Tin Tức ngày 11 tháng 03 -2025:Đàm phán Mỹ-Ukraine: Kyiv ủng hộ đề xuất ngừng bắn 30 ngày

Thứ Ba, 11 Tháng Ba 20251:43 CH(Xem: 623)
Tin Tức ngày 11 tháng 03 -2025:Đàm phán Mỹ-Ukraine: Kyiv ủng hộ đề xuất ngừng bắn 30 ngày
DoNan-chandung
***************
voatiengviet.com

Đàm phán Mỹ-Ukraine: Kyiv ủng hộ đề xuất ngừng bắn 30 ngày

VOA News

Các quan chức Mỹ và Ukraine họp tại Jeddah, Ả rập Xê út, hôm 11/3 bàn về các nỗ lực chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine. Cả đôi bên đều xác nhận rằng Kyiv ủng hộ đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Hoa Kỳ.

Một tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp cho biết: “Ukraine bày tỏ sẵn sàng chấp nhận đề xuất của Hoa Kỳ về việc thực hiện một lệnh ngừng bắn tạm thời trong 30 ngày ngay lập tức, có thể được gia hạn theo sự thỏa thuận của các bên, và phải được Liên bang Nga chấp nhận và thực hiện đồng thời. Hoa Kỳ sẽ thông báo với Nga rằng sự đáp lại từ phía Nga là chìa khóa để đạt được hòa bình.”

Tuyên bố cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức dỡ bỏ việc tạm ngừng chia sẻ thông tin tình báo và tái tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz dẫn đầu phái đoàn Mỹ tại Jeddah trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump thúc đẩy một giải pháp nhanh chóng nhằm chấm dứt cuộc chiến khởi sự từ đầu năm 2022 với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy không tham gia các cuộc họp hôm 11/3. Phía Ukraine được đại diện bởi Chánh văn phòng Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andrii Sybiha, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Tư lệnh quân đội Pavlo Palisa.

Ông Yermak nói với báo giới ngay trước khi cuộc họp bắt đầu rằng Ukraine sẵn sàng “làm mọi thứ để đạt được hòa bình.”

Khi được hỏi liệu Ukraine có tìm kiếm các bảo đảm an ninh hay không, ông trả lời “có” và nhấn mạnh rằng Ukraine muốn đảm bảo rằng Nga không bao giờ tái diễn hành động xâm lược.

Ngoại trưởng Mỹ đầu tuần này tuyên bố Hoa Kỳ hy vọng giải quyết việc tạm ngừng viện trợ cho Ukraine.

Ông nói rằng Hoa Kỳ đang lắng nghe để hiểu Ukraine có thể chấp nhận những nhượng bộ nào.

“Người Ukraine hiện vẫn đang nhận được tất cả thông tin tình báo phòng thủ khi chúng tôi nói chuyện. Tôi nghĩ rằng khái niệm về việc tạm ngừng viện trợ, nói chung, là điều tôi hy vọng chúng ta có thể giải quyết. Rõ ràng là những gì diễn ra vào ngày mai sẽ rất quan trọng đối với vấn đề đó,” Ngoại trưởng Rubio nói với báo chí trên một chuyến bay quân sự trước khi hạ cánh xuống Jeddah.

“Chúng tôi sẽ không ngồi trong phòng để vẽ ranh giới trên bản đồ, mà chỉ tìm hiểu xem những nhượng bộ nào là khả thi đối với họ [Ukraine],” ông Rubio nói thêm, nhấn mạnh rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc chiến này và cả Nga lẫn Ukraine đều cần phải “chấp nhận những điều khó khăn.”

Thỏa thuận khoáng sản?

Tổng thống Trump đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp tục viện trợ quân sự với điều kiện được tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

Hơn 40 loại khoáng sản, bao gồm một số loại đất hiếm, nickel và lithium, được coi là thiết yếu đối với nền kinh tế và quốc phòng của Hoa Kỳ. Ukraine có trữ lượng lớn uranium, lithium và titanium.

Sau cuộc đàm phán hôm 11/3, tuyên bố chung cho biết hai bên đã đồng ý “hoàn tất một thỏa thuận toàn diện càng sớm càng tốt để phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ukraine, nhằm mở rộng nền kinh tế Ukraine và đảm bảo sự thịnh vượng cũng như an ninh lâu dài của nước này.”

Một thỏa thuận về vấn đề này lẽ ra đã được ông Trump và ông Zelenskyy ký kết vào tháng trước nhưng đã bị hủy bỏ sau cuộc gặp căng thẳng của họ tại Phòng Bầu dục hôm 28/2.

Đây là chuyến thăm thứ hai của Ngoại trưởng Rubio đến Ả rập Xê út kể từ khi nhậm chức. Ông và các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán với quan chức Nga tại Riyadh hôm 18/2.

Ngoại trưởng Rubio dự kiến sẽ đến Canada vào ngày 12/3 để họp với các ngoại trưởng G7.


**************

« Liên minh tình nguyện » vì Ukraina : Anh phối hợp chặt chẽ với Pháp

Nguyễn Giang

Tại hội nghị quân sự ở Paris hôm nay, 11/03/2025, để mở rộng « liên minh tình nguyện », nay lên tới 30 nước, cam kết đóng góp bảo đảm an ninh cho Ukraina, chiến lược của Anh là hợp tác chặt chẽ với Pháp.

Đăng ngày:

3 phút

Thông tín viên Nguyễn Giang tại Luân Đôn giải thích :

Dự họp ở Paris hôm nay, phái đoàn Anh muốn cùng Pháp mở rộng « liên minh tình nguyện » vì tương lai cho an ninh của Ukraina. Vai trò con thoi của Luân Đôn làm bảo đảm để châu Âu và các đồng minh không bị lỗi nhịp với diễn biến ở Ả Rập Xê Út nơi hai đoàn Ukraina và Mỹ đang họp.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lammy nói với báo chí là ông đã điện đàm với hai người đồng cấp Mỹ và Ukraina. Hôm trước, Anh cử Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Powell sang Kiev để « tư vấn » cho tổng thống Volodymyr Zelensky trước khi đàm phán với Mỹ.

Không chỉ thế, Anh còn có hai mục tiêu nữa.

Một là NATO ở châu Âu và những nước cùng chí hướng (ở châu Á) sẽ nhanh chóng đồng ý nước nào cam kết gửi quân, nước nào chỉ đóng góp hậu cần ở tuyến hai (trên đất Ba Lan), thậm chí ở tuyến sau, hỗ trợ bằng không quân từ xa, để Nga không dám đánh Ukraina lần nữa.

Hai là, Anh vẫn cố giành được cam kết từ tổng thống Donald Trump đảm bảo vai trò « hậu vệ » (‘backstop’- từ chuyên môn của môn bóng chày chỉ vị  trí sau điểm phát bóng) cho một thỏa thuận hòa bình tương lai. Nếu Mỹ cam kết bảo vệ NATO ở châu Âu bằng không lực và hỏa lực tầm xa (tên lửa định vị chính xác), thì châu Âu có thể yên tâm đưa quân sang đất Ukraina, không nhất thiết là tới đường giới tuyến với Nga, mà có thể là để bảo vệ nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở dân sự, sân bay, bến cảng của Ukraina.

Cuối cùng, việc Tham mưu trưởng Quân lực Hoàng gia, Đô đốc Tony Radakin, chứ không phải Bộ trưởng Quốc phòng John Healey, tới dự hội nghị Paris nhắc tới vai trò Hải quân Hoàng gia Anh (The Royal Navy) sẽ bảo vệ Ukraina ở Biển Đen.

Trên thực tế, hải quân Anh đã từng tuần tra ở vùng biển này nhưng hiện nay không thể triển khai tàu chiến vào đó vì Công ước Montreux (1936) cho phép Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế các chiến hạm đi qua eo biển Bosphore và Dardanelles.  

Tuy thế, Anh đã tặng cho Ukraina hai tàu rà mìn HMS Shoreham và HMS Grimsby,  được đổi tên thành tàu Cherkasy và Chernihiv, từ hơn một năm trước. Anh vẫn đang giúp huấn luyện các đơn vị thủy quân lục chiến Ukraina.

Anh sẽ còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Ukraina những ngày tới. Bộ trưởng John Healey sẽ họp ở Paris vào ngày mai (12/3) với các đối tác trong nhóm nhỏ hơn để bàn tiếp về Ukraina, trước khi thủ tướng Starmer có một cuộc họp trực tuyến nữa ở Luân Đôn vào thứ Bảy 15/3.

Có thể nói Anh Quốc muốn bằng mọi giá phải giữ các kênh làm việc thông nhau giữa ba bốn bên trong vấn đề, mà có bình luận nói, nếu dấn vào, Anh sẽ phải chấp nhận « ở lại Ukraina trong nhiều năm ».

Sự gấp gáp của các cuộc họp là dấu hiệu cho thấy số phận Ukraina và đường lối ngoại giao của Anh có thể được quyết định chỉ trong một tuần với hệ quả cho nhiều năm về sau.


***********

Lãnh đạo quân đội 30 nước họp tại Paris bàn về "bảo đảm an ninh" cho Ukraina

Minh Anh

Ngày 11/03/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tổng tham mưu trưởng quân đội từ 30 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu cũng như của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm cả Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không có Mỹ. Mục tiêu là nhằm tìm cách xác định các bảo đảm an ninh có thể cung cấp cho Ukraina trong trường hợp một lệnh hưu chiến được ký kết, đồng thời nhằm nghiên cứu một cơ cấu phòng thủ chung cho châu Âu.

Đăng ngày:

2 phút

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Ukraina hôm nay bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên với phái đoàn Mỹ tại Ả Rập Xê Út nhằm tìm cách chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraina sau hơn ba năm Nga xâm lược Ukraina.

Theo AFP, dưới sự chủ trì của nguyên thủ Pháp, lãnh đạo quân đội của 30 nước sẽ xem xét ít nhất hai vấn đề : Thứ nhất là thiết lập một lệnh hưu chiến trên không và trên biển theo như kêu gọi từ Kiev. Đây cũng là ý kiến của tổng thống Pháp Macron cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Một ý kiến đã bị Matxcơva đánh giá là « tuyệt đối không thể chấp nhận ».

Thứ hai là khả năng triển khai quân đội châu Âu tại Ukraina, một lĩnh vực Anh và Pháp đang phối hợp chặt chẽ. AFP cho biết, thứ Bảy 15/3 sắp tới, sẽ đến lượt thủ tướng Anh Keir Starmer tổ chức một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo những nước nào sẵn sàng hỗ trợ ngăn chặn tái diễn các cuộc xung đột trong trường hợp đạt được lệnh hưu chiến.

Về điểm này, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu, trả lời báo Pháp La Tribune Dimanche, khẳng định các bên cần phải xác định rõ nhiệm vụ của liên minh quân tình nguyện, « đội quân gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ quan sát, trấn an hay giảm xung đột. ».

Sau cuộc họp hôm nay, bộ trưởng Quân Lực Pháp sẽ họp với các đồng cấp thuộc nhóm E5, tức năm nước Anh, Ba Lan, Đức, Pháp và Ý, cũng như đại diện của Liên Hiệp Châu Âu và NATO với sự tham dự của bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina qua video.


*******

Cựu Tổng thống Philippines bị bắt theo yêu cầu của ICC về các vụ giết người trong "cuộc chiến chống ma túy" 


cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.
cựu Tổng thống Rodrigo Duterte.

Philippines hôm 11/3 đã bắt giữ cựu Tổng thống Rodrigo Duterte theo yêu cầu của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), một bước tiến lớn trong cuộc điều tra của cơ quan này về hàng nghìn vụ giết người trong "cuộc chiến chống ma túy" đẫm máu đã định hình nên nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ông Duterte, cựu thị trưởng đã lãnh đạo Philippines từ năm 2016 đến năm 2022, đã bị phát lệnh bắt giữ khi trở về từ Hong Kong tại sân bay chính của Manila và hiện đang bị giam giữ, văn phòng của người kế nhiệm ông là Ferdinand Marcos Jr cho biết trong một tuyên bố.

"Cuộc chiến chống ma túy" là chiến dịch đặc trưng của ông Duterte đã đưa cựu công tố viên thất thường, chuyên chống tội phạm, lên nắm quyền vào năm 2016 và ông đã sớm thực hiện những lời hứa trong các bài phát biểu cay độc rằng sẽ giết hàng nghìn kẻ buôn bán và sử dụng ma túy.

Nếu được chuyển đến The Hague, ông có thể trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Châu Á phải ra hầu tòa tại ICC.

Ông Duterte đã nhấn mạnh rằng ông đã yêu cầu cảnh sát chỉ giết người để tự vệ và đã nhiều lần bảo vệ cuộc đàn áp, nói rằng ông sẵn sàng "thối rữa trong tù" nếu điều đó có nghĩa là giải phóng Philippines khỏi ma túy.

Trong một video được con gái ông là Veronica Duterte đăng tải trên Instagram từ Căn cứ Không quân Villamor của Manila, nơi ông bị giam giữ, cựu lãnh đạo đã đặt câu hỏi về lý do bắt giữ ông.

"Luật là gì và tôi đã phạm tội gì?" ông nói trong video. Không rõ ông đang nói chuyện với ai.

"Tôi bị đưa đến đây không phải do tôi tự nguyện, mà là do người khác. Bây giờ các người phải trả lời về việc tước đoạt quyền tự do".

Văn phòng tổng thống vẫn chưa làm rõ các bước tiếp theo đối với ông Duterte và hiện vẫn chưa rõ ICC đã buộc tội ông về tội gì.

Theo cảnh sát, 6.200 nghi phạm đã bị giết trong các hoạt động chống ma túy mà họ cho biết đã kết thúc bằng các cuộc đọ súng. Nhưng các nhà hoạt động cho biết rằng số người thực sự thiệt mạng trong cuộc đàn áp của ông Duterte còn lớn hơn nhiều, với hàng nghìn người sử dụng ma túy ở khu ổ chuột, một số người có tên trong "danh sách theo dõi" của cộng đồng, bị giết trong những hoàn cảnh bí ẩn.

Công tố viên của ICC nói rằng có tới 30.000 người có thể đã bị cảnh sát hoặc những cá nhân không xác định giết chết.

Cảnh sát đã bác bỏ cáo buộc từ các nhóm nhân quyền về các vụ hành quyết có hệ thống và che đậy.

Việc bắt giữ ông Duterte diễn ra sau nhiều năm ông khiển trách và chế giễu ICC kể từ khi ông đơn phương rút Philippines khỏi hiệp ước thành lập tòa án vào năm 2019 khi tòa án này bắt đầu xem xét các cáo buộc về các vụ giết người có hệ thống đối với những kẻ buôn bán ma túy dưới sự giám sát của ông.

ICC đang điều tra các cáo buộc tội ác chống lại loài người và cho biết họ có thẩm quyền điều tra các tội ác bị cáo buộc xảy ra khi một quốc gia là thành viên. Philippines đã từ chối hợp tác nhưng chính quyền Marcos đã thay đổi chiến thuật vào tháng 11 và bắt đầu ra dấu hiệu rằng họ sẽ tuân thủ nếu lệnh bắt giữ được ban hành.


*********

Mỹ hoàn tất thanh lọc USAID, cắt bỏ 83% các chương trình của USAID

AP

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 10/3 loan báo chính quyền Trump đã hoàn thành sáu tuần thanh lọc các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), và cho biết ông sẽ chuyển 18% các chương trình phát triển và viện trợ còn lại về Bộ Ngoại giao.

Ông Rubio loan báo thông tin này trong một bài đăng trên X và cảm ơn Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu cùng các “nhân viên chăm chỉ của chúng ta, những người đã làm việc miệt mài để đạt được cải cách lịch sử mà lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu nay rồi.”

Hôm 20/1, Tổng thống Donald Trump đã ra một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo đóng băng tài trợ viện trợ nước ngoài và xem xét lại tất cả các chương trình viện trợ và phát triển quốc tế trị giá hàng chục tỷ đô la. Ông Trump cho rằng phần lớn viện trợ nước ngoài là lãng phí.

Ngoại trưởng Rubio cho biết việc đánh giá giờ đây “chính thức kết thúc,” với khoảng 5.200 trong tổng số 6.200 chương trình của USAID bị loại bỏ.

Ngoại trưởng Rubio viết rằng những chương trình này “đã tiêu tốn hàng chục tỷ đô la theo những phương cách không phục vụ (và trong một số trường hợp còn làm tổn hại) lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ.”

“Trong sự tham vấn với Quốc hội, chúng tôi dự định rằng 18% các chương trình còn lại mà chúng ta giữ lại... sẽ được quản lý hiệu quả hơn dưới Bộ Ngoại giao,” ông nói. Các nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ và những người khác cho rằng việc đóng cửa các chương trình được tài trợ bởi Quốc hội là bất hợp pháp và nói rằng một động thái như vậy cần phải có sự phê duyệt của Quốc hội.

Bộ Ngoại giao, trong một trong những vụ kiện mà họ đang đối mặt liên quan đến việc khẩn trương đóng cửa USAID, tuyên bố đầu tháng này rằng họ cắt hơn 90% các chương trình của USAID. Ngoại trưởng Rubio không giải thích cho con số thấp hơn mà ông đưa ra và không cung cấp chi tiết về các chương trình nào được giữ lại hoặc Bộ Ngoại giao sẽ điều hành chúng như thế nào.

Việc giải thể USAID theo lệnh của ông Trump đã đảo lộn hàng chục năm chính sách mà qua đó viện trợ nhân đạo và phát triển quốc tế thúc đẩy an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách ổn định các khu vực và các nền kinh tế, củng cố các liên minh và xây dựng thiện chí.

Trong những tuần sau lệnh của ông Trump, một trong những người được ông bổ nhiệm và là thành viên đội chuyển giao, Pete Marocco, cùng tỷ phú Musk đã rút nhân viên USAID ở khắp nơi trên thế giới bằng cách buộc nghỉ việc và sa thải, đóng băng các khoản thanh toán của USAID và chấm dứt hàng ngàn hợp đồng viện trợ và phát triển.

Các nhân viên hợp đồng và nhân viên điều hành các nỗ lực từ kiểm soát dịch bệnh đến ngăn ngừa nạn đói, đào tạo việc làm và huấn luyện dân chủ đã ngừng việc. Các tổ chức viện trợ và các đối tác khác của USAID đã sa thải hàng chục ngàn nhân viên của họ tại Mỹ và nước ngoài.

Các vụ kiện do một số nhóm phi lợi nhuận và các doanh nghiệp đã hợp tác với USAID đệ trình cho biết việc chấm dứt hợp đồng đã xóa bỏ thậm chí cả những chương trình mà ông Rubio nói rằng ông muốn giữ lại, vi phạm điều khoản hợp đồng và khiến các tổ chức viện trợ và doanh nghiệp mất hàng tỷ đô la.


*********

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện lên kế hoạch bỏ phiếu ngày 11/3 để ngăn việc đóng cửa chính phủ Mỹ


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ngày 4/3/2025.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ngày 4/3/2025.

Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát ấn định cuộc bỏ phiếu vào thứ Ba (11/3) về dự luật duy trì nguồn tài chính cho chính phủ và ngăn chặn việc đóng cửa một phần, trong bối cảnh Washington đang bị rung chuyển bởi những động thái nhanh chóng của Tổng thống Donald Trump nhằm cắt giảm các cơ quan liên bang.

Ủy ban Quy tắc Hạ viện trình dự luật này lên toàn thể hạ viện vào tối thứ Hai (10/2), mở đường cho cuộc bỏ phiếu có khả năng sẽ diễn ra rất sít sao vào thứ Ba (11/3) để gia hạn nguồn tài trợ cho chính phủ sau nửa đêm thứ Sáu (14/3), khi ngân sách sắp hết hạn.

Gói này cũng sẽ phải được Thượng viện thông qua trước khi Tổng thống Trump có thể ký thành luật.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện đang thúc giục các thành viên cấp cơ sở của mình phản đối biện pháp này. Trong khi đó, Fox News đưa tin, ông Trump đã liên lạc với một số nhà lập pháp Cộng hòa đang phân vân để giành được sự ủng hộ của họ, một dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tính đến ngày 10/3 có thể vẫn chưa giành được đủ số phiếu để thông qua.

Những người ủng hộ lập luận rằng Hạ viện phải thông qua dự luật này để tiếp tục chương trình nghị sự của ông Trump về việc cắt giảm thuế toàn diện và tăng cường chi tiêu cho thực thi luật nhập cư và quân đội. Ông Trump đã lên tiếng ủng hộ dự luật này.

Nếu tất cả các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện phản đối dự luật, ông Johnson sẽ phải đảm bảo rằng tất cả các đảng viên Cộng hòa đều ủng hộ dự luật này để đảm bảo dự luật được thông qua.

“Đó không phải là điều chúng ta có thể ủng hộ”, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói với các phóng viên, đồng thời cho biết đảng của ông sẽ không “đồng lõa” trong những gì ông cho là cắt giảm các chương trình an sinh xã hội được đưa vào dự luật dài 99 trang.

Dự luật bao gồm chi tiêu tùy ý, các chức năng như thực thi pháp luật và kiểm soát không lưu, và chiếm khoảng ¼ trong ngân sách liên bang trị giá khoảng 6,75 nghìn tỷ đôla. Dự luật này cũng bao gồm chi tiêu cho chương trình hưu trí An sinh xã hội và hơn 1 nghìn tỷ đôla mỗi năm cho các khoản thanh toán lãi suất cho khoản nợ 36 nghìn tỷ đôla đang tăng của chính phủ.

Theo các trợ lý lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, dự luật này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 6 tỷ đôla trong khi giảm chi tiêu phi quốc phòng khoảng 13 tỷ đôla. Dự luật cũng sẽ duy trì lệnh đóng băng 20 tỷ đôla cho Sở Thuế vụ Nội địa được đưa vào dự luật tạm thời vào tháng 12.

Các nhà lập pháp sẽ phải đối mặt với thời hạn nghiêm trọng hơn vào cuối năm nay khi họ phải giải quyết mức trần nợ tự áp đặt của mình hoặc có nguy cơ vỡ nợ thảm khốc sẽ làm rung chuyển nền kinh tế thế giới.

Lần đóng cửa chính phủ gần đây nhất kéo dài hơn 35 ngày vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Việc các nhà lập pháp liên tục đưa ra những lời lẽ gay gắt về việc đóng cửa chính phủ và mức trần nợ đã gây tổn hại đến khả năng tín dụng của Hoa Kỳ.


**********

Mỹ rút khỏi quỹ bồi thường thiệt hại biến đổi khí hậu cho các nước nghèo

AP

Thêm một bước quay lưng với các chương trình viện trợ nước ngoài lẫn các chương trình về biến đổi khí hậu, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức thông báo với các tổ chức tài chính thế giới rằng Mỹ rút lui ra khỏi Quỹ Thiệt hại và Mất mát do Biến đổi khí hậu.

Các nhà phân tích về biến đổi khí hậu hôm 10/3 đã chỉ trích quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ chính thức rút ra khỏi Quỹ này, vốn được thiết kế để các nước gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại cho các nước nghèo, đặc biệt là những nước bị tổn thương nghiêm trọng bởi những cơn bão, nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng do đốt than đá, dầu và khí đốt.

Một quan chức của Bộ Tài chính cho biết trong một lá thư tuần trước rằng các thành viên đại diện của Hoa Kỳ tại Quỹ này sẽ từ chức, nhưng không nêu lý do cho việc rút lui này.

Bộ Tài chính không hồi đáp email yêu cầu bình luận.

Khi Quỹ này được nhất trí vào năm 2022, Tổng thống lúc bấy giờ là ông Joe Biden đã cam kết rằng Hoa Kỳ, quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất, sẽ đóng góp 17,5 triệu đô la.

Một số quốc gia có mức ô nhiễm thấp hơn như Úc, Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh cũng như Liên hiệp Châu Âu cam kết đóng góp nhiều hơn Hoa Kỳ.

Hai cam kết lớn nhất là 104 triệu đô la đến từ Ý và Pháp. Tính đến tháng Giêng, Quỹ Thiệt hại và Mất mát nhận được tổng cộng 741,42 triệu đô la cam kết, theo Liên hiệp quốc.

Các nước nghèo hơn, thường ở khu vực phía Nam toàn cầu, từ lâu xem Quỹ này là một phần của công lý môi trường. Đây là một ý tưởng mà Hoa Kỳ và nhiều quốc gia giàu có đã ngăn cản cho đến năm 2022, khi họ chấp nhận việc thành lập Quỹ.

“Ba thập niên dài đằng đẵng và cuối cùng chúng ta đã mang lại công lý khí hậu,” Seve Paeniu, Bộ trưởng Tài chính của Tuvalu, phát biểu khi các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hiệp quốc thành lập Quỹ. “Chúng ta cuối cùng đã đáp lại lời kêu gọi của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới để giúp họ đối phó với thiệt hại và mất mát.”

Trong 50 ngày đầu tiên, chính quyền Trump đã loại bỏ hoặc cắt giảm tài trợ cho công lý môi trường trong nước, cho viện trợ nước ngoài, cho biến đổi khí hậu và cho sự đa dạng, công bằng và hòa nhập. Tổng thống Trump cũng đã bắt đầu quá trình một năm để một lần nữa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris 2015.

Vào đầu tháng này, Hoa Kỳ đã rút khỏi một thỏa thuận khí hậu đặc biệt mà qua đó các nước giàu giúp các quốc gia nghèo, nhỏ bé chuyển sang năng lượng sạch hơn.


************

Donald Trump làm chao đảo thị trường tiền ảo như thế nào

Chi Phương

Nếu như trong nhiệm kỳ đầu, Donald Trump tỏ ra hoài nghi với loại tiền ảo, thì ngay từ khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ không chỉ tạo ra loại tiền ảo mang tên Trump, mà còn đưa ra những chính sách kích thích đầu tư, nới lỏng thị trường này. Tuy nhiên, những quyết định của Trump khiến lĩnh vực tiền ảo vốn đã nhiều biến động lại càng thêm rủi ro, khó đoán hơn, như tính cách của ông.

Vào năm 2019, Donald Trump từng coi tiền điện tử « dễ biến động và chẳng dựa trên một cái gì cả ». Tuy nhiên, sau 4 năm, ông Trump đã thay đổi lập trường. Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, Donald Trump đã cam kết « chấm dứt cuộc thập tự chinh chống lại tiền điện tử » của chính quyền Joe Biden, tỏ ra “cởi mở”, tạo thuận lợi cho thị trường này phát triển, bày tỏ mong muốn « biến Hoa Kỳ thành siêu cường Bitcoin », « kinh đô tiền ảo thế giới », cho phép « tự do hóa tiền điện tử ».

Theo hãng tin AP, lần đầu tiên Hoa Kỳ tổ chức một thượng đỉnh « Crypto Summit » tại Nhà Trắng hôm 07/03, đánh dấu một bước thay đổi lớn trong ngành công nghiệp từ lâu đã đấu tranh để được chấp nhận một cách chính thống.  

Bên cạnh đó, Donald Trump cũng ban hành một sắc lệnh thiết lập kho dự trữ chiến lược tiền ảo, cũng như lập một nhóm làm việc để đề xuất những quy định quản lý thị trường này. Tuy nhiên, sự can thiệp của Donald Trump lại khiến các nhà đầu tư tiền ảo phải đứng ngồi không yên.

Donald Trump khiến thị trường tiền ảo ngày càng khó đoán

Hai ngày trước khi chính thức nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump đã tung ra tạo ra một loại tiền ảo của riêng mình, $Trump, và không lâu sau đó, là tiền ảo của Đệ Nhất Phu nhân $Melania. Giá trị của tiền ảo Trump, ban đầu có giá 6,50 đô la, đã tăng lên mức cao nhất là 73 đô la 2 ngày sau đó. Theo Financial Times, $Trump đã thu về 350 triệu đô la lợi nhuận trong 3 tuần.

Loại tiền này nhanh chóng đạt giá trị vốn hóa 58 tỷ đô la, nhưng sau đó sụt giảm hơn 70 % chỉ trong một tuần, khiến các nhà đầu tư thua lỗ nặng. Nhiều chỉ trích đã được đưa ra, cho rằng động thái của Trump là hành vi “săn mồi”, lợi dụng những người ủng hộ ông và cho thấy rõ bản chất đầu cơ của thị trường tiền ảo, thúc đẩy đầu tư thiếu kiểm soát.

Với thông báo thiết lập một kho dự trữ chiến lược tiền điện tử, giá trị của bitcoin ban đầu đã tăng giá, lên đến 95 000 đô la /bitcoin, nhưng lại rớt giá hơn 5 % vào sáng thứ Hai, 10/03/2025.

Theo nhật báo kinh tế Les Echos, nhiều chuyên gia về tiền điện tử tỏ ra thất vọng với Quỹ Dự trữ Chiến lược này, gồm các loại tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum, XRP, Solana và Cardano, được bổ sung bằng các tiền điện tử đã bị chính phủ tịch thu trong các thủ tục tố tụng hình sự và dân sự, ước tính lên đến 200 000 bitcoin. Điều này có nghĩa là Nhà Trắng không tính hoặc chưa có kế hoạch mua thêm các loại tiền điện tử mới, mà chỉ dựa trên nguồn tiền điện tử đã tồn tại. Washington cho biết việc mua thêm tiền ảo đề bổ sung vào quỹ này phải được thực hiện mà không làm tăng thêm chi phí cho người nộp thuế.

Nhà sáng lập quỹ đầu tư Capriole Holdings, ông Charles Edwards, trả lời tạp chí Time, cho rằng « nếu không mua bitcoin, có nghĩa là quỹ này chỉ là cái tên hoa mỹ để cất giấu lượng dự trữ bitcoin đã tồn tại ».

Donald Trump "đáp lễ" những mạnh thường quân tiền ảo

Theo Libération, Donald Trump đã nhận trực tiếp 16 triệu đô la và gần 130 triệu đô la tiền quỹ vận động thông qua các PAC (ủy ban hành động chính trị) từ các nhà tài trợ tiền điện tử ở Thung lũng Silicon.

Vào tháng 06/2024, Trump đã bỏ túi 12 triệu đô la tiền quỹ vận động tranh cử, chỉ từ một bữa tối với các ông trùm tiền điện tử để lắng nghe những bất bình của họ đối với chính quyền Biden. Một tháng sau, tại « hội nghị bitcoin » quy tụ toàn bộ giới chuyên gia, ông hứa sẽ sa thải người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ SEC, Gary Gensler, ngay khi trở lại Nhà Trắng.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 07/03 vừa qua, được ví như một cách để Donald Trump "trả ơn" cho ngành này. Năm ngày sau khi nhậm chức, vị tân tổng thống đã giữ lời hứa được đưa ra tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử, ân xá cho Ross Ulbricht, người sáng lập Silk Road, một trung tâm buôn bán ma túy (thanh toán bằng tiền điện tử) trên dark web, bị kết án tù chung thân từ năm 2013.

« Gia đình bitcoin »

Theo Libération, trong chiến dịch tranh cử của ông, Trump đã đặt cược vào « nền văn hóa tiền điện tử phổ biến », vào nhóm cử tri đầu cơ nhỏ, trẻ, nam giới, chống lại phong trào « woke ». Con trai ông, Barron Trump, 18 tuổi, được coi là cố vấn cho cha mình trong việc lựa chọn những người có ảnh hưởng cánh hữu tốt nhất, đã khai sáng cho ông về thế giới tiền kỹ thuật số, và về lợi nhuận cá nhân có thể đạt được.

Cùng với hai người anh em cùng cha khác mẹ là Eric và Donald Junior, Barron đồng điều hành công ty tiền điện tử World Liberty Financial, được thành lập vào tháng 09/2024 với sự giúp đỡ của tỷ phú bất động sản Steve Witkoff (được bổ nhiệm làm đặc phái viên của tổng thống tại Trung Đông). Công ty này do gia đình Trump sở hữu 60%.

Tại sao Trump lại muốn nới lỏng thị trường này ?

Vào năm 2021, Donald Trump từng phát biểu trên Fox News rằng « bitcoin đe dọa đồng đô la, là một trò lừa đảo ». Lúc đó, giá Bitcoin giảm xuống còn 35 000 đô la, khiến nhiều người hoảng loạn, bán tháo loại tiền ảo này, theo Atlantico.

Chuyên gia về tiền ảo Sébastien Marin cho rằng, mặc dù lúc đầu còn do dự, Donald Trump đã hiểu được tiềm năng của tiền ảo và tầm quan trọng của sự ổn định mà chúng mang lại, đặc biệt là khi đối mặt với sự cạnh tranh từ đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.

Về phần mình, chuyên gia Nicolas Chéron, trả lời Atlantico, đánh giá rằng thị trường tiền điện tử đã có sự thay đổi trong 4 năm qua, các giao dịch và giá  trị vốn hóa đã tăng đáng kể. Hình ảnh của thị trường cũng đã được cải thiện và trở nên rõ ràng hơn. Nhiều nền tảng giao dịch chính thống hơn đã xuất hiện như Coinbase, Binance hoặc Robinhood. Donald Trump cũng đã nhận thấy hiện tượng này. Các ngân hàng hiện tỏ ra ít thù địch hơn với tiền ảo và cũng xuất hiện nhiều nhà vận động hành lang trong lĩnh vực tiền điện tử. Hơn nữa, các nhà đầu tư tiền điện tử đã tài trợ một phần cho chiến dịch tranh cử của Trump. Donald Trump cũng coi đây là cách để tiếp cận nhóm cử tri trẻ hơn và ủng hộ các khoản đầu tư này hơn.


************

Tăng thuế đối với nông sản nhập từ Mỹ, Bắc Kinh đánh vào cử tri của Trump

Minh Anh

Ngày 10/03/2025, mức thuế mới, tăng thêm 15%, nhắm vào các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ chính thức có hiệu lực tại Trung Quốc. Đây là đòn trả đũa của Bắc Kinh trước việc Washington ban hành loạt biện pháp thuế quan mới nhắm vào hàng hóa Trung Quốc.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

1 phút

Thông tín viên Clea Broadhurst tại Bắc Kinh giải thích :

« Bắc Kinh nhắm vào giới nông gia Mỹ, một thành phần cử tri chủ chốt của Donald Trump. Mức thuế quan mới được áp dụng đối với các mặt hàng đậu nành, bắp, thịt gà,… cũng như than đá, khí hóa lỏng và xe tải hạng nhẹ. Mục tiêu là đánh vào nền kinh tế của những vùng đã bỏ phiếu cho Trump và gia tăng áp lực chính trị lên Washington.

Nền nông nghiệp Mỹ đặc biệt dễ bị tác động. Trung Quốc là một thị trường quan trọng và với mức thuế đánh thêm từ 10-15%, nông sản Mỹ sẽ cạnh tranh kém hơn. Hậu quả có thể là khối lượng hàng xuất khẩu sẽ sụt giảm, kéo theo  những khó khăn tài chính cho nông dân Mỹ. Trong giai đoạn 2022-2024, kim ngạch xuất khẩu đã sụt giảm từ 42 xuống còn 29 tỷ đô la, làm suy yếu nhiều nông gia.

Khi tung ra những đòn nói trên, Bắc Kinh tính toán rất kỹ, vì họ đánh vào những lĩnh vực mà có thể tìm được các nguồn cung thay thế, Trung Quốc hạn chế được tác động ngay trên chính thị trường của mình, đồng thời củng cố được vị thế để đối phó Mỹ.

Với những trừng phạt này, cuộc chiến thương mại có thể leo thang, và điều này có nguy cơ kềm hãm tăng trưởng thế giới, gây xáo trộn các chuỗi cung ứng và gây tốn kém thêm cho người tiêu dùng. Quả bóng hiện ở trên sân của Washington. »


************

Iran, Nga, Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung trên biển

Anh Vũ

Theo truyền thông Nga và Iran, hôm nay, 10/03/2025, tại vùng biển ngoài khơi phía đông nam Iran, hải quân ba nước Iran, Nga và Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận chung mang tên « Hành lang an ninh biển 2025 ». Mục đích cuộc thao dượt quân sự nhằm khẳng định quyết tâm của ba nước đồng minh chống lại điều mà họ gọi là bá quyền Mỹ. Những năm gần đây, Iran, Nga và Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận tương tự.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

1 phút

Thông tính viên Siavosh Ghazi tại Teheran cho biết thêm chi tiết:

Theo truyền thông Iran, các cuộc tập trận này có mục đích tăng cường an ninh khu vực. Ba nước đều quyết tâm chống lại điều mà họ coi là bá quyền Mỹ.

Tham gia tập trận có các chiến hạm của Trung Quốc, Nga và của quân đội Iran cũng như của Vệ Binh Cách Mạng, lực lượng tinh nhuệ của Teheran.

Những tuần qua, nhiều tàu chiến mới và tàu cao tốc đã được bổ sung vào lực lượng hải quân của Vệ Binh Cách Mạng.

Iran đã phát triển nhiều tàu cao tốc có khả năng đạt tốc độ 200km/giờ và có thể phóng tên lửa.

Hải quân Iran đã tiến hành các cuộc tập trận trong khu vực hồi tháng Hai vừa qua, đồng thời tiết lộ căn cứ ngầm phóng tên lửa cũng như các tàu cao tốc trong vùng Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman

Các cuộc diễn tập quân sự này diễn ra vào lúc lãnh tụ tối cao Iran bác bỏ mọi đối thoại với Hoa Kỳ về hồ sơ hạt nhân theo đề xuất của tổng thống Trump, cho rằng Washington không hề tìm kiếm một giải pháp mà chỉ muốn áp đặt ý muốn của họ đối với Iran.


************

Nhảy hơn 200 bậc, Phạm Nhật Vượng tiến sát vào danh sách Forbes 500

VOA Tiếng Việt

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, vừa nhảy hơn 200 bậc trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes để tiến sát vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới sau khi các cổ phiếu họ Vin tăng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính đến ngày 10/3 năm 2025, tài sản của ông Vượng được tạp chí Forbes ghi nhận là 6,7 tỷ đô la Mỹ, là người giàu thứ 502 trên thế giới trên bảng xếp hạng của tạp chí này.

Nếu so với thời điểm cuối năm 2024, ông Vượng đã nhảy 210 bậc từ thứ hạng 712 trong khi tài sản của ông cũng đã tăng thêm 2,3 tỷ đô la từ 4,4 tỷ vào cuối năm ngoái.

Forbes mô tả ông Vượng là chủ tịch tập đoàn Vingroup, một trong những tập đoàn đa lĩnh vực lớn nhất Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, y tế… Những thương hiệu của Vingroup mà tờ báo này liệt kê gồm có hãng xe điện VinFast, nhà phát triển bất động sản Vinhomes và chuỗi resort Vinpearl.

Tài sản của ông Vượng tăng mạnh sau khi cổ phiếu VIC của Vingroup trên sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh, tức HOSE, có một phiên bùng nổ hôm 7/3 khi tăng kịch trần lên 45.300 đồng. Nhiều lệnh mua cổ phiếu này ở giá trần lên đến hàng trăm ngàn đơn vị nhưng không có người bán, tờ Thanh Niên cho biết.

Cùng với VIC, các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái của Vingroup như VRE của Vincom Retail và VHM của Vinhomes cũng tăng mạnh.

Trước đó, công ty cổ phần Vinpearl đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên HOSE với số lượng 1,8 tỉ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 17.933 tỉ đồng, cũng theo Thanh Niên. Động thái này đã khiến các cổ phiếu thuộc họ Vin tăng mạnh.

Nếu Vinpearl được cho chấp thuận cho niêm yết trên HOSE thì tỷ phú Vượng sẽ có 4 mã chứng khoán được giao dịch trên thị trường. Vinpearl hiện đang sở hữu các resort ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long… với các công viên chủ đề, công viên giải trí, công viên động vật hoang dã, sân golf trên toàn quốc.

Ngoài ra, các mẫu xe điện của VinFast hiện là thương hiệu xe bán chạy nhất tại Việt Nam trong năm 2024. Hãng này cho biết họ đã bàn giao hơn 87.000 xe hơi điện tại Việt Nam trong năm qua, vượt qua Toyota với hơn 68.000 xe, trang mạng VnExpress đưa tin hồi tháng trước. Tuy nhiên, VinFast không niêm yết trên HOSE mà trên thị trường Nasdaq của Mỹ.


**********

Không quân Mỹ chặn máy bay bay trong vùng cấm gần dinh thự của Trump

AP

Các máy bay chiến đấu của Không quân Hoa Kỳ đã chặn một máy bay dân sự bay trong không phận tạm thời bị hạn chế gần nhà riêng của Tổng thống Donald Trump ở Florida hôm 9/3, nâng tổng số vụ vi phạm lên hơn 20 kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho biết trong một tuyên bố rằng trong sự cố hôm 9/3, xảy ra khi ông Trump kết thúc một vòng chơi tại sân golf West Palm Beach của ông, các máy bay F-16 đã phát pháo sáng để thu hút sự chú ý của phi công dân sự. Các chiến đấu cơ cũng đã thực hiện một vụ ngăn chặn trên không vào sáng 8/3 ngay sau khi ông Trump đến sân golf từ câu lạc bộ và nơi ở riêng của ông là Mar-a-Lago.

Các quan chức cho biết rằng các vụ xâm phạm không phận bận rộn ở phía nam Florida đã khiến các máy bay chiến đấu phải ngăn chặn nhưng không làm thay đổi lịch trình của ông Trump hoặc ảnh hưởng đến an ninh của ông. Theo NORAD, các pháo sáng có thể nhìn thấy được từ mặt đất nhưng chúng cháy nhanh và không gây nguy hiểm.

Các quan chức liên bang duy trì lệnh hạn chế bay vĩnh viễn trên không phận câu lạc bộ của ông Trump, mở rộng đến bán kính 30 hải lý khi tổng thống đang ở đó.

Những vi phạm và các vụ chặn máy bay là tương đối thường xuyên, nhưng NORAD đang báo động về tần suất xâm phạm kể từ khi ông Trump nhậm chức. Bộ Tư lệnh này cho biết họ đã phản ứng với hơn 20 sự cố và đổ lỗi cho các phi công dân sự vì không tuân thủ các quy định vốn yêu cầu họ phải kiểm tra các hạn chế không phận trước khi cất cánh.

"Việc tuân thủ các thủ tục TFR [Hạn chế bay tạm thời] là điều cần thiết để đảm bảo an toàn bay, an ninh quốc gia và an ninh của Tổng thống", Tướng Gregory Guillot, chỉ huy NORAD và Bộ Tư lệnh miền Bắc Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố. "Các thủ tục này không phải là tùy chọn và số lượng lớn các vụ vi phạm TFR gần đây cho thấy nhiều phi công dân sự không đọc Thông báo cho phi công, hay NOTAM, trước mỗi chuyến bay theo yêu cầu của FAA và đã dẫn đến nhiều phản ứng của máy bay chiến đấu NORAD để hướng dẫn máy bay vi phạm ra khỏi TFR."


***********

Trung Quốc vượt xa Hoa Kỳ về số lượng tàu quân sự, tàu thương mại


Bức ảnh chụp vào ngày 16/1/2025 cho thấy những con tàu đang được đóng trong xưởng của một công ty đóng tàu ở Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Bức ảnh chụp vào ngày 16/1/2025 cho thấy những con tàu đang được đóng trong xưởng của một công ty đóng tàu ở Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 4/3 rằng ông đã thành lập một văn phòng mới tại Nhà Trắng để "hồi sinh" ngành đóng tàu quân sự và tàu thương mại của Hoa Kỳ, ông đã làm nổi bật những lời kêu gọi lâu nay nhằm khắc phục ngành công nghiệp đang gặp khó khăn mà ông cho là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Lời kêu gọi thúc giục của ông là đóng thêm tàu "rất nhanh và rất sớm" được đưa ra vào thời điểm cạnh tranh chiến lược gia tăng với Trung Quốc.

"Ngành đóng tàu của chúng ta hiện đang bị thu hẹp đến mức tối thiểu", Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Eric Smith nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn độc quyền tại Lầu Năm Góc vào cuối năm ngoái.

Tình trạng yếu kém của ngành đóng tàu và bảo dưỡng tàu của Hoa Kỳ, cùng những rủi ro mà chúng gây ra cho quân đội, đã được chia sẻ với VOA thông qua hơn một chục cuộc phỏng vấn với các quan chức quân sự và công nghiệp của Mỹ trong nhiều tháng và được thực hiện trước thông báo trên của ông Trump.

Hải quân Hoa Kỳ vẫn được coi là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới khi nói đến hỏa lực và trọng tải, nhưng số lượng tàu của Hải quân Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc. Hoa Kỳ có 296 tàu trong hạm đội của mình, trong khi Trung Quốc đang trên đà vượt qua con số 400 tàu trong năm nay.

Hạm đội đang thu hẹp

Mặc dù Hải quân Hoa Kỳ đặt mục tiêu tăng quy mô hạm đội, nhưng trong những năm gần đây, số lượng tàu đã giảm. Ngân sách năm ngoái chỉ tài trợ cho 6 tàu mới của Hải quân, trong khi loại biên 15 tàu khỏi hạm đội, với mức giảm là 9. Kế hoạch ngân sách tài khóa 2025 tài trợ cho 6 tàu mới trong khi loại biên 19 tàu, với mức giảm là 13.

Nguồn sống cho các công ty khổng lồ trong ngành hàng hải như BAE có trụ sở tại Anh, Huntington Ingalls Industries (HII) và Fairbanks Morse Defense có trụ sở tại Mỹ hầu như chỉ thông qua quân đội Hoa Kỳ. Các nhà lãnh đạo ngành cho biết họ có không gian để đóng và sửa chữa thêm tàu nhưng các hợp đồng của Hải quân rất khan hiếm.

"Chúng tôi đang hoạt động ở mức khoảng một nửa công suất", Brad Moyer, phó chủ tịch của BAE Systems Ship Repair cho biết. Mặc dù công ty này là một trong những công ty sửa chữa tàu lớn nhất tại Hoa Kỳ, nhưng khi VOA đến thăm xưởng Norfolk của BAE tại Virginia vào tháng 11, hầu hết các không gian neo đậu tàu đều trống rỗng.

Nhu cầu đóng tàu đã dao động mạnh do các chiến lược lập ngân sách của Hải quân, tạo ra bầu không khí thịnh vượng hoặc đói kém trong ngành, làm thu hẹp chuỗi cung ứng.

"Có hàng nghìn nhà cung cấp đã phá sản và đây là rủi ro thực sự", George Whittier, CEO của Fairbanks Morse Defense, nói với VOA. Công ty này là nhà sản xuất động cơ lớn nhất ở Bắc và Nam Mỹ và là công ty duy nhất cung cấp các động cơ lớn nhất được sử dụng trong các tàu chiến đổ bộ của quân đội. Mỗi động cơ có kích thước bằng một chiếc xe buýt trường học nhỏ.

"Chúng ta nên có hai nhà cung cấp động cơ. Nhưng thực tế là, nếu Hải quân chỉ đóng sáu tàu một năm, thì sẽ rất khó để giữ một nhà cung cấp động cơ hoạt động, chứ đừng nói đến hai. Chúng ta sẽ phải phát triển để thoát khỏi tình trạng này, và đó là cách duy nhất chúng ta có thể làm được", ông Whittier cho biết.

Không chỉ có ông Whitter lo ngại như vậy. VOA đã tìm thấy nhiều ví dụ về các công ty là nhà cung cấp duy nhất cho các bộ phận tàu cụ thể. Quân đội Hoa Kỳ và những nhà lãnh đạo khác trong ngành cho biết họ lo lắng sẽ không có nguồn cung cấp phụ tùng dự phòng nếu nhiều doanh nghiệp trong ngành phá sản. Và những nhà cung cấp còn tồn tại cho biết khi hoạt động kinh doanh không ổn định, sẽ mất nhiều thời gian hơn để cung cấp phụ tùng và chi phí mua vật liệu cũng cao hơn.

Quyền Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Jim Kilby, trong khi ủng hộ một hạm đội lớn hơn, cho biết ông không có ngân sách để thay thế tất cả các tàu và tàu ngầm cũ của mình, chứ đừng nói đến việc mở rộng lực lượng.

"Khi chúng tôi có một tàu mới, chúng tôi sẽ thay thế một tàu cũ, vì tàu cũ mất nhiều chi phí và khó bảo trì hơn", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Trì hoãn bảo trì, sa thải

Sự trì hoãn hợp đồng quân sự và hủy bỏ dự án đã dẫn đến việc sa thải. Mặc dù BAE là một trong những công ty lớn nhất trong ngành, xưởng đóng tàu Bờ Tây của công ty đã sa thải gần 300 nhân viên vào năm 2023 do thiếu việc làm.

Tại thành phố Norfolk, ở Bờ Đông nước Mỹ, số lượng tàu của Hải quân để sửa chữa đã giảm từ 44 tàu cách đây khoảng một thập kỷ xuống còn chưa đến 30 tàu hiện nay. Theo các quan chức cho biết, khoảng 60% lực lượng lao động đã bị cho nghỉ việc trong thời gian đó.

Kết quả là, theo Tướng Smith, lực lượng lao động bị suy giảm khi không tập trung vào đóng tàu.

"Không có ai lớn lên với nghề đóng tàu. Có thợ hàn, thợ lắp ráp hơi nước và thợ điện, nhưng nếu không có công việc ổn định cho họ, họ sẽ đi làm cho Harley-Davidson hoặc Ford Motor Company hoặc Chevy hoặc bất kỳ chỗ nào khác", ông nói.

Ông Whittier và ông Moyer đổ lỗi cho quá trình lập ngân sách tại Quốc hội Mỹ, cùng với cách Hải quân Hoa Kỳ xây dựng cơ cấu bảo dưỡng tàu của mình.

"Hệ thống bị hỏng", ông Whittier nói.

Quốc hội đã không thông qua ngân sách đúng hạn kể từ năm 2019. Khi các nghị quyết tiếp tục (CR) được sử dụng để tài trợ cho chính phủ, các dự án mới không thể được bắt đầu. Trong trường hợp ngân sách tài khóa 2024, Quốc hội đã tài trợ cho chính phủ bằng CR trong nửa năm, mà theo ông Whittier cho biết điều này cho các công ty sáu tháng để làm khối lượng công việc của 12 tháng.

"Cuối cùng, không chỉ là một thách thức lớn về cách điều hành một công ty, mà còn là một thách thức lớn đối với Hải quân khi cố gắng tìm ra cách họ thực hiện việc bảo trì. … Điều này làm cho tất cả mọi người thấy nản chí", Tổng giám đốc điều hành Fairbanks Morse Defense nói với VOA.

Thượng nghị sĩ Mark Kelly, một thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Thượng viện Mỹ, cũng cho rằng CR là dở, đồng thời nói thêm rằng điều tồi tệ duy nhất là đóng cửa chính phủ.

"Mọi người luôn cố đổ lỗi cho người khác, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đã mất tập trung vào vấn đề này", ông nói thêm.

Ngành đóng tàu chật vật

Ngoài ra, còn có sự thiếu hụt lao động lành nghề cần thiết để duy trì hoạt động của ngành đóng tàu.

Xưởng đóng tàu Huntington Ingalls Industries (HII) tại Pascagoula ở Mississippi, dọc theo bờ biển Vịnh Hoa Kỳ, là xưởng đóng tàu duy nhất tại Mỹ đóng hai loại tàu chiến đổ bộ của Hải quân: gồm Tàu đổ bộ trực thăng tấn công (LHA) trông giống như tàu sân bay mini và bến tàu đổ bộ (LPD) nhỏ hơn.

HII cũng đóng tàu khu trục hạm của Hải quân và tàu tuần tra của Cảnh sát biển.

Kari Wilkinson, phó chủ tịch điều hành tại HII, cho biết việc duy trì biên chế ở mức hơn 11.000 công nhân vốn cần thiết cho việc đóng tàu tuần tra, tàu khu trục hạm và tàu đổ bộ đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong nền kinh tế hậu đại dịch.

Chỉ vài năm trước, xưởng đóng tàu có thể trả lương cao hơn nhiều so với các công việc khác trong khu vực không yêu cầu bằng đại học. Bây giờ, Wilkinson cho biết họ đang cạnh tranh với tất cả mọi người, từ những nhà cung cấp cà phê đến các nhà hàng thức ăn nhanh.

"Tình cảnh lương bổng đã thay đổi. Không còn khoảng cách lớn như vậy nữa", bà Wilkinson nói với VOA.

Theo bà Wilkinson, kết quả là HII hiện mất đi lượng công nhân theo tỷ lệ cao gấp đôi so với trước đại dịch.

Để tiết kiệm tiền vật liệu, Quốc hội đã cho phép quân đội mua 4 tàu đổ bộ từ HII cùng một lúc, một động thái được gọi là mua theo khối nhiều tàu. Việc mua chúng với số lượng lớn đã giúp Lầu Năm Góc tiết kiệm được 900 triệu USD.

"Đó là một chiến thắng lớn đối với chúng tôi", Tướng Smith cho biết.

Bây giờ, HII phải tìm ra cách giữ chân lực lượng lao động của mình tốt hơn. Để làm cho nơi làm việc hấp dẫn hơn, HII đã đầu tư vào hệ thống điều hòa không khí và các tấm che lớn để bảo vệ công nhân khỏi các yếu tố như ánh nắng mặt trời nóng bức của Mississippi. Bà Wilkinson cho biết, xưởng đóng tàu Pascagoula đã tuyển dụng 7.000 người trong hai năm qua, nhưng sẽ cần tuyển thêm khoảng 1.000-2.000 người mỗi năm để hoàn thành các đơn đặt hàng đóng tàu mới.

"Chúng ta phải tìm cách trả cho mọi người mức lương cạnh tranh phù hợp với loại công việc họ đang làm," TNS Kelly nói với VOA.

Vận chuyển thương mại

Quốc hội dự kiến sẽ tăng ngân sách quân sự để tăng nguồn lực cho tình trạng thiếu hụt đóng tàu.

Nhưng TNS Kelly nói với VOA rằng vận chuyển thương mại của Hoa Kỳ cũng cần được cứu vãn.

"Chúng ta đã đi từ 10.000 tàu trong Thế chiến II tới 85 tàu ngày nay. Vì vậy, trong trường hợp khẩn cấp, trong trường hợp xung đột với một đối thủ ngang hàng, chúng ta khá hạn chế về khả năng đưa tất cả các nguồn cung cấp, thiết bị và quân đội đó qua đại dương", ông nói.

Hoa Kỳ đóng khoảng 5 tàu thương mại mỗi năm. Trung Quốc đóng hơn 1.000 tàu.

"Họ có một xưởng đóng tàu, chỉ một xưởng đóng tàu, lớn hơn tất cả các xưởng đóng tàu của chúng ta cộng lại", TNS Kelly nói với VOA.

Vào tháng 12, ông Kelly đã giới thiệu ra Quốc hội luật lưỡng đảng có tên là Đạo luật Tàu thuyền vì nước Mỹ. Dự luật này nhằm mục đích tăng đội tàu thương mại của Hoa Kỳ thêm 250 tàu trong 10 năm, và điều này cũng sẽ tăng chuỗi cung ứng cho tàu quân sự.

"Bạn sẽ không thực sự nghĩ rằng hai thứ đó có liên quan đến nhau. Nhưng chúng có liên quan rất chặt chẽ", vị thượng nghị sĩ nói. "Rất nhiều bộ phận lắp vào tàu sân bay của Hoa Kỳ, một số bộ phận tương tự cho các hệ thống đó cũng giành cho tàu thương mại".

Dự luật kêu gọi các ưu đãi về thuế, cùng với phí đối với hàng hóa nhập vào Mỹ, để giúp các nhà đóng tàu tăng năng lực của họ.

TNS Kelly cho biết các điều khoản của dự luật không gây ra nợ và không làm tăng thêm thâm hụt hàng năm cho ngân sách chính phủ.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Chủ Nhật, 16 Tháng Ba 20253:24 SA
Thứ Bảy, 15 Tháng Ba 20256:27 SA
Thứ Sáu, 14 Tháng Ba 20255:48 SA
Thứ Năm, 13 Tháng Ba 20255:03 SA
Thứ Tư, 12 Tháng Ba 20254:12 SA
Thứ Hai, 10 Tháng Ba 20255:59 SA
Chủ Nhật, 09 Tháng Ba 20257:27 SA
Thứ Bảy, 08 Tháng Ba 20256:52 SA
Thứ Sáu, 07 Tháng Ba 20255:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo