Những toan tính chiến lược của tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc xung đột Ukraina, những bước đi ngoại giao của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, cho đến căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc hay sức khỏe của Giáo Hoàng Phanxicô là những chủ đề được báo chí Pháp khai thác nhiều hôm nay 14/03/2025.
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nói về toan tính của Vladimir Putin trong hồ sơ Ukraina. Khi thăm mặt trận Kursk trong trang phục quân sự, tổng thống Nga đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ của một nhà lãnh đạo chủ chiến, hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một người "mềm dẻo" chủ hòa được đồng nhiệm Mỹ Donald Trump mô tả. Nhật báo thiên hữu nhận định điều này cho thấy tổng thống Nga không phải tìm kiếm hòa bình, mà quyết tâm tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chiến thắng. Hôm qua 13/03, Vladimir Putin đã bày tỏ sự tán đồng trên nguyên tắc đối với đề xuất của Donald Trump về một lệnh ngưng bắn kéo dài 30 ngày tại Ukraina, nhưng với những điều kiện rất khắt khe.
Đối với chủ nhân điện Kremlin, "hòa bình bền vững" phải giải quyết những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột, bao gồm việc phi quân sự hóa Ukraina, loại bỏ khả năng nước này gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thay đổi chế độ ở Kiev. Mặc dù đã đôi phần "gật đầu" về một lệnh ngưng bắn, Vladimir Putin nhấn mạnh việc thực hiện đề xuất này hết sức phức tạp và sẽ gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, thông điệp của tổng thống Nga giúp Matxcơva giành lại thế chủ động về mặt ngoại giao và khôi phục các cuộc trao đổi với Washington.
Le Figaro cho rằng tổng thống Putin đang xem xét hồ sơ Ukraina trong một bối cảnh rộng lớn hơn : ông đang tìm cách xác định lại vị trí của Nga trên trường quốc tế, làm suy yếu NATO và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Mối quan hệ với Donald Trump có thể giúp tổng thống Nga đạt được những mục tiêu này với chi phí thấp hơn so với một cuộc chiến kéo dài. Tuy nhiên, những đòi hỏi của Vladimir Putin, bao gồm việc từ chối mọi bảo đảm hòa bình từ phía châu Âu, khiến một cuộc ngưng bắn trở nên bất khả thi vào thời điểm này.
Vị thế ngoại giao của Ukraina sau cuộc họp với Mỹ ở Ả Rập Xê Út
Về vế ngoại giao, tờ Le Monde dành trang nhất nói về những nước cờ tiếp theo của Volodymyr Zelensky. Sau thỏa thuận ký kết tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, tổng thống Ukraina đã cẩn trọng không làm phật lòng Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách quy trách nhiệm cho Nga trong trường hợp lệnh ngưng bắn do Hoa Kỳ đề xuất không thành hiện thực.
Kể từ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng và xích lại gần Matxcơva về mặt ý thức hệ, vị thế ngoại giao của Ukraina trở nên bấp bênh hơn. Volodymyr Zelensky cũng khẳng định không tin tưởng Nga, đã vi phạm nhiều lệnh ngưng bắn trong suốt 11 năm xung đột, kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Donbass và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimée vào năm 2014. Nguyên thủ Ukraina cũng hy vọng rằng nếu Nga từ chối đề xuất ngưng bắn của Mỹ, Washington sẽ áp dụng những "biện pháp mạnh mẽ" chống lại Matxcơva.
Trong khi đó, khác với Le Monde, trang nhất của tờ Libération nhận định Ukraina đã quay trở lại bàn cờ ngoại giao một cách ngoạn mục sau khi khẳng định lập trường mong muốn hòa bình ngay từ ban đầu và chứng minh rằng Nga mới là trở ngại chính hướng tới hòa bình.
Nhật báo thiên tả nhận định Kremlin hiện đang rơi vào một tình thế khó khăn, sau khi tình hình xoay chiều khiến Vladimir Putin rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, theo phân tích của nhà chính trị học Volodymyr Fesenko, cho rằng đây là một chiến thắng ngoại giao của Ukraina.
Đài Loan tìm cách ứng phó với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực
Nhìn sang châu Á, tờ Libération có bài "Can thiệp : Đài Loan ra lệnh đáp trả Trung Quốc". Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, hôm qua, đã công bố các biện pháp mạnh mẽ để đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Hoa Lục, bao gồm hoạt động gián điệp, tấn công mạng và phát tán thông tin sai lệch. Trong một bài phát biểu tại Đài Bắc sau cuộc họp về an ninh quốc gia, ông khẳng định Đài Loan sẽ có các biện pháp "mạnh mẽ và chủ động hơn" để đối phó với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc. Ông gọi Trung Quốc là "một lực lượng thù địch nước ngoài" và yêu cầu các bộ Quốc Phòng, Ngoại Giao, Nội Vụ và Hội đồng An ninh Quốc gia hợp tác chặt chẽ với nhau.
Nguyên thủ Đài Loan đã nêu rõ mối đe dọa nghiêm trọng mà Trung Quốc tạo ra, điển hình là việc Bắc Kinh sử dụng chiến thuật thu mua truyền thông để gây chia rẽ nội bộ Đài Loan. Ông giải thích rằng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến truyền thông, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý nhằm làm xáo trộn xã hội Đài Loan và làm suy yếu sự chú ý vào mối đe dọa thực sự từ bên ngoài.
Ông Lại cũng đề cập đến sự gia tăng đáng kể của các vụ án liên quan đến hoạt động gián điệp, với 64 người bị truy tố về tội gián điệp trong năm 2024, cao gấp ba lần so với năm 2021. Lại Thanh Đức đã trình bày một kế hoạch 17 điểm để đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Kinh, tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và chống lại các cuộc thâm nhập vào quân đội Đài Loan của Trung Quốc. Vào năm 2024, 66% người bị truy tố về tội gián điệp là quân nhân, trong đó phần lớn là đang tại ngũ. Ông Lại cũng tiết lộ rằng một sĩ quan về hưu đã bán các tài liệu quân sự mật cho Trung Quốc với giá 45.000 đô la.
Để đối phó với sự xâm nhập này, chính phủ Đài Loan dự định tái lập các tòa án quân sự, hệ thống mà Đài Loan đã giải thể sau một vụ bê bối vào năm 2013. Tuy nhiên, biện pháp này có thể gặp phải sự phản đối trong xã hội Đài Loan vì những ký ức về chế độ độc tài của Tưởng Giới Thạch.
Ngoài việc củng cố an ninh quân sự, ông Lại Thanh Đức cũng nhấn mạnh đến những rủi ro đối với dân thường. Ông đề cập đến trường hợp của 71 công dân Đài Loan bị mất tích, bị giam giữ hay bị bắt cóc ở Trung Quốc kể từ tháng 01/2025.
Cuối cùng, để đối phó với tuyên truyền từ Trung Quốc, Đài Loan dự định tăng cường chiến dịch quảng bá văn hóa và truyền thông để chống lại những câu chuyện tuyên truyền của Trung Quốc về hòn đảo, đặc biệt là những câu chuyện phủ nhận vai trò của nền dân chủ và quân đội Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc gần đây đã thu hồi giấy phép cư trú của một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội người Trung Quốc, đã đăng tải các video ủng hộ việc Trung Quốc sáp nhập Đài Loan.
Sức khỏe Giáo Hoàng Phanxicô ổn định
Quay trở lại châu Âu, nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất quan tâm đến sức khỏe của Giáo Hoàng Phanxicô. Hôm nay là tròn một tháng kể từ ngày ngài nhập viện và sức khỏe của ngài không ngừng gây xôn xao với nhiều đồn đoán cho rằng ngài có thể sắp qua đời. Mặc dù các bác sĩ của Giáo Hoàng vẫn tỏ ra thận trọng, tình trạng sức khỏe của ngài dường như đã cải thiện kể từ ngày 04/03. Đây là lần nhập viện lâu nhất của Giáo Hoàng Phanxicô kể từ khi ngài nhậm chức. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 14/02 khi ngài nhập viện tại bệnh viện Gemelli để điều trị bệnh viêm phế quản, sau đó bệnh phát triển thành viêm phổi. Sau vài ngày mệt mỏi và khó thở, ngài đã được điều trị bằng cortisone, nhưng tình trạng sức khỏe của ngài có dấu hiệu xấu đi.
Ngày 21/02, khi sức khỏe của ngài tiếp tục xấu đi, Vatican đã liên tục cập nhật thông tin về tình trạng của ngài. Các bác sĩ cho biết Giáo Hoàng không còn phải nằm trên giường bệnh và không cần hỗ trợ hô hấp, nhưng ngài có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết sau khi bị nhiễm trùng phổi. Có rất nhiều tin đồn được lan truyền ở Vatican, với hàng trăm phóng viên được cử đến Roma để theo dõi mọi diễn biến. Cùng lúc đó, các buổi cầu nguyện đã được tổ chức, và các thông điệp an ủi được phát đi để đối phó với những suy đoán, khẳng định rằng Giáo Hoàng vẫn "ổn định".
Ngày 06/03, tin vui đã đến dưới dạng một thông điệp âm thanh của Giáo Hoàng, đã "bặt vô âm tín" từ ngày 14/02. Giọng nói của ngài, mặc dù yếu ớt và run rẩy, đã mang lại niềm an ủi lớn cho nhiều tín đồ, xác nhận rằng Giáo Hoàng vẫn còn sống và cảm nhận được sự hỗ trợ của họ.
Từ ngày 12/03, tình trạng sức khỏe của Giáo Hoàng có vẻ đã cải thiện, mặc dù ngài vẫn phải sử dụng oxy và tiếp tục điều trị tích cực. Ngài tiếp tục tham gia các buổi tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hô hấp. Các bác sĩ xác nhận tình trạng của ngài đã ổn định hơn, mặc dù tình hình vẫn còn phức tạp.
Chủ quyền công nghiệp châu Âu : Những thách thức sau đại dịch Covid-19
Tròn 5 năm kể từ ngày nước Pháp phong tỏa vì Covid-19, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nhấn mạnh đến việc đại dịch đã phơi bày sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung toàn cầu, với những hậu quả rõ rệt như thiếu hụt khẩu trang, các kệ hàng không có những sản phẩm như mù tạt, và sự gián đoạn trong dây chuyền sản xuất ô tô do thiếu linh kiện bán dẫn. Những sự kiện này đã cho thấy sự yếu kém trong khả năng tự chủ công nghiệp của châu Âu.
Kể từ đại dịch Covid-19, chủ quyền công nghiệp của Pháp và châu Âu đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn mơ hồ, bao gồm nhiều yếu tố như tái công nghiệp hóa, bảo vệ công ty và công nghệ chiến lược. Trong một báo cáo của ủy ban kinh tế của Quốc Hội, các quan điểm về chủ quyền công nghiệp đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc, với một số nhà lập pháp kêu gọi tăng cường sự can thiệp của Nhà nước trong khi những người khác lo ngại về sự can thiệp quá mức.
Một số dự án tái công nghiệp hóa đã được triển khai, chẳng hạn như việc sản xuất paracetamol ngay trong nước, nhưng các sáng kiến này gặp phải nhiều khó khăn. Ví dụ, sự phụ thuộc của châu Âu vào các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ trong việc sản xuất các nguyên liệu quan trọng (như thuốc) vẫn không thay đổi nhiều. Pierre Luzeau, giám đốc công ty dược phẩm Seqens, cho biết, mặc dù có những dự án tái công nghiệp hóa, nhưng việc thực hiện chúng đang đối mặt với nhiều thử thách.
Trong lĩnh vực y tế, dân biểu Karim Benbrahim đã ca ngợi việc tái công nghiệp hóa trong khâu sản xuất khẩu trang y tế ở Pháp, nhưng ông chỉ trích chính quyền trong việc thiếu hỗ trợ cho các sản phẩm "Made in France". Một ví dụ điển hình là bộ Quốc Phòng Pháp vẫn mua khẩu trang từ các nhà cung cấp châu Á thay vì ưu tiên sản xuất trong nước. Về năng lượng tái tạo, ông cũng chỉ trích nước nhà không bảo vệ đủ các ngành công nghiệp mới nổi, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.