Tin Tức ngày 09 - 02 -2025:

Chủ Nhật, 09 Tháng Hai 20257:37 SA(Xem: 778)
Tin Tức ngày 09 - 02 -2025:
HoaLuc-Full
****************

Vì sao nguyên cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng bị kỷ luật?

ĐOÀN CƯỜNG

Vì sao nguyên cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng bị kỷ luật? - Ảnh 1.

Kỳ họp vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng - Ảnh: UBKT

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng vừa họp kỳ thứ 33, xem xét, kết luận một số nội dung.

Theo đó, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với chi ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nhận thấy:

Nhiệm kỳ 2020-2025, chi ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố và các đảng viên có liên quan đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện quy chế làm việc, các quy định về công tác cán bộ, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự.

Vi phạm của chi ủy Cục Thi hành án dân sự gây dư luận không tốt, làm phát sinh đơn thư, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, địa phương, đơn vị.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật:

Khiển trách đối với chi ủy Cục Thi hành án dân sự thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và các ông:

Trần Phước Thu, nguyên bí thư chi bộ, cục trưởng; Hồ Tấn Thanh, bí thư chi bộ - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang, nguyên chi ủy viên chi bộ Cục Thi hành án dân sự thành phố, trưởng Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Võ Quảng, đảng viên, chấp hành viên; Trần Văn Lực, đảng viên, chấp hành viên, Cục Thi hành án dân sự thành phố.

Kỳ họp cũng xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016, và kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê (Đà Nẵng) và Thường trực Quận ủy.

Ủy ban Kiểm tra đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý đất đai, triển khai các dự án đầu tư công và kê khai tài sản, thu nhập; khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra.

Tại kỳ họp trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xem xét, kết luận một số nội dung, trong đó, đối với Đảng ủy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và bí thư Đảng ủy, giám đốc ban quản lý còn có một số khuyết điểm, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công và kê khai tài sản, thu nhập...


***********

Trump từng đề cập với Putin về chấm dứt chiến tranh Ukraina

Thu Hằng

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga từng điện đàm về việc chấm dứt chiến tranh Ukraina. Chủ nhân Nhà Trắng khẳng định thông tin này khi trả lời phỏng vấn báo New York Post ngày 08/02/2025 nhưng không nói rõ về thời điểm các cuộc điện đàm nói trên. Trước đó, có thông tin tổng thống Mỹ và Ukraina có thể gặp nhau trong tuần tới. Để có thêm lợi thế trong đàm phán, quân đội Ukraina tiếp tục gia tăng kháng cự trên chiến trường Kursk ở Nga.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Liệu đây là một tuyên bố suông hay là dấu hiệu của sự kiện sắp xảy ra ? Theo Reuters, nguyên thủ Mỹ không cho biết số lần điện đàm với đồng nhiệm Nga nhưng khẳng định « ông ấy (Vladimir Putin) muốn chấm dứt cảnh chết chóc ». Ông Trump cũng khẳng định « luôn giữ mối quan hệ tốt với Putin » và có một kế hoạch cụ thể để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina. Tổng thống Trump nhưng không nêu chi tiết.

Đầu tháng 02, tổng thống Trump khẳng định muốn đàm phán về một « thỏa thuận » với Ukraina đổi viện trợ an ninh của Mỹ lấy « cam kết » khai thác đất hiếm để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Đáp lại gợi ý đó, trả lời Reuters ngày 08/02, tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước đồng minh phương Tây « đầu tư » khai thác các nguồn khoáng sản ở Ukraina thông qua « thỏa thuận đối tác » được cho là sẽ mang lại « hàng tỉ, hàng nghìn tỉ đô la ».

Trả lời hãng thông tấn TASS ngày 09/02/2025, phát ngôn viên của tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov cho biết « không xác nhận hay phủ nhận » về những trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Trump.  

Kiev tiếp tục gây áp lực ở vùng Kursk

Để có thêm trọng lượng trên bàn đàm phán, quân đội Ukraina tiếp tục gia tăng kháng cự trên mặt trận ở vùng biên giới Kursk. Theo nhận định của chuyên gia Ulrich Bounat, khi trả lời RFI ngày 08/02, « một km² đất Kursk giá trị hơn ở Toretsk », thị xã mới bị Nga chiếm đóng ở miền đông Ukraina.

Trong ngày 08/02, quân đội Ukraina khẳng định đã đẩy lùi 27 cuộc tấn công của Nga ở vùng Kursk và « một cuộc đối đầu khác vẫn tiếp diễn ». Khu vực này cũng bị quân đội Ukraina tấn công bằng drone sáng sớm 09/02. Lực lượng phòng không Nga khẳng định đã phá hủy 35 drone Ukraina, trong đó có một nửa nhắm vào vùng Kursk. Phía Ukraina cũng cho biết đã bắn hạ 70 drone trên tổng số 151 drone được Nga phóng trong đêm. Số còn lại không đến được mục tiêu, có thể do bị vô hiệu hóa


************

Biểu tình phản đối xây dựng sứ quán Trung Quốc mới tại trung tâm Luân Đôn

Chiều ngày 08/02/2025 khoảng một nghìn người tập hợp tại trung tâm thủ đô Luân Đôn, Anh Quốc, nơi Trung Quốc dự kiến đặt trụ sở mới, để phản đối. Những người biểu tình lo ngại Bắc Kinh sử dụng trụ sở mới này để siết chặt việc theo dõi những người bất đồng chính kiến và gia tăng trấn áp.

Biểu tình tại thủ đô Luân Đôn phản đối dự án xây dựng sứ quán mới của Trung Quốc. Ảnh ngày 08/02/2025
Biểu tình tại thủ đô Luân Đôn phản đối dự án xây dựng sứ quán mới của Trung Quốc. Ảnh ngày 08/02/2025 AP - Kin Cheung
Quảng cáo

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng chuyển sứ quán từ khu phố Marylebone đến một địa điểm cách không xa Cầu Tháp Luân Đôn nổi tiếng (Tower Bridge), bắc qua sông Thames. Dự án này đã bị người dân địa phương, các nhà hoạt động nhân quyền và những người chỉ trích Bắc Kinh chống đối mạnh mẽ.

Trong cuộc biểu tình có các biểu ngữ như « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang theo dõi các vị, hãy dừng ngay việc xây dựng sứ quán ! » hay « Hãy dành không gian cho tự do ngôn luận ». Iona Boswell, một nhân viên xã hội 40 tuổi tham gia cuộc biểu tình, nói với AFP rằng sứ quán mới được xây dựng tại vị trí này sẽ được sử dụng để tạo điều kiện cho « việc quấy rối những người bất đồng chính kiến ».

Một người biểu tình mặc đồ đen và đeo khẩu trang kín mặt, khẳng định : « Đây sẽ là một trụ sở (của Trung Quốc) dùng để bắt giữ (người Hồng Kông) tại Anh và cưỡng bức họ trở về Trung Quốc ». Người biểu tình nói trên, mang bí danh « Zero », thành viên của tổ chức « Người Hồng Kông từ Leeds », một thành phố ở miền bắc nước Anh, nhấn mạnh : « sau khi siêu sứ quán này được xây dựng xong, họ sẽ chiêu dụ được thêm nhiều người làm công việc bẩn thỉu này ».

Lo ngại chính phủ Công Đảng ủng hộ dự án

Biểu tình phản đối Trung Quốc xây dựng sứ quán mới tại trung tâm lịch sử của thủ đô Anh diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Anh Keir Starmer, đắc cử hồi tháng 7/2024, đang tìm cách tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, sau nhiều năm quan hệ song phương xấu đi vì nhiều vấn đề, bao gồm cuộc trấn áp phong trào dân chủ Hồng Kông.

Vào năm 2022, hội đồng quận Tower Hamlets, nơi Trung Quốc dự kiến xây sứ quán mới, đã bác bỏ kế hoạch này. Cơ quan thanh tra quy hoạch quốc gia Anh sẽ điều tra về dự án nhưng quyền quyết định cuối cùng sẽ thuộc về bộ trưởng phụ tránh Cộng Đồng Angela Rayner. Nhiều người lo ngại chính phủ Công Đảng tập trung vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện quan hệ với Trung Quốc sẽ coi nhẹ vấn đề nhân quyền.

Có mặt tại chỗ, nghị sĩ và cựu bộ trưởng đảng Bảo thủ Anh Tom Tugendhat cho biết « đây là vấn đề liên quan đến tương lai tự do của chúng ta chứ không chỉ là chuyện địa điểm đặt sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn ». Trước cuộc biểu tình, một nhóm bao gồm nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên minh nghị sĩ về Trung Quốc, tức một tổ chức của các dân biểu châu Âu thuộc nhiều quốc gia của châu Âu, đã ra một tuyên bố chung ủng hộ biểu tình. Tuyên bố khẳng định :  các cộng đồng hải ngoại người Hồng Kông, Tây Tạng, người tị nạn Duy Ngô Nhĩ và những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc khác, muốn cho thấy rằng địa điểm dự kiến đặt sứ quán này là « không phù hợp, vì tại đây không có đủ không gian an toàn cho các cuộc biểu tình ».


************

Ả Rập Xê Út bác bỏ phát biểu của Thủ tướng Israel Netanyahu về việc di dời người Palestine

Reuters

Ả Rập Xê Út thẳng thừng bác bỏ phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc di dời người Palestine khỏi đất đai của họ, Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố hôm 9/2.

Các quan chức Israel đã đề xuất thành lập một nhà nước Palestine trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út. Ông Netanyahu dường như nói đùa hôm 6/2 khi trả lời một người phỏng vấn trên Kênh 14, vốn ủng hộ ông.

Mặc dù tuyên bố của Ả Rập Xê Út có đề cập đến tên của ông Netanyahu, nó không trực tiếp nhắc đến các bình luận về việc thành lập một nhà nước Palestine trên lãnh thổ Ả Rập Xê Út.

Ai Cập và Jordan cũng lên án các đề xuất của Israel. Cairo coi ý tưởng này là "vi phạm trực tiếp chủ quyền của Ả Rập Xê Út".

Vương quốc này cho biết họ đánh giá cao việc các quốc gia "anh em" bác bỏ phát biểu của ông Netanyahu.

"Tư duy cực đoan, chiếm đóng này không hiểu được lãnh thổ Palestine có ý nghĩa gì đối với người dân Palestine anh em và mối liên hệ về lương tâm, lịch sử và pháp lý của họ với vùng đất đó", tuyên bố cho biết.

Các cuộc thảo luận về số phận của người Palestine ở Gaza đã bị đảo lộn bởi đề xuất gây sốc của Tổng thống Donald Trump hôm 4/2 rằng Hoa Kỳ sẽ "tiếp quản Dải Gaza" từ Israel và tạo ra một "Riviera của Trung Đông" sau khi tái định cư người Palestine ở nơi khác.

Các quốc gia Ả Rập đã lên án gay gắt những bình luận của ông Trump, vốn được đưa ra trong thời gian ngừng bắn mong manh trong cuộc chiến tranh ở Gaza mà Israel tiến hành nhằm chống lại nhóm chiến binh Hamas, lực lượng kiểm soát dải đất hẹp này.

Ông Trump đã nói rằng Ả Rập Xê Út không yêu cầu một nhà nước Palestine như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhưng Riyadh đã bác bỏ tuyên bố của ông, nói rằng họ sẽ không thiết lập quan hệ với Israel nếu không có việc thành lập một nhà nước Palestine.

Chính quyền Gaza cho biết cuộc chiến đã giết chết hơn 47.000 trong số gần 2 triệu người Palestine đang sinh sống tại đó. Israel đã phát động cuộc tấn công sau khi các tay súng do Hamas cầm đầu giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ hơn 250 người làm con tin trong một cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, theo số liệu thống kê của Israel.


***********

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI
Quảng cáo

(NHK) - Biển Đông: Mỹ, Nhật, Úc, Philippines lần đầu tiên diễn tập hải quân từ khi Trump trở lại. Theo trang NHK ngày 08/02/2025, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippines, Úc giữa tuần qua đã tổ chức cuộc diễn tập hải quân tại một khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Cuộc tập trận diễn ra hôm 05/02 có tham gia của các tàu khu trục thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Hải quân Hoa Kỳ và Úc, và một khinh hạm thuộc Hải quân Philippines. Mục tiêu là « tăng cường khả năng tương tác ». Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết cùng ngày bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và người đồng cấp Philippines, Gilberto Teodoro, đã có cuộc điện đàm đầu tiên.

(AP) - Đàm phán Canada và Philippines về một hiệp ước quân sự bước vào giai đoạn cuối. Đại sứ Canada tại Manila, David Hartman hôm 07/02/2025 cho biết trong bối cảnh Ottawa quan ngại trước những « hành vi khiêu khích và bất hợp pháp » của Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines và Canada sắp kết thúc đàm phán về một hiệp ước quân sự. Văn bản này mở đường cho hai nước tiến hành các cuộc tập trận chung. Tin trên được loan báo trong bối cảnh, vào tuần tới Canada và Philippines chuẩn khởi động chương trình giao lưu giữa hải quân hai nước.

(Reuters) - Đài Loan gửi một phái đoàn quan chức đến Washington. Phái đoàn do bộ trưởng Kinh tế Đài Loan dẫn đầu nhằm đàm phán với chính phủ Mỹ, tránh khả năng Nhà Trắng đánh thuế hải quan vào hàng của Đài Loan bán sang Hoa Kỳ. Trao đổi với báo chí hôm 08/02/2025, quan chức này từ chối cung cấp thêm thông tin về nội dung các cuộc trao đổi với phía Mỹ. Thâm hụt mậu dịch bất lợi cho Mỹ tăng thêm 83 % trong năm 2024, và đã lên tới 111 tỷ đô la. Đài Loan chủ yếu xuất khẩu hàng « công nghệ cao cấp » sang Hoa Kỳ. 

(Reuters) - Thẩm phán Mỹ đình chỉ kế hoạch buộc nghỉ việc 2.700 nhân viên USAID của Trump. Ngày 07/02/2025, thẩm phán Carl Nichols, do Donald Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đã ra quyết định cấm hành pháp Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch buộc ngừng việc của tổng thống Trump với 2.200 nhân viên bắt đầu từ hôm 08/02, và buộc chính quyền phải nhận trở lại 500 nhân viên đã bị buộc ngừng việc trước đó. Quyết định của thẩm phán trước mắt có hiệu lực đến 14/02. Thẩm phán cho biết sẽ xem xét triển hạn lệnh này.

(AFP) - Pháp đặt mua 530 xe thiết giáp hạng nhẹ Serval. Hợp đồng trị giá hơn 1 tỉ euro được bộ Quân Lực Pháp nêu trong thông cáo ngày 08/02/2025. Số xe này sẽ giúp « hiện đại hóa trang thiết bị của bộ binh Pháp » và « lần lượt được giao từ cuối năm 2025 đến 2031 ».

(AFP) - Nicolas Sarkozy là cựu tổng thống Pháp đầu tiên phải đeo vòng giám sát điện tử. Kể từ hôm 07/02/2025, cựu tổng thống Pháp phải đeo vòng giám sát điện tử 24/24 giờ. Đây là một quyết định của tòa án Paris từ cuối tháng 01/2025 trong vụ án mang tên « Paul Bismuth » để lấy « một số thông tin trong nghi án nhận tiền của cố lãnh đạo Libya Kadhafi qua trung gian gia đình nhà tỉ phú Bettencourt để tài trợ cho chương trình vận động tranh cử tổng thống của ông hồi 2007 ».

(AFP) - Mỹ tạm đình chỉ việc ban hành quy định mới về bưu kiện cỡ nhỏ từ Trung Quốc. Cơ chế miễn thuế với các bưu kiện có giá trị dưới 800 đô la từ Trung Quốc tiếp tục được duy trì, sau quyết định ngày 07/02/2025 của Nhà Trắng. Trước đó, việc tổng thống Donald Trump quyết định tăng thêm 10% thuế với tất cả hàng nhập Trung Quốc khiến Bưu điện Hoa Kỳ đầu tuần qua tạm thời không nhận bưu kiện từ Trung Quốc và Hồng Kông « cho đến khi có thông báo mới », trước khi đảo ngược quyết định vài giờ sau đó.

(AFP) - Trung Quốc : Sạt lở đất tại tỉnh Tứ Xuyên, hơn 30 người mất tích. Truyền thông tại Bắc Kinh đưa tin, sáng 08/02/2025, một ngôi làng thuộc quận Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên bị sạt lở đất, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi. Hiện có hơn 30 người mất tích và hàng trăm người phải sơ tán. Công tác cứu hộ nạn nhân vẫn đang tiếp diễn


***************

Tin tức thế giới 9-2: Israel quyết xóa sổ Hamas dù sắp đàm phán; Ông Musk căm giận thẩm phán Mỹ

TRẦN PHƯƠNG

Tin tức thế giới 9-2: Hamas-Israel chuẩn bị đàm phán tiếp; Ban của ông Musk bị chặn - Ảnh 1.

Một con tin Israel được Hamas phóng thích đoàn tụ với người thân ngày 8-2 - Ảnh: REUTERS

Israel - Hamas trao đổi con tin, tù nhân lần 5

Ngày 8-2, giờ địa phương, phong trào Hồi giáo Hamas thả 3 con tin Israel và Tel Aviv bắt đầu phóng thích 183 tù nhân người Palestine trong đợt trao đổi lần thứ 5 của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Đây cũng là đợt trao đổi cuối cùng của giai đoạn đầu tiên để chuẩn bị bước sang giai đoạn tiếp theo hướng đến chấm dứt cuộc chiến.

Ngay sau đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh phái một nhóm đàm phán đến Doha (Qatar). "Với việc hoàn tất giai đoạn thả tự do, Thủ tướng Netanyahu đã chỉ thị phái một phái đoàn đàm phán đến Doha để thảo luận về các chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận", văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố. 

Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng nhấn mạnh quyết tâm quét sạch "những con quái vật" Hamas ở Gaza. "Chúng ta sẽ tiêu diệt Hamas, chúng ta sẽ đưa các con tin trở về", Hãng tin AFP dẫn lời ông nói.

Trong khi đó, Hamas cho biết nhóm này không muốn chiến tranh trở lại nhưng chỉ trích Israel khiến thỏa thuận ngừng bắn có nguy cơ sụp đổ. 

"Sự trì hoãn và thiếu cam kết của Israel trong quá trình thực hiện giai đoạn đầu tiên... chắc chắn khiến thỏa thuận này gặp nguy hiểm và do đó có thể bị đình chỉ hoặc đổ vỡ", ông Basem Naim, thành viên cấp cao của văn phòng chính trị Hamas, nhận định.

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19-1 và đến nay vẫn được các bên tuân thủ thực hiện. Tuy nhiên, triển vọng về giai đoạn 2 của thỏa thuận này vẫn là viễn cảnh khó đoán định.

Israel không kích kho vũ khí của Hamas ở Syria

Quân đội Israel (IDF) ngày 8-2 tuyên bố đã tiến hành cuộc không kích dựa trên thông tin tình báo vào một kho vũ khí của Hamas ở thị trấn Deir Ali, miền nam Syria. 

Theo IDF, các loại vũ khí được cất trữ tại cơ sở này dự kiến sẽ được sử dụng để tấn công các binh sĩ Israel. Bên cạnh đó, IDF tuyên bố "sẽ tiếp tục triệt tiêu năng lực của Hamas trên mọi mặt trận".

Triều Tiên tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh năng lực hạt nhân, tiếp tục ủng hộ Nga

Tin tức thế giới 9-2: Hamas-Israel chuẩn bị đàm phán tiếp; Ban của ông Musk bị chặn - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân ngày 29-1 - Ảnh: REUTERS

Ngày 9-2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ trích hợp tác quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cáo buộc việc Mỹ triển khai các tài sản chiến lược hạt nhân, các cuộc tập trận chiến tranh và hợp tác quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc đang gây mất cân bằng quân sự trong khu vực và gây ra thách thức nghiêm trọng đối với môi trường an ninh.

"Triều Tiên không muốn tình hình khu vực căng thẳng không cần thiết nhưng sẽ thực hiện các biện pháp đối phó liên tục để đảm bảo cân bằng quân sự trong khu vực", hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn lời ông Kim nói trong chuyến thăm bộ quốc phòng. 

Trong đó, ông nhấn mạnh chính sách không thể lay chuyển là phát triển cao hơn nữa các lực lượng hạt nhân.

Về cuộc chiến của Nga với Ukraine, ông Kim nói rằng Triều Tiên sẽ "luôn ủng hộ và khuyến khích sự nghiệp chính nghĩa của quân đội và nhân dân Nga nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của họ theo đúng tinh thần của hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga". 

Tháng trước, Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị gửi thêm quân đến Nga.

Thẩm phán Mỹ ngăn ban của ông Musk truy cập hệ thống tài chính

Ngày 8-2, thẩm phán liên bang Paul Engelmayer tại Manhattan đã tạm thời chặn Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) của tỉ phú Elon Musk và những người được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm truy cập vào các hệ thống thanh toán chi trả liên bang kiểm soát dòng tiền hàng ngàn tỉ USD.

Phán quyết của thẩm phán Engelmayer đưa ra với lý do "rủi ro mà chính sách mới đưa ra về việc tiết lộ thông tin nhạy cảm và bí mật, và nguy cơ gia tăng rằng các hệ thống sẽ dễ bị tấn công hơn trước đây", sau khi 19 bang đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump.

Viết trên mạng X, ông Musk gọi phán quyết là "hoàn toàn điên rồ" và nói bóng gió rằng "một điều gì đó siêu mờ ám sẽ bảo vệ những kẻ lừa đảo". 

"Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn gian lận và lãng phí tiền của người nộp thuế nếu không xem xét cách chi tiêu tiền?" - ông Musk lập luận và ông gọi Engelmayer là "một nhà hoạt động đóng giả làm thẩm phán".

Tin tức thế giới 9-2: Hamas-Israel chuẩn bị đàm phán tiếp; Ban của ông Musk bị chặn - Ảnh 3.

Tỉ phú công nghệ Musk đang khuấy đảo chính trường Mỹ sau khi được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm - Ảnh: REUTERS

Đức tăng xuất khẩu vũ khí

Bộ Kinh tế Đức công bố số liệu ghi nhận kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz đã tăng hơn 60% so với nhiệm kỳ cuối cùng của người tiền nhiệm Angela Merkel. 

Theo đó, từ tháng 10-2021 đến tháng 12-2024, "tổng giá trị xuất khẩu được phê duyệt đạt hơn 39 tỉ euro (40 tỉ USD)". Trong nhiệm kỳ của Quốc hội Đức khóa trước, "con số này là 23,6 tỉ euro".

Trước đó, Đức xác nhận là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ukraine, chỉ sau Washington. Đức đã cung cấp cho Kiev gần 44 tỉ euro viện trợ kể từ đầu năm 2022. 

Các nước phương Tây đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev kể từ khi Matxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Giới chức Nga cảnh báo bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí dành cho Ukraine đều sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp đối với những cuộc tấn công của Matxcơva.

Tai nạn giao thông thảm khốc làm 41 người chết ở Mexico

Sáng 8-2, giờ địa phương, một xe khách đâm trực diện xe đầu kéo tại bang miền Nam Tabasco của Mexico đã khiến ít nhất 41 người thiệt mạng trong vụ tai nạn gây nhiều thương vong nhất ở nước này trong vòng 2 năm qua.

Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 2h sáng trên tuyến cao tốc Escárcega-Villahermosa khi hai phương tiện đang di chuyển ở tốc độ cao đã khiến phần đầu của cả hai xe biến dạng nghiêm trọng và bốc cháy dữ dội. 

Bản danh sách của Tours Acosta, công ty vận hành chiếc xe khách gặp nạn, ghi nhận có khoảng 44 hành khách trên xe. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy nhiều khả năng vụ tai nạn xảy ra do chiếc xe đầu kéo trong quá trình di chuyển đã lấn sang làn đường ngược chiều.

Anh đào khoe sắc

Tin tức thế giới 9-2: Hamas-Israel chuẩn bị đàm phán tiếp; Ban của ông Musk bị chặn - Ảnh 4.

Nữ du khách chụp ảnh hoa anh đào nở rực rỡ tại một lễ hội ở Đài Bắc (Đài Loan) hôm 7-2 - Ảnh: AFP


Triều Tiên tuyên bố vũ khí hạt nhân của họ không phải là 'con bài mặc cả' khi Trump, Ishiba gặp nhau


Ảnh chụp ngày 25/1/2025 được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy cảnh bắn thử tên lửa hành trình chiến lược tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên.
Ảnh chụp ngày 25/1/2025 được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy cảnh bắn thử tên lửa hành trình chiến lược tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố hôm thứ Bảy 8/2 rằng vũ khí hạt nhân của họ không nhằm mục đích đàm phán mà được sử dụng để đánh kẻ thù đe dọa người dân và hòa bình thế giới, truyền thông nhà nước KCNA đưa tin.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu. Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ cam kết đảm bảo Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

KCNA không đề cập đến cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản mà thay vào đó trích dẫn bình luận của các quan chức NATO và EU, trong đó nhắc lại yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

"Chúng tôi xin nói rõ điều này một lần nữa: vũ khí hạt nhân của chúng tôi không phải là một quảng cáo để được bất kỳ ai công nhận và càng không phải là một con bài mặc cả để đổi lấy một số tiền", KCNA cho biết trong một Tuyên bố.

"Lực lượng hạt nhân của chúng tôi được sử dụng để chiến đấu không ngừng nghỉ nhằm nhanh chóng loại bỏ mọi nỗ lực của thế lực thù địch xâm phạm chủ quyền của đất nước chúng tôi và sự an toàn của người dân chúng tôi cũng như đe dọa hòa bình thế giới", tuyên bố nói.

Triều Tiên không phản hồi trực tiếp lời đề nghị của Tổng thống Trump về việc nối lại liên lạc với nhà lãnh đạo Kim Jong Un mà thay vào đó nhấn mạnh ý định "tăng cường" lực lượng hạt nhân của mình.

Tổng thống Trump hôm thứ Sáu nói rằng ông "sẽ có quan hệ với Triều Tiên và với ông Kim Jong Un", đồng thời nói thêm rằng ông có mối quan hệ tốt với ông Kim. Hai bên đã tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh chưa từng có trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Vào ngày 20 tháng 1 khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Trump nói Triều Tiên là một "cường quốc hạt nhân", làm dấy lên câu hỏi liệu ông sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí thay vì đàm phán phi hạt nhân hóa hay không.

"Hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của họ và nhu cầu giải quyết các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết kiên quyết của họ đối với phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên", một tuyên bố chung của Tổng thống Trump và Thủ tướng Ishiba đưa ra sau cuộc hội đàm


***********

Với Donald Trump, nước Mỹ nói lời vĩnh biệt quyền lực mềm

Trong bài « Vĩnh biệt "soft power" », Le Nouvel Obs đặt vấn đề, vòng xoáy những đe dọa, tuyên bố thô bạo và quyết định đơn phương đánh dấu việc quay lại Nhà Trắng, khẳng định tổng thống thứ 47 không phải là tín đồ của khái niệm « quyền lực mềm ». Nhưng nếu chỉ trông cậy vào việc cưỡng bức về quân sự hay kinh tế để áp đặt ý muốn với thế giới, phải chăng là Mỹ tự bắn vào chân mình ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh chụp lúc chuẩn bị từ Nhà Trắng về Florida ngày cuối tuần, 07/02/2025.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh chụp lúc chuẩn bị từ Nhà Trắng về Florida ngày cuối tuần, 07/02/2025. REUTERS - KENT NISHIMURA
Quảng cáo

Còn đâu « soft power » của Hoa Kỳ ?

Vào đầu thập niên 90, giáo sư Joseph Nye của đại học Harvard đã triển khai khái niệm « soft power », đối chọi với hard power. Ví dụ cụ thể nhất là phim ảnh Hollywood đã quảng bá cuộc sống Mỹ trên thế giới hiệu quả hơn gởi thủy quân lục chiến sang Bagdad. Khái niệm này thành công rực rỡ đến nỗi Bắc Kinh đã nhiều lần mời giáo sư Nye sang giải thích cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Nay ông Nye nói về « smart power » : một quyền lực « thông minh », cứng rắn hay mềm dẻo tùy theo tình huống.

Hình ảnh những di dân bất hợp pháp bị còng tay, đưa lên phi cơ quân sự trở về nước ở châu Mỹ la-tinh ; đe dọa Panama, dọa Đan Mạch về Groenland ; dọa áp thuế ; bất ngờ ngưng viện trợ quốc tế không báo trước gây ra náo loạn khắp nơi ; dự định trục xuất gần 2 triệu người Palestine ở Gaza sang các nước bên cạnh để làm lại cuộc đời...Đó là những gì ngược hẳn lại với quyền lực mềm, và đó là chọn lựa cố tình của ông Trump. Khi tổng thống Columbia từ chối cho máy bay chở di dân hạ cánh, Donald Trump đã khiến đồng nhiệm phải quy hàng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Khi nói thẳng là Ai Cập và Jordanie rốt cuộc sẽ phải nhận người Palestine « với tất cả tiền bạc đã cho họ », Trump không tìm kiếm bạn bè, đồng minh khi sỉ nhục các nước này.

Hệ quả sẽ là gì ? Với vị trí vượt trội về kinh tế và quân sự, Hoa Kỳ có thể không dọa suông, nhưng có nên chỉ dùng sức mạnh để áp đặt ? Nhất là Trung Quốc, Nga sẽ dễ dàng nhảy vào lấp chỗ trống do người bạn đã trở thành mối đe dọa bỏ lại. Le Nouvel Obs kết luận, quyền lực mềm Mỹ đã chết trong tay Donald Trump.

Cắt viện trợ các tổ chức nhân quyền : Washington làm thay việc của Bắc Kinh  

The Economist đưa ra ví dụ cụ thể, chẳng hạn việc Hoa Kỳ cắt viện trợ làm tê liệt các tổ chức thúc đẩy nhân quyền tại Hoa lục. China Labour Watch, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, trong 20 năm qua đã điều tra tình trạng lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Tổ chức này chỉ có bảy nhân viên và ngân sách 800.000 đô la một năm, nhưng hiện đang bên bờ vực sụp đổ vì khoảng 90 % nguồn quỹ là từ chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ khi Donald Trump ra lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài, China Labour Watch đã phải dừng hầu hết công việc của mình. Li Qiang, người sáng lập tổ chức, cho biết sẽ phải sa thải nhân viên, tất cả đều « rất đau đớn » và « hoàn toàn bất ngờ ». Các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Trung Quốc thường nắm vững ngôn ngữ và có quan hệ rất tốt, các nhà báo thường phải dựa vào họ.

China Labour Watch có mạng lưới liên lạc với công nhân bên trong các nhà máy trên khắp Hoa lục và tại các dự án của Trung Quốc ở các nước phương Nam, nắm được thông tin về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và đàn áp Tây Tạng. Trong nhiều thập niên, đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc phương Tây kích động bất ổn thông qua xã hội dân sự. Thành viên một nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng lâu nay vẫn sợ Bắc Kinh đóng cửa, và thật trớ trêu là chính phủ Mỹ nay lại làm thay công việc của chính phủ Trung Quốc.

Kiểm soát Gaza : Ý tưởng ngẫu hứng của Trump ?

Tình hình Trung Đông và Ukraina tiếp tục là các chủ đề được các tuần báo bàn luận. Về hồ sơ Trung Đông, bên cạnh những tiếng nói chỉ trích việc tổng thống Donald Trump muốn kiểm soát Dải Gaza và đưa người Palestine sang nơi khác, cũng có những phân tích thực tế. Trên Le Point, cựu đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud nhận định đề nghị kiểm soát Gaza của ông là cú sốc lớn và thủ tướng Israel có vẻ là người đầu tiên bị bất ngờ.

Có thể dễ dàng nhấn mạnh đến vô số trở ngại và số phận người Palestine. Họ đi về đâu khi Jordanie và Ai Cập không muốn tiếp nhận vì sợ Hamas trà trộn gây rối, và đã đi thì khó thể trở về ? Theo những gì quan sát Khi còn là đại sứ tại Washington, tác giả cho rằng đề nghị của Trump không hề được bàn bạc trước với Israel, các nước Ả Rập hay trong chính quyền Mỹ. Trump nói ra những gì thoáng qua trong đầu, sau đó các cộng sự của ông phải lo tìm cách thực hiện.

Hồi 2018 khi Trump loan báo rút khỏi thỏa thuận nguyên tử với Iran, ngân khố Mỹ kinh ngạc, phải mất nhiều tuần lễ mới giải thích được về hệ quả đối với các công ty ngoại quốc. Lần này « cú đá vào ổ kiến » của Trump có khía cạnh đáng chú ý của nó. Vì không hề biết đến sự phức tạp và lịch sử của hồ sơ Gaza, Trump có suy nghĩ không theo lối mòn. Hãy xem xét những vấn đề thực tế mà ông gợi ra.

Làm sao sống được ở Gaza trong tình trạng hiện nay ?

Gaza chỉ còn là đống đổ nát, đặc phái viên của Trump sau khi đến thăm khẳng định tình trạng phá hủy là quá sức tưởng tượng. Tất cả - bệnh viện, trường học, nhà ở, cơ sở hạ tầng - đều bị san bằng. Dưới những đống gạch vụn hãy còn hàng trăm tấn chất nổ cần phải tháo gỡ, và hàng ngàn xác chết đang phân hủy. Làm thế nào 2 triệu thường dân đang lây lất ngoài trời và không có gì để mưu sinh, có thể sống được trong điều kiện này ?

Donald Trump đặt ra một vấn đề chính đáng mà cộng đồng quốc tế muốn đánh trống lảng không muốn đề cập. Sau khi chế nhạo và lên án tổng thống Mỹ, người ta có thể để cho người Palestine trong tình trạng khốn khổ, chỉ giúp đỡ nhỏ giọt. Các nhà ngoại giao cả thế giới đều lặp đi lặp lại « giải pháp hai Nhà nước », nhưng tất cả - kể cả người Palestine ở Cisjordanie - đều biết rằng không hề có hy vọng. Sau vụ thảm sát kinh hoàng ngày 07/10, hơn bao giờ hết Israel hoàn toàn không muốn, và Tel Aviv có phương tiện để chống lại những áp đặt.

Trump khó thể làm hơn Biden. Liệu đề nghị của tổng thống Mỹ là bất khả ? Có thể, trừ trường hợp các vương quốc vùng Vịnh mở rộng hầu bao. Cuối cùng, đừng quên rằng Gaza dù có bị tàn phá hay không, vẫn là một vấn đề trước sau gì cũng phải giải quyết. Một dân số 2 triệu người sống chen chúc trên diện tích 365 kilomet vuông không có nguồn lợi nào, các biên giới bị đóng kín, dân tăng gấp đôi mỗi 30 năm…khó thể kéo dài. Vẫn trên Le Point, tác giả Gérard Araud kết luận, hãy lắng nghe Trump.

Elon Musk và Donald Trump : Cuộc tình mong manh

L’Express đăng trên trang bìa hình vẽ hai ông Donald Trump và Elon Musk trong tư thế đang xô xát, cho rằng tuy hai nhân vật này liên minh với nhau nhưng không phải đều có cùng lợi ích. Quan hệ Trump-Musk không chỉ ở việc chống lại xu hướng « woke », mà chặt chẽ hơn nhiều.

Tuy ông Trump cũng là tỉ phú, nhưng không là gì so với gia tài 421 tỉ đô la của Musk. Nhà sử học Timothy Snyder của đại học Yale cho biết, tất cả những áp lực ông Trump tạo ra, từ việc đưa các đối thủ ra tòa, vận động cho các ứng cử viên của mình trong cuộc bầu cử sơ bộ đều do Musk tài trợ. Musk đóng vai phản diện thay Trump trong việc cắt giảm ngân sách, và nghĩ rằng chính quyền Donald Trump có thể giúp cụ thể hóa ước vọng chinh phục Hỏa tinh cũng như cuộc cách mạng AI.

Nhưng phe MAGA có nhiều bất đồng với tỉ phú công nghệ, như việc cấp visa H-1B để Silicon Valley dễ dàng tuyển mộ người nhập cư tay nghề cao. Chánh văn phòng Nhà Trắng Susan Wiles khó thể để cho Musk làm mưa làm gió mãi ở Nhà Trắng. Danh sách các kẻ thù của Musk rất dài, và rất nhiều kẽ hở để tấn công. Một trong số đó là Elon Musk quan hệ mật thiết với Bắc Kinh, có nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc -  liệu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không ? Một số người phe Dân Chủ cũng đã bắt đầu tẩy chay xe hơi Tesla. Bên cạnh đó là nguy cơ xung đột lợi ích : Các công ty của Musk như SpaceX, Neuralink, xAI, Tesla trông cậy vào những hợp đồng của chính phủ.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden đã báo động về việc cơ quan DOGE do Elon Musk phụ trách xâm nhập được vào hệ thống ngân khố liên bang, kể cả số tiền chi trả cho những dịch vụ do các công ty cạnh tranh với Musk cung cấp. Trầm trọng hơn dưới mắt Donald Trump, là dư luận xoay chiều : Chỉ 1/3 có cảm tình với Elon Musk, và 60 % dân Mỹ chỉ trích việc tổng thống dựa vào khuyến cáo của nhà tỉ phú công nghệ để xác định chính sách. Nếu cuộc tình tan, khó có việc chia tay êm thắm vì cả hai không ai nhẹ tay với đồng minh cũ. Musk ngoảnh mặt với bang California từng giúp đỡ rất nhiều, còn Trump cắt bảo vệ an ninh cho cựu ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trump-Putin : Mối quan hệ khó đoán

Một « cuộc tình khả nghi » khác là giữa tổng thống 47 của Mỹ và ông chủ điện Kremlin. Courrier International trích dịch bài viết của tờ The Sunday Times ở Luân Đôn, đặt câu hỏi cả hai đã nêu ra khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh về Ukraina, nhưng với ý đồ gì ? Mark Galeotti, nhà sử học Anh chuyên nghiên cứu về Kremlin lưu ý, Trump và Putin đã gặp mặt tay đôi năm lần.

Lần gặp đầu tiên ở Đức, Trump đã thu lại những trang ghi chép của người phiên dịch, ra lệnh không được tiết lộ những gì đã nghe. Trong bữa ăn tối sau đó, Trump đã kéo ghế ngồi sát bên Putin để nói chuyện riêng. Nổi bật nhất là lần xuất hiện chung ở Helsinki năm 2018, hai người trao đổi khá lâu chỉ có phiên dịch bên cạnh, nhưng không cho ghi chép.

Donald Trump tái xuất, số phận của Ukraina tùy thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa tổng thống Mỹ với Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky. Rõ ràng việc Trump tái đắc cử tạo ra hy vọng rất lớn ở Nga. Từ tháng 11/2024, Kremlin nhấn mạnh Trump sẽ giúp nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Giữa tháng Giêng, Putin lên ti vi nịnh nọt : « Nếu người ta không đánh cắp chiến thắng của ông ấy năm 2020, có lẽ đã không có cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2022 ». Putin cũng đặc biệt gởi lời chúc mừng bằng video khi ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử. Ông ta hy vọng vào một Yalta mới, nhưng quên mất thực tế phũ phàng – ngày nay Nga chẳng còn trọng lượng như Liên Xô hồi trước.

Volodymyr Zelensky cũng tìm cách siết chặt quan hệ cá nhân với Donald Trump. Ngay cả trước bầu cử, tổng thống Ukraina nói rằng Trump là người duy nhất là Putin sợ. Trong vòng thân cận của Donald Trump, Ukraina cũng có những người bạn ủng hộ. Chẳng hạn bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth khi điều trần trước Thượng Viện đã khẳng định : « Chúng ta biết ai là kẻ xâm lăng, ai là người tử tế ». Một nguy cơ khác cho Vladimir Putin là nếu đòi hỏi quá đáng, thì « một ông Trump nổi giận nguy hiểm hơn rất nhiều so với Biden hay Obama » - một quan chức Nga lo lắng nói với tác giả bài viết.

Cuộc đua trí thông minh nhân tạo  

Một chủ đề lớn khác là trí thông minh nhân tạo (AI). Courrier International đăng trên trang bìa hình vẽ hai cánh tay đang vật nhau, nhưng cánh tay mang cờ Trung Quốc thì cơ bắp còn cờ Mỹ thì xương xẩu, chạy tít « Trí thông minh nhân tạo, ai giỏi hơn sẽ thắng ». Trang bìa Le Nouvel Obs là một bàn tay robot lớn đang mở ra, với một con người nhỏ bé bên trong, chạy tựa « Cuộc sống của chúng ta dưới AI ».

Le Nouvel Obs nhắc lại, năm 2017, Vladimir Putin dự báo « Ai dẫn đầu về trí thông minh nhân tạo sẽ làm chủ thế giới ». Cùng năm ấy, Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX và Tesla nhưng chưa mua lại mạng X, tuyên bố : « Cuộc chiến giữa các nước để giành ưu thế về AI có thể dẫn đến Đệ tam Thế chiến ». Tám năm sau, chúng ta vẫn chưa ở ngưỡng chiến tranh thế giới, nhưng đã lao vào một cuộc đối đầu địa chính trị để nắm được trí thông minh nhân tạo. Công nghệ mang lại tiềm năng kinh tế, quân sự và xã hội chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, khiến mọi người đều ao ước. Và ở trung tâm, chẳng phải là nước Nga đang sa lầy trong cuộc xâm lăng Ukraina, mà là Hoa Kỳ và Trung Quốc, dưới cặp mắt lo lắng của châu Âu.

Bước nhảy mới nhất của « chiến tranh các vì sao » mới giúp Trung Quốc ghi điểm trước Hoa Kỳ : DeepSeek, một AI mạnh không kém ChatGPT nhưng rẻ hơn gấp nhiều lần. Một đòn nặng cho chính quyền Trump vừa tưng bừng tung ra chương trình « Stargate » với 500 tỉ đô la đầu tư vào trí thông minh nhân tạo, trong khi đối thủ dùng mã nguồn mở. Hơn nữa, DeepSeek được chế tạo dù Mỹ cấm bán những con chip bán dẫn tân tiến nhất. Một khả năng mới mở ra cho mọi nước, nhất là các nước phương Nam, đi theo mô hình DeepSeek. Tuy nhiên nhiều nước không quên nhấn mạnh dưới chế độ Tập Cận Bình, không hề có sự minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân.

Cần phải nói rằng đạo đức không có nhiều chỗ trong cuộc chạy đua trí thông minh nhân tạo. Về phía châu Âu không có nhà vô địch nào về AI, dù công ty Pháp Mistral cũng dùng mã nguồn mở, có thể thu được lợi ích. Liên Hiệp Châu Âu cổ vũ cho mô hình « AI tin cậy », sẽ là một trong những trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh quốc tế về trí thông minh nhân tạo sẽ diễn ra tại Paris ngày 10 và 11/02.

Lừa đảo trên mạng : Bọn tội phạm Trung Quốc vớ bẫm hơn cả ma túy

The Economist dành hồ sơ cho nạn lừa đảo trực tuyến, đã trở thành vấn nạn lớn hơn cả ma túy, chủ yếu do các tổ chức tội phạm Trung Quốc thực hiện. Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết tổn thất từ các vụ lừa đảo ở Mỹ đã tăng 22 % vào năm 2023 với trên 12,5 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với thiệt hại từ các vụ trộm cắp, và có thể con số thực rất lớn vì nhiều nạn nhân không báo cáo với cảnh sát do cảm thấy xấu hổ.

Erin West, một cựu công tố viên từng thụ lý một số vụ lừa đảo kiểu này, ước tính rằng số tiền thực tế bị đánh cắp từ người Mỹ mỗi năm có thể lên tới khoảng 50 tỉ đô la, trung bình cứ 100 người Mỹ thì có khoảng một người trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo. Khó ai thoát được dù có trình độ, nhiều người còn trẻ và am hiểu công nghệ, cảnh sát, đặc vụ FBI, cố vấn tài chánh và nhà tâm lý học đều nằm trong số nạn nhân bị lừa đảo, thậm chí có cả một chủ ngân hàng. Đây có thể là một hồ sơ hiếm hoi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đồng thuận là phải diệt trừ.


***********

Thẩm phán liên bang Mỹ chặn DOGE của Elon Musk truy cập hệ thống thanh toán


Biểu tình phản đối ông Elon Musk bên ngoài Bộ Tài chính ở Washington, ngày 4/2/2025. (Ảnh AP/Jose Luis Magana)
Biểu tình phản đối ông Elon Musk bên ngoài Bộ Tài chính ở Washington, ngày 4/2/2025. (Ảnh AP/Jose Luis Magana)

Một thẩm phán liên bang sáng thứ Bảy 8/2 tạm thời chặn ban hiệu quả chính phủ của tỷ phú Elon Musk và những người được chính quyền Trump bổ nhiệm các chức vụ chính trị truy cập vào các hệ thống chính phủ được sử dụng để xử lý hàng nghìn tỷ đô la tiền thanh toán, với lý do thông tin nhạy cảm có thể bị tiết lộ không đúng cách.

Thẩm phán liên bang Paul Engelmayer tại Manhattan đã ban hành lệnh này sau khi liên minh gồm 19 tiểu bang chủ yếu do đảng Dân chủ lãnh đạo đệ đơn kiện vào cuối ngày thứ Sáu, lập luận rằng Bộ Hiệu quả Chính phủ của ông Musk không có thẩm quyền pháp lý để truy cập vào các hệ thống của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Vụ kiện cho biết ông Musk và nhóm của ông có thể làm gián đoạn nguồn tài trợ của liên bang cho các phòng khám y tế, trường mẫu giáo, sáng kiến về khí hậu và các chương trình khác, và rằng Tổng thống Cộng hòa Donald Trump có thể sử dụng thông tin này để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình.

Các tổng chưởng lý tiểu bang nói rằng việc DOGE truy cập vào hệ thống cũng "gây ra rủi ro an ninh mạng rất lớn, gây nguy hiểm cho nguồn tài trợ khổng lồ cho các tiểu bang và cư dân của họ". Họ xin lệnh cấm tạm thời để chặn quyền truy cập của DOGE.

Vị thẩm phán, người được cựu Tổng thống Dân chủ Barack Obama bổ nhiệm, cho biết các khiếu nại của các tiểu bang "đặc biệt mạnh mẽ" và bảo đảm ông hành động theo yêu cầu giải quyết khẩn cấp của họ trong khi chờ phiên điều trần tiếp theo trước một thẩm phán khác vào ngày 14 tháng 2.

"Điều đó là do rủi ro mà chính sách mới đưa ra về việc tiết lộ thông tin bí mật và nhạy cảm và rủi ro các hệ thống đang được đề cập sẽ càng dễ bị tấn công hơn trước đây", Thẩm phán Engelmayer viết.

Thẩm phán ra lệnh cấm những người được bổ nhiệm chức vụ chính trị, nhân viên chính phủ đặc biệt và nhân viên chính phủ được phân công từ một cơ quan bên ngoài Bộ Tài chính truy cập vào các hệ thống thanh toán và dữ liệu của Bộ Tài chính.

Thẩm phán cũng chỉ đạo rằng bất kỳ ai bị cấm theo lệnh của ông truy cập vào các hệ thống đó phải ngay lập tức hủy bất kỳ những gì họ đã sao chép hoặc tải xuống.

Tổng chưởng lý New York Letitia James, một đảng viên Dân chủ có văn phòng đang thụ lý vụ án này, trong một bài đăng trên mạng xã hội nói rằng lệnh này ngăn cản ông Musk, người giàu nhất thế giới, truy cập vào dữ liệu riêng tư của người Mỹ.

"Tôi đã nói rồi, và tôi sẽ nói lại lần nữa: không ai đứng trên luật pháp", bà James viết trên nền tảng truyền thông xã hội X của ông Musk.

Nhà Trắng và Bộ Tài chính đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Tổng thống Trump đã giao cho ông Musk nhiệm vụ lãnh đạo DOGE để xác định gian lận và lãng phí trong chính phủ. Những nỗ lực của ông Musk đã khiến đảng Dân chủ và các nhóm vận động lo ngại, những người cho rằng ông đang vượt quá thẩm quyền của mình khi tìm cách giải thể các cơ quan chịu trách nhiệm về các chương trình quan trọng của chính phủ và sa thải hàng loạt công chức liên bang.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người được Tổng thống Trump bổ nhiệm, cho biết trong tuần này rằng hệ thống thanh toán của bộ sẽ không bị ông Musk động đến và bất kỳ quyết định nào về việc ngừng thanh toán sẽ do các cơ quan khác đưa ra.


************

Được Trump truyền cảm hứng, những người bất đồng chính kiến đòi lật đổ chế độ ở Iran


Người biểu tình mô phỏng cảnh treo cổ trong một cuộc biểu tình của các thành viên phe đối lập Iran kêu gọi công lý, nhân quyền và tự do cho người dân Iran tại Paris, vào ngày 8/2/2025 (Ảnh của Thibaud MORITZ / AFP)
Người biểu tình mô phỏng cảnh treo cổ trong một cuộc biểu tình của các thành viên phe đối lập Iran kêu gọi công lý, nhân quyền và tự do cho người dân Iran tại Paris, vào ngày 8/2/2025 (Ảnh của Thibaud MORITZ / AFP)

Hàng ngàn người phản đối chính quyền Iran đã tập trung tại Paris hôm thứ Bảy, cùng với nhiều người Ukraine kêu gọi lật đổ chính quyền Tehran, hy vọng rằng chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể dẫn đến sự thay đổi ở quốc gia này.

Cuộc biểu tình do Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran (NCRI) có trụ sở tại Paris, bị cấm ở Iran, tổ chức đã diễn ra khi hai thành viên của nhóm này sắp bị hành quyết và sáu người khác bị kết án tử hình vào tháng 11.

"Chúng tôi tuyên bố ngày tận thế của các người đã đến. Có hoặc không có đàm phán, có hoặc không có vũ khí hạt nhân, [mọi người] sẽ nổi lên lật đổ các ngươi", Chủ tịch đắc cử của NCRI Maryam Rajavi phát biểu.

Nhiều người từ khắp nơi ở châu Âu đi xe buýt đến để tham gia cuộc biểu tình. Họ vẫy cờ Iran và hô vang khẩu hiệu chống chính phủ, cùng với những hình ảnh chế giễu Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei.

Hàng trăm người Ukraine cáo buộc Iran ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến xâm lược Ukraine cũng tham gia cuộc biểu tình.

Iryna Serdiuk, 37 tuổi, một y tá chuyển sang làm phiên dịch, đã chạy khỏi vùng Donbass đang chiến tranh, và hiện đang lưu vong ở Đức, cho biết cô đã đến Paris để hợp lực chống lại kẻ thù chung.

"Tôi rất vui khi thấy những người Iran đối lập này. Họ ủng hộ Ukraine chứ không phải chính phủ Iran cung cấp vũ khí cho Nga. Chúng tôi đoàn kết và một ngày nào đó chiến thắng sẽ đến với Ukraine và Iran", cô nói.

NCRI, còn được gọi bằng tên tiếng Ba Tư là Mujahideen-e-Khalq, từng bị Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố cho đến năm 2012.

Mặc dù những người chỉ trích đặt câu hỏi về sự hỗ trợ của tổ chức này bên trong Iran và cách thức hoạt động của tổ chức này, nhưng tổ chức này vẫn là một trong số ít nhóm đối lập có thể tập hợp những người ủng hộ.

Mohammad Sabetraftar, 63 tuổi, một người Iran đã lưu vong 40 năm và hiện đang có một hãng xe taxi ở Vương quốc Anh, bác bỏ những lời chỉ trích đối với NCRI và nói rằng đây là giải pháp thay thế duy nhất có thể đạt được nền dân chủ ở Iran.

"Những gì chúng tôi mong đợi từ ông Trump hoặc bất kỳ chính trị gia phương Tây nào là không ủng hộ chính phủ này. Chúng tôi không cần tiền, chúng tôi không cần vũ khí, chúng tôi dựa vào người dân. Không quan hệ với chế độ này, không liên hệ với chế độ này và hãy tăng nhiều áp lực lên chính phủ này."

Tehran từ lâu đã kêu gọi đàn áp NCRI tại Paris, Riyadh và Washington. Nhóm này thường xuyên bị chỉ trích trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Vào tháng 1, phái viên Ukraine của Tổng thống Trump đã phát biểu tại một hội nghị do nhóm này tổ chức tại Paris.

Vào thời điểm đó, ông đã phác thảo kế hoạch của tổng thống nhằm quay trở lại chính sách gây áp lực tối đa lên Iran nhằm kiềm chế nền kinh tế của nước này, buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, cũng như các hoạt động trong khu vực.


************

Nhà Trắng ra lệnh dừng thỏa thuận tái định cư người tị nạn Myanmar với Thái Lan


Người tị nạn Myanmar ở các trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan (Ảnh tư liệu)
Người tị nạn Myanmar ở các trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan (Ảnh tư liệu)

Người đứng đầu một ủy ban quốc hội Thái Lan giám sát các vấn đề biên giới và các viên chức trại tị nạn nói với VOA rằng việc Hoa Kỳ đình chỉ tiếp nhận người tị nạn đã làm gián đoạn thỏa thuận tái định cư mà Hoa Kỳ đã ký với Thái Lan vào năm ngoái để tiếp nhận hàng nghìn gia đình người Myanmar.

Khoảng 90.000 người tị nạn từ Myanmar đang ở Thái Lan trong một chuỗi chín trại tị nạn bị phong tỏa dọc theo biên giới chung của hai nước. Nhiều người đã sống trong các trại này từ giữa những năm 1980, khi họ chạy trốn các cuộc giao tranh nhiều thập kỷ giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân dân tộc thiểu số đấu tranh giành quyền tự chủ. Hầu hết là người dân tộc thiểu số Karen.

Sau hơn một năm đàm phán và lập kế hoạch, Hoa Kỳ đã đồng ý bắt đầu tiếp nhận một số người tị nạn vào năm ngoái, mặc dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không cho biết bao nhiêu người trong số họ có thể được tái định cư. Tuy nhiên, nhà lập pháp Thái Lan Rangsiman Rome và một nhân viên cứu trợ trước đó đã nói với VOA rằng nhân viên Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn địa phương đã nói với họ vào năm 2023 rằng con số này có thể lên tới 10.000 người mỗi năm, một tuyên bố mà Liên hợp quốc không xác nhận hoặc phủ nhận.

Nhóm đầu tiên gồm 25 gia đình đã rời khỏi các trại tị nạn đến Hoa Kỳ vào tháng 7.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết trong bốn năm trước - nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden - "Hoa Kỳ đã bị tràn ngập trong mức di cư kỷ lục, bao gồm cả người di cư thông qua Chương trình tiếp nhận người tị nạn của Hoa Kỳ", và ông đã đình chỉ chương trình này bằng lệnh hành pháp vào ngày 20 tháng 1, có hiệu lực một tuần sau đó.

Chính quyền chỉ cho phép các trường hợp ngoại lệ theo từng trường hợp, "cho đến khi việc tiếp tục nhận người tị nạn nhập cảnh vào Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ".

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bangkok từ chối bình luận với VOA về tác động của lệnh này đối với thỏa thuận tái định cư mà Hoa Kỳ và Thái Lan đã ký kết vào năm ngoái.

Khi được hỏi về số phận của thỏa thuận, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng họ đang "phối hợp với các đối tác thực hiện để đình chỉ việc nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ" và từ chối bình luận thêm.

Rangsiman, chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia, Biên giới, Chiến lược quốc gia và Cải cách quốc gia của Hạ viện Thái Lan, đơn vị giám sát các trại tị nạn, đã xác nhận vào thứ Sáu rằng lệnh của Tổng thống Trump đã chấm dứt thỏa thuận này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi biết rằng thỏa thuận đang bị đình trệ nhưng vẫn đang chờ thông tin cập nhật từ các bộ phận liên quan xem thỏa thuận này có thể được đàm phán lại hay không", ông nói với VOA.

Các viên chức và người phát ngôn của chính phủ Thái Lan và các bộ liên quan đến việc quản lý thỏa thuận đã từ chối trả lời VOA hoặc không trả lời yêu cầu bình luận.

Những người quản lý trại tị nạn nói với VOA rằng mọi công việc thẩm định và chuẩn bị cho những người tị nạn trong trại để tái định cư tại Hoa Kỳ, bao gồm phỏng vấn và kiểm tra y tế, đã dừng lại kể từ khi Nhà Trắng ra lệnh.

“Sau ngày 20, sau thông báo, mọi thứ đều dừng lại”, Nido, phó chủ tịch ủy ban quản lý các hoạt động hàng ngày tại trại Umpiem ở tỉnh Tak cho biết.

“Vào ngày 27, nhiều người trong trại đã đi tiêm vắc-xin lần thứ hai. Các bác sĩ và y tá đã có mặt để chuẩn bị tiêm vắc-xin. Nhưng khi mọi người đến, họ nói rằng có một số thay đổi, vì vậy họ phải dừng quá trình tiêm chủng. Họ nói với mọi người rằng họ sẽ phải dừng quá trình này một thời gian, nhưng họ không thể nói trong bao lâu”, ông nói. “Các cuộc phỏng vấn, tiêm chủng — họ phải dừng lại”.

Bweh Say, thư ký của Ủy ban Tị nạn Karen giám sát các ủy ban riêng lẻ, cho biết nhân viên UNHCR đã thông báo với ông rằng công tác tái định cư đã bị tạm dừng ở tất cả các trại.

UNHCR đã giúp Thái Lan và Hoa Kỳ điều hành chương trình tái định cư, nhưng họ từ chối bình luận với VOA về tác động của việc đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn của Hoa Kỳ, USRAP.

Việc quân đội Myanmar lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ vào năm 2021 đã làm gia tăng bạo lực ở nước này, gây ra một cuộc nội chiến khiến hàng nghìn thường dân thiệt mạng.

Bản thân Thái Lan không cho phép những người tị nạn định cư bên ngoài các trại và chủ yếu không cho họ cơ hội làm việc hoặc học tập hợp pháp bên ngoài các trại. Các nhóm cứu trợ và vận động làm việc với người tị nạn đã mô tả sự tuyệt vọng gia tăng, tình trạng lạm dụng ma túy và bạo lực.

Không có quốc gia nào khác ngoài Hoa Kỳ hưởng ứng lời kêu gọi của Thái Lan về việc tái định cư số lượng lớn người tị nạn.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 22 Tháng Ba 20256:08 SA
Thứ Sáu, 21 Tháng Ba 20254:08 SA
Thứ Năm, 20 Tháng Ba 20253:58 SA
Thứ Tư, 19 Tháng Ba 20255:14 SA
Thứ Ba, 18 Tháng Ba 20256:35 SA
Thứ Hai, 17 Tháng Ba 20253:44 SA
Chủ Nhật, 16 Tháng Ba 20253:24 SA
Thứ Bảy, 15 Tháng Ba 20256:27 SA
Thứ Sáu, 14 Tháng Ba 20255:48 SA
Thứ Năm, 13 Tháng Ba 20255:03 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo