Tin Tức ngày 04 - 12 -2024

Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA(Xem: 821)
Tin Tức ngày 04 - 12 -2024
hoaluc-4
************

Báo chí Đài Loan: Nữ sĩ của văn chương lãng mạn Quỳnh Dao tự tử

Các báo Đài Loan đồng loạt đưa tin bà Quỳnh Dao, tác giả của nhiều tác phẩm như "Hoàn châu cách cách", "Tân dòng sông ly biệt", đã tự tử và qua đời tại nhà riêng hôm nay, 04/12/2024 tại Đạm Thủy, Tân Bắc, Đài Loan ở tuổi 86. Bà Quỳnh Dao, nữ sĩ của văn học lãng mạn tiếng Hoa, người Đài Loan gốc đại lục, để lại cả một di sản không chỉ trong văn chương và điện ảnh.

This picture taken by Taiwan’s Central News Agency (CNA) on August 1, 2017 shows Taiwanese writer Chiung Yao posing with her new book at a book release event in Taipei.
Ảnh Thông tấn xã Đài Loan chụp ngày 01/08/2017 : Nữ sĩ Quỳnh Dao cầm trên tay cuốn sách mới của bà tại sự kiện nhân dịp phát hành sách ở Đài Bắc. AFP - -
Quảng cáo

Tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 ở Thành Đô, Tứ Xuyên, bà được gia đình đưa sang Đài Loan khi chính quyền Trung Hoa Dân quốc thua trận trong nội chiến Quốc Cộng.

Nổi tiếng trong giới văn học tình cảm, lãng mạn dùng tiếng Hoa cũng như ở Nam Việt Nam thời VNCH trước 1975 và trên cả nước Việt Nam sau này, phải đến năm 1988 bà Quỳnh Dao mới lần đầu thăm Bắc Kinh.

Có thể nào, motif ly biệt, số phận không nơi nương tựa và tình yêu không được đáp trả nhưng luôn có ước mộng hạnh phúc viên mãn truyền thống xuất hiện nhiều trong văn của bà, phần nào cũng phản ánh mối tâm tư của thế hệ người Trung Hoa ở ba xứ sở: Hương Cảng, Đài Loan và Trung Quốc, gọi là Lưỡng ngạn, bị chia cắt bởi chiến tranh và chính trị.

Quỳnh Dao và mối quan hệ khó khăn với Đại Lục

Tuy thế, cũng có đánh giá ở Đài Loan rằng văn ngôn tình của Quỳnh Dao chịu ảnh hưởng của văn sĩ Anh Charlotte Brontë (1816-1855).

Quan hệ của bà Quỳnh Dao với nước Trung Quốc thời sau Khai phóng hóa ra lúc nào cũng luôn thuận buồm xuôi gió. Từ 1989, bà trở thành tác giả Đài Loan đầu tiên có phim chuyển thể từ truyện của mình ở CHND Trung Hoa. Không chỉ vậy, bà trở về đại lục, giao lưu với văn nghệ sĩ Trung Quốc và tham gia biên kịch nhiều bộ phim nổi tiếng dựa trên truyện và sách của bà. Nhưng năm 1994, bà công khai gửi thư cho đài truyền hình tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cáo buộc họ đã dùng một nhà văn khác “đánh cắp nhiều đoạn” trong truyện của bà để dựng một phim tình cảm lãng mạn, phim Mai Hoa Lạc.

Không chỉ thế, bà còn lên án nạn “ăn cắp bản quyền tràn lan” ở Trung Quốc trong nghệ thuật và điện ảnh. Được vinh danh là “nữ hoàng của phim bộ Trung Hoa”, ý kiến trên của bà rất có ảnh hưởng ở Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, nhưng bị phía Trung Quốc bác bỏ.

Tin bà qua đời chỉ được trang Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đăng rất ngắn gọn cùng nội dung thư tuyệt mệnh và video, mà không nhắc gì đến các vấn đề khác.

Tiếng nói cho luật trợ tử

Ở Đài Loan, ngoài chuyện về các cuộc hôn nhân khá phức tạp của nữ sĩ Quỳnh Dao, người ta còn nói đến tiếng nói của bà ủng hộ cho người tàn tật, và cách chăm sóc bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, không còn hy vọng phục hồi. Chẳng hạn văn của bà thường có người câm điếc, người mù, bị tàn phế.  Còn từ 2019, sau khi người chồng thứ hai, ông Bình Hâm Đào, qua đời vì bệnh mất trí nhớ, và đến lúc cuối đời cần phải cho ăn bằng ống, bà Quỳnh Dao lên tiếng về nhu cầu giúp con người sống và chết một cách có nhân phẩm.

Ở các nước Âu Mỹ, đây là vấn đề luật trợ tử, giúp người ta chết một cách có nhân phẩm, nhưng trong văn hóa Trung Hoa, đây không phải là chuyện dễ dàng được chấp nhận về luân lý. Tuy thế, nhờ sự lên tiếng của bà, Đài Loan đã chấp nhận trợ giúp người bị bệnh hiểm nghèo, không qua khỏi, được sang Thụy Sĩ để chọn cái chết được bác sĩ hỗ trợ. Nay thì nữ sĩ Quỳnh Dao đã tự chọn cách vĩnh biệt cuộc đời mà bà nói là “đã bừng sáng trọn vẹn”.

“Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc sống này thất vọng”, Quỳnh Dao để lại lời vĩnh biệt cho hàng triệu người hâm mộ ở châu Á.


************

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cáo buộc Ukraina hỗ trợ phiến quân Syria

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 03/12/2024, đã cáo buộc các cơ quan tình báo Ukraina hỗ trợ lực lượng nổi dậy chống chính quyền tổng thống Syria Bachar al-Assad.

Rebel fighters walk near a military vehicle in Maarat al-Numan in Idlib province, Syria December 1, 2024.
Các chiến binh của lực lượng nổi dậy tại Maarat al-Numan, tỉnh Idleb, Syria, ngày 01/12/2024. © Mahmoud Hassano / REUTERS
Quảng cáo

Hãng tin AFP, dẫn lời đại sứ Nga Vassili Nebenzia, khẳng định các phần tử nổi dậy chiến đấu cùng nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) "không những không che giấu việc được Ukraina hỗ trợ, mà còn công khai khoe khoang điều này".

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm chi tiết :

"Đại sứ Nga tại Liên Hiêp Quốc quả quyết rằng chính các quân nhân phụ trách đào tạo và chiến binh người Ukraina đã huấn luyện và trang bị vũ khí cho các chiến binh thánh chiến Hồi Giáo, lực lượng đã chiếm khu vực tây bắc Syria cách đây một tuần. Tất cả điều này diễn ra với sự hỗ trợ của phương Tây, đã không có can đảm lên án các cuộc tấn công khủng bố này khi họp tại New York.

Đại sứ Vassili Nebenzia nói : "Quan hệ hợp tác giữa những kẻ khủng bố Ukraina phiến quân Syria, bị thúc đẩy bởi sự căm thù Nga và Syria, chủ yếu thể hiện qua việc lực lượng vũ trang Ukraina tuyển mộ binh lính và tổ chức các cuộc tấn công chống quân đội Nga và Syria ở nước này. Những cộng tác viên của các cơ quan tình báo Ukraina cung cấp vũ khí cho các chiến binh ở Idleb, chủ yếu thông qua drone. Ukraina giờ đây đã trở thành một « vườn ươm » khủng bố quốc tế, thể hiện qua các vụ tấn công trên lãnh thổ Nga, cũng như ở Sahel hay Syria."

Về phần mình, lãnh đạo lực lượng cứu hộ Mũ trắng Syria cũng đã cáo buộc cộng đồng quốc tế bỏ rơi người dân Syria. Ông cũng yêu cầu Nga ngừng hỗ trợ chính phủ Syria và ngừng phát tán thông tin sai lệch."

Đại diện Liên Hiệp Quốc hôm qua cũng lên án các cuộc tấn công nhắm vào dân thường và cơ sở y tế ở tây bắc Syria là "rất đáng lo ngại". Trong vài ngày, xung đột đã khiến hơn 500 người thiệt mạng và gần 50.000 người phải sơ tán.


************

Tổng thống Philippines nói sự hiện diện của tàu ngầm Nga là 'rất đáng lo ngại'


Bức ảnh chụp ngày 28/11/2024 và được Lực lượng vũ trang Philippines công bố ngày vào ngày 2/12/2024, cho thấy một phần tàu ngầm lớp Kilo UFA 490 của Nga, được phát hiện cách đảo Mindoro 80 hải lý trên Biển Đông đang có tranh chấp.
Bức ảnh chụp ngày 28/11/2024 và được Lực lượng vũ trang Philippines công bố ngày vào ngày 2/12/2024, cho thấy một phần tàu ngầm lớp Kilo UFA 490 của Nga, được phát hiện cách đảo Mindoro 80 hải lý trên Biển Đông đang có tranh chấp.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 2/12 nói rằng sự hiện diện của một tàu ngầm tấn công của Nga trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông là "rất đáng lo ngại".

"Điều đó rất đáng lo ngại. Bất kỳ sự xâm phạm nào vào Biển Tây Philippines, vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, các đường cơ sở của chúng tôi, đều rất đáng lo ngại", ông Marcos nói với các phóng viên, ám chỉ một phần Biển Đông trong vùng biển của Philippines.

Người phát ngôn của Hải quân Philippines Roy Vincent Trinidad cho biết trong một tuyên bố hôm 2/12 rằng một tàu ngầm lớp Kilo của Nga đã được phát hiện cách tỉnh Occidental Mindoro, nằm ở phía tây Philippines, 80 hải lý vào ngày 28/11. Tuyên bố của người phát ngôn xác nhận thông tin mà tờ Philippine Daily Inquirer đưa ra trước đó.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 4/12, Nga cho biết tàu ngầm này đang thực hiện quyền tự do hàng hải theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

"Tàu ngầm này không vi phạm chế độ vùng kinh tế của Philippines trong bất kỳ phương diện nào", đại sứ quán Nga nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ đã thông báo cho Philippines về sự hiện diện của tàu để làm rõ rằng không có bất kỳ "ý định vô nguyên tắc" nào.

Tàu khu trục Jose Rizal của hải quân Philippines đã thiết lập liên lạc sóng radio với tàu ngầm Nga, xác nhận danh tính của tàu là UFA 490 và ý định của nó.

"Tàu Nga tuyên bố rằng họ đang chờ điều kiện thời tiết tốt hơn trước khi tiến đến Vladivostok ở Nga", ông Trinidad nói, nhưng không giải thích lý do tại sao con tàu có mặt ở khu vực này.

Người phát ngôn này cho biết thêm rằng lực lượng hải quân Philippines đã hộ tống tàu ngầm để đảm bảo tuân thủ các quy định về hàng hải.

Tàu ngầm lớp Kilo của Nga được coi là một trong những tàu ngầm chạy êm nhất và liên tục được cải tiến kể từ những năm 1980.

Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Bắc Kinh vào năm 2022, chỉ vài ngày trước khi Moscow phát động cuộc xâm lược vào Ukraine. Hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở Biển Đông vào tháng 7.

Căng thẳng giữa Manila, một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ, và Bắc Kinh đã leo thang trong năm qua do các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông. Một tòa trọng tài năm 2016 đã phán quyết rằng các yêu sách lịch sử của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp là không có cơ sở. Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.


************

Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với luận tội sau thảm họa thiết quân luật


Người dân ở Hàn Quốc cầm nến trong buổi cầu nguyện phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul hôm 4/12/2024.
Người dân ở Hàn Quốc cầm nến trong buổi cầu nguyện phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul hôm 4/12/2024.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 4/12 đệ trình một dự luật để luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông tuyên bố thiết quân luật tại quốc gia này, một đồng minh lớn của Hoa Kỳ, trước khi hủy bỏ quyết định vài giờ sau đó theo sau một cuộc đối đầu hỗn loạn giữa quốc hội và quân đội.

Quốc hội Hàn Quốc đã bác bỏ tuyên bố bất ngờ của ông Yoon về thiết quân luật, nhằm cấm các hoạt động chính trị và kiểm duyệt phương tiện truyền thông tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, trong khi quân đội có vũ trang tiến vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul.

Sau đó, sáu đảng đối lập Hàn Quốc đã đệ trình một dự luật lên quốc hội để luận tội ông Yoon, người đã phải đối mặt với cáo buộc lãnh đạo độc đoán từ những người đối lập và từ chính đảng của ông. Cuộc bỏ phiếu được ấn định vào ngày 6 hoặc 7 tháng này.

Một phiên họp toàn thể để chính thức giới thiệu dự luật đã được lên lịch bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày 4/12.

"Chúng ta không thể bỏ qua việc thiết quân luật một cách bất hợp pháp", nhà lập pháp Kim Yong-min của đảng DP nói với các phóng viên. "Chúng ta không thể để nền dân chủ sụp đổ thêm nữa".

Các nhóm dân sự và lao động đã tổ chức một buổi cầu nguyện thắp nến tại trung tâm thành phố Seoul vào tối 4/12, kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức – gợi nhớ đến các cuộc biểu tình thắp nến lớn trước đây vốn dẫn đến việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Sau đó, họ bắt đầu diễu hành về phía văn phòng tổng thống.

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) của ông Yoon đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và toàn bộ nội các phải từ chức. Bộ Quốc phòng cho biết ông Kim đã đề nghị từ chức.

Ông Yoon đã nói với quốc dân trong một bài phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày 3/12 rằng cần phải áp dụng thiết quân luật để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên và bảo vệ trật tự hiến pháp tự do, mặc dù ông không nêu ra bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.

Quân đội đã tìm cách giành quyền kiểm soát tòa nhà quốc hội, nhưng đã lui lại khi các trợ tá trong quốc hội xịt bình chữa cháy vào họ, trong lúc những người biểu tình xô xát với cảnh sát bên ngoài.

Vài giờ sau khi tuyên bố, quốc hội Hàn Quốc, với 190 trong số 300 thành viên có mặt, đã nhất trí thông qua quyết định bãi bỏ thiết quân luật, với sự ủng hộ của 18 thành viên trong đảng của ông Yoon.

Sau đó, tổng thống đã hủy bỏ lệnh thiết quân luật, khoảng 6 giờ sau khi ban hành.

Những người biểu tình bên ngoài Quốc hội đã hét lên và vỗ tay. Họ hô vang "Chúng ta đã chiến thắng!" và một người biểu tình đã đánh vào một chiếc trống.

"Có ý kiến cho rằng việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp là thái quá và chúng tôi đã không tuân thủ các thủ tục ban bố thiết quân luật khẩn cấp, nhưng việc này được thực hiện nghiêm ngặt trong khuôn khổ hiến pháp", một quan chức văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói với Reuters qua điện thoại.

Hiện vẫn chưa có phản ứng nào từ Triều Tiên về vụ việc ở Hàn Quốc.

Ông Yoon được các nhà lãnh đạo phương Tây coi là đối tác trong nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thống nhất các nền dân chủ chống lại chủ nghĩa độc tài đang gia tăng ở Trung Quốc, Nga và những nơi khác.

Nhưng ông đã gây ra sự bất an trong người dân Hàn Quốc khi gọi những người chỉ trích mình là "những thế lực toàn trị cộng sản và chống nhà nước" trong lúc tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút. Vào tháng 11, ông đã phủ nhận hành vi sai trái để đáp lại những cáo buộc mua chuộc ảnh hưởng đối với ông và vợ ông. Đồng thời, ông đã có lập trường cứng rắn đối với các công đoàn lao động.

Thị trường biến động

Seoul có vẻ khá bình thường vào ngày 4/12, với lưu lượng giao thông giờ cao điểm thường thấy trên các tuyến tàu và trên phố.

Nhưng liên đoàn lao động của Hyundai Motor đã công bố kế hoạch đình công vào ngày 5 và 6, trong khi một số nhà tuyển dụng lớn, bao gồm Naver Corp và LG Electronics Inc, đã khuyên nhân viên làm việc tại nhà.

Cổ phiếu Hàn Quốc giảm khoảng 1,3% trong khi đồng won ổn định nhưng xuống gần mức thấp nhất trong hai năm khi các nhà giao dịch báo cáo nghi ngờ có sự can thiệp của chính quyền.

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong đã họp khẩn cấp qua đêm và bộ tài chính hứa sẽ hỗ trợ thị trường nếu cần.

"Chúng tôi sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ ngắn hạn cũng như thị trường ngoại hối trong thời gian tới cho đến khi chúng được bình thường hóa hoàn toàn", một tuyên bố của chính phủ cho biết.

Một chuỗi cửa hàng tiện ích lớn của Hàn Quốc cho biết với yêu cầu giấu danh tính rằng doanh số bán hàng đồ đóng hộp, mì ăn liền và nước đóng chai đã tăng vọt qua đêm.

"Tôi vô cùng lo lắng về tình hình này và tôi rất lo ngại về tương lai của đất nước", Kim Byeong-in, cư dân 39 tuổi ở Seoul, nói với Reuters.

Quốc hội có thể luận tội tổng thống nếu hơn hai phần ba số nhà lập pháp bỏ phiếu thuận. Sau đó, tòa án hiến pháp sẽ xét xử, có thể xác nhận động thái này bằng một cuộc bỏ phiếu của 6 trong số 9 thẩm phán.

Đảng của ông Yoon có 108 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 300 thành viên.

‘Tránh khỏi hiểm nguy’

Nếu Tổng thống Yoon từ chức hoặc bị cách chức, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ thay thế làm lãnh đạo cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng 60 ngày.

"Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia đã tránh khỏi hiểm nguy, nhưng Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình", Danny Russel, phó chủ tịch của Viện nghiên cứu chính sách xã hội châu Á tại Hoa Kỳ, nhận định về tuyên bố thiết quân luật, vốn là tình trạng đầu tiên được ban hành tại Hàn Quốc kể từ năm 1980.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông hoan nghênh quyết định hủy bỏ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon.

"Chúng tôi tiếp tục mong đợi việc giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật các bất đồng chính trị", ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Hàn Quốc là nơi đồn trú của khoảng 28.500 quân nhân Mỹ như một di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Các cuộc đàm phán quốc phòng và một cuộc tập trận quân sự chung giữa hai đồng minh được lên kế hoạch đã bị hoãn lại trong bối cảnh hậu quả ngoại giao rộng lớn hơn từ cuộc hỗn loạn diễn ra qua đêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên rằng tình hình chính trị của Hàn Quốc là "vấn đề nội bộ" của nước này.

Nga cho biết họ đang theo dõi các sự kiện "bi kịch" ở Hàn Quốc với sự lo ngại.

Ông Yoon, từng là một công tố viên chuyên nghiệp, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022, giữa bối cảnh làn sóng bất bình về chính sách kinh tế, bê bối và chiến tranh giới tính.

Nhưng ông không được lòng dân, với tỷ lệ ủng hộ dao động ở mức khoảng 20% trong nhiều tháng và phe đối lập đã giành được gần hai phần ba số ghế trong quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 4 vừa qua.

Thiết quân luật đã được ban bố hơn một chục lần kể từ khi Hàn Quốc được thành lập với tư cách một nước cộng hòa vào năm 1948. Năm 1980, một nhóm sĩ quan quân đội đã buộc Tổng thống khi đó là Choi Kyu-hah phải ban bố thiết quân luật để dập tắt lời kêu gọi khôi phục chính quyền dân chủ.


**********

Biển Đông: Philippines điều tàu tuần duyên bảo vệ ngư dân chống Trung Quốc

Theo trang mạng của Hải quân Mỹ USNI hôm qua, 02/12/2024, hai tàu tuần duyên Philippines đã được điều động đến rạn san hô Bãi Cỏ Rong ( Iroquois Reef ), đông bắc quần đảo Trường Sa, để bảo vệ ngư dân chống lại các hành động quấy nhiễu của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Manila đưa tuần duyên đối đầu trở lại với các lực lượng Trung Quốc tại Biển Đông kể từ khi rút tàu khỏi bãi cạn Sabina hồi tháng 9/2024.

Ảnh do tuần duyên Philippines cung cấp : Tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng uy hiếp tàu Philippines, trong một lần tiến vào bãi cạn Scarborough ngày 09/12/2023.
Ảnh do tuần duyên Philippines cung cấp : Tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng uy hiếp tàu Philippines, trong một lần tiến vào bãi cạn Scarborough ngày 09/12/2023. AP

Tàu tuần duyên BRP Melchora Aquino (MRRV-9702), chiều dài 97 mét và tàu BRP Cape Engaño (MRRV-4411), chiều dài 44 mét, đã có mặt tại khu vực này sau khi ngư dân cho biết trực thăng của quân đội Trung Quốc áp sát tàu đánh cá Philippines hôm 30/11. Phát ngôn viên Tuần duyên Philippines, chuẩn đô đốc Jay Tarriela, ra một thông cáo báo chí nhấn mạnh: « Đây là lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận việc một trực thăng của Hải quân Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines ở một độ cao thấp đến như vậy, chỉ chừng từ 4 đến 5 mét ».

Ngư dân Philippines « tự tin hơn »

Theo AFP, phát ngôn viên của Hải cảnh Trung Quốc hôm qua, 02/12, khẳng định « nhiều tàu thuyền Philippines đã tập hợp bất hợp pháp với danh nghĩa đánh cá tại khu vực rạn san hô Hấu Đằng (Houteng) (tên Trung Quốc dùng để gọi rạn san hô Iroquois Reef) ». Theo người phát ngôn của Tuần duyên Philippines, « bất chấp các đe dọa của Hải cảnh Trung Quốc, ngư dân (Philippines) đã tự tin hơn hẳn sau khi tổng thống khẳng định lập trường cứng rắn, cam kết không nhân nhượng một ly chủ quyền quốc gia cho bất cứ một thế lực nước ngoài nào ».

Rạn san hô Iroquois Reef, tên Philippines là Rozul, cách đảo lớn Palawan khoảng 240 km, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo Hải Nam Trung Quốc đến hơn một nghìn km. Hành động quấy nhiễu tàu cá Philippines của trực thăng Trung Quốc diễn ra cùng ngày với việc Philippines ghi nhận sự hiện diện của tàu ngầm Nga cách đảo Mindoro chỉ 150 km (Mindoro cách thủ đô Manila 165 km về phía nam).

Trả lời trang mạng USNI News, ông Ray Powell, giám đốc dự án SeaLight, thuộc một trung tâm về an ninh quốc gia, Đại học Stanford, California, nhận định : « Từ Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) đến Bãi Cỏ Mây (Seconde Thomas Shoal), bãi cạn Sabina, đảo Thị Tứ, bãi cạn Scarborough và nay là rạn san hô Iroquois, Trung Quốc dường như cho rằng đã đến lúc giành quyền kiểm soát mọi ngõ ngách của vùng biển Tây Philippines ( tức Biển Đông) ».


**********

Pháp: Phe đối lập trình kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Barnier trước nguy cơ bị đổ

Chiều ngày 02/12/2024, trước Hạ Viện, thủ tướng Pháp Michel Barnier đã sử dụng điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh xã hội 2025 (PLFSS) mà không cần bỏ phiếu ở Quốc Hội. Quyết định này đã đặt chính phủ trước nguy cơ bị lật đổ. Các dân biểu của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) ngay lập tức thông báo nộp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) cũng cho biết sẽ đệ trình kiến nghị tương tự.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier họp Quốc Hội tại Paris, Pháp, ngày 02/12/2024.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier họp Quốc Hội tại Paris, Pháp, ngày 02/12/2024. © Michel Euler / AP

Do không có đa số quá bán tại Hạ Viện và lường trước dự luật sẽ không hội đủ số phiếu ủng hộ, thủ tướng Barnier kích hoạt điều 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật Ngân sách An sinh xã hội mà không cần các dân biểu bỏ phiếu. 

Ngay sau tuyên bố của thủ tướng Barnier sử dụng điều 49.3 tại Quốc Hội, liên minh cánh tả, mà đại diện là đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, cho biết sẽ nộp kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ trong ngày hôm nay. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc cũng đã khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Các kiến nghị bất tín nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận kể từ chiều mai để được biểu quyết. 

Tại Hạ Viện, đảng cực hữu RN cùng các đồng minh có hơn 140 dân biểu. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới có gần 200 ghế. Trong khi đó, chỉ cần 288 dân biểu bỏ phiếu thuận là đủ để kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua.

Từ khi nội các Barnier được thành lập, đảng cực hữu RN thường xuyên đặt những điều kiện cho các chính sách mà chính phủ đề ra. Chính phủ Barnier  đã phải chấp nhận nhiều nhượng bộ, nhưng vẫn không thỏa mãn lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen.

Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua trong vài ngày tới, chính phủ bị đổ, tổng thống Emmanuel Macron sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng mới. Đây là vấn đề cực kỳ nan giải, trong bối cảnh chính trị của nước Pháp gặp khủng hoảng sau khi tổng thống Macron giải tán Quốc Hội hồi đầu tháng 6 vừa qua.


***********

Mỹ và Việt Nam tìm cách tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trước khi Tổng thống Biden mãn nhiệm


Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 2/12.
Trưởng ban Đối Ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (trái) gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại trụ sở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 2/12.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp đón Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung tại thủ đô Washington hôm 2/12 khi hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ mới được nâng cấp giữa Việt Nam và Mỹ cũng như tìm kiếm phương cách để phát triển hơn nữa đối tác Chiến lược Toàn diện.

“Tôi nghĩ rằng sức mạnh của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của chúng ta phản ánh tầm quan trọng và giá trị mà cả hai chúng ta dành cho mối quan hệ này và cho nhiều điều mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Blinken nói với ông Trung tại cuộc gặp ở trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Cuộc gặp diễn ra chỉ chưa đầy 2 tháng trước khi Tổng thống Joe Biden rời Nhà Trắng.

Trong thông báo về chi tiết cuộc gặp do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra, ông Trung nói với ông Blinken rằng ông nhất trí về “những tiến bộ quan trọng trong quan hệ” Việt-Mỹ mà hai bên đã đạt được.

“Các nhà lãnh đạo của hai nước, Tổng thống Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng, đã nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện,” ông Trung nói. “Và tôi đến đây để thảo luận với ngài cùng các đồng nghiệp khác và thúc đẩy mối quan hệ song phương.”

Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý không đưa tin về cuộc gặp của ông Trung và ông Blinken tại Washington.

Ông Trung hồi tháng 6 năm ngoái cũng đã gặp ông Blinken tại Washington chỉ vài tháng trước khi diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội, tại đó người đứng đầu Nhà Trắng và Tổng bí thư Việt Nam lúc đó Nguyễn Phú Trọng đã nâng cấp quan hệ hai nước lên cấp đối tác cao nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, cho biết rằng ông Blinken và ông Trung đã “thảo luận về nhu cầu duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và ổn định.”

“Ngoại trưởng (Blinken) và Trưởng ban (Trung) nhất trí tiếp tục tìm kiếm các biện pháp để tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta,” ông Miller nói.

Mỹ sẽ có một chính quyền mới khi ông Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 để trở lại nắm quyền nhiệm kỳ 2. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đón tiếp Thủ tướng Việt Nam lúc đó Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng. Ông Phúc đã trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đông Nam Á được Tổng thống Trump tiếp đón sau khi nhậm chức.

Trong cuộc gặp với ông Trung, ông Blinken nói rằng ông tin tưởng những gì mà hai bên “đã làm để thực sự xây dựng lên một tầm cao lịch sử cho quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong tương lai,” ông Blinken, người sẽ chấm dứt nhiệm kỳ ngoại trưởng khi ông Trump nhậm chức, nói.

Ông Trump đã chọn Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio làm ngoại trưởng trong nội các của ông, một vị trí sẽ cần có sự chẩn thuận của Thượng viện Mỹ.

Ông Trung nói với ông Blinken rằng Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, vốn là siêu cường hàng đầu cũng như là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của quốc gia Đông Nam Á.

Bộ Thương mại Mỹ của chính quyền Biden đã không đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ công nhận Hà Nội là nền kinh tế thị trường cũng như dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ.

Dưới thời chính quyền Trump thứ nhất, Việt Nam bị liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ và bị ông Trump đe dọa đánh thuế vì bị cho là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” do có xuất siêu lớn vào Mỹ.

Việt Nam và Mỹ trong năm tới sẽ kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ.

“Chúng tôi hy vọng sẽ thấy tiến triển hơn nữa trong quan hệ giữa hai nước chúng ta vì lợi ích của nhân dân chúng ta và vì lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở cả hai khu vực và trên thế giới,” ông Trung nói khi gặp ông Blinken hôm 2/12.


*************

Trump yêu cầu thả ngay các con tin vụ 7/10, nếu không sẽ ‘phải trả giá rất đắt’


Con tin Omer Neutra, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Israel.
Con tin Omer Neutra, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Israel.

Tổng thống đắc cử Donald Trump yêu cầu thả ngay lập tức các con tin Israel vẫn đang bị giam giữ ở Gaza, nói rằng nếu họ không được thả trước khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai thì sẽ "phải trả giá rất đắt".

Trong một bài đăng trên trang mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump viết rằng “nếu các con tin không được thả trước ngày 20 tháng 1 năm 2025, ngày tôi tự hào nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, thì CÁI GIÁ PHẢI TRẢ RẤT ĐẮT ở Trung Đông, và đối với những kẻ chịu trách nhiệm đã gây ra những hành động tàn bạo này đối với Nhân loại."

Ông nói thêm rằng, "Những kẻ chịu trách nhiệm sẽ phải chịu hậu quả nặng nề hơn bất kỳ ai từng phải chịu trong lịch sử lâu đời và lừng lẫy của Hoa Kỳ. HÃY THẢ CÁC CON TIN NGAY BÂY GIỜ!"

Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có đe dọa sẽ trực tiếp đưa quân đội Hoa Kỳ tham gia chiến dịch đang diễn ra của Israel chống lại Hamas ở Gaza hay không. Các đồng minh của ông Trump cho biết ông hy vọng sẽ có một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin trước khi ông trở lại Nhà Trắng vào đầu năm sau.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối bình luận. Nhưng tổng thống nước này, Isaac Herzog, đã hoan nghênh những tuyên bố của ông Trump trong một bài đăng trên mạng xã hội.

"Cảm ơn và cầu phước lành cho ngài, Tổng thống đắc cử Donald Trump", ông viết trên X. "Tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho khoảnh khắc chúng ta nhìn thấy những người anh chị em của mình trở về nhà!"

Cuộc chiến ở Gaza bắt đầu khi các chiến binh do Hamas cầm đầu tấn công vào miền nam Israel, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là thường dân, và bắt khoảng 250 người làm con tin vào ngày 7/10/2023. Khoảng 100 người vẫn bị giam giữ bên trong Gaza, và khoảng hai phần ba được cho là vẫn còn sống.

Lời đe dọa của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi chính phủ Israel xác nhận cái chết của Omer Neutra, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Israel, người mà theo chính phủ Israel, thi thể vẫn bị Hamas giữ ở Gaza.

Vài ngày trước, Hamas đã công bố một đoạn video của con tin Edan Alexander, người đang phục vụ trong quân đội Israel khi bị Hamas bắt và đưa đến Gaza. Nói trong đoạn video được quay trong tình trạng rõ ràng là bị ép buộc, ông Alexander kêu gọi ông Trump tìm cách đàm phán để trả tự do cho chính mình và những con tin còn lại.

Chính quyền Biden đang tiến hành nỗ lực cuối cùng để cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas sau khi đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn mong manh giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon. Nhưng chính quyền đã nói rằng Hamas vẫn chưa thể hiện thiện chí tham gia lại các cuộc đàm phán và nhóm này không quan tâm đến mạng sống của chính mình hoặc mạng sống của thường dân Gaza.

Theo Bộ Y tế Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến ít nhất 44.429 người Palestine thiệt mạng. Cuộc chiến đã phá hủy các khu vực rộng lớn của vùng đất ven biển này và khiến 90% dân số 2,3 triệu người phải di dời, thường là trong nhiều lần.


**********

Tổng thống Yoon ban bố tình trạng thiết quân luật ở Hàn Quốc


Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 3/12 đã ban bố tình trạng thiết quân luật trong bài phát biểu bất ngờ vào đêm khuya, được phát trực tiếp trên kênh truyền hình YTN, trong đó ông nói rằng ông sẽ xóa sổ "các thế lực chống nhà nước vô liêm sỉ ủng hộ Triều Tiên".

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, tình trạng thiết quân luật được ban bố tại Hàn Quốc.

Hãng thông tấn Yonhap trích dẫn lời quân đội cho biết rằng các hoạt động của quốc hội và các đảng phái chính trị sẽ bị cấm, và các cơ quan truyền thông và nhà xuất bản sẽ nằm dưới sự kiểm soát của lệnh thiết quân luật.

Ông Yoon không nêu bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào từ Triều Tiên, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, thay vào đó tập trung vào các đối thủ chính trị trong nước của ông.

Động thái bất ngờ này đã gây chấn động khắp đất nước, nơi có một loạt các nhà lãnh đạo độc tài vào thời kỳ đầu của lịch sử nhưng được coi là dân chủ kể từ những năm 1980.

Đồng won của Hàn Quốc đã giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ. Một quan chức ngân hàng trung ương cho biết họ đang chuẩn bị các biện pháp để ổn định thị trường nếu cần.

Một người phát ngôn của Nhà Trắng hôm 3/12 cho biết rằng chính quyền Biden đang liên lạc với chính phủ Hàn Quốc và đang theo dõi chặt chẽ tình hình sau quyết định của Tổng thống Yoon.

Khoảng 28.500 quân nhân Hoa Kỳ đang đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước Triều Tiên. Người phát ngôn của bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ đã không trả lời các cuộc gọi liên tục của Reuters.

Ông Yoon cho biết ông không có lựa chọn nào khác là phải dùng đến biện pháp như vậy để bảo vệ trật tự tự do và theo hiến pháp. Ông nói rằng các đảng đối lập đã bắt làm con tin tiến trình lập pháp để đẩy đất nước vào khủng hoảng.

"Tôi tuyên bố tình trạng thiết quân luật để bảo vệ Cộng hòa Hàn Quốc tự do khỏi mối đe dọa của các lực lượng cộng sản Triều Tiên, để xóa bỏ các lực lượng chống nhà nước thân Triều Tiên đáng khinh đang đánh cắp tự do và hạnh phúc của người dân chúng ta, và để bảo vệ trật tự tự do theo hiến pháp", ông Yoon nói.

Ông Yoon không ngay lập tức cho biết lực lượng chống nhà nước thân Triều Tiên là ai. Nhưng ông đã từng trích dẫn những lực lượng như vậy trong quá khứ là cản trở chương trình nghị sự của ông và làm suy yếu đất nước.

Ông không đưa ra trong bài phát biểu các biện pháp cụ thể gì sẽ được thực hiện. Yonhap đưa tin rằng lối vào tòa nhà quốc hội đã bị chặn.

"Xe tăng, xe bọc thép chở quân và lính cầm súng và dao sẽ cai trị đất nước", Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP) đối lập, chiếm đa số trong quốc hội, phát biểu trực tuyến. "Nền kinh tế của Hàn Quốc sẽ sụp đổ không thể cứu vãn. Đồng bào của tôi, hãy đến Quốc hội".

Ông Yoon đã trích dẫn một động thái trong tuần này của Đảng Dân chủ đối lập của đất nước nhằm luận tội một số công tố viên hàng đầu của đất nước và việc đảng này bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ.

Các bộ trưởng Hàn Quốc hôm 2/12 đã phản đối động thái của đảng DP đối lập vào tuần trước nhằm cắt giảm hơn 4 nghìn tỷ won khỏi đề xuất ngân sách của chính phủ. Ông Yoon nói rằng hành động đó làm suy yếu hoạt động thiết yếu của chính quyền chính phủ.


***********

Nghiên cứu của Mỹ: Máy bay của tổng thống Nga được dùng để trục xuất trẻ em Ukraine


Bà Maria Lvova-Belova và ông Putin.
Bà Maria Lvova-Belova và ông Putin.

Theo báo cáo của Trường Y tế Công thuộc Đại học Yale, máy bay và nguồn quỹ của tổng thống Nga đã được sử dụng trong một chương trình đưa trẻ em ra khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, tước bỏ danh tính Ukraine của chúng và đưa chúng đến sống với các gia đình người Nga.

Nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hậu thuẫn, được công bố hôm 3/12, đã xác định 314 trẻ em Ukraine được đưa đến Nga trong những tháng đầu của cuộc chiến ở Ukraine trong một phần của chương trình có hệ thống do Điện Kremlin cấp ngân quỹ nhằm "Nga hóa" những đứa trẻ này.

Reuters không thể độc lập xác nhận những phát hiện của báo cáo này.

Vào tháng 3/2023, Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo ủy ban về quyền trẻ em của ông, bà Maria Lvova-Belova, với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh khi trục xuất các trẻ em Ukraine.

Vào thời điểm đó, bà Lvova-Belova nói rằng ủy ban của bà đã hành động vì lý do nhân đạo để bảo vệ trẻ em ở một khu vực đang diễn ra hành động quân sự. Văn phòng của bà Lvova-Belova đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận. Điện Kremlin cho biết họ không thể trả lời các câu hỏi được gửi hôm 2/12, với lý do không có đủ thời gian.

Báo cáo mới, được chia sẻ với Reuters, cung cấp thông tin chi tiết về chương trình trên và những cá nhân có liên quan, bao gồm cả điều mà nhà nghiên cứu chính cho biết là mối liên hệ mới với ông Putin.

Nhà nghiên cứu Nathaniel Raymond, Giám đốc điều hành Phòng nghiên cứu nhân đạo của Đại học Yale, cho biết ông đã lên lịch trình bày những phát hiện này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 4/12. Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch luân phiên của cơ quan gồm 15 thành viên trong tháng này.

Theo ông Raymond, nghiên cứu đưa ra bằng chứng vốn sẽ hỗ trợ thêm các cáo buộc của ICC đối với ông Putin về hành vi "cưỡng bức chuyển giao" người dân từ một nhóm sắc tộc này sang nhóm khác.

Ông cũng cho biết báo cáo đã chứng minh "việc trục xuất trẻ em Ukraine là một phần của chương trình có hệ thống do Điện Kremlin chỉ đạo" nhằm biến chúng thành công dân Nga.

Cưỡng bức chuyển giao là tội ác chống lại loài người theo luật pháp quốc tế. Vì chúng phải xảy ra trên diện rộng và có hệ thống, nên tội ác chống lại loài người thường được coi là nghiêm trọng hơn tội ác chiến tranh mà ông Putin hiện đang bị buộc tội vì cáo buộc trục xuất trẻ em Ukraine.

Trả lời các câu hỏi của Reuters, văn phòng công tố viên của ICC cho biết báo cáo của Yale hữu ích "trong các hoạt động liên tục của chúng tôi trong vụ này". Văn phòng này cho biết họ không thể cung cấp thêm thông tin về các cáo trạng hoặc hành động có thể phát sinh từ các hoạt động điều tra của họ tại Ukraine.

Văn phòng tổng thống Ukraine đã không trả lời yêu cầu bình luận. Văn phòng tổng chưởng lý Ukraine cho biết họ không có bình luận ngay lập tức.

Đáp lại các cáo buộc của ICC năm ngoái, bà Lvova-Belova nói rằng Nga không di chuyển bất kỳ ai trái với ý muốn của họ hoặc của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của họ, những người luôn được hỏi ý kiến, trừ khi họ mất tích.

Bà cho biết trẻ em được giao cho người giám hộ hợp pháp tạm thời và không được cho đi làm con nuôi.

Nga, quốc gia không công nhận ICC, cho biết lệnh của tòa án là vô nghĩa. Tuy nhiên, các quyết định của tòa án có thể hạn chế việc đi lại của những cá nhân bị buộc tội vì 124 quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải thực thi các quyết định của tòa này.

Nghiên cứu này dựa trên những dữ liệu được khai thác từ ba cơ sở thống kê việc nhận con nuôi của chính phủ Nga trong hơn 20 tháng. Ông Raymond cho biết rằng cuộc điều tra của Yale sau đó đã lập bản đồ về hậu cần và ngân quỹ cho chương trình bị cáo buộc, và xác nhận danh tính của 314 trẻ em.

Nghiên cứu này là một phần trong sáng kiến do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dẫn đầu, dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhằm ghi lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và tội ác chống lại loài người tiềm tàng của Nga và các lực lượng liên kết với Nga ở Ukraine.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.


********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 18 Tháng Giêng 20257:00 SA
Thứ Sáu, 17 Tháng Giêng 20254:34 SA
Thứ Năm, 16 Tháng Giêng 20256:49 SA
Thứ Tư, 15 Tháng Giêng 20253:00 SA
Thứ Ba, 14 Tháng Giêng 20256:09 SA
Thứ Hai, 13 Tháng Giêng 20253:11 SA
Chủ Nhật, 12 Tháng Giêng 20255:17 SA
Thứ Bảy, 11 Tháng Giêng 20256:04 SA
Thứ Sáu, 10 Tháng Giêng 20254:35 SA
Thứ Năm, 09 Tháng Giêng 20254:45 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo