Tin Tức ngày 08 tháng 03 -2025:

Thứ Bảy, 08 Tháng Ba 20256:52 SA(Xem: 1514)
Tin Tức ngày 08 tháng 03 -2025:

HiHoaTrumpPutin
*************

Nga tiếp tục oanh kích Ukraina: Trump đe trừng phạt mạnh Matxcơva, nhưng tin tưởng đạt thỏa thuận hòa bình với Putin

Trọng Thành

Đêm qua, rạng sáng nay, 08/03/2025, quân đội Nga tiếp tục oanh kích quy mô lớn tại miền đông và đông bắc Ukraina, khiến ít nhất 14 người chết. Tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky khẳng định mục tiêu của Nga « không thay đổi ». Trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ có biện pháp trừng phạt mới với Nga, nhưng vẫn tỏ ý tin tưởng tổng thống Nga Vladimir Putin « muốn chấm dứt chiến tranh ».

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Theo AFP, trên mạng Truth Social đêm hôm qua, tổng thống Mỹ tuyên bố, do Nga tiếp tục tấn công Ukraina « trên chiến trường », « tôi sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt về ngân hàng, về thuế quan trên quy mô lớn chống Nga cho đến khi nào đạt được lệnh ngừng bắn, và khi nào một thỏa thuận hòa bình dứt điểm được ký kết ». Tuy nhiên, tổng thống Trump tiếp tục khẳng định tin tưởng là tổng thống Nga Putin « có thiện chí muốn chấm dứt chiến tranh », đồng thời cho rằng « xử sự với phía Ukraina khó khăn hơn » với Nga.

Cuộc tấn công lớn đầu tiên của Nga sau khi Mỹ ngừng viện trợ quân sự

Tuyên bố của tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi Matxcơva tiến hành loạt tấn công đêm thứ Sáu, với hơn 60 tên lửa và khoảng 200 drone, nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng điện lực và dầu khí của Ukraina. Đây là đợt tấn công quy mô lớn đầu tiên của Nga kể từ khi Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraina hôm 03/03 để gây áp lực, buộc Kiev đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Kiev nỗ lực phối hợp với Mỹ để chuẩn bị cuộc họp ở Ả Rập Xê Út

Trong phát biểu tối qua, tổng thống Ukraina cho biết nước này đang « nỗ lực làm việc với các cộng sự của tổng thống Trump » để sớm đạt được một thỏa thuận hòa bình. Ngày thứ Hai, 10/03, tổng thống Zelensky sẽ tới Ryad gặp thái tử Mohammed ben Salmane, lãnh đạo Ả Rập Xê Út, trước cuộc gặp dự kiến giữa hai phái đoàn Mỹ và Ukraina, với mục tiêu « xác lập một khuôn khổ cho thỏa thuận hòa bình và lệnh ngừng bắn sơ bộ », theo đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, Steve Witkoff.

Tổng thống Ukraina nhấn mạnh : « Giai đoạn đầu tiên để xác lập một nền hòa bình thực sự là buộc Nga, nguồn gốc duy nhất gây nên cuộc chiến tranh này, phải chấm dứt các cuộc tấn công như vậy ».

Ngày hôm qua 07/03, tổng thống Ukraina một lần nữa nhắc lại đề nghị với Nga « ngừng các cuộc tấn công trên biển và trên không ». Đề nghị được đưa ra lần đầu tiên ngày 04/03.

Drone Ukraina tấn công trả đũa một trong hai nhà máy lọc lớn nhất của Nga

Hôm nay, theo thống đốc tỉnh Leningrad miền tây bắc Nga, một bể chứa của nhà máy lọc dầu đã bị hư hại do mảnh vỡ rơi xuống trong một cuộc tấn công bằng drona của Ukraina. Theo France 24, nhà máy lọc dầu Kirishinefteorgsintez (KINEF) là một trong hai nhà máy lọc dầu hàng đầu của Nga, với công suất 17,7 triệu tấn mỗi năm, tương đương 6,4% tổng sản lượng quốc gia.


**********

Tổng thống Trump đe dọa áp thuế đối ứng lên gỗ, sữa từ Canada


Biên giới Mỹ - Canada ở Blaine, Washington, ngày 5/3/2025.
Biên giới Mỹ - Canada ở Blaine, Washington, ngày 5/3/2025.

Hôm 7/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết rằng Canada đã “lừa đảo” Hoa Kỳ trong nhiều năm qua bằng cách đánh thuế đối với gỗ và các sản phẩm từ sữa và ông dọa sẽ áp thuế đối với hai mặt hàng này của Canada sớm nhất là ngày 7/3.

Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục, ông Trump cho biết “mức thuế cực lớn” mà Canada áp dụng đối với các sản phẩm từ sữa và gỗ của Hoa Kỳ khiến Hoa Kỳ không thể bán sản phẩm của mình tại Canada. Ông cho biết trừ khi Canada đồng ý bãi bỏ chúng, ông sẽ áp dụng mức thuế tương tự đối với Canada.

Hôm 6/3, ông Trump đã hoãn một tháng mức thuế mới 25% đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Mexico và Canada sang Hoa Kỳ. Ông cho biết ông đã hoãn thuế quan của Mexico sau khi nghe trực tiếp từ Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, người cho biết chính phủ của bà đã giúp hạn chế dòng người di cư và thuốc phiện fentanyl gây chết người vào Hoa Kỳ.

Một ngày trước đó, ông Trump tuyên bố ông sẽ tạm dừng thuế quan đối với xe nhập khẩu từ hai nước láng giềng này của Hoa Kỳ sau khi ba nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hoa Kỳ cho biết thuế quan sẽ có tác động tài chính nghiêm trọng đến họ.

Ông Trump cho biết hôm 7/3: “Ấn Độ áp thuế rất cao đối với chúng tôi” và Hoa Kỳ không thể bán bất cứ thứ gì ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo hôm 7/3 rằng họ đang làm việc về một thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ sẽ “giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan và tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng giữa hai nước”.


************

Chính phủ Mỹ cắt không cho Ukraine tiếp cận hình ảnh vệ tinh


Nhân viên cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại Kharkiv, Ukraine, ngày 7 tháng 3 năm 2025, trong bức ảnh do Cơ quan Cứu hộ Ukraine cung cấp.
Nhân viên cứu hỏa dập tắt đám cháy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga tại Kharkiv, Ukraine, ngày 7 tháng 3 năm 2025, trong bức ảnh do Cơ quan Cứu hộ Ukraine cung cấp.

Công ty hàng không vũ trụ Mỹ Maxar Technologies cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã vô hiệu hóa quyền tiếp cận của người dùng Ukraine đối với hình ảnh vệ tinh trên một nền tảng của chính phủ Mỹ, vì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ việc chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv.

Trong một phát biểu, Maxar cho biết họ có những hợp đồng với chính phủ Mỹ và hàng chục quốc gia đồng minh và đối tác, và "Mỗi khách hàng tự quyết định cách họ sử dụng và chia sẻ dữ liệu đó."

Công ty cho biết hợp đồng được nói tới là GEGD (chương trình Cung cấp Tình báo Địa lý Cải tiến Toàn cầu), một chương trình của chính phủ Mỹ cho người dùng tiếp cận hình ảnh vệ tinh thương mại do Mỹ thu thập.

"Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định tạm thời đình chỉ các tài khoản của Ukraine trong GEGD," Maxar nói, và cho biết nên chuyển câu hỏi đến Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Hoa Kỳ, nơi đã xác nhận việc này.

"Tuân theo chỉ thị của chính quyền về việc hỗ trợ Ukraine, Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia Hoa Kỳ đã tạm thời đình chỉ khả năng tiếp cận hệ thống Cung cấp Tình báo Địa lý Cải tiến Toàn cầu, hay GEGD, là cổng chính để tiếp cận hình ảnh thương mại do chính phủ Hoa Kỳ mua," một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết.

Hành động của Maxar lần đầu tiên được hãng tin quân sự Militarnyi đưa tin.

"Chúng tôi rất coi trọng các cam kết theo hợp đồng của mình và không có thay đổi nào đối với các chương trình khách hàng khác của Maxar," công ty nói trong một phát biểu.

John Ratcliffe, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), hôm thứ Tư nói rằng Washington đã đình chỉ việc chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy để buộc họ hợp tác với chính quyền Trump trong việc xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.


************

TIN TỔNG HỢP

RFI

(Reuters) – TT Trump có thể thu hồi quy chế tị nạn tạm thời của hơn 240.000 người Ukraina ở Hoa Kỳ. Khi được hỏi về việc hủy quy chế cấp tị nạn tạm thời của người Ukraina và trục xuất họ, hôm qua, 06/03/2025, tổng thống Hoa Kỳ cho rằng « có một số người cho là phù hợp, một số thì không, tôi sẽ sớm đưa ra quyết định ». Các nguồn thạo tin cho biết việc hủy bỏ các biện pháp bảo hộ cho người Ukraina, chỉ là một trong những mục đích của chính quyền Trump, nhằm tước bỏ tư cách pháp lý của hơn 1,8 triệu người di cư, được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ, theo chính sách được người tiền nhiệm Joe Biden đưa ra. Các nguồn tin này cho biết chính quyền Trump sẽ đưa ra quyết định cụ thể, sớm nhất là vào tháng Tư.

(AFP) – Tòa án Hàn Quốc hủy lệnh bắt giữ tổng thống Yoon Suk Yeol. Hôm nay 07/03/2025, ông Yoon đã được ra tù, sau khi tòa án chấp nhận yêu cầu của các luật sư của ông hủy bỏ lệnh bắt giữ. Tuy nhiên, phán quyết này không đồng nghĩa với việc tư pháp bác bỏ các cáo buộc hình sự dẫn đến lệnh bắt giữ ông Yoon vào ngày 15/01.

(AFP) – Đài Loan phát hiện 11 khinh khí cầu Trung Quốc gần hòn đảo. Hôm nay, 07/03/2025, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết trong vòng 24 giờ qua, tổng cộng 11 khinh khí cầu được phát hiện xung quanh hòn đảo và đây là con số kỷ lục tính từ tháng 08/2023. Vào cuối tháng Hai vừa qua, Đài Bắc cũng đã lên án Bắc Kinh tổ chức tập trận bắn đạn thật, tại một khu vực nằm cách hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, khoảng 74 km về phía nam. Các khinh khí cầu, được trang bị nhiều thiết bị điện tử, bay qua các căn cứ quân sự, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh thu thập các thông tin nhạy cảm. 

(AFP) – Philippines đàm phán hiệp ước quốc phòng với Canada. Hôm nay, 07/03/2025, trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Philippines cho biết đã đàm phán thành công với Canada cho phép huy động lực lượng quân sự, tăng cường hợp tác quân sự giữa hai bên. Tuy nhiên, Manila không nêu rõ lịch trình ký kết thỏa thuận này. Philippines đã thiết lập thỏa thuận quân sự với nhiều nước, như Mỹ, Úc và Nhật Bản, trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gia tăng ở biển Đông. 

(AFP) – Pháp : Giao thông gián đoạn ở nhà ga Paris Gare du Nord. Tất cả các chuyến tàu hỏa Eurostar rời và đến Gare du Nord đều bị hủy vào hôm nay 07/03/2025 sau khi nhà chức trách phát hiện một quả bom từ Đệ Nhị Thế Chiến chưa nổ trên đường ray gần Saint-Denis. Các tuyến tàu bị ảnh hưởng bao gồm Luân Đôn-Paris và Bruxelles-Paris.

(AFP) Giáo Hoàng Phanxicô nhập viện từ 4 tuần qua. Hôm nay 07/03/2025 đánh dấu tròn một tháng giáo hoàng nhập viện. Ở tuổi 88, tình trạng sức khỏe của ngài ổn định, nhưng vẫn đáng lo ngại. Trước đó một hôm, Tòa thánh Vatican đã công bố một đoạn ghi âm ngắn của giáo hoàng cám ơn các tín đồ vì những lời cầu nguyện, mặc dù giọng nói rất yếu. Hành động này nhằm trấn an các tín đồ, vào thời điểm những tin đồn về việc ngài từ trần lan truyền trên mạng xã hội.

(AFP) – Hoa Kỳ : Donald Trump ký nghị định thiết lập kho dự trữ bitcoin chiến lược. Kho dự trữ này sẽ được bổ sung bởi những bitcoin mà chính phủ liên bang đã tịch thu, cũng như các loại tiền ảo như Ether hay XRP. Nghị định được ký hôm qua, 06/03/2025, của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng ra lệnh cho bộ Tài chính và Thương mại, phát triển « chiến lược ngân sách trung lập », để mua thêm bitcoin, mà không gây ra « chi phí bổ sung » cho người nộp thuế.


************

Tàu hộ tống Pháp thăm Việt Nam nhằm tăng cường an ninh hàng hải

VOA Tiếng Việt

Một tàu hộ tống đa nhiệm thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp đã cập cảng thăm thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chiến dịch Clemenceau 25 của hải quân nước này nhằm tăng cường an ninh hàng hải khu vực Thái Bình Dương.

“Cũng như Việt Nam, Pháp là thành viên của Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS), quy tụ 23 quốc gia có chung mối quan tâm về an ninh hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương” Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết trong bài đăng trên Facebook hôm 7/3.

Chuyến thăm của tàu Pháp lần này góp phần tăng cường quan hệ tin cậy giữa Pháp và Việt Nam, cũng như những “cơ hội góp phần làm sâu sắc trao đổi giữa hai nước chúng ta”, cơ quan ngoại giao của Pháp cho biết thêm.

Tàu chiến Pháp, do Đại úy Lionel Siegfried chỉ huy, đã cập cảng Lotus Port ở Quận 7 như một phần của Chiến dịch Clemenceau 25, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Pháp triển khai trên khắp khu vực. Chuyến thăm này củng cố quan hệ đối tác và hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp khi Paris tái khẳng định cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Ngày 6/3, phát biểu trên tàu hộ tống đa nhiệm Provence thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh sự hiện diện của tàu thể hiện “thiện chí và trách nhiệm” của Paris trong việc đảm bảo an ninh và tự do tại khu vực, báo Tuổi Trẻ Online tường thuật.

“Lần cập cảng này là cơ hội để hai bên có thể trao đổi kỹ năng về chuyên môn kỹ thuật và vận hành, từ đó cùng nhau xây dựng các giải pháp để đối phó với các thách thức trong khu vực”, theo bài đăng trên Facebook của Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Được triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khuôn khổ chiến dịch Clemenceau 25, tàu Provence cập cảng Lotus, quận 7, của Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 1/3, truyền thông Việt Nam đưa tin.

Kết thúc chuyến thăm hôm 7/3, tàu Provence đã tiến hành luyện tập chung với tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển ngoài khơi Vũng Tàu.

Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp đã tham gia nhiều chương trình huấn luyện chung, trong đó có cuộc tập trận đa quốc gia La Pérouse 25 cùng 9 nước trong khu vực, trong đó có Indonesia, Malaysia và Singapore, theo Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.

Hiện trong chiếc dịch Clemenceau 25, khi tàu hộ tống Provence thăm Việt Nam, thì tàu sân bay chủ lực Charles de Gaulle cập cảng Căn cứ Hải quân Changi của Singapore từ ngày 4/3, cùng với tàu khu trục phòng không lớp Horizon FS Forbin và khinh hạm Alsace. Trong khi đó tàu tiếp dầu hạm đội Jacques Chevallier thăm cảng Sembawang của Singapore, theo truyền thông của nước này.


********

Đài Loan lo ngại Bắc Kinh đang tiến hành đàn áp người ủng hộ độc lập Đài Loan ở nước ngoài

Reuters

Đài Loan đang cân nhắc cảnh báo công dân về những rủi ro khi đi du lịch đến các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, chẳng hạn như Lào và Campuchia, vì họ có thể bị rơi vào chiến dịch của Bắc Kinh chống lại những người ủng hộ Đài Loan giành độc lập, theo một quan chức cấp cao của Đài Loan và một bản ghi nhớ nội bộ.

Trung Quốc, quốc gia luôn tuyên bố Đài Loan là của mình bất chấp sự phản đối của hòn đảo này, đã ban hành các hướng dẫn vào năm ngoái nhằm trừng phạt những nhà hoạt động đòi độc lập “cứng đầu” của Đài Loan, bao gồm cả án tử hình, mặc dù tòa án Trung Quốc không có thẩm quyền đối với hòn đảo này.

Cuối tháng trước, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đưa ra chỉ thị kín cho các đơn vị an ninh nhà nước “thực thi” các hướng dẫn ở các quốc gia thân thiện với Trung Quốc, theo một bản ghi nhớ của chính phủ mà Reuters và một quan chức an ninh cấp cao của Đài Loan đã xem. Cả hai đều trích dẫn thông tin tình báo mà Đài Bắc thu thập được để đánh giá.

Văn phòng Sự vụ Đài Loan và Bộ ngoại giao Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trong một tuyên bố, Bộ ngoại giao Đài Loan nói với Reuters rằng Trung Quốc đã cố gắng sử dụng các hướng dẫn để “trói buộc” nền dân chủ và tự do của Đài Loan. Bộ này cho biết họ đã yêu cầu các văn phòng ở nước ngoài theo dõi và đánh giá các rủi ro liên quan và sẽ nâng cao nhận thức của công chúng về an toàn khi đi du lịch.

Các cơ quan an ninh Đài Loan đã xem xét liệu có nên nâng mức cảnh báo về việc đi du lịch đến một số quốc gia nhất định đối với công dân của mình hay không, vị quan chức này cho biết. Reuters không thể xác định liệu có bất kỳ quyết định cảnh báo nào được đưa ra hay các quốc gia mà quá trình đánh giá này đang xem xét hay không.

Người Đài Loan ở Campuchia, Lào và một số quốc gia châu Phi không xác định có thể có nguy cơ bị đưa đi điều tra vì nghi ngờ ủng hộ độc lập, vị quan chức này cho biết, trích dẫn đánh giá của Đài Loan về diễn biến này và nói với điều kiện giấu tên.

“Họ có thể bị cảnh sát địa phương hoặc công an Trung Quốc ở đó thẩm vấn, ít nhất là để đe dọa họ về mặt tâm lý”, vị quan chức này nói với Reuters.

Các bộ ngoại giao ở Campuchia và Lào không trả lời lập tức các yêu cầu bình luận.

Vị quan chức này cho biết Đài Loan đã kết luận rằng một số quốc gia, bao gồm một số quốc gia ở Đông Nam Á, đã từ chối hợp tác với yêu cầu của Trung Quốc.

Đài Loan đã lên tiếng về việc Trung Quốc gia tăng áp lực trong những năm gần đây, bao gồm các hành động quân sự, lệnh trừng phạt thương mại và tuần tra của lực lượng hải cảnh xung quanh các đảo do Đài Loan kiểm soát gần Trung Quốc.

Các hướng dẫn của Bắc Kinh ban hành vào tháng 6 đã chỉ thị cho tòa án, công tố viên và các nhân viên an ninh nhà nước Trung Quốc “trừng phạt nghiêm khắc những người cứng đầu đòi độc lập cho Đài Loan” vì cái mà họ gọi là “ly khai”.

Bản ghi nhớ cho biết chỉ thị này được đưa ra trong cuộc họp kéo dài hai ngày về Đài Loan bắt đầu từ ngày 25/2, trích dẫn thông tin tình báo của Đài Loan. Cuộc họp do ông Vương Hỗ Ninh, một thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tinh nhuệ của Đảng Cộng sản và là một trong những cố vấn thân cận nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ trì, bản ghi nhớ cho biết thêm.

Trong cuộc họp, các đại sứ quán và đồn công an ở nước ngoài của Bắc Kinh tại các quốc gia có “mức độ tin cậy cao” với Trung Quốc đã được yêu cầu thực hiện các hướng dẫn bằng cách nhắm mục tiêu vào khách du lịch, sinh viên và cư dân Đài Loan, bản ghi nhớ của chính phủ Đài Loan cho biết.

Chính phủ Trung Quốc trước đây đã phủ nhận việc duy trì các đồn công an ở nước ngoài nhưng cho biết có các trung tâm do tình nguyện viên điều hành bên ngoài Trung Quốc giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy tờ và cung cấp các dịch vụ khác.

Chính phủ Đài Loan đã đưa ra cảnh báo du lịch đối với Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái sau đe dọa từ Bắc Kinh, vốn bị Đài Bắc và Washington lên án.

Bộ ngoại giao Đài Loan hiện đang đưa ra cảnh báo du lịch “màu cam”, mức độ cao thứ hai, đối với cả Campuchia và Lào, yêu cầu công dân không đi tới đó trừ khi thực sự cần thiết vì các trung tâm lừa đảo giam giữ và đưa người nói tiếng Trung đến làm việc tại đó.

Luật chống ly khai 20 năm tuổi của Trung Quốc trao cho quốc gia này cơ sở pháp lý để hành động quân sự chống lại Đài Loan nếu Đài Loan ly khai hoặc khả năng “thống nhất” hòa bình đã cạn kiệt. Luật này không rõ ràng về những gì cấu thành nên nền độc lập của Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan bác bỏ các tuyên bố về chủ quyền của Bắc Kinh và nói rằng chỉ có người dân hòn đảo này mới có thể quyết định tương lai của họ.

Đài Loan, nơi có quân đội, hộ chiếu và tiền tệ riêng, được quản lý độc lập với tên gọi chính thức là Trung Hoa Dân Quốc. Chính phủ Cộng hòa đã chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến với những người cộng sản của Mao Trạch Đông, những người đã thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).


*********

Tổng thống Trump hoãn áp thuế theo thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada


Lá cờ của Hoa Kỳ, Canada và Mexico, 3 quốc gia là đối tác trong một hiệp định thương mại Bắc Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hoãn thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa từ Canada và Mexico cho tới ngày 2/4/2025.
Lá cờ của Hoa Kỳ, Canada và Mexico, 3 quốc gia là đối tác trong một hiệp định thương mại Bắc Mỹ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hoãn thuế 25% đối với hầu hết hàng hóa từ Canada và Mexico cho tới ngày 2/4/2025.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hoãn thuế 25% mà ông áp dụng trong tuần này đối với hầu hết hàng hóa từ Canada và Mexico vào thứ Năm (6/3), động thái mới nhất trong chính sách thương mại đầy biến động đã làm chao đảo thị trường và làm dấy lên lo ngại về lạm phát và tăng trưởng.

Các miễn trừ đối với hai đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ sẽ hết hạn vào ngày 2/4, khi ông Trump đe dọa sẽ áp dụng chế độ thuế quan đối ứng trên toàn cầu đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ.

Ông Trump, người đã áp dụng các khoản thuế vào thứ Ba, đã đề cập đến một miễn trừ chỉ dành cho Mexico vào đầu ngày thứ Năm, nhưng bản sửa đổi mà ông ký vào cuối ngày cũng bao gồm cả Canada. Ba quốc gia này là đối tác trong một hiệp định thương mại Bắc Mỹ.

Đáp trả lại, Canada sẽ hoãn đợt áp thuế trả đũa thứ hai theo kế hoạch đối với 125 tỷ đô la Canada (87,4 tỷ đô la Mỹ) hàng hóa của Hoa Kỳ cho đến ngày 2/4, Bộ trưởng Tài chính Dominic LeBlanc cho biết trong một bài đăng trên X.

Đối với Canada, lệnh sửa đổi của Nhà Trắng cũng loại trừ thuế đối với kali, một loại phân bón quan trọng đối với nông dân Hoa Kỳ, nhưng không bao gồm đầy đủ các sản phẩm năng lượng, mà ông Trump đã áp dụng mức thuế riêng là 10%.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết đó là do không phải tất cả các sản phẩm năng lượng nhập khẩu từ Canada đều nằm trong phạm vi của Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada mà ông Trump đã đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với tư cách là tổng thống.

Ông Trump đã áp dụng thuế quan sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 20/1, ngày đầu tiên ông nhậm chức, vì nhiều ca tử vong do dùng quá liều fentanyl, với lý do loại thuốc phiện gây chết người này và các hóa chất tiền thân của nó được chuyển từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ qua Canada và Mexico.

Ông Trump cũng đã áp thuế 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trung Quốc nói họ sẽ “kiên quyết phản đối” áp lực từ Hoa Kỳ về vấn đề fentanyl, thúc giục Hoa Kỳ tự giải quyết tình trạng lạm dụng loại thuốc này.

“Không quốc gia nào có thể tưởng tượng rằng một mặt họ có thể đàn áp Trung Quốc, mặt khác vẫn phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào thứ Sáu.

Ông Trump lần đầu tiên công bố các khoản thuế vào đầu tháng 2, nhưng đã hoãn lại cho đến thứ Ba đối với Canada và Mexico. Tuần này, ông đã từ chối hoãn thêm và tăng gấp đôi mức thuế 10% áp dụng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ ngày 4/2.

“Vào ngày 2/4, chúng tôi sẽ áp dụng thuế quan đối ứng, và hy vọng Mexico và Canada sẽ làm tốt về fentanyl để vấn đề này không còn xuất hiện trong việc thương thảo, và chúng ta sẽ chỉ chuyển sang thảo luận về thuế quan đối ứng”, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với CNBC.

“Nhưng nếu họ không làm vậy, thì việc này sẽ vẫn tiếp tục”.

Ông Trump cũng cho biết mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ có hiệu lực theo lịch trình vào ngày 12/3. Canada và Mexico đều là những nước xuất khẩu kim loại hàng đầu sang thị trường Hoa Kỳ, trong đó Canada chiếm phần lớn lượng nhôm nhập khẩu.

Vào thứ Tư, ông Trump đã miễn thuế 25% đối với mặt hàng ô tô mà ông đã áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico kể từ thứ Ba, mức thuế mà các nhà kinh tế coi là đe dọa sẽ thúc đẩy lạm phát và kìm hãm tăng trưởng ở cả ba nền kinh tế.

Ông Trump đã ban hành các miễn trừ sau khi gặp các giám đốc điều hành của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Hoa Kỳ, Ford, General Motors và Stellantis.

Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã tiếp tục đợt bán tháo vào thứ Năm, khi các nhà đầu tư coi những diễn biến qua lại về thuế quan là một mối lo ngại. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các khoản thuế có thể làm bùng phát trở lại tình trạng lạm phát và làm chậm nhu cầu và tăng trưởng.

Chỉ số S&P 500 vào lúc đóng cửa giao dịch giảm 1,8% và hiện đã giảm gần 7% kể từ giữa tháng 2.


************

Châu Âu tái vũ trang, đau đầu vì tiền

Anh Vũ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron báo động về mối đe dọa Nga kêu gọi gia tăng chi tiêu quân sự, thượng đỉnh Bruxelles thông qua tái vũ trang châu Âu, tiếp tục hậu thuẫn cho Ukraina là những chủ đề lớn được các báo Pháp hôm nay 07/03/2025 tập trung khai thác nhiều.

Le Monde chạy tựa chính, trích phát biểu của tổng thống «Macron : Mối đe dọa Nga ở đây ».  Tựa chính của La Croix « Nước Nga đe dọa chúng ta như thế nào », Libération thì ghi nhận : «  Nhóm 27 nước (EU) sẵn sàng rút gươm »,  trong khi đó Le Figaro đi vào trọng tâm của vấn đề : «  Chủ trương tái vũ trang của Pháp, đau đầu vì tài chính ».

Với bài xã luận mang tiêu đề : « Sự thức tỉnh đau đớn với các nước châu Âu », Le Monde ghi nhận trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 05/03, Emmanuel Macron đã khẳng định nước Pháp cần chuẩn bị tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ cho chính mình cũng như cho cả lục địa già, khi Putin và Trump đang xích lại gần nhau.

Le Monde nhận thấy, những tuần qua, tổng thống Pháp rất năng nổ trên trường quốc tế. Ông đã tuyên bố sẵn sàng mở cuộc tranh luận chiến lược về việc bảo vệ các đồng minh trên lục địa châu Âu bằng khả năng răn đe hạt nhân của Pháp. Ông Macron đang cố gắng khẳng định vai trò lãnh đạo của Pháp trong bối cảnh tương lai của châu Âu đang bị đe dọa sau thái độ quay ngoắt của Donald Trump.

Nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn là tiền, nhất là vào lúc nước Pháp cũng như cả châu Âu đang trong khó khăn phải tìm cách cắt giảm chi tiêu ngân sách.

Vấn đề « đầu tiên - tiền đâu »

Với châu Âu  tái vũ trang, tự chủ quốc phòng rõ ràng là cấp bách nhưng vấn đề « tiền đâu » mới là tiên quyết.  Nhật báo Le Figaro trong bài : « Các nước châu Âu sẵn sàng gia tăng tái vũ trang và thảo luận về mở rộng răn đe hạt nhân Pháp » ghi nhận, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Bruxelles, các lãnh đạo châu Âu đã thông qua kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu nhằm tài trợ cho chi tiêu quân sự.

Xã luận tờ báo nhấn mạnh : « Mặc dù tính cấp thiết của việc tái vũ trang toàn diện ở châu Âu không còn là vấn đề gây tranh cãi nữa…  nhưng việc này vẫn đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ.  Kế hoạch trị giá 800 tỷ euro mà bà Ursula von der Leyen đưa ra không dự báo một cơn mưa euro từ trên trời rơi xuống: Thực tế là chúng ta sẽ phải vay rất nhiều để đáp ứng nhu cầu ».

Ngân sách : Pháp cũng không khá hơn

Chính phủ Pháp đang cố gắng tìm kiếm nguồn tiền từ mọi hướng mọi cách, nhưng tình hình có vẻ như không có gì sáng sủaCùng chung mối quan tâm, nhật báo Công Giáo La Croix đặt câu hỏi : « Nỗ lực quốc phòng, tìm tiền ở đâu ? ». Bài viết đưa ra nhiều số liệu để cho thấy, tài chính công của Pháp đang gặp  khó khăn để có thể cấp thêm ngân sách cho quốc phòng.

Ngân sách quốc phòng của Pháp dự kiến là 51 tỷ euro vào năm 2025 và 67 tỷ euro vào năm 2030, nhưng tổng thống Emmanuel Macron muốn tăng lên 3 đến 3,5% GDP, tương đương khoảng 90 tỷ euro. Liên Âu đã nới lỏng một số quy định ngân sách liên quan đến chi tiêu quốc phòng, nhưng vì Pháp đang trong tình trạng thâm hụt nghiêm trọng (5,4% GDP vào năm 2025), việc tăng thuế gần như không khả thi, trong khi cắt giảm chi tiêu ngân sách đang còn gặp nhiều khó khăn. Ngân sách của Pháp cho năm 2025 đã phải chật vật mới được thông qua, giờ tính chuyện chi thêm thì quả là quá khó cho chính phủ. Trong khi đó Les Echos cho biết, theo một thăm dò dư luận do viện Elabe thực hiện theo yêu cầu của tờ báo thì đa số người dân Pháp ( trên 60%) không sẵn sàng dành ưu tiên tăng ngân sách quốc phòng bằng mọi giá cho dù phần đông vẫn ủng hộ nỗ lực xây dựng một nền quốc phòng chung của châu Âu.

Mối đe dọa Nga không phải giờ mới có

Về chủ đề mối đe dọa từ Nga, La Croix có bài : « Với Paris, chiến tuyến với Nga đang xích gần ». Theo tờ báo , dưới cái nhìn của chính quyền Pháp, Matxcơva sẽ có thể xâm lược các nước châu Âu khác sau khi đạt mục tiêu tại Ukraina. Cuộc đối đầu với châu Âu hiện tại đã bắt đầu theo nhiều cách khác ngoài quân sự. Nhưng ngày mai sẽ ra sao mới là điều quan trọng.

La Croix lưu ý, tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo rằng Nga hiện là mối đe dọa "sống còn " đối với Pháp và châu Âu, không chỉ qua cuộc chiến ở Ukraina mà còn qua các hành động tấn công mạng, can thiệp vào bầu cử, và sử dụng chiến tranh thông tin. Ông cảnh báo nếu không chặn lại, Nga có thể tiếp tục tiến vào Moldova và Rumani, thậm chí xa hơn.

Tờ báo trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù quân đội Nga gặp khó khăn ở Ukraina, nhưng nguy cơ họ mở rộng chiến tranh sang các nước láng giềng là có thật, do mục tiêu của Putin là hồi sinh một đế chế "Nga hùng cường" và xóa đi thất bại trong Chiến tranh Lạnh, đẩy lùi NATO và phá hoại Liên minh châu Âu. Chính sách ôn hòa sẽ chỉ làm tăng cường sự hung hãn của Nga, và các quốc gia châu Âu cần hành động để bảo vệ chủ quyền Ukraina và tạo ra một sức mạnh răn đe đáng tin cậy.

Hậu quả nhãn tiền khi Hoa Kỳ rút hỗ trợ Ukraina

Việc Washington đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Kiev và các hệ lụy ngay lập tức đối với cuộc chiến của Ukraina cũng là đề tài của nhiều tờ báo.  Vẫn trên Le Figaro có bài : « Việc đóng băng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ có thể gây khó khăn cho quân đội Ukraina ngay từ mùa hè »

Theo bài báo, quyết định của Donald Trump Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraina, gồm 3,85 tỷ đô la, ngừng cung cấp vũ khí và thông tin tình báo, không khiến quân đội Ukraine sụp đổ ngay lập tức, nhưng có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho họ từ mùa hè. Ukraina cần có khoảng sáu tháng để thích nghi và hy vọng trông cậy vào sự hỗ trợ của châu Âu nhằm bù đắp những tổn thất này, theo các chuyên gia .

Vẫn theo Le Figaro, mặc dù Kiev đã giảm sự phụ thuộc vào Mỹ kể từ khi xung đột bắt đầu năm 2022, nhưng một số trang thiết bị quan trọng vẫn rất khó thay thế. Ukraina đã tăng cường sản xuất đạn dược và drone, vốn trở thành yếu tố then chốt trên chiến trường. Tuy nhiên, việc mất các hệ thống phòng không của Mỹ như Patriot có thể khiến cơ sở hạ tầng của Ukraina dễ bị tấn công bởi các cuộc không kích của Nga. Ngoài ra, vũ khí tầm xa như tên lửa Atacms gần như không thể thay thế.

Việc Mỹ ngừng chia sẻ thông tin tình báo càng làm tình hình trở nên phức tạp, khiến Ukraina gặp khó khăn hơn trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga và xác định mục tiêu tấn công.

Cũng về chủ đề này, báo Libération có bài giải thích rõ hơn với tựa đề : « Tình báo : Không có Washington Kiev lâm vào thế khó ». Về bản chất của hợp tác tình báo giữa Hoa Kỳ và Ukraina, Libération dẫn lời chuyên gia về lĩnh vực tình báo Jonathan Guiffard, thuộc viện nghiên cứu địa chính trị Pháp cho biết : « Đây là sự hợp tác rất quan trọng bắt đầu sau khi Crimée bị chiếm năm 2014 và mang tầm mức hoàn toàn khác với cuộc xâm lược Ukraina vào năm 2022. Chính điều này đã giúp Ukraina không sụp đổ chỉ trong ba ngày khi chiến tranh nổ ra, sau đó giành lại quyền kiểm soát và thể hiện khả năng tấn công ». Cụ thể, tình báo Mỹ chia sẻ các hình ảnh vệ tinh, cung cấp hệ thống chặn thông tin liên lạc và dữ liệu mạng, cũng như các hoạt động đào tạo. Thông tin tình báo Mỹ cung cấp dữ liệu chung về chiến lược quân sự của Nga và tọa độ mục tiêu để Kiev có thể tấn công các mục tiêu tầm xa của kẻ thù.

Như vậy quyết định trên của Washington gây hậu quả quân sự như thế nào cho Kiev ? 

Theo Libération, những hậu quả của việc cắt nguồn thông tin tình báo đến nhanh hơn nhiều so với việc ngừng cung cấp vũ khí đạn dược. Không có tin tình báo, chiến trường trở nên mù mờ do thiếu thông tin vệ tinh, quân đội Ukraina sẽ không còn có thể lập kế hoạch tấn công sâu, đặc biệt là vào các mục tiêu chiến lược khác. Họ cũng sẽ không thể phát hiện bất kỳ hành động nào đến từ xa, như các cuộc không kích. Ukraina cũng có thể lo ngại Matxcơva sẽ tận dụng tình hình tình báo của đối phương suy yếu để di chuyển vũ khí đến gần tiền tuyến hơn và đạt được những đột phá mới. Câu hỏi đặt ra là các nước châu Âu có thể bù đắp vào sự thiếu hụt của tình báo Mỹ. Các chuyên gia được Libération trích dẫn đều có chung câu trả lời là « Không ».  Bao nhiều năm nay châu Âu vẫn ủy thác, dựa vào khả năng tình báo Mỹ, giờ mới ý thức được sự chậm trễ, muốn bắt kịp thì phải mất cả chục năm nữa. 

Donald Trump-Vladimir Putin, mối quan hệ nguy hiểm ?

Liên quan đến quan hệ Nga Mỹ và cụ thể là giữa tổng thống hai nước, Les  Echos có bài : « Putin ngày càng chi phối mạnh Trump ».

Bài báo nhận thấy, từ khi nhậm chức, Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ, coi Vladimir Putin là đối tác chính để chấm dứt chiến tranh Ukraina. Điều này thể hiện sự thực dụng chính trị (realpolitik), nhưng cũng có tình cảm ngưỡng mộ của Trump dành cho nhà lãnh đạo Nga từ lâu nay. Putin nhận thức rõ ảnh hưởng của mình đối với Trump và đã khai thác điều này một cách hiệu quả. Trong những ngày gần đây, Mỹ đã đưa ra hàng loạt nhượng bộ đáng kể với Nga, bao gồm việc phản đối một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraina, cắt viện trợ quân sự cho Kiev, ngừng cung cấp thông tin tình báo và đình chỉ các hoạt động tấn công mạng nhằm vào Matxcơva. Thậm chí, chính quyền Trump còn dự tính xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Chiến lược của Trump là thúc đẩy một nền hòa bình, với mục tiêu tách Nga khỏi liên minh với Trung Quốc, quốc gia mà ông coi là đối thủ địa chính trị thực sự. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẵn sàng từ bỏ Ukraina và châu Âu, chấp nhận yêu cầu của Matxcơva  đòi Ukraina phải nhượng lãnh thổ, không gia nhập NATO và không được Mỹ bảo đảm an ninh. 


************************

Hoa Kỳ : Lần đầu tiên Donald Trump "chấn chỉnh" Elon Musk vì mạnh tay sa thải công chức

Trong bối cảnh chiến dịch tinh giản biên chế của Elon Musk gây nhiều tranh cãi, hôm qua, 06/03/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi « sử dụng dao mổ », thay vì « dùng rìu » để thu gọn bộ máy liên bang, và trao quyền cho các bộ trưởng quyết định nhân sự thay vì cơ quan DOGE do Musk lãnh đạo.

Elon Musk leaves after meeting with Senate Republicans, at the Capitol in Washington, Wednesday, March 5, 2025
Elon Musk, đứng đầu bộ DOGE phụ trách tinh giản bộ máy liên bang, rời cuộc họp với các thượng nghị sĩ Cộng Hòa, điện Capitol, Washington, Mỹ, ngày 05/03/2025. AP - Ben Curtis
Quảng cáo

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình :

« Donald Trump là một người chú trọng hình ảnh. Ông ta hiểu rằng hình ảnh Elon Musk cầm máy cưa tấn công vào bộ máy quan liêu không phải lúc nào cũng được nhìn nhận một cách tích cực. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, tổng thống Hoa Kỳ hiện khuyến nghị nên thực hiện công việc này bằng dao mổ thay vì bằng rìu.

Để làm rõ điều này, ông đã tập hợp hầu hết các bộ trưởng và Elon Musk. Theo đó, quyết định sa thải ai hay không sẽ do các bộ trưởng quyết định, tuy nhiên Elon Musk và đội ngũ của ông vẫn có thể đưa ra khuyến nghị hoặc thực hiện kiểm tra lại nếu việc cắt giảm bộ máy nhân sự vẫn chưa đủ.  

Donald Trump muốn giữ lại những công chức có trình độ và năng suất cao nhất trong đội ngũ nhân sự. DOGE đã gây ra một số sự cố, ví dụ như việc sa thải nhầm các nhân viên làm việc trong chương trình vũ khí hạt nhân, và chính phủ đã nhanh chóng gọi họ trở lại làm việc. Trên hết, vai trò chính thức của Elon Musk và bộ DOGE, vốn không rõ ràng trong bộ máy của chính phủ Trump, đã dẫn đến các vụ kiện tụng và thua kiện trước tòa án. Nhưng Donald Trump khẳng định rõ là mục tiêu tinh giản biên chế công chức liên bang vẫn như cũ. »

Tổng thống Hoa Kỳ cho biết các cuộc họp hội đồng bộ trưởng sẽ được thực hiện hai tuần một lần. Riêng từ đầu tuần này, theo AFP, khoảng 40.000 đến 50.000 nhân viên cơ quan thuế, hơn 70.000 nhân viên bộ Cựu chiến binh, bộ Giáo Dục…, đã bị DOGE sa thải.


***********

Hoa Kỳ rút khỏi hội đồng quản trị quỹ thiệt hại khí hậu của Liên Hiệp Quốc


Các nhà hoạt động tham gia biểu tình gây quỹ hỗ trợ thiệt hại và mất mát tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ COP28, vào ngày 6/12/2023. Hoa Kỳ vừa rút ra khỏi hội đồng quản trị của quỹ này.
Các nhà hoạt động tham gia biểu tình gây quỹ hỗ trợ thiệt hại và mất mát tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ COP28, vào ngày 6/12/2023. Hoa Kỳ vừa rút ra khỏi hội đồng quản trị của quỹ này.

Hoa Kỳ đã rút ra khỏi hội đồng quản trị quỹ thiệt hại khí hậu của Liên Hiệp Quốc, vốn được dành để giúp các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, theo một bức thư mà Reuters xem được.

Việc rút khỏi hội đồng này là một trong nhiều bước đi của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quốc gia giàu nhất thế giới đang rút khỏi nhiều sáng kiến đa phương.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, chính quyền của ông Trump đã dừng việc tham gia của các nhà khoa học Mỹ vào các đánh giá khí hậu toàn cầu, rút khỏi các thỏa thuận tài trợ giúp cho các quốc gia giảm sử dụng than và một lần nữa đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Gần 200 quốc gia đã đồng ý ra mắt quỹ “tổn thất và thiệt hại” tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc vào năm 2023, trong một chiến thắng cho các quốc gia đang phát triển, vốn đã yêu cầu trợ giúp trong nhiều năm do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gia tăng.

“Cả Thành viên Hội đồng của Hoa Kỳ và Thành viên Thay thế của Hoa Kỳ sẽ từ chức, và không thay thế bằng đại diện Hoa Kỳ”, Rebecca Lawlor, đại diện của Mỹ trong hội đồng quản trị của quỹ, cho biết trong một lá thư ngày 4 tháng 3 gửi cho đồng chủ tịch quỹ Jean-Christophe Donnellier.

Việc rút lui có “hiệu lực ngay lập tức”, lá thư nói thêm.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ không trả lời lập tức yêu cầu bình luận.

Quỹ thiệt hại về khí hậu do Ngân hàng Thế giới quản lý, có chủ tịch do Hoa Kỳ bổ nhiệm. Lá thư của Mỹ không đề cập đến bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận quản lý hoặc không làm rõ liệu việc rời khỏi hội đồng quản trị có dẫn đến việc rút hoàn toàn khỏi quỹ hay không.

Tính đến ngày 23/1, các quốc gia giàu có đã cam kết tài trợ 741 triệu đô la cho quỹ, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trong đó Hoa Kỳ đóng góp 17,5 triệu đô la. Không rõ liệu bây giờ Mỹ có thực hiện lời cam kết đó hay không.

Quỹ này dự kiến sẽ bắt đầu tài trợ cho các dự án trong năm nay, hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đã phải chịu thiệt hại không thể khắc phục được do hạn hán, lũ lụt và các tác động khác của khí hậu, chẳng hạn như đất nông nghiệp trở nên cằn cỗi.

Nhà hoạt động Harjeet Singh nói việc Hoa Kỳ rút khỏi quỹ không giải thoát quốc gia này khỏi trách nhiệm giải quyết thiệt hại do khí hậu.

“Là quốc gia phát thải lớn nhất trong lịch sử, Hoa Kỳ phải chịu một phần trách nhiệm đáng kể về những bất lợi về khí hậu ảnh hưởng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương trên toàn thế giới”, ông Singh, giám đốc của Tổ chức phi lợi nhuận Satat Sampada Climate Foundation, nói.


************

Ông Trump nói đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt ngân hàng, thuế quan lên Nga

Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết hôm thứ Sáu (7/3) rằng ông “đang cân nhắc mạnh mẽ” việc áp đặt các lệnh trừng phạt, bao gồm lệnh trừng phạt đối với ngân hàng và thuế quan đối với Nga cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Ông Trump cũng đã tạm dừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine để gây sức ép buộc Kyiv chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn sau cuộc họp gây chấn động tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy một tuần trước.

“Dựa trên thực tế là Nga đang ‘đập nát’ Ukraine trên chiến trường ngay lúc này, tôi đang cân nhắc mạnh mẽ các lệnh trừng phạt ngân hàng, các lệnh trừng phạt (khác) và thuế quan trên diện rộng đối với Nga cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn và THỎA THUẬN GIẢI QUYẾT CUỐI CÙNG VỀ HÒA BÌNH”, ông Trump nói. “Gửi đến Nga và Ukraine, hãy ngồi vào bàn đàm phán ngay bây giờ, trước khi quá muộn. Cảm ơn!!!”

Ông Trump đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì tăng cường trừng phạt Ukraine, bao gồm cả bình luận của ông vào tháng trước rằng Kyiv, không phải Nga, chịu trách nhiệm cho việc bắt đầu chiến tranh.

Lời đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt và thuế quan đối với Nga của ông Trump được đưa ra vài ngày sau khi Reuters đưa tin rằng Nhà Trắng đang vạch ra một kế hoạch có khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga như một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm chấm dứt chiến tranh và cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế với Moscow.

Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đã phải chịu các lệnh trừng phạt rộng rãi do Hoa Kỳ và các đối tác áp đặt sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế doanh thu từ dầu khí của nước này, trong đó có mức trần 60 đô la một thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga.

Cựu Tổng thống Joe Biden cũng đã đưa ra chỉ định trừng phạt đối với các công ty năng lượng và tàu của Nga vận chuyển dầu của nước này, bao gồm các biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay của Washington, vào ngày 10/1, ngay trước khi ông rời nhiệm sở


************

IOC tự tin Tổng thống Trump sẽ ủng hộ Thế vận hội Los Angeles 2028

Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ lâu đã là người ủng hộ và quảng bá cho Thế vận hội Los Angeles 2028, và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tin tưởng vào sự ủng hộ liên tục của ông, Chủ tịch IOC sắp mãn nhiệm Thomas Bach cho biết vào thứ Sáu (7/3).

Thế vận hội đã được trao cho Los Angeles vào năm 2017 khi ông Trump còn là tổng thống. Ông cũng đã gặp ông Bach tại Nhà Trắng vào năm đó, ngay trước khi Thế vận hội được trao cho thành phố này.

Nhưng quyết định của ông Trump vào tháng trước về việc cấm các vận động viên chuyển giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ ở Mỹ đã vi phạm quy định của IOC cho phép các vận động viên chuyển giới tham gia Thế vận hội. Thế vận hội dành cho người khuyết tật cũng cho phép các vận động viên chuyển giới tham gia.

Mặc dù Thế vận hội Los Angeles không phụ thuộc vào nguồn tài trợ của liên bang như hầu hết các kỳ thế vận hội khác, vì dự án này được tư nhân tài trợ, nhưng chính phủ liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp an ninh, vận chuyển và hỗ trợ đi lại cùng với các lĩnh vực hỗ trợ khác cho sự kiện này.

“Lời khuyên của tôi (cho người kế nhiệm) là hãy tin tưởng vào sự hỗ trợ của Tổng thống Trump và chính quyền của ông ấy đối với Thế vận hội tại Los Angeles”, ông Bach, người sẽ thôi chức vào tháng 6, nói tại một cuộc họp báo.

“Ông ấy đã là người quảng bá và ủng hộ Thế vận hội này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Thế vận hội này đã được phân bổ cho Los Angeles trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông ấy yêu thể thao”.

Chính quyền Trump đầu tiên vào năm 2017 đã ban hành lệnh cấm đi lại nhắm vào một số quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, mà Tổng thống khi đó nói là cần thiết để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo.

Điều đó đã gây lo ngại trong thế giới thể thao khi Thế vận hội quy tụ hơn 10.500 vận động viên từ hơn 200 quốc gia. Hàng chục nghìn người khác là nhân viên hỗ trợ nước ngoài, huấn luyện viên, trọng tài, truyền thông và người hâm mộ từ nước ngoài.

“Chúng tôi cũng thấy rằng có một mối quan hệ rất tốt được thiết lập giữa ban tổ chức và Tổng thống Trump cùng chính quyền của ông. Điều này cũng xảy ra tương tự với Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ”, ông Bach nói.

Chủ tịch người Đức, 71 tuổi, sẽ thôi chức vào tháng 6 sau 12 năm phụ trách, với cuộc bầu cử người kế nhiệm sẽ diễn ra vào ngày 20 tháng 3.

Bảy ứng cử viên là Juan Antonio Samaranch, con trai của cựu chủ tịch IOC lâu năm, giám đốc Liên đoàn điền kinh thế giới Sebastian Coe, nhà vô địch bơi lội Olympic nhiều lần Kirsty Coventry, hiện là bộ trưởng thể thao của Zimbabwe, và giám đốc Liên đoàn xe đạp quốc tế David Lappartient.

Hoàng tử Feisal Al Hussein của Jordan, người đứng đầu Liên đoàn thể dục dụng cụ quốc tế Morinari Watanabe và người mới tham gia Olympic kiêm triệu phú Johan Eliasch, người đứng đầu Liên đoàn trượt tuyết quốc tế, là những người còn lại trong danh sách ứng cử viên.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Tư 20256:19 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Tư 20256:17 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Tư 20256:44 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Tư 20255:56 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Tư 20253:51 SA
Thứ Ba, 08 Tháng Tư 20256:28 SA
Thứ Hai, 07 Tháng Tư 20253:28 SA
Chủ Nhật, 06 Tháng Tư 20256:00 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Tư 20256:52 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo