Tin Tức ngày 06 - 02 -2025:Mỹ kiểm soát dải Gaza: Nhà Trắng đính chính phát biểu của Trump
Thứ Năm, 06 Tháng Hai 20253:34 SA(Xem: 1050)
*************
Trump làm rung chuyển thế giới, Musk đại náo bộ máy chính quyền Mỹ
Thụy My
10–12 minutes
Một loạt quyết định của tân tổng thống Mỹ làm thế giới hoang mang, nhất là ngưng viện trợ quốc tế. Elon Musk làm mưa làm gió trong bộ máy chính quyền liên bang. Ukraina kiên cường chiến đấu trong khi chờ một giải pháp. Đó là những vấn đề đáng chú ý hôm nay 05/02/2025.
Trump gây sốc khi tuyên bố muốn kiểm soát Gaza
Một thông tin chấn động tuy không kịp đưa lên báo giấy nhưng hiện diện trên trang web tất cả nhật báo Pháp : Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Israel tại Washington vào đêm 04/02/2025 theo giờ Paris, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết muốn kiểm soát Gaza lâu dài.
Les Echos nhận xét, trước khi nhậm chức, ông Trump đã đóng vai trò quyết định trong việc đạt được ngưng bắn, đổi lấy việc thả con tin Israel theo từng giai đoạn. Và nay ông có giải pháp đơn giản để giải quyết xung đột Israel-Palestine : chiếm đóng Dải Gaza, đưa cư dân Palestine đi nơi khác. Trump nói rằng 1,7 hay 1,8 triệu người này sẽ « được tái định cư ở những vùng mà họ có thể sống thoải mái, không phải sợ chết mỗi ngày ».
Khi một nhà báo hỏi liệu có gởi quân Mỹ đến Gaza để giữ an ninh hay không, ông trả lời « Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết ». Tổng thống Mỹ nói sẽ « kiểm soát phần đất này và phát triển, tạo ra hàng ngàn việc làm », Mỹ sẽ là « những người bảo vệ tốt » vì lợi ích của toàn khu vực. Le Figaro cho biết Trump nói thêm là ông muốn biến Gaza thành « Côte d’Azur của Trung Đông ». Thủ tướng Benjamin Netanyahou, có vẻ cũng bất ngờ, cho là kế hoạch của ông Donald Trump « có thể làm thay đổi lịch sử ».
Trump : Dân Palestine trở về Gaza làm gì ?
Ông Trump nói rằng không hiểu được vì sao người dân Palestine muốn ở lại. « Đó là một địa điểm hoang tàn ». Tìm được một hay nhiều vùng đất khác, xây dựng đẹp đẽ, sẽ tốt hơn là quay về Gaza. Tất nhiên là phe Hamas chống lại việc ra khỏi Gaza, còn cơ quan quyền lực Palestine, bị đặt ngoài lề thỏa thuận hưu chiến, tuy phản đối nhưng hoàn toàn không có phương tiện đối phó.
Trước đó, lo sợ rối loạn vì Hamas có thể trà trộn, Ai Cập và Jordani đã từ chối tiếp nhận người tị nạn Palestine, nhưng tổng thống Mỹ tự tin cho rằng các láng giềng vẫn sẽ chấp nhận. La Croix cho rằng Ai Cập khó thể chống chọi được lâu trước sức ép cửa Trump. Cairo lệ thuộc nặng nề vào viện trợ quân sự Mỹ 1,3 tỉ đô la một năm, hơn nữa Ai Câp và Israel là hai nước hiếm hoi vừa qua không bị ngưng viện trợ.
Bên cạnh đó, Donald Trump còn cho biết Hoa Kỳ sẽ rút khỏi UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine. Nhà Trắng cũng loan báo gởi cho Israel số bom và xe ủi bọc thép trị giá 1 tỉ đô la - nhưng hiện bị chặn lại ở Quốc Hội vì phe Dân Chủ tức giận trước việc ngưng viện trợ quốc tế và giải thể USAID.
Trump 2.0 : Đánh trước, thương lượng sau !
Le Figaro cho rằng hoạt động dày đặc của ông Donald Trump từ hai tuần qua tại Nhà Trắng gợi ra hình ảnh một khẩu súng máy đặt trên xe tăng, càn quét sạch tất cả những gì trên đường đi. Trong việc thương lượng, mà tổng thống tỉ phú tự cho là rất tài ba, Trump chỉ tôn trọng có một luật duy nhất là « áp lực tối đa » để có được kết quả thuận lợi nhất. Vào đầu nhiệm kỳ hai, ông còn đi xa hơn, có lẽ là theo cách của ông bạn võ sĩ quyền Anh Mike Tyson. Không có triết lý nào thuyết phục hơn là câu : « Tất cả mọi người đều có kế hoạch, cho đến khi lãnh trọn một cú đấm vào hàm răng ».
Được giải tỏa khỏi các ràng buộc trong nhiệm kỳ đầu, Trump 2.0 đánh trước, thương lượng sau. Cũng bằng cách này mà ông đã khống chế chính quyền liên bang và giao tay hòm chìa khóa cho Elon Musk. Trump lần lượt áp thuế hải quan, trước hết đối với các đồng minh của Hoa Kỳ rồi sau đó mới cầm điện thoại lên mặc cả với đồng nhiệm. Tác động từ những loan báo mang lại cho Trump hình ảnh cứng rắn khiến cử tri của ông hài lòng, không quan tâm đến thực tế đó chỉ là tạm thời, vì sẽ còn những trao đổi kỹ thuật lặng lẽ sau đó.
Trump trộn lẫn nhiều yêu sách, sau đó kích hoạt đòn bẩy để đạt kết quả trên một lãnh vực khác, từ thương mại đến di dân, hay quốc phòng. Một quy luật cổ điển khác là chèn ép kẻ yếu, thận trọng trước kẻ mạnh : Trung Quốc cho đến nay vẫn được nương tay. Cuối cùng là một câu hỏi : Sự gần gũi quan điểm có thể được đặt trên lợi ích đầy ích kỷ của Hoa Kỳ hay không ? Benjamin Netanyahu hay Giorgia Meloni sẽ là những người đầu tiên biết được điều này.
Elon Musk, « kẻ hủy diệt »
Libération đăng hình Elon Musk lên trang nhất với dòng tít lớn « Kẻ hủy diệt ». Tờ báo nhận xét, nhà tỉ phú, nay là tay chân của ông Donald Trump, tuy không hề được ai bầu lên nhưng đang ra sức làm phân rã các cơ quan chính phủ, một kiểu đảo chánh về hành chánh.
Nhật báo tả lại cảnh ba người mặc toàn đồ đen, xâm nhập vào hệ thống chi trả của bộ Tài Chính Mỹ, nơi xử lý trên 6.000 tỉ đô la tiền lương và hợp đồng hàng năm. Dùng máy tính của mình kết nối vào máy chủ, ba nam thanh niên từ 19 đến 23 tuổi trong cuối tuần qua đã tạo ra một hệ thống song song với cơ cấu của định chế do Hiến Pháp Mỹ quy định, phong tỏa toàn bộ ngân sách, chuyển trợ cấp học hành từ bộ Giáo Dục sang máy của mình, lục lọi cơ sở dữ liệu của hàng trăm triệu người đóng thuế Mỹ, tổ chức, doanh nghiệp.
Hình ảnh như trong phim đã thực sự diễn ra vào cuối tuần qua. Ở trung tâm vụ này là Elon Musk, người giàu nhất thế giới, giữ một nhiệm vụ không hề được Quốc Hội thông qua, muốn chứng tỏ khả năng cắt giảm mạnh ngân sách, truy lùng những « biến thái woke », ở đây là hệ thống y tế giáo dục và an ninh liên bang. Các lực lượng kiểm tra như Quốc Hội, tư pháp, thanh tra, thượng viện coi như không hiện diện. Nhật báo thiên tả gọi đây là một vụ « đánh cướp ».
Cuộc tấn công vào bộ máy chính quyền liên bang
Les Echos cho biết « Elon Musk tấn công vào chính quyền Mỹ như thế nào ». Ông ta đổ bộ vào Washington như một trận bão. Trong lúc Donald Trump gieo rắc hỗn loạn trong thương mại thế giới, thanh trừng ngành tư pháp và FBI, thì Musk và « Bộ Hiệu quả Chính phủ » (DOGE) lũng đoạn các cơ quan liên bang mà không ai cản nổi, ngoài chính ông Trump. Elon Musk chẳng phải báo cáo với ai, không cần được Thượng Viện phê chuẩn và không phải minh bạch tài sản với tư cách cố vấn đặc biệt.
Được trợ lực bởi khoảng 40 người không rõ tư cách pháp lý ra sao, trong đó có một nhóm thanh niên trẻ măng vừa học xong trung học, ê-kíp của Musk đặt bản doanh tại Office of Personnel Management (OPM – cơ quan nhân sự của chính phủ) chỉ vài giờ sau khi ông Trump nhậm chức. Họ đặt giường xếp để ngủ lại trong phòng họp, chiếm lấy máy chủ của cơ quan, gởi mail đề nghị các nhân viên liên bang tự ý nghỉ việc, bất chấp mọi quy định. Musk đang thành công : hiện có khoảng 20.000 nhân viên chấp nhận từ nhiệm, tương đương 1 % tổng số. Ông ta sẽ còn đi đến đâu nữa ? Chỉ có mình Donald Trump biết được !
Libération lưu ý, nhóm thanh niên do Musk phái đến OPM đã dùng máy tính mua ngoài thị trường để kết nối với máy chủ chứa nhiều thông tin cá nhân mật, một điều hoàn toàn bị cấm vì lý do an ninh. Một nhân viên báo động : « Trung Quốc và Nga hàng ngày đều cố tấn công tin học chúng ta, và tất cả những dữ liệu này lại bị lọt vào tay những người chưa hề được ai duyệt ».
Chiến tranh Ukraina : « Chỉ có người điên mới không biết sợ »
Về cuộc chiến ở Ukraina, La Croix đăng ảnh các chiến binh của Kiev trong chiến hào, chạy tựa trang nhất « Chỉ có những người điên mới không biết sợ ». Trong bài xã luận, nhật báo Công Giáo kêu gọi « Hãy chận Putin lại ». Cuộc xâm lăng đã diễn ra gần ba năm, các trận đánh vẫn tiếp diễn theo một tiến trình đẫm máu.
Đặc phái viên Laurent Larcher từ mặt trận trở về, thuật lại cuộc sống nơi chiến địa, phải đối phó thường xuyên với những đợt tấn công liên tục của quân Nga. Phóng sự của La Croix kể lại cuộc sống của các chiến binh Ukraina tại Pokrovsk, thành phố bị Nga tập trung tấn công liên tục từ nhiều tháng qua, được dự đoán là sẽ thất thủ nhưng đến nay vẫn đứng vững.
Đó là một cuộc chiến như thời Đệ nhất Thế chiến, giành giựt từng chiến hào một, đồng thời là chiến tranh hiện đại với những bầy drone địch rình rập, quần thảo trên đầu. Sống trong bùn lầy ngập đến cổ sau những trận mưa hay khi tuyết tan, trên mặt đất lạnh giá 0°C và thậm chí có khi âm đến 30°C. Joker, một trong những người hùng của lữ đoàn 68 nói : « Chỉ có người điên mới không biết sợ ở Pokrovsk ». Cầm súng chiến đấu ngay từ những ngày đầu đất nước bị xâm lăng, người chiến sĩ này từng vượt thoát được vòng vây của quân Nga để trở về với đồng đội. Chiến đấu để bảo vệ tổ quốc đã hung đúc ý chí đoàn kết những người lính xuất thân khác nhau, đôi khi đã ở độ tuổi 60, có khi chỉ mới được động viên vài tuần lễ.
« Hãy ngăn chận Putin ! »
Một phóng sự khác của Le Figaro nói về « Địa ngục và sự anh dũng nơi các bệnh viện ở tuyến đầu ». Đặt sát bên tiền tuyến, các bác sĩ làm phẫu thuật cho các thương binh tại những cơ sở nằm sâu dưới lòng đất. Tức giận vì lại phải đối đầu với các chiến binh Ukraina khi họ được xuất viện, quân Nga « ưu tiên » nhắm bắn vào các bác sĩ, y tá, đến nỗi chính quyền khuyến cáo họ không nên mặc trang phục y tế ở gần chiến địa. Đó là tội ác chiến tranh, một quân nhân giận dữ nói, và một ngày nào đó Nga sẽ phải trả lời trước pháp luật.
La Croix nhận định Ukraina đang kiệt lực, do dân số ít hơn và một số không ít đang lưu vong. Bối cảnh u ám dẫn đến việc hy vọng chiến tranh sớm chấm dứt, nhưng làm thế nào đây ? Khi tranh cử, Donald Trump tuyên bố sẽ kết thúc cuộc chiến trong 24 giờ, nhưng nay nói rằng có thể sẽ mất đến sáu tháng. Vấn đề chính không phải ở Kiev mà tại Matxcơva : Vladimir Putin chưa bao giờ chịu nhượng bộ. Ông chủ điện Kremlin vẫn mơ tái lập đế quốc Nga, cuộc xâm lược của ông ta không chỉ nhằm chiếm đất mà còn buộc Ukraina một lần nữa phải quay về làm chư hầu.
Cho rằng thời gian đứng về phía mình, Putin không ngừng gia tăng áp lực lên tiền tuyến và cả với thường dân. Ukraina vẫn kiên cường kháng chiến, và họ cần sự hỗ trợ về tài chánh, chính trị, quân sự. Trong lúc Donald Trump còn lừng khừng, Pháp và các nước trên cùng châu lục có nghĩa vụ đạo đức là tăng cường giúp đỡ. Theo tờ báo, đây cũng là một chọn lựa khôn ngoan : một trong những điều kiện cho an ninh châu Âu là Vladimir Putin phải bị chận lại càng sớm càng tốt.
*********
Panama bác bỏ thông tin tàu của chính phủ Mỹ đi qua kênh đào “miễn phí”
Trong bối cảnh Donald Trump muốn giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama và đe dọa sử dụng vũ lực, hôm qua, 05/02/2025, Hoa Kỳ thông báo kể từ nay, các tàu của chính phủ Mỹ có thể được đi qua “miễn phí” kênh đào này. Tuy nhiên, phía Panama ngay lập tức đã bác bỏ thông tin đó.
Đăng ngày:
2 phút
Một tàu chở hàng di chuyển bên dưới cầu Châu Mỹ, bắc qua lối vào kênh đào Panama ở Panama City, Panama, ngày 22/01/2025.REUTERS - Aris Martinez
Theo hãng tin AFP, trên mạng xã hội X, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết các tàu của chính phủ Mỹ “giờ đây có thể đi qua Kênh đào Panama mà không cần trả phí, có thể tiết kiệm cho chính phủ hàng triệu đô la mỗi năm”. Washington không đề cập đến các tàu thương mại, chiếm 40% số tàu của Hoa Kỳ đi qua tuyến đường biển nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Kênh đào, một cơ quan độc lập nhưng vẫn chịu sự giám sát của chính phủ Panama, đã nhanh chóng bác bỏ thông tin nói trên. Cơ quan này cho biết không có thay đổi nào trong chính sách thu phí và khẳng định “sẵn sàng đối thoại với các quan chức có thẩm quyền của Hoa Kỳ về việc để các tàu chiến của Mỹ đi qua kênh này”.
Kênh đào Panama do Hoa Kỳ xây dựng và đã được khánh thành vào năm 1914, nhưng kể từ năm 1999, nằm dưới sự kiểm soát của Panama, theo hiệp ước được tổng thống Mỹ Jimmy Carter và tổng thống Panama Omar Torrijos ký kết vào năm 1997.
Trong chuyến thăm đến Panama vào tuần trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio đã nêu “những quan ngại về việc thu phí đối với tàu quân sự của Hoa Kỳ” đi qua Kênh đào Panama. Về phần mình, tổng thống Panama Jose Raul Mulino, sau cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao Mỹ, khẳng định chủ quyền của Panama là không thể bàn cãi, bất chấp đe dọa của Donald Trump giành lại quyền kiểm soát kênh đào bằng vũ lực, với lý do ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này có thể đe dọa đến lợi ích của Mỹ.
**********
Mỹ kiểm soát dải Gaza: Nhà Trắng đính chính phát biểu của Trump
Ngày 05/02/2025, Nhà Trắng đã diễn giải lại toàn bộ phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo chung với thủ tướng Israel Benjamin Nentanyahu ở Washington. Chủ nhân Nhà Trắng đã gây phẫn nộ trên chính trường Mỹ cũng như trên thế giới khi khẳng định « Washington sẽ kiểm soát lâu dài dải Gaza », « đưa người Palestine sang Jordani và Ai Cập » để tái thiết Gaza thành « thiên đường» bên bờ Địa Trung Hải. Liên Hiệp Quốc lên án tư tưởng « thanh trừng sắc tộc ».
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) tiếp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 04/02/2025.REUTERS - Leah Millis
Thông tín viên David Thomson tại Miami tường trình :
« Chiến dịch hạn chế thiệt hại là do người phát ngôn Nhà Trắng đảm nhiệm. Trong cuộc họp báo hàng ngày, bà Karoline Leavitt đã cố giải thích rằng tổng thống Mỹ thực ra không có ý sẽ làm những điều ông đã nói... Trong khi hôm trước Donald Trump tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát dải Gaza, thì ngay hôm sau, bà Karoline Leavitt lại bảo đảm rằng « tổng thống không hề có ý định điều quân đến đây ».
Kế hoạch di dời người dân Gaza cũng được cải chính. Phát ngôn viên Nhà Trắng phát biểu : « Tổng thống đã nói rõ rằng người dân Gaza sẽ được di dời một cách tạm thời ». Trong khi hôm trước, ông Trump nói sẽ đưa họ sang sống vĩnh viễn ở Jordani và Ai Cập...
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng tìm cách gỡ rối khi khẳng định « điều duy nhất mà tổng thống đã hào phóng làm là đề nghị sẽ can thiệp để dọn sạch Gaza, xây dựng lại các tòa nhà để mọi người có thể quay trở lại đó », trong khi mới hôm trước, Donald Trump nói ông muốn sở hữu lâu dài dải đất này, điều mà không ai ở Hoa Kỳ có thể diễn giải được.
Trên đài truyền hình CNN, một bình luận viên cho biết đã rất sốc khi nghe ông Trump « coi Gaza như một chương trình bất động sản. Ông ấy nói về việc Mỹ sở hữu dải Gaza, nhưng đúng hơn thì phải nói đó là chủ nghĩa thực dân thế kỷ 21 ».
Cùng lúc tại Hạ Viện, đảng Dân Chủ tức giận. Dân biểu Al Green của bang Texas cáo buộc ông Donald Trump đồng lõa trong cuộc thanh trừng sắc tộc ở Gaza. Ông đã kêu gọi khởi động thủ tục luận tội Trump, nhưng rõ ràng là thủ tục này sẽ không thể thành công, vì đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số trong Quốc Hội».
Liên Hiệp Quốc lên án Trump « thanh trừng sắc tộc » ở Gaza
Ngày 05/02, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo về « hình thức thanh trừng sắc tộc » tại Gaza. Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk nhắc lại mọi ý đồ ép buộc di cư hoặc trục xuất khỏi một vùng đất bị chiếm đóng đều « bị nghiêm cấm ».
Jordanie và Ai Cập đều đã bác bỏ kế hoạch của tổng thống Mỹ, cũng như các nước Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Liên Đoàn Ả Rập, Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 05/02, Ai Cập kêu gọi chính quyền Palestine nắm lại quyền kiểm soát dải Gaza sau khi bị Hamas loại bỏ năm 2007. Ngoại trưởng Pháp khẳng định tiếp tục nỗ lực để thực thi giải pháp « Hai Nhà nước ».
Trả lời họp báo thường kỳ ngày 06/02, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh phản đối chủ trương của tổng thống Trump đưa người Palestine ra khỏi Gaza và để Hoa Kỳ tiếp quản khu vực này.
Dù vậy, Israel vẫn chuẩn bị cho « cuộc di tản tự nguyện » của người Palestine khỏi Gaza. Trong thông cáo ngày 06/02 được AFP trích dẫn, bộ trưởng Quốc Phòng Israel Katz đã ra lệnh lập kế hoạch « hỗ trợ bất kỳ người dân nào ở Gaza muốn đến bất kỳ nơi nào trên thế giới tiếp nhận họ ».
**********
Guatemala sẽ chấp nhận thêm các chuyến bay trục xuất của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trái, và Tổng thống Guatemala Bernardo Arevalo, sau cuộc họp báo chung tại Dinh Quốc gia ở Guatemala City, ngày 5/2/2025.
Guatemala sẽ chấp nhận thêm 40% các chuyến bay trục xuất từ Hoa Kỳ, bao gồm cả những người bị trục xuất là người Guatemala và những người có quốc tịch khác, Tổng thống Bernardo Arevalo loan báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm 5/2.
Ông Rubio, phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với ông Arevalo sau cuộc họp của họ tại Thành phố Guatemala, nói Hoa Kỳ cũng sẽ ủng hộ các nỗ lực của quốc gia Trung Mỹ này nhằm đưa những người không phải từ Guatemala trở về quê hương.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Washington, người đã đi khắp Trung Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ để đảm bảo sự hợp tác cho các nỗ lực của chính quyền Trump nhằm trục xuất nhiều di dân hơn, cho biết lời đề nghị của ông Arevalo về việc tăng số chuyến bay mà Guatemala chấp nhận là “rất quan trọng đối với chúng tôi xét về tình hình di cư mà chúng tôi đang phải đối mặt”.
“Sự sẵn lòng chấp nhận không chỉ công dân mà cả những người từ các quốc tịch khác khi họ tìm cách trở về quê hương của mình cũng rất quan trọng, và chúng tôi đã cam kết hỗ trợ những nỗ lực đó”, ông Rubio nói.
Theo Reuters đưa tin vào tháng 12 năm ngoái, trích lời một quan chức Guatemala, dưới thời chính quyền trước đây của Tổng thống Joe Biden, Guatemala đã tiếp nhận khoảng 14 chuyến bay trục xuất mỗi tuần.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ, khoảng 66.000 người Guatemala bị trục xuất trong năm tài chính 2024 là nhiều nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden và nhiều hơn bất kỳ năm nào trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 của ông Trump.
Ông Arevalo cho biết chi tiết về việc tăng chuyến bay sẽ được thảo luận trong các nhóm làm việc sắp được thành lập.
Ông Arevalo nói việc tiếp nhận tội phạm không được thảo luận trong cuộc họp ngày 5/2, sau khi El Salvador hôm 3/2 ngỏ ý sẽ giam giữ “những tên tội phạm nguy hiểm” từ bất kỳ nơi nào trên thế giới bị Hoa Kỳ trục xuất.
Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ gửi những di dân trở về quốc gia của họ, ông Rubio trong các chuyến thăm tuần này đã tìm cách đảm bảo các thỏa thuận “nước thứ ba”, nghĩa là các quốc gia chấp nhận công dân của các nước không chịu nhận lại người bị trục xuất.
Ví dụ, Cuba và Venezuela có mối quan hệ lạnh nhạt với Hoa Kỳ và trước đây đã hạn chế số lượng người bị trục xuất mà họ sẽ tiếp nhận, mặc dù chính quyền Trump cho biết Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đồng ý tiếp nhận lại công dân của nước mình.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã tăng cường số lượng di dân mà Hoa Kỳ trục xuất về Mỹ Latin, bao gồm cả việc sử dụng máy bay quân sự cho các chuyến bay hồi hương.
Chính quyền Trump hôm 3/2 đã gỡ bỏ lệnh bảo vệ chống trục xuất đối với hàng trăm nghìn người Venezuela tại Hoa Kỳ.
Máy bay quân sự Hoa Kỳ hôm 4/2 đã bắt đầu chở di dân bị giam giữ đến Vịnh Guantanamo, sau khi ông Trump kêu gọi mở rộng cơ sở giam giữ di dân tại căn cứ này để giam giữ hơn 30.000 di dân.
*************
Bộ Ngoại giao Mỹ: Giờ đây tàu của chính phủ Mỹ có thể đi qua Kênh Panama không mất phí
Một cảng trên tuyến kênh đào Panama, 4/2/2025 (AP Photo/Matias Delacroix).
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư 5/2 rằng tàu của chính phủ Hoa Kỳ giờ đây có thể đi qua Kênh đào Panama mà không mất phí.
"Chính phủ Panama đã đồng ý không thu phí đối với tàu của chính phủ Hoa Kỳ đi qua Kênh đào Panama nữa", bộ viết trên X.
Bộ cho hay thỏa thuận này sẽ giúp chính phủ Hoa Kỳ tiết kiệm được hàng triệu đô la mỗi năm.
Cơ quan quản lý Kênh đào Panama không trả lời ngay khi họ được đề nghị đưa ra bình luận.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã gặp Tổng thống Panama Jose Raul Mulino hôm Chủ Nhật 2/2 trong chuyến công du tới Trung Mỹ.
Panama đã trở thành tâm điểm chú ý của chính quyền ông Trump khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc quốc gia Trung Mỹ này tính phí quá cao cho việc sử dụng tuyến đường thủy qua Panama.
"Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức và pháp lý, của cử chỉ hào hiệp này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng tôi, toàn bộ và không có gì phải thắc mắc", ông Trump nói hồi tháng trước.
Ông Mulino đã bác bỏ lời đe dọa của ông Trump về việc Hoa Kỳ sẽ giành lại quyền kiểm soát kênh đào mà họ đã xây dựng phần lớn. Hoa Kỳ đã quản lý lãnh thổ quanh tuyến đường này trong nhiều thập kỷ.
Nhưng Hoa Kỳ và Panama đã ký 2 hiệp định liên quan chặt chẽ vào năm 1977 mở đường cho việc kênh đào trở lại quyền kiểm soát hoàn toàn của Panama. Hoa Kỳ đã trao trả kênh vào năm 1999 sau một thời gian quản lý chung.
**************
TIN TỔNG HỢP
RFI
(AFP) - Trump khẳng định « không vội vã » đối thoại với Tập Cận Bình. Trả lời báo giới hôm qua, 04/02/2025,tổng thống Mỹ khẳng định sẽ nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc « vào thời điểm thích hợp ».Donald Trump tỏ ra tự tin : « Chúng ta sẽ thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, cũng như với tất cả các nước khác », và « nước Mỹ sẽ lại được tôn trọng ». Tuyên bố được đưa ra cùng ngày với việc Bắc Kinh ban hành một loạt biện pháp để trả đũa việc chính quyền Trump tăng 10% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
(Reuters) - Trung Quốc sẵn sàng coi Liên Âu là « đối tác chiến lược » để « đối phó với các thách thức toàn cầu ». Phát ngôn viên Lâm Kiếm (Lin Jian), bộ Ngoại Giao Trung Quốc, hôm nay 05/02/2025, tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng xem Liên Âu là « đối tác chiến lược toàn cầu, và là một trục quan trọng trong thế giới đa cực ». Tuyên bố được đưa ra sau khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, hôm qua, tại Bruxelles, cho biết mong muốn « tìm các giải pháp » và các « thỏa thuận » để mở rộng các quan hệ thương mại và đầu tư Âu – Trung, cùng lúc với việc tiếp tục chính sách « giảm thiểu nguy cơ » (de-risking) trong quan hệ với Trung Quốc.
(AFP) - Hạ Viện Philippines bỏ phiếu kiến nghị phế truất phó tổng thống Sara Duterte. Kiến nghị được thông qua hôm nay, 05/02/2025, sau các khiếu nại về con gái của cựu tổng thống Duterte, trong đó có cáo buộc « biển thủ » hàng triệu đô la công quỹ và âm mưu sát hại tổng thống đương nhiệm. Kiến nghị phế truất phó tổng thống sẽ được thông qua nếu hội đủ số phiếu của 2/3 Thượng Viện, với 24 thành viên. Quyết định của Hạ Viện được đưa ra ít ngày trước đợt vận động tranh cử Quốc Hội giữa kỳ, được coi như một bước đệm cho cuộc bầu cử tổng thống 2028.
(AFP) - Bưu điện Mỹ ngừng nhận bưu kiện từ Trung Quốc. Ngày 04/02/2025, các sở bưu điện Mỹ (USPS) thông báo tạm thời không nhận các bưu kiện gửi từ Trung Quốc lục địa và Hồng Kông cho đến khi có lệnh mới. USPS không đưa ra lý do mà chỉ cho biết việc chuyển thư tín không bị ảnh hưởng. Ngay sau thông báo trên, cổ phiếu chứng khoán của các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc bị mất giá mạnh. JD.com bị mất 5,25%, Alibaba mất 1,6%. Hàng hóa trao đổi qua thương mại điện tử đã bùng nổ trong 10 năm trở lại đây. Năm ngoái, trên thế giới hơn1,3 tỷ bưu kiện hàng bán qua mạng được chuyển, trong khi con số này của năm 2015 là 140 triệu.
(AFP) - Các nước vùng Baltic chia tay lưới điện thời Liên Xô cũ. Ba nước Liatva, Latvia và Estonia chuẩn bị tách hoàn toàn khỏi mạng lưới điện của Nga vào thứ Bảy tuần này. Như vậy các quốc gia vùng Baltic này sẽ cắt hẳn liên hệ với hệ thống năng lượng Nga, tồn tại từ thời Liên Xô cũ, để hòa vào mạng lưới điện của Liên Hiệp Châu Âu. Đây là bước đi được các nước này mong đợi từ lâu nay. Nhiều hoạt động ăn mừng sự kiện trọng đại này dự kiến sẽ được tổ chức ở ba quốc gia trên. Ngày thứ Bảy 08/02/2025, Lavia sẽ tổ chức lễ cắt đường cáp tải điện nối với Nga trước sự tham dự của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và lãnh đạo các nước Baltic.
***********
Các tổ chức của người Palestine lên án dự án kiểm soát Gaza của tổng thống Mỹ Donald Trump
Các tổ chức của người Palestine hôm nay, 05/02/2025, đã cực lực lên án tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Mỹ sẽ trực tiếp kiểm soát lâu dài dải Gaza và di chuyển dân cư ở đây ra khỏi vùng đất này. Người phát ngôn của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas, Abdel Latif al-Qanou, tố cáo ông Trump có các lời lẽ « kỳ thị chủng tộc » và đi theo lập trường của « phe cực hữu Israel ».
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
3 phút
Người dân Palestine tản cư ở miền trung Gaza trên đường trở về nhà ở miền bắc dải Gaza, ngày 31/01/2025.AP - Abdel Kareem Hana
Theo AFP, ông Hussein Sheikh, tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), bao gồm phong trào Fatah cầm quyền tại vùng Cisjordanie của Palestine, đã bác bỏ mọi dự án « di chuyển cư dân Palestine ra ngoài các vùng lãnh thổ quê hương ». Riyad Mansour, đại sứ của Nhà nước Palestine (quy chế quan sát viên) tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh, các lãnh đạo thế giới phải « tôn trọng nguyện vọng » của người dân Palestine được sống tại Gaza.
Pháp phản đối kế hoạch của Trump
Bộ Ngoại Giao Pháp hôm nay đã một thông cáo nhấn mạnh việc cưỡng bức dân Palestine rời khỏi Gaza là « vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ». Paris khẳng định « sẽ tiếp tục nỗ lực để thực thi giải pháp hai Nhà nước, điều duy nhất có thể bảo đảm hòa bình và ổn định về dài hạn với Israel và Palestine ».
Về phần mình, bộ Ngoại Giao Ả Rập Xê Út nhấn mạnh sẽ « không bình thường hóa quan hệ với Israel » chừng nào mà một Nhà nước Palestine độc lập, có thủ đô là Đông Jerusalem chưa được xác lập.
Phản ứng tại Israel
Về các phản ứng của báo giới Israel sau thông báo bất ngờ của tổng thống Mỹ, thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem cho biết cụ thể :
« Một đêm mất ngủ » là tiêu đề của một tờ báo Israel sáng nay, kèm theo hình ảnh thủ tướng Benjamin Netanyahu gượng cười, dường như bất ngờ về các diễn biến. Báo chí Israel trích dẫn: « Hamas sẽ không còn quyền lực chính trị, và trên hết, người Palestine không còn lựa chọn nào khác, họ sẽ buộc phải rời khỏi dải Gaza... », và một chủ đề nóng khác, « Iran sẽ không có bom nguyên tử ».
Đối với các nhà bình luận sáng nay, thủ tướng Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh kế hoạch của Donald Trump, nhưng nói thêm rằng đây là « một sáng kiến khác » với lời lẽ có vẻ thận trọng. Nhưng báo chí Israel nhấn mạnh rằng việc di chuyển người dân Gaza không phải là điều gì mới mẻ. Đây chính xác là những gì mà những người theo tư tưởng da trắng thượng đẳng Ben Gvir và Smotrich, hai chính trị gia cực hữu trong chính phủ Netanyahu, đã đề xuất từ nhiều tháng nay.
Đối với cựu đại sứ Israel tại Hoa Kỳ, Michael Oren, cuộc họp đã chứng minh một điều với thế giới, đó là Israel không đơn độc. Một số bài báo lưu ý rằng còn thiếu thông tin rõ ràng về số phận của các con tin Israel (bị Hamas giam giữ).Theo tờ báo đối lập Haaretz, thủ tướng Israel đang bị kẹt giữa áp lực từ Mỹ và nhóm cực hữu trong liên minh cầm quyền, và điều mà ông ta đang cố làm trong hiện tại chỉ đơn giản là câu giờ!
***********
Người Việt tị nạn tại Thái Lan ra sao trước lệnh đình chỉ nhận người tị nạn của Mỹ?
Với sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Donald Trump đình chỉ Chương trình tiếp nhận người tị nạn Hoa Kỳ, hàng ngàn người tị nạn Việt Nam đang chờ tái định cư tại Thái Lan vô cùng hoang mang.
Cao Nguyên
Một gia đình người Việt làm thủ tục đi Mỹ định cư với đại diện Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) hồi tháng 9 năm 2005. (AFP)
Nhạc sỹ Nam Lộc, người được cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) phong làm “Đại sứ Quốc tịch” vào năm 2022, lý giải sắc lệnh này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 1500 người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan đang chờ đợi được định cư ở nước thứ 3.
Theo ông Nam Lộc, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm ngừng tất cả các hoạt động liên quan đến các chương trình tị nạn, trong đó có Welcome Corps. Đây là chương trình đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thành lập vào năm 2023, cho phép các công dân Mỹ hay thường trú nhân có thể bảo trợ riêng tư cho những người tị nạn đến nơi an toàn ở Hoa Kỳ:
“Cũng theo lệnh này thì có nghĩa thì chương trình Welcome Corps đã ngưng ngay tại chỗ, không nhận đơn bảo lãnh và cũng như ngưng cứu xét các hồ sơ đã nộp trước đây cho đến khi có lệnh mới. Đây được xem là ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất đến người tị nạn nói chung và người Việt nói riêng tại Thái Lan.”
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những trường hợp đã được chấp thuận định cư, ngay cả những người đã có vé máy bay và chuẩn bị lên đường cũng bị tạm hoãn.
Sắc lệnh này đã khiến cho người tị nạn Việt Nam ở Thái vô cùng hoang mang, lo lắng về tương lai của mình. Họ đã chờ đợi trong nhiều năm với hy vọng được định cư ở một quốc gia an toàn, nhưng nay họ lại phải đối diện với sự hoàn toàn bất định.
Hy vọng vụt tắt
Nguyễn Thanh Khải, 47 tuổi, cùng gia đình sang Thái Lan tị nạn từ năm 2013 và hiện vẫn đang chờ Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.
Không có giấy tờ hợp pháp khiến gia đình ông Khải luôn sống trong tâm trạng lo âu. Để mưu sinh, gia đình ông phải làm những công việc chân tay như nhặt, rửa rau ở chợ, bán nước mía, và bất cứ công việc nào họ tìm được, dẫu chịu khó như vậy nhưng cuộc sống vẫn luôn bấp bênh. .
Ở Thái Lan, người tị nạn được coi là người cư trú bất hợp pháp, ông Khải từng bị cảnh sát bắt giam 40 ngày tại trung tâm giam giữ người nhập cư (IDC) hồi năm 2018 vì lao động không phép.
“Cuộc sống của tôi ở đây là bất hợp pháp rồi, lúc nào họ (cảnh sát Thái - PV) cũng đòi trục xuất tôi.”
Sau hơn một thập kỷ sống trong cảnh nơp nớp lo sợ, đầu năm 2024, ông Hải nhận được tin gia đình ông đã được một nhóm người ở Mỹ bảo trợ theo chương trình Welcome Corps. Lần đầu tiên sau 12 năm, ông cảm thấy có hy vọng thực sự về một tương lai ổn định cho bản thân và các con.
Thế nhưng, sắc lệnh mới của Tổng thống Trump đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn đã khiến giấc mơ của họ sụp đổ:
“Tôi rất buồn khi chương trình Welcome Corps bị tạm ngưng. Tôi hy vọng, chờ đợi tới ngày nay mà bị ngưng thì tôi thấy buồn cho tương lai của mấy đưa nhỏ.”
Con gái lớn của ông Khải, Thanh Ngân, năm nay 18 tuổi và hiện đang học lớp 11, cho biết chuyện không có giấy tờ cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc học. Trong khi các bạn có giấy tờ hợp pháp thì được tham gia các chương trình trao đổi, như chuyến đi cắm trại tại Trung Quốc do trường tổ chức, nhưng em thì không: “Em không được đi vì không có giấy tờ”.
Từ lâu, Ngân đã mong ước sẽ được vào đại học ngành nha khoa, nhưng cũng vì không có giấy tờ hợp pháp nên con đường vào đại học của em cũng khó khăn hơn các bạn cùng lứa.
Khi hay tin gia đình được bảo trợ sang Mỹ, em đã vô cùng phấn khởi, vì đó là cơ hội để được tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình: “Lúc biết tin gia đình được bảo trợ thì em vui lắm tại vì em muốn được qua Mỹ để đi học.”
Nhưng giờ đây tương lai của Ngân lại trở nên mù mịt khi chương trình Welcome Corps bị đình chỉ, Ngân cảm thấy vừa buồn, vừa lo lắng vì cơ hội được học đại học của mình gần như không còn:
“Lúc biết chương trình Welcome corps tạm ngưng thì em cũng buồn và lo lắng nhiều. Em cũng muốn được học đại học cho hết luôn nhưng mà mình chỉ có giấy tờ của UN thôi cho nên là em học đại học không có được.”
Kiên nhẫn chờ đợi
Chờ đợi và hy vọng về một tương lai ổn định có lẽ là tâm trạng chung của tất cả những người Việt tị nạn trên đất Thái. Một người tị nạn khác là anh Trần Anh Quân tỏ ra bình tĩnh hơn trước sắc lệnh này của Tổng thống Hoa Kỳ.
Anh Quân là một nhà hoạt động chính trị đối lập ở Việt Nam, từng tha gia viết bài cho Việt Nam Thời báo - một tờ báo độc lập bị cấm hoạt động ở Việt Nam. Hồi đầu năm 2023, anh Quân từng bị an ninh bắt lên đồn hai ngày đêm để tra hỏi về những hoạt động của mình. Đến tháng 8/2023, anh đã đến Thái Lan tìm kiếm cơ hội tị nạn.
Theo lời anh, quá trình xét duyệt hồ sơ của anh diễn ra khá nhanh và đã được Sở Di trú Mỹ chấp nhận cho tái định cư vào tháng 10 năm ngoái.
“Mình rất là vui. Bởi vì, nó cũng giống như là một cơ hội để tái sinh của mình. Khi mình ở một đất nước bị thiếu tự do và nhiều người coi đó như là một nhà tù lớn thì khi mình được tới một nơi tự do nhất thế giới thì mình có cảm giác như là được tái sinh một lần nữa vậy.”
Theo thông báo qua email từ phía cơ quan di trú Hoa Kỳ, sớm nhất là trong vòng 4 tháng, anh sẽ hoàn thành các thủ tục như khám sức khoẻ và chích ngừa trước khi được bay sang Mỹ. Ban đầu, anh được lên lịch tiêm ngừa vào tháng 11, nhưng do trùng với thời gian bầu cử nên lịch trình bị hoãn lại. Hai tháng sau, vào ngày 21 tháng 1, anh mới được tiêm ngừa lần đầu tiên.
Theo anh Quân, lần tiêm ngừa tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 2, nhưng anh cũng không chắc chắn liệu kế hoạch này có diễn ra đúng như dự định hay không, hay lại bị hoãn một lần nữa:
“Lần sau sẽ chích vào ngày 18/2 nhưng mà mình cũng không biết là có chắc không nứa, hay là lên rồi người ta lại cho về.”
Dù có lệnh đình chỉ chương trình tiếp nhận người tị nạn, anh Quân cũng không quá lo lắng hay bị ảnh hưởng nhiều:
“Mình tin vào Hiến pháp Mỹ. Mình tin là hệ thống chính trị và luật pháp nó phải được vận hành theo trình tự.
Những người giống như mình là đã được nhận rồi thì vẫn sẽ tiếp tục được nhận. Bây giờ nó chỉ chậm lại trong vòng vài tháng để chính quyền mới họ xử lý những hồ sơ khác, chứ mình đã được Sở di trú nhận rồi và mình hiểu rằng là khi đã được nhận như vậy rồi thì hồ sơ chắc chắn sẽ được đi chứ không có chuyện bị hủy luôn”
Tương lai ra sao?
Ông Nam Lộc chia sẻ rằng, hiện tại, những người tị nạn chỉ có thể chờ đợi, không ai có thể đoán biết được rằng sắc lệnh này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Hôm 4/2, văn phòng Tình nguyện IRC trụ sở Bangkok - đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ tái định cư cho người tị nạn - đã gởi email cho ông Nam Lộc thông báo đình chỉ tất cả các chương trình liên quan hỗ trợ người tị nạn:
“Kể từ ngày hôm nay tất cả các chương trình đều bị tạm ngưng tất cả mọi người tị nạn đã được hẹn đến trung tâm hỗ trợ tái định cư đều bị hủy bỏ, chờ cho đến khi có lệnh mới.
Và ngay cả các viên chức làm việc cho các tổ chức từ thiện ở Bangkok còn không biết chuyện đó sẽ như thế nào. Thành ra rất khó để chúng ta có thể tiên đoán được.”
Để thay đổi tình hình hiện tại, ông Nam Lộc cho rằng vận động các dân biểu Hoa Kỳ là điều cần phải làm. Ông kêu gọi những người quan tâm đến số phận của người tị nạn, trong 90 ngày sắp tới, hãy liên hệ với các dân biểu, bất kể đảng nào, để thông báo về tình trạng nguy hiểm mà người tị nạn Việt Nam đang đối mặt.
Điều này sẽ góp phần khiến giới chức Hoa Kỳ xem xét và thay đổi sắc lệnh hiện tại.
Ông Hoàng Duyên, một luật sư di trú Hoa Kỳ cho biết các điều kiện để được chấp thuận tị nạn tại Hoa Kỳ đã được nêu rất rõ trong Luật di trú của Hoa Kỳ. Do đó, trong thời gian tới, có thể các cơ quan hoặc tổ chức liên quan đến di trú hay bảo vệ người tị nạn sẽ nộp đơn vào toà để thách thức quyết định này của ông Trump. Và khi đó, số phận của người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan phụ thuộc vào chuyện là toà án có phán quyết bác bỏ sắc lệnh đó của ông Trump hay không.
Người Việt tị nạn tại Thái Lan bao gồm những nhà hoạt động chính trị, nhân quyền, bloggers. Ngoài ra còn có những người sắc tộc như H’Mông, Ê Đê… Họ là nhóm người bị đàn áp vì đức tin tôn giáo hoặc bị chiếm đoạt đất đai ở Việt Nam. Tất cả người tị nạn ở Thái Lan đều hy vọng được tái định cư tại một quốc gia an toàn.
Thế nhưng, trong khi chờ đợi được tái định cư, cuộc sống tị nạn tại Thái Lan không hề dễ dàng. Vì Thái Lan không ký Công ước LHQ về người tị nạn, những người Việt Nam dù đã được UNHCR công nhận là người tị nạn vẫn bị xem là cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Mỗi ngày, họ luôn sống trong nỗi lo sợ vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ rồi đưa vào trong các nhà tù IDC. Thế nên, cánh cửa đến Mỹ bất ngờ khép lại khiến tương lại của họ càng thêm bấp bênh **************
Việt Nam tính toán gì khi mua tên lửa chống hạm BrahMos của Ấn Độ?
Dư Lan
Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos của Ấn Độ trong một buổi diễu hành tại Ấn Độ. Nguồn: REUTERS/Kamal Kishore (REUTERS/AFP)
Gần đây, truyền thông Ấn Độ cho biết Việt Nam và Ấn Độ bước vào giai đoạn cuối quá trình đàm phán mua tên lửa chống hạm BrahMos. Thông tin Việt Nam muốn mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ xuất hiện lần đầu từ năm 2012, cách đây 13 năm. Sau đó, thông tin này tiếp tục xuất hiện qua nhiều năm, từ 2013, 2014, 2015, 2016, đến năm 2020, năm 2022, 2023 và mới đây, cuối năm 2024.
Tại sao quá trình Việt Nam đàm phán mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ lại kéo dài suốt 13 năm qua, cho đến nay mới bắt đầu “bước vào giai đoạn cuối”, như truyền thông Ấn Độ đưa tin? Tên lửa BrahMos có gì để Việt Nam đàm phán lâu như vậy?
Tại sao đàm phán quá lâu?
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nagao Satoru, giảng viên về an ninh quốc tế ở Đại học Gakushuin, Tokyo, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên Ấn Độ dự định xuất khẩu tên lửa BrahMos đến. Tuy nhiên, do BrahMos là sản phẩm hợp tác phát triển giữa Ấn Độ và Nga, Nga đã không cho phép Ấn Độ bán tên lửa cho Việt Nam. Tại sao lại như vậy?
“Lý do rất đơn giản: Việt Nam là thị trường vũ khí chính của Nga. Nếu Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam, Ấn Độ hưởng lợi còn Nga thì không. Nga hoàn toàn thoải mái khi Ấn Độ bán BrahMos cho Philippines vì lâu nay Philippines là thị trường vũ khí của Hoa Kỳ. Đó là lý do Philippines nhận được lô tên lửa BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ vào tháng Tư năm 2024 trong khi đến nay Việt Nam vẫn chưa đàm phán xong.” Tiến sĩ Nagao Satoru giải thích.
Việc mua bán tên lửa BrahMos của Ấn Độ từ Việt Nam không chỉ gặp trở ngại từ phía Nga trước đây mà còn do tính toán của phía Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho biết công nghệ tên lửa BrahMos kết hợp 60% công nghệ Ấn Độ và 40% công nghệ Nga. Trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra đầu năm 2022 thì việc đàm phán Việt Nam - Ấn Độ không thuận lợi, do nội bộ Việt Nam đặt vấn đề tại sao không mua trực tiếp một loại tên lửa của Nga mà lại dùng tên lửa “kết hợp hổ lốn” giữa Nga và Ấn Độ. Nhưng sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Nga bị cấm vận và bị kẹt nguồn cung vũ khí, việc mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ trở thành lựa chọn tốt hơn cho Việt Nam.
Theo trang tin Naval News (Tin tức Hải quân) ở Pháp, trong triển lãm quốc phòng cuối năm 2024 vừa qua, Việt Nam đã trưng bày một số loại tên lửa do chính mình tự chế tạo. Đó là dòng tên lửa đất đối hải, Sông Hồng VSM-01A và Trường Sơn VCS-01, tức là tên lửa đặt trên đất liền để tấn công tàu chiến trên biển. Câu hỏi đặt ra là nếu Việt Nam đã có tham vọng tự chế tạo, sản xuất tên lửa thì tại sao lại phải đi mua tên lửa Ấn Độ?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương lý giải:
“Việt Nam đã thực hiện dự án chế tạo tên lửa từ 2014, đến nay đã được mười năm. Đây cũng là điểm khiến Việt Nam băn khoăn: Nếu đã có tên lửa nội địa rồi thì có nên mua của Ấn Độ nữa không, khi mà tên lửa của Ấn là một kiểu kết hợp “năm cha ba mẹ” giữa Nga và Ấn? Đó cũng là điểm khiến cho quá trình đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ bị chậm lại, tiến không được mà lui cũng không xong.”
Theo South China Morning Post, dự án mua tên lửa BrahMos của Việt Nam có bao gồm cả “chuyển giao công nghệ”. Đó là công nghệ gì của loại tên lửa này? Đó là công nghệ động cơ, theo lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được một số công nghệ cốt lõi, đặc biệt là công nghệ động cơ tên lửa.
Năng lực công nghệ yếu kém khiến cho Việt Nam không dễ thực hiện tham vọng tự chế tạo tên lửa. Việt Nam có ý định hợp tác với Nga để làm chủ công nghệ động cơ tên lửa, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, tuy nhiên, ý định này không còn khả thi sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Nhà nghiên cứu về quân sự và an ninh ở Đại học UNSW Canberra giải thích lý do Việt Nam bỗng chuyển sang “thèm khát” tên lửa BrahMos của Ấn Độ:
“Đó là tên lửa siêu thanh, chống tàu chiến. Trong đó, động cơ của BrahMos là công nghệ Việt Nam mãi vẫn chưa làm được. Do Việt Nam không thể tiếp thu trực tiếp công nghệ động cơ tên lửa của Nga, việc tiếp cận tên lửa BrahMos trở thành con đường khả thi nhất trong việc phát triển năng lực công nghệ tên lửa của nước này.”
Tại sao Việt Nam chọn tên lửa BrahMos?
Theo thông tin của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington DC, tên lửa BrahMos là tên lửa bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, khoảng từ 2000 km/h đến 2800 km/h.
Với tầm bắn khoảng 290 km cho phiên bản xuất khẩu, liệu Việt Nam có thể dùng BrahMos vào việc gì? Dễ hiểu. Không nói ra nhưng ai cũng hiểu tên lửa chống hạm BrahMos dùng để răn đe Trung Quốc, người láng giềng phía bắc với tham vọng bành trướng trên Biển Đông.
Trên Biển Đông, Trung Quốc có hai trung tâm hải quân lớn, một đặt tại đảo Hải Nam và một đặt tại quần đảo Trường Sa với “bộ ba” đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn.
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nagao Satoru nhận định rằng những căn cứ nói trên trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam. Các chiến hạm và tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương chủ yếu xuất phát từ Hải Nam. Mặt khác, đối với Hải quân Trung Quốc, đảo Hải Nam là “Hawaii đối với Hải quân Hoa Kỳ.” Nếu Việt Nam sở hữu tên lửa chống hạm đủ sức “răn đe” các chiến hạm Trung Quốc tại căn cứ hải quân ở Hải Nam hoặc khi chúng vừa mới rời khỏi hòn đảo, Trung Quốc sẽ phải “nghĩ lại” nếu nghĩ tới biện pháp động binh. Đó là lý do tên lửa BrahMos rất hữu ích cho Việt Nam.
Theo Stephen W. Miller, cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và là một cây bút bình luận về quân sự, cho biết trên tờ Asian Military Review rằng tên lửa BrahMos có tính năng “bắn rồi quên”, tức là chỉ cần bắn ra, tên lửa sẽ tự tìm mục tiêu, tương tự tên lửa chống xe tăng Javenlin. Vậy phải chăng Việt Nam muốn sở hữu tên lửa BrahMos để răn đe lực lượng hải quân Trung Quốc?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia, cho biết để khóa đảo Hải Nam thì Việt Nam đã sử dụng tên lửa Scud và tàu ngầm Kilo có tên lửa đối đất. Tên lửa BrahMos chống chiến hạm sẽ được sử dụng phối hợp với Scud và tên lửa từ tàu ngầm Kilo. Ngoài ra, BrahMos cùng với tên lửa từ tàu ngầm Kilo và Scud từ đất liền sẽ phối hợp với không quân (máy bay Sukhoi cũng mua của Nga) tạo thành một thế trận liên hoàn nhiều lớp để tăng cường sức răn đe.
Bên cạnh đó, khả năng phối hợp với các vũ khí khác của BrahMos rất mạnh vì nó có nhiều phiên bản, có phiên bản chống chiến hạm trên biển và phiên bản tấn công căn cứ cố định. Nó có nhiều bệ phóng khác nhau, tương ứng với các phiên bản khác nhau: bệ phóng trên chiến xa, trên tàu chiến và trên máy bay chiến đấu. Ngoài ra,tên lửa BrahMos là tên lửa BrahMos là vũ khí hiệu quả về mặt chính trị và tiết kiệm chi phí đối với các quốc gia nhỏ. Tàu hải quân đắt tiền, nhưng tên lửa thì không. Tầm bắn của tên lửa BrahMos gửi một thông điệp rõ ràng đến kẻ thù tiềm năng: “chỗ chúng tôi là vùng nguy hiểm”, theo lý giải của TS. Nagao Satoru.
Tên lửa tấn công BrahMos có phải là giải pháp bảo vệ hòa bình?
Không chỉ Việt Nam mà năm ngoái, tháng Tư năm 2024, Philippines đã nhận lô tên lửa BrahMos đầu tiên từ Ấn Độ. Indonesia cũng sắp hoàn tất đàm phán thương vụ tên lửa chống hạm BrahMos. Tại sao không chỉ Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á khác như Philippines và Indonesia cũng “chọn mặt” Ấn Độ để “gửi vàng” tên lửa chống hạm?
Trước sức bành trướng của Trung Quốc, các nước láng giềng xung quanh người khổng lồ này đã tự họ đi những nước cờ riêng, không phối hợp với nhau. Tuy nhiên, các nước cờ riêng lẻ này vô hình chung đã tạo thành một thế trận vô hình, khiến cho Trung Quốc phải chia nhỏ lực lượng trên mỗi hướng tấn công giả định của họ. Các chuyển động quân sự của Việt Nam nên được nhìn trong bức tranh chung này. Đó là nhận định của TS Nagao Satoru.
Theo TS Nagao, cả Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc đang đồng thời cải thiện khả năng tấn công của mình, dù họ thực hiện một cách đơn lẻ và không phối hợp cùng nhau. Điều đó khiến cho Trung Quốc phải chia nguồn lực để để ứng phó với nhiều phía một lúc. Ngay cả khi có ý định tấn công một hướng, họ vẫn không thể huy động tổng lực mà vẫn phải để dành lực lượng phòng thủ các hướng khác. Do đó, tăng cường khả năng tấn công, thay vì chỉ xây dựng năng lực phòng thủ, là chìa khóa để duy trì hòa bình của các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Trong các thảo luận về an ninh quốc gia, có một khái niệm là “no man’s land” (“vùng đất không bên nào độc quyền kiểm soát”). Gần đây, các nhà quan sát thảo luận một khái niệm tương tự đối với an ninh hàng hải là “no man’s sea” (“vùng biển không có bên nào độc quyền, chiếm ưu thế tuyệt đối”). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, hiện nay, các nước liên quan đến Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, đều phát triển năng lực tấn công tầm xa trên biển. Điều này đã làm cho Biển Đông trở thành một “no man’s sea”, tức là vùng biển không bên nào có duy trì sự hiện diện tuyệt đối một khi chiến tranh nổ ra. Đó là tình huống giúp cho các bên, đặc biệt là Trung Quốc, phải tính đến cái giá phải trả và không muốn sử dụng “chiến tranh nóng” để giải quyết tranh chấp mà chuyển sang đấu trí bằng các biện pháp “vùng xám”, nửa quân sự nửa dân sự.
Trước việc các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Philippines và thậm chí cả Thái Lan, một nước ngăn cách Biển Đông bởi Vịnh Thái Lan, đã mua hoặc đang xúc tiến mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ, các chuyên gia về an ninh của Trung Quốc đã gọi Ấn Độ là bên “gây ra bất ổn cho an ninh quốc tế.” Tại sao các nước Đông Nam Á này, bao gồm cả Việt Nam, lại chọn Ấn Độ thay vì Hoa Kỳ và các cường quốc khác? Ở phần tiếp theo, RFA thảo luận với các chuyên gia về câu hỏi này.
************
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục năm 2024
Nhân viên làm việc tại một nhà máy giày xuất khẩu tại Hà Nội, Việt Nam.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm 2024, dữ liệu của Hoa Kỳ công bố vào thứ Tư (5/2) cho thấy, có khả năng làm phức tạp thêm nỗ lực của Hà Nội nhằm ngăn chặn thuế quan thương mại từ tân chính quyền Trump.
Dữ liệu cho thấy quốc gia Đông Nam Á này chỉ đứng sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico về quy mô mất cân bằng thương mại với Washington, nhưng các nhà phân tích cho biết cam kết của Hà Nội về việc nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ cũng như các biện pháp bù đắp khác có thể giúp nước này tránh được các biện pháp trừng phạt.
Thuế quan toàn diện của Hoa Kỳ đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã có hiệu lực vào thứ Ba, khiến Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức, trong khi ông Trump cũng đe dọa EU bằng các khoản thuế mới. Mexico và Canada hôm thứ Ba đã được hoãn áp dụng khoản thuế 25% mới sau khi họ hứa sẽ tăng cường bảo vệ biên giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về Việt Nam kể từ khi tái đắc cử, nhưng “ông ấy vẫn bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại”, khiến quốc gia này có khả năng trở thành mục tiêu áp thuế, Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich Foundation, có trụ sở tại châu Á, cho biết.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng hàng năm gần 20% vào năm 2024 lên mức kỷ lục vượt quá 123 tỷ đô la, theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ.
Trong cùng kỳ, khoảng cách với Trung Quốc tăng chưa đến 6% lên 295,4 tỷ đô la, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào năm 2018. Thặng dư với EU tăng gần 13% lên mức cao 235,5 tỷ đô la và thâm hụt với Mexico tăng 12,5% lên gần 172 tỷ đô la, cũng là mức kỷ lục mọi thời đại.
Việt Nam và Mexico đều là những nước hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gần đây, khi các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tránh thuế quan áp dụng đối với Bắc Kinh từ năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
RỦI RO VỀ CHIP
Bất chấp thâm hụt thương mại ngày càng tăng, Việt Nam đang ở một vị thế khác so với các nước xuất khẩu hàng đầu khác, vì Việt Nam không gây ra mối đe dọa an ninh rõ ràng đối với Hoa Kỳ, bà Sayaka Shiba, một nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu BMI, nhận định.
Chính quyền Trump đã chuẩn bị thuế quan đối với Mexico và Trung Quốc theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), viện dẫn các rủi ro từ nhập cư và ma túy, bà Shiba nói, đồng thời lưu ý rằng “sẽ khó hơn để lập luận một cách thuyết phục rằng Việt Nam là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Bà Shiba cho rằng Việt Nam vẫn có thể phải đối mặt với thuế quan liên quan đến thương mại, đồng thời nói thêm rằng các biện pháp như vậy sẽ cần được duy trì thông qua các cuộc điều tra, điều này sẽ giúp Việt Nam có thời gian tìm ra cách để tránh chúng.
Theo bà Shiba, thuế quan theo ngành có thể mang lại rủi ro cao hơn cho Việt Nam, đặc biệt là đối với việc nhập khẩu chất bán dẫn, lưu ý rằng Việt Nam là nước xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu sang Hoa Kỳ.
Các quan chức Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Washington về thương mại. Trước đó vào thứ Tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ thị cho các quan chức chuẩn bị cho tác động của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra mà không đề cập đến viễn cảnh áp thuế đối với Việt Nam, theo một bài đăng trên cổng thông tin chính phủ.
Trong số các biện pháp có thể có là thúc đẩy nhập khẩu khí đốt LNG từ Hoa Kỳ và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, chẳng hạn như đậu nành, bông và thịt, bà Shiba cho biết, lưu ý rằng xuất khẩu khó cắt giảm vì chúng chủ yếu đến từ các công ty đa quốc gia lớn hoạt động tại Việt Nam, chẳng hạn như Samsung Electronics và Intel.
“Hứa mua hàng là chiến lược tốt nhất cho Việt Nam, ngay cả khi không phải lúc nào cũng có thể đạt được kết quả hữu hình trong ngắn hạn”, bà Elms nói thêm.
**************
Bưu điện Hoa Kỳ đảo ngược chính sách đối với các gói hàng từ Hong Kong-Trung Quốc
Bưu điện Hoa Kỳ USPS đang đảo ngược chính sách chỉ một ngày sau khi áp dụng lệnh cấm đối với tất cả các gói hàng đến từ Trung Quốc và Hong Kong.
Bưu điện đã thông báo vào thứ Ba 4/2 rằng họ sẽ không còn chấp nhận bưu kiện từ Trung Quốc và Hong Kong sau khi Hoa Kỳ áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc và chấm dứt ngoại lệ hải quan cho phép các bưu kiện có giá trị nhỏ vào Hoa Kỳ mà không phải trả thuế.
Bưu điện đã đảo ngược quyết định này vào thứ Tư 5/2 nhưng không đưa ra lý do. Họ cho biết sẽ làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới để triển khai quy trình thu thập thuế quan mới của Trung Quốc để tránh gián đoạn giao hàng.
Bưu điện đã chỉ ra tuyên bố ngắn gọn được chuẩn bị về việc đảo ngược khi được The Associated Press yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc đảo ngược quyết định vào thứ Tư 5/2.
Lệnh cấm có khả năng gây ra sự gián đoạn lớn cho các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shein và Temu, được những người mua sắm trẻ tuổi ở Hoa Kỳ ưa chuộng vì quần áo giá rẻ và các sản phẩm khác, thường được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc.
Dịch vụ bưu chính trực tiếp giá rẻ giúp các công ty này duy trì chi phí ở mức thấp, cũng như miễn trừ “de minimis” trước đây cho phép các lô hàng được miễn thuế nếu giá trị của chúng dưới 800 đô la.
Việc USPS đình chỉ có thể gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển và có khả năng làm tăng giá đối với các công ty dựa vào mức giá cực thấp để bán được nhiều hàng.
USPS đã thông báo chính xác điều gì?
Một ngày sau khi Bưu điện Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo rằng họ sẽ ngừng chấp nhận các bưu kiện đến từ Bưu điện Trung Quốc và Hong Kong cho đến khi có thông báo mới, họ đã tuyên bố vào thứ Tư 5/2 rằng họ sẽ “tiếp tục chấp nhận tất cả các thư và bưu kiện quốc tế đến từ Trung Quốc và Hong Kong”.
Thư và bưu kiện phẳng — thư có chiều dài lên đến 38 cm hoặc dày 1,9 cm — không nằm trong lệnh cấm ngắn hạn này.
Tại sao điều đó xảy ra?
USPS không đưa ra lý do cho lệnh cấm vào thứ Ba 4/2, nhưng lệnh đình chỉ được đưa ra sau khi ông Trump đóng cửa miễn trừ hải quan “de minimis” trong tuần này đối với Trung Quốc, cho phép người mua sắm và nhà nhập khẩu tránh được thuế đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 đô la.
Miễn trừ này đã bị xóa bỏ như một phần của sắc lệnh đánh thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ trước đây đã tuyên bố rằng họ xử lý trung bình hơn bốn triệu đơn hàng nhập khẩu “de minimis” mỗi tuần.
Họ cũng không đưa ra lý do cho quyết định của mình vào thứ Tư 5/2 và không trả lời ngay các yêu cầu bình luận từ The Associated Press.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Theo mức thuế quan mới do ông Trump áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết người tiêu dùng có khả năng sẽ thấy giá tăng và có khả năng chậm trễ trong các lô hàng từ các công ty như Shein và Temu.
Theo phúc trình được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội công bố vào tuần trước, kim ngạch xuất khẩu các gói hàng giá trị thấp của Trung Quốc đã tăng vọt lên 66 tỷ đô la vào năm 2023, tăng từ 5,3 tỷ đô la vào năm 2018. Tại Hoa Kỳ, Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings của Trung Quốc, và Shein chiếm khoảng 17% thị trường giảm giá cho thời trang nhanh, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng khác, phúc trình cho biết. AliExpress của Alibaba cũng thường sử dụng lỗ hổng thương mại này.
Shein và Temu đã không bình luận ngay về những thay đổi chính sách của USPS. Trên trang web của mình, Temu cho biết họ cũng hợp tác với các công ty vận chuyển tư nhân như FedEx và UPS. Shein lưu ý rằng khách hàng có thể trả lại gói hàng của mình thông qua USPS và FedEx.
Nhìn chung, Hoa Kỳ đã nhập khẩu khoảng 427 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2023, năm gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ, theo Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ. Đồ điện tử tiêu dùng, bao gồm điện thoại di động, máy tính và các phụ kiện công nghệ khác, tạo nên các danh mục nhập khẩu lớn nhất.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.