Trong bài đăng « Quân đội NATO hướng đến một tương lai không có nước Mỹ », Le Figaro cho rằng ông Macron đã vượt qua ranh giới của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, khi mời Nhật Bản, Úc và New Zeland tham dự cuộc họp này, nhưng Mỹ không hiện diện. Dù chưa đưa ra nhiều thông tin cụ thể, nhưng qua cuộc họp hôm qua, diễn ra song song với cuộc đàm phán Mỹ - Ukraina ở Ả Rập Xê Út mà Liên Âu bị gạt ra ngoài lề, tổng thống Pháp muốn gửi tới Washington thông điệp rằng châu Âu có hành động của riêng mình, nhắn tới Nga rằng châu Âu không suy yếu, và bảo đảm với Ukraina là châu Âu sẽ không bỏ rơi.
Về phần mình, Le Monde nói về thách thức của ngành quốc phòng châu Âu và một nền kinh tế chiến tranh trong bối cảnh xung đột ở Ukraina. Trên khắp Lục địa già, ngân sách quốc phòng đã được gia tăng. Từ năm 2021 đến năm 2024, tổng chi tiêu quốc phòng của các nước Liên Âu đã tăng hơn 30 %, riêng năm 2024 đạt 326 tỷ euro, tương đương khoảng 1,9% tổng GDP của khối.
Tuy nhiên, các đơn hàng lớn, sản xuất nhiều vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự, gây áp lực cho các công ty quốc phòng ở châu Âu, buộc các nhà máy phải tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Ví dụ, kể từ đầu chiến tranh Ukraina, Pháp đã giao 30.000 quả pháo Caesar cho Kiev, và đặt mục tiêu 80.000 quả vào năm 2025, ngoài 20.000 quả dành riêng cho quân đội Pháp.
Le Monde nêu ra một số giải pháp để tăng năng lực quốc phòng, như chuyển đổi ngành công nghiệp dân sự sang sản xuất quân sự. Cụ thể, một nhà máy sản xuất ô tô có thể chuyển đổi sản xuất xe bọc thép. Tuy nhiên, châu Âu gặp phải nhiều thách thức về chuỗi cung ứng nếu thiếu hụt các linh kiện và nguyên liệu thô, gây chậm trễ sản xuất. Hơn nữa không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực sản xuất, chưa kể vấn đề tài chính, làm sao huy động đầu tư lớn trong thời gian ngắn.
Pháp muốn tìm lại vị thế của cường quốc hạt nhân châu Âu
Libération chạy tựa lớn trang nhất « Macron giành lại quyền kiểm soát ». Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp đã giành thêm được tín nhiệm, làm mới hình ảnh của mình, với những sáng kiến về quốc phòng, tăng cường vị thế của Pháp. Dù bị gạt khỏi bàn đàm phán hòa bình cho Ukraina, nhưng tổng thống Pháp vẫn muốn can thiệp bằng cách tổ chức một cuộc họp với lực lượng của các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu và NATO, để củng cố quan hệ giữa các quân đội, dù chưa thông báo nội dung cụ thể.
Tổng thống Macron, theo Libération, coi quốc phòng là chiến lược để tấn công, « thu hút sự chú ý », nhấn mạnh đến các mối đe dọa khủng bố và địa chính trị. Tuy nhiên, theo Libération, các chính sách của ông cũng vấp phải những chỉ trích, đặc biệt là từ các truyền thông cánh hữu, thuộc chủ sở hữu của tỷ phú Vincent Bolloré, cho rằng ông lợi dụng nỗi sợ hãi và động cơ chính trị để biện minh cho các chính sách của mình, dù ông khẳng định sẽ không tăng thuế để bù vào ngân sách quốc phòng. Điều này gây ra lo ngại là chính phủ Pháp sẽ cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực khác.
Nhật báo cánh tả dùng những lời có cánh, mô tả về một vị tổng thống đã giành lại thế chủ động sau nhiều tháng khiến chính trường lục đục qua vụ giải tán Quốc Hội. Theo xã luận tờ báo, việc Mỹ bỏ rơi châu Âu đã khiến Macron tìm thấy một sứ mệnh và có cả tính chính danh để đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu, dù chỉ trong vài giờ. Với tư cách là lãnh đạo nước Liên Hiệp Châu Âu duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân, có khả năng ngăn cản kẻ thù (Nga), ông Macron không ngần ngại đề cập đến việc cho các đối tác hưởng lợi từ chiếc ô hạt nhân. Trước nỗi lo ngại từ cặp đôi Trump – Putin, không ai dám « hé răng », hoặc dè dặt, vì dư luận ủng hộ việc hỗ trợ Ukraina.
Ngoại giao kiểu « mặc cả buôn bán » của Trump
Về cuộc đàm phán giữa Washington và Kiev diễn ra hôm qua, tại thành phố cảng biển Đỏ, Djeddah, hai bên tuyên bố đã đạt được một số điều kiện về lệnh ngừng bắn với Nga. Theo Le Figaro, Hoa Kỳ cũng quyết định tiếp tục viện trợ cho Ukraina, đồng thời cho biết sẽ sớm ký thỏa thuận về khoáng sản Ukraina sau cuộc trao đổi căng thẳng giữa ông Trump và ông Zelensky vào cuối tháng Hai vừa qua tại phòng Bầu Dục.
Trong cuộc đàm phán được cho là để « sửa chữa » những căng thẳng ngoại giao này, theo Le Monde, tổng thống Trump đã chọn cử những nhà đàm phán từ giới kinh doanh, thay vì những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cho thấy chính sách ngoại giao kiểu « mặc cả buôn bán » của Trump.
Nhật báo Pháp nêu ra trường hợp đặc phái viên của Hoa Kỳ ở Trung Đông, Steve Witkoff, từng tham gia vào đàm phán trao trả con tin ở Gaza, và nay là hồ sơ Ukraina. Ông Witkoff, theo Le Monde, không biết gì về hồ sơ Ukraina, cũng không hiểu được những vấn đề an ninh hoặc về Nga. Từng là một ông trùm bất động sản, ông Witkoff được biết đến là một trong những người thân cận của Trump, người bạn chơi golf của tổng thống ở Florida. Điều này cho thấy, trong thế giới của Trump, các mối quan hệ cá nhân, những người thân cận, trung thành với ông được tín nhiệm hơn là những kiến thức chuyên môn về các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Hoa Kỳ cũng sẵn sàng bỏ qua các quy tắc ngoại giao truyền thống, cho phép các đặc phái viên của mình, có những cuộc tiếp xúc với những tổ chức bị xếp vào khủng bố như Hamas, nhưng không thông tin cho nước đồng minh của mình (Israel).
Cuộc chiến kinh tế của Donald Trump khiến thị trường « ớn lạnh »
Bên kia bờ Đại Tây Dương, Les Echos và Le Monde cùng mô tả cách mà Trump khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo như thế nào. Một ngày sau khi Donald Trump từ chối loại trừ khả năng kinh tế Mỹ bị suy thoái, màu đỏ phủ kín nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ và ngân hàng tại Wall Street đầu tuần này. Theo Le Monde, sự không chắc chắn trong chính sách kinh tế của Trump, đặc biệt là liên quan đến chính sách bảo hộ và cuộc chiến thương mại bằng thuế quan, được coi là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư lo ngại, thậm chí có thể khiến lạm phát gia tăng, làm suy yếu vị thế cạnh tranh của Mỹ trên trường quốc tế.
Một số doanh nghiệp đã lên tiếng chỉ trích Trump, cho rằng ông đưa ra các chính sách không nhất quán, gây tổn hại cho nền kinh tế. Le Monde cho biết thêm là chính sách của Trump cũng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ trong ngành năng lượng, Trump đưa ra các chính sách trái ngược với chính quyền của Biden, liên quan đến năng lượng tái tạo, nhiên liệu hóa thạch hay các quy định về môi trường, khiến các doanh nghiệp phải thay đổi đột ngột phương thức hoạt động, các nhà đầu tư do dự. Nhiều ngành công nghiệp khác thì phải lo lắng về tình trạng thiếu nhân công, do các hạn chế nhập cư mà Trump đưa ra.
Le Figaro chạy tựa lớn trên trang nhất về chủ đề này. Theo nhật báo cánh hữu, Donald Trump « vốn được thị trường tài chính ưa chuộng thì nay đang khiến mọi người ghê sợ. » Sự dã man của Trump trong quan hệ với các đối tác kinh tế của Hoa Kỳ, hay cuộc thanh trừng, tinh giản biên chế lạnh lùng được thực hiện bởi cánh tay phải của ông, Elon Musk, cho đến những lần do dự, không rõ ràng của Trump tạo ra một lớp sương mù lo lắng ở Hoa Kỳ. Theo Le Figaro, Washington đã đánh giá thấp cuộc đáp trả của Canada, Mêhicô hay Trung Quốc hoặc của châu Âu. Những chính sách của Trump, khiến các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ như Apple, Meta, Tesla hay Google, là những nạn nhân đầu tiên, khi phải chứng kiến giá trị chứng khoán sụt giảm đáng kể, mất đi 1.570 tỷ đô la vốn hóa thị trường.
Pháp : Khi nạn nhân lên tiếng
Về thời sự nước Pháp, La Croix dành sự chú ý đến vụ lạm dụng tình dục ở trường nội trú Công giáo, Notre-Dame de Bétharram, một lần nữa gây chấn động dư luận. Xã luận với tựa đề « Hãy mở to mắt ra », Nhật báo công giáo nêu ra những hành vi lạm dụng mà những đứa trẻ phải chịu đựng trong hàng chục năm, từ những cái tát làm thủng màng nhĩ, cho đến hiếp dâm, cho thấy sự đồng lõa cả của giáo viên và các tu sĩ, thậm chí là sự bao che của một số phụ huynh.
Sau nhiều năm im lặng, dù quá trình nhận thức có muộn màng về những gì họ đã trải qua, nhưng cuối cùng các nạn nhân đã dám lên tiếng, không chỉ ở trường Bétharram, mà còn trên khắp nước Pháp. Bài đăng của La Croix trong hồ sơ này cho biết nhiều nạn nhân từ các cơ sở giáo dục Công giáo khác cũng đã dám công khai thừa nhận mình là nạn nhân, và ít nhất 6 hiệp hội tập hợp các nạn nhân được thiết lập từ cuối tháng Hai, với nhiều đơn kiện được nộp đi. La Croix cho rằng vụ việc được coi là một quá trình thanh lọc đang diễn ra sau nhiều năm che đậy trong Giáo hội, và trong xã hội nói chung.
Già hóa dân số, bài toán nan giải ở Nhật Bản
Vẫn về vấn đề xã hội, thông tín viên của La Croix đưa người đọc đến Nhật Bản, tìm hiểu về một đất nước phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Hiện 30 % người dân Nhật trên 65 tuổi, tương đương với 124 triệu người, con số này có thể tăng lên 40 % vào năm 2050.
Hình ảnh xã hội già hóa có thể dễ dàng nhận thấy ngay trên đường phố, trên phương tiện công cộng, hay cả trên các kênh truyền hình, với nhiều chương trình dành cho người cao tuổi, về sức khỏe, cách sinh hoạt, chế độ ăn..., chưa kể những quảng cáo, những sản phẩm dành riêng cho họ, mô tả « tuổi già là tuổi vàng son của cuộc sống ». Tại Nhật, La Croix đưa ra số liệu chính thức khoảng 10 triệu người trên 65 tuổi vẫn ở trong thế giới lao động, nhưng cũng nhấn mạnh rằng con số thực tế có thể cao hơn, vì nhiều người làm chui. Nếu một số người cao tuổi tìm kiếm niềm vui qua lao động, một số khác thì là do vấn đề kinh tế, do đồng lương hưu ít ỏi. La Croix cũng nhắc đến hoạt động của các trại dưỡng lão, thiếu nhân lực để vận hành, chi phí đắt đỏ, không phải ai cũng tiếp cận được, nhưng danh sách chờ để đăng ký vào trại vẫn tiếp tục nối dài.