Tin Tức ngày 02 tháng 03 -2025:

Chủ Nhật, 02 Tháng Ba 20256:55 SA(Xem: 1348)
Tin Tức ngày 02 tháng 03 -2025:
Maga-chum
************

Anh cho Ukraina vay 2,26 tỉ bảng, Na Uy và Đức dự kiến tăng viện trợ cho Kiev

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã được thủ tướng Anh Keir Starmer đón tiếp trọng thị tại Luân Đôn ngày 01/03/2025 sau sự cố « chưa từng có » ở Nhà Trắng. Anh và Ukraina đã ký một thỏa thuận vay 2,26 tỉ bảng, được trả bằng lợi tức từ tài sản Nga bị phong tỏa. Cùng ngày, Na Uy thông báo dự kiến tăng hỗ trợ cho Ukraina. Tân chính phủ Đức cũng bị thúc giục giải ngân khoản viện trợ mới 3 tỉ euro cho Kiev.

Bộ trưởng Tài Chính Anh Rachel Reeves, với sự có mặt của thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ký Các khoản cho vay xúc tiến đặc cách trị giá 2,6 tỷ bảng Anh cho Kiev, ngày 01/03/2025.
Bộ trưởng Tài Chính Anh Rachel Reeves, với sự có mặt của thủ tướng Anh Keir Starmer và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ký Các khoản cho vay xúc tiến đặc cách trị giá 2,6 tỷ bảng Anh cho Kiev, ngày 01/03/2025. AFP - TOBY MELVILLE
Quảng cáo

Theo AFP, thỏa thuận được bộ trưởng Tài Chính Anh và Ukraina ký thông qua buổi lễ trực tuyến thể hiện « sự ủng hộ không lay chuyển (của Anh) đối với người dân Ukraina ». Trên mạng Telegram, tổng thống Zelensky bày tỏ « biết ơn người dân và chính phủ Anh vì sự ủng hộ to lớn ngay từ đầu cuộc chiến » và cho biết « số tiền đó sẽ được dùng để sản xuất vũ khí ở Ukraina » nhằm tăng cường năng lực phòng thủ.

Về phía Na Uy, thủ tướng Jonas Gahr Støre cho biết sẽ đề nghị Quốc Hội tăng thêm viện trợ cho Ukraina. Cuối năm 2024, Quốc Hội Na Uy đã thông qua khoản hỗ trợ quân sự và dân sự 3 tỉ euro cho Ukraina trong năm 2025 và tổng viện trợ gần 14 tỉ euro từ năm 2023-2030.

Tại Đức, nước viện trợ lớn thứ hai, sau Mỹ, cho Ukraina, việc tổng thống Zelensky bị tổng thống Trump và phó tổng thống JD Vance công kích dữ dội ở Nhà Trắng, đã khiến chính quyền thay đổi thái độ trong bối cảnh chuyển giao quyền lực giữa thủ tướng mãn nhiệm Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội - SPD và Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Dân chủ - Thiên chúa giáo – CDU, về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 23/02/2025.

Thông tín viên RFI Nathalie Versieux tại Berlin cho biết thêm :

« Một ngày sau vụ tranh cãi ở Washington, đảng CDU yêu cầu : "Ông Olaf Scholz phải được thủ tướng tương lai Friedrich Merz đi cùng đến Luân Đôn". Sự cố giữa Mỹ và Ukraina làm gia tăng sức ép đối với đảng SPD, đang bị đảng Xanh thúc giục giải ngân gói hỗ trợ quân sự mới 3 tỉ euro cho Ukraina và cũng bị đốc thúc tăng tốc các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ.

Đảng CDU nhấn mạnh là Đức phải có một chính phủ hoạt động hiệu quả càng sớm càng tốt, dưới sự lãnh đạo của ông Friedrich Merz. Áp lực cũng đang gia tăng đối với đảng CDU. Sự cố ở Washington xảy ra vào thời điểm thủ tướng tương lai tuyên bố rằng sự tham gia của quân đội Đức (Bundeswehr) vào hoạt động gìn giữ hòa bình ở Ukraina sẽ phụ thuộc vào cam kết của Hoa Kỳ.

Từ giờ giữ khoảng cách với Washington, tân thủ tướng Đức công khai nhắc đến khả năng chuyển từ "ô hạt nhân Mỹ" sang lá chắn hạt nhân Pháp-Anh ».


**********

Nga thuyết phục các blogger quân sự hiếu chiến chấp nhận lệnh đình chiến với Ukraina

Một video tuyên truyền, gợi lên viễn cảnh chiến tranh ở Ukraina kết thúc, và do chính quyền thực hiện để biện minh cho việc ngừng giao tranh với Kiev đã được phát tán rộng rãi trên các kênh Telegram của Nga trong tuần qua.

Ảnh minh họa: Một biển quảng bá nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng và vinh danh một quân nhân Nga tại thị trấn Petushki thuộc vùng Vladimir, cách Matxcơva khoảng 115 km  về phía đông, ngày 10/01/2025.
Ảnh minh họa: Một biển quảng bá nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng và vinh danh một quân nhân Nga tại thị trấn Petushki thuộc vùng Vladimir, cách Matxcơva khoảng 115 km về phía đông, ngày 10/01/2025. AFP - NATALIA KOLESNIKOVA
Quảng cáo

Báo Pháp Le Monde hôm 01/03/2025 cho biết video được kênh Telegram Pool N3 đăng hôm thứ Bảy 22/02, rồi được các kênh Telegram ở Nga phát tán rộng rãi.

Khả năng chấm dứt chiến sự theo sáng kiến ​​của chính quyền Mỹ khiến các blogger quân sự Nga nản lòng. Những người này từng tin rằng chiến thắng đã ở trong tầm tay của Matxcơva và cần phải tiếp tục phóng thêm drone và tên lửa đạn đạo vào các thành phố của Ukraina. Một số người sửng sốt khi xem video, đến mức cho rằng đó có thể là một trò lừa bịp của cơ quan tình báo Ukraina, nhằm làm suy yếu tinh thần của các đội quân Nga.

Nhưng theo Le Monde, trên thực tế, video có nguồn gốc trực tiếp từ cơ quan tuyên truyền của điện Kremlin. Mục tiêu là nhằm định hướng dư luận, và là thông điệp mà chính quyền Puttin đang cố gắng truyền tải tới những người hiếu chiến để họ chấp nhận lệnh ngừng bắn, vốn dĩ không phải là một chiến thắng : điện Kremlin sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu chiến tranh nào, không chiếm được thủ đô Ukraina, cũng không lật đổ được « chế độ Đức Quốc xã ở Kiev » và mọi hy sinh của binh sĩ Nga cuối cùng đều là để mời Hoa Kỳ đến khai thác khoáng sản dưới lòng đất mà họ cho là « của Nga ».

Kênh Telegram Deux Majors (có 1,2 triệu người đăng ký) lưu ý video tuyên truyền nói trên cho thấy một sự thay đổi so với quan điểm ban đầu mà truyền thông Nhà nước Nga đưa ra khi « chiến dịch đặc biệt » bắt đầu.

Một sự thay đổi giọng điệu khác cũng được ghi nhận : Hồi đầu cuộc chiến, Margarita Simonian, tổng biên tập báo Nga Russia Today, cơ quan truyền thông hàng đầu của chế độ Putin, từng đưa ra lời kêu gọi « đè bẹp, nghiền nát Ukraina », nhưng gần đây giọng điệu của vị tổng biên tập này cũng thay đổi hoàn toàn : « Tôi muốn chúng ta chiếm được Kiev, Odessa, Kharkiv và tất cả những nơi còn lại, nhưng trên thực tế, điều chúng ta có thể đồng ý với Trump là giữ lại các vùng lãnh thổ của chúng ta, và chúng ta dừng lại ở chiến tuyến ». Margarita Simonian nhấn mạnh phải dựa vào « thực tế chứ không phải mơ ước ».


*************

An ninh châu Âu và Ukraina : Trọng tâm của thượng đỉnh tại Luân Đôn

Ngày 02/03/2025, Anh Quốc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh với khoảng 15 nước tham gia. An ninh cho châu Âu và Ukraina trở thành chủ đề nghị sự chính sau bước ngoặt chưa từng có tại Nhà Trắng khi tổng thống Zelensky bị đồng nhiệm Mỹ và phó tổng thống JD Vance công kích dữ dội và khả năng Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraina.

Ảnh minh họa: Thủ tướng Anh Keir Starmer tiếp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại phủ thủ tướng ngày 10/10/2024.
Ảnh minh họa: Thủ tướng Anh Keir Starmer tiếp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại phủ thủ tướng ngày 10/10/2024. AP - Henry Nicholls
Quảng cáo

Thủ tướng Anh muốn đóng vai trò hàn gắn rạn nứt Mỹ-Ukraina. Cuộc họp cấp cao với tổng thống Zelensky và các lãnh đạo chủ chốt của châu Âu có thể chỉ là một trong nhiều hội nghị châu Âu cần tổ chức vào những tuần và những tháng tới.

Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn :

Hội nghị Luân Đôn vào Chủ Nhật này (02/03) đã được lên lịch từ trước, với mục tiêu tổng kết, đánh giá kết quả ba chuyến thăm sang Nhà Trắng của lãnh đạo Pháp, Anh và Ukraina chỉ trong một tuần qua, nhưng sự đổ vỡ công khai giữa tổng thống Volodymyr Zelensky với tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (28/02) ở Washington DC đã khiến nghị trình cuộc họp chuyển sang hướng tìm kiếm cách hàn gắn quan hệ Ukraina và Mỹ.

Sự nghiêm trọng hơn bao giờ hết của tình hình Ukraina và nguy cơ Hoa Kỳ rút mọi hỗ trợ quân sự, an ninh và viễn thông (mạng Starlink) cho quốc gia đang bị Nga bắn phá liên tục khiến ông Zelensky phải bay đến Anh từ thứ Bảy (01/03) và đi thẳng từ sân bay tới phủ thủ tướng Anh ở số 10 Downing Street để hội đàm với ông Keir Starmer.

Dù ra tận cửa đón ông Zelensky để ôm vai tỏ tình đoàn kết, ông Starmer đã nói riêng với vị khách Ukraina là nên làm lành với tổng thống Trump, vì quyền lợi đất nước. Thông điệp tương tự cũng được tổng thư ký khối NATO Mark Rutte nói trên đài BBC, rằng “Bạn Volodymyr thân mến, hãy khôi phục quan hệ với tổng thống Mỹ.”

Cuộc họp hôm nay ở phủ thủ tướng Anh, với các khách mời là lãnh đạo Ý, Đức, Pháp, Ba Lan, chủ tịch Ủy ban châu Âu, tổng thư ký NATO... sẽ nhắm tới việc làm sao châu Âu tăng cường quân bị để giúp Ukraina nhưng cũng để tự giúp mình, nếu Hoa Kỳ rút bớt hỗ trợ quân sự hoặc bỏ luôn NATO châu Âu như ông Trump từng dọa.

Cựu đại sứ Anh ở Nga, Laurie Bristow nói rằng các nước châu Âu không còn cách nào khác là bổ sung vào những gì Hoa Kỳ đang gánh vác về quân sự, hoặc thậm thay thế luôn nếu Mỹ rút đi.

Trước mắt, nước chủ nhà của hội nghị là Anh vẫn cố gắng hàn gắn Mỹ và Ukraina, tương tự như ý tưởng của thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni, người được chính quyền Trump có vẻ quý mến, rằng cần có hội nghị thượng định “ngay lập tức giữa Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các đồng minh” để không cho rạn nứt, chia rẽ làm suy yếu phương Tây.

Nhưng Anh cũng phải âm thầm tính đến nước phải giúp Ukraina cầm cự lâu dài hơn. Tối hôm qua, bộ trưởng Tài chính Anh, bà Rachel Reeves đã ký cho Ukraine khoản vay thêm 2,6 tỷ bảng Anh. Còn gọi là Các khoản cho vay xúc tiến đặc cách (Extraordinary Revenue Acceleration Loans - ERAs), đây là số tiền một phần lấy từ hàng tỷ đô tiền lãi tài sản của Nga bị đóng băng trong các ngân hàng ở Anh.

Còn với chính nước Anh, bà Reeves cũng lặng lẽ bổ sung hạng mục cho khoản tiền 27,8 tỷ bảng (gần 35 tỷ USD) trong quỹ của chính quyền (National Wealth Fund) để tiền có thể chuyển từ đầu tư năng lượng xanh sang đầu tư quân sự.

Vì như một trang báo Anh viết, thủ tướng Starmer hẳn phải biết ông thực ra không có nhiều lá bài để chơi trong cuộc đấu trí gay go với nước Mỹ vừa để tránh phật lòng ông Trump, vừa để hỗ trợ được đồng minh Ukraina khi Trump đã nói ông không đứng về phía Ukraina. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố ông không đứng về phía Nga nhưng liệu thủ tướng Anh có thể tin thế không, đó là vấn đề lớn nhất của Keir Starmer hôm nay và những tháng tới.

Trước mắt, nước Anh đang dốc toàn lực cho việc “bắc cầu” chiến lược giữa Hoa Kỳ và châu Âu. Sau khi mời tổng thống Trump sang thăm cấp nhà nước lần hai (dự kiến trong năm nay), nhà vua Charles III đã vừa mời Tổng thống Zelensky tới thăm ngài ở Sandringham. Tuy đó không phải là cuộc đón tiếp cao nhất vì diễn ra chiều nay ở khu dinh thự riêng của vua tại vùng Norfolk, xa thủ đô Luân Đôn nhưng vẫn là thông điệp mang tính biểu tượng rằng cả Hoàng gia và chính phủ Anh không bỏ rơi Ukraina.

Thủ tướng Anh họp riêng với ba nước Baltic

Ba nước vùng Baltic Latvia, Litva, Estonia, không nằm trong danh sách khoảng 15 nước tham dự thượng đỉnh ở Luân Đôn, được thủ tướng Anh Keir Starmer mời họp riêng ngày 02/03 trước cuộc họp chính thức. Theo thông tín viên RFI Mariel Vitueau tại Vilnius, Anh là đồng minh quân sự quan trọng lâu năm của các nước vùng Baltic. Cuộc gặp tại Luân Đôn là cách để ba nước giáp ranh với Nga bày tỏ quan ngại, đề xuất giải pháp giúp Ukraina, cũng như hiểu thêm về cách đánh giá của Washington về tình hình Ukraina và châu Âu


************

Zelenskyy được chào đón nồng hậu tại Anh sau cuộc đụng độ với Trump


Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Phố Downing ở London, Anh, ngày 1 tháng 3 năm 2025.
Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Phố Downing ở London, Anh, ngày 1 tháng 3 năm 2025.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đón tiếp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy bằng cái ôm nồng hậu vào ngày thứ Bảy sau khi nhà lãnh đạo Ukraine bay đến London để hội đàm sau cuộc đụng độ tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong một cuộc gặp gỡ hết sức khác thường tại Phòng Bầu dục vào ngày thứ Sáu, ông Trump đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine, ba năm sau khi Nga xâm lược nước láng giềng nhỏ hơn.

Tại London, đám đông reo hò khi ông Zelenskyy đến để hội đàm với ông Starmer tại văn phòng của ông ở Phố Downing trước hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Châu Âu mà tổng thống Ukraine sẽ tham dự vào Chủ nhật để thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine.

"Tôi hi vọng ông nghe thấy một số tiếng reo hò trên phố. Đó là người dân Vương quốc Anh ra ngoài để biểu thị họ ủng hộ ông nhiều như thế nào ... và quyết tâm tuyệt đối của chúng tôi sát cánh cùng ông," ông Starmer nói với ông Zelenskyy.

Ông Starmer nói với Zelenskyy rằng ông có "sự ủng hộ hoàn toàn trên khắp Vương quốc Anh."

"Chúng tôi sát cánh cùng ông và Ukraine cho đến khi nào còn cần thiết," ông Starmer nói.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu khác cũng đã đưa ra thông điệp ủng hộ ông Zelenskyy và Ukraine sau cuộc gặp của ông với ông Trump, làm nổi bật những khác biệt giữa các đồng minh truyền thống là Mỹ và Châu Âu về cuộc chiến kể từ khi Trump trở lại nắm quyền.

Ông Starmer đã nói chuyện với cả ông Trump và ông Zelenskyy vào ngày thứ Sáu, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đến thăm ông Trump tại Washington trong tuần này.

Ông Zelenskyy cũng sẽ hội kiến Vua Charles vào Chủ nhật. Tờ báo The Sun của Anh cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra tại điền trang Sandringham của quốc vương ở miền đông nước Anh.

"Tôi rất vui vì Đức vua đã chấp nhận tiếp kiến tôi vào ngày mai," ông Zelenskyy nói với ông Starmer khi bắt đầu cuộc gặp của họ.

Anh là nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và Vua Charles trước đây đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với ông Zelenskyy, nói về "quyết tâm và sức mạnh" của người dân Ukraine trước cuộc tấn công vô cớ từ Nga.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng của ông Starmer, ông đã trao cho ông Trump thư mời thăm cấp nhà nước của quốc vương. Ông Trump sẽ là nhà lãnh đạo chính trị dân cử đầu tiên trong thời hiện đại được mời thăm cấp nhà nước hai lần bởi một vị quân chủ của Anh.


***********

Thủ tướng Starmer: Anh, Pháp và Ukraine sẽ trình thỏa thuận hòa bình lên Trump


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc hội đàm hôm 1/3.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc hội đàm hôm 1/3.

Anh và Pháp sẽ làm việc về một thỏa thuận hòa bình với Ukraine và trình lên ông Donald Trump, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết hôm 2/3, mô tả đây là một bước đi đúng hướng sau cuộc họp gây chấn động tại Nhà Trắng hôm 28/2.

Ông Starmer, người sẽ tiếp đón các nhà lãnh đạo phương Tây tại London trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hòa bình, cho biết rằng ông hy vọng một "liên minh thiện chí" của châu Âu sẽ cùng nhau ủng hộ Kyiv, nhưng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải được Hoa Kỳ hỗ trợ để ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine một lần nữa.

"Nói cách khác, chúng ta phải tìm ra những quốc gia ở châu Âu sẵn sàng có suy nghĩ tiến bộ hơn một chút", ông nói với đài truyền hình BBC.

"Anh và Pháp là những nước cấp tiến nhất trong việc suy nghĩ về vấn đề này và đó là lý do tại sao Tổng thống Macron và tôi đang làm việc về kế hoạch này, sau đó chúng tôi sẽ thảo luận với Hoa Kỳ".

Ông Starmer đã trao đổi với ông Macron và ông Trump hôm 1/3 sau khi ông tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Downing Street, một ngày sau khi ông Trump và ông Zelenskyy tranh cãi tại Nhà Trắng.

Ông Starmer lặp lại lời khẳng định của mình rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ chỉ có hiệu quả ở Ukraine nếu một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu có thể có được sự bảo đảm an ninh từ Hoa Kỳ.

"Tôi luôn nói rõ rằng điều đó sẽ cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, bởi vì tôi không nghĩ rằng nó sẽ là một sự bảo đảm nếu không có điều đó", ông nói.


************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) – Phong trào PKK thông báo đình chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Đình chiến có hiệu lực ngay từ ngày 01/03/2025 sau khi đảng Lao Động Kurdistan hưởng ứng lời kêu gọi được người sáng lập Abdullah Ocalan đưa ra trước đó. Đảng PKK cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho thủ lĩnh, hiện 75 tuổi, bị kết án tù chung thân và đã thụ án 26 năm trên một hòn đảo ở ngoài khơi Istanbul. Cuộc xung đột từ hơn 40 năm qua đã khiến hơn 40.000 thiệt mạng.

(AFP) – Gaza : Kết thúc giai đoạn đầu của lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Lệnh hưu chiến có hiệu lực từ ngày 19/01 sẽ kết thúc vào hôm nay, 01/03/2025, tuy nhiên đến sáng nay vẫn không có dấu hiệu đồng thuận hay sự hiện diện của phái đoàn Hamas ở thủ đô Ai Cập để tiếp tục đàm phán về các bước tiếp theo. Theo dự kiến, giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn sẽ phải bắt đầu vào ngày mai và cho phép giải phóng các con tin cuối cùng của Hamas và hàng trăm tù nhân Palestine bị giam giữ ở Israel. Trong khi đó, giai đoạn thứ ba sẽ tập trung vào việc tái thiết lãnh thổ Palestine.

(Philstar) – Đại sứ Mỹ tại Philippines tham gia đội bay Mỹ thị sát Biển Đông. Trên mạng X ngày 28/02/2025, bà MaryKay Carlson đăng ảnh cùng một số quan chức Mỹ và Philippines dưới chân máy bay tuần tra Mỹ P-8 Poseidon cùng thông tin về chuyến bay trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines ở Biển Đông ngày 27/02. Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Manila Kanishka Gangopadhyay khẳng định hoạt động này « nằm trong cam kết thường xuyên của Mỹ với các nhà lãnh đạo cấp cao của Philippines về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tầm quan trọng của luật hàng hải quốc tế ».

(France 24) - Phát hiện mới qua hình ảnh vệ tinh về tuyến đường Bình Nhưỡng đưa binh sĩ sang chiến đấu cho quân đội Nga ở Ukraina. Trang mạng đài France 24 hôm 28/02/2025 cho biết, nhiều hình ảnh vệ tinh mới mà CNN công bố cho thấy tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường biển nối từ cảng Rajin của Bắc Triều Tiên đến cảng Dunai của Nga, không xa Vladivostok. Các hình ảnh vệ tinh củaTrung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin ở California, Mỹ, đã cho phép xác định ít nhất 2 tàu chiến của Nga và 2 tàu chuyên chở binh sĩ của Nga tại cảng Rajin của Bắc Triều Tiên. Sau đó, những con tàu này được trông thấy di chuyển đến cảng Dunai của Nga.

(Reuters) - Bắc Kinh chỉ thị cho các doanh nhân và nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc tránh đi du lịch Hoa Kỳ. Báo Mỹ Wall Street Journal hôm 28/02/2025 trích dẫn nguồn thạo tin cho biết nhà chức trách Trung Quốc lo ngại rằng các chuyên gia AI của nước này khi đi du lịch nước ngoài có thể tiết lộ thông tin mật về tiến bộ của quốc gia. Bắc Kinh cũng lo ngại họ có thể bị bắt giữ và sử dụng làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, liên hệ với vụ bắt giữ một giám đốc điều hành của tập đoàn Hoa Vi ở Canada theo yêu cầu của Washington trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump.

(AFP) - Tổng thống Donald Trump muốn ban hành sắc lệnh coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Mỹ. Mục đích là phát huy tình đoàn kết trong nước, thúc đẩy người mới đến tham gia vào đời sống tại Mỹ, theo một tài liệu mà AFP nhận từ một quan chức Nhà Trắng. Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa từng công nhận ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính thức. AFP hôm qua 28/02/2025 cho biết sắc lệnh mới của Trump như vậy hủy bỏ một sắc lệnh 2000 của tổng thống Bill Clinton khi đó được ban hành nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ công cho « những cá nhân có trình độ tiếng Anh hạn chế ». Theo sắc lệnh mới, các cơ quan liên bang sẽ không bắt buộc phải cung cấp dịch vụ bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, nhưng họ vẫn được phép làm như vậy để « phục vụ người Mỹ tốt nhất và hoàn thành nhiệm vụ của họ ».

(AFP) - La Monnaie de Paris thay thế 220 huy chương Olympic bị hỏng. Danh tiếng tay nghề của Pháp bị ảnh hưởng sau khi nhiều vận động viên đăng lên mạng xã hội hình ảnh huy chương bị hoen gỉ. Trong thông cáo ngày 28/02/2025, công ty Monnaie de Paris, sản xuất huy chương Thế Vận Hội Paris 2024, cho biết « đã thay thế nhiều huy chương bị hỏng và sẽ tiếp tục theo yêu cầu của các vận động viên » và Ủy ban Thế Vận Hội - CIO. Huy chương mới, « giống với huy chương đã được trao tại Thế Vận Hội », có lớp vec-ni tăng cường lực. 

(AFP) - Bộ phim ca nhạc "Emilia Perez" của nhà sản xuất Pháp Jacques Audiard thắng lớn tại Lễ trao giải điện ảnh César lần thứ 50 của Pháp. "Emilia Perez" đoạt 7 giải thưởng, trong đó có giải Phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất. Được quay bằng tiếng Tây Ban Nha, có sự tham gia của nhiều ngôi sao quốc tế như Zoe Saldaña, Selena Gomez và nữ diễn viên chuyển giới người Tây Ban Nha, Karla Sofía Gascón trong vai chính, bộ phim đã giành nhiều giải thưởng ở LHP quốc tế Cannes và giành kỷ lục 13 đề cử giải Oscar cho một tác phẩm không nói tiếng Anh. Nhà sản xuất phim 72 tuổi của Pháp đang hướng tới giải Oscar, được công bố vào ngày mai 02/03. Lễ trao giải điện ảnh César lần thứ 50 của Pháp được truyền hình trênh kênh tư nhân Canal+ đã thu hút 2,01 triệu khán giả, 13,3% số khán giả xem truyền hình tại Pháp tối qua 28/02/2025. Đây là thành tích tốt nhất của đài Canal+ tính từ năm 2020 đến nay.


***********

Trung Quốc sửa điều lệ quân sự tập trung chuẩn bị chiến tranh

Thu Hằng

Bắc Kinh điều chỉnh một loạt quy định về Quân đội Giải phóng Trung Quốc, tập trung vào yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị cho nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài hơn và coi việc giành chiến thắng trong các trận chiến là trách nhiệm hàng đầu. Những sửa đổi này có hiệu lực từ tháng 04/2025.

Đăng ngày:

2 phút

Ba quy định sửa đổi đã được chủ tịch Tập Cận Bình, kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương, ký trong tuần này, bao gồm các vấn đề nội bộ, kỷ luật và huấn luyện quân đội. Những sửa đổi này, được Tân Hoa Xã đưa tin lần đầu tiên vào ngày 21/02, sẽ « nâng cao hơn nữa tính pháp quyền trong quân đội, xây dựng lực lượng vững chắc, trung thành với Đảng, có khả năng chiến đấu hiệu quả và duy trì ý thức kỷ luật và liêm chính mạnh mẽ ».

Cụ thể, theo phân tích ngày 28/02 của báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, quân nhân được cổ vũ « nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, phong cách chiến đấu và ý chí chiến đấu ». Yếu tố « quản lý thời chiến » là một thành phần quan trọng của các cuộc tập trận và diễn tập. Tăng cường sử dụng kèn hiệu lệnh và « tạo ra bầu không khí mạnh mẽ cho khả năng sẵn sàng và chuẩn bị chiến đấu ». Các quy định bảo vệ bí mật quân sự cũng được cập nhật nghiêm ngặt hơn. Và có một phần mới được bổ sung liên quan đến việc quản lý các nhiệm vụ ở nước ngoài, thể hiện tham vọng của Trung Quốc quảng bá hình ảnh quân đội có kỷ luật và năng lực ở nước ngoài, cũng như hoạt động cứu hộ cứu nạn.

Trang South China Morning Post nhận định những thay đổi này là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tinh chỉnh, tăng cường khuôn khổ pháp lý và các quy định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Hoa Kỳ và ở Biển Đông. Những điều chỉnh này cũng nằm trong chủ trương của chủ tịch Tập Cận Bình hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và đưa quân đội Trung Quốc thành hàng đầu vào năm 2050.


***********

Công luận trong và ngoài nước lên án Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc

Thùy Dương

Tại Thái Lan, chính phủ của thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề từ cả trong nước và quốc tế, về vụ trục xuất 40 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc sau 10 năm họ bị giam cầm tại Thái Lan trong quá trình xét hồ sơ tị nạn. Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra từ hôm qua 28/02/2025 đã tìm nhiều cách biện minh, nhưng không thuyết phục được công luận trong và ngoài nước.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Từ Bangkok, thông tín viên Valentin Cebron cho biết thêm chi tiết :

« Một hành động « tàn ác », « gây tai tiếng », « một sự bất công nghiêm trọng ». Những từ ngữ lên án chính phủ Thái Lan đã xuất hiện từ mọi phía sau khi 40 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ bị Bangkok trục xuất sang Trung Quốc vào hôm qua.

Các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc lên án việc hồi hương những người xin tị nạn đã bị giam giữ suốt hơn 10 năm qua tại Thái Lan.

Bà Liz Throssell, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, tuyên bố : « Việc trục xuất 40 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc cấu thành một sự vi phạm trắng trợn luật pháp và chuẩn mực quốc tế về nhân quyền. Điều này vi phạm nguyên tắc tuyệt đối cấm trục xuất người xin tị nạn về nguyên quán nếu họ thực sự có nguy cơ bị tra tấn, ngược đãi hoặc có thể chịu các tổn hại không thể khắc phục nếu trở về đó ».

Về phía Thái Lan, thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, sau khi tuyên bố vào hôm qua là « không được cung cấp thông tin gì » về vụ trục xuất này, thì hôm nay đã tìm cách biện minh. Bà phát biểu : « Chính phủ Trung Quốc đã hứa rằng người Duy Ngô Nhĩ sẽ không bị truy tố hoặc thẩm vấn và rằng những người này sẽ được đoàn tụ với gia đình. Họ đã bảo đảm với chúng tôi rằng những người này sẽ được đối xử tốt khi hồi hương ».

Lâp luận này không được ủng hộ. Bởi vì ngay sau đó, các dân biểu đối lập đã công bố các lá thư mà những người Duy Ngô Nhĩ viết trong khi bị giam giữ, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không giao họ cho chính quyền Trung Quốc, bởi vì họ sợ bị bỏ tù hoặc bị giết hại ».


***********

Trung Quốc và Nga chuẩn bị triển khai hàng loạt chương trình quan trọng cho quan hệ song phương

Thùy Dương

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thư ký Hội đồng An ninh Nga, Sergei Shoigou, đã có cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh vào ngày hôm qua 28/02/2025. Theo phát biểu của ông Tập Cận Bình, đôi bên sẽ triển khai trong năm nay « hàng loạt chương trình quan trọng » để phát triển quan hệ Trung - Nga.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Đây là chuyến công du thứ 2 của thư ký Hội đồng An ninh Nga, Sergei Shoigou, đến Trung Quốc trong từ 3 tháng trở lại đây. Chuyến đi lần này diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump có động thái xích lại gần chính quyền Putin, bỏ rơi Ukraina và châu Âu. Theo AFP, thông cáo của Hội đồng An ninh Nga cho biết là Tập Cận Bình và Sergei Shoigou đã cùng nhau nhấn mạnh rằng khả năng NATO « mở rộng khu vực trách nhiệm » sang Châu Á - Thái Bình Dương là « không thể chấp nhận được ».

Muốn tăng cường quan hệ với các nước bạn hữu bài phương Tây, nhất là Trung Quốc, là mục tiêu của chính quyền Putin, đặc biệt là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, theo ghi nhận của thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva:

« Cuộc trao đổi giữa Putin và Tập Cận Bình đã được chính thức xác nhận vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm chiến tranh Ukraina. Lãnh đạo Trung Quốc đã hoan nghênh « những nỗ lực tích cực của Matxcơva nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraina ». Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định : « Lịch sử và thực tế cho thấy Trung Quốc và Nga là những nước láng giềng tốt, không thể rời xa nhau và là những người bạn thực thụ ».

Trung Quốc đã luôn thể hiện họ phần nào trung lập trong cuộc chiến tranh mà Matxcơva phát động ở Ukraina và chưa bao giờ lên án cuộc chiến này. Thậm chí trong những năm vừa qua, Matxcơva và Bắc Kinh còn tăng cường các mối quan hệ quân sự và thương mại. Chưa dừng ở đó, vào thứ Sáu 28/02, ông Tập Cận Bình đã thông báo rằng 2 nước trong năm nay sẽ thực hiện « hàng loạt chương trình quan trọng » đối với quan hệ Trung-Nga.

Vào thứ Ba vừa rồi và cả hôm thứ Năm, ngoại trưởng Nga cũng đã có mặt tại Teheran, Iran. Điều này thật bất thường bởi vì nguyên thủ Nga luôn luôn gặp các đồng nhiệm trước. Vladimir Putin đã tiếp đón tại Điện Kremlin một phái đoàn đại diện của Ủy ban Trung ương Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh, Teheran và Bình Nhưỡng, tất cả đều nằm trong tầm ngắm của tổng thống Mỹ Donald Trump. Cả 3 đều là những đồng minh trung thành với Điện Kremlin từ 3 năm qua. Bằng cách này, Matxcơva chứng minh rằng Nga không có ý định từ bỏ 3 nước đó »


***********

Tổng thư kí NATO khuyên Zelenskyy hàn gắn quan hệ với Trump

Reuters

Tổng thư kí NATO Mark Rutte ngày thứ Bảy cho biết ông đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rằng ông ấy cần tìm cách khôi phục mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc đụng độ của họ tại cuộc họp ở Nhà Trắng vào ngày thứ Sáu.

Vụ đối đầu bùng lên do những viễn kiến khác biệt về cách thức chấm dứt cuộc xâm lược kéo dài ba năm của Nga. Ông Zelenskyy tìm kiếm những bảo đảm an ninh mạnh mẽ từ chính quyền Trump vốn đã theo đuổi ngoại giao với nước Nga dưới quyền của Vladimir Putin.

Cuộc gặp gỡ, mà ông Rutte mô tả là "đáng tiếc," đã đẩy mối quan hệ giữa Kyiv và nước hỗ trợ quân sự hàng đầu của mình xuống mức thấp chưa từng thấy.

"Tôi đã nói: Tôi nghĩ ông phải tìm cách, Volodymyr thân mến à, khôi phục quan hệ của ông với Donald Trump và chính quyền Mỹ. Chuyện này quan trọng cho tương lai sắp tới," ông Rutte nói với BBC, bình luận về cuộc điện đàm của ông với ông Zelenskyy vào ngày thứ Sáu.

Ông cho biết ông đã nói với ông Zelenskyy rằng "chúng ta thực sự phải tôn trọng những gì Tổng thống Trump đã làm cho Ukraine cho đến nay," nhắc nhở ông Zelenskyy rằng ông Trump là người đã cung cấp vũ khí chống tăng Javelin cho Ukraine vào năm 2019, giúp lực lượng của nước này có thể phản công sau cuộc xâm lược của Nga.

"Nếu không có Javelin vào năm 2022, khi cuộc tấn công toàn diện bắt đầu, Ukraine sẽ chẳng là gì cả," ông Rutte nói. "Tôi đã nói với ông ấy rằng chúng ta thực sự phải ghi nhận những gì ông Trump đã làm khi đó, những gì nước Mỹ đã làm kể từ đó và cả những gì nước Mỹ vẫn đang làm."

Khi được hỏi về những cáo buộc mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine nêu ra với nhau hôm thứ Sáu, nhà lãnh đạo NATO từ chối bình luận chi tiết, nói rằng Mỹ rất gắn bó với liên minh quân sự này, bao gồm điều khoản phòng thủ hỗ tương là Điều 5.

Ông Rutte gọi ông Trump là một người bạn nhưng không trực tiếp trả lời các câu hỏi về việc liệu ông Trump có đúng khi cáo buộc ông Zelenskyy gây nên nguy cơ Thế chiến thứ ba hay không, hoặc khi ông nói ông Zelenskyy cần phải đạt được thỏa thuận hoặc Mỹ sẽ "rời đi."

"Tôi hoàn toàn tin rằng Mỹ muốn đưa Ukraine đến với nền hòa bình lâu dài... Và rõ ràng, điều họ cần để có được kết cục đó là bảo đảm rằng tất cả chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực về vấn đề này," ông nói.

Khi được hỏi liệu các đồng minh NATO có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống hay không nếu Mỹ rút hỗ trợ quân sự cho Ukraine, ông Rutte trả lời: "Hãy thôi xoáy vào câu hỏi này. Điều thiết yếu là chúng ta phải cùng nhau giải quyết vấn đề này - Mỹ, Ukraine, Châu Âu, rằng chúng ta đưa Ukraine đến hòa bình, đây chính xác là điều mà Tổng thống Trump đang nỗ lực đạt được, điều mà tất cả chúng ta đang nỗ lực đạt được."


**********

Người dân Ukraine choáng váng vì khủng hoảng trong quan hệ với Mỹ sau vụ đụng độ Trump-Zelenskyy


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đấu khẩu công khai trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 28 tháng 2 năm 2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đấu khẩu công khai trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào ngày 28 tháng 2 năm 2025.

Người dân Ukraine đối mặt với một thực tế mới u ám vào ngày thứ Bảy, sau cuộc đụng độ tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mối quan hệ giữa Kyiv và nước hỗ trợ quân sự hàng đầu của nước này xuống mức thấp chưa từng thấy.

Vụ đối đầu ngày thứ Sáu bùng lên do những viễn kiến khác nhau về việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài ba năm của Nga ra sao. Ông Zelenskyy tìm kiếm những đảm bảo an ninh mạnh mẽ từ chính quyền Trump vốn đang theo đuổi ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người dân Ukraine, nhiều người trong số họ đã kiên cường hơn sau ba năm chiến tranh, đã thể hiện sự ủng hộ dành cho ông Zelenskyy nhưng cũng tỏ ra buồn rầu về tương lai của sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho nỗ lực chiến tranh của Kyiv khi quân Nga đông hơn và được trang bị tốt hơn tiến qua các vùng ở miền đông.

"Trump và Putin đang phân chia thế giới - đó là điều tôi muốn nói. Tôi không biết rồi sẽ ra sao nữa," Liudmyla Stetsevych, 47 tuổi, một cư dân Kyiv nói.

Nhưng bà và những người Ukraine khác được Reuters phỏng vấn bày tỏ hi vọng rằng các đồng minh của Ukraine ở Châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ chính trị và quân sự nếu Mỹ cắt giảm hỗ trợ của mình.

"Chúng tôi thực sự rất biết ơn (Mỹ) vì sự hỗ trợ mà chúng tôi đã nhận được trong suốt thời gian qua và vẫn đang tiếp tục nhận được, nhưng phẩm giá và danh dự của chúng tôi phải được đặt lên hàng đầu," Alina Zhaivoronko, đứng gần một biển cờ nhỏ ở trung tâm Kyiv tưởng nhớ những người Ukraine đã chết trong chiến tranh, nói.

"Người Mỹ không biết tình hình thực tế, những gì đang diễn ra ở đây," Ella Kazantseva, 54 tuổi, một người địa phương ở miền đông Ukraine nói. "Họ không hiểu. Mọi thứ đều tốt đẹp đối với họ."

Các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng đã lên tiếng bênh vực ông Zelenskyy sau cuộc cãi vã vào ngày thứ Sáu trong một làn sóng ủng hộ trên mạng xã hội.

Nhà lập pháp Ukraine Andrii Osadchuk cho biết ông không ngạc nhiên trước giọng điệu của ông Trump và ông Vance, và đó là bằng chứng nữa cho thấy các đối tác phương Tây của Kyiv sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa.

Các quan chức cao cấp bao gồm ông Zelenskyy đã nỗ lực lập luận rằng sự phòng thủ của Ukraine trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga là hệ trọng đối với an ninh Châu Âu nói chung.

"Không chỉ nhiều, mà có lẽ mọi thứ sẽ phụ thuộc vào Châu Âu - cả đối với chính châu Âu và đối với Ukraine," ông Osadchuk nói với Reuters.

Văn phòng của ông Starmer cho biết ông Zelenskyy sẽ hội kiến Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày thứ Bảy, trước hội nghị thượng đỉnh rộng hơn của các nhà lãnh đạo Châu Âu tại London vào Chủ nhật để thảo luận về yểm trợ an ninh cho bất cứ thỏa thuận hòa bình nào giữa Moscow và Kyiv.

Các nhà lãnh đạo EU cũng dự kiến sẽ họp vào cuối tuần sau để thảo luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Trong một bài bình luận đăng vào sáng ngày thứ Bảy, hãng tin European Pravda của Ukraine nói cuộc cãi vã của ông Zelenskyy với các nhà lãnh đạo Mỹ, mặc dù có khả năng gây tổn hại, đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc Ukraine coi trọng chủ quyền của mình như thế nào.

"Bất kể lịch sử đưa chúng ta đến đâu, thế giới - bao gồm cả Donald Trump - đều thấy rõ rằng những vấn đề này thực sự quan trọng đối với Ukraine."

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày thứ Bảy nói rằng Nga sẵn sàng linh hoạt trong các cuộc đàm phán về Ukraine, nhưng chỉ phù hợp với thực tế trên thực địa, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti đưa tin. Nga chiếm đóng khoảng một phần năm lãnh thổ Ukraine.

Ông Medvedev nói Nga sẵn sàng thảo luận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chỉ với những người "sẵn sàng giao tiếp."


************

Quan chức cao cấp Triều Tiên hội kiến Tổng thống Nga Putin


Điện Kremlin ở trung tâm Moscow, ngày 13 tháng 2 năm 2025
Điện Kremlin ở trung tâm Moscow, ngày 13 tháng 2 năm 2025

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội kiến một quan chức cao cấp của Triều Tiên tại Moscow vào ngày thứ Năm, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đưa tin vào ngày thứ Bảy.

Ông Putin gặp ông Ri Hi Yong, một thành viên Bộ Chính trị và là bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cũng như là chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương của WPK tại Điện Kremlin.

KCNA đưa tin ông Putin đã tỏ lòng biết ơn đối với sự ủng hộ tích cực của Triều Tiên dành cho Nga, cho thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai nước.

"Ông ấy một lần nữa đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của năm 2024, khi mà quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Nga và CHDCND Triều Tiên phát triển vượt bậc thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện," KCNA đưa tin.

CHDCND Triều Tiên là viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên chính thức của Triều Tiên.

Triều Tiên đã điều hàng ngàn binh sĩ để hỗ trợ lực lượng Nga chiến đấu tại Ukraine, theo các đánh giá của Ukraine, Mỹ và Hàn Quốc.

"Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện" được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga nhất trí đã có hiệu lực vào tháng 12 với việc trao đổi "các văn bản phê chuẩn" tại Moscow.

Hiệp ước được kí kết trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Putin vào tháng 6 và một hội nghị thượng đỉnh với lãnh tụ Kim Jong Un của Triều Tiên, và bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung để hỗ trợ quân sự ngay lập tức nếu một trong hai bên đối mặt với hành động xâm lược vũ trang


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 14 Tháng Tư 20256:05 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Tư 20256:19 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Tư 20256:17 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Tư 20256:44 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Tư 20255:56 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Tư 20253:51 SA
Thứ Ba, 08 Tháng Tư 20256:28 SA
Thứ Hai, 07 Tháng Tư 20253:28 SA
Chủ Nhật, 06 Tháng Tư 20256:00 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Tư 20256:52 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo