Trung Quốc họp Chính Hiệp và Quốc Hội vào lúc kinh tế khó khăn, hàng hóa bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu
Trong tuần này, hai sự kiện chính trị quan trọng diễn ra tại Trung Quốc : đó là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc Hội), nhóm họp vào lúc nền kinh tế đang có những dấu hiệu khó khăn, và hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị áp thêm mức thuế 20%.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Chủ tịch Chính Hiệp Vương Hỗ Trữ (Wang Huning) đọc diễn văn khai mạc kỳ họp năm nay, Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2025.AP - Ng Han Guan
Theo AFP, lễ khai mạc Chính Hiệp diễn ra vào 15h giờ Trung Quốc, hôm nay, 04/03/2025,với sự tham dự của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hàng ngàn đại biểu.
Ngày mai, 05/03, Quốc Hội Trung Quốc sẽ họp kỳ thường niên, thủ tướng Lý Cường sẽ công bố tham vọng kinh tế của Trung Quốc cho năm 2025. Theo một số nhà phân tích, được AFP thăm dò, Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2025, như năm ngoái. Trong kỳ họp Quốc Hội, Trung Quốc cũng sẽ công bố ngân sách quân sự, có thể sẽ tăng, theo chiều hướng từ vài thập niên nay.
Việc Mỹ nâng mức thuế quan có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường các biện pháp hỗ trợ kinh tế, từng được thực hiện hồi năm ngoái như giảm lãi suất, giảm áp lực về nợ đối với chính quyền các địa phương, trợ cấp hàng tiêu dùng để hỗ trợ các hộ gia đình, kích thích nhu cầu trong nước để bù đắp khả năng xuất khẩu giảm sút.
Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian) phát ngôn viên của Quốc Hội Trung Quốc, thừa nhận rằng nền kinh tế quốc gia đang phải đối mặt với « nhiều khó khăn và thách thức », nhưng Trung Quốc có một « khả năng phục hồi mạnh mẽ và một tiềm lực lớn ».
Alfred Wu, giáo sư Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, tại Singapore, nhắc lại, bình thường ra, họp Quốc Hội là dịp để Bắc Kinh xác định các ưu tiên chính trị cho những tháng sau đó. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, kỳ họp này lại nhằm « truyền tải thông điệp và tuyên truyền nhiều hơn ».
Dẫu sao đi chăng nữa, các kỳ họp Chính Hiệp và Quốc Hội là cơ hội để Trung Quốc thể hiện lập trường trong quan hệ với Mỹ, mà Bắc Kinh xem là đối thủ chiến lược. Theo Chong Ja Ian, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, « mọi người đang theo dõi cách thức ông Tập phản ứng với những bất trắc và sự khó đoán định của chính quyền Trump ».
****************
Hoa Kỳ áp dụng mức thuế mới và bổ sung đối với hàng hóa nhập từ Canada, Mêhicô và Trung Quốc
Các biện pháp thuế quan mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Mêhicô và Canada vốn bị tạm hoãn lại, chính thức có hiệu lực vào hôm nay 04/03/2025. Hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ cũng bị đánh thêm 20 % thuế.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Cờ của ba nước, Mỹ, Mêhicô và Canada được trưng bày trên kệ tại nhà máy chưng cất rượu Aguila Azteca Wines and Spirits, tại Valle de Guadalupe, Jalisco, Mêhicô, ngày 10/02/2025.REUTERS - Jose Luis Osorio
Chiều hôm qua, 03/03/2025, tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các biện pháp thuế có hiệu lực từ ngày 04/03, như đã được ấn định và không còn thời gian để đàm phán thêm.
Kể từ 5 giờ (GMT) hôm nay, hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mêhicô, bất chấp hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, sẽ phải chịu mức thuế 25 %. Riêng dầu hỏa Canada bị áp 10 % thuế quan. Nhà kinh tế Diane Swonk được AFP trích dẫn cho rằng “đây là mức thuế cao nhất kể từ cuối những năm 1940, chấm dứt một cách phũ phàng quá trình toàn cầu hóa". Theo AFP, giá trị của các mặt hàng bị áp thuế lên tới 918 tỷ đôla.
Đối với hàng hóa từ Trung Quốc, ngoài mức thuế hiện hành, theo Reuters, Washington áp thêm 20 %, thay vì 10 % như trong tuyên bố trước đó. Quyết định này liên quan đến nhiều sản phẩm điện tử, như điện thoại thông minh, máy tính, hay máy chơi game.
Cả 3 nước liên quan ngay lập tức thông báo biện pháp “ăn miếng trả miếng” Hoa Kỳ.
Thủ tướng Canada tối qua, tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp thuế quan 25 %, nhắm vào các hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ, trị giá khoảng 20 tỷ đô la.
Bắc Kinh hôm nay thông báo tăng thêm thuế nhập khẩu từ 10 đến 15 % đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có các nông sản như lúa mì, ngô, mà Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ. Biện pháp này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/03.
Theo Reuters, Trung Quốc cũng áp đặt các hạn chế nhập khẩu và đầu tư đối với 25 doanh nghiệp Hoa Kỳ, và giải thích là vì “an ninh quốc gia”.
Trong cuộc họp báo hôm nay, tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum cho biết sẽ sớm có các biện pháp đáp trả Hoa Kỳ.
********
Quan chức Nhà Trắng: TT Trump dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Nhà Trắng, 28/2/2025.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc tranh cãi giữa ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào tuần trước, một viên chức Nhà Trắng cho biết hôm 3/3.
“Tổng thống nói rõ rằng ông tập trung vào hòa bình. Chúng tôi cần các đối tác của mình cũng cam kết với mục tiêu đó. Chúng tôi đang tạm dừng và xem xét lại viện trợ của mình để đảm bảo rằng nó đang góp phần cho một giải pháp”, viên chức này cho biết, phát biểu với điều kiện không nêu tên.
Văn phòng của ông Zelenskyy không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters ngoài giờ làm việc.
Động thái này diễn ra sau khi ông Trump đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine và Nga khi nhậm chức vào tháng 1, áp dụng lập trường hòa giải hơn đối với Moscow - và sau một cuộc đối đầu dữ dội với ông Zelenskyy tại Nhà Trắng hôm 28/2, trong đó ông Trump chỉ trích ông Zelenskyy không biết ơn đủ về sự ủng hộ của Washington trong cuộc chiến với Nga.
Hôm 3/3, ông Trump một lần nữa nói rằng ông Zelenskiy nên trân trọng sự ủng hộ của Hoa Kỳ.
Nhưng hôm 3/3, ông Trump cũng gợi ý rằng một thỏa thuận mở cửa khoáng sản của Ukraine cho đầu tư của Hoa Kỳ vẫn có thể được nhất trí mặc dù ông thất vọng với Kyiv, khi các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra các đề xuất về một lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến của Nga với nước láng giềng.
Chính quyền Trump coi thỏa thuận khoáng sản là cách để Hoa Kỳ kiếm lại một số trong số hàng chục tỷ đôla mà họ đã trao cho Ukraine dưới dạng viện trợ tài chính và quân sự kể từ khi Nga xâm lược ba năm trước.
Khi được hỏi hôm 3/3 rằng liệu thỏa thuận đó đã chết chưa, ông Trump trả lời tại Nhà Trắng: “Không, tôi không nghĩ vậy”.
Ông Trump mô tả đó là “một thỏa thuận tuyệt vời đối với chúng tôi” và cho biết ông sẽ cập nhật tình hình vào tối ngày 4/3 khi ông phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội.
***********
Trung Quốc trả đũa ngành nông nghiệp Hoa Kỳ, nói sẽ không bị bắt nạt bởi mức thuế mới của Trump
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun.
Trung Quốc hôm 4/3 đã nhanh chóng trả đũa đối với mức thuế mới của Hoa Kỳ bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với 21 tỷ đô la giá trị các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Hoa Kỳ, đưa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiến gần hơn một bước tới một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Bắc Kinh cũng áp đặt các hạn chế xuất khẩu và đầu tư đối với 25 công ty Hoa Kỳ, với lý do an ninh quốc gia, nhưng tránh trừng phạt bất kỳ công ty có tên tuổi quen thuộc nào như khi họ trả đũa mức thuế ngày 4 tháng 2 của chính quyền Trump.
"Cố gắng gây áp lực cực độ lên Trung Quốc là một tính toán sai và một sai lầm", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc chưa bao giờ khuất phục trước sự bắt nạt hoặc ép buộc.
Các biện pháp trả đũa mới nhất được đưa ra khi mức thuế bổ sung 10% mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa áp dụng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có hiệu lực vào lúc 05:01 giờ GMT ngày 4 tháng 3. Điều đó dẫn tới mức thuế tích lũy 20% để đáp trả điều Nhà Trắng coi là sự không hành động của Trung Quốc đối với dòng chảy ma túy.
Trung Quốc đã cáo buộc Nhà Trắng "tống tiền" về việc tăng thuế, nói rằng họ có một số chính sách chống ma túy cứng rắn nhất thế giới.
Sau đó trong ngày 4/3, Trung Quốc cho biết họ sẽ điều tra các nhà sản xuất một loại sợi quang của Hoa Kỳ vì đã lách luật chống bán phá giá, đình chỉ giấy phép nhập khẩu của ba nhà xuất khẩu Hoa Kỳ và dừng các lô hàng gỗ xẻ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Mức thuế mới của Hoa Kỳ dẫn tới một đợt tăng thuế bổ sung đối với các khoản thuế hiện có đối với hàng nghìn mặt hàng của Trung Quốc.
Một số sản phẩm này đã phải chịu gánh nặng của mức thuế quan tăng mạnh của Hoa Kỳ vào năm ngoái dưới thời Tổng thống Joe Biden khi đó, bao gồm việc tăng gấp đôi thuế đối với chất bán dẫn lên 50% và tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện lên hơn 100%.
Mức thuế 20% sẽ đánh vào một số mặt hàng điện tử tiêu dùng lớn của Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc mà trước đây vẫn chưa bị ảnh hưởng, từ điện thoại thông minh và máy tính xách tay đến máy chơi trò chơi điện tử, đồng hồ thông minh, loa và thiết bị Bluetooth.
Trung Quốc đã phản ứng ngay sau thời hạn áp thuế, với mức thuế bổ sung 15% đối với thịt gà, lúa mì, ngô và bông của Hoa Kỳ và mức thuế bổ sung 10% đối với đậu nành, lúa miến, thịt lợn, thịt bò, các sản phẩm thủy sản, trái cây và rau quả và sữa nhập khẩu từ Hoa Kỳ từ ngày 10/3.
Các khoản thuế bổ sung sẽ đánh vào khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc hoặc 21 tỷ đô la thương mại, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2024.
Bắc Kinh cũng đã thêm 15 công ty Hoa Kỳ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của mình, cấm các công ty Trung Quốc cung cấp các công nghệ sử dụng kép cho các công ty Hoa Kỳ.
Họ cũng đưa 10 công ty Hoa Kỳ vào Danh sách thực thể không đáng tin cậy vì bán vũ khí cho Đài Loan, nơi mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, mặc dù hòn đảo tự quản này đã bác bỏ điều đó.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ và lĩnh vực này từ lâu đã dễ bị lợi dụng trở thành mục tiêu trong thời điểm căng thẳng thương mại.
Lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ đã giảm trong năm thứ hai xuống còn 29,25 tỷ đô la vào năm 2024, từ mức 42,8 tỷ đô la vào năm 2022.
(AFP) – Nhật Bản : Lính cứu hỏa từ 14 tỉnh được huy động dập lửa tại miền bắc. Hơn 2.000 lính cứu hỏa đã được triển khai ở miền bắc Nhật Bản trong lúc các vụ cháy rừng kỷ lục buộc phải sơ tán 4.600 cư dân, theo chính quyền Nhật hôm nay, 03/03/2025. Cháy rừng xảy ra tại nơi nơi lượng mưa đặc biệt thấp và hồi năm ngoái Nhật Bản đã trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử.
(AP) – Philippines tin tưởng chính quyền Trump duy trì các hoạt động tuần tra chung với Manila ở Biển Đông. Sau cuộc họp với các giới chức Hoa Kỳ hôm 03/03/2025, đại sứ Philippines tại Washington Jose Romualdez cho biết Manila « tin tưởng các hoạt động tuần tra chung vẫn được duy trì ». Tuyên bố trên được đưa ra vào lúc nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại trước chính sách America First của tổng thống Donald Trump. Washington và Manila đang chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Trump và Marcos Jr.
(AP) – Lãnh đạo Miến Điện công du Nga. Sáng nay 03/03/205 tướng Min Aung Hlaing rời sân bay quân sự tại Naypyidaw lên đường đến Matxcơva. Theo dự kiến, ông sẽ hội kiến tổng thống Vladimir Putin. Nhiều thành phần chính phủ tháp tùng tướng Min Aung Hlaing. An ninh và kinh tế sẽ là hai chủ đề chính được thảo luận. Nga và Trung Quốc là hai điểm tựa quan trọng và là nguồn cung cấp vũ khí cho tập đoàn quân sự Miến Điện. Đây là chuyến công du thứ tư của lãnh đạo Miến Điện từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.
(AFP) – Khai mạc hội chợ công nghệ Barcelona. Mở ra trong 4 ngày kể từ hôm nay 03/03/2025, hội chợ quốc tế của thế giới công nghệ kết nối MWC chờ đợi 100.000 khách tham quan. Năm nay mọi chú ý hướng về công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đe dọa Mỹ khởi động một cuộc chiến thương mại toàn cầu cũng là mối ưu tư của các nhà đầu tư và chuyên môn trong ngành. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn châu Âu kêu gọi Bruxelles tạo thêm điều kiện để châu lục này phát triển nhanh hơn và trở thành một cột trụ trong lĩnh vực công nghệ kết nối của thế giới.
(AFP) – Ảnh hưởng của « giới tài phiệt công nghệ » với chính sách của Trump : Chỉ trích « chưa từng có » của cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Hôm nay, 03/03/2025, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một chỉ trích « chưa từng có » nhắm vào tân chính quyền Mỹ. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền, ông Volker Türk lên án « sự kiểm soát và ảnh hưởng » của « các nhà tài phiệt công nghệ không được bầu chọn ». Cao ủy Nhân quyền nhấn mạnh Liên Hiệp Quốc « đã từng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ (...) về nhân quyền trong nhiều thập kỷ, nhờ sự hào phóng và lòng trắc ẩn của người dân Mỹ ». Giờ đây, ngược lại, các tiến trình hành động vì nhân quyền, như tiến trình bình đẳng giới « đang bị đảo ngược », các chính sách nhằm bảo vệ người dân khỏi sự phân biệt đối xử hiện lại bị tân chính quyền Trump mô tả là « gây kỳ thị trong đối xử ».
**********
Liên Âu chuẩn bị cuộc họp bất thường để tăng cường quốc phòng của châu lục và hỗ trợ Ukraina
Trọng Thành
~3 minutes
Sau hội nghị tại Luân Đôn hôm qua, 02/03/2025, về hỗ trợ Ukraina, 27 nước châu Âu sẽ có hội nghị bất thường tại Bruxelles, ngày 06/03, để bàn về việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của khối và gia tăng hậu thuẫn quân sự cho Kiev.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Nhiều lãnh đạo châu Âu cùng chung quan điểm, cần phải tăng mạnh đầu tư cho quốc phòng để « sẵn sàng cho tình huống xấu nhất ».
Tường trình của thông tín viên Jean-Jacques Héry từ Bruxelles:
« Những gì sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh vào thứ Năm, 06/03, sẽ đi theo các đường hướng tương tự như những điều đã được khẳng định ngày hôm qua tại Luân Đôn. Đó là Liên Âu sẽ hỗ trợ Ukraina phối hợp với các đồng minh ngoài Liên Âu, và đặc biệt là luôn phối hợp với Hoa Kỳ trong khuôn khổ khối NATO, để đạt được hòa binh cùng với các đảm bảo an ninh cho Ukraina.
Trong bối cảnh này, tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm qua khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Luân Đôn không làm ai ngạc nhiên. Bà Ursula von der Leyen nói : ‘‘Sau một thời gian dài thiếu đầu tư, hiện nay việc tăng cường đầu tư quốc phòng về lâu dài là vô cùng quan trọng, vì an ninh của Liên Hiệp Châu Âu. Trong bối cảnh địa chiến lược hiện nay, chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất’’.
Ủy Ban Châu Âu sẽ trình bày kế hoạch tổng thể về việc tái vũ trang châu Âu với 27 nước thành viên vào thứ Năm. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, để cho phép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quân sự nhanh hơn, Bruxelles có thể nới lỏng các quy tắc ngân sách. Điều này diễn ra vào thời điểm mà một số quốc gia, bao gồm cả Pháp, đang phải nỗ lực giảm mức thâm hụt được cho là quá mức so với quy định về ngân sách hiện hành.
Thái độ của Hungary dưới quyền của thủ tướng Viktor Orban cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Lãnh đạo Hungary đã đe dọa sẽ không ký kết kết luận của hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra trong ba ngày nữa, đồng thời kêu gọi Liên Âu thảo luận trực tiếp với Nga để đạt được hòa bình, như điều Mỹ đang làm. »
*********************
VietNamNet về Bộ Dân tộc & Tôn giáo, xóa bài kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Minh Phước
5–6 minutes
Cùng với tin tờ báo VietNamNet chuyển về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các tin bài liên quan đến việc kỷ luật ông Đào Ngọc Dung - tân Bộ trưởng của bộ mới này cũng được lặng lẽ rút đi không rõ nguyên do.
Hôm 2/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định về Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) sau khi tái cơ cấu, cho thấy chỉ còn tờ báo VnExpress trực thuộc bộ này.
Báo VietNamNet, vốn thuộc Bộ KH&CN dưới quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt việc chuyển về trực thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong tháng 3 năm 2025.
Ngày 3/3, khi phóng viên kiểm tra các bài viết trên VietNamNet - thời điểm tháng 5/2024 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã không còn.
Trưa cùng ngày, có ít nhất bốn bài viết khi truy cập đường dẫn đều được thông báo “không tìm thấy đường dẫn này, bao gồm: “Bộ Chính trị kỷ luật khiển trách Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH”, “Đề nghị kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH”, “Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội”, “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm tại Bộ LĐ-TB&XH”.
BBC News Tiếng Việt là tờ báo đầu tiên chỉ ra sự việc này. Đến khoảng 10 giờ tối, khi truy cập các đường dẫn này đều trả về trang chủ của tờ báo.
Tuy nhiên, những bài viết này vẫn được lưu trên công cụ Wayback Machine của trang Internet Archive, một công cụ lưu trữ các phiên bản cũ của bất kỳ website nào trên Internet.
Không rõ việc xóa các bài viết này diễn ra vào thời điểm nào, phóng viên RFA đã nhiều lần gọi điện thoại cho đường dây nóng của VietNamNet để hỏi về sự việc nhưng không có ai nhấc máy.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, người có nhiều bài viết và video phản biện trên YouTube về chính trị Việt Nam đặt ra giả thiết cho rằng, nếu các bài viết được xóa sau khi Chính phủ công bố thông tin ông Đào Ngọc Dung làm tân Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo và VietNamNet chuyển về trực thuộc bộ này thì khả năng cao là do ông Dung yêu cầu.
Theo ông Đài, cũng có một khả năng khác là tổng biên tập của tờ báo có thể tự kiểm duyệt từ trước khi nghe thông tin về số phận của tờ báo mình chuyển về dưới quyền của ông Đào Ngọc Dung.
Bộ Dân tộc & Tôn giáo
Hôm 1/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc & Tôn giáo, một bộ mới hoàn toàn được hình thành trên cơ sở chuyển giao toàn bộ Ban Tôn giáo trực thuộc Bộ Nội vụ và chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo.
Bộ này có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và tôn giáo, hai lĩnh vực được xác định là cực kỳ nhạy cảm đối với chế độ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Chính nhấn mạnh cho rằng, không để các thế lực thù địch, phản động kích động vấn đề tôn giáo, gây chia rẽ giữa các tôn giáo và lưu ý nhiệm vụ triển khai internet vệ tinh để phủ sóng internet, thúc đẩy chuyển đổi số tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Đào Ngọc Dung giữ chức bộ trưởng bộ này từ ngày 18/2 dù đã hai lần bị kỷ luật Đảng.
Tháng 7/2006, khi đang là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ông bị khiển trách và phân công công tác khác vì đã vi phạm quy chế thi tuyển nghiên cứu sinh Học viện Hành chính Quốc gia. Báo Nhà nước vào năm 2006 đưa tin “ông Đào Ngọc Dung - ủy viên Trung ương (T.Ư) Đảng, bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn - bị bắt quả tang quay cóp trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH tại Học viện Hành chính quốc gia.”
Đến tháng 4/2024, ông Đào Ngọc Dung tiếp tục bị kỷ luật lần thứ hai vì đã để xảy ra sai phạm liên quan đến công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) thời điểm giữ chức Bộ trưởng Lao động & Thương binh xã hội từ năm 2016-2021. Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người hiện đang trốn lệnh truy nã ở Việt Nam - có liên quan đến những sai phạm về gian lận thầu và đút lót tại nhiều địa phương đã bị điều tra và kết án trong thời gian qua.
Ông Dung đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đây là hình thức kỷ luật thấp nhất trong các mức kỷ luật của Đảng gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
Theo ông Đài, trong kết luật của Bộ Chính trị xét kỷ luật Đảng ông Đào Ngọc Dung hồi năm ngoái, ông này không những vi phạm về mặt Đảng mà còn “làm trái quy định pháp luật”.
Luật sư Đài từ Đức nhận định với RFA:
“Theo điều 16 của Hiến pháp mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, anh đã vi phạm pháp luật rồi thì anh phải bị xử lý đằng này ông Đào Ngọc Dung không bị xử lý mà còn được giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và giờ lại được chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ dân tộc và tôn giáo.
Điều này có thể được hiểu là ông đang nằm trong một hệ thống một phe cánh đang rất mạnh ở Việt Nam, đang nắm những xu hướng chính trị mà người ta cho rằng ông đang nằm trong phe cánh của Tô Lâm.”
Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung vào ngày 25/2 được điều động làm Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn Giáo.
Người thay thế chức vụ của ông Trung là thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, quê ở Hưng Yên, cùng quê với Tổng bí thư Tô Lâm
**********
Cuộc cãi vã Zelensky-Donamd Trump đẩy châu Âu vào thế người cầm cờ bất đắc dĩ
Cuộc tranh cãi nảy lửa công khai tại Nhà Trắng giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu, 28/02/2025, gây một cú sốc mạnh ở bên kia bờ Đại Tây Dương của nước Mỹ. Châu Âu bất đắc dĩ bị đẩy vào thế người cầm cờ trước viễn cảnh Hoa Kỳ thoái lui ủng hộ Ukraina.
Đăng ngày:
5 phút
Cuộc họp giữa tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Luân Đôn sau cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa Trump và Zelensky. Luân Đô ngày 02/03/2025.AFP - JUSTIN TALLIS
Sau sự kiện ở Washington hôm 28/02, châu Âu bất ngờ bị đẩy vào một hoàn cảnh không thể khó hơn trong hồ sơ chiến tranh Ukraina cũng như vấn đề an ninh cho chính mình vốn đã nan giải từ khi Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
Hoạt động ngoại giao ở lục địa già những ngày này đang náo động hơn bao giờ hết với các cuộc họp thượng đỉnh bất thường liên tục. Chủ Nhật 02/03 là ở Luân Đôn, đến thứ Năm 06/03 tuần này tại Bruxelles. Các nước châu Âu đang đôn đáo tìm cách đối phó với dư chấn của cuộc gặp tai hại Volodymyr Zelensky – Donald Trump, kết thúc chóng vánh bằng màn khẩu chiến không thương tiếc như báo chí quốc tế những ngày qua liên tục đăng tảic
Trước hết là tại Luân Đôn, nơi các lãnh đạo cấp cao châu Âu đã họp vào Chủ Nhật trong một hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm đưa ra những bảo đảm an ninh mới trước khả năng thoái lui của Mỹ. Kết quả của hội nghị là những tuyên bố các khoản chi tiêu quốc phòng mới và cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraina.
"Chúng ta cần gấp rút tái vũ trang cho châu Âu", chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sau cuộc họp. Châu Âu "phải gánh phần lớn công việc" ở Ukraina nhưng vẫn cần sự hỗ trợ từ Mỹ, thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh.
Từ khi Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, mới hơn một tháng, thời gian đủ để đưa các đồng minh ở châu Âu đến ngưỡng cửa một kỷ nguyên mới, tự lo mà bảo vệ lấy mình, nếu không có sự đổi chác lợi ích nào cho nước Mỹ của Donald Trump.
Volodymyr Zelensky cùng các đồng minh chủ chốt ở châu Âu, đặc biệt là Emmanuel Macron, đã cố gắng hạn chế thiệt hại và kéo thêm thời gian. Với mong muốn trì hoãn sự bỏ rơi của Mỹ đối với Ukraina và châu Âu, họ đã nỗ lực theo cách riêng của mình để duy trì tạm thời sự hỗ trợ của Mỹ và sự cam kết của Washington trong việc đảm bảo an ninh - yếu tố sống còn đối với Kiev.
Nhưng rồi cuộc khẩu chiến tại phòng Bầu Dục nổ ra, việc Washington quay lưng lại với Kiev là có thật. Các nước châu Âu, một mặt thể hiện tình đoàn kết với sự nghiệp chống xâm lược của Ukraina, mặt khác cố gắng còn nước còn tát cứu vãn những gì còn lại của liên minh với Hoa Kỳ.
Cuộc họp thượng đỉnh của gần 20 lãnh đạo châu Âu tại Luân Đôn, được đánh giá là « quyết định », nhưng kết quả cuối cùng thật nghèo nàn, không có tác động mạnh nào ngoài những tuyên bố mang tính quyết tâm chính trị, rằng châu Âu phải tìm ra chính sách quốc phòng chung và các khoản đầu tư cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Trong khi chờ đợi, châu Âu vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina và sẽ đề xuất một thỏa thuận hòa bình, một kế hoạch ngừng bắn với Donald Trump để ông có thể đàm phán với Vladimir Putin.
Giới quan sát cho rằng điều đó càng cho thấy châu Âu thiếu thốn đến mức nào nếu không có « người đỡ đầu » Mỹ. Đó cũng là lý do để Donald Trump luôn ứng xử theo cách của bề trên khiến châu Âu phải chạy theo.
Sự phụ thuộc vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ đã ăn sâu và trở thành như bản năng tự nhiên của châu Âu. Hoang mang trước viễn cảnh chia tay của châu Âu với Mỹ, một số nhân vật đã lên tiếng với hy vọng có thể kéo Donald Trump ở lại với châu lục. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, tuyên bố sau cuộc điện thoại với Donald Trump rằng « bất kỳ sự chia rẽ nào trong phương Tây cũng sẽ làm suy yếu tất cả chúng ta… chia rẽ sẽ không có lợi cho ai cả ».
Tổng thư ký NATO, liên minh đang đối mặt với nguy cơ lớn khi Mỹ rời bỏ, còn bày tỏ quan điểm rõ ràng, "Zelensky phải tìm cách kết nối lại với tổng thống Mỹ", ông tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng cần "tôn trọng (...) những gì Donald Trump đã làm cho Ukraina".
Trong một cử chỉ xoa dịu, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kêu gọi "tất cả mọi người" hãy "bình tĩnh, tôn trọng và biết ơn nhau". Trong khi đó, thủ tướng Anh hy vọng rằng, ông có thể tận dụng "mối quan hệ đặc biệt" với Washington để đóng vai trò cầu nối giữa châu Âu và Mỹ.
Tiếp theo hội nghị quốc tế tại Luân Đôn, sau ba ngày hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Châu Âu sẽ được tổ chức, vào thứ Năm, tại Bruxelles. 27 quốc gia thành viên sẽ thảo luận về việc tăng cường quốc phòng châu Âu và ý tưởng thống nhất về gói viện trợ quân sự mới cho Kiev.
Các cuộc thảo luận vẫn theo nguyên tắc tương tự như đã khẳng định tại Luân Đôn : EU hỗ trợ Ukraina phối hợp với các đồng minh bên ngoài Liên Hiệp, nhưng cũng luôn phối hợp với Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO để đạt được hòa bình với các đảm bảo an ninh.
Khi tự chủ quốc phòng hay tự quyết vận mệnh của mình vẫn là vấn đề của tương lai, trước mắt bảo đảm an ninh ở Châu Âu vẫn không thể thiếu bóng dáng của người đồng minh Hoa Kỳ.
*********
Anh Pháp chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch tạm ngừng bắn tại Ukraina
Hội nghị Luân Đôn hôm 02/03/2025, quy tụ 15 nước châu Âu và nhiều đối tác trong NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Canada về sáng kiến của Anh Quốc để giải quyết xung đột tại Ukraina.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T), thủ tướng Anh Keir Starmer (G) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron thảo luận bên lề Hội nghị Luân Đôn ngày 02/03/2025.AP - Justin Tallis
Trả lời báo Le Figaro, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho biết Anh và Pháp nêu đề xuất Nga và Ukraina có 1 tháng tạm ngừng bắn trên không và trên biển, dừng oanh kích vào các cơ sở dân sự và quân sự của nhau, nhưng không có ngưng bắn trên bộ, vì chiến tuyến dài gần 1000 km và khó xác minh được việc tôn trọng ngưng bắn.
Vẫn theo nguyên thủ Pháp, quân đội châu Âu, nếu vào Ukraina thì chỉ ở giai đoạn 2, khi mà thỏa thuận hòa bình được ký kết. Sáng nay 03/03/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Luke Pollard bác bỏ thông tin của tổng thống Pháp.
Trong cuộc họp báo hôm qua, thủ tướng Anh Keir Starmernói đến một kế hoạch hòa bình cho Ukraina và vẫn nhấn mạnh đến vai trò thiết yếu của Mỹ trong tiến trình này.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Nguyễn Giang cho biết những điểm chưa rõ ràng trong kế hoạch hòa bình mà thủ tướng Anh Keir Starmerthông báo :
« Hội nghị thượng định nhanh chóng (crunch summit) tại Luân Đôn hôm 02/03/2025 nhằm thảo luận một kế hoạch hòa bình mới do các nước châu Âu được Anh dẫn đầu và Pháp công khai đồng thuận nêu ra có một số điểm đáng chú ý.
Một là đề xuất để bất cứ kế hoạch hòa bình nào (any peace plan) cho Ukraina phải tôn trọng chủ quyền và an ninh Ukraina, đồng thời để nước này tham gia hội đàm.
Hai là châu Âu và Anh sẽ tăng cường ngay lập tức năng lực quân sự của Ukraina, cụ thể bằng khoản tiền 1,6 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) tài trợ để 5000 hỏa tiễn được sản xuất ở Belfast, Bắc Ireland của Anh, rồi gửi ngay ra tiền tuyến cho quân đội Ukraina.
Ba là Anh sẽ thiết kế một liên minh cùng ý chí (coalition of the willing) để bảo vệ cho thỏa thuận tương lai ở Ukraina. Một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, cho tới nay có Anh và Pháp sẵn sàng góp quân, nhưng Ba Lan nói không, sẽ đảm bảo an ninh cho thỏa thuận.
Đây chính là câu hỏi lớn nhất vì ông Starmer không nói đó là thỏa thuận nào, dù có vẻ hai điểm trên loại bỏ thỏa thuận song phương Mỹ-Nga mà tổng thống Donald Trump muốn cứ tự đàm phán với tổng thống Vladimir Putin rồi ép Ukraina chấp nhận.
Thông tin duy nhất Anh nói ra là trước khi nêu các điểm trong kế hoạch hòa bình được Anh, Pháp và Ukraina ủng hộ, ông Starmer “đã có trao đổi với ông Trump qua điện thoại” nhưng không rõ ông Trump đồng ý tới mức độ nào và quan trọng là ông ta có lại đổi ý hay không.
Chưa kể, như nhà báo Anh Zoe Williams đặt câu hỏi mấu chốt: Keir Starmer đã bác bỏ luôn cuộc đàm phán Mỹ-Nga, hay đang muốn có kế hoạch của châu Âu do Anh dẫn đầu và bằng cách nào đó khiến Hoa Kỳ ủng hộ, rồi Nga chấp nhận. Bà Williams nhận xét ông Starmer “đang bị gánh nặng của những điều trái ngược đè nặng lên vai”.
Nga từ trước tới nay không đồng ý cho châu Âu thuộc NATO đem quân tới biên giới của họ với Ukraina. Hoa Kỳ thì không muốn để Ukraina tham gia hội đàm – tức là trái với điều 1 trong kế hoạch Starmer.
Điều có thể thấy đang dần dần hiện rõ là Anh sẽ bám sát và thuyết phục Donald Trump, còn Pháp thì làm “phát ngôn viên” nói chuyện với các nước châu Âu sát nách như Đức vốn đang chờ thay đổi lãnh đạo về kế hoạch hòa bình của châu Âu ».
***********
Thủ tướng Chính đề nghị EU xem Việt Nam là ‘cứ điểm đầu tư an toàn’
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 16 tháng 1 năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 2/3 lên tiếng đề nghị các doanh nghiệp liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, xem Việt Nam là “cứ điểm quan trọng phát triển chuỗi cung ứng” và “yên tâm xác định đây là cứ điểm đầu tư an toàn”, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
Phát biểu của ông Chính được đưa ra trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp châu Âu tại trụ sở chính phủ ở Hà Nội, giữa lúc cả Việt Nam và EU đều đang đối diện với nguy cơ bị tân chính quyền Tổng thống Donald Trump áp các mức thuế quan trả đũa lên hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Nhắc đến mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam trong năm 2025, ông Chính kêu gọi châu Âu ủng hộ và hỗ trợ cho Việt Nam đạt mục tiêu này, nhằm tạo động lực đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới và đến năm 2045 đạt mục tiêu quốc gia phát triển có thu nhập cao, theo Lao Động.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam ghi nhận những đóng góp hiệu quả của EU đối với Việt Nam, lưu ý rằng quan hệ đối tác kinh tế năng động này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Ông Chính cũng nêu cam kết của chính phủ đối với việc cải cách hành chính và giảm các rào cản quan liêu để thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài, đồng thời thảo luận về các chính sách năng lượng nhằm tăng cường năng lực năng lượng xanh của Việt Nam.
Ông cho biết chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào ba đột phá chiến lược, tập trung vào cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng rộng khắp và đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao.
Ngoài ra, ông Chính cũng nhấn mạnh đến “vị trí chiến lược” và “dân số trẻ” của Việt Nam, là những yếu tố tạo nên bối cảnh hoàn hảo cho các ngành công nghiệp sáng tạo và cạnh tranh. Ông cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo ổn định chính trị và xã hội như những yếu tố nền tảng để thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư.
Cuộc toạ đàm cũng đề cập đến các lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai bên, chẳng hạn như tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng Chính lưu ý đến tầm quan trọng của việc điều chỉnh sự phát triển của Việt Nam phù hợp với nhu cầu thị trường của EU, đặc biệt là thông qua việc tuân thủ các thỏa thuận như Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), giúp tăng cường dòng chảy thương mại và cơ hội đầu tư.
Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có tiếng nói thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại của EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, thúc đẩy Uỷ ban châu Âu xem xét gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam và mong EU tiếp tục duy trì viện trợ ODA.
Về phía châu Âu, các lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm các tập đoàn lớn như Bosch và Heineken, đã chia sẻ những kinh nghiệm của họ trong buổi toạ đàm, bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam khi viện dẫn những cải cách và cải thiện gần đây trong khuôn khổ pháp lý. “75% các doanh nghiệp châu Âu được khảo sát đề xuất Việt Nam là điểm đến đầu tư thuận lợi”, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert tuyên bố, nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn của quốc gia Đông Nam Á về lợi nhuận đầu tư.
***********
Pháp nói đang cùng Anh đề xuất lệnh ngừng bắn một phần trong một tháng tại Ukraine
VOA
4–5 minutes
Pháp và Anh đang đề xuất một lệnh ngừng bắn một phần kéo dài một tháng giữa Nga và Ukraine, bao gồm tạm ngưng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng trên không, trên biển và năng lượng nhưng không bao gồm giao tranh trên bộ, theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và bộ trưởng ngoại giao của ông cho biết.
Những thông tin này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang có nhiều động thái ngoại giao nhằm củng cố sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine sau cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Phòng Bầu dục hôm 28/2.
"Một lệnh ngừng bắn như vậy đối với cơ sở hạ tầng trên không, trên biển và năng lượng sẽ cho phép chúng ta xác định liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có hành động thiện chí hay không khi ông cam kết ngừng bắn. Và đó là lúc các cuộc đàm phán hòa bình thực sự có thể bắt đầu", Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot nói hôm 3/3.
Theo đề xuất của Anh-Pháp, bộ binh của châu Âu sẽ chỉ được triển khai tới Ukraine trong giai đoạn thứ hai, theo Tổng thống Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên tờ Le Figaro vào cuối ngày 2/3.
"Sẽ không có binh sĩ châu Âu nào trên đất Ukraine trong những tuần tới", Le Figaro trích lời ông Macron nói khi ông bay đến London để tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu do Thủ tướng Anh Keir Starmer triệu tập nhằm thúc đẩy các nỗ lực lập kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
"Câu hỏi đặt ra là chúng ta sử dụng thời gian này như thế nào để tìm cách đạt được lệnh ngừng bắn, với các cuộc đàm phán sẽ mất vài tuần và sau đó, khi hòa bình được ký kết, sẽ triển khai (quân đội)", ông Macron nói.
Tổng thống Pháp không nói rõ về cách giám sát cơ sở hạ tầng trên không, trên biển và năng lượng như thế nào.
"Theo tôi, điều đó chỉ có thể thực hiện được với NATO hoặc ít nhất là bộ chỉ huy NATO và sau đó là hệ thống Patriot, tên lửa tầm xa và hàng không mà Ukraine không có", một nhà ngoại giao châu Âu nói. "Và bạn phải đàm phán với Nga để họ không thực hiện các cuộc tấn công lớn".
Điện Kremlin, vốn đã bác bỏ ý tưởng triển khai quân đội phương Tây đến Ukraine, cho biết hôm 3/3 rằng cuộc tranh cãi tại Phòng Bầu dục giữa ông Trump và ông Zelenskyy cho thấy sẽ khó khăn như thế nào để đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.
‘Các lựa chọn khác nhau’
Tổng thống Zelenskyy, khi được hỏi liệu ông có biết về kế hoạch mà Tổng thống Macron đề cập hay không, đã trả lời các phóng viên ở London: "Tôi biết mọi thứ".
Tuy nhiên, vào ngày 3/3, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Anh Luke Pollard đã từ chối xác nhận các ý tưởng mà ông Macron và ông Barrot đưa ra, và nói rằng: "Đó không phải là một kế hoạch mà chúng tôi hiện đang công nhận".
"Chắc chắn có một số lựa chọn khác nhau đang được thảo luận riêng giữa Anh, Pháp và các đồng minh của chúng tôi tại thời điểm này. Có lẽ tôi không nên bình luận về từng lựa chọn riêng lẻ khi chúng được đưa ra", ông Pollard nói với BBC.
Thủ tướng Starmer cho biết hôm 2/3 rằng các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý lập một kế hoạch hòa bình cho Ukraine để trình lên Hoa Kỳ, nhưng không đi vào chi tiết.
Trong khi đó, các bên tham gia đàm phán để thành lập chính phủ mới của Đức đang cân nhắc nhanh chóng thành lập hai quỹ đặc biệt có khả năng trị giá hàng trăm tỷ euro, một quỹ dành cho quốc phòng và một quỹ thứ hai dành cho cơ sở hạ tầng, theo ba người có hiểu biết về vấn đề này cho Reuters biết.
Những người này nói rằng các nhà kinh tế tư vấn cho các đảng có khả năng thành lập liên minh chính phủ mới ước tính cần khoảng 400 tỷ euro (415 tỷ USD) cho quỹ quốc phòng.
Theo họ cho biết, cuộc trao đổi căng thẳng tại Nhà Trắng giữa ông Zelenskyy và ông Trump hôm 28/2 đã làm tăng cảm giác cấp bách ở Berlin về việc hành động nhanh hơn để chi tiêu cho quốc phòng của Đức và cho Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ họp trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 6/3 để thảo luận về hỗ trợ bổ sung cho Ukraine, đảm bảo an ninh châu Âu và cách chi trả cho nhu cầu quốc phòng của khối này.
**********
Điện Kremlin: Ai đó cần phải buộc Zelenskyy làm hòa sau cuộc đụng độ với Trump
Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện với người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Astana, Kazakhstan ngày 27/11/2024. Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cần bị ép buộc làm hòa với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Điện Kremlin hôm 3/3 nói rằng ai đó sẽ phải buộc Volodymyr Zelenskyy làm hòa và rằng cuộc đụng độ công khai của nhà lãnh đạo Ukraine với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cho thấy việc tìm ra cách chấm dứt chiến tranh sẽ khó khăn như thế nào.
Ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance đã tranh cãi nảy lửa với ông Zelenskyy tại Phòng Bầu dục hôm 28/2. Ông Trump cáo buộc ông Zelenskyy không tôn trọng Hoa Kỳ, và nói rằng ông đang thua cuộc chiến cũng như có nguy cơ gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ ba.
"Tất nhiên, những gì xảy ra tại Nhà Trắng vào thứ Sáu [28/2] đã chứng minh rằng sẽ khó khăn như thế nào để đạt được một quỹ đạo giải quyết xung quanh Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Chế độ Kyiv và Zelenskyy không muốn hòa bình. Họ muốn chiến tranh tiếp diễn".
"Điều rất quan trọng là phải có ai đó buộc chính Zelenskyy phải thay đổi lập trường của mình", ông Peskov nói. "Ai đó phải khiến Zelenskyy muốn hòa bình. Nếu người châu Âu có thể làm được, họ nên được vinh danh và ca ngợi."
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa hàng chục nghìn quân vào Ukraine vào năm 2022, gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Xung đột trong và ngoài Ukraine đã diễn ra trong nhiều năm trước quyết định của ông Putin. Nga đã chiếm bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 sau khi một tổng thống thân Moscow bị lật đổ trong bối cảnh các cuộc biểu tình đường phố rầm rộ ở Kyiv. Sau đó, những người ly khai được Nga hậu thuẫn bắt đầu chiến đấu với lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Donbas phía đông của đất nước.
Ông Peskov cho biết ông Putin đã quen thuộc với "sự kiện chưa từng có" tại Phòng Bầu dục, và nói thêm rằng ít nhất sự kiện này đã chứng minh rằng ông Zelenskyy thiếu kỹ năng ngoại giao.
Tổng thống Zelenskyy hôm 2/3 nói ông tin rằng mình có thể cứu vãn mối quan hệ với ông Trump nhưng Ukraine sẽ không nhượng bất kỳ lãnh thổ nào cho Nga như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Nga hiện kiểm soát gần một phần năm Ukraine – tức khoảng 113.000 km vuông – trong khi Ukraine đã chiếm khoảng 450 km vuông của Nga trong một cuộc xâm nhập vào tỉnh Kursk lân cận, theo các bản đồ nguồn mở về cuộc chiến và ước tính của Nga.
'Sự rạn nứt' của phương Tây
Sau cuộc tranh cãi tại Phòng Bầu dục, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng bảo vệ ông Zelenskyy. Tại một hội nghị thượng đỉnh ở London hôm 2/3, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết họ đã đồng ý lập một kế hoạch hòa bình cho Ukraine để trình đến Hoa Kỳ.
Ông Starmer cũng công bố một thỏa thuận mới trị giá 1,6 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) của Anh cho phép Ukraine mua 5.000 tên lửa phòng không.
Đáp trả hội nghị thượng đỉnh, Điện Kremlin nói rằng hội nghị thượng đỉnh London là một nỗ lực để tiếp tục chiến tranh, không phải để tìm kiếm hòa bình, nhưng cũng lưu ý đến sự chia rẽ giữa châu Âu và Hoa Kỳ.
"Chúng tôi thấy rằng... sự rạn nứt của tập thể phương Tây đã bắt đầu", ông Peskov nói.
"Vẫn còn một nhóm các quốc gia mà đúng hơn là bên tham chiến, tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Ukraine hơn nữa về mặt hỗ trợ chiến tranh và đảm bảo tiếp tục các cuộc thù địch."
Phương Tây và Ukraine mô tả cuộc xâm lược năm 2022 của Nga là một cuộc chiếm đất theo kiểu đế quốc.
Tổng thống Putin coi cuộc xung đột này là một phần của cuộc chiến sinh tồn với phương Tây đang suy tàn và suy đồi mà ông cho là đã làm nhục Nga sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 bằng cách mở rộng liên minh quân sự NATO và xâm phạm vào những gì ông coi là phạm vi ảnh hưởng của Moscow, bao gồm cả Ukraine.
Ông Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục đối thoại với Washington về quan hệ song phương và sẽ tiếp tục những gì Moscow gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" của mình tại Ukraine.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Trump rằng ông đã nói chuyện với ông Putin "nhiều lần", ông Peskov cho biết: "Không có cuộc tiếp xúc nào nên được công khai" ngoài cuộc điện thoại ngày 12/2.
************
Philippines điều tra các khoản đóng góp của nghi can gián điệp Trung Quốc
Trang web của Nhóm Thiện nguyện Qiaoxing, một tổ chức của cộng đồng Trung Quốc ở Philippines, cho thấy 4 công dân Trung Quốc bị bắt vào cuối tháng 1/2025 vì tội gián điệp.
Chính phủ Philippines sẽ điều tra các khoản tiền mặt và các khoản quyên góp của các nhóm liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu bởi bốn công dân Trung Quốc bị buộc tội gián điệp để xác định liệu chúng có được thực hiện một cách thành ý hay không, một viên chức cho biết hôm 3/3.
Tuần trước, Reuters loan tin bốn công dân Trung Quốc bị lực lượng thực thi pháp luật Philippines bắt giữ vào tháng 1 vì tình nghi làm gián điệp đã lãnh đạo các nhóm dân sự do mạng lưới ảnh hưởng nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát.
Các nhóm này đã quyên góp 500.000 peso (8.600 đô la) được dán nhãn là “học bổng xóa đói giảm nghèo” cho thị trưởng thành phố Tarlac, cùng với 10 xe máy cho cảnh sát Manila và 10 xe tuần tra cho cảnh sát và chính quyền Tarlac, theo các bức ảnh, video và các tin bài trực tuyến.
“Không có gì sai khi chấp nhận các khoản quyên góp nếu chúng được thực hiện một cách thiện chí. Tuy nhiên, nếu những khoản quyên góp này được thực hiện với động cơ thầm kín, thì chúng ta cần phải điều tra”, Thứ trưởng Truyền thông của Tổng thống, Claire Castro phát biểu trong một cuộc họp báo.
“Chúng ta cũng nên xác định các quan chức chính quyền địa phương đã nhận chúng để đảm bảo điều này không xảy ra nữa, đặc biệt là nếu chúng đang được sử dụng hoặc vô tình được sử dụng”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong một tuyên bố với Reuters, cho biết Trung Quốc yêu cầu công dân của mình tuân thủ luật pháp địa phương và các nhóm dân sự do công dân tự nguyện thành lập không liên kết với chính quyền Bắc Kinh.
Philippines đã bắt giữ ít nhất tám nghi phạm gián điệp Trung Quốc trong những tuần gần đây, trong đó có bốn người vừa kể, làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia vốn đã có một loạt các vụ đụng độ liên quan đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Philippines không có luật can thiệp nước ngoài cụ thể nhưng đang soạn thảo một luật. Theo các hướng dẫn, các cơ quan chính phủ được phép nhận các khoản quyên góp nhưng các khoản đóng góp từ các cơ quan nước ngoài phải được tổng thống chấp thuận.
***********
Ông Trump dọa ‘mất kiên nhẫn’; Châu Âu gợi ý các đề nghị ngừng bắn ở Ukraine
Reuters
7–8 minutes
Anh ngày 3/3 nói rằng đã có một số đề nghị ngừng bắn trong cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga, sau khi Pháp đưa ra kế hoạch tạm dừng một tháng dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng sự kiên nhẫn của ông sắp hết.
Các nước châu Âu, dẫn đầu là Anh và Pháp, đang tập hợp xung quanh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và cố gắng đưa ra một kế hoạch hòa bình bao gồm cả Kyiv sau vụ rạn nứt ở Phòng Bầu dục tuần trước giữa ông Zelenskyy và ông Trump.
“Rõ ràng là có một số lựa chọn trên bàn”, phát ngôn viên Thủ tướng Keir Starmer nói.
Pháp, Anh và có khả năng là các nước châu Âu khác đã đề nghị gửi quân đến Ukraine trong trường hợp ngừng bắn - điều mà Moscow đã bác bỏ - nhưng cho biết họ muốn có sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ hoặc một “biện pháp dự phòng”.
Ông Trump đã đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ bằng cách mở các cuộc đàm phán với Moscow về vấn đề Ukraine và không tham khảo ý kiến các đồng minh phương Tây khác. Vào ngày 28/2, ông đã công khai chỉ trích ông Zelenskyy hoặc phải tuân theo hoặc sẽ thấy Mỹ cắt đứt viện trợ quân sự quan trọng.
Vào ngày 3/3, tổng thống Hoa Kỳ đã tức giận phản ứng với một bản tin của AP trích dẫn lời ông Zelenskyy nói rằng ngày chấm dứt chiến tranh hãy còn “rất, rất xa”.
“Đây là tuyên bố tệ nhất mà ông Zelenskyy có thể đưa ra, và nước Mỹ sẽ không chịu đựng được lâu nữa!” ông Trump viết trên Truth Social.
“Đó là những gì tôi muốn nói, ông này không muốn có Hòa bình chừng nào ông ấy vẫn còn sự hậu thuẫn của nước Mỹ và châu Âu, trong cuộc họp giữa họ với ông Zelenskyy, họ đã tuyên bố thẳng thừng rằng họ không thể làm được nếu không có Hoa Kỳ”.
Ông Zelenskyy cho rằng lệnh ngừng bắn phải có sự đảm bảo an ninh rõ ràng từ phương Tây để đảm bảo rằng Nga, nước đã xâm lược Ukraine ba năm trước và hiện nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine, sẽ không tấn công nữa. Ông Trump đã từ chối đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào như vậy.
Ông Starmer đã tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Âu tại London vào ngày 2/3 và cho biết họ đã đồng ý lập một kế hoạch hòa bình để đưa cho Hoa Kỳ.
Pháp đề nghị ngưng bắn trong một tháng để thử ý định của Nga
Trong một cuộc phỏng vấn trên đường đến hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu khả năng ngừng bắn trong một tháng, mặc dù không có sự ủng hộ công khai ngay lập tức từ các đồng minh khác.
“Một thỏa thuận ngừng bắn như vậy trên không, trên biển và cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ cho phép chúng ta xác định liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có hành động thiện chí khi ông cam kết ngừng bắn hay không”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nói.
“Và đó là lúc các cuộc đàm phán hòa bình thực sự có thể bắt đầu”.
Bộ binh châu Âu sẽ chỉ được triển khai tới Ukraine trong giai đoạn thứ hai, ông Macron cho biết trong cuộc phỏng vấn được đăng trên tờ Le Figaro.
Ông Zelenskyy, khi được hỏi liệu ông có biết về đề nghị đó không, đã trả lời các phóng viên ở London: “Tôi biết mọi thứ”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang xử lý những gì một số người mô tả là sự đảo ngược chính sách lớn nhất của Washington kể từ Thế chiến Thứ hai, sau khi ông Zelenskiy đột ngột rời Tòa Bạch Ốc vào ngày 28/2 sau khi bị ông Trump và Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích trước truyền thông quốc tế.
Ông Zelenskyy đến Washington với dự định ký một thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ tiếp cận khoáng sản của Ukraine, nhưng đã rời đi mà không ký.
Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Mike Waltz nói với Fox News rằng ông Zelenskyy phải xin lỗi.
“Điều chúng ta cần nghe từ Tổng thống Zelenskyy là ông ấy hối tiếc về những gì đã xảy ra, rằng ông ấy sẵn sàng ký thỏa thuận khoáng sản này và rằng ông ấy sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình”, ông nói.
“Tôi không nghĩ rằng đó là điều quá đáng để yêu cầu. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong 48 giờ tới, nhưng chúng tôi chắc chắn đang tìm cách tiến về phía trước theo hướng tích cực”.
Ông Friedrich Merz, người bảo thủ sắp trở thành thủ tướng Đức sau khi giành được số phiếu bầu lớn nhất trong cuộc bầu cử một tuần trước, cho rằng lập luận tại Phòng Bầu dục hôm 28/2, trong đó ông Zelenskyy bị ép phải cam kết công khai về một giải pháp ngoại giao, là một cái bẫy được lên kế hoạch trước.
“Đó không phải là phản ứng tự phát trước sự can thiệp của ông Zelenskyy, mà rõ ràng là một sự leo thang được tạo ra”, ông Merz nói.
“Bây giờ chúng ta phải chứng minh rằng chúng ta có vị thế để hành động độc lập ở châu Âu”.
Người châu Âu cảm thấy ông Trump đã phản bội Ukraine
Trong riêng tư, và đôi khi là công khai, các quan chức châu Âu đang tức giận về những gì họ coi là sự phản bội Ukraine, quốc gia đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Washington kể từ cuộc xâm lược của Nga.
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết đã có “hai nạn nhân” từ cuộc đụng độ tại Phòng Bầu dục: an ninh của Ukraine và liên minh kéo dài tám thập niên của châu Âu với Hoa Kỳ.
Tại quốc hội Pháp, ông đã cảm ơn ông Zelenskyy vì đã kiên định. Ông nói về “một cảnh tượng kinh hoàng, được đánh dấu bằng sự tàn nhẫn, một mong muốn làm nhục, với mục đích là buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phải đầu hàng bằng cách đe dọa”.
Nhưng người châu Âu cũng vẫn đang nỗ lực để giữ cho Hoa Kỳ đứng về phía mình. Ông Peter Mandelson, đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, cho biết quan hệ Ukraine-Hoa Kỳ cần được thiết lập lại, vì sáng kiến chấm dứt chiến tranh của ông Trump là “điều quan trọng nhất”.
Ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại với ông Putin vào tháng trước và sau đó tuyên bố các cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh sẽ bắt đầu nhanh chóng, khiến cả ông Zelenskyy và các đồng minh phương Tây khác của ông, bao gồm Liên hiệp châu Âu và Anh, bất ngờ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đồng ý rằng họ phải chi nhiều hơn cho quốc phòng để cho ông Trump thấy rằng lục địa này có thể tự bảo vệ mình. EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 6/3.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết bà sẽ thông báo cho các quốc gia thành viên vào ngày 4/3 về các kế hoạch tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và năng lực quân sự của EU:
“Chúng ta cần một đợt tăng cường quốc phòng mạnh mẽ, không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta muốn có hòa bình lâu dài, nhưng hòa bình lâu dài chỉ có thể được xây dựng trên sức mạnh, và sức mạnh bắt đầu từ việc tự củng cố bản thân”.
Nga không che giấu sự vui mừng của mình, ca ngợi ông Trump vì đã thay đổi chính sách của Hoa Kỳ và lên án ông Zelenskyy vì đã thách thức ông ấy.
“Chúng tôi thấy rằng phương Tây tập thể đã bắt đầu mất đi tính tập thể của mình một phần, và sự phân mảnh của phương Tây tập thể đã bắt đầu”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
“Vẫn còn một nhóm các quốc gia tạo thành bên chiến tranh, tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ thêm cho Ukraine về mặt hỗ trợ chiến tranh và đảm bảo tiếp tục thù nghịch”.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.