Thủ tướng Pháp từ chức sau khi bị Hạ Viện bỏ phiếu bất tín nhiệm
Nước Pháp một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị. Các dân biểu Pháp tối qua, 04/12/2024, đã bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới tồn tại được ba tháng. Sáng nay, 05/12, thủ tướng Michel Barnier trình đơn từ chức lên tổng thống vừa trở về sau chuyến công du Ả Rập Xê Út. Ông Emmanuel Macron sẽ phải gấp rút bổ nhiệm một lãnh đạo chính phủ mới.
Đăng ngày:
Phản ứng với việc thủ tướng Barnier quyết định sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật ngân sách cho An sinh Xã hội mà không qua bỏ phiếu tại Hạ Viện, 331 dân biểu chiều tối qua đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ Barnier do liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đệ trình, trong khi chỉ cần 288 phiếu là đủ để thông qua. Đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc cũng nộp một kiến nghị tương tự nhưng không cần phải bỏ phiếu vì yêu cầu của cánh tả đã được thông qua.
Đây là lần thứ 2 trong nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, chính phủ bị lật đổ do Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Sáng nay, thủ tướng Barnier đã nộp đơn lên tổng thống xin từ chức, đồng thời nội các của ông cũng bị bãi nhiệm và sẽ chỉ xử lý thường vụ chờ tổng thống bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vừa trở về từ chuyến công du 3 ngày Ả Rập Xê Út, tối nay dự kiến có bài phát biểu với quốc dân trên truyền hình. Hiện chưa biết ông Macron có sẽ thông báo bổ nhiệm thủ tướng mới ngay tối hôm nay hay không.
Theo các nguồn thạo tin thì tổng thống Pháp lần này mong muốn nhanh chóng bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ mới, có khả năng ngay trong tuần này mặc dù Quốc Hội vẫn bị chia thành 3 khối như cũ : Liên minh cánh tả (Mặt trận Bình dân Mới) ; liên minh các đảng cánh hữu, cánh trung, đảng của tổng thống và đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc.
Sau khi quyết định giải tán để bầu lại Quốc Hội trước thời hạn hồi tháng 7 vừa qua, tổng thống Macron đã phải mất hai tháng mới chọn được ông Michel Barnier, thuộc cánh hữu, để lập chính phủ trong bối cảnh không có đảng nào dành được đa số tại Quốc Hội.
************
Chiến tranh Ukraina và tam giác chiến lược Nga – Trung – Triều - Tạp chí tiêu điểm
Trung Quốc và Nga có mối quan hệ đối tác « vô bờ bến ». Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, trong quá khứ từng được mô tả như « môi với răng » lại duy trì một mối quan hệ phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Và gần đây, Nga và Bắc Triều Tiên tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhưng ẩn sau các mối quan hệ song phương chằng chịt đó còn có một tam giác chiến lược Nga – Trung – Triều đối trọng với liên minh quân sự ba bên Mỹ – Nhật – Hàn tại vùng Đông Bắc Á. Mối quan hệ hợp tác được củng cố giữa Nga và Bắc Triều Tiên có vẻ đặt Trung Quốc trong thế khó, nhưng cũng có thể mang lại một lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh trong cuộc đọ sức với Washington.
Trên đây là những nhận định chung từ giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho RFI Tiếng Việt. Mời quý vị theo dõi.
---------- ********** ----------
RFI Tiếng Việt : Trước hết, ông mô tả như thế nào về mối quan hệ mà Trung Quốc duy trì với Nga ? Đó là quan hệ hữu nghị, đối tác quân sự hay đối tác thương mại ?
GV. Laurent Gédéon : Cả ba tính chất này có vẻ đều phù hợp với những gì có liên quan đến quan hệ Nga – Trung. Quả thật, mối quan hệ này đã không ngừng được củng cố kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013. Chúng được đánh dấu bằng một sự xích lại gần rõ nét từ đầu những năm 2020. Ngày nay, hai nước xem nhau như là những đối tác chiến lược hơn là đối thủ.
Khía cạnh thân thiện được thể hiện qua nhiều chuyến thăm song phương và thực tế là cá nhân Vladimir Putin biết rõ Tập Cận Bình, người cũng luôn ca tụng đồng nhiệm Nga. Hai nhà lãnh đạo này gặp trực tiếp hơn 40 lần và Tập Cận Bình đã đến thăm Nga chín lần kể từ năm 2013, tức nhiều hơn gấp hai lần số chuyến thăm của ông đến nhiều nước khác.
Đó còn là một mối quan hệ đối tác quân sự, và mối hợp tác này đại diện cho một trong những khía cạnh quan trọng cho quan hệ Nga – Trung. Chúng được thể hiện qua việc mua trang thiết bị quân sự, chủ yếu là từ Trung Quốc. Chỉ riêng năm 2010, Trung Quốc vẫn mua đến 68% trang thiết bị quân sự Nga.
Mối quan hệ hợp tác này còn được thấy qua cả việc tổ chức các cuộc tập trận chung. Các đợt tuần tra không quân – hải quân đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Tính từ năm 2017, Nga và Trung Quốc tiến hành hơn 100 cuộc tập trận chung.
Quan hệ đối tác này cũng mang tính thương mại, bởi vì Nga giúp Trung Quốc đáp ứng các nhu cầu kinh tế và năng lượng. Nhìn một cách tổng quát, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có mức tăng trưởng vượt bậc trong hai thập kỷ gần đây. Riêng giai đoạn 2000 – 2021, trao đổi thương mại hàng năm giữa Trung Quốc với Nga tăng từ 8 tỷ đô la lên gần 150 tỷ đô la. Đương nhiên, những sản phẩm năng lượng chính như than đá, khí đốt và nhất là dầu hỏa chiếm một tỷ trọng lớn hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Còn với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc có một mối quan hệ ra sao ?
GV. Laurent Gédéon : Đó là một mối quan hệ phức tạp và hàm chứa một số mâu thuẫn. Cuộc chiến Triều Tiên đã đặt nền tảng cho mối quan hệ Trung – Triều và mối quan hệ này được đánh dấu bởi sự can dự trực tiếp của quân đội Trung Quốc trong xung đột. Trong nhiều thập niên, hai nước mô tả mối quan hệ thân thiết như « môi với răng » theo như cách nói của Mao.
Nhưng mối quan hệ này đã trải qua giai đoạn tồi tệ, liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển hạt nhân Bắc Triều Tiên. Năm 2006, khi Bình Nhưỡng tiến hành đợt thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, Bắc Kinh đã xem đấy như là một sự vi phạm đồng thuận quốc tế, xin trích, một cách « trắng trợn và trơ trẽn » và đã phản ứng bằng cách ủng hộ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Thái độ cứng rắn ngoại giao này của Trung Quốc được tiếp tục trong suốt những năm 2010 và cuối cùng lên đến đỉnh điểm là các biện pháp trừng phạt đơn phương mạnh mẽ nhắm vào Bắc Triều Tiên năm 2017.
Nhưng có một yếu tố làm thay đổi diện mạo là cuộc gặp giữa Kim Jong Un và Donald Trump ngày 12/06/2018 tại Singapore, khiến Trung Quốc lo sợ Bắc Triều Tiên rời xa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc dưới sự thúc đẩy của chính quyền Mỹ.
Bắc Kinh đã quyết định tạo một động lực mới cho mối quan hệ Trung – Triều, được đánh dấu bởi chuyến công du đến Bình Nhưỡng của ông Tập Cận Bình ngày 19/06/2019. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm một lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Bắc Triều Tiên. Các mối liên lạc được nối lại giữa các quan chức hai nước ở nhiều cấp độ khác nhau. Kim Jong Un và Tập Cận Bình có đến 5 cuộc gặp trong năm tiếp theo.
Trung Quốc còn thể hiện sự ủng hộ bằng cách cung cấp thường xuyên viện trợ kinh tế bất chấp các trừng phạt của quốc tế. Ngoài sự hỗ trợ về kinh tế, hiệp ước Trung – Triều, tức thỏa thuận phòng thủ chung được ký kết năm 1961, đã được triển hạn vào năm 2021 thêm 20 năm nữa.
Giữa hai nước cũng có sự hợp tác về kinh tế, bởi vì Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng, chủ yếu liên quan đến hàng nhập khẩu lương thực và năng lượng của Bắc Triều Tiên. Cũng cần lưu ý đến sự tồn tại nhiều đặc khu kinh tế cho phép tổ chức các dòng lưu thông hàng hóa giữa hai nước.
Điều đó cho thấy những mối quan hệ này, giữa Nga với Trung Quốc và giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là không cùng một kiểu. Có nhiều khả năng, sự tin cậy giữa Matxcơva và Bắc Kinh có tầm quan trọng hơn là giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh, bởi vì Trung Quốc luôn ngờ vực Bắc Triều Tiên.
Trên bình diện chiến lược, người ta nói nhiều về tam giác Nga – Trung – Triều đối trọng với tam giác Mỹ – Nhật – Hàn tại vùng Đông Bắc Á. Đâu là vai trò chính xác của Bình Nhưỡng trong bộ tam đó ? Liệu Nga và Bắc Triều Tiên có sẽ làm mất cân bằng quan hệ bộ ba này hay không ?
GV. Laurent Gédéon : Cho đến gần đây, tam giác Nga – Trung – Triều dường như cân bằng theo nghĩa Bắc Triều Tiên giữ lập trường cân bằng giữa Nga và Trung Quốc, và trên thực tế là gần với Trung Quốc hơn do vị trí địa lý. Tình trạng cân bằng này đã dẫn đến hệ quả là Bắc Kinh phối hợp với Matxcơva trong việc xử lý hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Cả hai nước đã cùng nhau bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và các đối tác của Mỹ nhằm áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Bắc Triều Tiên, và ngược lại, yêu cầu dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt.
Trong bối cảnh này, việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần hơn tạo ra một yếu tố mới trong phương trình. Hiện tượng mới này có liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraina với hệ quả là Nga bị gạt ra ngoài lề trong quan hệ với phương Tây. Điều này đã thúc đẩy Matxcơva thắt chặt hơn nữa quan hệ với Bình Nhưỡng, dẫn đến việc tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.
Quan hệ Nga – Triều được thắt chặt hơn đã được chính thức hóa nhân chuyến thăm Bắc Triều Tiên của tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm thứ hai của ông đến Bình Nhưỡng trong 24 năm cầm quyền. Nhân dịp này, cả hai lãnh đạo ngày 19/06/2024 thông báo một Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong đó bao gồm cả điều khoản « hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công ».
Hiện tại, mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Bắc Triều Tiên dường như không làm Trung Quốc khó chịu. Bản thân Trung Quốc cũng được liên kết bởi những lợi ích chung mạnh mẽ với Nga. Cả hai quốc gia đều mong muốn thay đổi trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ, và do vậy, không muốn chứng kiến mặt trận chung của họ bị rạn nứt vào thời điểm nhạy cảm này.
Việc xem Matxcơva và Bình Nhưỡng xích lại gần không hẳn là tiêu cực với Bắc Kinh, theo nghĩa động thái này không bị cho là mang tính thù nghịch. Chúng ta nên đặt lại tiến triển này trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina, vào lúc nhu cầu đạn dược của Nga ngày càng tăng, trong khi chỉ có một số ít quốc gia có thể đáp ứng, và trong số này có Bắc Triều Tiên. Vì vậy, có một khía cạnh hợp tác chiến thuật mạnh mẽ giữa hai nước như điều chúng ta thấy qua việc Bắc Triều Tiên gởi quân đến chiến trường.
Ngoài ra, còn có thêm một thực tế là, theo quan điểm của Bắc Kinh, chính sách mà Washington theo đuổi đã dẫn đến hệ quả là Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau hơn và làm tổn hại đến tình hình an ninh tại hai vùng ở lục địa Á – Âu (Ukraina và bán đảo Triều Tiên). Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ là bên chịu trách nhiệm chính cho các căng thẳng và là đối thủ cạnh tranh lớn của Bắc Kinh.
Chính trong lập luận này mà Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã sử dụng hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên như là một cái cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự trong vùng, nhằm mục đích kềm chế sức mạnh Trung Quốc.
Cho đến hiện tại, Trung Quốc cẩn trọng bình luận công khai về việc Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt hợp tác chiến lược, nhất là về việc Bình Nhưỡng dường như đã điều hơn một chục ngàn binh sĩ đến hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina. Làm thế nào giải thích cho sự im lặng đáng chú ý này của Trung Quốc ? Phải chăng là Trung Quốc đã bị bất ngờ ?
GV. Laurent Gédéon : Như vừa rồi tôi đề cập đến, chiến tranh Ukraina là yếu tố quyết định thúc đẩy Nga và Bắc Triều Tiên thắt chặt quan hệ. Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi thông báo về Hiệp ước đối tác Chiến lược Toàn diện, ngày 19/06/2024, đã nêu rõ, xin trích, « trong bối cảnh và trong khuôn khổ tài liệu mà chúng tôi đã ký kết, chúng tôi không loại trừ khả năng phát triển mối quan hệ hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa Nga với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ».
Trong phạm vi này, mối hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên dường như chủ yếu đáp ứng các yêu cầu mang tính chiến thuật và do vậy, Trung Quốc vào lúc này sẽ không có những lo lắng quan trọng nào về vấn đề này.
Quả thật, nhu cầu về đạn dược của quân đội Nga là một trong các yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác với Bắc Triều Tiên và nước này cũng đã tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự cô lập sâu sắc mà họ đang phải đối mặt.
Liên quan đến việc binh sĩ Bắc Triều Tiên tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh, thông báo đưa ra hồi tháng 11/2024 về việc triển khai khoảng 11 ngàn binh sĩ Bắc Triều Tiên ra chiến trường đã cho thấy rằng số binh sĩ này chủ yếu trú đóng tại vùng Kursk, nằm trên lãnh thổ Nga, chứ chưa phải trên lãnh thổ Ukraina.
Mục tiêu nhắm đến của Matxcơva là tận dụng sự hỗ trợ này của Bắc Triều Tiên để lấy lại quyền kiểm soát vùng Kursk trước khi Donald Trump lên cầm quyền và khả năng bước vào một giai đoạn đàm phán. Thực vậy, việc chiếm lại được vùng lãnh thổ bị Ukraina chiếm đóng sẽ tước đi một lá bài ngoại giao quan trọng của Kiev.
Theo quan điểm của tôi, Trung Quốc im lặng không hẳn là vì nước này bị bất ngờ, bởi vì, đối với tôi, có vẻ Nga – Trung đã liên lạc với nhau trước và sau khi Nga – Triều ký thỏa thuận. Sự im lặng này, theo ý tôi, có thể liên quan dến việc Trung Quốc có những phân tích cho rằng hành động này thiên về chiến thuật, chứ không phải là một sự thay đổi chiến lược cơ bản.
Nhưng trong vòng một năm, Kim Jong Un và Vladimir Putin gặp nhau hai lần, trong khi cuộc gặp sau cùng giữa Tập Cận Bình và Kim Jong Un là vào năm 2019. Việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần phải chăng cho thấy ý định của Kim Jong Un muốn tách xa dần nước láng giềng khổng lồ, hay đó là dấu hiệu một sự củng cố quan hệ đối tác ba ba ?
GV. Laurent Gédéon : Thật vậy, chúng ta nhận thấy chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Kim Jong Un ngày 12/09/2023 kể từ khi kết thúc đại dịch Covid, diễn ra ở Nga chứ không phải là Trung Quốc. Chuyến thăm đến Nga trước đó của ông Kim là vào ngày 24/04/2019.
Theo quan điểm của Bắc Triều Tiên, họ mong muốn không rơi vào một mối quan hệ song phương và mặt đối mặt riêng với Trung Quốc. Tái lập quan hệ với Matxcơva cho phép Bình Nhưỡng cân bằng mối quan hệ mà họ duy trì với Bắc Kinh và đưa ra một giải pháp thay thế thú vị về mặt chính tri.
Nhìn từ Matxcơva, mối quan hệ được củng cố với Bình Nhưỡng cũng có những hệ quả tương tự, theo nghĩa, chúng cho phép giảm bớt tình trạng bất cân xứng chiến lược với Bắc Kinh. Trên thực tế, tiến triển của mối quan hệ Nga – Triều đã tạo ra một không gian ngoại giao không thể dự đoán cho Trung Quốc mà ở đó Nga có thể tận dụng một cách khéo léo.
Hơn nữa, Bắc Triều Tiên, được trang bị vũ khí hạt nhân vĩnh viễn, giờ đã có một đòn bẩy đáng kể trong các mối quan hệ với tất cả các nước láng giềng, kể cả với Trung Quốc. Tình huống này hạn chế khả năng của Bắc Kinh gây ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng.
Tình trạng này không phải là không gây hệ quả cho Trung Quốc, bởi vì tuy giới chức lãnh đạo Trung Quốc không công khai lên án các hành động của Bắc Triều Tiên, nhưng việc họ không có khả năng gây ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng đã làm suy yếu uy tín ngoại giao của Bắc Kinh, đó là chưa kể đến việc Bắc Triều Tiên tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân gây bất ổn cho các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này đã dẫn đến việc củng cố các mối liên minh quân sự và an ninh do Mỹ dẫn đầu. Tình trạng này làm đã làm phức tạp hơn cho các lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong vùng.
Bắc Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân có thể sử dụng năng lực này như một « công cụ mặc cả » trong các cuộc đàm phán quốc tế và làm gia tăng các giá trị chiến lược của mình mà không cần phụ thuộc vào Trung Quốc.
Dù vậy, như đã đề cập trước đó, lợi ích của sự hợp tác giữa các tác nhân chiến lược ba bên Nga – Trung – Triều dường như vượt lên trên những điều bất lợi cũng như động cơ thầm kín của những tác nhân này.
Nhờ vào Nga, Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ cải thiện được hiệu quả của kho vũ khí, đặc biệt là hạt nhân, nguồn cội của nguy cơ chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ tìm được lợi thế hay thêm rủi ro cho các lợi ích chiến lược của mình ?
GV. Laurent Gédéon : Điều này phụ thuộc vào cách thức chúng ta phân tích tình hình. Nếu nhìn theo quan điểm song phương Trung – Triều, có lẽ Bắc Kinh sẽ không thoải mái khi trước cửa nhà mình có một đồng minh phiền phức và được trang bị năng lực hạt nhân đáng kể. Với sự trợ giúp của Nga, Bắc Triều Tiên có thể thúc đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, dẫn đến việc Mỹ đáp trả mạnh hơn và trường hợp tệ nhất cho Bắc Kinh là sự hình thành điều mà Trung Quốc gọi là một « NATO châu Á » do Hoa Kỳ lãnh đạo và nhắm vào Trung Quốc.
Do vậy, Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, bởi vì nếu chọn cách tránh xa tiến trình củng cố quan hệ Nga – Triều, Trung Quốc có nguy cơ phải chứng kiến căng thẳng kịch phát tại bán đảo Triều Tiên mà không thể giữ một vai trò quyết định nào trong diễn biến các sự kiện. Thế nên, dù muốn hay không, Bắc Kinh rơi vào tình huống đành phải ủng hộ những chuyển động do hai đối tác của mình tạo ra.
Nhưng nếu chúng ta thay đổi cấp độ phân tích, và đặt câu hỏi về vị trí mà Bắc Triều Tiên đang nắm giữ trong toàn bộ vùng Á – Âu, chúng ta sẽ có một số nhận xét khá thú vị.
Đặc trưng nổi bật của vùng Á – Âu hiện nay là sự xuất hiện của bốn cường quốc, hoạt động đặc biệt tích cực trên bình diện địa chính trị. Đó là Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran. Hai trong số này đã là cường quốc hạt nhân, đó là Nga và Trung Quốc ; cường quốc thứ ba trên thực tế là Bắc Triều Tiên và nước thứ tư đang có xu hướng hạt nhân hóa quân sự là Iran. Người ta nhận thấy là bốn tác nhân này đều được liên kết với nhau qua nhiều thỏa thuận khác nhau và cả bốn nước đều có những lợi ích chung.
Về mặt địa chính trị, tất cả bốn nước này phụ thuộc lẫn nhau trong bối cảnh họ phải cùng nhau đối mặt với áp lực từ một tác nhân duy nhất là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hay rộng hơn nữa là toàn bộ khối các nước được gọi là phương Tây.
Một tình huống như vậy đòi hỏi Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran, nếu muốn hoàn thành các mục tiêu của mình, phải có một sự đồng thuận tối thiểu trên bình diện ngoại giao và chiến lược. Trong cấu hình này, Bắc Triều Tiên dường như ít có khả năng lao vào một trò chơi riêng rẽ cùng với Nga, gây tổn hại cho Trung Quốc, là quốc gia mà cả Bình Nhưỡng và Matxcơva đều cần cũng như là ngược lại.
Trở lại với vấn đề Trung Quốc và việc hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh có thể tìm được một lợi thế ở việc, Bắc Triều Tiên – thông qua các hành động của mình – sẽ tăng cường khả năng răn đe Mỹ trong bối cảnh khu vực phía bắc của bán đảo Triều Tiên cũng là một lá chắn an ninh quan trọng cho Trung Quốc.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học sư phạm Lyon.
***********
Anh: Ông Trump đúng khi đòi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đúng khi thách thức các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, Ngoại trưởng Anh trả lời Reuters ngày 4/12.
Ông David Lammy nói ông đồng ý với ông Trump rằng liên minh nên vượt qua mục tiêu hiện tại là chi 2% sản lượng kinh tế cho quốc phòng.
“Tôi nghĩ Donald Trump đã đúng khi nói rằng 2% là con số được đưa ra trong thời kỳ ít thách thức hơn và tất cả các đồng minh nên hướng tới mục tiêu vượt xa 2% đó”, ông Lammy phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels, nơi ông tham dự cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO.
“Chúng tôi (Anh) sẽ đạt 2,5%, nhưng ông ấy đã đúng khi thách thức liên minh đoàn kết lại và vượt qua con số đó”, ngoại trưởng Anh nói.
Ông Trump đã kêu gọi các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% sản lượng kinh tế. Liên minh ước tính 23 trong số 32 thành viên của mình sẽ đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay.
Ông Lammy vào năm 2018 từng gọi ông Trump là một bạo chúa.
Đảng Lao động mà ông Lammy là một thành viên lên nắm quyền từ tháng 7. Sau cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào tháng 11, ông Lammy đã dịu giọng với ông Trump, nói vào tháng trước rằng ông sẽ có thể tìm được “điểm chung” với tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức.
Tuy nhiên, ông Lammy đã nhắc lại sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với Kyiv trong chuyến thăm NATO của ông.
Khi được hỏi về các kế hoạch do các cố vấn của ông Trump đưa ra, có thể bao gồm việc loại bỏ tư cách thành viên NATO của Ukraine khỏi bàn đàm phán, ông Lammy nói: “Tôi nghĩ rằng hoàn toàn đúng khi vị trí chính đáng của Ukraine nằm trong gia đình NATO và chúng tôi ở Vương quốc Anh rất, rất ủng hộ nỗ lực đó”************
Bitcoin vượt mốc 100.000 USD nhờ sự lạc quan về kế hoạch tiền điện tử của Trump
Bitcoin lần đầu tiên có giá trị hơn 100.000 đô la vào hôm 5/12 vì việc bầu ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa làm tổng thống Mỹ thúc đẩy kỳ vọng rằng chính quyền của ông sẽ tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho tiền mã hóa.
Bitcoin đã tăng giá hơn gấp đôi trong năm nay và tăng khoảng 45% trong 4 tuần kể từ khi ông Trump thắng vang dội trong cuộc bầu cử, song song với đó là một loạt các nhà lập pháp ủng hộ tiền mã hóa được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Trong lần gần đây nhất được giao dịch, bitcoin có giá 100.027 đô la ở thời điểm 2h40 ngày 5/12, theo giờ chuẩn quốc tế GMT, tăng 2,2% so với phiên trước, đã có lúc bitcoin tăng cao tới mức 100.277 đô la.
Sau hơn 16 năm kể từ khi được tạo ra, bitcoin dường như sắp được chấp nhận rộng rãi, bất chấp việc đã có những người phản bác và quá khứ gồm nhiều điều gây tranh cãi.
"Bitcoin vượt qua mức 100.000 đô la không chỉ là một dấu mốc; mà còn là minh chứng cho sự thay đổi của xu hướng tài chính, công nghệ và địa chính trị", Justin D'Anethan, một nhà phân tích tiền mã hóa độc lập có văn phòng ở Hong Kong, nói.
Ông Trump đã ủng hộ tài sản kỹ thuật số trong chiến dịch tranh cử, hứa sẽ biến Hoa Kỳ thành "thủ đô về tiền điện tử của hành tinh" và sẽ tích lũy bitcoin làm tài sản dự trữ của quốc gia.
Các nhà đầu tư tiền mã hóa tiên liệu rằng biện pháp quản lý chặt chẽ tăng cường dưới thời Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ Gary Gensler sắp kết thúc. Ông Gensler đã tuyên bố vào tuần trước rằng ông sẽ từ chức vào tháng 1/2025 khi ông Trump nhậm chức.
Hôm thứ Tư 4/12, ông Trump cho hay sẽ đề cử ông Paul Atkins điều hành Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch (SEC). Ông Atkins, cựu ủy viên SEC, đã tham gia vào việc soạn chính sách về tiền mã hóa với tư cách là đồng chủ tịch của Token Alliance, một tổ chức hoạt động để "phát triển các thông lệ tốt nhất về việc phát hành tài sản kỹ thuật số và nền tảng giao dịch", và của Phòng Thương mại Kỹ thuật số.
Một loạt các công ty tiền mã hóa bao gồm Ripple, Kraken và Circle đang tranh giành để có một ghế trong hội đồng tư vấn về tiền mã hóa mà ông Trump đã hứa sẽ thành lập, họ muốn có tiếng nói trong kế hoạch của ông về cải tổ chính sách của Mỹ, theo một số giám đốc điều hành trong ngành tài sản kỹ thuật số.
Các doanh nghiệp của ông Trump có lẽ cũng tham gia lĩnh vực này. Ông đã công bố một doanh nghiệp tiền mã hóa mới, World Liberty Financial, vào tháng 9. Mặc dù chỉ có rất ít thông tin chi tiết về doanh nghiệp này, nhưng các nhà đầu tư đã coi mối quan tâm cá nhân của ông đối với lĩnh vực này là tín hiệu cho thấy giá có xu hướng tăng.
Công ty truyền thông xã hội của ông Trump, Trump Media and Technology Group, đang trong quá trình đàm phán sâu để mua công ty giao dịch tiền mã hóa Bakkt, Financial Times đưa tin vào tuần trước, trích dẫn lời của hai người nắm thông tin về các cuộc đàm phán.
Tỷ phú Elon Musk, một đồng minh lớn của ông Trump, cũng là người ủng hộ tiền mã hóa.
************
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày:
(AFP) – Số di dân từ Tây Phi đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha cao kỷ lục trong năm 2024. Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm qua, 03/12/2024, có tổng cộng 41.425 người di cư đến quần đảo này từ 01/01 đến 30/11/2024, vượt qua 39.910 người vào năm 2023. Chính quyền địa phương cho biết đang bị quá tải, trong bối cảnh thủ tướng Pedro Sanchez hồi tháng 8 đã công du các quốc gia Tây Phi để tìm biện pháp làm giảm tình trạng này.
(AFP) – Mỹ phản đối Israel xây dựng căn cứ quân sự tại Gaza. Chính quyền Washington hôm qua, 03/12/2024, thông báo như trên, một ngày sau khi nhật báo New York Times tiết lộ, thông qua các phân tích hình ảnh vệ tinh, việc xây dựng căn cứ ở trung tâm dải Gaza dường như đang tăng tốc, cho thấy sự hiện diện lâu dài của lực lượng Israel. Do việc xây dựng những cơ sở hạ tầng này mà 600 tòa nhà tại vùng lãnh thổ Palestine bị phá hủy. Vedant Patel, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết Washington không thể xác nhận thông tin này, tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ngay từ khi xung đột bắt đầu, ngoại trưởng Antony Blinken đã phản đối sự hiện diện lâu dài của Israel ở Gaza.
(AFP) – Mỹ phá hủy nhiều vũ khí tại phía Đông Syria. Lầu Năm Góc hôm qua, 03/12/2024, thông báo quân đội Hoa Kỳ đã phá hủy các bệ phóng rocket gắn trên khung xe tải, một xe tăng và các súng cối, những vũ khí được coi "là mối đe dọa rõ ràng và tức thì đối với lực lượng Mỹ và lực lượng của liên minh", theo tướng Pat Ryder, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, khi đề cập đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực.
(France 24) – Mỹ : Donald Trump đòi hủy vụ án Stormy Daniels sau khi tổng thống Joe Biden ân xá con trai Hunter. Các luật sư của tổng thống đắc cử Mỹ hôm qua, 03/12/2024, đã chính thức yêu cầu tư pháp hủy bỏ bản án hình sự mà ông bị cáo buộc đã dùng tiền để tìm cách "bịt miệng" nữ diễn viên khiêu dâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016.
(AFP) – Một người Trung Quốc bị nghi buôn lậu vũ khí sang BắcTriều Tiên bị bắt tại Hoa Kỳ. Shenghua Wen bị cảnh sát bắt giữ hôm qua, 03/12/2024. Nghi can đã giấu vũ khí trong các container gửi từ Long Beach, bang California đến Bắc Triều Tiên qua ngả Hồng Kông. Cảnh sát đã tìm thấy bằng chứng trên điện thoại của Shenghua Wen, cho thấy anh đã gửi một lô hàng vào tháng 12/2023 và đang tìm cách mua một chiếc máy bay. Shenghua Wen có thể lãnh án lên đến 20 năm tù vì anh sinh sống ở Hoa Kỳ bất hợp pháp sau khi visa sinh viên hết hạn.
(AFP) – Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thúc đẩy thành lập Nhà nước Palestine. Hôm qua, 03/12/2024, Đại hội đồng ra nghị quyết với 157 phiếu thuận, 8 phiếu chống, và 7 vắng mặt, về việc tổ chức một hội nghị quốc tế vào tháng 6/2025 để thúc đẩy giải pháp « hai nhà nước », tức một Nhà nước Palestine bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được Liên Hiệp Quốc công nhận năm 1967. Pháp và Ả Rập Xê Út hôm qua cũng thông báo sẽ đồng tổ chức một hội nghị quốc tế về thành lập Nhà nước Palestine vào tháng 6/2025. Ả Rập Xê Út tuyên bố sẽ không công nhận Israel trước khi đạt được giải pháp « hai nhà nước ».
***********
Bất ổn chính trị Georgia: Lãnh đạo phe đối lập bị cảnh sát bắt giữ và đánh bất tỉnh
Lãnh đạo của một trong 4 đảng đối lập chính của Georgia đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi bị đánh bất tỉnh tại thủ đô Tbilisi, theo đảng của ông cho biết hôm 4/12, trong bối cảnh có thông tin về các cuộc đột kích của cảnh sát vào các đảng đối lập khác.
Đảng đối lập Liên minh vì sự thay đổi đã công bố một video trên X cho thấy Nika Gvaramia, lãnh đạo của đảng, bị một số người đàn ông kéo tay và chân xuống mấy bậc thang.
Đảng này cho biết ông Gvaramia, một luật sư 48 tuổi chuyển sang làm chính trị gia, đã bị "ném vào xe dùng để giam giữ khi ông bị hành hung và bất tỉnh".
Cảnh sát đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Họ cũng không ngay lập tức đưa ra phản hồi đối với khẳng định của chính quyền, vốn đã phải đối mặt với 6 đêm biểu tình phản đối quyết định của chính phủ về việc đình chỉ các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên minh châu Âu.
Reuters không thể xác minh độc lập liệu ông Gvaramia có bị đánh hay không, nhưng có vẻ như ông không cử động khi được khiêng xuống cầu thang trong đoạn video do đảng của ông công bố.
Quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán với EU của chính phủ đã đẩy quốc gia Nam Caucasus với 3,7 triệu dân này vào cuộc khủng hoảng chính trị và chính quyền tuyên bố đã ngăn chặn được một âm mưu thực hiện "cuộc cách mạng".
Một người phát ngôn của Liên minh vì sự thay đổi cho biết trên X rằng một số thành viên khác của đảng đã bị bắt giữ cùng với ông Gvaramia.
Một người phát ngôn của Phong trào quốc gia thống nhất (UNM), một đảng đối lập khác ở Georgia, nói với Reuters rằng cảnh sát cũng đã đột kích vào các văn phòng của đảng này tại Tbilisi hôm 4/12. Người phát ngôn cho biết cuộc đột kích được thực hiện mà không có lệnh và không có ai bị bắt giữ.
Riêng hãng thông tấn Interpress cho biết hai thành viên của một đảng đối lập khác, Strong Georgia, đã bị cảnh sát bắt giữ.
Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze đã nhiều lần khen ngợi cảnh sát vì sự ứng phó của họ đối với các cuộc biểu tình.
Thanh tra viên cộng đồng của Georgia, một cựu chính trị gia đối lập, hôm 3/12 đã cáo buộc cảnh sát về việc ngược đãi những người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình, một hành vi tương đương với hành động tra tấn.
************
Drone được trang bị ngày càng nhiều cho hải quân các nước
Đăng ngày:
Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế căng thẳng, nhất là với cuộc chiến Ukraina, các drone nay chiếm một vị trí mang tính chiến lược đối với hải quân trên toàn thế giới. Điều này đã được thể hiện qua triển lãm quốc phòng quốc tế Euronaval vào đầu tháng 11 tại Villepinte, ngoại ô Paris, Pháp. Tại cuộc triển lãm 2 năm một lần này, đi đến đâu cũng thấy trưng bày các kiểu drone mới được sử dụng để tác chiến, giám sát biển và đáy đại dương.
Các nước phương Tây đang phải đối phó với các cuộc tấn công bằng drone của lực lượng Houthi ở Yemen được Iran trang bị vũ khí nhắm vào giao thông hàng hải ở Hồng Hải. Trong khi đó, Ukraina đã thành công tiêu diệt 1/3 Hạm đội Hắc Hải của Nga và buộc được hạm đội này rời khỏi Crimea. Vào đầu tháng 11, Kiev khẳng định họ đã thực hiện thành công cuộc tấn công đầu tiên bằng drone mang chất nổ vào các tàu của Nga ở Biển Caspi, cách biên giới Ukraina đến 1.500 km.
Trả lời hãng tin AFP ngày 07/11/2024 bên lề Euronaval, ông Emmanuel Chiva, tổng đại diện về vũ khí của bộ Quân lực Pháp, cho rằng từ những cuộc xung đột đó, có thể dự báo là drone sẽ được hải quân các nước “sử dụng ồ ạt”.
Đô đốc Eric Chaperon, cố vấn quốc phòng của tập đoàn vũ khí Pháp Thales, nói với AFP: “Các drone phải được xem xét ở cả hai góc độ: khả năng tác chiến của drone và khả năng chống drone của kẻ địch”. Tập đoàn công nghệ cao của Pháp, hiện trang bị cho hải quân 50 nước trên thế giới, cung cấp cả hai khả năng đó. Một trong những cải tiến là vũ khí điện từ "có khả năng đốt cháy các thiết bị điện tử của drone". Đô đốc Eric Chaperon giải thích: "Các drone nằm trong tầm hoạt động của vũ khí sẽ rơi chỉ trong một giây."
Tập đoàn Pháp cũng đẩy mạnh phát triển một công nghệ trí tuệ nhân tạo "tiết kiệm", có thể được trang bị trên các drone cũng như các giải pháp kết nối và tương tác, đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận ở Bồ Đào Nha vào tháng 9 với một số nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Là một trong những người tham gia cuộc tập trận này, ông Nicolas Kuhl của tập đoàn Thales nói với AFP: “Khoảng 60 drone đã được triển khai trên không, trên mặt nước và dưới biển để thực hiện đồng thời các nhiệm vụ tác chiến dưới nước, rà phá bom mìn và giám sát”.
Về phần mình, tập đoàn Naval Group đang phát triển loại drone dưới nước với “khả năng hoạt động lâu dài lên đến vài tuần” và “có khả năng tự ra quyết định rất cao”, theo giải thích của ông Pierre-Antoine Fliche, đứng đầu nhóm đặc trách drone của Naval Group, với AFP: “Thay vì lập trình trước một số nhiệm vụ, chúng tôi sẽ đưa ra mệnh lệnh, chẳng hạn như đến đó, chụp ảnh và quay lại nếu ảnh chụp rõ, luôn kín đáo, quyết liệt”. Pierre-Eric Pommellet, chủ nhân Naval Group, nhấn mạnh với AFP: “Các drone sẽ không bao giờ thay thế các tàu chiến có thủy thủ đoàn, nhưng sẽ giúp cho những tàu này có một năng lực rộng hơn”.
Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus thì chú trọng đến tính bổ sung cho các sản phẩm của họ. Bruno Even, giám đốc điều hành của Airbus Helicopters, nói với AFP: “Yếu tố mới mà chúng tôi thấy cả trên biển và trên đất liền là tính chất bổ sung giữa drone và trực thăng”.
VSR 700 của Airbus là một máy bay trực thăng “không người lái” nhỏ, có thể hoạt động từ một con tàu và có thể bay tới 8 giờ so với 2 giờ đối với trực thăng thông thường. Nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà không cần phi công, chẳng hạn như tìm kiếm tàu địch, gửi tọa độ tới tàu khu trục nhỏ có khả năng bắn tên lửa.
Airbus cũng đang phát triển một loại drone quan sát mang tên Eurodrone, nhằm bù đắp sự chậm trễ của châu Âu về loại drone đã được Hoa Kỳ và Israel phát triển và sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối thập niên này, theo lời ông Jean-Brice Dumont, người đứng đầu bộ phận quốc phòng của Airbus.
Đối với những drone ít phức tạp hơn và có thể nhanh chóng được sử dụng như Flexrotor hay Aliaca, tập đoàn Airbus giao việc phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các công ty khởi nghiệp mà hãng đã mua lại.
Chẳng hạn như công ty ArkeOcéan, một doanh nghiệp gia đình với khoảng ba mươi nhân viên chuyên sản xuất các drone siêu nhỏ "chỉ dài 80cm, rộng 35cm, trôi theo dòng nước, rất khó phát hiện”.
Ngoài ArkeOcéan, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp chuyên về drone đã có mặt rất đông đảo tại triển lãm Euronaval, như Exail, Diodon và Delair. Riêng công ty Delair từ hai năm qua bán ra thị trường một sản phẩm mang tên Seasam, một loại drone dưới nước cở nhỏ, được dùng để theo dõi tình trạng thân tàu, tàu chở hàng cũng như tàu khu trục. Drone này có 7 động cơ nên rất cơ động, chống chọi tốt với dòng nước.
Trả lời RFI Pháp ngữ tại Euronaval, ông Bastien Mancini, giám đốc điều hành của Delair, cho biết công ty này đã cung cấp cho thi trường châu Phi từ lâu và nay đã mở rộng sang các thị trường khác:
“Chúng tôi đã có mặt ở khu vực này từ những năm 2010, tại khoảng 15-20 quốc gia châu Phi, rồi mở rộng sang Đông Âu và Đông Nam Á, những thị trường chính của chúng tôi hiện nay. Chúng tôi xuất khẩu rất nhiều trước khi bán cho thị trường Pháp. Công ty hiện sử dụng đến 110 nhân viên và đến cuối năm sẽ có tổng cộng 140 người, với doanh số năm ngoái là 10 triệu euro và dự báo năm nay sẽ đạt khoảng 30 triệu.
Tốc độ tăng trưởng này là nhờ các hợp đồng mà chúng tôi giành được gần đây, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Ukraina chiếm một phần đáng kể, nhưng không phải là chiếm đa số. Chúng tôi tạo được những hệ thống thích ứng với những điều kiện tác chiến rất ác liệt, với thiết bị gây nhiễu để làm rơi các drone, cho nên khách hàng chúng tôi có thể yên tâm.”
Chiến trường Ukraina dĩ nhiên là nơi mà công ty Delair có dịp thử nghiệm và cải tiến các drone do họ sản xuất để thích ứng tốt hơn với điều kiện chiến tranh ác liệt, theo lời ông Mancini:
“Chúng tôi đã làm việc ở Ukraina từ năm 2016, vì thật ra chiến tranh coi như đã bắt đầu từ năm 2014 với thỏa thuận Minsk. Từ năm 2016, các drone của chúng tôi đã được sử dụng để giám sát các đường biên giới. Khi quân Nga vượt qua biên giới, phía Ukraina đã gặp chúng tôi và yêu cầu cho họ xem hệ thống drone của chúng tôi vận hành như thế nào trong điều kiện chiến tranh. Sau khi thấy hiệu quả của các hệ thống này, họ đã nhờ chính phủ Pháp giúp đỡ, mua các drone đó để tặng cho họ. Pháp đã làm theo yêu cầu đó.
Chúng tôi thường xuyên, hầu như là mỗi tuần, có những phản hồi từ những người vận hành các drone và chúng tôi trao đổi với họ. Cứ khoảng 3 hoặc 4 tháng, chúng tôi cải tiến để các drone thích ứng tốt hơn với điều kiện chiến tranh. Những yếu tố đó giúp rất nhiều cho ngành công nghiệp vũ khí của Pháp nói chung.”
Để có thể phát triển các loại drone có sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, công ty Delair đang phải tuyển thêm kỹ sư:
“Chúng tôi có những kỹ sư làm việc về các vấn đề đó. Công ty có một phòng nghiên cứu quy tụ khoảng 45 người, trong đó phân nữa chuyên tạo ra các phần mềm, một số nghiên cứu về các thuật toán và về trí tuệ nhân tạo để có thể giải quyết vấn đề điều khiển drone mà không cần hệ thống định vị GPS, xác định và phân loại những vật thể mà drone nhìn thấy để trợ giúp cho người điều khiển.
Không thể có một hệ thống hoàn toàn tự vận hành. Trí tuệ nhân tạo chỉ trợ giúp, chỉ làm đơn giản hóa nhiệm vụ của người điều khiển. Đó không phải là những robot, mà đằng sau bao giờ cũng có con người. Một quân nhân Ukraina đã nói một điều rất đáng chú ý : 'Cái mà có giá trị đối với chúng tôi không phải là các drone, vì drone có thể bị mất, mà là những người được đào tạo để điều khiển drone'. Đó mới là điều mà họ cố gắng bảo vệ.”
Vấn đề, theo lời ông Mancini, việc phát triển các loại drone tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao, đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư, mà cả về mặt này, Pháp và châu Âu nói chung càng bị tụt hậu so với Hoa Kỳ chẳng hạn:
“Phát triển các drone đòi hỏi rất nhiều vốn. Các công ty hàng đầu thế giới về drone có doanh số từ 300 triệu euro đến 4 tỷ, trong khi các công ty hàng đầu của châu Âu hiện chỉ đạt 50 triệu euro doanh số, công ty chúng tôi thì dự kiến sẽ chỉ đạt 30 triệu. Phát triển các loại drone có khả năng cạnh tranh trên thế giới tốn kém hàng triệu, thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu euro. Cho nên phải có những công ty có tầm cỡ như vậy để tạo ra những sản phẩm cho tương lai.
Tôi nghĩ rằng phải làm chủ công nghệ drone một cách tự chủ, vì đó là những robot bay trên không và tiến hành những hoạt động từ trên không. Các nhà công nghiệp Pháp và châu Âu nói chung phải làm chủ được công nghệ của các hệ thống được bán ở châu Âu. Công ty chúng tôi đang cố đóng góp vào việc xây dựng một nhà vô địch trong lĩnh vực này ở cấp độ châu Âu để có thể cạnh tranh trên thế giới.”
************
Giám đốc điều hành công ty bảo hiểm UnitedHealthcare của Mỹ bị bắn chết
Ngày 4-12, giám đốc điều hành của UnitedHealthcare, một trong những công ty bảo hiểm y tế lớn nhất nước Mỹ, đã bị bắn chết tại thành phố New York.
Theo báo chí Mỹ, ông Brian Thompson, giám đốc điều hành của UnitedHealthcare, bị bắn tại một khách sạn ở khu Midtown của Manhattan.
Ông đến khách sạn để tham dự một hội nghị, khi đó có một người đàn ông bịt mặt đã đợi và nổ súng vào ông. Đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Hãng tin CNBC cho rằng nhiều khả năng nghi phạm đã dùng súng giảm thanh. Cảnh sát xác nhận có vụ nổ súng tại địa điểm này và hiện đang truy lùng nghi phạm.
Ông Thompson bị bắn vào ngực, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Mt.Sinai trong tình trạng nguy kịch, sau đó đã tử vong.
Một số nguồn tin cho rằng nhiều khả năng đây là vụ tấn công có chủ ý.
*************
Vụ nổ giết chết 12 quân nhân ở Việt Nam
Mười hai binh sĩ Việt Nam tử nạn trong một vụ nổ một khối thuốc nổ dường như là tai nạn trong lúc đang huấn luyện ở miền Nam Việt Nam, truyền thông nhà nước đưa tin vào cuối ngày thứ Tư.
Vụ nổ xảy ra vào đêm thứ Hai 2/12 tại một trường bắn quân sự của Quân khu 7 ở tỉnh Đồng Nai, theo hãng thông tấn chính thức của Việt Nam.
Bản tin nói hầu hết các thi thể nạn nhân đã được tìm thấy, trong khi nhà chức trách đang tìm kiếm những người mất tích.
Một cuộc điều tra ban đầu cho thấy rằng các binh sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thuốc nổ ra vị trí tập kết thì trời mưa to, sấm sét, gây ra vụ nổ.
Bản tin trích lời Bộ Quốc phòng nói rằng "Đây là mất mát không thể bù đắp được đối với đơn vị quân đội, gia đình, người thân, đồng chí và đồng đội".
(Theo Reuters)
****************
Hamas đe dọa 'vô hiệu hóa' các con tin nếu Israel tiến hành chiến dịch giải cứu
Hamas cho biết họ có thông tin rằng Israel có ý định tiến hành một chiến dịch giải cứu con tin tương tự như chiến dịch đã thực hiện tại trại Nuseirat ở Gaza vào tháng 6 và đe dọa sẽ "vô hiệu hóa" những con tin đang bị bắt giữ nếu có bất kỳ hành động nào như vậy xảy ra, theo một tuyên bố nội bộ mà Reuters xem được hôm 4/12.
Trong tuyên bố đề ngày 22/11, Hamas đã yêu cầu các đặc vụ của mình không cần cân nhắc đến hậu quả của việc tuân theo các chỉ dẫn và nói rằng họ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về số phận của các con tin.
Một nguồn tin cấp cao của Hamas nói với Reuters rằng tuyên bố này đã được đơn vị tình báo của cánh quân sự Izz el-Deen al-Qassam của nhóm này chuyển đến các phe phái của họ, trong đó không nêu rõ thời điểm diễn ra bất kỳ chiến dịch nào của Israel.
Không có phản hồi ngay lập tức nào từ phía Israel đối với tuyên bố này. Hôm 4/12, truyền thông Israel đã trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz nói rằng áp lực lên Hamas đang gia tăng và lần này "chúng ta thực sự có thể thúc đẩy một thỏa thuận con tin".
Trong chiến dịch giải cứu Nuseirat vào ngày 9/6, lực lượng Israel đã giải thoát 4 con tin, những người đã bị Hamas giam giữ từ tháng 10/2023, trong một cuộc đột kích mà các quan chức Palestine cho biết đã làm hơn 200 người thiệt mạng, khiến đây trở thành một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của Israel trong cuộc chiến.
Trong tuyên bố của Hamas, nhóm này đã yêu cầu các đặc vụ của mình "thắt chặt" điều kiện sống của những con tin và nói rằng điều này phải được thực hiện theo các hướng dẫn được ban hành sau chiến dịch Nuseirat.
Trong một phần có tiêu đề "khuyến nghị", Hamas cũng chỉ thị cho các đặc vụ của mình "kích hoạt lệnh vô hiệu hóa ... như một phản ứng ngay lập tức và nhanh chóng đối với bất kỳ cuộc phiêu lưu nào của kẻ thù".
Israel đã phát động chiến dịch phản công của mình ở Gaza sau khi các chiến binh do Hamas lãnh đạo tấn công các cộng đồng người Israel bên kia biên giới vào ngày 7/10/2023, giết chết 1.200 người và bắt giữ hơn 250 con tin, theo số liệu của Israel.
Còn số liệu của Palestine cho thấy chiến dịch quân sự của Israel kể từ đó đã giết chết hơn 44.500 người Palestine và làm bị thương nhiều người khác. Cuộc tấn công đã biến phần lớn Gaza thành đống đổ nát.
**********
Trung Quốc tăng ảnh hưởng toàn cầu qua quan hệ đối tác với Nga
Trong năm qua, suy thoái kinh tế, tình trạng thất nghiệp dai dẳng của thanh niên và khủng hoảng bất động sản đã gây ảnh hưởng đến nội địa Trung Quốc. Ở nước ngoài, Bắc Kinh đã mở rộng hợp tác với Nga bất chấp cảnh báo từ các nhà lãnh đạo phương Tây rằng liên minh chặt chẽ hơn giữa hai nước là nguồn gây lo ngại ngày càng tăng.
Năm 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức ba cuộc họp song phương. Quân đội hai nước cũng đã tiến hành một số cuộc tập trận chung ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới trong năm nay.
Từ Ukraine và khối BRICS đến quan hệ kinh tế song phương và hệ thống đa phương, mối quan hệ “không giới hạn” mà Bắc Kinh và Moscow tuyên bố ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine vẫn tiếp tục phát huy đúng như tên gọi của nó, các nhà phân tích cho biết.
Ông Philipp Ivanov, một thành viên cấp cao không thường trú tại Asia Society, trả lời VOA vào ngày 28 tháng 11 rằng “sự tương tác thường xuyên của họ cho thấy cả hai nước đều tập trung vào mối quan hệ của họ và bất chấp nhiều rào cản và vấn đề mà họ phải giải quyết”.
Trong các cuộc họp, Tập Cận Bình và Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác song phương.
“Với những nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Trung-Nga đã tiến triển ổn định, với sự phối hợp chiến lược toàn diện được tăng cường và hợp tác sâu rộng hơn về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, giao lưu nhân dân, ở cấp độ địa phương và các lĩnh vực khác”, Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp với Putin tại Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 5.
Ông Ivanov nói mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này có lợi cho cả hai bên.
“Nga đã trở nên khá phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt cung cấp thiết bị điện tử và sản xuất”, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn vào thứ năm tuần trước 28/11. “Bắc Kinh đã được hưởng lợi từ giá năng lượng giảm giá mà Nga cung cấp”.
Thúc đẩy trật tự thế giới đa cực
Trung Quốc và Nga cũng đang tìm cách thúc đẩy một trật tự thế giới “đa cực” thay thế, thách thức hệ thống toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2024.
Một phần trong nỗ lực thúc đẩy trật tự thế giới đa cực đó là thông qua việc mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, còn gọi là SCO, và BRICS, một nhóm các quốc gia ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS kể từ đó đã mở rộng để bao gồm các quốc gia khác từ Châu Phi và Trung Đông.
Năm 2024, Belarus trở thành quốc gia mới nhất gia nhập SCO và vào tháng 7, Minsk đã tổ chức các cuộc tập trận chung với Trung Quốc gần biên giới Ba Lan và Ukraine. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trong năm nay.
Các chuyên gia cho biết động thái này đã thu hút một số cường quốc trung bình, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, Indonesia và Brazil.
Những quốc gia này “cảm thấy họ có thể gia tăng quyền lực của mình thông qua các tổ chức đa phương như BRICS và SCO vì họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức này”, bà Sari Arho Havren, cộng tác viên tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, nói với VOA ngày 28 tháng 11.
Khi ý tưởng về một trật tự thế giới đa cực thu hút nhiều quốc gia Nam Bán cầu hơn, bà Arho Havren cho biết điều này củng cố nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự coi mình là nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu.
“Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil, Tập Cận Bình đã mô tả mô hình quản trị của Trung Quốc như một mô hình cho các nước đang phát triển, và tôi nghĩ điều đó phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc thể hiện mình là một nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu,” bà nói với VOA qua điện thoại.
Nam Bán cầu thường đề cập đến các quốc gia được Liên hiệp quốc liệt kê là “đang phát triển” nhưng cũng bao gồm Trung Quốc và một số quốc gia giàu có ở vùng Vịnh. Trung Quốc và Nga đã tăng cường sử dụng nhóm này để làm nổi bật các nỗ lực hỗ trợ thế giới đang phát triển và gia tăng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế.
Trong khi ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia các tổ chức đa phương như BRICS, một số nhà phân tích cho rằng động cơ của họ có thể không giống với chương trình nghị sự chống phương Tây của Bắc Kinh và Moscow.
Trung Quốc và Nga “đang cố gắng chuyển BRICS thành một nhóm chống phương Tây nào đó, nhưng không nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu đồng tình với ý tưởng này,” ông Manoj Kewalramani, chủ tịch Chương trình nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Takshashila ở Ấn Độ cho biết.
“Nhiều quốc gia tham gia BRICS vì họ coi đó là [một nền tảng giúp họ] có tiếng nói chung để chia sẻ những bất bình của mình liên quan đến việc thiếu đại diện trong quản trị toàn cầu và khả năng định hình các quy tắc toàn cầu”, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn ngày 29 tháng 11.
Răn đe Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ
Trung Quốc và Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận chung vào năm 2024, tổ chức các cuộc tập trận và tuần tra quân sự ở Biển Đông, Bắc Cực, Địa Trung Hải và Biển Nhật Bản.
Ông Ivanov tại Hiệp hội Châu Á cho biết Trung Quốc và Nga đang cố gắng sử dụng các cuộc tập trận chung để “chứng minh rằng họ có đủ năng lực quân sự để răn đe Hoa Kỳ”.
Ông nói thêm, “Các cuộc tập trận cũng là cơ hội để Trung Quốc và Nga thử nghiệm giới hạn về những hợp tác quân sự của họ.”
“Khi họ tập trận cùng nhau nhiều hơn và tập trận ở nhiều địa điểm khác nhau, điều này tạo ra mối liên hệ nhất định giữa hai quân đội, đây là yếu tố quan trọng nhất hiện đang thiếu trong quan hệ Trung Quốc-Nga”, ông Ivanov cho biết.
Mặc dù hợp tác quân sự với Nga tăng cường ở nhiều nơi trên thế giới, ông Ivanov nói Trung Quốc vẫn chủ yếu tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho các tình huống bất trắc ở Đài Loan và Biển Đông.
“Các cuộc tập trận với Nga về cơ bản là các cuộc thử nghiệm để quân đội Trung Quốc hoạt động xa biên giới của mình và còn quá sớm để đánh giá chiến lược quân sự toàn cầu của Trung Quốc có thể tham vọng như thế nào”, ông cho biết.
Khi các quốc gia trên thế giới chuẩn bị cho sự trở lại Tòa Bạch Ốc của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump vào tháng 1/2025, bà Arho Havren nói Trung Quốc sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nơi Washington có thể giảm sự hiện diện của mình.
“Bất cứ nơi nào Hoa Kỳ có lập trường yếu hơn, Trung Quốc sẽ sẵn sàng lấp đầy khoảng trống”, bà nói với VOA.
*************