Tin Tức ngày 07 tháng 03 -2025:

Thứ Sáu, 07 Tháng Ba 20255:50 SA(Xem: 745)
Tin Tức ngày 07 tháng 03 -2025:

PutoxTrump-hihoa
**************

Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu thông qua kế hoạch tăng cường phòng thủ

Họp thượng đỉnh tại Bruxelles, Bỉ, hôm qua, 06/03/2025, lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã bật đèn xanh cho một kế hoạch của Ủy Ban Châu Âu huy động khoảng 800 tỷ euro để tăng cường khả năng phòng thủ của khối này.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Antonio Costa (T), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 06/03/2025.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Antonio Costa (T), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 06/03/2025. © Omar Havana / AP
Quảng cáo

Các nước thành viên Liên Âu kể từ nay có thể gia tăng đáng kể các chi tiêu quân sự và các khoản chi tiêu này sẽ không được tính vào thâm thủng ngân sách. Theo quy định hiện hành, các thành viên không để thâm thủng ngân sách vượt quá 3% GDP. Cụ thể, trong vòng 4 năm, các thành viên Liên Âu có thể được huy động khoảng 650 tỷ euro. Ngoài ra, Ủy Ban Châu Âu sẽ cho các nước thành viên vay khoảng 150 tỷ euro để tài trợ cho các dự án quốc phòng.

Số tiền cho vay nói trên sẽ được sử dụng cho các dự án đầu tư chung của ít nhất hai nước thành viên, vào những lĩnh vực mà họ có nhu cầu cấp thiết nhất, chẳng hạn như hệ thống phòng không, tên lửa, drone và hệ thống chống drone, cũng như hệ thống pháo binh. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định với những thiết bị này, "các nước thành viên sẽ có thể gia tăng đáng kể viện trợ cho Ukraina”.

Từ Bruxelles, đặc phái viên RFI Anastasia Becchio tường trình:

"Những tiến bộ “có tính chất quyết định" hướng tới một một châu Âu “mạnh” về phòng thủ: đây là cách mà người khởi xướng hội nghị thượng đỉnh này, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Antonio Costa hoan nghênh cam kết của 27 nước. Bị dồn vào chân tường, lo lắng về việc bị Hoa Kỳ bỏ rơi, các nhà lãnh đạo Liên Âu tỏ quyết tâm tiến về phía trước. 

Họ kêu gọi Ủy Ban Châu Âu tìm kiếm những phương thức mới để tạo điều kiện gia tăng chi tiêu quốc phòng ở tất cả các quốc gia thành viên. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đây là "một bước đột phá nhưng chỉ mới là một giai đoạn". 

Ông tuyên bố: "Trước mối đe dọa hiện nay và cho dù tình hình ở Ukraina sẽ như thế nào, chúng ta cần tăng cường năng lực phòng thủ và cần xây dựng năng lực phòng thủ tự chủ cho châu Âu trong vài năm tới. Tôi hoan nghênh những lựa chọn đã được đưa ra hôm nay, cũng như sự đồng thuận rộng rãi đạt được từ các cuộc thảo luận của chúng ta, một sự đồng thuận mà theo quan điểm của tôi, thể hiện một sự sáng suốt của các lãnh đạo châu Âu và một sự thức tỉnh chiến lược sâu sắc.”

Tổng thống Macron cũng cho biết nhiều nhà lãnh đạo ở Bruxelles đã tiếp xúc với ông về đề nghị mở rộng "chiếc ô hạt nhân" của Pháp ra toàn châu Âu. Đây là một ý tưởng "rất đáng được cân nhắc" theo lời thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và là một ý tưởng “rất thú vị", đối với tổng thống Litva Gitanas Nauseda. 

Nhưng các nhà lãnh đạo Latvia và Cộng hòa Séc lại xem đây là một đề nghị còn quá sớm. Riêng thủ tướng Đức Olaf Scholz thì nhấn mạnh rằng điều quan trọng là châu Âu không nên từ bỏ sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ"


*********

RSF mở chiến dịch kêu gọi phóng thích nữ ký giả Phạm Đoan Trang

VOA Tiếng Việt

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vừa công bố các chiến dịch ưu tiên của mình cho năm 2025, tập trung vào các mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do báo chí và quyền được thông tin đáng tin cậy, đồng thời vận động trả tự do cho 5 nữ nhà báo trên thế giới, trong đó có bà Phạm Đoan Trang.

Ngoài việc giải quyết một số vấn đề và hoạt động chính như bảo vệ báo chí môi trường, các chiến dịch năm nay của RSF còn nêu bật danh sách ưu tiên gồm năm nhà báo đã bị giam giữ bất công khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình: Phạm Đoan Trang (Việt Nam), Sevinj Vagifgizi (Azerbaijan), Frenchie Mae Cumpio (Philippines), Sandra Muhoza (Burundi).

RSF thúc đẩy việc trả tự do cho các nữ nhà báo bị cầm tù: từ trái sang phải, Sandra Muhoza (Burundi), Sevinj Vagifgizi (Azerbaijan), Frenchie Mae Cumpio (Philippines) và Phạm Đoan Trang (Việt Nam).

RSF thúc đẩy việc trả tự do cho các nữ nhà báo bị cầm tù: từ trái sang phải, Sandra Muhoza (Burundi), Sevinj Vagifgizi (Azerbaijan), Frenchie Mae Cumpio (Philippines) và Phạm Đoan Trang (Việt Nam).

“Năm 2025 sẽ là năm của các giải pháp và cách thức huy động mới. Việc triển khai các chiến dịch ưu tiên mới là một phần không thể thiếu trong chiến lược của chúng tôi nhằm bảo vệ báo chí tự do, độc lập và đa nguyên, đồng thời bảo vệ các nhà báo và quyền được thông tin đáng tin cậy của mọi người”, ông Thibaut Bruttin, tổng giám đốc của RSF, cho biết trong thông cáo hôm 6/3.

Bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo, blogger và là người chiến thắng Giải thưởng Tự do Báo chí RSF năm 2019, bị chính quyền Việt Nam bắt giam từ tháng 10/2020. Bà đang thụ án tù 9 năm với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

“Bà vẫn là biểu tượng truyền cảm hứng cho sự phản kháng trước sự đàn áp lan rộng của Việt Nam, nơi 39 nhà báo hiện đang bị giam giữ sau song sắt”, RSF nhận định.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của RSF, nhưng chưa được trả lời.

Vào tháng 3/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Trang thông qua việc trao Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can đảm, nói rằng bà được quốc tế công nhận “vì những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và điều hành tốt tại Việt Nam”.


**********

Philippines cho biết sẽ ký hiệp ước quân sự với Canada

Reuters

Philippines và Canada sẽ ký Hiệp định về Quy chế Lực lượng Thăm viếng (SOVFA) sau các cuộc đàm phán nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai quốc gia, Bộ Quốc phòng Manila cho biết hôm thứ Sáu (7/3).

Bộ Quốc phòng Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ thiết lập khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác và phối hợp quân sự và quốc phòng giữa hai quốc gia và cải thiện khả năng tương tác giữa các lực lượng của họ.

“Philippines mong đợi tác động tích cực của SOVFA, dự kiến sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, bộ này nói, gọi đây là một cột mốc trong quan hệ quốc phòng song phương.

Canada đã ủng hộ lập trường của Philippines về Biển Đông, ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực rằng các yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc bác bỏ phán quyết đó.

Năm 2023, Philippines và Canada đã ký một thỏa thuận sử dụng hệ thống Phát hiện tàu ngầm của Ottawa để chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý của các tàu đã tắt máy phát sóng vị trí để tránh bị phát hiện.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Philippines đã mở rộng quan hệ đối tác an ninh của mình trong khi vẫn duy trì liên minh lâu đời với đồng minh hiệp ước là Hoa Kỳ.

Tháng trước, Philippines đã kết thúc các cuộc đàm phán tương tự với New Zealand và hai nước dự kiến sẽ ký một thỏa thuận chính thức vào quý 2 năm nay.

Năm ngoái, Philippines đã phê chuẩn một thỏa thuận tiếp cận qua lại với Nhật Bản, là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này mà Tokyo đã ký ở Châu Á, cho phép quân đội hai nước được triển khai trên lãnh thổ của nhau.


************

Pháp cấp thông tin tình báo quân sự cho Ukraine khi Hoa Kỳ rút lui


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “Tương lai của châu Âu không phải là phải được quyết định ở Washington hay Moscow”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “Tương lai của châu Âu không phải là phải được quyết định ở Washington hay Moscow”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu ngày 6/3 loan báo Pháp đang chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine, một động thái diễn ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố cắt đứt chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine.

Động thái này diễn ra khi các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu họp tại Brussels hôm 6/3, cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, để thảo luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng và củng cố các cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trước các cuộc đàm phán rằng các thành viên EU sẽ “thực hiện các bước tiến quyết định”, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự thay đổi trong sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Ukraine dưới thời Tổng thống mới Donald Trump.

“Tương lai của châu Âu không phải là phải được quyết định ở Washington hay Moscow”, ông Macron nói.

Đầu tuần này, ông Trump đã ra lệnh cho Hoa Kỳ đình chỉ viện trợ quân sự cho lính Ukraine sau cuộc họp gây tranh cãi của ông vào tuần trước với ông Zelenskyy tại Tòa Bạch Ốc.

Giám đốc CIA John Ratcliffe hôm 5/3 loan báo Hoa Kỳ ngay thời điểm này đã chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv, mặc dù điều này có thể không kéo dài sau khi ông Zelenskyy tuyên bố những lời qua tiếng lại với ông Trump tại Phòng Bầu dục là “đáng tiếc” và rằng Ukraine đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

“Tôi nghĩ rằng trên mặt trận quân sự và mặt trận tình báo, sự tạm dừng [khiến tổng thống Ukraine phải đáp ứng], tôi nghĩ sẽ biến mất”, ông Ratcliffe nói với Fox Business Network.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sát cánh cùng Ukraine vì chúng ta phải đẩy lùi hành vi xâm lược đang diễn ra, nhưng phải đưa thế giới vào một vị thế tốt đẹp hơn để các cuộc đàm phán hòa bình này có thể tiến triển”, ông Ratcliffe nói.

Kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2022, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine nhiều thông tin tình báo quan trọng, bao gồm thông tin quan trọng mà quân đội nước này cần để nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga.

Ông Mike Waltz, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, trả lời các phóng viên hôm 5/3 rằng Hoa Kỳ “đã lùi lại một bước” và chính quyền đang “xem xét lại mọi khía cạnh” trong mối quan hệ tình báo của mình với Ukraine.

Trong khi đó, ông Waltz nói với CBS News rằng Hoa Kỳ đang hành động nhanh chóng để bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh và ký một thỏa thuận về quyền khai thác khoáng sản với Kyiv.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm thấy động thái này”, ông Waltz nói.

Ông cho biết các quan chức của ông Trump sẽ gặp gỡ các quan chức Ukraine khi họ tiến hành ngoại giao con thoi với Nga.

“Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với người đồng cấp của mình, cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, về thời gian, địa điểm, phái đoàn”, ông Waltz nói.

Đạt được một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ rất khó khăn. Ukraine từ lâu đã yêu cầu khôi phục lại các đường biên giới được quốc tế công nhận năm 2014 trước khi Moscow đơn phương chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine. Tổng cộng, Nga hiện nắm giữ khoảng một phần năm lãnh thổ Ukraine, bao gồm phần lớn miền đông Ukraine và đã tuyên bố sẽ không trả lại bất kỳ phần nào cho chính quyền Kyiv.


**********

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2% cho năm 2025

Thùy Dương

Một ngày sau Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), hôm nay 05/03/2025 tại Bắc Kinh, bắt đầu kỳ họp hàng năm Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc Hội), với sự tham dự chủ tịch Tập Cận Bình và gần 3.000 đại biểu.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Theo AFP, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, trong báo cáo công tác thường niên, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thông báo ngân sách quân sự cho năm 2025 tăng 7,2%. Từ nhiều thập niên qua, Bắc Kinh liên tục tăng chi tiêu quân sự, đặc biệt là để tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc hiện giờ là nước chi tiêu nhiều cho quân sự, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Riêng về hồ sơ Đài Loan, 1 trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Reuters, thủ tướng Lý Cường khẳng định Bắc Kinh « kiên quyết thúc đẩy » nỗ lực để « thống nhất » Đài Loan, phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, và nỗ lực hợp tác với người dân Đài Loan để phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Người đứng đầu chính phủ cũng thông báo các ưu tiên kinh tế cho năm 2025, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trì trệ và hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị tổng thống Donald Trump áp thêm mức thuế 20%.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế « khoảng 5% » cho năm 2025, bằng mức năm ngoái. Nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này đầy tham vọng, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng kéo dài về bất động sản, tiêu dùng trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst gửi về bài tường trình :

« Thủ tướng Lý Cường cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn. Ngoại thương và công nghệ đang chịu nhiều áp lực. Chủ nghĩa bảo hộ, hàng rào thuế quan và căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ là những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc Hội lo ngại, trong đó có Line Chunchao, đại diện cho Hồng Kông.

Ông nói : “Có những thách thức cần vượt qua, nhưng chúng tôi không sợ hãi và vẫn giữ bình tĩnh. Chúng tôi sẽ tìm ra một giải pháp tốt có lợi cho tất cả mọi người. Và vì đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, nên chúng tôi có thể dự đoán tốt hơn một chút chiến lược của ông ấy. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm một thỏa thuận, nhưng đó phải là một thỏa thuận hợp lý ».

Bắc Kinh tỏ ra tự tin, và vẫn ấn định mục tiêu tăng trưởng ở mức 5%. Một cú đặt cược đầy tham vọng vào lúc ngành bất động sản đang bị khủng hoảng và tiêu dùng đang chật vật hồi phục. Để hỗ trợ nền kinh tế, Trung Quốc dự kiến ​​thâm hụt ngân sách ở mức 4% GDP, một quyết định hiếm thấy cho thấy rõ mong muốn kích thích đầu tư và tái thúc đẩy các hoạt động.

Một ưu tiên khác là quốc phòng. Ngân sách quân sự tăng thêm 7,2% trong bối cảnh quốc tế ngày càng căng thẳng. Không muốn đối đầu nhưng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một công cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế và chiến lược.

Và cuối cùng, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình tự chủ về công nghệ để giảm lệ thuộc vào các công nghệ phương Tây, lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Bắc Kinh định hướng cho năm 2025 : đó là ổn định, kháng cự bền vững và tự cung tự cấp ».


**********

Chiến đấu cơ Hàn Quốc thả bom nhầm vào nhà dân, làm 15 người bị thương

VOA News

Ít nhất 15 người đã bị thương khi hai máy bay chiến đấu của Hàn Quốc vô tình ném bom một ngôi làng của dân trong các cuộc tập trận hôm 6/3, theo các quan chức Hàn Quốc và tin tức trên truyền thông.

Hai chiến đấu cơ KF-16 mỗi chiếc đã thả bốn quả bom MK-82 nặng khoảng 230 kg ‘một cách bất thường’ bên ngoài phạm vi bắn tập được chỉ định ở Pocheon trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương, các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Các chiến đấu cơ này đang tham gia các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn gần biên giới liên Triều, các quan chức cho biết thêm.

Ít nhất hai người bị thương nặng, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc. Họ cho biết sẽ có thêm thương vong. Bản tin cho biết một nhà thờ và bảy ngôi nhà khác đã bị hư hại.

Hình ảnh trên truyền thông địa phương cho thấy những ngôi nhà với mái đổ nát, cửa sổ vỡ và các mảnh vỡ nằm rải rác gần đó.

Vụ bắn nhầm này là do chấm tọa độ sai, các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật đã bị tạm dừng trong khi chờ kết quả điều tra thêm.

Các cuộc tập trận diễn ra vào sáng sớm ngày 6/3 tại Bãi huấn luyện cứu hỏa Seungjin ở Pocheon, cách biên giới Triều Tiên 25 km về phía nam.

Yonhap đưa tin rằng cuộc tập trận này có hơn 160 thiết bị quân sự và sẽ có sự tham gia của Tướng Xavier Bronson, tư lệnh cao nhất của quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Đô đốc Kim Myung-soon.

Cuộc tập trận này là lần tập trận đầu tiên của hai nước đồng minh trong năm nay và gắn với cuộc tập trận hàng năm có tên Freedom Shield, tức lá chắn tự do.


***********

Biểu tình ‘Đả đảo Tesla’ để phản đối việc cắt nhân sự của Elon Musk và Tổng thống Trump

Reuters

Hô vang vào chiếc loa màu hồng ‘Elon Musk phải ra đi’, Carolanne Fry đã dẫn đầu đoàn người biểu tình khoảng 350 người trong một cuộc tuần hành huyên náo bên ngoài một đại lý xe điện Tesla ở Portland, Oregon, trong tuần này.

Bà Fry, 38 tuổi, vốn là viên chức nhà nước và đi theo Đảng Dân chủ, là một trong số hàng trăm nhà tổ chức một phong trào mới nổi từ cơ sở để phản đối vai trò của Musk trong cắt giảm nhân viên liên bang theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Mục tiêu của cái gọi là các cuộc phản đối ‘Đả đảo Tesla’ của họ là thương hiệu xe vốn là trung tâm của đế chế kinh doanh do ông Musk, giám đốc điều hành của Tesla, kiểm soát. “Hãy hành động tại đại lý của Tesla ở mọi nơi.”

“Bán Tesla của bạn đi, bán tháo cổ phiếu của bạn đi, hãy tham gia hàng rào biểu tình,” trang web của họ kêu gọi.

“Chúng ta cần biến Tesla thành thương hiệu độc hại,” bà Fry, vốn kêu gọi hệ thống hưu trí của bang thoái vốn khỏi cổ phiếu Tesla, cho biết. “Tận dụng mọi góc độ kinh tế mà chúng ta có thể tấn công Elon là điều tốt nhất.”

Các cuộc biểu tình vẫn có quy mô tương đối nhỏ nhưng cũng có ý nghĩa vì đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của phong trào phản kháng dân sự trong những tuần đầu của chính quyền Trump thứ hai. Một số cử tri Dân chủ đã phàn nàn về phản ứng không hiệu quả từ các lãnh đạo đảng trước việc ông Musk và ông Trump cắt giảm ồ ạt nhân sự các cơ quan liên bang.

Ngoài việc phụ trách sa thải hàng ngàn viên chức liên bang, ông Musk đã chỉ đạo việc hủy hợp đồng tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, tức USAID, vốn tài trợ các chương trình nhân đạo trên khắp thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của ông trong cái gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ, tức DOGE, Musk và đội ngũ của ông đã có quyền tiếp cận vào hệ thống các cơ quan Nhà nước. Những người chỉ trích lên án việc này là sự lạm quyền của một người không được dân cử và lo lắng về xung đột lợi ích khả dĩ nếu ông Musk lợi dụng chức trách của mình để tìm cách đẩy các hợp đồng béo bở của chính quyền về cho các công ty riêng của ông. Những người ủng hộ Musk nói rằng ông cần hành động quyết liệt để cải tổ bộ máy liên bang phình to.

Tính đến tháng 12, ông Musk sở hữu 12,8% cổ phần của Tesla trong các cổ phiếu đang lưu hành, vốn có giá trị khoảng 114,7 tỷ đô la theo giá vào giờ đóng cửa hôm 5/3.

Người giàu nhất thế giới cũng sở hữu mạng xã hội X, công ty thám hiểm không gian SpaceX và công ty cấy não Neuralink cùng những công ty khác.

Những chiếc xe điện Tesla bóng loáng, cách tân từ lâu đã được những người Mỹ cấp tiến ưa chuộng để thay thế xe chạy xăng và thân thiện với môi trường. Nhưng đối với một số người, thương hiệu này đã trở thành biểu tượng cho việc ông Trump quyết liệt định hình lại chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, khiến Tesla trở thành mục tiêu đương nhiên của phong trào phản đối còn non nớt.

“Ý tưởng là bêu xấu thương hiệu Tesla, làm giảm giá cổ phiếu Tesla và gây tác động thực sự đến túi tiền của Musk,” Carlo Voli, 59 tuổi, phiên dịch viên ở bang Washington, vốn đã giúp tổ chức một trong sáu cuộc biểu tình gần đây tại các đại lý Tesla ở quanh Seattle, cho biết. “Đó là việc dân thường có thể làm.”

Musk và đại diện của Tesla đã không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters về các cuộc biểu tình.

Một chiến dịch chống Tesla cũng đang diễn ra trên các nền tảng như Instagram và X dưới các hashtag như #teslatakedown và #swasticars – sự thừa nhận đối với điệu bộ của ông Musk vốn đã khiến mọi người săm soi vì nó giống với lời chào của Đức Quốc xã. Musk đã bác bỏ những lời chỉ trích này và gọi nó là ‘công kích mệt mỏi’.

Một số người sở hữu xe Tesla đang đối mặt với cơn giận của thành phần chống Musk, ngay cả khi họ chuẩn bị bán xe. Rainer Eckert, kỹ sư pháp y 69 tuổi ở Wallingford, Washington, người đã bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ Kamala Harris, đang tính bán chiếc Tesla mà ông đã mua được 6 năm và quyên góp tiền bán xe cho từ thiện.

Cho đến lúc đó, ông đã dán sticker ghi dòng chữ ‘Xe này được mua trước khi tất cả chúng ta biết hắn ta là đồ khốn’ trên xe – nhưng ông nói vẫn không ngăn được một người lạ dán dòng chữ ‘Xe Đức Quốc xã’ lên xe, và họ dán đến ba lần một ngày.

Các cuộc biểu tình phản đối DOGE khác đang bắt đầu tăng nhiệt. Hôm 1/3, hàng ngàn người đã tập trung ở các công viên quốc gia trên khắp đất nước để phản đối việc chính quyền Trump sa thải 1.000 nhân viên toàn thời gian của Sở Công viên Quốc gia. Hai ngày sau, hơn 1.000 người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) ở Boulder, bang Colorado, chỉ trích việc chính quyền Trump sa thải nhân sự cơ quan này.

Rất khó để xác định các hoạt động chính trị của Musk đang ảnh hưởng đến doanh số bán xe Tesla như thế nào. Hồi năm ngoái lần đầu tiên doanh số hàng năm giảm.

Các nhà phân tích chỉ ra các yếu tố khác trong thị trường xe điện toàn cầu, bao gồm sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các hãng xe điện Trung Quốc và các hãng ô tô lâu đời như General Motors.

Cổ phiếu Tesla tăng gần gấp đôi từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12, trùng với thời điểm ông Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 17/12 năm ngoái, cổ phiếu này đã mất hơn 40% giá trị. Tuy nhiên, Tesla được định giá khoảng 900 tỷ đô la, vượt xa các hãng sản xuất ô tô khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng từ các cuộc thăm dò cho thấy sự tham gia chính trị mạnh mẽ của Musk đã khiến khách hàng xa lánh.

Một cuộc thăm dò được thực hiện sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái cho nhóm vận động xe điện EV Politics Project cho thấy các cử tri ủng hộ bà Harris có thái độ tiêu cực với Tesla cao hơn nhiều những người ủng hộ Trump. Trong số các cử tri của bà Harris, 59% cho biết họ không thiện cảm với Tesla, so với 36% cử tri của ông Trump.


**********

Nửa thế kỷ ''Hiệp định Helsinki'': Chiến tranh Ukraina xóa sổ "Kiến trúc an ninh châu Âu"

Trọng Thành

Vào thời điểm cuộc xâm lược Nga chống Ukraina kéo dài đã hơn ba năm và các nỗ lực to lớn của phương Tây hỗ trợ Kiev và trừng phạt Nga đã không đủ để giúp chấm dứt chiến tranh, giới chuyên gia, chiến lược gia đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai chung của an ninh châu Âu. Làm thế nào để chấm dứt cuộc chiến tranh có nguy cơ châm ngòi cho một xung đột quy mô toàn châu lục, thậm chí toàn cầu ?

Năm nay 2025 là tròn 50 năm Hiệp định Helsinki. Hiệp định, được ký kết ngày 01/08/1975 tại thủ đô Phần Lan thời Chiến tranh Lạnh, là kết quả của hai năm đàm phán trong khuôn khổ của Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) (1973 – 1994) (thường được gọi là « tiến trình Helsinki ») cho phép mở ra thời kỳ tan băng giữa khối phương Tây và khối cộng sản, đứng đầu là Hoa Kỳ và Liên Xô, hai siêu cường hạt nhân. Tuyên bố 10 điểm Helsinki được ký kết bởi tất cả các quốc gia thành viên hai tổ chức quân sự thù địch, Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương – NATO và Hiệp ước Varsava.

Các nguyên tắc của Hiệp định Helsinki, như tôn trọng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản, tăng cường hợp tác giữa các nước… là thỏa hiệp mà hai khối đạt được. Theo nhiều nhà quan sát, Hiệp định này đã cho phép Liên Xô cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế sau các đàn áp tàn bạo nhắm vào phong trào dân chủ Mùa xuân Praha năm 1968. Về phía các nước phương Tây, một thành công căn bản là lần đầu tiên nhân quyền được coi là một vấn đề an ninh căn bản trong quan hệ giữa các quốc gia.

Hiệp định Helsinki tiếp tục có ý nghĩa quan trọng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô tan rã. Năm 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu – CSCE, họp tại Paris, đã ra một « Hiến chương Paris vì một châu Âu mới » ghi nhận sự chấm dứt của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Với Hiến chương Paris vì một châu Âu mới, CSCE có các cơ quan thường trực, như Ban thư ký, hay Trung tâm ngăn ngừa các xung đột, và các cơ chế can thiệp, để sẵn sàng đối phó với các thách thức của kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), kế tục Hội nghị CSCE từ năm 1995, đã mở ra khả năng quản lý các xung đột của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh tại châu Âu bằng con đường hòa bình. Hiệp định Helsinki và các cơ chế, tổ chức phát sinh, cùng với các hiệp ước cắt giảm và kiểm soát vũ khí chiến lược Mỹ - Liên Xô và sau này là Mỹ - Nga, đã cho phép tạo lập lòng tin giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Hiệp định Helsinki được coi là nền tảng của « kiến trúc an ninh châu Âu » trong nhiều thập niên.

Chiến tranh Ukraina và Hiệp định Helsinki, từ suy yếu đến tan vỡ

Đông đảo chuyên gia, nhà quan sát ghi nhận là cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã báo tử « trật tự an ninh của châu Âu », được xác lập từ năm 1975 với Hiệp định Helsinki. Cựu đại sứ Pháp Pierre Vimont, nguyên tổng thư ký điều hành của cơ quan đối ngoại Liên Âu, tức nhân vật số hai của ngành ngoại giao Liên Âu (2010-2015), trong bài viết « Một trật tự an ninh châu Âu mới », nhấn mạnh với « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina, điện Kremlin đã tấn công vào « chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ », những nguyên tắc căn bản nhất của Hiệp định Helsinki, nền tảng của thế cân bằng tại châu Âu được xác lập một cách gian nan vào năm 1975. « Hợp tác kinh tế được dày công vun đắp từ hơn 40 năm qua bị hủy hoại với các đòn trừng phạt kinh tế và tài chính của phương Tây » nhắm vào Nga, « quan hệ giữa các xã hội dân sự, thành tố chủ chốt thứ ba của Hiệp định Helsinki, cũng đứng trước nguy cơ bị cắt đứt hoàn toàn do cuộc xung đột với các áp lực tẩy chay văn hóa Nga và xã hội Nga ».

Cựu đại sứ Pháp Pierre Vimont ghi nhận việc kiến trúc an ninh châu Âu, ra đời với Hiệp định Helsinki, trên thực tế, đã suy yếu nghiêm trọng từ lâu trước khi Nga mở màn cuộc xâm lăng Ukraina, đặc biệt với cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Gruzia, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, vào năm 2008 (sau khi Mỹ để ngỏ khả năng Gruzia gia nhập khối NATO) và việc Nga thôn tính bán đảo Crimée năm 2014 và hậu thuẫn các lực lượng ly khai miền đông Ukraina, sau chính biến Maidan, đầu 2014, lật đổ lãnh đạo thân Nga Viktor Yanukovych.

Tái xây dựng lòng tin hay đại cường phân chia thế giới: Hướng đến « Helsinki II » hay « Yalta II » ?

Trước thềm cuộc xâm lăng Ukraina, cuối năm 2021, đầu năm 2022, Matxcơva liên tục phát đi các tín hiệu đòi phương Tây, trước hết là Mỹ, xem xét lại « kiến trúc an ninh châu Âu », đòi khối NATO không tiếp tục mở rộng sang phía đông, không kết nạp Ukraina, đồng thời giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên mới của NATO tại khu vực thuộc khối Đông Âu cộng sản trước đây, như Ba Lan, Rumani hay các nước Baltic.

Đề nghị lúc đó của Nga đã bị Mỹ và các nước châu Âu bác bỏ. Ngoại trưởng Pháp vào thời điểm đó, Jean-Yves Le Drian, nhận định là đòi hỏi của Nga « rất giống với việc quay trở lại hiện trạng trước năm 1975, tức là một kiểu Yalta II, sẽ dẫn đến việc hình thành trở lại các khối, các vùng ảnh hưởng ». Hội nghị Yalta, rồi hội nghị Potsdam, diễn ra năm 1945, sau Thế Chiến Hai, được coi là các sự kiện có ý nghĩa biểu tượng cho việc các cường quốc thắng trận, Mỹ và Liên Xô, phân chia các khu vực kiểm soát.

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh là, để chống lại một « Yalta II », « cần phát triển một chiến lược thúc đẩy một Helsinki II, theo tinh thần những cam kết mà toàn bộ các nước ký kết các hiệp định Helsinki đã đưa ra năm 1975, trong đó có Liên Xô vào thời điểm đó, được tiếp nối với Hiến chương Paris (vì một châu Âu mới) năm 1990 ».

Liên Âu tê liệt về « tư duy chiến lược » trước thời điểm sống còn

Vấn đề là để thúc đẩy được tinh thần Helsinki 1975, hướng đến xác lập một « Helsinki II », làm nền tảng cho một « kiến trúc an ninh châu Âu mới », các nước châu Âu phải xác lập được một tư duy chiến lược chung, trong đó quan hệ như thế nào với Nga là vấn đề cốt lõi. Nội bộ châu Âu phân rẽ sâu sắc về vấn đề này, từ nhiều năm nay. Trước chiến tranh Ukraina, các nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga của nhiều lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, từ Federica Mogherini đến Joseph Borell, đều không thuyết phục được Matxcơva. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, việc thảo luận về chủ đề này coi như kết thúc.

Theo nhà ngoại giao Pháp Pierre Vimont, có một hố sâu ngăn cách giữa nhóm các nước cho rằng không thể đối thoại với Nga (đa số là các nạn nhân trước đây của đế chế Nga và Liên Xô), coi Nga là một đe dọa sinh tồn, và các nước cổ vũ cho việc mở ra các cơ hội đối thoại để vượt qua tình trạng mất lòng tin song phương.

Trong một cuộc trả lời Viện Nghiên cứu Cao cấp về Quốc phòng (IHEDN - Institut des hautes études de défense nationale) Pháp vào thời điểm hơn hai năm chiến tranh Nga - Ukraina, nhà chính trị học Barbara Kunz, giám đốc chương trình An ninh châu Âu của Viện Nghiên cứu về Hòa bình Quốc tế ở Stockholm (SIPRI) nhận định :

« Tôi cho rằng tại châu Âu, thảo luận về vấn đề này sẽ rất là phức tạp, bởi có hai trường phái. Thứ nhất là những nước cho rằng cần phải cô lập Nga hoàn toàn, cụ thể như hoàn toàn không chấp nhận sự có mặt của các đại diện của Nga trong các hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE. Và thứ hai là các nước có quan điểm gọi là ‘‘thực tế’’. Những nước này trong lúc luôn cảnh giác về đe dọa từ Nga, nhưng khẳng định cần phải tìm ra các cách thức cho phép ít nhất là sống bên cạnh Nga, cho dù không thể cùng chung sống với Nga. Tìm ra được những cách thức hợp tác tối thiểu, ví dụ như trong việc kiểm soát vũ khí, để tránh leo thang, tìm thấy các cơ chế đối thoại để tránh tình hình trở nên tồi tệ hơn hiện nay. »

Nước Mỹ của Trump: Bị đẩy vào chân tường, châu Âu buộc phải hướng đến « tự chủ chiến lược »

Theo chuyên gia về an ninh châu Âu Viện Nghiên cứu về Hòa bình Quốc tế Stockholm, đối thoại để tìm kiếm một kiến trúc an ninh mới cho châu Âu một phần đáng kể bị cản trở do sự bất đồng cao độ và thái độ thụ động của đông đảo các nước châu Âu, lập trường của Mỹ có ý nghĩa quyết định trong bối cảnh này:

« Cuộc thảo luận về tương lai của kiến trúc an ninh châu Âu, tôi có cảm giác là chưa thực sự bắt đầu. Hiện tại, chúng ta đang tập trung vào chiến tranh tại Ukraina, điều hoàn toàn có thể thông cảm được. Để nói một cách tóm lược, các nước ở sườn đông châu Âu, như các nước vùng Baltic, Ba Lan, Rumani, và những nước khác vốn có những kinh nghiệm lịch sử với Nga, khiến họ có thái độ hoài nghi cao độ về khả năng cùng tồn tại với Nga. Nước Đức có quan điểm như thế nào ? Về mặt lịch sử, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đức thiên về phía các nước có quan điểm thực tế, tức tìm kiếm các khả năng chung sống với Nga. Điều này còn để xem. Nước Pháp tôi cho rằng cũng theo quan điểm thực tế. Các nước phía nam châu Âu, tôi nghĩ cũng tương tự, không nghi ngờ gì về đe dọa của Nga, nhưng đối với nhiều nước, đây không phải là chủ đề ưu tiên. Tôi cho rằng, rất nhiều điều trong vấn đề này phụ thuộc vào vai trò dẫn dắt của Mỹ. Bởi các nước châu Âu rất khó đạt đồng thuận về tiếp cận chung cần theo đuổi. »

Việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng đầu năm 2025 này, và các chính sách của Washington trong những tuần cầm quyền đầu tiên của Trump cho thấy quan hệ hai bờ Đại Tây Dương bước vào một giai đoạn đầy bất định. Tân tổng thống Mỹ coi việc chấm dứt chiến tranh là ưu tiên cho dù có phải chấp nhận nhiều nhân nhượng với Nga, và việc hậu thuẫn Ukraina được coi gần như là chuyện riêng của châu Âu, khối NATO mà Mỹ là trụ cột sẽ không can dự.

Bảo vệ Ukraina và tái lập quan hệ với Nga: Thách thức của một « kiến trúc an ninh châu Âu » mới

Việc đảng Cộng Hòa cầm quyền tại Mỹ là tác nhân trực tiếp kích phát trở lại đòi hỏi « tự chủ chiến lược » của châu Âu, vốn bị nhiều quốc gia chủ chốt của châu Âu như Đức không mặn mà. Hôm nay, 06/03/2025, Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh để bàn về việc tăng cường tiềm lực quốc phòng của khối và hỗ trợ quân sự cho Ukraina. « Tự chủ chiến lược » bao gồm cả hai vế, quân sự và ngoại giao.

Theo nhà ngoại giao Pháp Pierre Vimont, nguyên tổng thư ký điều hành của cơ quan đối ngoại Liên Âu, bên cạnh việc dành sự hậu thuẫn quân sự mạnh mẽ để giúp Ukraina tự vệ, Liên Hiệp Châu Âu cần chuẩn bị xác lập quan hệ hợp tác với Nga sau chiến tranh. Nhà ngoại giao, được tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt của tổng thống trong các đối thoại vì « một kiến trúc an ninh châu Âu và xây dựng niềm tin với Nga » trước khi chiến tranh bùng nổ, lưu ý đến bài học lịch sử : tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt không phải đợi đến khi Thế chiến Hai kết thúc mới chuẩn bị cho việc xây dựng một hệ thống quốc tế mới, và « những người sáng lập » Liên Âu cũng đã chuẩn bị nền móng cho việc xây dựng khối, nhiều năm trước 1945.

Cũng nhà ngoại giao kỳ cựu này, trong một bài viết với nhan đề « Châu Âu và Ukraina : Lấy lại thế chủ động » (nguyên văn « Europe et Ukraine : reprendre l’initiative », Viện nghiên cứu châu Âu Jacques Delors), ra mắt cuối tháng 1/2025, nhấn mạnh : « Thời kỳ bất ổn sẽ còn kéo dài trên lục địa châu Âu, do các đe dọa Nga, không cho phép trật tự Helsinki trở lại nhanh chóng. Nhưng thời kỳ căng thẳng không tránh khỏi diễn ra trong quá trình xác lập hòa bình tại Ukraina này sẽ là một trắc nghiệm đối với khả năng của châu Âu vươn lên để trở thành một thực thể địa chính trị độc lập, điều mà người châu Âu mong muốn ».

Thách thức với châu Âu không phải chỉ là tái lập quan hệ với Nga để xây dựng một kiến trúc an ninh mới cho châu Âu, mà còn là « sáng tạo nên một cơ chế đa phương quốc tế mới ». Trong bối cảnh cơ chế đa phương quốc tế được xác lập sau Thế chiến Hai đang « sụp đổ », cộng đồng quốc tế đang cần đến các cơ chế hợp tác mới giữa các nước phương Tây với các nước phương Nam toàn cầu, để hóa giải hàng loạt thách thức sống còn với nhân loại, như đại khủng hoảng khí hậu.


***********

Trung Đông : Mỹ xác nhận đã « trực tiếp liên lạc » với phong trào Hamas Palestine

Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt hôm qua 05/03/2025 xác nhận, đặc sứ Hoa Kỳ phụ trách hồ sơ giải cứu con tin, Adam Boehler đã « liên lạc» các bên liên quan, do trong số các con tin người Do Thái bị Hamas bắt giữ từ vụ tấn công 07/10/2023, có 5 người mang quốc tịch Mỹ và 4 trong số đó được cho là đã qua đời.

People hold placards and pictures during a rally for the return of all hostages held in Gaza since the deadly October 7, 2023 attack by Hamas, ahead of a planned meeting between U.S. President Donald
Người biểu tình tại Tel Aviv, Israel, ngày 04/02/2025, đòi trả tự do cho tất cả các con tin bị bắt giữ ở Gaza. REUTERS - Ronen Zvulun
Quảng cáo

Thông tín viên RFI từ Washington, Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin :

« ‘Shalom Hamas’, là lời chào khi vừa gặp và khi chia tay nhau. Thông điệp của Donald Trump trên mạng xã hội cá nhân đã bắt đầu với hàng chữ như trên, để rồi ngay lập tức ông đòi trả tự do cho các con tin, trả lại xác những con tin đã bị phong trào Hồi Giáo Palestine sát hại.

Tổng thống Mỹ viết tiếp : ‘đây là lời cảnh cáo cuối cùng’ gửi tới lãnh đạo tổ chức này và ‘cũng là cơ hội cuối cùng để họ rời khỏi Gaza’. Nguyên thủ Mỹ cho biết đã cung cấp cho Israel tất cả những gì cần thiết để ‘hoàn thành nhiệm vụ’ và ‘cái giá mà người dân Palestine phải trả sẽ rất đắt’ nếu như Hamas không trả tự do cho các con tin.

Đối với Donald Trump, đe dọa và đối thoại chỉ là một và đối thoại trực tiếp với Hamas đã được mở ra. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ bởi vì phòng trào Hồi Giáo Palestine này bị Washington đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Đây cũng là điều mà phát ngôn viên Nhà Trắng, Karoline Leavitt đã chính thức xác nhận.

Bà nói : đặc sứ Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán và có toàn quyền đối thoại với bất kỳ một ai. Mỹ có tham khảo ý kiến của Israel trên vấn đề này. Đối thoại, trao đổi với toàn thế giới vì lợi ích của người dân Mỹ : tổng thống (Trump) đã chứng minh rằng ông tin tưởng vào những nỗ lực thành thật để thực hiện những gì có lợi cho người dân Hoa Kỳ’.

Phía Hamas cũng đưa tin theo hướng này. Một trong các quan chức của phong trào xác nhận với AFP có ít nhất hai cuộc trao đổi trực tiếp với Mỹ đã diễn ra trong nhữung ngày qua tại Doha-Qatar »


*********

Mỹ có kế hoạch khôi phục ngành đóng tầu nhằm giảm sự thống trị của Trung Quốc

Minh Anh

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự tính ban hành một sắc lệnh đánh thuế đối với hàng nhập khẩu vận chuyển trên các tàu hàng do Trung Quốc đóng, đồng thời ban hành các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp hàng hải để phục hồi ngành đóng tầu trong nước, giảm bớt sự kiểm soát của Trung Quốc đối với ngành vận tải biển toàn cầu. Kế hoạch này ước tính trị giá 150 tỷ đô la.

Đăng ngày:

2 phút

Theo bản dự thảo thông tin về kế hoạch 18 điểm mà Reuters được tham khảo, tổng thống Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp, cho phép lập Quỹ Ủy thác An ninh Hàng hải như một nguồn tài trợ và đưa ra các biện pháp khuyến khích, ưu đãi cho ngành đóng tàu thông qua việc giảm thuế, trợ cấp và cho vay.

Tài liệu cho biết « Nhà Trắng đang thành lập một văn phòng tại Hội đồng An ninh Quốc gia để điều hướng nỗ lực toàn chính phủ nhằm củng cố cơ sở công nghiệp hàng hải » sau khi tổng thống Mỹ có bài diễn văn trước Quốc Hội hôm thứ Ba 04/03, trình bày các kế hoạch hành động.

Sáng kiến này của ông Trump được đưa ra hai tháng sau khi chính quyền Biden kết thúc cuộc điều tra kéo dài gần một năm theo yêu cầu của United Steelworker cùng nhiều công đoàn khác. Theo kết quả điều tra,  Trung Quốc sử dụng các chính sách và hoạt động không công bằng để thống trị ngành đóng tầu.

Trong tháng 02/2025, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đề xuất thu phí có thể lên đến 1,5 triệu đô la các tầu do Trung Quốc đóng đến cập cảng Mỹ.

Trước đó, trong năm 2024, ông Mike Waltz, hiện là cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Mỹ, khi còn là cựu nghị sĩ đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện, đã từng phối hợp với thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ Mark Kelly (bang Arizona) đệ trình một dự luật nhằm khôi phục ngành đóng tàu thương mại và quân sự tại Mỹ

Reuters ghi nhận, sáng kiến này của ông Trump đã nhận được sự tán đồng hiếm hoi từ Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Mỹ tiền nhiệm Biden, khi tuyên bố rằng nhiều thập kỷ hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc đã gây ra nhiều tác động tiêu cực cho ngành đóng tàu thương mại và quân sự Mỹ.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Tư 20256:19 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Tư 20256:17 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Tư 20256:44 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Tư 20255:56 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Tư 20253:51 SA
Thứ Ba, 08 Tháng Tư 20256:28 SA
Thứ Hai, 07 Tháng Tư 20253:28 SA
Chủ Nhật, 06 Tháng Tư 20256:00 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Tư 20256:52 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo