Điện Kremlin hôm thứ Sáu (7/2) cho biết có rất nhiều báo cáo không chính xác về kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraine và kêu gọi mọi người kiên nhẫn khi có nhiều đồn đoán xoay quanh thời điểm có thể diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump.
Trong một cuộc họp báo với các phóng viên, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã được hỏi về một thông tin cho biết đặc phái viên của Trump về Nga và Ukraine, Keith Kellogg, đang tìm cách sắp xếp một lệnh ngừng bắn ngay cả trước khi các cuộc đàm phán về một giải pháp hòa bình diễn ra.
“Chúng tôi vẫn chưa có gì để nói thêm. Có rất nhiều tuyên bố và thông tin về chủ đề này đã bị bác bỏ, thay đổi, được xem là trò lừa bịp hoặc điều gì đó khác vào ngày hôm sau”, ông Peskov nói.
“Chưa có thông tin đáng kể nào về vấn đề này; chúng ta chỉ cần kiên nhẫn”.
Ông Trump và ông Putin đều nói họ rất muốn gặp mặt trực tiếp. Chương trình nghị sự, nếu như cuộc họp như vậy diễn ra, dự kiến sẽ tập trung vào mục tiêu đã nêu của ông Trump là chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột kéo dài ba năm.
“Nga sẵn sàng đàm phán. Trong mọi trường hợp, một giải pháp nên đạt được thông qua đàm phán”, ông Peskov nói thêm.
CNN trước đó dẫn lời ông Peskov nói rằng không có bất kỳ liên lạc ban đầu nào giữa hai nhà lãnh đạo về việc liệu một cuộc họp như vậy có cần thiết hay không hoặc cuộc họp sẽ diễn ra ở đâu và như thế nào.
Leonid Slutsky, người đứng đầu ủy ban các vấn đề quốc tế của quốc hội Nga, đã được hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời hôm thứ Năm, cho biết các công tác chuẩn bị cho một cuộc họp như vậy đang ở “giai đoạn nâng cao” và có thể diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3.
Ông Peskov hôm thứ Tư nói rằng các cuộc tiếp xúc với nhóm của Trump ở cấp độ “các cơ quan riêng lẻ” đang được tăng cường, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
*********
Trung Quốc đổ lỗi ‘sự phá hoại’ của Mỹ khiến Panama rời sáng kiến Vành đai và Con đường
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lâm Kiếm.
Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu (7/2) nói rằng Trung Quốc phản đối việc Hoa Kỳ “bôi nhọ và phá hoại” Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Panama thông qua “áp lực và cưỡng ép”, sau khi quốc gia Nam Mỹ này quyết định rút khỏi chương trình.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn của bộ, Lâm Kiếm, cho biết Trung Quốc vô cùng đáng tiếc về quyết định của Panama.
“Chúng tôi hy vọng Panama sẽ đưa ra quyết định đúng đắn dựa trên tình hình chung của quan hệ song phương và lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, đồng thời loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài”, ông nói thêm.
Panama đã chính thức trình một văn bản rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, Tổng thống Jose Raul Mulino cho biết hôm thứ Năm, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio vào tháng này, nhưng phủ nhận Hoa Kỳ đã tìm cách thực hiện động thái này.
Hơn 20 quốc gia Mỹ Latinh nằm trong số hơn 150 quốc gia đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, với kết quả mang lại lợi ích cho người dân của họ, ông Lâm cho biết.
Trung Quốc đã giới thiệu Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013.
Vào tháng 11 năm 2017, Panama đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chính thức tham gia, năm tháng sau khi chuyển quan hệ ngoại giao sang Trung Quốc từ Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh luôn tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố Panama đã nhượng quyền kiểm soát kênh đào cho Trung Quốc, một cáo buộc mà cả hai quốc gia đều phủ nhận.
*********
Công an Đắk Lắk phạt một người đàn ông vì tung tin có bạo loạn ở huyện Cư Kuin
Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh đưa tin công an Đắk Lắk phạt ông N.H.V vì tung tin thất thiệt, 6/2/2025.
Hôm 6/2, công an tỉnh Đắk Lắk thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một người đàn ông vì có hành vi tung tin thất thiệt về an ninh, trật tự, Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng và một số báo trong nước đưa tin.
Các báo dẫn thông tin từ công an cho biết người bị phạt có tên viết tắt là N.H.V, 32 tuổi, cư trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin.
Tin cho hay ông N.H.V đã đăng một bài hôm 2/2, tức mùng 5 Tết, trong một nhóm Facebook có tên Hội bố mẹ đơn thân Đắk Lắk Tây Nguyên với nội dung bắt đầu với cụm từ “Tin báo khẩn” và tiếp đến nói rằng một nhóm khoảng 12 người dân tộc thiểu số “có vũ khí đang bạo loạn” ở khu vực Việt Đức 4, Cư Kuin.
Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng và một số báo Việt Nam tường thuật rằng bài đăng của ông N.H.V sau đó đã lọt ra ngoài nhóm, lan truyền trên không gian mạng và “gây hoang mang dư luận”.
Mặc dù bản thân ông N.H.V tự nhận thấy bài đăng của ông không đúng sự thật và gỡ bỏ sau 10 phút đăng lên, theo mô tả của các báo, nhưng ông vẫn bị công an triệu tập và phạt tiền căn cứ vào quy định của Việt Nam về sai phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…
Ông N.H.V. nói với công an rằng ông đăng thông tin sai sự thật là vì vào chiều 1/2, ông nhìn thấy nhiều thanh, thiếu niên có mâu thuẫn, cãi vã gần một thác nước ở trong huyện. Nhưng trên thực tế, những người này đã giải tán, không đánh nhau, theo Tiền Phong và Sài Gòn Giải Phóng.
Huyện Cư Kuin là nơi vào đầu tháng 6/2023 đã xảy ra vụ án gây kinh hoàng dư luận trong đó hàng chục người sắc tộc thiểu số tấn công các trụ sở chính quyền của 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, giết chết 9 người bao gồm cả 2 cán bộ lãnh đạo xã và 4 viên công an.
Đến tháng 1/2024, một tòa án ở Việt Nam xét xử 100 bị cáo về tội danh “khủng bố” và một số tội danh khác với kết quả 10 bị cáo bị tuyên tù chung thân, 5 bị cáo cùng nhận án 20 năm tù và 85 bị cáo còn lại bị phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù giam.
**********
Tổng thống Trump áp lệnh trừng phạt Tòa Hình sự Quốc tế
Hôm 6/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và du hành nhắm vào những người làm việc về các cuộc điều tra của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với công dân Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của Hoa Kỳ như Israel, lặp lại hành động mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Động thái này diễn ra cùng lúc có chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benajmin Netanyahu. Cả ông Netanyahu lẫn cựu bộ trưởng quốc phòng và lãnh đạo nhóm chiến binh Palestine Hamas đều đang bị ICC truy nã vì cuộc chiến ở Dải Gaza.
Không rõ Hoa Kỳ sẽ công bố tên những người bị trừng phạt nhanh chóng đến mức nào. Trong thời chính quyền thứ nhất của ông Trump, vào năm 2020, Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với công tố viên lúc đó là Fatou Bensouda và một trong những trợ lý hàng đầu của bà về cuộc điều tra của ICC về cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
ICC không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị đưa ra bình luận. Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa mọi tài sản tại Hoa Kỳ của những người bị nêu tên và cấm họ và gia đình họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
ICC gồm 125 nước thành viên là tòa án thường trực có thể truy tố các cá nhân về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội xâm lược lãnh thổ của các quốc gia thành viên hoặc công dân của họ. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Israel không phải là thành viên của ICC.
Ông Trump ký sắc lệnh hành pháp về việc trừng phạt này sau khi các đảng viên đảng Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ vào tuần trước ngăn chặn nỗ lực do đảng Cộng hòa lãnh đạo nhằm thông qua đạo luật thiết lập chế độ trừng phạt nhắm vào tòa án về tội ác chiến tranh.
Các nguồn tin nói với Reuters vào tháng trước rằng tòa án này đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhân viên khỏi các lệnh trừng phạt có thể có của Hoa Kỳ, trả lương trước 3 tháng vì tòa án chuẩn bị cho những hạn chế tài chính có thể làm tê liệt tòa án về tội ác chiến tranh.
Vào tháng 12/2024, chủ tịch tòa án, thẩm phán Tomoko Akane, cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt sẽ “nhanh chóng làm suy yếu hoạt động của Tòa trong mọi tình huống và vụ việc, đồng thời gây nguy hiểm cho sự tồn tại của cơ quan này”.
Nga cũng đã nhắm mục tiêu vào tòa án. Năm 2023, ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin, cáo buộc ông về tội ác chiến tranh khi trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Nga đã cấm công tố viên trưởng ICC Karim Khan nhập cảnh và đưa ông này cùng hai thẩm phán ICC vào danh sách truy nã.
**********
TIN TỔNG HỢP
RFI
6–7 minutes
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
6 phút
(GMA) - Mỹ và Philippines thảo luận về « tái lập răn đe » ở Biển Đông. Ngày 05/02/2025, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết vấn đề này, cũng như « khả năng hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực » đã được bộ trưởng Pete Hegseth và đồng nhiệm Philippines Gilberto Teodoro thảo luận sau khi tầu Trung Quốc tiến gần hơn đến đất liền Philippines trong thời gian gần đây. Cùng ngày với cuộc thao dượt trên không giữa Mỹ và Philippines 04/02 ở Biển Đông, quân đội Trung Quốc tổ chức tuần tra trong khu vực trong hai ngày 04-05/02 và huy động tàu được Philippines mệnh danh là « Quái vật » tham gia.
(Reuters) - Singapore thông qua luật chống can thiệp của nước ngoài. Chính phủ Singapore hôm 04/05/2025 đã thông qua luật « Duy trì sự Hòa hợp Chủng tộc », nhằm chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào các gia tộc và các hiệp hội kinh doanh dựa trên chủng tộc. Luật mới buộc các tổ chức này phải tiết lộ các khoản quyên góp từ nước ngoài và ẩn danh, các liên kết nước ngoài và ban lãnh đạo. Singapore có thể dùng luật này để cấm nhận quyên góp từ nước ngoài hoặc trả lại tiền quyên góp. Luật mới cũng trao quyền cho bộ trưởng Nội Vụ Singapore ban hành lệnh cấm phát tán « nội dung gây phương hại đến việc duy trì sự hòa hợp chủng tộc ở Singapore ».
(AFP) - Hàn Quốc : Bộ Quốc Phòng và Thương Mại chặn DeepSeek trên hệ thống máy tính của bộ. Theo thông báo của bộ Quốc Phòng và Thương Mại Hàn Quốc hôm nay, 06/02/2025, biện pháp chặn ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek được thực hiện trong khi chờ nhận được giải thích của công ty Trung Quốc về cách xử lý dữ liệu thu thập được từ người sử dụng.
(AFP) - Các sáng chế, phát minh trong lĩnh vực giao thông vận tải tăng vọt, nhất là tại Trung Quốc. Theo một báo cáo mà Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (OMPI), thuộc Liên Hiệp Quốc, công bố hôm nay 06/02/2025, số sáng chế, phát minh về giao thông vận tải tăng bùng nổ, gấp 8 lần trong vòng 20 năm qua. Tổng cộng, có 1,1 triệu bằng sáng chế đã được cấp từ năm 2003 đến năm 2023, với 82% liên quan đến vận tải đường bộ. Đi tiên phong về điện hóa ô tô, Trung Quốc đứng đầu các nước có nhiều sáng chế nhất, hơn cả Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đức. Tổng cộng, 5 nước này chiếm 90% số sáng chế đệ trình lên Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Pháp nổi bật trong lĩnh vực hàng không.
(AFP) - Đức điều tra về vụ phá hoại 200 xe ô tô, nêu ra khả năng Nga đứng sau. Khoảng 200 ô tô đã bị hư hại trên khắp nước Đức, bị phun bọt vào các ống xả hơi của xe. Ngoài ra, các xe cũng bị dán những sticker với dòng chữ « Hãy xanh hơn » cùng hình của bộ trưởng bộ Kinh Tế, thuộc đảng Xanh, nhằm ám chỉ đảng của ông đứng đằng sau vụ phá hoại này. Cảnh sát Đức đã bắt giữ 4 nghi phạm mang quốc tịch Serbia, Rumani và Croatia, Đức. Truyền thông Đức cho biết một trong nghi phạm thú nhận đã được một người Nga liên lạc qua Viber yêu cầu thực hiện hành vi phá hoại để nhận được 100 euro cho mỗi chiếc xe.
(AFP) - Máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Pháp đã được chuyển tới Ukraina. Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu thông báo trên mạng xã hội X những chiến đấu cơ Mirage 2000 mà Paris hứa hỗ trợ Ukraina đã được chuyển giao cho Kiev hôm nay. Báo cáo của Quốc Hội Pháp cho biết Không quân Pháp có 26 chiến đấu cơ loại này và đã chuyển giao cho Ukraina 6 chiếc. Tuy nhiên, bộ Quân Lực Pháp chưa đưa ra bất cứ xác nhận nào.
(AFP) - Pháp thông qua dự luật về ngân sách cho năm 2025. Hôm nay, Pháp đã chính thức thông qua dự luật về ngân sách trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện. Văn bản luật đã được chuyển đến Hội đồng Bảo Hiến trước khi chính thức có hiệu lực. Đây cũng chính là dự luật khiến chính phủ của thủ tướng Michel Barnier bị Quốc Hội lật đổ vào cuối năm ngoái, trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tân chính phủ của thủ tướng François Bayrou tiếp tục làm việc với dự luật này, dùng điều 49.3 để thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Hạ Viện, và đã « sống sót » sau hai cuộc bỏ phiếu kiến nghị bất tín nhiệm do đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất đề nghị. Theo luật mới được thông qua, Pháp sẽ chi 50 tỷ euro trong năm 2025, giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 5,4 % GDP.
(AFP) - Mỹ : Trump cấm người chuyển giới tham gia các môn thể thao dành cho nữ. Theo sắc lệnh của tổng thống Mỹ được ký hôm 05/02/2025, trường nào cho phép học sinh chuyển giới tham gia các đội thể thao nữ sẽ bị cắt tài trợ của nhà nước liên bang. Tổng thống Donald Trump cũng tranh thủ cơ hội gây sức ép cho Ủy ban Olympic Quốc tế trong bối cảnh Thế Vận Hội Mùa Hè 2028 sẽ được tổ chức tại Los Angeles. Amnesty International gọi sắc lệnh của Trump là « một cuộc tấn công mới hung bạo chống người chuyển giới », khiến họ bị phân biệt đối xử.
(AFP) - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio không dự cuộc họp của khối G20 ở Nam Phi. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio được đưa ra hôm 05/02/2025, với lý do Nam Phi « bài Mỹ » và làm « những điều rất tồi tệ ». Trên mạng X, Rubio đặc biệt tố cáo Nam Phi « tịch thu tài sản cá nhân », điều mà chính phủ Nam Phi đã bác bỏ. Cuộc họp các ngoại trưởng G20 dự kiến diễn ra tại Johannesburg, trong hai ngày 20-21/02.
(AFP) - Hoa Kỳ : Cơ quan tình báo CIA tinh giản nhân sự. Hôm qua, 05/03/2025, John Ratcliffe, lãnh đạo cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA, cho biết « đang hành động nhanh chóng để tuân thủ đường lối của chính phủ với những ưu tiên về an ninh quốc gia ». Hôm thứ Ba, nhật báo The Wall Street Journal cho biết CIA đã đề xuất cho toàn bộ nhân viên một kế hoạch tự nguyện nghỉ việc, và thông báo tạm ngưng tuyển dụng nhân viên mới. Đây là cơ quan tình báo đầu tiên thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân lực trước áp lực từ chính quyền Donald Trump, muốn tinh giản chính phủ liên bang.
**********
Đài Quan sát Khí hậu Châu Âu : Tháng 01/2025 là tháng Giêng nóng nhất mà thế giới từng ghi nhận
Thùy Dương
~2 minutes
Tháng 01/2025 là tháng Giêng nóng nhất mà thế giới từng ghi nhận, sau mức nhiệt độ cao kỷ lục của 2 năm liên tiếp 2023-2024, theo thông báo hôm nay, 06/02/2025, của Đài Quan Sát Khí hậu Copernicus của Liên Hiệp Châu Âu.
Đăng ngày:
1 phút
Với mức trung bình 13,23°C, theo Đài Quan Sát Khí hậu Copernicus, « nhiệt độ tháng 01/2025 cao hơn 1,75°C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp ». Tháng 01/2025 cũng là tháng thứ 18 trong 19 tháng qua mà nhiệt độ trung bình trong không khí trên bề mặt Trái đất có mức tăng vượt hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Còn về nhiệt độ ở bề mặt các đại dương, tháng 01/2025 là tháng Giêng nóng thứ 2, chỉ sau tháng 01/2024. Tại Bắc Cực, nơi đang trải qua một mùa đông ấm bất thường, băng biển tháng 01/2025 chỉ đạt mức thấp nhất của tháng 1 thông thường, tương đương với tháng 01/2018.
Thực tế này gây ngạc nhiên đối với Đài Quan Sát Khí hậu Copernicus của Liên Hiệp Châu Âu, bởi vì giới chuyên gia trước đó vẫn hy vọng là việc hiện tượng thời tiết El Nino chấm dứt và hiện tượng thời tiết La Niña xảy ra ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương có tác động tạm thời làm giảm mức nhiệt độ toàn cầu.
Theo AFP, nhà khí hậu học Valérie Masson-Delmotte, cựu quan chức cấp cao của Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu GIEC, cảnh báo nếu con người tiếp tục phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thì không nên ngạc nhiên nếu thấy kỷ lục nhiệt độ sẽ lại bị phá vỡ.
**********
Thặng dư thương mại với Mỹ cao kỷ lục, Việt Nam có nguy cơ bị Trump áp thuế quan
Chi Phương
3–4 minutes
Theo dữ liệu được chính phủ Hoa Kỳ công bố hôm qua, 05/02/2025, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2024 đã đạt con số kỷ lục, vượt quá 123 tỷ đô la. Như vậy Việt Nam càng có nguy cơ bị tổng thống Donald Trump áp thuế quan.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Theo số liệu của Cục Thống Kê Hoa Kỳ, Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đứng thứ tư, chỉ sau Trung Quốc (295,4 tỷ đôla), Liên Hiệp Châu Âu (235,5 tỷ đô la) và Mêhicô (172 tỷ đô la).
Theo Bloomberg, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng vọt khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump. Nhiều doanh nghiệp đã rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành cơ sở sản xuất, để xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.
Trong một cuộc họp báo hôm qua, thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảnh báo rằng “xuất khẩu trong năm 2025 có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ (…) Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng trước, thủ tướng Việt Nam đã cho biết đang tìm giải pháp để giải quyết thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, nhắc lại khả năng mua máy bay Boeing, đồng thời tuyên bố sẵn sàng “chơi golf cả ngày” nếu có thể cải thiện quan hệ với Trump.
Theo nhà phân tích Sayaka Shiba, được Reuters trích dẫn, Việt Nam có vị trí khác so với các nước có thặng dư thương mại cao với Hoa Kỳ, không tạo ra mối đe dọa về an ninh nào cho Washington. Chính quyền Trump chuẩn bị các biện pháp thuế quan đối với Mêhicô và Trung Quốc, nêu ra các đe dọa về nhập cư hay ma túy, và Trump “sẽ khó thuyết phục được rằng Việt Nam là một mối đe dọa quốc gia”.
Bà Shiba cho rằng Việt Nam có thể vẫn phải đối mặt với các biện pháp về thuế quan, nhưng Hà Nội sẽ có thời gian để chuẩn bị. Nhà phân tích này gợi ý một số biện pháp mà Việt Nam có thể thực hiện, ví dụ như gia tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ, giảm thuế nhập khẩu với các sản phẩm từ Mỹ như đậu nành, bông và thịt. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ khó cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ, vì các mặt hàng chủ yếu là đến từ các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, như Samsung Electronics và Intel.
***********
Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc, Thái Lan tăng cường quan hệ để chống lại những bất ổn toàn cầu
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và ông Tập trong cuộc gặp hôm 6/2.
Trung Quốc và Thái Lan nên tăng cường lòng tin lẫn nhau và mở rộng hợp tác để chống lại những bất ổn toàn cầu đang gia tăng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói hôm 6/2 trong cuộc họp tại Bắc Kinh với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.
Chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Thái Lan tới Trung Quốc từ ngày 5 đến 8 tháng 2 là chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ khi nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ông Tập Cận Bình đã lấy ví dục về các dự án như tuyến đường sắt cao tốc nối Bangkok với Côn Minh ở phía tây nam Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng nền kinh tế kỹ thuật số và xe điện là những lĩnh vực bổ sung để hợp tác chặt chẽ hơn.
"Trước những thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, Trung Quốc và Thái Lan nên tăng cường lòng tin lẫn nhau về các lợi ích chiến lược và ủng hộ lẫn nhau một cách vững chắc", Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc của nhà nước (CCTV) trích lời ông Tập Cận Bình nói.
Những phát biểu của ông được đưa ra sau quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc áp thuế mới 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Quan ngại về lừa đảo trực tuyến và an toàn đã trở thành vấn đề lớn nhất giữa hai nước, đặc biệt là sau khi nam diễn viên Trung Quốc Wang Xing được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo ở Myanmar sau khi bị bắt cóc ở Thái Lan, nơi anh bị dụ dỗ tới với lý do có một công việc diễn xuất.
Thái Lan, vốn lo ngại về tác động đến ngành du lịch quan trọng của mình, đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại về an toàn của người dân Trung Quốc, những người đóng góp nhóm du khách lớn nhất đến quốc gia Đông Nam Á này.
"Sự an toàn của người dân và khách du lịch đến thăm Thái Lan là ưu tiên hàng đầu của chính phủ", bà Paetongtarn cho biết, đồng thời nói thêm rằng cả hai quốc gia sẽ hợp tác về một hệ thống cảnh báo để chống tội phạm.
"Thái Lan sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để trấn áp hoạt động tội phạm đi qua Thái Lan".
Hôm 4/2, chính phủ Thái Lan cho biết họ sẽ cắt điện ở một số khu vực giáp biên giới Myanmar nhằm kiềm chế hoạt động của các trung tâm lừa đảo.
Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đánh giá cao các biện pháp của Thái Lan nhằm chống lại cờ bạc trực tuyến và gian lận viễn thông, đồng thời kêu gọi cả hai tăng cường thực thi pháp luật cũng như hợp tác an ninh và tư pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
***********
Cơ quan quản lý Kênh đào Panama phủ nhận tuyên bố của Hoa Kỳ về việc không phải trả phí
Cơ quan quản lý Kênh đào Panama hôm 5/2 đã phủ nhận tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng các tàu của chính phủ Hoa Kỳ sẽ có thể đi qua kênh đào mà không phải trả phí. Động thái này có khả năng làm gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào.
Cơ quan quản lý kênh đào, một cơ quan tự chủ do chính phủ Panama giám sát, cho biết trong một tuyên bố rằng họ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với việc tính phí hoặc quyền đi qua kênh đào, đồng thời nói thêm rằng tuyên bố của họ là để phản hồi trực tiếp về các tuyên bố của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đó trong ngày rằng chính phủ Panama đã đồng ý không tính phí đi qua đối với các tàu của chính phủ Hoa Kỳ, trong một động thái sẽ giúp Hoa Kỳ tiết kiệm được hàng triệu đô la mỗi năm.
"Với trách nhiệm hoàn toàn, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama, như đã chỉ ra, sẵn sàng thiết lập đối thoại với các quan chức Hoa Kỳ có liên quan về việc quá cảnh của các tàu thời chiến từ quốc gia nói trên", cơ quan quản lý kênh đào trả lời.
Panama đã trở thành tâm điểm của chính quyền Trump khi tổng thống cáo buộc quốc gia Trung Mỹ này tính phí quá cao để sử dụng tuyến đường thương mại, vốn là một trong những tuyến đường bận rộn nhất thế giới.
Ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng Panama đã nhượng quyền kiểm soát kênh đào cho Trung Quốc, điều mà Panama và Trung Quốc đều phủ nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino vào đầu tuần này trong chuyến công du Trung Mỹ, và ông Mulino cam kết sẽ rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Ông Mulino cũng đã nhiều lần bác bỏ lời đe dọa của ông Trump rằng Hoa Kỳ sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào, nơi mà Hoa Kỳ đã xây dựng và quản lý trong nhiều thập kỷ.
Nhưng Hoa Kỳ và Panama đã ký một bộ hiệp định vào năm 1977, mở đường cho việc Panama hoàn toàn kiểm soát kênh đào. Hoa Kỳ đã trao trả nó vào năm 1999 sau một thời gian quản lý chung.
***********
Pháp chuyển giao máy bay chiến đấu Mirage để bảo vệ Ukraine
Pháp đã chuyển giao các máy bay chiến đấu đầu tiên cho Ukraine như một phần trong nỗ lực của châu Âu nhằm tăng cường sức mạnh cho Kyiv trong cuộc chiến với Nga và thể hiện cam kết của Paris trong khi Hoa Kỳ cân nhắc việc hỗ trợ cho Ukraine.
Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 6 năm ngoái đã tuyên bố sẽ đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu Mirage 2000 do Dassault sản xuất, vượt qua lằn ranh mới trong hỗ trợ quân sự cho Kyiv.
"Với các phi công đã được đào tạo trong nhiều tháng tại Pháp, giờ đây họ sẽ tham gia bảo vệ bầu trời Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Sebastien Lecornu viết trên mạng xã hội X.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy xác nhận trên X: "Những chiếc máy bay phản lực Mirage 2000 đầu tiên từ Pháp đã đến, tăng cường khả năng phòng không của chúng tôi".
Các quan chức cho biết vì lý do an ninh, Paris sẽ không tiết lộ có bao nhiêu máy bay chiến đấu đã được chuyển giao, mặc dù các máy bay đã được cải tiến để có thể tấn công trên mặt đất.
Chiếc máy bay này, đã được thay thế bằng máy bay chiến đấu Rafale trong đội bay của Pháp, ban đầu được thiết kế cho các cuộc không chiến.
Ukraine đã nhiều lần thúc ép các đồng minh phương Tây cung cấp cho nước này vũ khí và đạn dược tinh vi hơn, bao gồm xe bọc thép, xe tăng, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16 do Hoa Kỳ sản xuất.
Những chiếc máy bay F-16 đầu tiên đã đến Ukraine vào năm 2024, mặc dù tác động của chúng đối với cuộc chiến đã bị hạn chế bởi sức mạnh của lực lượng không quân Nga.
"Chúng tôi cũng đang tiếp tục mở rộng phi đội F-16 của mình", ông Zelenskyy viết.
Mirage 2000 là máy bay chiến đấu phản lực đa năng, một động cơ.
Một báo cáo của quốc hội Pháp vào cuối năm 2024 cho biết trong số 26 chiếc Mirage 2000-5 trong không quân Pháp, sáu chiếc sẽ được trao cho Ukraine.
Pháp sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 12 tháng 2 với Ukraine, các đồng minh chính của nước này tại châu Âu, Anh và Hoa Kỳ để thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ cho Kyiv.
********
Nga nói Hoa Kỳ cần xây dựng lập trường về cách thức chấm dứt xung đột Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/2 nói rằng Hoa Kỳ cần xây dựng chính sách của mình về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và sau đó Moscow có thể dựa vào hành động cụ thể của Hoa Kỳ để đưa ra lập trường của riêng mình.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không nói chuyện qua điện thoại kể từ khi ông Trump nhậm chức, theo các tuyên bố công khai từ các quan chức của cả hai bên.
Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước RIA của Nga trước đó hôm 6/2 đã trích dẫn lời một nhà lập pháp cấp cao cho biết rằng công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Putin và ông Trump đang ở "giai đoạn nâng cao".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết rằng Moscow đã nghe nhiều lời và tuyên bố từ Washington về Ukraine, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ Hoa Kỳ thực sự hình dung điều gì trong khi cố gắng đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột tại đó.
"Về vai trò hoặc vai trò có thể có của Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine, một lần nữa: mọi thứ sẽ phụ thuộc vào các hành động cụ thể và vào các kế hoạch của chính quyền mới thể hiện trong các hành động đó", bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo tại Moscow.
"Hiện tại, có rất nhiều lời và nhiều tuyên bố. (Nhưng) vẫn chưa rõ ràng về các bước đi đang được thực hiện (bởi Hoa Kỳ), vì vậy sẽ còn quá sớm để nói về triển vọng đàm phán hoặc bất cứ điều gì trong bối cảnh này”.
"Về phía Washington, họ có lẽ nên xây dựng chính sách của mình và chúng tôi sẽ tự mình tiến hành dựa trên các bước đi và hành động cụ thể của họ", bà nói.
Ông Trump và ông Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, đều cho biết họ đang xây dựng một kế hoạch làm trung gian cho một thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Ukraine nhưng vẫn chưa tiết lộ đầy đủ thông tin chi tiết về kế hoạch đó.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.