Hải Quân Anh theo dõi tàu dọ thám của Nga lai vãng ở biển Manche
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh John Healey ngày 22/01/2025 thông báo Luân Đôn đã phát hiện một « tàu do thám của Nga » trong vùng biển Manche. Tàu quân sự Yantar của Nga lai vãng trong vùng biển của Anh Quốc, nơi có hệ thống cáp quang viễn thông dầy đặc. Hải Quân Hoàng Gia Anh - Royal Navy được huy động để theo dõi các hoạt động của tàu Nga.
Đăng ngày:
2 phút
Bộ trưởng Quốc Phòng Anh John Healey gặp gỡ các quân nhân tại căn cứ quân sự Tapa, Estonia, ngày 19/12/2024.AP - Stefan Rousseau
Hôm Thứ Hai, 20/01/2025, Hải Quân Hoàng Gia Anh đã phát hiện tàu quân sự Yantar của Nga trong vùng biển Manche. Theo lời ông Healey, con tàu này có nhiệm vụ « thu thập thông tin tình báo, chụp ảnh định vị các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Anh Quốc dưới lòng biển ». Ông khẳng định hôm đó « tàu dọ thám của Nga này đã thâm nhập hải phận Anh Quốc ». Luân Đôn huy động hai tàu chiến HMS Somerset và HMS Tyne để theo dõi các hoạt động của tàu Nga. Phát biểu trước Nghị Viện Anh chiều qua, bộ trưởng Healey tuyên bố Luân Đôn biết rõ những ý đồ của Matxcơva và « sẽ không ngần ngại ban hành các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia ».
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, tháng 11/2024, một chiếc tàu ngầm của Hải Quân Hoàng Gia Anh đã trồi lên mặt nước để cảnh cáo Yantar khi con tàu này hoạt động ở biển Manche và đã chính thức cho biết các hành vi của tàu Nga đều bị theo dõi. Lập tức Yantar đã rời khỏi biển Manche, trực chỉ Địa Trung Hải. Hải Quân Pháp và Tây Ban Nha đã phối hợp nhịp nhàng « áp tải » Yantar khi con tàu này hoạt động gần các vùng biển của Pháp và Tây Ban Nha.
Sự hiện diện của tàu quân sự Nga trong vùng biển của Anh Quốc diễn ra sau nhiều vụ cáp quang dưới lòng biển Baltic bị phá hoại hồi cuối năm 2024. Vẫn theo AFP, một số quan chức của Liên Âu và NATO xem dây là một « sự cố », nhưng Luân Đôn nói đến những hành vi phá hoại do Nga giật dây trong khuôn khổ một « cuộc chiến lưỡng hợp » nhắm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã thông báo kế hoạch triển khai tàu thuyền, máy bay và drone biển đến vùng biển Baltic. Là thành viên NATO, Anh Quốc tham gia chiến dịch tăng cường bảo vệ các cơ sở hạ tầng của khối này ở biển Baltic, huy động máy bay P-8A Poseidon và máy báy do thám Rivet Joint trong khuôn khổ chiến dịch "Baltic Sentry".
************
Ông Trump dọa đánh thuế Nga và các nước nếu không đạt thỏa thuận về Ukraine
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 22/1 tuyên bố sẽ bổ sung thêm thuế quan vào lời đe dọa chế tài đối với Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và nói thêm rằng những biện pháp này cũng có thể được áp dụng cho “các quốc gia khác có tham gia”.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump bổ sung phát biểu mà ông đưa ra hôm 21/1 rằng ông có khả năng sẽ áp đặt các chế tài đối với Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin từ chối đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần ba năm.
“Nếu chúng ta không sớm đạt được ‘thỏa thuận’, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp Thuế, Thuế quan và các Chế tài cao đối với bất kỳ thứ gì mà Nga bán cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tham gia khác”, ông Trump nói.
Bài đăng của ông Trump không nêu rõ các quốc gia mà ông coi là bên tham gia vào cuộc xung đột hoặc cách ông định nghĩa về sự tham gia đó.
Chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các chế tài nặng nề đối với hàng nghìn thực thể trong lĩnh vực ngân hàng, quốc phòng, sản xuất, năng lượng, công nghệ và các lĩnh vực khác của Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Moscow vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và biến các thành phố thành đống đổ nát.
Phó Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Dmitry Polyanskiy cho biết Moscow sẽ phải xem ông Trump nghĩ gì về một “thỏa thuận” chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
“Không chỉ đơn thuần là vấn đề chấm dứt chiến tranh”, ông Polyanskiy nói với Reuters. “Trước hết và quan trọng nhất là vấn đề giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Trước thềm chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11, ông Trump đã tuyên bố hàng chục lần rằng ông sẽ có một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, nếu không muốn nói là trước đó. Nhưng các phụ tá của ông Trump đã thừa nhận rằng một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh có thể mất nhiều tháng hoặc lâu hơn.
Đầu tháng này, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp dụng các chế tài mạnh nhất từ trước đến nay đối với doanh thu năng lượng của Nga, nhắm vào các nhà sản xuất dầu khí Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu thuộc cái gọi là đội tàu trong bóng tối chở dầu nhằm trốn tránh các lệnh hạn chế thương mại khác của phương Tây.
Các mối đe dọa về chế tài và thuế quan
Ông Trump đã tìm cách sử dụng mối đe dọa về thuế quan để đạt được các mục tiêu phi thương mại, bao gồm đe dọa Mexico, Canada và Trung Quốc bằng các mức thuế để thúc đẩy họ ngăn chặn tình trạng di dân bất hợp pháp và dòng chảy của fentanyl gây chết người vào Hoa Kỳ.
Ba quốc gia này là những đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ. Nhưng Nga lại ở rất xa trong danh sách, với lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Nga giảm xuống chỉ còn 2,9 tỷ đô la trong 11 tháng đầu năm 2024 từ mức 29,6 tỷ đô la vào năm 2021.
Hoa Kỳ đã ngừng nhập khẩu dầu của Nga sau cuộc xâm lược của nước này, nhưng vẫn nhập khẩu một số kim loại quý, bao gồm palladium được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác ô tô.
Đối với những bên tham gia khác, chính quyền Biden đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các thực thể ở Trung Quốc, Triều Tiên và Iran vì đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga.
Ông Trump cho biết ông “sẽ dành cho Nga, nền kinh tế đang suy yếu, và Tổng thống Putin, một ĐẶC ÂN rất lớn. Hãy giải quyết ngay bây giờ và DỪNG Cuộc chiến vô lý này lại!”
Lập trường đàm phán của hai bên tham chiến vẫn còn cách xa nhau, và một số người Ukraine lo ngại rằng họ có thể buộc phải đưa ra những nhượng bộ lớn sau ba năm giao tranh tàn khốc.
Cuộc xung đột đã phát triển thành một cuộc chiến tranh tiêu hao chủ yếu diễn ra dọc theo các tuyến đầu ở miền đông Ukraine, với số lượng thương vong khổng lồ ở cả hai bên.
*********
Ông Rubio nói trong điện đàm: Mỹ cam kết với Philippines, TQ hành động thật 'nguy hiểm'
Ngoại trưởng Mỹ Rubio trong một hoạt động ở thủ đô Washington, 21/1/2025 (REUTERS/Elizabeth Frantz).
Tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio thảo luận về "các hành động nguy hiểm và gây bất ổn của Trung Quốc ở Biển Đông" với người đồng cấp Philippines hôm thứ Tư 22/1 và nhấn mạnh với Manila về cam kết quốc phòng "vững như bàn thạch" của Washington.
"Ngoại trưởng Rubio đã nêu ý kiến rằng hành vi (của Trung Quốc) làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực và không phù hợp với luật pháp quốc tế", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố về cuộc điện đàm của ông với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo.
Philippines đã vướng vào các cuộc tranh chấp trên biển với Trung Quốc trong 2 năm qua và hai nước thường xuyên đối đầu quanh các thực thể trong vòng tranh chấp ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Cuộc điện đàm của ông Rubio diễn ra sau khi ông tiếp đón các đối tác từ Úc, Ấn Độ và Nhật Bản tại diễn đàn "Bộ Tứ" tập trung vào Trung Quốc vào ngày 21/1, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. 4 nước này đã tái cam kết hợp tác với nhau.
Các thành viên Bộ Tứ và Philippines đều có mối quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các nhà phân tích cho rằng chương trình của cuộc họp hôm 21/1 được xây dựng để phát tín hiệu rằng chính sách về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn được tiếp nối và chống Bắc Kinh sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông Trump.
Trong cuộc điện đàm với ông Manalo, ông Rubio "nhấn mạnh các cam kết sắt đá của Hoa Kỳ đối với Philippines" theo Hiệp ước phòng thủ chung của hai nước và thảo luận về các cách thức thúc đẩy hợp tác an ninh, mở rộng quan hệ kinh tế và tăng cường hợp tác khu vực, tuyên bố cho biết.
Ngay trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump, Philippines và Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc diễn tập hàng hải chung thứ năm ở Biển Đông kể từ khi triển khai các hoạt động chung vào năm 2023.
Các hoạt động an ninh giữa hai nước đồng minh đã tăng vọt dưới thời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., người đã xoay trục về gần hơn với Washington và cho phép mở rộng các căn cứ quân sự mà lực lượng Hoa Kỳ có thể tiếp cận, bao gồm các cơ sở hướng về phía đảo Đài Loan có chế độ dân chủ và bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Khi đến thăm Philippines hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya nói rằng sáng kiến 3 bên nhằm thúc đẩy hợp tác do Nhật Bản, Hoa Kỳ và Philippines khởi xướng tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái sẽ được tăng cường khi chính quyền mới của Hoa Kỳ tiếp quản quyền lực ở Washington.
***********
Chiến tranh Ukraina : Hơn 200 dân thường ở lại Chasiv Yar bất chấp oanh kích dữ dội của Nga
Mặc dù liên tục hứng chịu những cuộc tấn công dữ dội của Nga, một phát ngôn viên của quân đội Ukraina, hôm qua 21/01/2025, cho biết hơn 200 dân thường, chủ yếu là những người dễ bị tổn thương như người già và người khuyết tật, vẫn muốn ở lại Chasiv Yar, một thị trấn chiến lược ở miền đông, thuộc tỉnh Donetsk.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Một đơn vị pháo tự hành 122mm của Ukraina gần thị trấn Chasiv Yar, tỉnh Donetsk, Ukraina, ngày 12/12/2024.AP - Oleg Petrasiuk
Thị trấn này, trước khi bị xâm lược, có khoảng 12.000 dân, hiện gần như bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền Ukraina không thể bố trí nơi trú ẩn hay phân phát thực phẩm do giao tranh ác liệt. Cuộc sống của người dân hiện rất bấp bênh, mặc dù thời tiết không quá lạnh, cho phép họ tiếp tục cầm cự.
Tại nhiều khu vực khác ở vùng Donetsk, nhiều người buộc phải bỏ nhà ra đi và đang chật vật tìm kiếm những nơi trú ẩn lâu dài, theo phóng sự của đặc phái viên Julien Chavanne, Boris Vichith và Hlib Yehorov :
« Pomer », tức là « đã chết » trong tiếng Ukraina. Lần này, họ đã đến quá muộn. Cụ già mà đội tình nguyện Est SOS định cứu đã qua đời. Vladislav Arsenii là tình nguyện viên của tổ chức này. Anh nói : « Mới đây thôi, ông ấy còn đi lại được. Nhưng vài ngày trước, tình trạng của ông ấy xấu đi, không thể đứng dậy và yếu hơn rất nhiều. »
Tại làng Komar, chỉ cách tiền tuyến 12 km, hầu hết dân làng đã rời đi.
Mỗi tuần, đội tình nguyện sơ tán từ 20 đến 30 người, chủ yếu là người già và những người sống một mình. Mỗi lần đến những làng này, họ kiểm tra xem có ai cần nhận sự trợ giúp hay không. Họ gặp Lyudmila Bukeyeva, không muốn rời đi. Bà nói : « Hiện tại, tôi muốn ở lại. Tôi là bác sĩ và không thể rời đi, bỏ lại hàng xóm. »
Điểm đến tiếp theo là Piddubne. Đội cứu hộ của Vladislav đến đón một cụ ông khác. Người thân của ông là cô Andre, đã yêu cầu cho ông được sơ tán. Cô ấy cũng chuẩn bị rời đi : « Đúng, tất nhiên là chúng tôi sẽ rời đi. Chúng tôi đang tìm một nơi để đến, nhưng không tìm thấy gì. Không có gì để mua hoặc thuê. Cách duy nhất là đi về miền tây của Ukraina. »
Cụ ông sẽ được đưa đến Dnipro trước tiên, nhưng không biết sau đó sẽ đi đâu. Có lẽ ông đã bỏ lại vĩnh viễn ngôi nhà của mình, với hành lý chỉ có cây gậy chống và hai túi nilon.
************
Con đường tìm giải pháp kết thúc chiến tranh Nga – Ukraina : « Hai bên sẽ vừa đánh, vừa đàm »
Việc ông Donald Trump trở lại cầm quyền ở Nhà Trắng đầu năm 2025 để ngỏ khả năng chấm dứt chiến tranh Nga – Ukraina. Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ cam kết sẽ nhanh chóng đưa Matxcơva và Kiev vào bàn đàm phán.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
10 phút
Tu viện St. Iveron bị hư hại nặng nề do các giao tranh giữa quân đội Ukraina và Nga để kiểm soát sân bay địa phương, sau lễ Giáng sinh Chính thống giáo, tại Donetsk, Ukraine, mà Nga chiếm giữ. Ảnh chụp ngày 07/01/2025.REUTERS - Alexander Ermochenko
Chính quyền Nga và Ukraina có quan điểm ra sao về triển vọng ngừng bắn và hoặc về một nền « hòa bình lâu bền » ? Đâu là các điều kiện cho phép đúc kết một thỏa thuận hòa bình ? RFI giới thiệu bài trả lời của chuyên gia về Nga và khu vực Liên Xô cũ Arnaud Dubien, giám đốc Đài Quan sát Pháp – Nga ở Matxcơva, thành viên phối hợp của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp IRIS.
Bài phỏng vấn của RTBF, đài truyền thanh và truyền hình công của cộng đồng Pháp ngữ ở Bỉ được thực hiện ít ngày trước khi Donald Trump nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump cho biết có kế hoạch thảo luận với tổng thống Nga Vladimir Putin về các nỗ lực để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina. Liệu sẽ có một lệnh ngừng bắn sau ngày 20/01, ngày Donald Trump nhậm chức hay không?
Điều Nga muốn không phải là một lệnh ngừng bắn đơn giản mà là một thỏa thuận chính trị toàn diện. Điều này đã được một số quan chức Nga nhắc lại trong những tuần gần đây – đáng chú ý nhất là quan điểm của ngoại trưởng Sergei Lavrov. Nga có ý định giải quyết vấn đề Ukraina và những nguyên nhân đã dẫn đến chiến tranh theo quan điểm của họ. Theo họ, điều này đòi hỏi một thỏa thuận chung về an ninh châu Âu, bảo đảm quy chế trung lập của Ukraina. Đây chính là tinh thần của dự thảo thỏa thuận Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (thỏa thuận hòa bình được đàm phán giữa Kiev và Moscow tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu chiến tranh) và các đề xuất mà phía Nga đã đưa ra vào tháng 11/2021 (tức trước khi chiến tranh nổ ra), đã bị chính quyền Mỹ bác bỏ.
Như vậy, phải chăng có hai lập trường hoàn toàn khác biệt về đàm phán : Lập trường của Ukraina muốn ngừng bắn và đặc biệt là được bảo đảm về an ninh, trong khi chờ đợi điều kiện hòa bình sau đó, sẽ cho phép họ lấy lại lãnh thổ, và bên kia là lập trường của Nga muốn hòa bình theo các điều kiện của họ?
Hoàn toàn đúng là như vậy. Cho đến gần đây, người Ukraina vẫn muốn tiếp tục chiến tranh cho đến khi giành chiến thắng. Nhưng viễn cảnh chiến thắng đang ngày càng xa vời và không ai thực sự tin vào điều đó nữa, ngay cả ở Kiev. Kể từ giờ họ tỏ ra hài lòng với việc ngừng bắn, hoặc thậm chí là một đàm phán bao gồm việc ngầm nhượng bộ lãnh thổ, để đổi lấy việc gia nhập khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Vấn đề là ông Trump rõ ràng không muốn Ukraina gia nhập NATO. Tổng thống Mỹ thậm chí không muốn nghe nói về chuyện đó. Tất nhiên, vẫn chưa rõ lập trường của chính quyền mới của Mỹ sẽ như thế nào. Chúng ta thấy rằng chuyến thăm của đặc phái viên Donald Trump, tướng Kellogg, đã bị hoãn lại cho đến sau ngày 20/1. Nhưng những tuyên bố gần đây của tổng thống đắc cử có vẻ không mấy khả quan đối với Kiev.
Donald Trump hiện đang nói về thời hạn 6 tháng để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina, chứ không còn nói đến « 24 giờ », như đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Vâng, đúng là như vậy. Có vẻ như ông ấy đã chuyển từ logic ngừng bắn sang logic tìm giải pháp chính trị, tất nhiên điều này sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ở điểm này, tất cả đều đồng ý, bao gồm cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đang nói về viễn cảnh vài tháng. Thời điểm thực tế cho việc kết thúc chiến tranh là vào mùa hè hoặc mùa thu năm 2025, cũng có thể là mùa đông năm sau, nhưng không phải mùa xuân năm nay. Và sẽ không có việc Nga ngừng các hoạt động quân sự trong thời gian này, ít nhất là theo ý tôi. Các đàm phán sẽ diễn ra với các áp lực quân sự, đặc biệt là khi quân đội Nga đang tụt hậu so với các mục tiêu chính trị mà Putin đề ra.
Putin có các mục tiêu gì?
Theo tôi, một trong những nỗi lo sợ của Nga là chiến sự ở các khu vực tiền tuyến hiện tại sẽ bị đóng băng. Xét theo tình hình hiện tại, đây chắc chắn không phải là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược của Nga, thậm chí không phải là chiến thắng. Tôi nghĩ giới lãnh đạo Nga tin rằng họ vẫn cần có thêm vài tháng, thậm chí là một năm nữa, để tạo ra được tương quan lực lượng có lợi cho họ.
Điện Kremlin, giống như tất cả mọi người, hình dung là xã hội Ukraina đang « xem xét », rằng dư luận Ukraina đang thay đổi... trên mặt trận, cho dù không có sự sụp đổ, nhưng những vết nứt đang ngày càng lan rộng. Hãy đặt mình vào vị trí của Putin ! Có thể hình dung là chắc chắn ông ta đã không chấp nhận nhiều rủi ro đến như vậy, khi phát động một cuộc chiến tốn kém này, chỉ để dừng lại vào lúc này, khi mà ông ta có thể đạt được những thành tích quân sự và chính trị có lợi hơn cho mình trong vài tháng nữa.
Tổng thống Nga có một kế hoạch hòa bình cụ thể không ?
Putin thực sự đã không đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Người ta tin rằng Putin đang chờ đợi một cuộc gọi từ Donald Trump, ngay sau khi tổng thống Mỹ nhậm chức, để hai người có thể gặp nhau. Sau đó sẽ là vấn đề vai trò của Liên Hiệp Châu Âu. Nếu Matxcơva và Washington đạt thỏa thuận, Liên Âu có đi theo không? Hãy tưởng tượng một thỏa thuận Nga-Mỹ mà không có người Ukraina, liệu Liên Âu có đồng ý không? Liệu châu Âu có phản đối không ?
Chúng ta có thể thấy có sự chia rẽ ở đây trong nội bộ Liên Âu. Các thế lực ủng hộ Trump trong Liên Hiệp Châu Âu hiện đã có mặt ở nhiều nơi ngoài Hungary. Ví dụ, thủ tướng Ý Meloni sẽ làm gì? Ý là một quốc gia quan trọng trong Liên Âu vì là thành viên sáng lập.
Ukraina sẽ làm gì? Chúng tôi thấy rằng xã hội Ukraina ngày càng mong muốn hòa bình. Rõ ràng là không phải có được hòa bình bằng bất cứ giá nào, nhưng xu hướng này đã có. Chúng ta cũng đang chứng kiến sự mệt mỏi về cuộc chiến này trên thực địa, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Chúng ta cũng thấy rằng các nước lớn ở châu Âu đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Trong hoàn cảnh này, liệu Liên Hiệp Châu Âu có thể tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự nếu Hoa Kỳ rút lui không?
Tôi không biết, nhưng có vẻ như không khả quan lắm sau vài tháng nữa. Vì vậy, chúng tôi đang chờ đợi. Tình hình như thế này có lẽ sẽ còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Rõ ràng là chúng ta sẽ phải theo dõi rất chặt chẽ những gì đang diễn ra trên thực tế, vì mọi thứ có thể thay đổi, có thể diễn ra nhanh hơn hoặc không. Chính điều này sẽ quyết định bối cảnh bắt đầu « giai đoạn ngoại giao », khi các điều kiện cho phép.
Phải chăng mục tiêu của Nga là kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh của Ukraina, Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporijjia và bán đảo Crimée?
Mục tiêu tối thiểu của Điện Kremlin là kiểm soát 100% vùng Donbass. Còn với hai tỉnh Zaporijjia và Kherson thì không rõ ràng lắm, vì để chiếm được toàn bộ hai tỉnh này, quân đội Nga phải vượt được sông Dniepre. Mặt khác, vấn đề bán đảo Crimée, bị Nga sáp nhập vào năm 2014 sau sự kiện Maidan (mà không có đổ máu), không còn được nêu ra nữa. Tuy nhiên, với tôi, có vẻ như đối với điện Kremlin, lãnh thổ không phải là mục đích tự thân. Không ai ở Matxcơva không muốn sáp nhập lãnh thổ, nhưng điều quan trọng nhất là không để Ukraina tham gia vào hệ thống an ninh của phương Tây.
Trước khi đàm phán, việc đưa ra nhiều đòi hỏi là điều bình thường. Hiện tại, tình thế của quân đội Nga trên thực địa không cho phép điện Kremlin tuyên bố rằng mọi yêu cầu của họ đã được đáp ứng. Nhưng mọi thứ có thể thay đổi trong những tháng tới. Điều quan trọng là chặng cuối cùng. Hãy nhớ rằng trong Thế chiến thứ Nhất cho đến giữa tháng 7/1918, quân đội Đức vẫn là bên đang ở thế công.
Động lực khiến Nga tiếp tục chiến tranh là do Ukraina hướng về phương Tây, hay do hoài niệm về đế chế Liên Xô?
Có thể là cả hai. Trong mọi trường hợp, động lực rõ ràng nhất thúc đẩy sự can thiệp quân sự của Nga chính là giả thuyết (mà một số người cho là xa vời và ảo tưởng) về sự dịch chuyển về phe phương Tây mang tính chiến lược của Ukraina. Các vấn đề bắt đầu vào năm 2013-2014, khi Ukraina rời khỏi vị thế « trung gian » chiến lược. Ta có thể nghĩ một cách tự nhiên rằng Nga không có quyền quan tâm tới Ukraina. Nhưng chúng ta không thể hiểu về vấn đề địa-chính trị như một câu chuyện sách vở. Cho dù quan điểm của họ là đúng hay sai, ở đây chúng ta có một cường quốc hạt nhân láng giềng nhìn nhận kịch bản này đe dọa đến lợi ích sống còn của họ. Việc mở rộng khối NATO đe dọa đến các lợi ích sống còn của họ.
Chúng ta có thể cố gắng thuyết phục Putin rằng ông ta sai, nhưng theo tôi điều này lãng phí thời gian. Đặc biệt là vì Putin đã từng nói về vấn đề này trong nhiều năm, kể từ năm 2007 với bài phát biểu tại diễn đàn an ninh Munich. Chúng ta có thể cho rằng ông ta đang hành động thiếu thiện chí, rằng người Nga đang hoang tưởng, rằng họ đang hoài niệm về sự vĩ đại, v.v. Nhưng có một điều không thay đổi trong nhận thức về chính sách đối ngoại của Nga, đó là việc mở rộng NATO, đặc biệt là sang Ukraina, là mối đe dọa hiện hữu. Không có lý do gì để điều này thay đổi, ngay cả khi Putin không còn là lãnh đạo.
Về quan điểm chấm dứt chiến tranh với Ukraina, Matxcơva không muốn nhắc đến việc đưa quân đội từ các nước thành viên NATO vào các vùng đệm để giám sát lệnh ngừng bắn, và trong trường hợp cần thiết sẽ can thiệp.
Rõ ràng là Putin không phát động chiến tranh chống Ukraina để dẫn đến kết cục đưa quân đội từ các nước thành viên NATO vào lãnh thổ Ukraina. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là trên thực tế, không có nhiều người vội vã với kịch bản này. Ngay cả Ba Lan cũng nói rõ rằng họ không quan tâm đến việc này, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc. Nước Đức – bao gồm cả Merz người có thể trở thành thủ tướng, được cho là nhạy cảm hơn cả với lợi ích của Ukraina – đã nói rõ rằng họ sẽ hành động như vậy, nếu điều đó phù hợp với Nga. Mà Nga đã trả lời chắc chắn là không. Do đó, Pháp, Anh và các nước vùng Baltic có nguy cơ trở nên đơn độc trong vấn đề này.
************
Trump dọa ban hành trừng phạt mới nếu Nga không đàm phán chấm dứt chiến tranh Ukraina
Tân tổng thống Donald Trump hôm qua, 21/01/2025, tuyên bố Hoa Kỳ “rất có thể” sẽ ban hành các trừng phạt mới đối với Nga nếu Matxcơva không đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Ukraina.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tại Helsinki, Phần Lan, tháng 7/2018. AFP/File
Theo hãng tin AFP, tân tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố như trên khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Đồng thời ông Trump tái khẳng định "cuộc chiến lẽ ra đã không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống" vào thời điểm đó.
Ông cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ "xem xét" việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, hiện đã lên tới hàng chục tỷ đô la kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022.
Tổng thống Trump nói: "Chúng tôi đang nói chuyện với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Chúng tôi sẽ sớm nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra."
Ngay từ thứ Hai 20/01, ngày chính thức trở lại Nhà Trắng, tổng thống Trump đã gây sức ép đối với Nga, tuyên bố Matxcơva “sẽ phải gánh chịu thảm họa” nếu từ chối đàm phán và ký kết thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình với Ukraina. Với tổng thống Ukraina, tổng thống Trump một lần nữa nói rằng ông muốn có "một thỏa thuận", đồng thời nhấn mạnh rằng số nạn nhân của cuộc chiến Ukraina “đã bị đánh giá thấp đáng kể”.
Theo tờ Le Monde, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ hôm qua, tổng thống Zelensky cho biết Ukraina đang dàn xếp một cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ông Zelensky cũng đã kêu gọi châu Âu đoàn kết về mặt quốc phòng và an ninh để có khả năng tự bảo vệ mình mà không còn phụ thuộc vào Mỹ, trước mối đe dọa từ liên minh giữa Nga và Iran.
Cũng theo tờ Le Monde, giới lãnh đạo ở Kiev đang lo ngại Hoa Kỳ sẽ cắt viện trợ để giúp Ukraina tái thiết và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng năng lượng, bởi vì trong các sắc lệnh mà tổng thống Trump ký ban hành hôm thứ Hai ngay sau khi nhậm chức, có một sắc lệnh đình chỉ mọi viện trợ phát triển trong “90 ngày”. Sắc lệnh này cũng có thể liên quan đến viện trợ quân sự mà Washington cấp cho Kiev.
**********
Người biểu tình chống nhà máy Formosa ra tù trước thời hạn 21 tháng
Bà Trần Thị Xuân được trả tự do sớm 21 tháng so với bản án chín năm tù giam về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
vietha
Bà Trần Thị Xuân trong ngày trở về nhà (17/01/2025) (Fb Trần Tiến/RFA edited)
Bà Trần Thị Xuân, người tích cực tham gia việc phản đối nhà máy thép Formosa xả thải ra biển miền Trung hồi năm 2016, được trả tự do vào ngày 17/1 vừa qua, sớm 21 tháng so với bản án chín năm tù giam với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Thông tin trên được người thân của bà Xuân xác nhận với RFA trong ngày 21/1, tuy nhiên, bà vẫn còn phải thi hành án quản chế năm (05) năm kể từ ngày rời khỏi nhà tù.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng sáng lập và hiện là chủ tịch của Hội Anh em Dân chủ (HAEDC ) cho biết bà Xuân là một trong những thành viên chủ chốt của tổ chức đấu tranh dân chủ và quyền con người:
“Chị Xuân là thành viên chính thức của Hội Anh em Dân chủ, được hội bầu làm phó đại diện tại khu vực miền Trung. Chị ấy là người tích cực trong phong trào giáo dân biểu tình phản đối việc Formosa gây ô nhiễm môi trường cũng như đòi bồi thường cho các nạn nhân.”
Phóng viên không thể liên lạc được với bà Xuân để hỏi thêm về trường hợp của bà và lý do vì sao bà được trả tự do trước thời hạn.
Bà Xuân, sinh năm 1976, là trưởng ban thanh niên của giáo xứ Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cáo trạng cho biết bà Xuân tham gia biểu tình ở trụ sở UBND huyện Lộc Hà vào ngày 3/4/2017, cầm micro hô hét khẩu hiệu, kích động người dân đập phá tài sản, gây mất trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của UBND huyện trong nhiều giờ.
Tuy nhiên, thời điểm đó, người dân cho RFA biết hàng ngàn người biểu tình tràn vào chiếm Ủy ban Nhân dân huyện trong vài giờ, đòi quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường và yêu cầu chính quyền giải quyết vụ công an nổ súng và đánh đập người dân vào đêm hôm trước.
Bà Xuân là thành viên chủ chốt thứ ba của HAEDC được phóng thích trước thời hạn, hai người trước đó là ông Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà bị đưa từ nhà tù sang Đức vào tháng 6/2018.
Ông Phạm Văn Trội, cựu chủ tịch hội, mãn hạn tù bảy năm vào ngày 30/7/2024. Hiện còn các ông Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Trực, và Nguyễn Văn Túc đang thi hành án tù từ 12 đến 13 năm.
Một cựu thành viên của HAEDC là ông Nguyễn Bắc Truyển cũng được đưa từ nhà tù sang Đức hồi năm 2023 khi đã ở tù hơn 6 năm so với bản án 11 năm tù giam.
*********
TBT Tô Lâm: Dưới thời TT Donald Trump, quan hệ Việt-Mỹ sẽ phát triển vững chắc
Minh Phước
Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 hôm 20/1/2025 (Julia Demaree Nikhinson/AP)
Tổng Bí thư Đảng CSVN Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 21/1/2025 (theo giờ Hà Nội) gửi thư chúc mừng ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Sáng 20/1 (giờ Mỹ), ông Donald Trump và J.D Vance chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 và Phó Tổng thống thứ 50 của Mỹ.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump (2016-2020), Việt Nam là nước hưởng lợi khi các công ty lớn đã chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tránh mức thuế quan cao.
Tuy nhiên, vào năm 2020, chính quyền ông Trump cũng đã dán nhãn cho quốc gia này là “thao túng tiền tệ” dựa trên thặng dư thương mại ngày càng lớn của Việt Nam với Mỹ. Hiện Việt Nam là nước có thặng dư thương mại cao thứ ba với Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Theo báo Chính Phủ, trong thư chúc mừng ông Trump nhậm chức, cả ba lãnh đạo khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và tin tưởng với sự lãnh đạo và ủng hộ của ông Trump, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gửi thư chúc mừng tới Phó Tổng thống James David Vance .
Hôm 7/1, truyền thông Nhà nước đưa tin ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết Bộ Công thương đã vạch ra hai kịch bản cho năm 2025, với tình huống khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, nước này hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Ở kịch bản thứ hai, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương được các báo trong nước dẫn lời cho biết, nếu tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Trong trường hợp này, Chính phủ Việt Nam được cho sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường.
Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh quốc gia ở Washington nói với RFA rằng, Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với những thách thức từ chính phủ của Tổng thống Trump do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng cao hơn nhiều lần so với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump từ năm 2016 đến 2020.
“Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tăng xuất khẩu dịch vụ vào Việt Nam. Thâm hụt thương mại vẫn cao hơn so với trước khi ông ấy rời Nhà Trắng. Nếu chúng ta tính cả giá trị dịch vụ vào hàng hóa thì cũng không quá tệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có thặng dư thương mại thứ ba tại Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Và điều này có thể khiến quốc gia này bị đặt vào tầm ngắm của chính phủ mới” - Giáo sư Zachary Abuza nhận định.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ, đến năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ trước, thặng dư thương mại giữa hai nước đã là 69,7 tỷ USD. Năm 2023, thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ đã tăng lên 104,6 tỷ đô la. Trong năm 2020, khi thặng dư thương mại của hai nước tăng cao hơn so với hồi đầu nhiệm kỳ vào năm 2017 (38,3 tỷ đô la), chính phủ của Tổng thống Trump đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Trump đã nói đến việc áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong các lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, không có lệnh nào về việc áp thuế này. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump thực hiện lời hứa áp thuế, Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ khi nhiều mặt hàng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đóng gói và dán nhãn trước khi xuất đi Mỹ, theo nhận xét của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
*************
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan không trục xuất 48 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc
Một trung tâm giam giữ những người Duy Ngô Nhĩ tại Bangkok, Thái Lan. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm 21/1/2025 kêu gọi Thái Lan không trục xuất 48 người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ về Trung Quốc.
Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan không trục xuất 48 người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ về Trung Quốc, cảnh báo rằng họ có nguy cơ bị tra tấn, ngược đãi và “tổn hại không thể khắc phục” nếu bị trả về.
Các nhóm nhân quyền và một số nhà lập pháp Thái Lan đã nêu lên mối lo ngại trong tuần qua rằng việc giải giao người Duy Ngô Nhĩ, những người đã bị giam giữ trong trại giam nhập cư trong hơn một thập kỷ, cho Trung Quốc là điều sắp xảy ra. Chính phủ cho biết họ không có kế hoạch như vậy.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc Bắc Kinh lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi với khoảng 10 triệu người ở khu vực phía tây Tân Cương, bao gồm cả việc sử dụng hàng loạt biện pháp giám sát và lao động cưỡng bức trong các trại. Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi lạm dụng.
“Những người này không nên bị trả về Trung Quốc”, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói trong một tuyên bố vào thứ Ba về 48 người Duy Ngô Nhĩ.
“Thay vào đó, họ phải được tiếp cận các thủ tục tị nạn và các hỗ trợ nhân đạo khác”, các chuyên gia nói, đồng thời thêm rằng một nửa trong số nhóm này có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai tuần trước nói rằng không có kế hoạch trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc ngay lập tức, trong khi cảnh sát trưởng quốc gia Kittirat Panpetch cho biết vào thứ Hai rằng không có lệnh của chính phủ về việc trục xuất họ.
Babar Baloch, người phát ngôn của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết tuần trước rằng cơ quan này đã được chính quyền Thái Lan đảm bảo rằng họ sẽ không bị chuyển về Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters vào thứ Tư.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sắp nhậm chức, Marco Rubio, cho biết trong phiên điều trần phê chuẩn tuần trước rằng ông sẽ sử dụng mối quan hệ gần gũi của đất nước mình với Thái Lan để ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất.
BỊ GIAM GIỮ CẢ THẬP KỶ
Những người bị giam giữ là một số của nhóm 300 người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Trung Quốc và bị bắt tại Thái Lan vào năm 2014.
Thái Lan đã trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào tháng 7 năm 2015, khiến quốc tế lên án và lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với tra tấn sau khi trở về. Số phận của họ hiện vẫn chưa được biết.
Hơn 170 người khác, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 năm 2015, còn lại hơn 50 người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại Thái Lan. Theo các nhóm nhân quyền, ít nhất năm người trong số họ đã chết.
Các nhà chức trách Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết nhiều người Duy Ngô Nhĩ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Đông Nam Á đã lên kế hoạch mang thánh chiến trở lại Trung Quốc, nói rằng một số người đã tham gia vào “các hoạt động khủng bố”.
Trong nhiều năm qua, hàng trăm, thậm chí có thể là hàng ngàn người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi Tân Cương bằng cách đi lén lút qua Đông Nam Á đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích an ninh cho biết việc Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc vào năm 2015 đã dẫn đến một vụ đánh bom chết người một tháng sau đó tại một ngôi đền ở Bangkok, khiến 20 người thiệt mạng, trong vụ tấn công tồi tệ nhất từng xảy ra trên đất Thái Lan.
Chính quyền Thái Lan kết luận rằng vụ tấn công có liên quan đến cuộc đàn áp đường dây buôn người, mà không chỉ rõ nhóm này có liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ hay không.
Hai người đàn ông Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt, bị buộc tội giết người và tàng trữ chất nổ trái phép. Phiên tòa xét xử họ, vốn đã bị trì hoãn nhiều lần, vẫn đang diễn ra.
************
Quan chức EU phản đối Trump vì nói châu Âu kém Mỹ về viện trợ cho Ukraine
Trưởng bộ phận chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Kaja Kallas, đã phản đối Donald Trump hôm thứ Tư (22/1) vì ông nói rằng châu Âu đứng sau Hoa Kỳ về viện trợ cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng khối này phải có một ghế tại bàn đàm phán khi đến thời điểm đàm phán hòa bình.
Ông Trump trước đó nói rằng Washington đóng góp viện trợ cho Ukraine nhiều hơn châu Âu, nhưng bà Kallas cho biết châu Âu là bên đóng góp lớn nhất.
“Theo tôi biết, chúng tôi đã trao hơn 134 tỷ euro cho Ukraine. Điều đó khiến chúng tôi trở thành nhà tài trợ quốc tế lớn nhất”, bà Kallas nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi về bình luận của tổng thống Hoa Kỳ hôm thứ Ba rằng châu Âu nên trả nhiều tiền hơn.
Bà Kallas nói điều quan trọng là châu Âu phải tham gia bất cứ khi nào các cuộc đàm phán diễn ra nhằm chấm dứt cuộc chiến do Nga xâm lược Ukraine năm 2022 gây ra.
Một số quan chức châu Âu đã lên tiếng lo ngại rằng ông Trump có thể tìm cách thực hiện một thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Bất kỳ cuộc đàm phán hoặc thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine, điều đó cũng liên quan đến châu Âu. Vì vậy, ‘không có gì về châu Âu mà không có châu Âu’ cũng là điều chính ở đây”, bà nói.
Bà Kallas bày tỏ lạc quan rằng EU sẽ đạt được thỏa thuận trong việc duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga trước khi chúng hết hạn vào cuối tháng.
Cho đến nay, Hungary đã từ chối ủng hộ việc gia hạn, lập luận rằng EU trước tiên nên tham khảo ý kiến của chính quyền Trump về tương lai của các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Bà Kallas nói: “Tôi không thấy có lý do gì để giảm hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngay bây giờ”.
“Lý do tôi lạc quan là chúng tôi cuối cùng đã đạt được sự thống nhất và đã duy trì được sự thống nhất cho đến nay. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng lần này chúng tôi cũng sẽ đạt được điều đó”, bà nói, ám chỉ đến các cuộc thảo luận trước đây về lệnh trừng phạt.
Bà cho biết các quan chức EU đang xem xét những gì có thể làm được với các tài sản của Nga bị đóng băng bên trong khối. Khối này hiện đang sử dụng lợi nhuận từ các tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine nhưng chưa sử dụng đến các tài sản đó.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.