Rumani: Căng thẳng gia tăng sau khi bầu cử tổng thống bị hủy bỏ
Tình hình Rumani có dấu hiệu căng thẳng. Hôm qua, 08/12/2024, ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu, về đầu trong vòng một bầu cử tổng thống, đã kêu gọi biểu tình phản đối quyết định hủy bầu cử của Tòa Bảo Hiến. Bên cạnh đó, một nhóm người có vũ trang bị bắt tại thủ đô Bucarest.
Thông tín viên Marine Leduc tại Bucarest cho biết thêm thông tin :
"Ngày Chủ nhật, ông Calin Georgescu đã đến trước một điểm bỏ phiếu ở gần Bucarest để phản đối việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống. Ông tố cáo một cuộc đảo chính và kêu gọi người dân Rumani biểu tình. Một số người đã hưởng ứng lời kêu gọi, đặc biệt là từ cộng đồng người Rumani hải ngoại.
Nhưng đặc biệt là vụ bắt giữ một nhóm 21 người vũ trang đã gây náo động đất nước. Theo báo chí Rumani, những người đó đã đến Bucarest mang theo súng đạn, dao, mã tấu cùng một số tiền lớn. Họ đã đặt khách sạn ở trung tâm thủ đô và nhằm mục đích phá các cuộc biểu tình chống Georgescu.
Một danh sách tên các chính khách và nhà báo bị đe dọa cũng được tìm thấy. Trong số bị bắt giam có người cầm đầu Horatiu Potra. Nhân vật từng là lính lê dương nước ngoài này đã tuyển mộ vài trăm người Rumani làm bảo vệ an ninh tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuần trước, một số quân của ông ta từ Congo trở về đã thấy xuất hiện bên cạnh Calin Georgescu."
Vòng 2 cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày Chủ nhật 08/12 để chọn giữa ông Calin Georgescu, ứng viên cực hữu thân Nga và đối thủ là bà Elena Lasconi, thân châu Âu. Nhưng ngày 06/12, Tòa Bảo Hiến Rumani đã quyết định hủy cuộc bầu cử vì nghi ngờ Nga can thiệp. Đây là sự việc cực kỳ hiếm thấy ở một nước Đông Âu thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và của NATO, đồng thời là láng giềng thân cận của Ukraina.
**********
Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Damas sụp đổ
Sau khi chế độ al-Assad sụp đổ ngày 08/12/2024, không quân Israel và không quân Mỹ đã đẩy mạnh các đợt tấn công để triệt phá các mục tiêu quân sự của quân đội Syria cũng như của Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, đề phòng các nhóm khủng bố lợi dụng tình hình trỗi dậy hoạt động.
Thông tín viên RFI trong khu vực Paul Khalifeh tường trình :
Trong lúc người dân Syria đang ăn mừng sự sụp đổ của tổng thống Bachar al-Assad, không quân Israel và Mỹ vẫn không rời bầu trời nước này.
Sáng nay, không quân Israel đã oanh kích vào sườn bên Syria của dãy núi giáp Liban. Hôm qua, các máy bay đã tiến hành một đợt tập kích vào những căn cứ không quân của quân đội Syria tại miền nam và Damas, chủ yếu nhắm vào các đơn vị phòng không.
Các đợt bắn phá dày đặc nhắm vào các kho chứa vũ khí và hạ tầng cơ sở quân sự đã bị bỏ lại ở tỉnh miền đông Deir Ezzor.
Israel cũng đã điều quân đến vùng đệm và phần lãnh thổ Syria tại cao nguyên Golan.
Quân đội Israel đã chiếm sườn núi Hermon bên phần đất Syria, khu phi quân sự và các vị trí chiến lược nằm kế bên. Lệnh giới nghiêm với người dân Syria ở 5 phu vực nằm trong vùng đệm đã được ban hành.
Ngày Chủ nhật, không quân Mỹ cũng đã hoạt động tại Syria, oanh kích vào 75 mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi Giáo tại vùng sa mạc miền trung.
Tư lệnh bộ chỉ huy trung tâm Hoa Kỳ, tướng Michael Kurilla giải thích, các đợt tấn công phòng xa này nhằm ngăn chặn tổ chức Hồi Giáo cực đoan lợi dụng biến động mới tại Syria để trỗi dậy.
************
Người dân đổ về trung tâm thủ đô Syria chào mừng chế độ Assad sụp đổ
Sáng hôm nay, 09/12/2024, sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, người dân Syria đã đổ về quảng trường Omeyyades, trung tâm thủ đô Damas, để chào mừng chế độ al-Assad sụp đổ, sau chiến dịch tấn công thần tốc chưa đầy hai tuần lễ của quân nổi dậy Hồi Giáo HTS.
Chiều hôm qua 08/12, tại thánh đường Hồi giáo Omeyyades, ở khu phố cổ của thủ đô Damas, thủ lĩnh lực lượng HTS, Abu Mohammed al-Jolani, tuyên bố Syria đã được « giải phóng », và đây là một chiến thắng « lịch sử » đối với cộng đồng Hồi Giáo, đối với toàn khu vực. Lãnh đạo mới của Damas cũng lên án chế độ Damas đã để mặc cho Iran và các đồng minh thao túng Syria.
Nhà báo Omar Ouahmane từ Damas cho biết thêm về tình hình tại chỗ :
« Chúng tôi đến Damas tối qua vào lúc thành phố đang giới nghiêm. Suốt đêm qua chúng tôi nghe thấy những tiếng súng, tiếng nổ vang lên khắp thủ đô Syria, tiếng hò reo vui mừng, sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng của lực lượng nổi dậy Hồi Giáo HTS.
Chúng tôi nhiều lần gặp các nhóm chiến binh mang vũ khí, các chiến binh trẻ tuổi ngạc nhiên với việc dễ dàng chiếm được Damas. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số vết tích của chiến sự. Đặc biệt tại lối vào thành phố, chúng tôi thấy một xe tải của quân đội Syria bốc cháy, nhiều phương tiện vận tải trúng đạn, thi thể của nhiều binh sĩ Syria…
Quân đội của Bachar al-Assad đã sụp đổ chỉ trong vài giờ. Khi đến từ Liban bằng đường bộ, chúng tôi vượt qua những trạm kiểm soát hoàn toàn vắng bóng người. Binh lính Syria tháo chạy khỏi các vị trí phòng thủ, quân nổi dậy kiểm soát hoàn toàn thủ đô.
Tại Damas hoàn toàn không còn cảnh sát. Tất cả những địa điểm biểu tượng của quyền lực bị tấn công, như tư dinh của Bachar al-Assad, phủ tổng thống. Tuy nhiên, thủ lĩnh quân nổi dậy Hồi giáo HTS Abu Mohammed al-Golani đã ra lệnh cho các binh sĩ không xâm nhập các công sở, hiện tại vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của cựu thủ tướng, trong khi chờ đợi chính thức bàn giao. »
Thủ lĩnh HTS, cựu chỉ huy thánh chiến với hành xử thực dụng
« Golani », tên thật là Ahmed al-Chareh, sinh năm 1982 trong một gia đình khá giả ở thủ đô Damas, từng theo học bác sĩ. Sau khi Mỹ đánh chiếm Irak năm 2003, Golani tham gia hàng ngũ tổ chức khủng bố al-Qaida chống Mỹ tại nước láng giềng. Năm 2011, vào lúc khởi đầu cuộc nổi dậy chống chế độ Assad, Jolani trở về nước, lập Mặt trận al-Norsa.
Mặt trận al-Norsa - thân cận với al-Qaida và bị Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố - chủ trương thiết lập chế độ Hồi Giáo tại Syria. Năm 2017, Mặt trận al-Norsa cắt đứt quan hệ với al-Qaida, và hợp nhất với một số lực lượng nổi dậy khác với tên gọi mới Hayat Tahrir al-Cham (viết tắt là HTS).
Theo chuyên gia về thánh chiến Hồi giáo ở Syria, Thomas Pierret (Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp CNRS), kể từ năm 2014, Golani đã tỏ ra là một lãnh đạo ôn hòa khác hẳn trước. Năm 2015, Golani từng tuyên bố không có ý định tấn công phương Tây như tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Sau chiến dịch tấn công vừa qua, thủ lĩnh HTS đã tìm cách trấn an các cộng đồng Thiên chúa giáo tại các vùng đất do HTS kiểm soát.
**********
Cơn giận mất lý trí của ông lão 'bẫy ngược' kẻ trộm
MỹÔng Byron Smith nói bắn chết hai thiếu niên đột nhập nhà do 'sợ hãi tột độ', nhưng đoạn ghi âm từ thiết bị giấu trong tủ sách khi vụ nổ súng xảy ra đã thay đổi sự thật của vụ án.
Ngày 23/11/2012, một ngày sau Lễ Tạ ơn, cảnh sát được gọi tới nhà Byron Smith, 64 tuổi, ở thành phố Little Falls, bang Minneapolis. Ông Byron thừa nhận hành vi giết người trước khi dẫn cảnh sát vào trong nhà, cho họ xem một cửa sổ trong phòng ngủ đã bị đập vỡ. Kính dường như bị vỡ từ bên ngoài.
Sau đó, ông Byron dẫn nhà chức trách xuống tầng hầm, nơi thi thể của Nicholas "Nick" Brady, 17 tuổi và Haile Kifer, 18 tuổi, được bọc trong tấm bạt và chất chồng lên nhau. Nick có ba vết thương do đạn bắn, Haile có sáu vết thương.
Gia đình cho biết hai thiếu niên là chị em họ thân thiết. Ngày 21/11, Nick và Haile qua đêm tại căn hộ của một người bạn, rời đi vào khoảng 11h hôm sau. Cả hai vắng mặt trong bữa tối Lễ Tạ ơn. Gia đình không thể liên lạc được với họ và nỗi sợ hãi tăng dần khi tuyết bắt đầu rơi, lo lắng họ bị mắc kẹt ở đâu đó.
Ngày 23/11, người thân trình báo cảnh sát, cùng ngày, các điều tra viên được gọi đến nhà ông Byron.
Byron Smith chuyển đến Little Falls khoảng 5 năm trước, sống một mình. Hàng xóm và bạn bè cho biết ông bực bội vì nhà bị đột nhập nhiều lần gần đây. Kẻ trộm đã lấy 4.000 USD tiền mặt và vật gia truyền, khiến ông Byron lo sợ cho tính mạng của mình. Ông bắt đầu thường xuyên đeo bao da đựng súng đã nạp đạn và cài đặt hệ thống an ninh.
Khi cảnh sát đến hiện trường, ông Byron thừa nhận đã sử dụng hai khẩu súng để giết các thiếu niên: một khẩu súng trường Ruger Mini-14 và một khẩu súng lục ổ quay chín viên cỡ nòng 22.
Luật bang Minnesota quy định rằng chủ nhà có quyền sử dụng vũ lực chết người đối với kẻ xâm nhập nếu tin rằng mạng sống của bản thân hoặc mạng sống của người khác đang gặp nguy hiểm tức thời.
Bryon Smith khai đang ngồi trên ghế đọc sách ở tầng hầm thì nghe thấy tiếng kính vỡ ở tầng trên.
Dữ liệu video từ hệ thống an ninh gia đình của ông Byron cho thấy Nick đã đột nhập vào nhà lúc hơn 12h30 ngày 22/11/2012. Anh ta đội mũ trùm đầu và nhìn trộm qua một vài cửa sổ trước khi đập vỡ kính để có lối vào. Haile theo sau khoảng 20 phút.
Kết quả điều tra cho thấy Nick đứng đằng sau một trong những vụ trộm trước đó tại nhà ông Byron, lấy đi hàng nghìn USD tiền mặt, đồ có giá trị và hai khẩu súng với sự trợ giúp của một đồng phạm khác. Bằng chứng được tìm thấy trong xe của Nick sau vụ giết người cho thấy anh ta cũng đột nhập những ngôi nhà khác lân cận.
Byron Smith cho biết những vụ trộm khiến ông sống trong sợ hãi, mất ngủ, căng thẳng về mặt thể chất và tinh thần.
Nhưng những manh mối tại ngôi nhà ở Little Falls khiến các điều tra viên bối rối. Những bóng đèn đã bị vặn ra khỏi trần nhà. Cảnh tượng thi thể bị chồng lên nhau dưới tầng hầm cũng đặt ra nghi vấn, đặc biệt khi nhà chức trách phát hiện vụ nổ súng xảy ra vào ngày Lễ Tạ ơn nhưng ông Byron đã đợi đến ngày hôm sau để nhờ hàng xóm báo cảnh sát.
Khi được hỏi tại sao phải chờ đợi, ông ta nói rằng không muốn làm phiền họ trong kỳ nghỉ.
Trong cuộc thẩm vấn, ông Byron nói: "Bất kể là ai đột nhập nhà tôi, hắn đã làm việc đó trong thời gian quá dài khiến tôi không muốn tiếp tục sống trong sợ hãi nữa".
Byron Smith cho biết đã di chuyển ôtô của mình ra cách đó vài dãy nhà để dọn dẹp gara, điều này có thể khiến những kẻ trộm tưởng rằng không có ai ở nhà. Ông Byron nói rằng sau khi nghe thấy Nick phá cửa sổ lẻn vào tầng trên, ông vẫn ngồi trên ghế tựa khuất tầm nhìn khi kẻ đột nhập bước xuống bậc thang tầng hầm.
Byron Smith thừa nhận: "Sau đó tôi nhìn thấy bàn chân, rồi đến cẳng chân hắn, và khi tôi nhìn thấy hông hắn, tôi nổ súng".
Haile đi xuống vài phút sau đó, khiến ông nổ súng một lần nữa. Ông Byron kể: "Súng bị kẹt, cò súng kêu lách cách và cô ta cười nhạo tôi. Tôi rút khẩu súng lục ra và bắn cô ta. Nếu bạn đang cố bắn vào ai đó và họ cười nhạo bạn, hãy bắn lại". Tưởng Haile đã chết nhưng khi phát hiện cô còn sống, ông "bắn cú dứt điểm gọn gàng".
Nhà chức trách thắc mắc tại sao Byron Smith lại bắn phát súng chí mạng sau khi thiếu nữ không có vũ khí đã không còn là mối đe dọa. Ông Byron bị bắt, nhưng sau đó được bảo lãnh tại ngoại, còn cư dân Little Falls bị chia rẽ về việc liệu vụ giết người có chính đáng hay không.
Sau khi cảnh sát chuyển cuộc điều tra cho các công tố viên, tháng 4/2013, đại bồi thẩm đoàn ra quyết định truy tố Byron Smith về hai tội giết người cấp độ một. Công tố viên cho biết hành vi của ông đã vượt xa việc tự bảo vệ mình khỏi những kẻ xâm nhập.
Trong khi đó, luật sư bào chữa Steven Meshbesher khẳng định tất cả chỉ là một "sự hiểu lầm lớn" và vụ nổ súng "chính đáng" chỉ xảy ra vì Byron Smith sống trong "nỗi sợ hãi tột độ". "Đó không phải là điều ông ấy muốn làm, ông ấy không yêu cầu họ đột nhập vào nhà ông ấy để ăn trộm bằng cách bạo lực vào Lễ Tạ ơn. Họ đã chọn làm điều đó, và ông ấy phản ứng lại", luật sư nói.
Nhưng một đoạn ghi âm do ông Byron thực hiện, từ một thiết bị giấu trong tủ sách khi vụ nổ súng xảy ra, đã thay đổi toàn bộ vụ án.
Tòa án nghe thấy những lời thì thầm của Byron Smith vào thời điểm xảy ra vụ việc: "Tôi không coi chúng là con người. Tôi thấy chúng như loài sâu bọ".
Công tố viên cho rằng ông Byron quyết định di chuyển ôtô khỏi gara vì muốn dụ những kẻ đột nhập, đây là một hành động có tính toán trước. Họ cũng nhấn mạnh chi tiết ông Byron đợi 24 giờ mới thông báo cho người khác về những cái chết, cũng như việc ông không nói với các điều tra viên về chiếc máy ghi âm được giấu kín của mình.
Các công tố viên cáo buộc ông Byron đã phục kích sau khi tháo bóng đèn ở tầng hầm để kẻ trộm không thể bật đèn trên đường đi xuống. "Ông ta đã lên kế hoạch, chuẩn bị và quyết tâm giết bất cứ ai đột nhập nhà và cướp tài sản của mình", công tố viên nói.
Đoạn băng ghi âm dài sáu tiếng, bao gồm cả những khoảnh khắc xảy ra vụ nổ súng. Tại một thời điểm trước cuộc đột nhập, ông Byron thì thầm với chính mình: "Vào mắt trái". Phát súng chí mạng nhắm vào Haile là vào mắt trái.
Máy ghi âm đã ghi lại cảnh đột nhập kéo dài 12 phút, trong đó ông Byron giết Nick trước khi nói: "Mày tiêu rồi", sau đó là âm thanh nạp đạn. Vài phút sau, bồi thẩm đoàn nghe thấy Haile thì thầm gọi tên em họ trước khi đi xuống cầu thang tầng hầm. Đoạn băng chứng minh Haile chưa bao giờ cười nhạo như lời khai của ông Byron trước cảnh sát. Ngược lại, ông chửi rủa Haile sau khi bắn.
Sau đó, ông luyện tập những gì sẽ nói với luật sư.
Ngày 29/4/2014, sau bốn giờ nghị án, bồi thẩm đoàn kết luận Byron Smith phạm hai tội giết người cấp độ một. Ông Byron bị kết án tù chung thân mà không có khả năng được ân xá.
Tuệ Anh (Theo Oxygen)
***********
Thủ lĩnh nhóm Hồi giáo lật đổ chính quyền Syria là ai
VnExpress
7–8 minutes
Ahmed Hussein al-Shara từng là thành viên các nhóm cực đoan, nhưng dần trở nên ôn hòa hơn khi thành lập HTS, với mục tiêu lật đổ chính phủ Syria.
Tháng 3/2003, Ahmed Hussein al-Shara lên xe buýt ở thủ đô Damascus, Syria, băng qua sa mạc để đến Baghdad, háo hức tham gia vào sứ mệnh chống lại chiến dịch quân sự của Mỹ sắp diễn ra ở Iraq.
Khi trở về nhà vào năm 2011, sau 5 năm bị giam trong nhà tù do Mỹ quản lý ở Iraq, al-Shara trở thành sứ giả cho thủ lĩnh sáng lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi. Al-Shara đặt chân về Syria với những chiếc túi đầy tiền mặt, cùng nhiệm vụ đưa phong trào cực đoan này ra toàn cầu.
Với nhiệm vụ này, al-Shara đã thành lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang Hồi giáo ban đầu bị Mỹ và Nga coi là tổ chức khủng bố vì có liên hệ với cả IS lẫn al-Qaeda. Người đàn ông này cũng bắt đầu sử dụng bí danh Abu Mohammed al-Jawlani thay cho tên thật.
Năm 2012, HTS cắt quan hệ với IS, rồi đoạn tuyệt với al-Qaeda năm 2016 và quay sang đối đầu với cả hai tổ chức trên trong các chiến dịch đẫm máu. HTS tham gia liên minh nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trở thành một trong những nhóm vũ trang lớn nhất ở Syria, với mục tiêu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Ngày 27/11, al-Shara, 42 tuổi, dẫn đầu lực lượng HTS tiến vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở Syria. Sau nhiều năm hoạt động bí mật, với chiến dịch tấn công bất ngờ vào Aleppo, Shara nổi lên là thủ lĩnh quyền lực của nhóm vũ trang mạnh nhất Syria.
"Mục tiêu của chúng tôi vẫn là lật đổ chính phủ. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi phương thức sẵn có để đạt được mục tiêu này", al-Shara nói với CNN chiều 6/12.
Chỉ hai ngày sau, al-Shara đạt được mục đích, khi HTS cùng các nhóm đồng minh tiến vào thủ đô Damascus, buộc Tổng thống Assad phải chạy ra nước ngoài, chính phủ Syria sụp đổ.
Chiến thắng bất ngờ và nhanh chóng của phiến quân ngay lập tức tạo ra một cơn địa chấn mới tại Trung Đông vốn đã nhiều hỗn độn. Dù vậy, không giống nhiều nhóm cực đoan khác, HTS dưới sự lãnh đạo của al-Shara đã trở thành một lực lượng ôn hòa, kỷ luật hơn, với lý tưởng hòa trộn giữa chủ nghĩa Hồi giáo với chủ nghĩa dân tộc.
Shara khẳng định sẽ không can thiệp vào tình hình các nhóm dân thiểu số tại Syria và không ủng hộ các cuộc tấn công "mượn danh Hồi giáo" tại nước ngoài. Khi HTS tiến vào Damascus, al-Shara yêu cầu các tay súng dưới quyền "khiêm nhường và ứng xử nhẹ nhàng với người dân".
"Các thành viên phải bảo vệ và canh gác cơ quan công quyền lẫn tài sản công. Chúng thuộc sở hữu của người dân Syria và các bạn là người bảo vệ họ", thủ lĩnh HTS nói.
Sau cuộc tiến công vào Aleppo, thay vì phát động đợt tàn sát đẫm máu chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, al-Shara đã ra lệnh bảo vệ những người theo đạo Thiên chúa và người Shiite, đồng thời yêu cầu các thành viên không được có hành động trả thù.
Cho đến nay, chưa có thông tin nào về các vụ thảm sát ở Aleppo và HTS đã cho phép các lực lượng người Kurd bị bao vây trong thành phố rời đi mà không bị tổn hại.
Trong thập kỷ qua, HTS dưới sự lãnh đạo của al-Shara đã thoát khỏi tư tưởng truyền thống lâu nay của các nhóm cực đoan Hồi giáo trong khu vực là gây chiến với phương Tây và Mỹ. Thay vào đó, HTS đã điều hành chính quyền riêng tại tỉnh Idlib, miền bắc Syria từ năm 2015, thành một lực lượng có kỷ luật tốt, tập trung hoàn toàn vào Syria và không hướng đến mục tiêu "hủy diệt phương Tây".
Lực lượng HTS chọn cờ hiệu là quốc kỳ Syria có từ thời nước cộng hòa tồn tại trước cuộc cách mạng của đảng Baath năm 1963, thời điểm gia tộc Tổng thống Assad lên nắm quyền.
"Ngay từ khi thành lập, HTS đã tuyên bố rằng họ không có mục tiêu toàn cầu, họ chỉ tập trung vào Syria, muốn chiến đấu ở Syria và đó chính là sự khác biệt về bản chất của họ với các nhóm vũ trang khác", Dareen Khalifa, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, người đã nhiều lần gặp al-Shara tại Syria, cho hay.
Khalifa cho rằng giới lãnh đạo HTS thực dụng và ít mang tính ý thức hệ hơn. Theo chuyên gia này, al-Shara không phải là một giáo sĩ, mà là một chính trị gia sẵn sàng thỏa hiệp về nhiều thứ, nhưng luôn kiên định với mục tiêu chống lại chính quyền Syria.
Dù vậy, HTS vẫn bị Mỹ xác định là một tổ chức khủng bố và Washington đã đưa ra mức tiền thưởng 10 triệu USD cho bất kỳ thông tin nào giúp bắt al-Shara.
Tuy nhiên, Mỹ chưa thực sự nhắm mục tiêu vào al-Shara hoặc các chỉ huy cấp cao khác của HTS kể từ khi ông ta tuyên bố gần một thập kỷ trước rằng không muốn trở thành kẻ thù của Washington.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump, al-Shara và HTS đã tìm kiếm một thỏa thuận giúp xóa tên nhóm khỏi danh sách khủng bố.
"Họ đã học được cách tham gia cuộc chơi", Alberto Miguel Fernandez, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông, cựu điều phối viên truyền thông chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận. "Họ vẫn có cái mà chúng ta gọi là hệ tư tưởng cực đoan, nhưng họ không phải là những kẻ cực đoan ngu ngốc. Họ là những thành phần cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc. Al-Shara biết ông ta phải điều chỉnh lập trường của mình, chẳng hạn, đối với các nhóm thiểu số, vì đây là thứ sẽ khiến phương Tây chỉ trích ông ta".
Khi được hỏi trong một cuộc họp với Nhóm Khủng hoảng Quốc tế vào năm 2020 về những tay súng nước ngoài này, al-Shara đã khẳng định họ không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai bên ngoài Syria.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn năm 2021 với chương trình "Frontline" của kênh PBS tại Idlib, al-Shara cho hay ông ta không hối hận khi ăn mừng vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ hay về việc chống lại quân đội Mỹ ở Iraq.
"Nếu không có Mỹ, sẽ không có phong trào phản kháng nào cả", ông nói về cuộc chiến Iraq. "Bất kỳ ai sống ở thế giới Hồi giáo hoặc Arab vào thời điểm đó mà bảo bạn rằng họ không vui về cuộc tấn công ngày 11/9 thì đều là dối trá. Nhưng mọi người chắc chắn hối tiếc vì đã giết những người vô tội".
Sau khi HTS kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus, al-Shara cho hay lực lượng của ông chưa tiếp quản các cơ quan công quyền. "Những cơ quan này tiếp tục nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali tới khi chính thức được bàn giao", al-Shara cho biết.
Đây là dấu hiệu cho thấy HTS đã có một chiến lược bài bản để tiếp quản quyền lực một cách trật tự. Al-Shara nhiều khả năng sẽ áp dụng mô hình chính quyền mà ông đã xây dựng ở Idlib để cai quản toàn bộ đất nước Syria.
"Đến nay, ông ấy là người quyền lực nhất ở Syria", Jerome Drevon, chuyên gia về xung đột hiện đại tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
************
Khung cảnh tại Syria sau sự sụp đổ của chính phủ Bashar al-Assad
Lực lượng phiến quân Syria tuyên bố chiếm được Damascus sau một cuộc tấn công chớp nhoáng hôm 8/12, chấm dứt 5 thập niên đứng đầu quốc gia này của gia đình Assad.
Tong một diễn biến bất ngờ, truyền hình nhà nước Syria ngày 8/12 phát tuyên bố chiến thắng của phe đối lập Syria và chế độ Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ. Lực lượng đối lập ở Syria chiếm các kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát thủ đô Damascus. Trong ảnh là chiến binh thuộc phe đối lập vui vẻ tạo dáng tại thủ đô Damascus.
Người dân tại thủ đô Damascus cầm cờ phe đối lập ăn mừng hôm 8/12. Trên đường phố, nhiều người trèo lên xe tăng hô vang khẩu hiệu và tụ tập ăn mừng.
Lực lượng phiến quân Syria, do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cầm đầu, bắt đầu chiến dịch tiến công từ một vùng đất nhỏ ở phía tây bắc. Trong ảnh là các chiến binh thuộc lực lượng phiến quân gần Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus hôm 8/12.
Lực lượng nổi dậy chỉ mất khoảng 11 ngày để lật đổ chính phủ đương nhiệm. Họ tiến đến Damascus từ ba hướng trong khi binh lính quân đội Syria rút lui hoặc bỏ chạy. Trong ảnh là một người đàn ông cầm vũ khí và tạo dáng trước cờ phe đối lập ở Damascus hôm 8/12.
Theo tuyên bố trên Telegram, phe nổi dậy đã ban bố lệnh giới nghiêm 13 giờ tại thủ đô Damascus. "Trái tim chúng tôi tràn ngập niềm vui sướng", Walaa Salameh - 35 tuổi, cư dân khu vực Damascus - nói với New York Times. "Chúng tôi không thể dự đoán tương lai và mọi thứ có thể xảy ra, nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi đã thoát khỏi chế độ này".
Bức tượng cựu Tổng thống Syria Hafez al-Assad bị hư hại tại Qamishli hôm 8/12. Gia đình Assad đứng đầu Syria kể từ năm 1971 khi ông Hafez nắm quyền sau một cuộc chính biến. Con trai ông, Tổng thống Bashar, kế thừa vị trí của cha vào năm 2000.
Người dân Qamishli tụ tập ăn mừng sau thông tin quân nổi dậy tuyên bố nắm quyền. Dù nhiều người vui vẻ với tình hình hiện tại, có những lo lắng về người tiếp theo sẽ đứng đầu đất nước, làm dấy lên lo ngại về khoảng trống quyền lực tại một đất nước vốn đã bị chia rẽ bởi các phe phái cạnh tranh quyền kiểm soát các khu vực.
Trong tuyên bố hôm 8/12, Bộ Ngoại giao Nga cho hay ông Bashar al-Assad “quyết định rời khỏi vị trí tổng thống và rời khỏi đất nước, đưa ra chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”. Đồng thời, theo tuyên bố, “Nga không tham gia vào các cuộc đàm phán này”.
Liên quan đến những đồn đoán về việc ông Assad hiện ở đâu, cố vấn Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất Anwar Gargash từ chối xác nhận hay bác bỏ thông tin tổng thống Syria có thể đang ở Doha.
Một người đàn ông tại Aleppo cầm cờ của phe đối lập ăn mừng sau khi Bộ Tư lệnh Quân đội Syria thông báo chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ hôm 8/12.
Chiến binh phe phiến quân thơm một đứa trẻ ở Homs hôm 8/12. Việc mất Homs là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Tổng thống Assad. Thành phố này nằm ở ngã tư quan trọng giữa thủ đô Damascus và các tỉnh ven biển Latakia và Tartus của Syria - nơi nhà lãnh đạo Syria được ủng hộ mạnh mẽ.
Người dân Syria sống tại Thổ Nhĩ Kỳ mang theo cờ phe đối lập ăn mừng trước Nhà thờ Hồi giáo Fatih ở Istanbul hôm 8/12. Trước những diễn biến mới, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về tình hình Syria Pedersen cho biết sẵn sàng ủng hộ người dân Syria trong hành trình hướng tới tương lai ổn định và bao trùm.
Quang cảnh tại Berlin, Đức hôm 8/12.
***********
Giới chuyên gia Úc : Canberra nên từ bỏ AUKUS và mua tàu ngầm của Paris
Liệu Úc có thay đổi quyết định và lại quay sang mua tàu ngầm của Pháp hay không ? Đó là khuyến nghị của Viện Chiến lược Chính trị Úc công bố hôm 05/12/2024. Nhóm nghiên cứu cho rằng sau khi quay lưng lại với Paris và ký hiệp ước AUKUS với Washington và Luân Đôn, Canberra đang rơi vào tình thế khó khăn và đứng trước nguy cơ không đổi mới được hạm đội tàu ngầm.
Từ Sydney, thông tín viên Léo Roussel cho biết cụ thể :
Khi hủy bỏ đơn đặt hàng tàu ngầm của Pháp và ký hiệp ước AUKUS với Hoa Kỳ và Anh Quốc, Úc không ngờ tới một thảm họa như vậy. Chi phí chế tạo gia tăng và việc giao hàng bị chậm trễ, Canberra đang gặp khó khăn trong việc thay thế hạm đội tàu ngầm.
Vào thứ Năm, Viện Chiến lược Chính trị Úc thậm chí đã kêu gọi quay lại với giải pháp của Pháp. Nhóm nghiên cứu do chính phủ tài trợ đề xuất hủy bỏ đơn đặt hàng AUKUS và mua 12 tàu ngầm hạt nhân của Pháp, thay vì tàu ngầm chạy bằng diesel như dự định vào năm 2021.
Theo cựu lãnh đạo Viện Tàu Ngầm Úc, Canberra phải đặt hàng trước năm 2026 nếu muốn hy vọng nhận được tàu ngầm từ năm 2038.
Vấn đề còn lại là liệu Úc có sẵn sàng thay đổi quyết định hay không. Theo nhóm nghiên cứu, đó sẽ là một lựa chọn đầy can đảm về mặt chính trị, nhưng không hẳn là bất khả thi so với việc nhận được tàu ngầm Mỹ đúng hạn.
**********
Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine
Hoa Kỳ hôm 7/12 đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 988 triệu đôla cho Ukraine, trong khi Washington chạy đua để cung cấp viện trợ cho Kyiv trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Khoản viện trợ này gần như giảm một nửa số tiền còn lại là 2,21 tỷ đôla trong Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), trong khi chính quyền Biden nỗ lực cam kết mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng, thay vì lấy từ kho vũ khí của Hoa Kỳ.
Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 đã làm dấy lên nghi ngờ về việc viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine trong tương lai. Hiện có một khoảng thời gian hạn chế để cung cấp hàng tỷ đôla viện trợ đã được thông qua trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào tháng tới.
Gói viện trợ này bao gồm máy bay không người lái, đạn dược cho bệ phóng tên lửa HIMARS chính xác, cũng như thiết bị và phụ tùng thay thế cho hệ thống pháo binh, xe tăng và xe bọc thép, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố.
Chính quyền Biden thường sử dụng Quyền Chuyển giao của Tổng thống, cho phép Tổng thống Joe Biden chuyển các vũ khí và dịch vụ dư thừa từ kho vũ khí của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
USAI là quỹ riêng và sẽ được dùng để mua vũ khí mới từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc các đối tác, thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ, đồng nghĩa với việc vũ khí sẽ không được đưa ngay ra chiến trường.
Nó được công bố sau gói 725 triệu đôla được công bố hôm 2/12 bao gồm một đợt cung cấp mìn thứ hai cũng như các loại vũ khí khác.
Chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm đang nỗ lực để cung cấp càng nhiều viện trợ càng tốt cho Ukraine trước khi ông Trump - người đã nhiều lần chỉ trích viện trợ của Hoa Kỳ cho Kyiv và tuyên bố rằng ông có thể đảm bảo lệnh ngừng bắn trong vòng vài giờ - lên nắm quyền.
Những bình luận của ông Trump đã gây ra nỗi lo ngại ở Kyiv và châu Âu về tương lai của viện trợ của Hoa Kỳ và khả năng chống chọi của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga nếu không có thêm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã đi đầu trong việc thúc đẩy sự hỗ trợ quốc tế cho Ukraine, nhanh chóng thành lập một liên minh để ủng hộ Kyiv sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 và điều phối viện trợ từ hàng chục quốc gia.
Các quốc gia ủng hộ Ukraine kể từ đó đã cung cấp hàng chục tỷ đôla vũ khí, đạn dược, đào tạo và các khoản viện trợ an ninh khác, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kyiv chống lại lực lượng Nga.
Kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ an ninh trị giá hơn 62 tỷ đôla cho Ukraine.
**************
TIN TỔNG HỢP
RFI
~3 minutes
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
(AFP) – Gruzia : Hàng nghìn người biểu tình ủng hộ EU trước Quốc Hội. Hôm qua, 07/12/2024, là đêm biểu tình thứ mười chống chính phủ, bị cáo buộc từ tham vọng châu Âu của đất nước và gian lận bầu cử lập pháp để xích lại gần Nga. Tổng thống Gruzia, Salomé Zourabichvili, chủ trương thân châu Âu và có mâu thuẫn với chính phủ, nhân dịp đến dự lễ khánh thành trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris, đã cuộc gặp với tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
(AFP) – Rumani : Kết quả vòng một bị hủy, Georgescu, ứng viên dân túy kêu gọi biểu tình. Một ngày sau khi Tòa Bảo Hiến thông báo hủy kết quả bầu cử tổng thống vòng một, hôm qua, 07/12/2024, ông Calin Georgescu, ứng viên tổng thống theo chủ nghĩa dân túy, đã kêu gọi biểu tình vào ngày Chủ Nhật, 08/12, phản đối quyết định của Tòa. Trong cuộc bỏ phiếu vòng một, Calin Georgescu đã bất ngờ về đầu trong bối cảnh có nghi ngờ về sự can thiệp của Nga.
(AFP) – Cướp biển Somalia bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc và đòi tiền chuộc. Lực lượng hải quân chống cướp biển của Liên Hiệp châu Âu (EU) thông báo như trên hôm 05/12/2024, nhưng không cho biết sự việc xảy ra hôm nào. Vụ bắt giữ tàu Trung Quốc với 18 thủy thủ diễn ra trong bối cảnh cướp biển Somalia, sau nhiều năm « an phận thủ thường », đang hoạt động mạnh trở lại, điển hình với vụ bắt giữ tàu hàng Bangladesh hồi tháng 03/2024, được thả sau khi trả tiền chuộc.
(AFP) – Taylor Swift kết thúc chuyến lưu diễn lịch sử « Eras Tour » tại Vancouver, Canada. Bắt đầu vào tháng 03/2023 tại Arizona, Mỹ, tour diễn toàn cầu này sẽ kết thúc vào hôm nay, 08/12/2024, đánh dấu chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất trong lịch sử. Ngôi sao nhạc popđã biểu diễn tại khoảng 50 thành phố, từ Buenos Aires đến Tokyo, qua Singapore, với tổng cộng149 buổi hòa nhạc.Mặc dù đội ngũ của Taylor Swift không công bố số liệu chính thức về doanh thu bán vé, nhưng tạp chí Pollstar ước tính con số này đã vượt 2 tỷ đô la.
***********
Nhiều nước hoan nghênh vụ lật đổ chính phủ Syria
Minh Phương
Trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Syria sau khi quân nổi dậy tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng, hôm nay, 08/12/2024, lãnh đạo các nước phương Tây ca ngợi một khởi đầu mới đầy hy vọng cho người dân Syria.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Nhà Trắng cho biết tổng thống Joe Biden “đang theo dõi sát sao” các sự kiện ở Syria và duy trì liên lạc thường xuyên với các đối tác trong khu vực. Còn người kế nhiệm Donald Trump thì công khai nhắm vào Nga. Ông viết trên mạng xã hội Truth Social rằng : “Assad đã ra đi. Ông ta đã chạy trốn khỏi đất nước. Người bảo trợ của ông ta là Nga, dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, đã không còn quan tâm đến việc bảo vệ ông nữa.” Ông Trump cho rằng hai nước hậu thuẫn ông Assad là Nga và Iran đang trong trạng thái suy yếu, Nga là do chiến tranh tại Ukraina và nền kinh tế tệ hại, còn Iran là vì những thất bại trước Israel.
Về phần mình, Pháp và Đức cũng hoan nghênh sự sụp đổ của chế độ Bashar Al Assad, đồng thời kêu gọi người dân Syria đoàn kết và chống cực đoan hóa tại đây. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp Christophe Lemoine bày tỏ vui mừng khi người dân Syria đã được giải thoát sau hơn một thập kỷ bị “đàn áp bạo lực” trong khi ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock gọi sự kiện này là “niềm an ủi lớn cho hàng triệu người dân Syria.”
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được cho là ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, cũng hoan nghênh “một Syria mới” sau 13 năm “hỗn loạn”. Ngoại trưởng nước này tuyên bố : “Từ sáng nay, Syria đã sang một giai đoạn mới, khi mà người dân Syria sẽ tự định hình tương lai của đất nước họ”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Syria mới không được là mối đe dọa cho các nước láng giềng, mà cần loại bỏ các mối đe dọa đó” và bất kỳ sự mở rộng nào của lực lượng dân quân PKK bị cấm hoạt động đều không thể được coi là đối tác hợp pháp tại Syria.
Trong khi đó, phía Nga và Iran chưa đưa ra phản ứng nào về việc chính quyền tổng thống Al Assad bị lật đổ. Đài truyền hình Nhà nước Iran cũng cho biết đại sứ quán Iran ở Syria đã bị tấn công hôm nay “bởi những kẻ chưa rõ danh tính” nhưng các nhà ngoại giao của Teheran đã kịp rời khỏi nơi này an toàn.
***************
Họp ba bên Pháp, Mỹ và Ukraina : Donald Trump kêu gọi đàm phán và « ngưng chiến ngay lập tức »
Ngày 07/12/2024, một cuộc họp ba bên giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã diễn ra tại điện Elysée.
Theo AFP, hai nguyên thủ quốc gia Pháp, Ukraina và tổng thống Mỹ tương lai đã có những cuộc thảo luận chiến lược nhằm tìm cách « chấm dứt sớm nhất có thể » và « một cách công bằng » cuộc chiến tại Ukraina. Kết thúc cuộc họp, lãnh đạo ba nước tuyên bố « đồng thuận tiếp tục cùng thảo luận ».
Tổng thống Mỹ đắc cử, Donald Trump, hôm nay, đã kêu gọi một lệnh « hưu chiến ngay lập tức » và mở đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột mà theo ông, Ukraina đã bị thiệt đến 400 ngàn quân « một cách ngớ ngẩn » trong khi « 600 ngàn lính Nga bị chết hay bị thương, trong một cuộc chiến lẽ ra không nên bắt đầu và có nguy cơ kéo dài mãi mãi. »
Vào thời điểm diễn ra cuộc họp ba bên, chính quyền Biden sắp mãn nhiễm tăng tốc hỗ trợ cho Ukraina khi thông báo một gói viện trợ trị giá 988 triệu đô la.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường thuật :
« Gần một tỷ đô la, đó là trị giá của gói viện trợ mới. Chúng bao gồm đạn dược cho pháo binh, drone cũng như là nhiều thiết bị và linh kiện rời để bảo trì các hệ thống phòng không và xe thiết giáp. Khoản chi viện to lớn này được cấp chưa đầy một tuần sau một gói viện trợ quân sự khác được trích ra từ kho dự trữ của quân đội Mỹ trị giá hơn 700 triệu đô la, cũng bao gồm đạn được cho pháo binh, tên lửa phòng không Stinger và chống tăng Javelin.
Vào thời điểm ông Donald Trump giành thắng lợi bầu cử, vẫn còn 6 tỷ đô la trong quỹ hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraina. Về mặt kỹ thuật, mọi thứ có thể sẽ không giao được hết từ đây đến ngày 20 tháng Giêng và với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Nhưng thông điệp đưa ra rất rõ ràng : Chính quyền Biden sẽ cung cấp mọi viện trợ có thể cho Ukraina để đưa nước này vào một vị thế tốt nhất nếu các cuộc đàm phán bắt đầu.
Thông điệp này được gởi đi vào lúc ông Donald Trump có cuộc thảo luận tại Paris với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Mỹ đắc cử chưa bao giờ giấu giếm rằng ông muốn kết thúc nhanh chóng chiến tranh, và ông nhận thấy sự hậu thuẫn này là quá tốn kém cho đất nước ông. Nhưng Donald Trump vẫn chưa chính thức nói rằng ông sẽ ngưng viện trợ. »
************
Công tố viên Hàn Quốc bắt cựu bộ trưởng quốc phòng vì vụ thiết quân luật
Các công tố viên Hàn Quốc hôm 8/12 đã bắt giữ một cựu bộ trưởng quốc phòng, người được cho là đã đề xuất lên Tổng thống Yoon Suk Yeol lệnh thiết quân luật ngắn ngủi nhưng gây sốc vào tuần trước, khiến ông trở thành nhân vật đầu tiên bị bắt giữ vì vụ này.
Diễn biến này xảy ra một ngày sau khi ông Yoon tránh được nỗ lực luận tội ông do phe đối lập khởi xướng tại quốc hội, với hầu hết các nhà lập pháp của đảng cầm quyền tẩy chay cuộc bỏ phiếu để ngăn chặn đa số hai phần ba cần thiết để đình chỉ quyền lực tổng thống.
Đảng Dân chủ đối lập chính cho biết sẽ chuẩn bị một động thái luận tội mới đối với ông Yoon.
Hôm 8/12, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã bị đưa tới một cơ sở giam giữ ở Seoul sau khi trải qua cuộc điều tra của các công tố viên, một quan chức thực thi pháp luật cho biết, yêu cầu được giấu tên theo các quy tắc về quyền riêng tư.
Quan chức này không đưa ra thêm thông tin chi tiết. Nhưng truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng ông Kim đã tự nguyện xuất hiện tại một văn phòng công tố Seoul, nơi ông bị tịch thu điện thoại di động và bị bắt giữ. Tin tức đưa rằng cảnh sát đã khám xét văn phòng trước đây và nơi ở của ông Kim hôm 8/12. Các cuộc gọi liên tục đến các văn phòng công tố Seoul và cơ quan cảnh sát đều không được trả lời.
Công tố viên cấp cao Park Se-hyun cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 8/12 rằng chính quyền đã thành lập một nhóm điều tra đặc biệt gồm 62 thành viên về vụ thiết quân luật. Ông Park, người sẽ đứng đầu nhóm, cho biết cuộc điều tra sẽ "không để lại bất kỳ nghi ngờ nào".
Ông Yoon đã chấp nhận đơn từ chức của ông Kim hôm 5/12 sau khi các đảng đối lập công bố một động thái luận tội riêng đối với ông.
Ông Kim là một nhân vật chính trong việc thực thi lệnh thiết quân luật của ông Yoon, dẫn đến việc lực lượng đặc nhiệm bao vây tòa nhà Quốc hội và trực thăng quân đội bay lượn trên khu vực đó.
Quân đội đã rút lui sau khi quốc hội nhất trí bỏ phiếu lật ngược sắc lệnh của ông Yoon, buộc nội các của ông phải dỡ bỏ thiết quân luật trước rạng sáng 4/12.
Trong văn bản luận tội ông Kim, Đảng Dân chủ và các đảng đối lập khác đã cáo buộc ông đề xuất thiết quân luật với ông Yoon. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kim Seon Ho nói với quốc hội rằng ông Kim Yong Hyun đã ra lệnh triển khai quân đội đến Quốc hội.
***********
Trump kêu gọi 'ngừng bắn ngay lập tức' ở Ukraine sau khi gặp ông Zelenskyy ở Paris
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/12 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, ngay sau cuộc họp tại Paris với các nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine, tuyên bố rằng Kyiv "muốn đạt được thỏa thuận" để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1.000 ngày.
Trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của mình, ông Trump tuyên bố rằng Moscow và Kyiv đều đã mất hàng trăm nghìn binh lính trong một cuộc chiến "đáng lẽ không bao giờ nên bắt đầu".
"Cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc đàm phán nên bắt đầu. Quá nhiều sinh mạng đang bị mất đi một cách vô ích, quá nhiều gia đình bị hủy hoại", ông nói, trong khi kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin hành động để chấm dứt cuộc chiến.
Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra sau cuộc họp hôm 7/12 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, mà sau đó ông Zelenskyy mô tả là "mang tính xây dựng".
Phát biểu với các phóng viên sau đó trong ngày, ông Zelenskyy nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào "phải công bằng" đối với người Ukraine, "để Nga và Putin hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác sẽ không có cơ hội quay trở lại".
Trong một cập nhật khác trên mạng xã hội hôm 8/12, ông Zelenskyy khẳng định rằng cho đến nay, Kyiv đã mất 43.000 binh sĩ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Moscow bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, trong khi 370.000 người khác bị thương.
Cả Nga và Ukraine đều miễn cưỡng công bố số liệu thương vong chính thức, nhưng các quan chức phương Tây nói rằng vài tháng qua, chiến sự khốc liệt ở miền đông Ukraine đã gây ra tổn thất kỷ lục cho cả hai bên, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và bị thương mỗi tháng.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã triệu tập một cuộc họp qua điện thoại với các phóng viên để trả lời về các bình luận của ông Trump.
Ông Peskov nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng các cuộc đàm phán phải dựa trên các thỏa thuận đạt được tại Istanbul năm 2022 và dựa trên thực tế hiện tại trên chiến trường, nơi các lực lượng Nga đang tiến lên với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu của cuộc chiến vào năm 2022.
Ông Putin đã nhiều lần nói rằng một thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa các nhà đàm phán Nga và Ukraine trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tại các cuộc đàm phán ở Istanbul, nhưng chưa bao giờ được thực hiện, có thể đóng vai trò là cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
***********
Lãnh đạo đối lập Syria kêu gọi thời gian chuyển tiếp 18 tháng trước cuộc bầu cử
Syria nên có thời gian chuyển tiếp 18 tháng để thiết lập "môi trường an toàn, trung lập và yên bình" cho các cuộc bầu cử tự do, ông Hadi Al-Bahra, người đứng đầu phe đối lập chính của Syria ở nước ngoài, nói với Reuters bên lề Diễn đàn Doha hôm 8/12.
Trong một khoảnh khắc chấn động đối với Trung Đông, quân nổi dậy Syria đã giành quyền kiểm soát Damascus hôm 8/12, buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải chạy trốn sau hơn 13 năm nội chiến, chấm dứt sự cai trị kéo dài hàng thập kỷ của gia đình ông.
Cuộc tấn công chớp nhoáng đã làm dấy lên mối lo ngại ở các thủ đô tại thế giới Ảrập và làm dấy lên nỗi lo về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực, cũng như đặt ra câu hỏi về việc liệu quân nổi dậy có thể đảm bảo quá trình chuyển tiếp có trật tự hay không.
Ông Al-Bahra, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria, nói rằng Syria nên soạn thảo hiến pháp trong vòng sáu tháng, mà theo đó, cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý.
"Hiến pháp sẽ nói rằng, chúng ta sẽ có hệ thống nghị viện, hệ thống tổng thống, hay hệ thống hỗn hợp? Và dựa trên điều này, chúng tôi sẽ tiến hành bầu cử và người dân sẽ chọn ra người lãnh đạo của mình", ông Al-Bahra nói.
Ông nói thêm rằng phe đối lập đã yêu cầu các công chức nhà nước tiếp tục báo cáo công việc cho đến khi chuyển giao quyền lực và đảm bảo với họ rằng họ sẽ không bị làm hại.
Việc ông Assad bị lật đổ nhanh chóng diễn ra sau sự thay đổi trong cán cân quyền lực ở Trung Đông, sau khi nhiều nhà lãnh đạo của nhóm Hezbollah của Lebanon mà Iran hậu thuẫn, một nhóm chính trong lực lượng chiến trường của ông Assad, đã bị Israel giết trong hai tháng qua.
Trong khi đó, Nga, đồng minh chủ chốt khác của ông Assad, đã tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine.
"Nó giống như hiệu ứng domino. Vì vậy, rõ ràng là (Assad) đã quyết định ra đi. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng cũng hơi buồn. Ông ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà ông ta đã gây ra", ông Al-Bahra nói.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.