18/03. Ngoại trưởng Cho Tae-yul của Hàn Quốc, Iwaya Takeshi của Nhật Bản và Vương Nghị của Trung Quốc « sẽ trao đổi quan điểm (...) về sự phát triển của hợp tác ba bên ». Thông cáo cũng cho biết cuộc họp tại Tokyo sẽ là cuộc họp cấp bộ trưởng ba bên lần thứ 11.

(AFP) - Cơ quan di trú Đài Loan điều tra về hai nhân vật người Trung Quốc có ảnh hưởng, cổ vũ « cho thống nhất » với Hoa lục. Theo đại diện của cơ quan di trú Đài Loan hôm nay, 18/03/2025, hai công dân Trung Quốc này đã đưa lên mạng Douyin nhiều video tuyên truyền cho mục tiêu nói trên. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, cơ quan di trú Đài Loan ra lệnh cho một nhân vật người Hoa có nhiều ảnh hưởng phải rời khỏi Đài Loan trong 10 ngày. Nhân vật này, có gần 500.000 người theo dõi trên mạng, « đã kêu gọi thống nhất Đài Loan bằng vũ lực ». 

(AFP) - Trump khẳng định các lệnh « ân xá phòng ngừa » của người tiền nhiệm Biden là không có hiệu lực. Hôm qua, 17/03/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các lệnh ân xá phòng ngừa mà Joe Biden đã ký là không có hiệu lực, do ông đã sử dụng « bút tự động ». Bút tự động hay máy ký tên là một biện pháp kỹ thuật cho phép tái hiện chữ ký của một cá nhân. Ít giờ trước khi mãn nhiệm, do lo ngại Donald Trump trả thù họ, ông Joe Biden đã ký quyết định ân xá phòng người cho nhiều người thân cận, trong đó có cựu tổng tham mưu trưởng Mark Milley, cựu kiến trúc sư chiến dịch chống Covid, bác sĩ Anthony Fauci, cũng như các quan chức, dân biểu đã tham gia vào ủy ban điều tra về vụ người ủng hộ Donald Trump tấn công điện Capitol đầu năm 2021. 

(AFP) - Hai phi hành gia  Mỹ bị kẹt trên Trạm Không gian Quốc tế ISS trên đường trở về Trái Đất. Bị kẹt trên ISS hơn chín tháng, các phi hành gia Butch Wilmore và Suni Williams đã rời trạm không gian vào hôm nay 18/03, sang tàu SpaceX Crew Dragon để trở về Trái Đất. Cùng với hai phi hành gia khác, họ dự kiến ​​sẽ đáp xuống ngoài khơi bờ biển Florida vào buổi tối, sau khi đã được giảm tốc độ bằng những chiếc dù lớn. Các phi hành gia sau đó sẽ được một con tàu đón. 


***********

Ba Lan, bức tường thành quân sự ở sườn đông châu Âu

Thanh Hà

Ba Lan là thành viên duy nhất trong NATO dành đến gần 5 % cho chi phí quốc phòng, mà một nửa là để mua vũ khí, nâng cấp các thiết bị quân sự. Rút kinh nghiệm từ bài học Ukraina bị Nga xâm chiếm, từ 2022, Vacxava đề ra tham vọng « xây dựng lực lượng bộ binh lớn nhất châu Âu trước ngưỡng 2035 », hoàn tất bức tường thành để bảo vệ Ba Lan với Nga và Belarus, đồng minh thân tín của Putin.    

Lá Chắn Phương Đông –Tarcza Wschod

Nga chiếm đoạt bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, xâm chiếm Ukraina tháng 2/2022 là yếu tố quyết định khiến Ba Lan không do dự thực hiện mục tiêu trở thành « lá chắn quân sự » của châu Âu, cho NATO, nhưng trước hết là vì an ninh của chính mình.

Tháng 11/2024, thủ tướng Donald Tusk thông báo « đã khởi động » công trình mang tên Lá Chắn Phương Đông –Tarcza Wschod, « dự án đầu tiên ở biên giới với Nga ». Bức tường thành 800 km này gồm nhiều loại công sự, chướng ngại vật địa hình và những cơ sở hạ tầng quân sự. Trị giá công trình lên tới 2 tỷ đô la mà cho tới nay do một mình Vacxava đài thọ. 

Bélarus là đồng minh thân thiết của Nga trong xung đột ở Ukraina. Từ tháng 6/2023 Matxcơva đã triển khai « đầu đạn hạt nhân » sang lãnh thổ Belarus. Trước chiến tranh Ukraina, chính quyền Minsk của tổng thống Loukachenko với sự đồng thuận của điện Kremlin đã mở cửa biên giới lùa hàng chục ngàn người nhập cư bất hợp pháp sang Ba Lan, khuynh đảo nước làng giềng và cũng là thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Tháng 2/2022, khi Vladimir Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina, tại Vacxava Quốc Hội đã thông qua đạo luật « Phòng thủ Quốc Gia » với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối.

Năm 2014, khi Nga chiếm đoạt bán đảo Crimée của Ukraina, Ba Lan xem đó là một lời cảnh báo « lịch sử có thể được lập lại », nên đã lập tức đề ra « chiến lược nâng cao tiềm lực quân sự », « khẩn trương mua thêm vũ khí và hiện đại hóa các thiết bị quân sự » .

Ông khổng lồ của châu Âu

Vacxava đã huy động những phương tiện chưa từng có để thực hiện mục đó và đây là một sự chuẩn bị dài hơi đã được khởi động từ hơn một chục năm nay bất chấp những thay đổi trong chính quyền và đối đầu giữa các chính đảng ở Ba Lan.

Giới quan sát đồng loạt ghi nhận kế hoạch « Lá Chắn Phương Đông », hay bức tường thành quân sự mà Ba Lan đang xây dựng là « công trình quân sự lớn nhất » từ khi kết thúc Thế Chiến Thứ Hai. Đây là « tuyến phòng thủ đầu tiên trong trường hợp Nga tấn công Ba Lan », một thành viên của NATO và Liên Hiệp Châu Âu.

Năm 2015, mọi người đã cười khẩy trước ý tưởng Ba Lan trở thành « lực lượng quân sự số một của châu Âu ». Điều đó đã hoàn toàn thuộc về quá khứ. So với thời điểm 2014, ngân sách quốc phòng của Ba Lan đã được nhân lên gấp 3 lần và hiện đã vượt ngỡng 44 tỷ euro trong tài khóa 2025. Ngân sách phòng thủ của Ba Lan chỉ thua có Đức và Pháp, nhưng cao hơn Ý. Trong giai đoạn 2003-2007, Ba Lan ít chú ý đến vế phòng thủ, nhưng Sách trắng quốc phòng của Ba Lan 2013 đã chú ý đến mối đe dọa từ Nga » như chuyên gia Almélie Zima viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI lưu ý.

Ba Lan không chỉ nói suông

Vào lúc bản thân Hoa Kỳ, thành viên nặng ký nhất trong NATO dành chưa đến 4 % GDP cho chính sách phòng thủ, thì ngân sách quốc phòng của Ba Lan năm 2024 là 4,7 % và mục tiêu cho năm nay là 5 % . Về quân số, cũng không một quốc gia nào trong NATO hay tại châu Âu sánh kịp với Ba Lan: Trong một thập niên, lực lượng quân đội của nước này đã được nhân lên gấp đôi, từ 120.000 lính chuyên nghiệp và 30.000 quân dự bị (2010) nay đã lên thành 216. 000, đông quân hơn cả Pháp (205.000) hay Đức (180.000).

Tuần trước,  Ba Lan loan báo chuẩn bị đào tạo thêm 100.000 lính dự bị hàng năm. Trong nghiên cứu được công bố đầu tháng 2/2025, hai chuyên gia Léo Peria-Peigné và Amélie Zima của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI khẳng định « Ba Lan sẽ trở thành lực lượng quân sự trên bộ, trên không hùng mạnh nhất châu Âu từ nay đến cuối thập niên này ». Luật quốc phòng Ba Lan năm 2022 ghi rõ mục tiêu « nâng quân số lên thành 300.000 người» vào ngưỡng 2030.

Ba Lan mua vũ khí nhiều nhất thế giới

Đâu là những kết quả cụ thể đã được trông thấy ? Theo nghiên cứu của viện IFRI vừa nêu, trong ba năm, từ 2022, Ba Lan mua thêm một ngàn các loại thiết giáp và hàng trăm hệ thống phóng rocket. Do không còn nhiều thời gian, Vacxava ký hàng loạt hơp đồng với Mỹ, với Hàn Quốc và nhất là muốn các đối tác trong lĩnh vực quốc phòng « chuyển giao công nghệ » cho Ba Lan.

Mười lăm năm trước đây, « 2/3 thiết giáp của Ba Lan là những sản phẩm thừa hưởng từ thời Liên Xô, nhưng đến giữa 2024 tỷ lệ này chỉ còn là 50 % » và với đà hiện đại hóa cỗ máy quân sự hiện tại, « đến ngưỡng 2030, toàn bộ thiết bị từ thời Liên Xô sẽ biến mất ». Ba Lan mua hơn 1000 xe tăng Abrams của Mỹ và loại K-2 của Hàn Quốc, đó là chưa kể đến chiến đấu cơ F-35 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo.

Theo báo cáo của viện IFRI, « chỉ cần thực hiện được một nửa số mục tiêu đã đề ra là đủ để Ba Lan chóng trở thành Lực Lượng Bộ Binh hùng mạnh nhất  châu Âu ».

Thêm một yếu tố quan trọng khác : Vào lúc NATO khuyến cáo các thành viên « dành tối thiểu 20 % ngân sách quốc phòng để mua vũ khí và thiết bị quân sự, thì Vacxava dành đến 50 % ngân sách cho khoản chi tiêu này ».

Do vậy Ba Lan hiện là một trong những nguồn nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Theo một số thông tin báo chí, trong tương lai « đội ngũ xe thiết giáp của Ba Lan sẽ lớn hơn cả « đội xe tăng của Anh, Pháp, Đức và Ý cộng lại ».

Một vài trở ngại 

Dù vậy tham vọng quân sự của Ba Lan cũng có một số trở ngại, như yếu tố dân số và đòi hỏi về mặt công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Vẫn nghiên cứu của viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp chỉ ra rằng tham vọng quân sự của Vacxava có thể vấp phải một vài khó khăn. Đầu tiên hết là lý do dân số. Với tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm 40 % trong ba thập niên qua, e rằng Ba Lan khó có được nguồn nhân lực dồi dào để thành lập một đội quân 300.000 lính chuyên nghiệp.

Lý do thứ nhì, theo các tác giả báo cáo của IFRI, là trong lĩnh vực quốc phòng, mạng lưới công nghiệp của Ba Lan lệ thuộc vào « chuyển giao công nghệ ». Tới nay Vacxava vẫn xem Mỹ là điểm tựa số 1 của mình và không dễ thay đổi quan niệm đó khi phải chuyển hướng sang các đối tác châu Âu.

Cơ hội hợp tác Pháp-Ba Lan 

Vậy liệu rằng Pháp có là một lá chủ bài chủ bài giúp Ba Lan nhanh chóng trở thành một cường quốc quân sự tại châu Âu?

Hai đồng tác giả báo cáo của viện IFRI không loại trừ khả năng Pháp là một « giải pháp thay thế », vì Paris vừa tích cực tham gia các hoạt động « củng cố sườn đông » của Liên Hiệp Châu Âu, vừa có nhiều kinh nghiệm 

Cuối tháng 4/2025, trên nguyên tắc Pháp và Ba Lan sẽ ký kết một hiệp ước Nancy và một phần lớn văn bản này tập trung vào vế quốc phòng, vào chính sách phòng thủ chung của Liên Âu, vào hợp tác song phương « nâng cấp khả năng phối hợp tác chiến » giữa các lực lượng của Pháp và Ba Lan trong các lĩnh vực « tình báo, cyber… để đối phó với chiến tranh lưỡng hợp »

Léo Peria Peigné và Amélie Zima, hai đồng tác giả nghiên cứu về tiềm năng quân sự của Ba Lan, kết luận Paris và Vacxava không phải lúc nào cũng đồng quan điểm về khái niệm « tự chủ chiến lược » cho Liên Hiệp Châu Âu, bởi Ba Lan có truyền thống tin tưởng vào Hoa Kỳ. Trong mắt Ba Lan thì Pháp có phần « thân thiện với Matxcơva ». Nhưng đó là chuyện của quá khứ.

Mọi việc đang có chiều hướng thay đổi. Ba Lan nhận thấy rằng với kinh nghiệm và sức thu hút lớn, Pháp là đối tác « dễ nói chuyện hơn Đức ». Vacxava đang cần đốt giai đoạn để đào tạo một đội quân tinh nhuệ sẵn sàng chiến đấu. 

Nếu thực sự tin tưởng vào hòa bình, có lẽ Ba Lan đã phải có những nỗ lực vượt bực như vậy đầu tư vào quân sự và quốc phòng.


*******

Dự án Alaska LNG : Mỹ muốn bán khí đốt, Nhật Bản lưỡng lự

Công ty Nhà nước Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) cùng đối tác Glenfarne Group sẽ đến Nhật Bản cuối tháng 03/2025 để cố thuyết phục các nhà lãnh đạo Nhật Bản về những lợi ích cạnh tranh kinh tế, về chiến lược của Alaska LNG. Đây là một trong những kế hoạch "khoan mọi nơi" của tổng thống Trump để "vàng đen ngay dưới chân" giúp Mỹ "trở lại thành một quốc gia giàu có". Nhưng các nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật Bản vẫn do dự về tính khả thi của dự án.

Ảnh minh họa (không đề ngày ): Đường ống và trạm bơm Trans-Alaska ở phía bắc Fairbanks, bang Alaska, Mỹ.
Ảnh minh họa (không đề ngày ): Đường ống và trạm bơm Trans-Alaska ở phía bắc Fairbanks, bang Alaska, Mỹ. AP - Al Grillo
Quảng cáo

Trong bài diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện ngày 04/03, tổng thống Donald Trump ca ngợi Alaska LNG là dự án « khổng lồ »« chưa từng có tiền lệ ». Ông quả quyết « Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác muốn trở thành đối tác » của Mỹ,  « mỗi nước đầu tư hàng nghìn tỷ đô la », có nghĩa là « tiền sẽ đổ về ồ ạt » và tương lai sán lạn đang chờ ngành năng lượng Mỹ.

Ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Trump đã ký sắc lệnh để hủy lệnh cấm các giàn khoan mới trong một khu vực biển rộng lớn, được người tiền nhiệm Joe Biden ban hành trước đó, trong đó có Alaska. Ông nhấn mạnh đến tình trạng « cấp bách năng lượng », bỏ mặc những quan ngại về hủy hoại môi trường.

Hồi sinh Alaska LNG : Trump muốn cho thấy tầm vóc của Mỹ

Nhưng Alaska LNG không phải là dự án mới, mà có từ năm 1967 và ít nhất hai lần bị trì hoãn vì kinh phí đầu tư quá lớn. Theo báo Pháp L'Humanité, khi hồi sinh dự án được ấp ủ từ nhiệm kỳ đầu, tổng thống Trump muốn cho thế giới thấy tầm vóc to lớn về năng lượng và kinh tế của Hoa Kỳ, cũng như thế thống trị của Mỹ đối với các đồng minh.

Alaska LNG dự kiến chuyển trữ lượng khí tự nhiên rất lớn nằm ở vịnh Prudhoe, xung quanh Point Thomson, phía bắc bang Alaska xuống cảng Nikiski, gần Anchorage, miền nam Alaska. Tổng chiều dài đường ống là 1.300 km, kinh phí xây dựng khoảng 11 tỷ đô la trên tổng kinh phí được thẩm định là 44 tỷ đô la. Alaska LNG dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.

Dự án Alaska LNG dài 1.300 km nối vịnh Prudhoe, phía bắc bang Alaska xuống cảng Nikiski, gần Anchorage, miền nam Alaska, Mỹ. Ảnh chụp màn hình trang web Alaska LNG Project.
Dự án Alaska LNG dài 1.300 km nối vịnh Prudhoe, phía bắc bang Alaska xuống cảng Nikiski, gần Anchorage, miền nam Alaska, Mỹ. Ảnh chụp màn hình trang web Alaska LNG Project. © Capture d'écran / Alaska LNG Project

Hơn 100 triệu mét khối khí đốt có thể được vận chuyển mỗi ngày qua đường ống này. Theo trang web Alaska LNG Project, khí đốt được loại bỏ tạp chất tại nhà máy xử lý ở miền bắc Alaska, trước khi được vận chuyển qua đường ống. Nhiều điểm kết nối trên đường ống sẽ đáp ứng nhu cầu khí đốt hiện tại của bang Alaska. Tại cảng Nikiski, cơ sở hóa lỏng sẽ làm mát và ngưng tụ khí để chuyển lên tàu biển chuyên dụng xuất khẩu sang châu Á.

Theo trang mạng Nikkei Asia trong bài viết « Trump hồi sinh dự án Alaska LNG trị giá 44 tỷ đô la », bang Alaska phụ thuộc vào thu nhập từ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cấu trúc kinh tế và tài chính sẽ không thể tồn tại được nếu không có dầu khí. Chính quyền bang cũng nhấn mạnh đến sự khác biệt so với trước đây khi dự án không tiến triển. Các mỏ khí quanh thành phố Anchorage đang cạn dần, thậm chí Alaska có nguy cơ phải nhập khí hóa lỏng trong khi nguồn tài nguyên miền bắc lại không được khai thác. Cho nên người dân ở Alaska rất ủng hộ dự án.

Dùng Alaska LNG tái cân bằng thương mại với đối tác châu Á

Tổng thống Donald Trump khẳng định nhiều nước châu Á quan tâm đến dự án. Philippines, Hàn Quốc thông báo nhiều cuộc đàm phán với đối tác Mỹ nhưng chưa có gì là cụ thể. Bộ Ngoại Giao Đài Loan ra thông cáo cho biết tập đoàn dầu khí của hòn đảo sẽ « tiếp tục đánh giá tính khả thi và sẵn sàng tăng khối lượng mua ». Sau khi tiếp thủ tướng Shigeru Ishiba tại Washington vào đầu tháng 2, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định Nhật Bản cam kết mua khí đốt Mỹ với « những khối lượng kỉ lục ».

Chính phủ Tokyo đang chịu áp lực ngoại giao ngày càng tăng từ Hoa Kỳ để giảm bớt thâm hụt thương mại. Tại buổi điều trần tại Thượng Viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân đại sứ George Glass đã khẳng định : « Nhật Bản đã cam kết giảm thâm hụt thương mại với chúng ta (Mỹ) và giảm sự phụ thuộc vào Nga bằng cách mua khí hóa lỏng của Mỹ. Tôi sẽ đảm bảo Nhật Bản phải giữ lời hứa đó ».

Tokyo được cho là đối tượng chính của dự án Alaska LNG, có năng suất khoảng 20 triệu tấn/năm, tương đương với 30% nhu cầu hàng năm của Nhật Bản. Chủ tịch của AGDC Frank Richard nhấn mạnh đến việc quốc gia quần đảo này nằm cách không xa Alaska. Tokyo sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc so với nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông và từ vịnh Mêhicô. Thêm vào đó, khi nhập khẩu khí đốt từ đồng minh Mỹ, Nhật Bản có ít rủi ro về địa-chính trị hơn so với nhập khẩu từ Trung Đông hoặc Nga. Khí hóa lỏng từ Qatar phải đi qua eo biển Hormuz nằm trong khu vực đầy biến động. Thêm vào đó, các nước châu Âu cũng đang tìm mọi nguồn dầu khí khác nhau, đặc biệt ở Trung Đông, sau khi ngừng nhập khẩu từ Nga kể từ khi tổng thống Putin phát động chiến tranh ở Ukraina.

Kinh phí khổng lồ : Điểm yếu cho tính khả thi của dự án Alaska LNG

Tuy nhiên, yếu tố « Chi phí, chứ không phải chính trị, sẽ định hình dòng LNG của Hoa Kỳ sang Nhật Bản trong tương lai ». Đây là nhận định của hai nhà nghiên cứu Sam Reynolds và Christophe Doleman của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (Institute for Energy Economics and Financial Analysis, IEEFA) tại Mỹ.

Thứ nhất, những thông báo chính trị gần đây, mà trong đó thậm chí tổng thống Trump khẳng định Nhật Bản sẽ tham gia liên doanh, lại không đi kèm với thỏa thuận thương mại về khí hóa lỏng giữa bên mua và bán tư nhân. Thứ hai, tính kinh tế của các dự án quan trọng của Hoa Kỳ như Alaska LNG vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, và các khách hàng châu Á đã không ký kết dự án trong nhiều năm trước đó. Thứ ba, nhu cầu LNG của Nhật Bản đã giảm mạnh trong thập niên qua và hiện nước này còn bán lại nhiều LNG ra nước ngoài do nhu cầu LNG giảm, theo dự thảo kế hoạch năng lượng chiến lược, trong đó vai trò của năng lượng nhiệt (than, khí hóa lỏng LNG…) sẽ giảm mạnh trong hai thập niên tới. Tuy nhiên, nếu có sự linh hoạt trong hợp đồng LNG với Mỹ, Nhật Bản có thể mua để dự trữ, nhưng có thể bán lại cho nước thứ ba nếu nhu cầu trong nước giảm.

Các tuyến đường vận chuyển LNG từ Mỹ sang Nhật Bản. Ảnh chụp màn hình trang Nikkei Asia.
Các tuyến đường vận chuyển LNG từ Mỹ sang Nhật Bản. Ảnh chụp màn hình trang Nikkei Asia. © Capture d'écran / Nikkei Asia

Ngoài ra, dự án Alaska LNG vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu trong gần hai thập niên qua. Cho đến nay, vẫn chưa có bên mua nào hoàn tất cam kết mua dài hạn đối với cơ sở này trong khi các dự án xuất khẩu LNG thường cần có hợp đồng mua 80% hoặc hơn công suất của cơ sở để đảm bảo về tài chính. Ngoài ra, việc xây dựng một dự án như Alaska LNG cần 4 năm, nên khó có thể hoàn thành trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Trump.

Vẫn theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, tập đoàn Japan Mitsui Co. được cho là đang đánh giá dự án do gần với châu Á, nhưng sẽ chỉ xem xét các đề xuất có giá thành cạnh tranh. Vị trí xa xôi của dự án (phía bắc Alaska) và chi phí xây dựng đắt đỏ cho các đường ống dài chống đóng băng vĩnh cửu khiến những khách hàng tiềm năng Nhật Bản rất nghi ngờ về tính khả thi của dự án. Gần đây, khi được hỏi về dự án này, giám đốc tài chính của Mitsui là Tetsuya Shigeta cho biết « không có gì để nói ngay bây giờ, kể cả chính sách của chúng tôi ». Còn Japan Petroleum Exploration (JAPEX) mô tả Alaska LNG là một đề xuất đầu tư không thực tế.

Cuối cùng, Mỹ phải cạnh tranh với rất nhiều nhà cung cấp khác, trước tiên là Sakhalin-2 của Nga, do gần với Nhật Bản. LGN của Mỹ hiện chỉ chiếm 10% lượng LNG nhập khẩu hiện tại của Nhật Bản vì tương đối đắt, chủ yếu do khoảng cách vận chuyển xa hơn.


***********

Thỏa thuận ngưng bắn ở Ukraina đã được Trump-Putin ngấm ngầm định đoạt từ trước ?

Thùy Dương

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào chiều nay 18/03/2025 điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để bàn về một thỏa thuận ngừng bắn dẫn đến hòa bình tại Ukraina.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút

Theo thông báo sáng nay của điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về Ukraina và về việc bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ, nhưng về phía Washington, hôm qua cả tổng thống Donald Trump và phát ngôn viên của Nhà Trắng Karoline Leavitt đều chỉ nhấn mạnh đến việc đạt thỏa thuận ngưng bắn và hòa bình tại Ukraina.

Theo Reuters, phát biểu với báo giới ở Washington, tổng thống Mỹ hôm 17/03 nhận định : « Những gì đang diễn ra tại Ukraina không tốt, nhưng chúng tôi sẽ xem là liệu chúng tôi có thể hợp tác về một thỏa thuận hòa bình, một lệnh ngưng bắn và hòa bình hay không, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm như vậy ». Cũng theo lời chủ nhân Nhà Trắng, cuộc tranh cãi gay gắt của ông với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu Dục và việc Washington ngưng viện trợ quân sự cho Kiev đã có tác dụng.

Ông nói : « Nhiều người đã bị giết hại ở đó, và chúng tôi phải bảo đảm rằng Ukraina đưa ra lựa chọn đúng đắn và tôi nghĩ rằng giờ đây họ sẽ làm điều đúng đắn ». Như để gây thêm áp lực cho tổng thống Zelensky, ông Trump nhấn mạnh là các binh sĩ Ukraina đang trong tình cảnh rất khó khăn tại vùng biên Kursk của Nga, do bị đối phương bao vây.

Dựa vào đâu mà Washington tỏ vẻ lạc quan là sẽ đạt được thỏa thuận với Nga ? Trong chuyên mục Quốc tế, báo Pháp Le Figaro hôm nay nhận định dường như các cuộc đàm phán giữa Washington và Matxcơva đã tiến triển « trong bóng tối », như một bức « puzzle » đã được lắp dần từng mảnh theo phác họa của chủ nhân Nhà Trắng và chủ nhân điện Kremlin. Số phận của Ukraina, cũng như nội dung một thỏa thuận hòa bình, dường như đã được Trump và Putin cùng nhau định đoạt từ trước. Cuộc điện đàm hôm nay như vậy sẽ chỉ là một « màn kịch » hoặc « trò tung hỏa mù ».

Đây không phải một suy luận vô căn cứ, bởi theo AFP, chính ông Trump hôm qua cũng đã khẳng định : « Nhiều yếu tố trong thỏa thuận đã được thống nhất » cho dù còn nhiều điều cần phải được thương lượng. Trên thực tế, Donald Trump đã bị nhiều chuyên gia như Julianne Smith, cựu đại diện của Mỹ tại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, được báo Pháp Le Monde ngày 14/03 trích dẫn, chỉ trích là nhượng bộ Putin « thậm chí từ trước khi bắt đầu thương lượng ».

Có lẽ cũng không phải vô cớ mà Trump nhắc đến khó khăn của binh sĩ Ukraina ở vùng biên Kursk của Nga chứ không phải ở các vùng ngay trên lãnh thổ Ukraina. Le Figaro đưa ra nghi vấn về vai trò của Donald Trump trong sự thay đổi cán cân lực lượng ở vùng Kursk mà Ukraina đã chiếm được nhiều địa điểm từ nửa năm nay và có ý định sử dụng như vật trao đổi trong các cuộc đàm phán với Putin. Thời điểm chính quyền Trump đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraina, đồng thời ngừng cung cấp thông tin tình báo cho Kiev, trùng khớp với thời điểm Nga phản công tại vùng Kursk.

Le Figaro dẫn lời giáo sư Roman Sheremeta, thuộc đại học Purdue của Mỹ, theo đó một số người thậm chí còn nghi ngờ chính quyền Trump đã cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Nga về các trung tâm hậu cần của Ukraina ở Kursk, tạo thuận lợi cho Nga giành lại Kursk. Và cũng giống như Vladimir Putin, chính quyền Donald Trump cũng ủng hộ việc thay đổi lãnh đạo của Ukraina.

Theo kênh truyền thông Mỹ Semafor, được AFP sáng nay 18/03 trích dẫn, tổng thống Mỹ Donald Trump tính đến việc công nhận bán đảo Crimée của Ukraina, mà Matxcơva sáp nhập hồi năm 2014, là một vùng của Nga. Nếu đúng như vậy, điều này có nghĩa là ông Trump nhượng bộ một yêu sách lớn của đồng nhiệm Nga Putin.

Trong khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky luôn tuyên bố chủ quyền của Ukraina là không thể mang ra thương lượng và quân đội Nga phải rút hoàn toàn khỏi các vùng đã chiếm được của Ukraina, thì Matxcơva cho đến nay vẫn khẳng định là sẽ duy trì chủ quyền ở 5 vùng đã chiếm được của Ukraina, đồng thời yêu cầu có sự bảo đảm rằng Ukraina sẽ không bao giờ được gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. 


*************

Tái vũ trang cho châu Âu : Những trở lực trong cuộc chạy đua với thời gian


Trước viễn cảnh mất điểm tựa an ninh là Hoa Kỳ, trước những mối đe dọa dưới nhiều hình thức khác nhau xuất phát từ những tham vọng địa chính trị của Nga, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu có thêm 800 tỷ euro để tăng cường khả năng phòng thủ. Trong lĩnh vực quân sự, tiền bạc chỉ là « một mặt của vấn đề ». Có nhiều nghi vấn về hiệu quả của kế hoạch tái vũ trang cho Liên Âu và còn nhiều trở ngại để châu Âu tự chủ về quốc phòng.  

Đầu tháng 3/2025 Bruxelles thông báo kế hoạch 800 tỷ euro « tái vũ trang Liên Hiệp Châu Âu », mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen xem là « nền tảng cho chính sách phòng thủ châu Âu ». Bộ Kinh Tế Pháp ngày 20/03/2025 trình bày « những giải pháp để tài trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng ». Tại Berlin, một tuần lễ trước ngày Hạ Viện mới của Đức bắt tay vào việc, thủ tướng tân cử Friedrich Merz chạy nước rút, thuyết phục các đảng thông qua kế hoạch sửa đổi Hiến Pháp, cho phép nước Đức đi vay nợ, huy động « hàng trăm tỷ euro hiện đại hóa quân đội và cơ sở hạ tầng ». Đây sẽ là một cuộc « Cách mạng lớn » : Trong 80 năm qua, an ninh của nước Đức chủ yếu trong tay Hoa Kỳ.

« Tự chủ về quân sự, quốc phòng » là chủ đề ám ảnh các thành viên Liên Âu, ngoại trừ Hungary và Slovakia, cùng có lập trường thân Nga. Riêng thủ tướng Hungary Viktor Orban thì tin tưởng là « bạn thân » của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Phát biểu tại các cuộc hội nghị quốc tế ở Paris hay Luân Đôn, Bruxelles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc đi nhắc lại châu Âu cần tăng chi tiêu quân sự, cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực quốc phòng, nhưng là để phát « công nghiệp quốc phòng » của khối này.

Theo báo cáo mới nhất (10/03/205) của SIPRI, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, các thành viên châu Âu trong liên minh NATO lệ thuộc đến 64 % vào các nguồn cung cấp vũ khí của Hoa Kỳ và đến 10 % vào Hàn Quốc, hơn 2 % vào Israel…. Trong giai đoạn 2020-2024, nhập khẩu của châu Âu tăng 155 % so với giai đoạn 5 năm trước đó mà phần lớn là để « mua hàng của Mỹ ».

Nghịch lý ở đây là 27 tập đoàn của châu Âu ( BAE Systems, Airbus Defence, Leonardo, Thales, Rheinmetall, Dassault …) có tên trong danh sách 100 hãng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự có trọng lượng nhất trên thế giới. Ngành quốc phòng của châu Âu « bao phủ gần như toàn bộ thị trường », đáp ứng nhu cầu của từ bên bộ binh, đến không quân, hải quân. Các tập đoàn châu Âu hiện diện trên các thị trường từ tên lửa đến ra-đa, trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm, thiết giáp, máy bay tàng hình, trực thăng …

Những rào cản từ phía châu Âu

Trở lại câu hỏi làm thế nào để tăng cường khả năng phòng thủ cho Liên Hiệp Châu Âu một cách hiệu quả nhất trong những điều kiện hiện nay, làm thế nào để sử dụng gói 800 tỷ euro trong kế hoạch « ReArm Europe-Tái vũ trang cho châu Âu » một cách hợp lý nhất ? Giới trong ngành nhận định : Việc đầu tiên cần làm là « xác định rõ những nhu cầu về thiết bị quân sự » để biết trong « kho vũ khí » của châu Âu còn thiếu những gì, thiếu bao nhiêu và cần bao nhiêu thời gian để khắc phục được những « lỗ hổng đó ».

Các chuyên gia Pháp như tướng Dominique Trinquand, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng và quan hệ quốc tế, hay Cyrille Bret, thuộc Viện Nghiên Cứu Jacques Delors, đã đưa ra một danh sách khá dài.

Châu Âu « thiếu những phương tiện phòng thủ tầm xa » và hệ thống phòng không cũng là nhược điểm của khối này. Chiến tranh Ukraina cho thấy vai trò thiết yếu của drone, mà trong lĩnh vực này châu Âu có phần chậm trễ.

Trên thị trường chiến đấu cơ hiện đại, châu Âu dù có những tên tuổi lớn như Rafale của Pháp, Gripen của Thụy Điển và thậm chí là Eurofigther (một dự án hợp tác giữa 4 nước châu Âu là Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha), nhưng « bụt chùa nhà không thiêng » : Nhiều nước trong khối này và cả Anh Quốc hay Thụy Sĩ đều chọn mua F-35 của Mỹ. Đức và Ý cũng như Ba Lan, Rumani và các nước trong vùng Baltic chuộng công nghệ của Hoa Kỳ.

Trong một chương trình truyền hình trên đài France5, Guillaume Faury, tổng giám đốc tập đoàn hàng không Airbus và gồm cả một mảng quốc phòng Airbus Defence, giải thích về xu hướng « chuộng hàng Mỹ » đó của nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc :  

« Đức là một trong bốn thành viên ngay từ đầu tham gia dự án sản xuất chiến đấu cơ Eurofighter. Berlin vừa trang bị chiến đấu cơ của Mỹ F-35 vừa có cả Eurofighter. Tuy nhiên, để thực hiện một số phi vụ trong khuôn khổ các chương trình quân sự của NATO, với bài tập mang theo đầu đạn hạt nhân, Đức bắt buộc phải dùng F-35 của Mỹ. Bên cạnh đó cũng có những quốc gia khác trong Liên Âu quan niệm vũ khí của Hoa Kỳ còn là một lá bùa hộ mệnh, để được Washington bảo đảm an ninh. Nhưng đến khi Mỹ quay lưng lại với châu lục này như qua những diễn tiến gần đây, thì thỏa thuận đổi vũ khí lấy an ninh đó tan vỡ ».

Thiếu các dự án tầm cỡ theo mô hình Airbus trong lĩnh vực dân sự

Cũng ông Faury nhấn mạnh đến một bất cập khác trong việc châu Âu từ lâu nay huy động các nguồn lực tài chính và chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng.

« Quả thực trong nhiều năm, châu Âu chậm trễ trong việc đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng. Các khoản đầu tư của châu lục này cũng bị ‘vụn vặt’ nghĩa là tùy theo quyết định ở cấp quốc gia của mỗi thành viên, nên đã không có đủ tầm cỡ. Do vậy, trong ngắn hạn châu Âu chỉ có thể trông cậy vào Mỹ để có được một số thiết bị. Nhưng về lâu về dài thì không có lý do gì ngăn cản Liên Âu sản xuất những mặt hàng như Hoa Kỳ, với điều kiện là châu Âu phải đoàn kết. Châu Âu cần tăng cường các phương tiện phòng thủ, cần cùng nhau chi tiêu một cách có hiệu quả hơn và cần sử dụng hàng của châu Âu».

Cạnh tranh từ phía Hàn Quốc

Chính vì những bất cập đó mà các nước châu Âu trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã phải chuyển hướng mua thiết bị và khũ khí của Hàn Quốc. Ba Lan là một trường hợp điển hình. Yann Rousseau, phóng viên thường trực cho báo Les Echos tại thủ đô Tokyo, từng điều tra về tiềm lực của nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, giải thích :  

 « Chính vì Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa vẫn tồn tại cho nên Hàn Quốc phải liên tục trang bị vũ trang, phải phát triển những công nghệ mới trong lĩnh vực quốc phòng, phải cải thiện khả năng sản xuất… Nhờ thế mà vũ khí của Hàn Quốc rẻ hơn so với hàng của Mỹ chẳng hạn, mà lại rất hiện đại với mức độ hiệu quả cao. Hơn nữa, đặt hàng Hoa Kỳ có khi phải đợi từ 3 đến 5 năm hàng mới đến tay. Trái lại, khi giao dịch với các nhà sản xuất Hàn Quốc, thời gian chờ đợi có khi chỉ là từ 6 tháng đến một năm ».

Những giới hạn trong khâu sản xuất  

Về phía các nhà sản xuất cũng có nhiều những thách thức đang đặt ra. Vào lúc an ninh của châu Âu không là một ưu tiên trong nhãn quan của Hoa Kỳ, ở Matxcơva, sau Ukraina tổng thống Vladimir Putin đang nhắm tới những « mục tiêu khác nữa ». Ba Lan và nhiều nước Đông Âu, cũng như ba nước vùng Baltic e rằng họ sẽ là những nạn nhân tiếp theo một khi Nga phục hồi sức mạnh quân sự. Do vậy, như phóng viên của báo Les Echos vừa nói, nhịp độ sản xuất của các tập đoàn Hàn Quốc là một lợi thế lớn để Seoul giành được nhiều hợp đồng, đứng đầu là Ba Lan. Quốc gia đông Âu này có đường biên giới sát cạnh Nga, Bélarus (đồng minh của Nga) và với Ukraina đang bị Nga xâm chiếm, cho nên Vacxava muốn chóng có vũ khí trong tay.

Ba Lan hiện là thành viên duy nhất của NATO dành đến gần 5 % GDP cho ngân sách quốc phòng. Trong tài khóa 2024, Vacxava huy động 44 tỷ euro cho các chi phí quân sự và để bảo vệ an ninh.

Trước nhu cầu cấp bách đó, Jean Pierre Maulny, phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, cho rằng trở ngại đầu tiên để thực sự xây dựng một mạng lưới công nghiệp hiệu quả cho châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng là các thành viên phải có những dự án hợp tác vững chắc. Mới chỉ có quá ít những chương trình hợp tác công nghiệp giữa nước trong Liên Âu được ra đời:

« Trong mọi dự án hợp tác, luôn có nguy cơ cạnh tranh giữa các tập đoàn châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng, có một sự tranh giành trong việc chia sẻ các công đoạn sản xuất, có một sự ngờ vực về mặt công nghệ. Đặc biệt là trong ngành chế tạo vũ khí và thiết bị quân sự, một dự án hợp tác chỉ thành công nếu như hai tập đoàn thực sự cộng tác với nhau, để tuy hai mà cũng như một (…) Trong lịch sử công nghiêp châu, Âu các dự án kết hợp này có một vài thành công, nhưng cũng không ít thất bại. Cuối thập niên 1990, đầu những năm 2000, châu Âu đã có nhiều dự án hợp tác lớn, như chương trình phát triển máy bay vận tải A400M »

Một sự chậm trễ về kỹ thuật

Christopher Dembick, thuộc quỹ đầu tư Pictet Asset Management, nêu lên một khó khăn khác của Lục địa già : Sự chậm trễ so với Hoa Kỳ về kỹ thuật và sức sáng tạo :

 « Châu Âu bị chậm trễ khá nhiều. Pháp là quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cả trong trường hợp này, xin đưa ra một thí dụ cụ thể : Paris đặt mua hàng không mẫu hạm với hệ thống phóng máy bay trên tàu, nhưng cả Pháp lẫn châu Âu hiện không có kỹ năng để chế tạo bộ phận thiết yếu này trên tàu sân bay. Pháp bắt buộc phải mua bộ phận này của Mỹ, tức là phi công của Pháp phải do Mỹ đào tạo. Trước mắt, Liên Âu huy động được hàng trăm tỷ euro vốn để tăng chi tiêu quân sự đã là một điều tốt, nhưng bên cạnh đó còn phải đầu tư vào các kỹ năng chế tạo một số công cụ mũi nhọn, và nhất là đuổi kịp Hoa Kỳ về công nghệ. Theo tôi điều này đòi hỏi thời gian và thời gian cần thiết dài hơn là ngưỡng 4 đến 5 năm như thường được nói đến »

Lãnh đạo tập đoàn hàng không Airbus Guillaume Faury đưa ra một thực tế khác : Các nhà sản xuất của châu Âu vẫn đang chờ đơn đặt hàng và phải thích nghi với những chuyển biến về địa chính trị.

« Trước mắt và nhất là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, đã có những nỗ lực để mua vào đạn dược và một số trang thiết bị cho bên bộ binh. Đa phần là để chuyển sang Ukraina. Nhưng về trung hạn, hiện đang có nhiều giả thuyết đang được cân nhắc. Từ những kịch bản đó, nhà nước sẽ có những nhu cầu mới, sẽ cần những thiết bị mới, hay là sẽ đặt hàng nhiều hơn. Nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay xoay quanh câu hỏi : châu Âu có nên tách rời khỏi công nghệ của Hoa Kỳ hay không. Đối với một số công nghệ nhậy cảm, điểm này liên quan trực tiếp đến mức độ tự chủ của toàn khối, đến chủ quyền an ninh của châu Âu. Đây là một đề tài mới vừa nổi lên, như chúng ta đã thấy và đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm ».

Tới kế hoạch tái vũ trang 800 tỷ euro công bố hơn 3 năm sau khi Ukraina bị Nga xâm chiếm, và phải đợi đến khi Hoa Kỳ quay lưng lại với châu lục này, Liên Âu bắt đầu hướng tới một « sự tự chủ về chiến lược ». Nhưng trong lĩnh vực an ninh, như đô đốc Henri Schrike, Học Viện Quân Sự Pháp, phân tích, để có một lực lượng quân sự hùng mạnh, Liên Âu vừa cần có thiết bị hiện đại và phù hợp, vừa cần có một đội quân hùng hậu cộng với khả năng phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các đội quân của các nước thành viên, cũng như là còn cần đến những công cụ hiệu quả để thu thập và xử lý thông tin tình báo. Đó là những vấn đề mà không chắc là gói « tái vũ trang 800 tỷ euro » của châu Âu có thể giúp giải quyết ngay lập tức.


*********

Trung Quốc, Nga dùng "vũ khí kỹ thuật số" tấn công "trên quy mô lớn" các nền dân chủ

Trọng Thành

Hôm nay, 18/03/2025, Liên Âu lại cảnh báo về việc Nga và Trung Quốc đang sử dụng một « hệ thống vũ khí kỹ thuật số quy mô lớn » để tấn công các nền dân chủ phương Tây. Cảnh báo được lãnh đạo ngoại giao châu Âu Kaja Kallas đưa ra trước ngày công bố chính thức báo cáo thường niên lần thứ ba của Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) về « Can thiệp và Thao túng thông tin từ nước ngoài » (Foreign Information Manipulation and Interference - FIMI), ngày mai, 19/03/2025.

Đăng ngày:

3 phút

Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu lưu ý: « Thao túng và can thiệp vào lĩnh vực thông tin là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Liên Hiệp Châu Âu… Chúng ta không thể đánh giá thấp tác động của những hành động như vậy đối với chúng ta, cũng như không thể đánh giá thấp những ý đồ của các tác giả ». Bà Kaja Kallas nhấn mạnh mục tiêu của các hành động này là nhằm « đẩy các xã hội của chúng ta vào tình trạng bất ổn, hủy hoại các nền dân chủ của chúng ta, khoét sâu những hố ngăn cách giữa chúng ta với các đối tác của chúng ta, làm xói mòn vị thế của Liên Hiệp Châu Âu trên thế giới ».

Không chỉ tập trung vào cuộc chiến tranh chống Ukraina, các hoạt động thao túng, xuyên tạc thông tin của Nga còn nhắm vào nhiều sự kiện khác, chẳng hạn như Thế Vận Hội Paris, bầu cử tại Moldova, hay các cuộc biểu tình của giới nông dân tại Đức. Theo AFP, báo cáo « Can thiệp và Thao túng thông tin từ Nước ngoài » của Cơ quan đối ngoại châu Âu, sẽ được công bố ngày 19/03, cũng cho thấy là Liên Âu hiện đã có đủ năng lực làm rõ các chiến dịch truyền thông do Nga và Trung Quốc tiến hành nhằm thao túng công luận châu Âu.

Nga và Trung Quốc đều có khả năng huy động cả một mạng lưới phức hợp « các tác nhân thuộc nhà nước và các tác nhân ngoài nhà nước », từ những người có ảnh hưởng lớn trên các mạng xã hội đến các phương tiện truyền thông Nhà nước, các phát ngôn viên chính thức… để gây ảnh hưởng sâu rộng. Báo cáo không đi đến mức cáo buộc Trung Quốc và Nga phối hợp trong hoạt động bóp méo thông tin, nhưng nhấn mạnh là trong tháng trước, nhân dịp 1.000 ngày Nga xâm lược Ukraina, « đã có sự thống nhất rõ ràng trong các hoạt động tuyên truyền của Nga và Trung Quốc trong việc thuật lại cuộc chiến này, với thông điệp thù địch, cáo buộc khối NATO là thủ phạm làm xung đột leo thang ». 

Báo cáo thường niên năm 2024 ghi nhận các hoạt động thao túng thông tin Nga, Trung Quốc chống lại tổng cộng hơn 80 quốc gia và hơn 200 tổ chức. Cơ quan đối ngoại châu Âu đã đóng vai trò tiên phong trong việc bảo vệ « tính xác thực của thông tin » (Information Integrity), chống lại các thao túng, can thiệp. Theo Cơ quan Đối ngoại Liên Âu, kể từ năm 2015, khi các nước Liên Âu lần đầu tiên đối mặt với các chiến dịch bóp méo thông tin của Nga về cuộc chiến chống Ukraina, « năng lực xác định, phân tích và ứng phó » với các thao túng và can thiệp thông tin nước ngoài (FIMI) của châu Âu đã gia tăng đáng kể. 


************

Israel oanh kích trở lại vào Gaza làm hơn 400 người chết

Anh Vũ

Sáng sớm ngày 18/03/2025, chiến tranh lại bùng phát dữ dội ở dải Gaza. Israel đã bắn phá ồ ạt vào vùng lãnh thổ của người Palestine khiến ít nhất 413 người thiệt mạng, theo tổ chức Hamas. Chính phủ Israel cho biết các cuộc không kích này “đã được thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định, sau khi Hamas từ chối thả con tin".

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Thông tín viên Sami Boukhelifa từ Jerusalem tường trình :

Giữa đêm khuya, cơn mưa đạn trút xuống và cuộc thảm sát diễn ra. Những sinh mạng bị tước đoạt. Hàng chục thi thể đàn ông, phụ nữ và trẻ em được đưa đến các bệnh viện ở Gaza, xếp thành hàng trên sàn các nhà xác, một số được đặt trong túi nhựa, một số khác chỉ được phủ bằng một tấm chăn hoặc một tấm vải trắng, đôi khi thấm đẫm máu.

Trong các bệnh viện, các ông bố bà mẹ hoảng loạn bế những đứa con bị thương trên tay, trên mặt và quần áo họ còn phủ lớp bụi màu xám của bê tông bị bom phá nát. 

Gaza bị nghiền nát, bị thiêu cháy một lần nữa với những vụ nổ, những quả cầu lửa. Nỗi kinh hoàng lại một lần nữa ập xuống đầu người dân tay không.

Chính Israel đã vi phạm lệnh ngừng bắn ký với Hamas hồi tháng 1 vừa qua. Giai đoạn ngừng bắn thứ nhất diễn ra gần như dự trù, tức là ngừng giao tranh, Hamas thả 33 con tin Israel đổi lại khoảng 1.700 tù nhân Palestine, vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza và rút một phần quân đội Israel ra khỏi vùng lãnh thổ Palestine.

Giai đoạn 2 của thỏa thuận lẽ ra phải bắt đầu trong tháng 3, với việc thả nốt số con tin Israel và chấm dứt chiến tranh. Nhưng rõ ràng chính Benjamin Netanyahu đã bác bỏ giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn, lựa chọn một kế hoạch thanh lọc sắc tộc do tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đối với Gaza. Với thái độ kiên quyết, ông ta đổ lỗi cho Hamas đã làm cho đàm phán thất bại.

Trên trường quốc tế, ai cũng biết, nhưng không ai dám công khai nói ra điều này. Một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết: "Bất cứ khi nào có cơ hội, Israel lại phá hoại tiến trình ngừng bắn với hy vọng làm mọi thứ đổ bể". Sáng thứ nay, Israel vừa chuyển sang hành động.


*********

Người Việt tị nạn tôn giáo hy vọng an toàn hơn sau khi Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Thái Lan

Quốc Vũ

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Thái Lan liên quan đến việc trục xuất người tị nạn tôn giáo về Trung Quốc, có thể khiến quốc gia này chùn tay trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam làm điều tương tự. Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan và đại diện tổ chức giúp đỡ người tị nạn bày tỏ hy vọng với RFA.

Ngày 15/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio tuyên bố hạn chế thị thực đối với các quan chức Thái Lan và cả người nhà của họ, vì đã quyết định hoặc đồng lõa việc trục xuất hơn 40 tín đồ Hồi giáo người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc ngày 27/2 vừa qua.

Tình trạng người Việt tị nạn tôn giáo ở Thái Lan

Trong số khoảng 1.500 người Việt hiện đang tị nạn ở Thái Lan và chờ được tái định cư ở một nước thứ ba, có nhiều người trong số họ là người Thượng ở Tây Nguyên và những người H’mông ở vùng núi Tây Bắc.

Những người này theo đạo Tin Lành thuộc các nhánh độc lập khác nhau, bị ép bỏ đạo và phải đào thoát khỏi Việt Nam.

Vì Thái Lan chưa ký Công ước quốc tế về người tị nạn nên họ không được đi làm, và có nguy cơ bị bắt giữ bởi Cảnh sát Thái Lan, đặc biệt là những người chưa được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (LHQ) cấp quy chế tị nạn.

Nếu bị Cảnh sát Thái Lan bắt, người tị nạn có thể bị tạm giam ở Trung tâm giam giữ người nhập cư (IDC), bị phạt tiền, và thậm chí có nguy cơ bị trục xuất về nước.

Điển hình là trường hợp nhà hoạt động nhân quyền Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công lý (MSFJ) chuyên vận động cho nhân quyền và quyền của người bản địa ở Tây Nguyên.

Ông đưa gia đình sang tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018. Cho dù được cấp quy chế tị nạn và đang trong giai đoạn phỏng vấn để định cư ở Canada, ông bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ giữa năm ngoái theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, nơi ông bị kết án mười năm tù giam về tội danh “khủng bố” trong phiên toà ông bị xử vắng mặt đầu năm 2024.

Cuối năm ngoái, Toà án hình sự ở Bangkok đã ra phán quyết cho phép trục xuất ông về nước cho dù LHQ và nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho ông và cho phép gia đình ông đi định cư ở nước thứ ba.

Tháng trước, Cảnh sát Thái Lan còn bắt giữ hơn 60 người Thượng, trong khi họ đang tập trung cầu nguyện cho mẹ vợ ông Y Quynh Bdap vừa qua đời ở Việt Nam. Có khoảng 43 người hiện vẫn đang bị giam giữ ở IDC và đợi được bảo lãnh tại ngoại với số tiền lên đến 1.500 đô la Mỹ/người.

Theo trang Mạch sống media của BPSOS, Thái Lan cho phép Công an Việt Nam và viên chức từ Đại Sứ quán Việt Nam ở Bangkok đến IDC làm việc với một số người bị bắt. Họ yêu cầu những người này “tình nguyện” hồi hương và hăm doạ sẽ đưa công an sang Thái Lan bắt tất cả người Thượng tị nạn về nước.

Hy vọng Thái Lan hạn chế trục xuất

Phản ứng về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với quan chức Thái Lan, ông Thoan Siu, người Thượng theo đạo Tin lành tư gia độc lập, phải chạy khỏi Gia Lai vì bị đàn áp tôn giáo và cả bị tịch thu đất đai, nói với RFA ngày 18/3:

Người tị nạn ở đây không an toàn, không chỉ người Duy Ngô Nhĩ. Hoa Kỳ mà không lên án thì mai mốt họ (quan chức Thái Lan- PV) cũng đối xử với người tị nạn Việt Nam như vậy thôi.

Nếu quốc tế không quan tâm không lên tiếng thì Chính phủ Thái bắt người và có thể trục xuất về Việt Nam."

Ông Rahlan Su thuộc nhóm Tin lành Đề Ga, đưa gia đình gồm một vợ và ba con sang Thái Lan tị nạn từ năm 2019.

Ông nói rằng việc Hoa Kỳ trừng phạt quan chức Thái Lan có thể buộc Cảnh sát Thái Lan hạn chế bắt giữ người tị nạn, tuy nhiên, ông vẫn lo ngại vì gia đình ông vẫn chưa được cấp quy chế.

Tổ chức Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) có trụ sở tại Virginia, chuyên vận động cho tự do tôn giáo đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong nhiều thập niên qua, và lên tiếng trợ giúp cho người Việt tị nạn tôn giáo ở Thái Lan.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của BPSOS cho biết tuy Thái Lan không đàn áp tự do tôn giáo của người dân trong nước nhưng lại trợ giúp các quốc gia lân bang trong việc đàn áp tự do tôn giáo.

Cụ thể, Bangkok giúp các chính phủ của Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar bắt giữ người tị nạn tôn giáo đến từ các quốc gia này và trục xuất họ về nước.

Ông cho rằng hành động của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rubio sẽ có tác động tích cực tới thái độ của Thái Lan đối với người tị nạn tôn giáo đang ở quốc gia này. Ông nói với RFA:

Tôi tin rằng Thái Lan họ sẽ tạm ngưng lại và xét lại chính sách của họ thay vì vâng lời hoặc là tuân thủ theo yêu cầu của Trung Quốc và của Việt Nam.

Thái Lan cũng phải cân bằng lại vì không muốn bị lên án bởi quốc tế thế giới tự do và có ảnh hưởng tới không chỉ quan hệ ngoại giao mà còn cả vấn đề địa chính trị và mậu dịch.

Ông bày tỏ hy vọng sau quyết định của Ngoại trưởng Rubio, Thái Lan sẽ không trục xuất năm người Duy Ngô Nhĩ còn lại và cả ông Y Quynh Bdap.


Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam

33 tổ chức kêu gọi Thủ tướng Thái Lan từ chối dẫn độ Y Quynh BDap về Việt Nam

Mỹ được kêu gọi can thiệp để ngăn Thái Lan trục xuất Y Quynh Bdap về Việt Nam

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế: Đưa Việt Nam trở thành vấn đề trọng tâm


Tiếp tục vận động quốc tế

Ông Thắng cho biết BPSOS tiếp tục vận động Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), các định chế nhân quyền của LHQ tăng áp lực lên Chính phủ Thái Lan, trong đó có sự việc của ông Y Quynh Bdap.

Trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế (IRF Summit 2025) tổ chức đầu tháng 2/2025 ở thủ đô Washington, tổ chức này đã đưa ông Y Quynh Bdap vào danh sách tù nhân tôn giáo để vận động quốc tế lên tiếng cho tự do của họ.

Theo ông Thắng, các tổ chức trên đang vận động và Thái Lan cần biết rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu nhượng bộ Việt Nam trong vụ việc của Y Quynh Bdap. Thái Lan mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và cộng đồng quốc tế sẽ chú ý đến hồ sơ nhân quyền của quốc gia này.

BPSOS và các tổ chức đang chĩa mũi nhọn vào Thái Lan như một quốc gia trợ giúp đàn áp tôn giáo, không chỉ để bảo vệ ông Y Quynh Bdap mà còn giúp giảm nguy cơ cho người tị nạn Việt Nam nói chung ở Thái Lan trước mối đe doạ từ Nhà nước Việt Nam.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 18 Tháng Tư 20256:35 SA
Thứ Năm, 17 Tháng Tư 20256:22 SA
Thứ Tư, 16 Tháng Tư 20253:22 SA
Thứ Ba, 15 Tháng Tư 20256:25 SA
Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Tư 20256:19 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Tư 20256:17 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Tư 20256:44 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Tư 20255:56 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Tư 20253:51 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo