![hoaluc-7 hoaluc-7](/images/file/mkI240UW3QgBAIxU/hoaluc-7.jpg)
Lý do giáo hoàng Phanxicô vắng mặt tại lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris luôn có mối liên hệ bền chặt với các đời giáo hoàng. Nhưng trong buổi lễ khánh thành trùng tu nhà thờ hôm nay, 07/12/2024, đức giáo hoàng Phanxicô, nay đã 88 tuổi sẽ vắng mặt. Một quyết định đã làm dấy lên nhiều thắc mắc.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
![Cính điện Nhà thờ Đức Bà Paris sau khi được trùng tu. Hình chụp ngày 29/11/2024.](https://s.rfi.fr/media/display/bc96a260-b170-11ef-943a-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP24334577050144%20%281%29.jpg)
Thông tín viên đài RFI, Eric Sénanque, từ Roma giải thích :
Sự vắng mặt của Ngài đã được bình luận rộng rãi, nhất là một tuần trước chuyến thăm đến đảo Corse, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không đến Paris để dự lễ mở cửa trở lại nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên, một thông điệp được viết bằng tay của ngài sẽ được Đức ông Migliore, sứ thần tòa thánh tại Paris, đọc vào tối nay. Vị giám chức người Ý nói với truyền thông của Vatican rằng, « nếu Đức Thánh Cha đến Paris để dự lễ khánh thành, ngài sẽ là ngôi sao của ngày hôm đó, nhưng ngài muốn rằng ngôi sao đó phải là Nhà thờ Đức Bà ».
Tại Roma, người ta không ngừng nhắc lại rằng vị giáo hoàng người Achentina ưu tiên đến thăm các vùng ngoại vi, nghĩa là những nước nghèo, còn số khác thì giải thích đó là vì mong muốn không bị công cụ hóa tại một buổi lễ cũng sẽ mang tính chính trị, như Emmanuel Macron mong muốn.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa Nhà thờ Đức Bà Paris với các đời giáo hoàng gần đây nhất vẫn bền chặt mà bằng chứng là quảng trường phía sau nhà thờ mang tên Giáo hoàng Gioan XXIII hay các chuyến thăm của Gioan Phaolô II năm 1980 hoặc Benedicto XVI vào năm 2008.
Thêm một giai thoại, đó là dưới chân Nhà thờ Đức Bà, một bức tượng bằng sáp giáo hoàng Phanxicô đã được khánh thành vào tháng 4/2015 trước khi được chuyển đến bảo tàng tượng sáp Grévin. Lễ khánh thành hôm nay sẽ được theo dõi từ Roma, tại giáo xứ Saint-Louis của kiều dân Pháp cùng sự có mặt của bà đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh.
************
Lãnh đạo hơn 30 nước tham dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris
Hôm nay, 07/12/2024, Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa trở lại sau 5 năm trùng tu kể từ vụ hỏa hoạn 2019. Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, thái tử Anh William, cùng hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tham dự lễ mở cửa trở lại công trình kiến trúc lịch sử này.
Vào lúc 18 giờ 20, tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân sẽ đón tiếp lãnh đạo các nước tham dự buổi lễ. Vì dự báo có gió mạnh tại vùng Paris, toàn bộ nghi thức dự kiến sẽ phải diễn ra bên trong nhà thờ, bao gồm bài diễn văn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mà về nguyên tắc phải được đọc tại quảng trường trước cửa nhà thờ, để bảo đảm nguyên tắc tách biệt Nhà nước và Giáo hội.
Vào lúc 19 giờ, tổng giám mục Paris Laurent Ulrich sẽ chính thức mở cửa nhà thờ. Trên đài France Info sáng hôm nay, tổng công trình sư trùng tu, ông Philippe Jost, tin tưởng các vị khách mời đầu tiên chắc chắn sẽ bất ngờ, và ông « rất hạnh phúc » khi « toàn thế giới » có cơ hội chứng kiến « thành tựu của nỗ lực tập thể và niềm tự hào của toàn nước Pháp ».
Nghi lễ chính thức gồm hai phần. Phần đầu tiên, mang tính thế tục, dành cho một bộ phim về công trình trùng tu nhà thờ, cuộc diễu hành của 160 lính cứu hỏa và những nghệ nhân ngành xây dựng, vũ khúc mang âm hưởng Địa Trung Hải « La passacaille » của Haendel do hai anh em nhạc sĩ cổ điển Renaud và Gautier Capuçon trình diễn, và kết thúc với bài diễn văn của tổng thống Macron.
Một tiêu điểm của buổi lễ « mở cửa trở lại » Nhà thờ Đức Bà là nghi thức « đánh thức cây đàn đại phong cầm » lớn nhất nước Pháp. Đàn không bị hỏng do hỏa hoạn, nhưng được tháo dỡ toàn bộ trước khi được lắp lại. Theo tổng giám mục Paris, đại phong cầm « sẽ được đánh thức bởi một nghi thức tuyệt đẹp, khép lại với bài thánh ca Ngợi Khen (Magnificat) ». Phần nghi lễ tôn giáo dự kiến kết thúc vào lúc 20 giờ 40.
An ninh được siết chặt tương tự với kỳ Thế Vận Hội. Theo sở cảnh sát, Paris được đặt trong tình trạng « báo động nguy cơ khủng bố rất cao ». Khoảng 6.000 cảnh sát và hiến binh được huy động.
Ngày mai, Nhà thờ Đức Bà sẽ mở cửa cho công chúng tham dự buổi thánh lễ đầu tiên vào lúc 18 giờ 30. Giấy vào cửa đã hết ngay sau khi mở đăng ký trên mạng, kể cả trong tuần lễ mở cửa đầu tiên tiếp theo. Theo tổng giám mục Paris, Laurent Ulrich, giai đoạn « mở cửa trở lại » Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ kéo dài sáu tháng, cho đến lễ Ngũ tuần, 08/06/2025.
************
Trục chống Mỹ đáng ngại, nhưng ‘không hành động chung một khối’
![Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington hôm 5/12/2024 rằng: “Chúng tôi không coi họ (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran) là một dạng liên minh bốn bên hay thứ gì đó tương tự”](https://gdb.voanews.com/2a272860-185c-40d3-84b5-fad0bfd67da0_w1023_r1_s.jpg)
Những kẻ thù nguy hiểm nhất của Washington có thể đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết, nhưng các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ cho rằng hiện tại, họ vẫn chưa hình thành được một liên minh chặt chẽ có thể chống lại Hoa Kỳ hiệu quả hơn.
Mối lo ngại giữa Hoa Kỳ và các đồng minh về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã tăng lên đều đặn kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 — được củng cố bởi thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh, Tehran và Bình Nhưỡng cung cấp cho Nga công nghệ, phi đạn, máy bay không người lái và kể cả quân đội cho nỗ lực chiến tranh.
Cựu chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm nay đã đi xa hơn khi mô tả mối quan hệ ngày càng tăng giữa bốn đối thủ của Hoa Kỳ là một “trục ma quỷ” mới ra đời.
Tuy nhiên, các quan chức tình báo Hoa Kỳ tin rằng trục này, theo một số cách, đã bị sa lầy bởi những thiếu sót của chính nó.
“Họ không hành động như một khối”, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines phát biểu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington hôm 5/12.
“Chúng tôi không coi họ là một dạng liên minh bốn bên hay thứ gì đó tương tự”, bà nói. “Chúng tôi không thấy họ có khả năng trở thành đồng minh theo cùng cách mà chúng tôi là đồng minh với các đối tác NATO của mình, ví dụ như — mức độ tương tác và hợp tác quân sự như vậy”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ vẫn coi trục này là mối quan ngại trên nhiều mặt trận.
Bà Haines nói sự hợp tác gia tăng giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã góp phần làm xói mòn thêm các chuẩn mực quốc tế xung quanh vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong khi Nga và Trung Quốc từng sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ và phương Tây về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, thì giờ đây Moscow và Bắc Kinh có vẻ như có xu hướng trao thêm quyền cho Iran và Triều Tiên.
“Phần lớn là do Nga hiện đang chịu ơn cả Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Iran ở một mức độ nào đó về vũ khí tiên tiến, đạn dược, những thứ mà họ cần trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine”, bà Haines cho biết.
“Họ ít có khả năng phản kháng hơn”, bà nói. “Và tất nhiên, chúng tôi đã theo dõi mức độ mà họ thực sự chấp nhận Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là một cường quốc vũ khí hạt nhân”.
Bà Haines nói sự hợp tác gia tăng giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã giúp cả bốn quốc gia này tránh được các chế tài.
Và bà cho biết thậm chí còn có một số dấu hiệu cho thấy Nga sẵn sàng hành động để Bắc Kinh vượt qua Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quan trọng.
“Họ sẵn sàng đưa ra nhiều điều khoản hơn với Trung Quốc để trao cho họ những thứ thực sự có thể giúp Trung Quốc vượt lên trong một số lĩnh vực công nghệ nhất định hoặc trong các không gian khác mà chúng ta quan tâm”, bà Haines nói.
Các đồng minh NATO của Washington đã đưa ra những cảnh báo tương tự trong những tháng gần đây. Một số quan chức NATO nói với VOA rằng trục này đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.
Sự phá hoại của Nga
Ngoài ra còn có những lo ngại về sự sẵn sàng của Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên tham gia vào cái gọi là hoạt động vùng xám.
Một đánh giá tình báo quốc gia Hoa Kỳ đã được giải mật được công bố vào tháng 7 đã cảnh báo rằng năm đến sáu năm tới “có khả năng sẽ có nhiều hành vi cưỡng ép và phá hoại thường xuyên hơn, đa dạng hơn và gây thiệt hại hơn — đặc biệt là của Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên — dưới mức cấu thành xung đột vũ trang nhưng nằm ngoài giới hạn của các hoạt động ngoại giao hợp pháp theo lịch sử.
Hôm 5/12, bà Haines nói các hoạt động vùng xám của Nga — bao gồm các nỗ lực phá hoại ở châu Âu — đã “gia tăng trên diện rộng”.
“Nga vừa đầu tư tiền bạc, nhân sự, nỗ lực đáng kể vào lĩnh vực này và sẽ tiếp tục làm như vậy”, bà nói. “Và mặc dù chúng ta đang cải thiện một chút trong việc phá vỡ một số hoạt động này, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta chắc chắn không ở mức khiến bất kỳ ai thực sự thoải mái”.
Chuyển giao quyền lực tổng thống Hoa Kỳ
Các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ cách các quốc gia khác đang hành xử khi Washington chuẩn bị cho Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
“Có một số bên đang cố gắng chuẩn bị sẵn sàng cho chính quyền tiếp theo,” bà Haines cho biết.
Bà nói các nhà phân tích tình báo đang chuẩn bị các phúc trình về hoạt động này để chia sẻ với chính quyền Trump sắp tới, cũng như để mắt đến khả năng một số quốc gia có thể tìm cách leo thang căng thẳng trong thời kỳ chuyển giao.
“Ví dụ, thông thường, Cộng hòa Dân chủ Nhân Triều Tiên sẽ tham gia vào một số hành động khiêu khích trong thời kỳ chuyển giao”, bà Haines nói. “Đây là một trong những điều kinh điển mà chúng tôi liên tục xem xét”.
************
Thứ trưởng Mexico: Nước này làm mọi điều có thể để giữ hiệp định thương mại với Mỹ, Canada
![Xe cộ và hàng hóa qua lại biên giới giữa Mexico và Mỹ.](https://gdb.voanews.com/668faf9c-4b14-4d03-bd3a-6a1ebc6f90bb_w1023_r1_s.jpg)
Mexico đang làm mọi điều có thể để bảo vệ hiệp định thương mại khu vực với Hoa Kỳ và Canada, thứ trưởng kinh tế của đất nước Mỹ Latinh này nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Sáu 6/12.
Ba quốc gia láng giềng và là đối tác thương mại lớn của nhau đã sa vào mâu thuẫn thương mại sau khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với hai nước ở phía bắc và nam nước Mỹ nếu họ không siết kiểm soát ma túy và di dân đi vào Mỹ.
Mexico đang giải quyết cả hai vấn đề đó để "có thể ngồi vào bàn đàm phán" mà không gặp trở ngại, ông Luis Rosendo Gutierrez nói với trang tin Inside U.S. Trade.
Kể từ khi ông Trump đe dọa áp thuế, Mexico đã tấn công chống hàng lậu từ châu Á đi vào nước này và nhà chức trách đã tịch thu một lượng fentanyl kỷ lục. Họ cũng đã tạm giữ hàng nghìn di dân, khẳng định sẽ ngăn chặn việc những người đó đi về phía bắc.
Các quan chức Mexico đã tiếp xúc với các đồng minh của ông Trump, ông Gutierrez nói thêm, mặc dù họ chưa gặp các quan chức của chính quyền mới. Chỉ có ngoại lệ là ông Jamieson Greer, người được ông Trump đề cử làm đại diện thương mại Mỹ, ông Gutierrez đã gặp ông Greer trước khi ông ấy được đề cử.
Ông Trump, cũng như một số nhà lãnh đạo các ngành công nghiệp Mỹ, đã cáo buộc Mexico là "cửa hậu" cho hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc, nhưng Mexico đã phủ nhận điều này.
Tuy nhiên, Mexico đang học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong việc sàng lọc các khoản đầu tư vào nước này, ông Gutierrez cho hay. Ông giải thích rằng Mexico đang nhắm đến xây dựng một quy trình tương tự như Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Hoa Kỳ.
Khi được hỏi liệu điều đó có ảnh hưởng gì không đến kế hoạch xây dựng nhà máy của hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD tại Mexico, ông Gutierrez trả lời rằng nước ông muốn "vận hành theo cùng một bộ quy định" giống như các đồng minh thương mại của mình.
Ông Trump đã đe dọa sẽ áp dụng mức thuế 100% "đối với mọi chiếc ô tô đi qua biên giới Mexico" để đáp trả các kế hoạch của BYD, mặc dù hãng sản xuất ô tô này đã nhiều lần tuyên bố rằng nhà máy của họ sẽ phục vụ thị trường địa phương chứ không phải Hoa Kỳ.
Ông Gutierrez nói Mexico đang cân nhắc việc đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành chế tạo, đồng thời cho hay Mexico có thể sản xuất pin mà Hoa Kỳ muốn sản xuất ở trong khu vực.
********
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày:
![Tin tổng hợp.](https://s.rfi.fr/media/display/1ad4a992-10bf-11ea-b607-005056a99247/w:980/p:16x9/vf-missing-image.png)
(AFP) - Bắc Kinh cảnh cáo Đài Loan : Mọi ý đồ đòi độc lập, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đều dẫn đến thất bại. Hôm nay 06/12/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố như trên để đáp trả việc tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức, đang công du các đảo quốc Thái Bình Dương, bày tỏ tin tưởng vào quan hệ giữa Đài Bắc với tân chính quyền của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Hôm qua, ông Lâm Kiếm cũng đã thúc giục Washington ngưng gửi đi các tín hiệu xấu cho « những lực lượng Đài Loan đòi độc lập », sau cuộc gọi điện đàm của tổng thống Đài Loan với chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson.
(AFP) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ họp báo tổng kết năm vào ngày 19/12/2024. Theo thông báo hôm nay 06/12/2024 của điện Kremlin, các nhà báo Nga và nước ngoài sẽ được mời. Nguyên thủ Nga sẽ trả lời các câu hỏi của giới báo chí, kể cả các nhà báo phương Tây và các công dân Nga, bất kể đó là các vấn đề địa chính trị, trấn áp trong nước, các vấn đề về cơ hơ tạ tầng ở các địa phương, thậm chí các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc họp báo sẽ được phát trên truyền hình.
(AFP) - Đại sứ quán Trung Quốc khuyến cáo công dân rời khỏi Syria càng nhanh càng tốt và theo đường hàng không. Hôm qua 05/12/2024, trên mạng WeChat, đại sứ quán Trung Quốc tại Syria lý giải là tình hình an ninh đang xấu đi. Hôm qua 05/12, các lực lượng phiến quân đã chiếm quyền kiểm soát thành phố Hama, miền trung Syria. Những ai ở lại Syria có thể phải đối mặt với những nguy cơ mất an ninh cực kỳ cao và cứu trợ sẽ đến rất chậm.
(AFP) - Hoa Kỳ : Donald Trump bổ nhiệm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Hôm nay, 06/12/2024, tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ bổ nhiệm ông David Perdue, cựu thượng nghị sĩ bang Georgia, làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Trump kỳ vọng ông Perdue, 74 tuổi, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc « duy trì hòa bình khu vực và thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh », dù trước đó ông Trump đã đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Cùng ngày, ông Trump cũng bổ nhiệm ông David Sacks, một doanh nhân giàu có và thân cận của Elon Musk, làm cố vấn Nhà Trắng về trí tuệ nhân tạo (AI) và tiền điện tử. Ông Sacks sẽ có trách nhiệm xây dựng khung pháp lý hỗ trợ ngành tiền điện tử và thúc đẩy Mỹ trở thành « thủ đô toàn cầu » trong lĩnh vực này.
(South China Morning Post) - Trung Quốc và 18 nước vùng Vịnh Guinée ở châu Phi họp thượng đỉnh nhằm thúc đẩy hiện diện quân sự của Bắc Kinh tại châu Phi. Diễn đàn an ninh vùng Vịnh Guinée, diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc, từ ngày 03/12 và kết thúc vào hôm nay, 06/12/2024, được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác hàng hải. Diễn đàn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối phó với các mối đe dọa như cướp biển, buôn lậu và đánh bắt cá trái phép, đồng thời thảo luận về hợp tác an ninh Trung Quốc - châu Phi để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang mở rộng hiện diện quân sự tại châu Phi để bảo vệ lợi ích thương mại và vận tải, nhưng việc này có thể gây căng thẳng địa chính trị và ảnh hưởng đến các nỗ lực hợp tác an ninh khu vực.
(AFP) - Trung Quốc sẽ vận chuyển pin lithium-ion sang châu Âu qua tuyến đường Kazakhstan, tránh Nga. Hôm nay, 06/12/2024, chính quyền Kazakhstan thông báo sẽ bắt đầu vận chuyển pin lithium-ion từ Trung Quốc sang châu Âu thông qua tuyến giao thương mới, để tránh qua Nga. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đối phó với những ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraina và các lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo bộ Giao thông Kazakhstan, Trung Quốc và Kazakhstan đã thống nhất khởi động một đoàn vận chuyển thử nghiệm vào tháng 12, chuyên chở pin lithium-ion – loại vật liệu thiết yếu cho ngành công nghiệp xe điện. Tuyến vận chuyển này nằm trong chiến lược phát triển « hành lang trung tâm » qua Trung Á, biển Caspi, vùng Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ, và châu Âu.
***********
Nội chiến tại Syria : Liệu Nga có sẽ bỏ rơi Bachar Al Assad ?
Tại Syria, lực lượng nổi dậy tiếp tục đà tiến. Sau khi chiếm được Aleppo và thành phố chiến lược Hama, lực lượng nổi dậy, tập hợp các nhóm Hồi giáo cực đoan, hôm nay, 05/12/2024, đã tiến gần đến thành phố Homs, rào cản cuối cùng để đến thủ đô Damas. Bị sa lầy tại Ukraina, Nga không dễ dàng chi viện quân sự cho chế độ Bachar Al Assad. Nhưng điện Kremlin cũng khó thể bỏ rơi đồng minh chiến lược Trung Đông.
Đăng ngày:
Matxcơva đang trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về việc Nga có thể hỗ trợ đồng minh Syria như đã từng làm hồi năm 2016. Trang The Interpreter, Viện Lowy của Úc, nhận định lý do đầu tiên là Nga không còn có thể trông cậy vào tập đoàn Wagner, nhóm lính đánh thuê từng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích của điện Kremlin tại Syria trong quá khứ.
Thứ hai, bị sa lầy tại Ukraina, Nga cũng không thể gởi quân tiếp viện cho đội ngũ binh sĩ hiện đang trú đóng tại Syria. Theo ước tính ( do số liệu chính thức chưa bao giờ được công bố), Nga duy trì từ năm 2016 khoảng từ 2.000 – 4.000 binh sĩ tại Syria. Số lính đánh thuê như từ tập đoàn Wagner gần như tương đương vào thời điểm đó. Chiến lược Nga đưa ra lúc bấy giờ là « lực lượng dân quân Syria, Iran và Hezbollah chiến đấu, quân đội Nga chỉ hỗ trợ. »
Ông Pavel Luzin, một chuyên gia về quân đội Nga, được Deutsche Welle trích dẫn, lưu ý Matxcơva sẽ rất khó gia tăng viện trợ cho Assad mà « không làm suy yếu quân đội Nga tại Ukraina ». Hiện tại, việc duy nhất mà Nga hỗ trợ chế độ Damas là oanh kích vào các vị trí của phe nổi dậy.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả của các cuộc oanh kích này, do có nhiều thông tin rằng Nga đã rút đi một số máy bay chiến đấu, và nhiều hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển đến cảng của Nga gần bán đảo Crimée. Điều ngạc nhiên nhất là sự thiếu vắng nhiều máy bay trinh sát (IL-20) và chỉ huy (A-50) tại căn cứ không quân Khmeimim ở Lattaquié.
Hiện tượng này cũng diễn ra tại căn cứ hải quân Tartous. Nhiều tầu chiến của Nga, được triển khai ở đây, đã rời căn cứ những ngày gần đây. Rồi binh sĩ Syria đã được tập hợp và di chuyển từ các vị trí nhỏ hơn đến các căn cứ lớn hơn. Những chuyển dịch quân sự này đã làm dấy lên nhiều lời đồn thổi về việc Nga đang triệt thoái một phần lực lượng ra khỏi khu vực.
Trang Geo của Pháp nhắc lại, sau khi giúp Syria chiếm lại thành phố Aleppo và nhiều vùng khác từ tay quân thánh chiến hồi năm 2016, Nga đã ký kết hợp đồng thuê hai căn cứ quân sự trên của Syria với thời hạn là 49 năm.
Liệu Nga có để mất hai căn cứ quân sự này hay không, những cánh cửa ngỏ cho Nga đặt chân tại vùng nước ấm Địa Trung Hải, để đối phó với sườn phía nam của NATO, và cũng là bệ phóng để Nga mở rộng ảnh hưởng ra vùng Trung Đông và châu Phi ?
Theo nhiều nhà quan sát được Deutsch Welle trích dẫn, nếu như Ukraina vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nga, thì đây có lẽ sẽ là một sai lầm nếu tổng thống Putin bỏ rơi đồng minh Bachar Al Assad. Đối với điện Kremlin, Syria có một vị trí quan trọng trong việc duy trì hình ảnh siêu cường của Nga. Sau thất bại của phương Tây khi can thiệp vào Irak và Libya, Nga muốn thể hiện là một nhân tố ổn định trong khu vực và đã thành công khẳng định vị thế của mình.
Tuy nhiên, cuộc tấn công của phe nổi dậy đặt Matxcơva trong một thế khó. Danh tiếng của Nga có nguy cơ bị tổn hại trên trường quốc tế nếu không bảo vệ được đồng minh. Giờ đây, ông Bachar Al Assad, người luôn trung thành với điện Kremlin, dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động chơi lá bài Iran. Nếu như Teheran giúp Damas ổn định được tình hình và chiếm lại Aleppo, Nga có nhiều nguy cơ mất Syria vào tay Iran.
Trong bối cảnh này, dường như Matxcơva đang thúc tiến con đường ngoại giao, tìm cách liên lạc với các cường quốc có liên quan là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhà phương Đông học Ruslan Suleimanov, trả lời DW, cảnh báo, « đây sẽ là những cuộc đàm phán rất khó khăn và mệt mỏi cho điện Kremlin, vốn đang dành nhiều tâm trí, sức lực và nguồn lực vào mặt trận Ukraina ! »
**********
Ba Lan dọa đóng cửa tất cả lãnh sự quán Nga
Căng thẳng giữa Ba Lan và Nga lại gia tăng trên mặt trận ngoại giao. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski hôm 05/12/2024 tuyên bố Vacxava sẵn sàng đóng cửa mọi lãnh sự quán của Nga ở Ba Lan nếu như Matxcơva không chấm dứt các hành vi « phá hoại » và « khủng bố ».
Đăng ngày:
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã tuyên bố như trên với báo giới sau khi có thông tin Nga đóng cửa lãnh sự quán của Ba Lan tại St-Petersbourg để đáp trả việc lãnh sự quán của Nga tại Poznan bị Ba Lan đóng cửa hôm 30/11.
Từ Vacsava, thông tín viên Adrien Sarlat giải thích :
« Ngoại trưởng Ba Lan nói : « Chúng tôi đón nhận quyết định này với lòng tự trọng nhưng một cách bàng quan, bởi vì quyết định này đã có thể được đoán trước ».
Lãnh sự quán Ba Lan ở St Petersburg phải đóng cửa và 3 nhà ngoại giao bị xem là những người "không được hoan nghênh" tại Nga. Thông báo của Điện Kremlin rõ ràng gây ra một sự cố ngoại giao.
Trong thông cáo, Matxcơva nhắc đây là phản ứng đối với việc Ba Lan đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Poznan, có hiệu lực từ thứ Bảy tuần trước. Nhưng về phía Ba Lan, ngoại trưởng Radoslaw Sikorski xem đó là sự lý giải không thể chấp nhận được.
Ông phát biểu : " Nga không có quyền làm như vậy bởi vì việc đóng cửa lãnh sự quán Nga ở Poznan là phản ứng đáp lại các hành vi phá hoại ở Ba Lan và ở các nước đồng minh. Những hành vi phá hoại đó đều là các tội ác, rất may là chưa có nạn nhân. Nhưng tất cả mọi người đều biết là những việc này có liên quan đến Nga".
Từ 2 năm nay, Matxcơva vẫn tố cáo « những hành vi thù địch của Ba Lan », trong khi đó Vacxava cáo buộc Nga về những hoạt động gián điệp và những vụ tấn công mạng thường xuyên.
Là đồng minh lớn của Ukraina, Ba Lan đang đề nghị các nước đồng minh châu Âu có phản ứng cứng rắn chống chủ nghĩa đế quốc Nga. Cùng với các nước vùng Baltic, Ba Lan lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga nếu Kiev thất thủ ».
***********
Chuyên gia: Không hợp lý khi giải thích "sét đánh trúng kíp nổ điện" khiến 12 quân nhân thương vong
![Chuyên gia: Không hợp lý khi giải thích "sét đánh trúng kíp nổ điện" khiến 12 quân nhân thương vong Chuyên gia: Không hợp lý khi giải thích "sét đánh trúng kíp nổ điện" khiến 12 quân nhân thương vong](https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/unreasonable-to-explain-that-lightning-struck-an-electric-detonator-causing-12-casualties-12052024064028.html/@@images/730d90e4-9854-4717-a793-c3a52fb89647.png)
Quân đội giải thích vụ nổ bất ngờ trong cuộc Diễn tập phòng thủ khu vực Quân khu 7 (PT-24) vừa qua khiến 12 quân nhân thiệt mạng là do sét đánh trúng kíp nổ, tuy nhiên, chuyên gia không đồng tình với cách giải thích này.
Trong khi chia sẻ sự mất mát với gia đình của những quân nhân bị thương vong trong sự cố khi diễn tập vào tối 2/12, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về nguyên nhân của vụ việc và đề nghị quy trách nhiệm cho những lãnh đạo quân đội tham gia.
Ông Vũ Minh Trí, cựu cán bộ của Tổng cục Tình báo Quân đội, là kĩ sư cơ khí chuyên dùng (súng, pháo) của Học viện Kĩ thuật Quân sự nói trong tin nhắn gửi RFA vào ngày 05/12:
“Trong quân đội, quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng cháy nổ là rất nghiêm ngặt. Vụ này có thương vong lớn về người. Ngay cả khi bị sét đánh là thật thì vẫn phải truy tố các cấp chỉ huy có liên quan.”
Theo ông, phía quân đội đổ hết cho nguyên nhân khách quan, trong khi về nguyên tắc - mọi sai lầm và khuyết điểm phần lớn bắt đầu từ nguyên nhân chủ quan.
Thượng úy Lê Văn Thương - cựu Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Quân đoàn 3 thuộc QĐND Việt Nam (đã giải ngũ) cho rằng, giải thích ban đầu của Quân khu 7 về nguyên nhân của sự cố là "hoàn toàn bịa đặt" nhằm che dấu sự yếu kém của quân đội.
Trong tin nhắn với phóng viên, ông khẳng định nguyên tắc khi vận chuyển vật liệu nổ là chia riêng rẽ thuốc nổ và kíp nổ, không vận chuyển chung, khi thực hành mới thao tác lắp vào.
Ngoài ra, tất cả các loại đạn dược, thuốc nổ, kíp nổ đều được bọc gói vô cùng cẩn thận, được đánh số lô, liều kỹ lưỡng và đựng trong thùng gỗ thông pallet rất cẩn mật. Ông nói thêm:
"Khi vận chuyển đạn dược, thuốc nổ ra trận địa là các xe vận tải chuyên dụng của quân đội được phủ phông bạt rất dày, mà phông bạt không phải là chất dẫn điện hoặc thu sét nên không có chuyện sét đánh trúng xe, và thuốc nổ thì càng không phải là vật thu sét."
Với kinh nghiệm của mình ông cho rằng, nguyên nhân thực chất có thể do công tác huấn luyện yếu kém, bốc xếp thuốc nổ vào hầm không đúng quy định và thao tác yếu kém dẫn đến nổ nguyên một hầm thuốc nổ trong lúc bộ đội đang tập trung.
**********
Đắk Lắk: Hai mục sư Tin Lành độc lập bị bắn vào chân nghi do hoạt động tôn giáo
Ít nhất hai mục sư người Êđê quản nhiệm các hội thánh Tin Lành tư gia độc lập ở tỉnh Đắk Lắk đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công bằng súng trong những tháng gần đây.
Mục sư Y Hưng Ayun bị bắn đạn cao su vào đầu gối
Mục sư Y Hưng Ayun (sinh năm 1962), quản nhiệm Hội Thánh tư gia độc lập ở buôn Tara Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, bị bắn vào đầu gối trong chiều ngày 1/12 khi đang chạy xe máy về nhà.
Theo lời ông kể, hai người đi xe máy trùm kín mặt áp sát ông trên con đường dẫn vào buôn. Người ngồi sau rút súng ngắn bắn đạn cao su nã hai phát liên tiếp vào đầu gối trái của ông rồi chạy mất.
Vụ tấn công làm cho ông Y Hưng bị bầm tím ở gối. Ông khẳng định bản thân không có mâu thuẫn với ai. Ông nói với RFA trong ngày 05/12:
“Họ nhắm vào tôi để cảnh cáo tôi phải biết con đường rút lui, là quay về Hội Thánh Tin Lành Nam Việt Nam.”
Ông Y Hưng không trình báo vụ việc với công an địa phương. Một ngày sau, công an đến nhà “để hỏi thăm” nhưng ông đi vắng.
Ông từng đi tù 9 năm về tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.” Sau khi hết hạn quản chế, năm 2017, ông đi học lớp mục vụ quản nhiệm và mới trở thành mục sư.
Ông Y Hưng nói trong nhiều năm qua, ông bị công an địa phương theo dõi sát sao. Ngoài việc bị gắn camera an ninh theo dõi xung quanh nhà, ông còn bị buộc phải báo cáo khi đi xa cho dù ông đã hết án quản chế.
Mục sư Y Phô Êban bị bắn vào chân
Hôm 25/9, mục sư Y Phô Êban (sinh năm 1967), quản nhiệm Hội Thánh tư gia độc lập ở buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana cũng bị bắn vào chân phải trong khi đang cắt cỏ ở rẫy cà phê của gia đình.
Vết thương khiến ông chảy nhiều máu, tạo ra một lỗ sâu và gây mẻ xương ống chân. Ông được gia đình đưa đi bệnh viện phẫu thuật gắp đầu đạn ra và giờ vẫn chưa đi lại được.
Theo lời ông, ngày hôm đó có ba người mặc quần áo rằn ri tiếp cận và nói chuyện với ông bằng tiếng Kinh, nói họ đi bắt chồn ở vườn cà phê. Sau đó, khi đang làm việc bình thường thì ông bị bắn và ngã xuống mà không biết thủ phạm.
Ông Y Phô, cha của nhà hoạt động Y Quynh Bdap, cũng không trình báo chính quyền địa phương về vụ tấn công này. Ông giải thích:
“Họ ghét mình bởi vì mình thờ phượng tư gia, họ cấm tuyệt đối, họ nói là không cho các anh tụ tập. Mỗi lần nó mời lên xã là nó nói đòi xử lý mình, nhà này. Nó nói như vậy đấy.”
Ông bày tỏ nghi ngờ việc mình bị bắn có liên quan đến việc ông đứng đầu nhóm Tin Lành tư gia độc lập với 200 tín đồ ở buôn.
Ông nói hai tuần trước vụ việc, công an huyện mời năm tín đồ lên để doạ, buộc họ không được đến nhà ông để cầu nguyện vì “ông là kẻ xấu và sắp bị bắt.” Sau đó, công an định mời nhiều tín đồ khác lên nhưng ông bảo họ không đi vì “giấy mời chỉ có con dấu, không có chữ ký.”
***********
Thặng dư cao với Mỹ, Việt Nam có thể bị chính quyền Trump áp thuế
![Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc có nhà máy hoạt động ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ](https://gdb.voanews.com/09690000-0a00-0242-4473-08da7624e7ee_cx0_cy2_cw0_w1023_r1_s.jpg)
Việt Nam dễ trở thành mục tiêu thuế quan tiếp theo của chính quyền Trump khi dữ liệu cho thấy thặng dư thương mại của nước này với Mỹ tăng lên, các giám đốc và phân tích gia trong ngành cho biết.
Việt Nam là nơi các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ như Apple, Google, Nike và Intel có nhiều hoạt động. Nước này có thặng dư thương mại với Mỹ lớn thứ tư, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico.
Dữ liệu thương mại của Mỹ được công bố hôm 5/12 cho thấy thâm hụt của họ với Việt Nam đạt 102 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm nay, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.
“Đối với ông Trump, thước đo chính là thâm hụt thương mại, và con số của Việt Nam là không tốt,” Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại châu Á, cho biết.
“Việt Nam là một ứng cử viên lý tưởng để hành động sớm vì họ không thể trả đũa dễ dàng,” bà nói.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn sẽ nhậm chức vào tháng Một, đe dọa đánh thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình.
Con trai ông, Eric, một cố vấn hàng đầu, đã nêu tên Việt Nam trong số các nước ‘lợi dụng’ Mỹ, theo một video được chiếu vào tuần trước tại một hội nghị kinh doanh ở Hà Nội do các phòng thương mại Mỹ tổ chức.
Tại sự kiện này, một số doanh nhân và đại diện hiệp hội thương mại bày tỏ lo ngại về khả năng áp thuế đối với Việt Nam.
“Thuế quan mới là một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam,” ông Hong Sun, người đứng đầu phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Samsung Electronics là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh và thiết bị điện tử lớn từ Việt Nam sang Mỹ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu của Reuters bình luận về khả năng áp thuế, nhưng các quan chức Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi Washington duy trì dòng chảy giao thương thông suốt.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy Việt Nam có thể phải đối mặt với thuế quan của Mỹ, ông Trump đã chọn Peter Navarro làm cố vấn cấp cao cho ông về thương mại và sản xuất.
Ông Navarro cho biết thuế quan áp lên Việt Nam sẽ rất có tác dụng trong cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, như đã đề cập trong Dự án 2025 vốn được nhiều nhà hoạch định chính sách ở Washington coi là kim chỉ nam cho chính quyền mới của ông Trump.
“Navarro là một chuyên gia nổi tiếng dưới thời chính quyền Trump về việc tăng quy mô của ngành sản xuất Mỹ, áp đặt thuế quan cao và đưa chuỗi cung ứng toàn cầu về Mỹ,” ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết.
Việt Nam được hưởng lợi từ các rào cản thương mại mà ông Trump áp đặt lên Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khiến các hãng xưởng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Với gần 1/3 xuất khẩu của Việt Nam hiện hướng tới Mỹ, nước này sẽ cần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và linh kiện để xua tan những lo ngại về việc nước họ chỉ được sử dụng làm địa điểm lắp ráp các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, ông Hùng nói.
Nước này có thể làm giảm phần nào thặng dư thương mại lớn với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thuốc men và máy bay, các quan chức cho biết.
Tuy nhiên, không rõ liệu chính quyền Việt Nam có ủng hộ các biện pháp này hay không và giá trị chúng sẽ lớn đến mức nào.
“Tôi không nghĩ Việt Nam đang trong hoàn cảnh có mua hàng của Mỹ nhanh và đủ” để giảm thặng dư đáng kể, ông Elms ở Quỹ Hinrch nhận định.
***********
Bất chấp lời kêu gọi từ chức, Tổng thống Macron cố gắng tìm thủ tướng mới
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 6/12 đã bắt đầu nỗ lực mới nhất để tìm kiếm thủ tướng khi đảng Xã hội trung tả báo hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia một liên minh chính phủ rộng lớn, làm dấy lên căng thẳng bên trong khối cánh tả ngày càng mong manh.
Ông Macron trong tuần này đã bác bỏ yêu cầu từ chức để xử lý cuộc khủng hoảng chính trị của Pháp, nói rằng Thủ tướng bảo thủ Michel Barnier đã bị ‘mặt trận chống cộng hòa’ của phe cực hữu và cực tả đẩy ra khỏi chức vụ.
“Chúng tôi đến để nói rằng chúng tôi muốn có các chính sách cánh tả với một thủ tướng cánh tả và đây là thông điệp mà ông ấy (Macron) cần hiểu vào lúc này sau khi ông ấy chọn Michel Barnier,” Chủ tịch Đảng Xã hội Olivier Faure nói sau cuộc gặp với tổng thống.
Trong dấu hiệu cho thấy chiều hướng chính trị đang thay đổi, ông Faure cho biết ông sẵn sàng ủng hộ một chính phủ rộng lớn hơn vì ‘mọi người có thể thấy’ bế tắc chính trị hiện tại đang gây hại cho nước Pháp, nhưng cũng nói thêm rằng ông không thể làm việc với một thủ tướng cánh hữu khác ‘trong bất kỳ hoàn cảnh nào’.
Tìm cách thoát khỏi thế bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử sớm hồi mùa hè này, các đồng minh của ông Macron đã cố gắng trong nhiều tháng để chia rẽ giữa liên minh cánh tả là Mặt trận Bình dân Mới (NFP), thúc giục Đảng xã hội cắt đứt quan hệ với đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) có lập trường cấp tiến hơn.
Jean-Luc Melenchon, nhà lãnh đạo quyết liệt của LFI, đã chỉ trích ông Faure vì đã nói chuyện với tổng thống, viết trên mạng xã hội rằng: “Không có điều gì mà ông ấy đang làm là nhân danh chúng tôi hoặc nhân danh Mặt trận NFP.”
Trong bài phát biểu vào giờ vàng hôm 5/12, ông Macron cho biết ông sẽ công bố một thủ tướng mới trong những ngày tới để thay thế ông Barnier, vốn vừa bị lật đổ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm bởi các nghị sỹ tức giận vì dự luật ngân sách năm 2025 mà ông trình ra vốn chủ trương thắt lưng buộc bụng.
Nhưng vẫn còn phải xem làm thế nào ông Macron có thể tập hợp đủ ủng hộ trong Quốc hội để thông qua ngân sách, hoặc bổ nhiệm một thủ tướng có thể trụ được lâu.
Thâm hụt ngân sách của Pháp đã tăng lên trong năm nay, gây lo lắng cho thị trường tài chính, nhưng nếu kế hoạch kiểm soát thâm hụt ngân sách không thông qua được sẽ khiến chi phí đi vay của Pháp sẽ tăng cao hơn nữa.
Phe Xã hội, đảng cánh tả ôn hòa với 66 ghế trong Quốc hội, đã bỏ phiếu lật đổ ông Barnier trong tuần này, nhưng phe này có thể nổi lên như phe quyết định ai sẽ trở thành thủ tướng.
Nếu ông Macron có thể giành được sự hậu thuẫn của họ, một thủ tướng mới có thể sẽ giành đủ thế đa số để chặn các động thái bỏ phiếm bất tín nhiệm từ Đảng Tập hợp Dân tộc cực hữu của bà Marine Le Pen và các thành phần cánh tả khác.
Ông Faure nói rằng Macron cũng nên tìm cách tranh thủ Đảng Xanh và Đảng Cộng sản.
Tổng thống Macron, vốn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị của Pháp hồi tháng 6 bằng cách tuyên bố bầu cử sớm vốn đã khiến Quốc hội Pháp lâm vào tình thế treo, đã tỏ thái độ thách thức trong bài diễn văn trước quốc dân hôm 5/12.
“Tôi biết rõ rằng một số người muốn đổ lỗi cho tôi về điều này, làm vậy dễ chịu hơn nhiều,” ông nói.
Nhưng ông nói rằng ông sẽ ‘không bao giờ lãnh trách nhiệm’ của các nghị sỹ vốn đã quyết định lật đổ chính phủ của ông Michel Barnier chỉ vài ngày trước Lễ Giáng sinh. Động lực duy nhất của họ, ông nói thêm, là cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.
Chính phủ tiếp theo sẽ theo đuổi dự luật ngân sách năm 2025 vào đầu năm mới, ông nói, để ‘người dân Pháp không phải trả giả cho kiến việc bỏ bất tín nhiệm này’.
***********
Putin nói có thể triển khai tên lửa siêu thanh Oreshnik ở Belarus
![Tổng thống Nga Putin đã hạ thấp ngưỡng cho phép sử dụng vũ khí hạ nhân](https://gdb.voanews.com/77776b10-45f8-44a1-87ed-8bad55cbb73e_w1023_r1_s.jpg)
Tổng thống Vladimir Putin hôm 6/12 cho biết rằng Nga có thể triển khai tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mới trên lãnh thổ của đồng minh Belarus vào nửa cuối năm tới.
Ông Putin lúc đó đang phản hồi yêu cầu của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại một hội nghị thượng đỉnh ở Minsk, nơi hai nhà lãnh đạo đã ký một hiệp ước phòng thủ chung.
“... vì hôm nay chúng tôi đã ký một thỏa thuận về đảm bảo an ninh bằng cách sử dụng tất cả các lực lượng và phương tiện sẵn có, tôi cho rằng việc triển khai các hệ thống như Oreshnik trên lãnh thổ Cộng hòa Belarus là khả thi”, ông Putin nói.
“Tôi nghĩ điều này sẽ trở nên khả thi vào nửa cuối năm tới, khi Nga tăng cường sản xuất hàng loạt các hệ thống này và khi các hệ thống tên lửa này được đưa vào sử dụng cho các lực lượng chiến lược của Nga,” ông nói thêm trong bài phát biểu qua truyền hình.
Nga lần đầu tiên bắn tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11, hành động mà ông Putin xem là phản ứng đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACM của Mỹ và Storm Shadow của Anh để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với sự cho phép của phương Tây.
Ông Putin cho biết Nga có thể sử dụng tên lửa Oreshnik một lần nữa, bao gồm tấn công ‘các trung tâm đầu não ra quyết định’ ở Kyiv, nếu Ukraine tiếp tục tấn công Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với nhà báo Mỹ Tucker Carlson trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào cuối ngày 5/12 rằng việc Moscow phóng tên lửa Oreshnik là tín hiệu cho thấy phương Tây cần phải xem xét nghiêm túc.
Ông Putin đã khoe rằng Oreshnik là không thể đánh chặn và nó có sức hủy diệt tương đương với vũ khí hạt nhân, ngay cả khi được trang bị đầu đạn thông thường.
Một số chuyên gia phương Tây đã nghi ngờ tuyên bố này của ông Putin về tên lửa này, mà họ cho là dựa trên một hệ thống mà Nga đã từng thử nghiệm như vũ khí liên lục địa trước khi trì hoãn phát triển nó thêm.
Các chuyên gia cho biết tính năng mới của Oreshnik là nó mang nhiều đầu đạn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu đồng thời – vốn thường đặc trưng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa.
Hôm 6/12, ông Putin nói với ông Lukashenko rằng Belarus – quốc gia có chung biên giới với các thành viên NATO Ba Lan, Latvia và Lítva – sẽ xác định các mục tiêu cho các tên lửa Oreshnik đặt trên lãnh thổ của họ.
Ông Putin cho biết hiệp ước phòng thủ chung mới ‘sẽ giúp bảo vệ an ninh của Nga và Belarus một cách đáng tin cậy’, hãng tin nhà nước TASS đưa tin.
Tháng trước, ông Putin đã thông qua những thay đổi hạ thấp ngưỡng cho phép thực hiện tấn công hạt nhân để đáp trả phạm vi rộng hơn các cuộc tấn công thông thường và mở rộng chiếc ô hạt nhân của Moscow để gồm luôn Belarus.
Vũ khí hạt nhân đã được rút khỏi Belarus sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhưng ông Putin đã tuyên bố hồi năm ngoái rằng Nga đang bố trí tên lửa hạt nhân chiến thuật ở đó như là biện pháp răn đe phương Tây.
Tổng thống Lukashenko từng phát biểu hồi tháng 10 rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào Nga triển khai ở Belarus phải cần có sự đồng ý cá nhân của ông.
************
IAEA: Iran ‘tăng mạnh’ mức làm giàu uranium lên gần cấp độ chế bom
![Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 6/12/2024 nói Iran đang tăng “mạnh” việc làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết, gần bằng khoảng 90% cấp độ vũ khí.](https://gdb.voanews.com/b88b5736-c42e-43dd-a59b-8e237c0ec492_w1023_r1_s.jpg)
Iran đang tăng “mạnh” việc làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết, gần bằng khoảng 90% cấp độ vũ khí, mà nước này có thể sản xuất, Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết.
Động thái này chắc chắn sẽ gây ra sự báo động lớn hơn nữa ở các thủ đô phương Tây vốn đã lập luận rằng không có lý do dân sự nào biện minh cho động thái làm giàu uranium của Iran ở mức độ đó vì không có quốc gia nào khác làm như vậy mà không sản xuất bom hạt nhân, điều mà Iran phủ nhận đang theo đuổi.
Theo tiêu chuẩn của IAEA, Iran đã có đủ vật liệu làm giàu uranium lên đến 60%, kho dự trữ được làm giàu cao nhất của nước này, về nguyên tắc là đủ cho bốn vũ khí hạt nhân nếu họ làm giàu thêm nữa.
“Hôm nay, cơ quan này thông báo rằng năng lực sản xuất đang tăng đáng kể trong kho dự trữ 60%”, Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế Grossi phát biểu bên lề hội nghị an ninh Đối thoại Manama tại thủ đô Bahrain.
Ông nói thêm rằng năng lực này sẽ tăng lên “gấp bảy, tám lần, có thể, hoặc thậm chí nhiều hơn” so với mức trước đây là 5-7 kg một tháng.
Sự leo thang diễn ra chỉ một tuần sau khi các quan chức châu Âu và Iran không mấy đạt được tiến triển trong các cuộc họp về việc liệu họ có thể tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân gây tranh cãi hay không, trước khi ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 1/2025.
Tehran đã tức giận về một nghị quyết do Anh, Đức và Pháp đưa ra vào tháng trước, được gọi là E3, chỉ trích Iran vì hợp tác kém với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc.
Ông Trump, người mà sau khi rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới đã theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” nhằm siết kinh tế Iran, đang bổ nhiệm chính quyền mới của mình với những người theo đường lối cứng rắn đối với Iran.
Động thái ngày 6/12 cũng là một bước lùi đối với ông Grossi vì ông đã nói sau chuyến đi tới Iran vào tháng 11 rằng Tehran đã chấp nhận “yêu cầu” của ông về việc giới hạn lượng uranium làm giàu ở mức 60% để giảm bớt căng thẳng ngoại giao, gọi đó là “một bước đi cụ thể theo đúng hướng”.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết vào thời điểm đó, bước đi của Iran, bao gồm cả việc chuẩn bị thực hiện giới hạn đó, có điều kiện là Hội đồng Quản trị gồm 35 quốc gia của IAEA không thông qua nghị quyết chống lại Iran vì nước này không hợp tác đầy đủ với cơ quan này, và Hội đồng sau đó đã làm bất chấp điều đó.
“Chúng tôi không có bất kỳ tiến trình ngoại giao nào đang diễn ra có thể dẫn đến việc hạ nhiệt căng thẳng hoặc một phương trình ổn định hơn khi nói đến Iran”, ông Grossi nói. “Điều này thật đáng tiếc”.
Người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của Pháp tuần trước cho biết rằng sự phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran chắc chắn là một trong những mối đe dọa, nếu không muốn nói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong những tháng tới.
Các bộ ngoại giao Anh, Đức và Pháp đã không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
E3 đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn đối với Iran trong những tháng gần đây, đáng chú ý là kể từ khi Tehran tăng cường hỗ trợ quân sự cho Nga. Tuy nhiên, họ luôn nhấn mạnh rằng họ muốn duy trì chính sách gây sức ép và đối thoại để khôi phục các cuộc đàm phán trước khi thỏa thuận năm 2015 kết thúc vào tháng 10 năm 2025.
Thỏa thuận đó đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để đổi lấy việc Tehran chấp nhận một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của mình. Kể từ khi ông Trump rời khỏi thỏa thuận, Iran đã đẩy nhanh chương trình hạt nhân trong khi hạn chế khả năng giám sát của IAEA.
***********
Tin tức thế giới 7-12: Ông Biden sợ con trai bị 'trả thù'; Khả năng cao TikTok bị cấm ở Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter Biden - Ảnh: REUTERS
Ông Biden ân xá vì sợ con trai "bị trả thù'
Ngày 6-12 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "thay đổi suy nghĩ" và quyết định ân xá cho con trai Hunter vì "hoàn cảnh đã thay đổi".
Ông Biden ân xá con trai trong bối cảnh ông từng liên tục cam kết sẽ để vụ việc của ông Hunter cho hệ thống tư pháp Mỹ xử lý, và một ngày sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đề cử ông Kash Patel vào vị trí lãnh đạo FBI.
"Thực tế là, khi bạn nghĩ về cách tổng thống đưa ra quyết định này, vì hoàn cảnh đã thay đổi", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trả lời truyền thông.
"Đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không bỏ cuộc. Những người được ông Trump bổ nhiệm gần đây vào lực lượng thực thi pháp luật đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng họ sẽ trả thù, và tôi nghĩ chúng ta nên tin vào lời nói của họ", bà Jean-Pierre nói thêm.
Nhà Trắng được yêu cầu ân xá thêm sau trường hợp của ông Hunter Biden
Theo Hãng tin Reuters ngày 7-12, các quan chức cho biết Nhà Trắng đang lắng nghe những yêu cầu cho việc Tổng thống Joe Biden mở rộng ân xá cho hàng nghìn người bị hệ thống tư pháp Mỹ đối xử bất công, như ông đã ân xá cho con trai mình là Hunter Biden.
Theo đó, kể từ khi ông Biden ân xá cho con trai Hunter hồi cuối tuần trước, ngày càng có nhiều nhóm nhà hoạt động vì quyền con người và nhà lập pháp kêu gọi sự khoan hồng rộng rãi hơn cho những người đã bị kết án, hoặc được tin là bị kết án bất công khác.
Các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đang thảo luận về ý tưởng ân xá rộng rãi hơn, bao gồm cả những người bị kết án về tội ma túy không bạo lực và được các nhóm hoạt động xác định là bị giam giữ oan uổng.
"Sẽ có nhiều điều để nói hơn trong những tuần tới", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hôm 6-12 (giờ Mỹ), khi được hỏi về những chênh lệch mà người da đen phải chịu khi đối mặt với hệ thống tư pháp Mỹ.
Năm 2023, ông Biden đã ân xá cho hàng ngàn người với tội danh ở cấp liên bang liên quan đến cần sa. Hồi tháng 6-2024, Tổng thống Mỹ cũng bắt đầu một quá trình ân xá cho tất cả các cựu chiến binh Mỹ bị quân đội kết án vì quan hệ tình dục đồng tính - một điều bất hợp pháp cho đến năm 2013.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre - Ảnh: REUTERS
Mỹ tiến gần hơn đến việc cấm TikTok
Tòa án Mỹ đã bác đơn kiện của TikTok, đẩy ứng dụng này lâm vào nguy cơ không được phép hoạt động tại Mỹ.
Theo TTXVN, ba thẩm phán tại Tòa phúc thẩm liên bang quận Columbia (Mỹ) ngày 6-12 đã ra phán quyết từ chối kháng cáo mà Tik Tok đưa ra trước đó yêu cầu chặn luật có thể cấm ứng dụng này tại Mỹ. Phán quyết này là cú đánh mạnh vào TikTok tại thị trường lớn nhất là Mỹ với hơn 170 triệu người sử dụng.
Trước đó vào ngày 24-4, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), buộc ByteDance - công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc - phải hoàn thành việc thoái vốn tại TikTok theo thời hạn chót là ngày 19-1-2025.
Nếu ByteDance không thực hiện chuyển quyền sở hữu, TikTok sẽ phải đối mặt với lệnh cấm trên toàn nước Mỹ. Đạo luật nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, khi các nhà lập pháp Mỹ lo ngại dữ liệu về người Mỹ có thể bị khai thác khi họ sử dụng ứng dụng TikTok.
IAEA cáo buộc Iran tăng làm giàu Uranium, khả năng cho vũ khí hạt nhân
Chia sẻ với Reuters, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết Iran đang "tăng tốc" đáng kể quá trình làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết, gần với mức khoảng 90% là cấp độ vũ khí.
IAEA sau đó xác nhận trong một báo cáo mật gửi tới các quốc gia thành viên rằng Iran đang đẩy nhanh quá trình làm giàu uranium, một quá trình tinh chế nguyên liệu thô để có thể sử dụng làm nhiên liệu trong sản xuất điện hạt nhân dân sự, hoặc có khả năng là phát triển vũ khí hạt nhân.
Các nước phương Tây vốn cho rằng không có lý do chính đáng nào để làm giàu uranium đến mức cao như vậy trong bất kỳ chương trình dân sự nào, và rằng chưa có quốc gia nào làm như vậy mà không sản xuất bom hạt nhân.
Trong khi đó, Iran phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Theo tiêu chuẩn của IAEA, Tehran đã có đủ vật liệu được làm giàu tới mức tinh khiết 60%. Và nếu Iran tiếp tục làm giàu lượng vật liệu này, lượng này đủ để có thể chế tạo bốn vũ khí hạt nhân.
Ông Zelensky có khả năng hội đàm với ông Trump tại Paris
Dẫn hai nguồn tin ngoại giao, Hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 7-12 sẽ đến Paris để dự lễ khánh thành nhà thờ Đức Bà, và nhờ chuyến đi sẽ có thể có hội đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Hai nguồn tin cho biết đã có những nỗ lực để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Trump, khi ông Trump cũng sẽ đến Paris tham dự buổi lễ.
Trong khi đó, nguồn thạo tin cho biết một phái đoàn Ukraine hôm 4-12 đã có cuộc họp với các trợ lý cấp cao của ông Trump, trong bối cảnh Kiev đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền mới của Mỹ cho cuộc chiến với Nga.
Phái đoàn Ukraine do Andriy Yermak, trợ lý hàng đầu của ông Zelensky, dẫn đầu.
Nhóm này đã họp tại Washington với các nhân vật được ông Trump đề cử, bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz và Đặc phái viên Ukraine Keith Kellogg.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ gặp ông Trump vào chiều tối ngày 7-12, Ông Macron cũng sẽ gặp ông Zelensky ngay sau đó.
Văn phòng này không nói liệu ông Zelensky và ông Trump có gặp nhau tại thời điểm gặp ông Macron hay không, mặc dù một nguồn tin cho biết một cuộc họp ba bên là có thể xảy ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại buổi triển lãm thiết bị bay không người lái (drone) mới do Ukraine chế tạo tại thủ đô Kiev, Ukraine ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS
Bộ Y tế Thái Lan cảnh báo về bệnh X
Bộ Y tế Thái Lan đã gửi cảnh báo tới tất cả các văn phòng của mình về một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tại CHDC Congo vốn đã khiến hàng trăm người bị bệnh và ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 đến nay.
Tất cả các cơ quan y tế Thái Lan đã được yêu cầu theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển của người dân và mọi thông tin cập nhật về căn bệnh này, mặc dù Thái Lan được coi là quốc gia có nguy cơ thấp. Trọng tâm chủ yếu là tất cả các trạm kiểm soát y tế tại các cửa khẩu biên giới và các sân bay vì đây là tuyến đầu đối với khách du lịch nước này.
Hiện sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok chưa công bố bất kỳ biện pháp cụ thể nào để phòng ngừa căn bệnh này. Trong khi đó, sân bay quốc tế Hong Kong đã thắt chặt các biện pháp sàng lọc đối với tất cả chuyến bay từ các trung tâm quá cảnh ở châu Phi từ ngày 5-12.
Tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo người dân không nên đi du lịch không cần thiết đến khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi Jean Kaseya, gần 200 trong số 376 người mắc bệnh giống cúm là trẻ dưới 5 tuổi. Các trường hợp sốt, đau đầu, ho, khó thở và thiếu máu lần đầu tiên được báo cáo vào ngày 24-10 tại khu vực y tế Panzi ở tỉnh Kwango, phía Tây Nam CHDC Congo.
Đợt bùng phát "bệnh X" đã làm dấy lên mối lo ngại về sự xuất hiện của một tác nhân gây bệnh mới có khả năng lây lan trên toàn thế giới chỉ vài năm sau khi đại dịch COVID-19 buộc các quốc gia phải đóng cửa biên giới và khiến các hoạt động kinh tế và xã hội bị đình trệ.
Thu hoạch cây Giáng sinh
Các cây Giáng sinh được thu hoạch ở công viên Stockeld, đồn điền trồng cây Giáng sinh lớn nhất vùng Yorkshire (Vương quốc Anh) trong bức ảnh được Guardian đăng tải ngày 5-12 - Ảnh: Danny Lawson/PA
***********