Tin Tức ngày 29 - 11 -2024:

Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Một 20244:51 SA(Xem: 466)
Tin Tức ngày 29 - 11 -2024:

Hoaluc 1


************

Chiến tranh Ukraina: Tổng thống Nga dọa tấn công Kiev bằng tên lửa Orechnik

Nga tiếp tục duy trì áp lực quân sự với Ukraina. Hôm qua 28/11/2027 tổng thống Vladimir Putin dọa sử dụng tên lửa siêu thanh Orekhnik oanh kích các trung tâm đầu não của Ukraina tại thủ đô Kiev. Lời đe dọa của chủ nhân điện Kremlin được đưa ra trong cuộc họp báo tại thủ đô Astana nhân chuyến công du Kazakhstan. 

An explosion of a drone is seen in the sky over the city during a Russian drone strike, amid Russia's attack on Ukraine, in Kyiv, Ukraine November 3, 2024.
Một vụ nổ drone trên vùng trời Kiev trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraina tối 03/11/2024. REUTERS - Gleb Garanich
Quảng cáo

Trả lời báo chí, ông Putin nhắc lại, « không loại trừ » khả năng tấn công các trung tâm đầu não quân sự và chính trị của Ukraina, « kể cả tại Kiev » bằng tên lửa siêu thanh và dọa thêm rằng « sử dụng tên lửa Orekhnik hai, ba hay bốn lần thì sức công phá tương tương với một quả bom nguyên tử ». Lập tức tại Kiev, tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga muốn « kéo dài chiến tranh », đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây « cứng rắn đáp trả » quyết tâm của Putin « tiêu diệt và tàn phá » Ukraina .

Quân đội Ukraina sáng nay 29/11/2024 cho biết phải chống đỡ với 130 drone của Nga trong đêm qua sau các đợt oanh kích, « nhiều cơ sở hạ tầng, các khu chung cư, nhà ở của dân và xe cô bị hư hại ». Các thành phố Odessa, Kharkiv, Dnipro và cả Kiev bị tấn công khốc liệt trong ngày hôm qua. Thậm chí quân đội Nga đã sử dụng bom chùm, như ghi nhận của tổng thống Zelensky. Trên đài RFI, Oleksandr Kharchenko, giám đốc trung tâm nghiên cứu về công nghệ năng lượng của Nga tại Kiev, cho biết bom chùm cản trở công tác phục hồi các nhà máy điện tại Ukraina :

« Đây là lần thứ nhì Nga sử dụng loại vũ khí này. Lần trước là vào tháng 8/2024 nhắm vào nhiều nhà máy điện. Từ đó đến nay chúng tôi đã cải thiện hệ thống phòng thủ, củng cố các phương tiện chống bom chùm. Vấn đề đặt ra là ở bên trong các quả bom chùm, có những bom đạn không phát nổ ngay. Do vậy, một khi cuộc tấn công đã chấm dứt, các chuyên viên không thể lập tức can thiệp mà phải đợi nhân viên gỡ mìn được điều đến hiện trường, tháo dỡ hết các loại vũ khí này. Việc đó đỏi hỏi nhiều thời gian.

Nhiều quả bom bi có thể chỉ phát nổ vài giờ thậm chí là vài ngày sau đó. Thường thì chúng tôi mất từ 6 đến 10 tiếng đồng hồ mới có thể can thiệp một cách an toàn. Đương nhiên đây là cả một vấn đề đối với những người bị mất điện trong thời gian dài như vậy. Phục hồi các nhà máy điện lại càng đòi hỏi thêm thời gian, nhưng đây là điều tuyệt đối cần thiết. Không hơn không kém, đây là một hành vi khủng bố khác nữa từ phía Matxcơva ».


**********

Ukraine áp mức tăng thuế thời chiến đầu tiên chống lại cuộc xâm lược của Nga


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Năm kí ban hành luật mức tăng thuế thời chiến đầu tiên của Ukraine khi cuộc chiến chống lại Nga bước sang tháng thứ 34.

Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenkko cho biết dự luật này là thiết yếu để bảo đảm nguồn tài trợ suôn sẻ cho ngành quốc phòng Ukraine vào năm sau. Ông nói những thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12.

Chính phủ đang tăng thuế chiến tranh đối với cư dân lên 5% từ mức 1,5% hiện đang được trả trên thu nhập cá nhân và đang áp dụng thuế chiến tranh đối với hàng chục ngàn doanh nhân cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Chính phủ cũng tăng một số khoản trả tiền thuê nhà, đánh thuế lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức 50%, và tăng thuế đối với lợi nhuận của các tổ chức tài chính khác lên 25%.

Việc tăng thuế sẽ giúp tăng thêm khoảng 140 tỉ hryvnia (3,4 tỉ đôla) doanh thu bổ sung vào năm sau để tài trợ các nỗ lực quốc phòng của Ukraine tại thời điểm quan trọng của cuộc chiến khi Kyiv đang chiến đấu với kẻ thù lớn hơn và được trang bị tốt hơn nhiều.

Tăng thuế trong chiến tranh đã là một chủ đề nhạy cảm và được tranh luận nhiều ở Ukraine khi tình trạng nghèo túng gia tăng và nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến sự ác liệt trên hơn 1.000 km tiền tuyến, các đợt oanh kích của Nga nhắm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng.

Ông Marchenko nói việc phê duyệt tăng thuế cũng là một bước thiết yếu đối với chương trình tài chính của Ukraine với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một bên cho vay chính.

Chính phủ và đội ngũ nhân viên của IMF đã đạt được một thỏa thuận sẽ cho Kyiv tiếp cận khoảng 1,1 tỉ đôla nhưng ban điều hành của IMF vẫn phải cân nhắc thỏa thuận này.

Ông Marchenko nói chi tiêu quân sự của Ukraine chiếm khoảng một nửa ngân sách hàng năm của đất nước. Chính phủ đặt mục tiêu chi tiêu quân sự vào khoảng 2,2 ngàn tỉ hryvnia vào năm sau, gần bằng mức của năm nay.

Kyiv trả tiền lương cho binh lính và sản xuất vũ khí trong nước bằng doanh thu nhà nước nhưng chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ tài chính từ các đối tác phương Tây để chi trả cho các chi tiêu xã hội và nhân đạo.

Nhu cầu tài trợ từ bên ngoài của Ukraine sẽ đạt khoảng 38,4 tỉ đôla vào năm sau, ông Marchenko nói. Ông cho biết thâm hụt ngân sách được nhắm mục tiêu vào khoảng 19,4% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2025, giảm so với khoảng 24% theo kế hoạch cho năm nay.

Chính phủ định chi trả thâm hụt của năm sau bằng nguồn tài trợ từ IMF, Liên minh Châu Âu và cũng bằng nguồn tiền từ khoản vay G-7 trị giá 50 tỉ đôla được chờ đợi từ lâu vốn được bảo đảm bằng tài sản bị phong tỏa của Nga.


**********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút

(AFP) – Mỹ và Trung Quốc trao đổi tù nhân. Ngày 27/11/2024, nhiều quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã trả tự do cho ba công dân Mỹ Mark Swidan, Kai Li et John Leung, « bị tù oan » theo Washington. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết đã nói chuyện với ba người này « khi họ trở về Mỹ vào đúng dịp Thanksgiving – Lễ Tạ Ơn ». Mark Swidan bị giam giữ từ năm 2012 với cáo buộc tàng trữ ma túy. Doanh nhân Kai Li bị cáo buộc làm gián điệp năm 2016. Ngày 28/11, đến lượt Bắc Kinh thông báo ba công dân Trung Quốc, « bị cầm tù oan uổng » ở Mỹ, cũng đã hồi hương, nhưng không tiết lộ danh tính.

(PNA) – Philippines, Hoa Kỳ và Nhật Bản tổ chức tham vấn hàng hải ba bên đầu tiên. Ngày 27/11/2024, bộ Ngoại Giao Nhật Bản thông báo sự kiện này sẽ diễn ra vào tháng 12, theo tinh thần cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Philippines, tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 4/2024. Bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng G7 tại Ý ngày 26/11, ngoài cuộc đối thoại ba bên, ngoại trưởng Nhật Bản và Philippines cũng thảo luận về tình hình Biển Đông và khẳng định sự hợp tác an ninh chặt chẽ giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên, một ngoại trưởng Philippines dự diễn đàn G7.

(Reuters) – Nga dọa sẽ phản ứng nếu Mỹ đặt tên lửa ở Nhật Bản. Chính quyền Matxcơva hôm qua, 27/11/2024, đã cảnh báo sẽ đáp trả nếu Washington triển khai tên lửa tại Nhật Bản và đe dọa an ninh của Nga. Theo Kyodo, Nhật Bản và Hoa Kỳ dự định đề một kế hoạch quân sự để ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc đưa các đơn vị tên lửa đến quần đảo Nansei.

(AFP) – Ngoại trưởng Đức triệu hồi đại sứ Nga. Sự việc xảy ra hôm nay, 28/11/2024, sau khi Kremlin trục xuất hai phóng viên của kênh truyền hình ARD. Bà Annalena Baerbock lên án hành động của Matxcơva là không thể chấp nhận được và cũng phủ nhận việc đóng cửa văn phòng kênh Pervy Kanal của Nga ở Berlin, phản bác lý do mà Kremlin đưa ra để trục xuất các phóng viên Đức.

(AFP) – Vladimir Putin công du Kazakhstan. Tổng thống Nga hôm qua, 27/11/2024, đã đến Kazakhstan trong chuyến thăm hai ngày nhằm củng cố quan hệ với đồng minh Trung Á, trong bối cảnh xung đột leo thang ở Ukraina. Kazakhstan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Matxcơva dẫn đầu, nhưng đã bày tỏ lo ngại về cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm. Chuyến đi của chủ nhân điện Kremlin diễn ra vào thời điểm quan hệ thương mại giữa hai nước căng thẳng, với việc Nga cấm một số mặt hàng nông sản của Kazakhstan sau khi quốc gia này từ chối gia nhập BRICS.

(AFP) – Thụy Sĩ kỳ vọng đạt được « thỏa thuận xích gần » với Liên Hiệp Châu Âu vào cuối năm 2024. Chính quyền Berne muốn được thâm nhập vào thị trường Liên Âu dễ dàng hơn. Sau cuộc họp ngày 28/11/2024, phái đoàn Thụy Sĩ tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán tiến triển « tốt ». Bruxelles và Berne tìm cách « ổn định và phát triển » mối quan hệ song phương được kết nối với hơn 120 thỏa thuận. Về phía Liên Âu, Bruxelles đề nghị Thụy Sĩ đóng góp thường xuyên hơn vào Quỹ Gắn kết châu Âu để giúp một số nước bắt kịp nhịp độ phát triển.

(AFP) – 1,53 triệu ca tử vong hàng năm có liên quan đến ô nhiễm không khí vì hỏa hoạn. Hơn 90% ca tử vong trong số này xảy ra ở các nước đang phát triển, và chỉ riêng vùng châu Phi Nam Sahara đã chiếm gần 40%. Tác giả của bản nghiên cứu, được đăng trên tạp chí The Lancet ngày 28/11/2024, đã phân tích các dữ liệu có từ giai đoạn 2000 đến 2019 và thống kê 450.000 ca tử vong hàng năm là do các bệnh tim mạch vì ô nhiễm không khí do hỏa hoạn và 220.000 ca tử vong do các bệnh về đường hô hấp cũng vì khói bụi do cháy và thải vào không khí. Theo dự đoán, số ca tử vong sẽ còn tăng trong những năm tới, vì biến đổi khí hậu gây cháy rừng thường xuyên hơn và dữ dội hơn.


***********

Mexico cảnh báo thuế quan của Trump sẽ xóa sổ 400.000 việc làm tại Mỹ, dọa trả đũa


Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã điện đàm hôm thứ Tư thảo luận về những chủ đề quan trọng hàng đầu trong chủ trương của ông Trump.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã điện đàm hôm thứ Tư thảo luận về những chủ đề quan trọng hàng đầu trong chủ trương của ông Trump.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum hôm thứ Tư nói rằng Mexico sẽ trả đũa nếu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump làm đúng như ông tuyên bố là áp thuế quan toàn diện 25% mà ông đề xuất, một bước đi mà chính phủ của bà cảnh báo có thể xóa sổ 400.000 công ăn việc làm tại Mỹ và đẩy giá lên cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

"Nếu có thuế quan của Mỹ, Mexico cũng sẽ tăng thuế," bà Sheinbaum nói trong một cuộc họp báo, trong phát biểu rõ ràng nhất của bà cho đến nay nói rằng đất nước đang chuẩn bị các biện pháp thương mại trả đũa khả dĩ nhắm vào đối tác thương mại hàng đầu của mình.

Bộ trưởng Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard, phát biểu cùng bà Sheinbaum, kêu gọi hợp tác và hội nhập khu vực nhiều hơn thay vì một cuộc chiến thuế nhập khẩu trả đũa.

"Đó là tự bắn vào chân," ông Ebrard nói về thuế quan được ông Trump đề xuất mà dường như vi phạm thỏa thuận thương mại USMCA giữa Mexico, Canada và Mỹ.

Ông Ebrard cảnh báo thuế quan sẽ dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt ở Mỹ, tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng đến các công ty Mỹ sản xuất tại Mexico bằng cách là trên thực tế tăng gấp đôi số thuế mà họ phải nộp. "Tác động đến các công ty là rất lớn," ông nói.

Ông Ebrard nói thêm rằng thuế quan được đề xuất sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nhà xuất khẩu xuyên biên giới hàng đầu của ngành ô tô, cụ thể là Ford, General Motors, và Stellantis.

Ông Ebrard lưu ý rằng 88% xe bán tải bán tại Mỹ được sản xuất tại Mexico và sẽ chứng kiến giá tăng lên. Những chiếc xe này rất phổ biến ở các vùng nông thôn đã bỏ phiếu áp đảo cho ông Trump.

"Ước tính của chúng tôi là giá trung bình của những chiếc xe này sẽ tăng 3.000 đôla," ông Ebrard nói.

Bà Sheinbaum và ông Trump đã điện đàm hôm thứ Tư. Hai người thảo luận về những chủ đề quan trọng hàng đầu trong chủ trương của ông Trump.

Ông Trump trước đó đã nói rằng thuế quan sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi dòng ma túy - đặc biệt là fentanyl - và di dân đổ vào Mỹ được kiểm soát.

Trong một đăng tải trên nền tảng Truth Social của mình, ông Trump nói bà Sheinbaum "đã đồng ý chặn dòng di dân đi xuyên qua Mexico và vào Mỹ, về cơ bản là đóng cửa Biên giới phía Nam của chúng ta." Ông mô tả cuộc nói chuyện là "rất có kết quả."

Bà Sheinbaum sau đó phản hồi trên X rằng bà đã nêu ra chiến lược về di dân của Mexico mà bà nói sẽ "giải quyết" trước khi họ đến biên giới Mỹ-Mexico, trong cuộc gọi của bà với ông Trump.

"Lập trường của Mexico không phải là đóng cửa biên giới, mà là xây dựng cầu nối giữa các chính phủ và người dân," bà nói thêm.

Nhiều nhà phân tích coi những đe dọa về thuế quan của ông Trump là một chiến thuật đàm phán hơn là chính sách thương mại.

"Việc thiếu mối liên hệ rõ ràng giữa mối đe dọa này và các câu hỏi liên quan đến thương mại cho thấy tổng thống mới định sẽ dùng thuế quan như một chiến lược đàm phán để đạt được các mục tiêu phần lớn không liên quan đến thương mại," David Kohl, nhà kinh tế trưởng tại Julius Baer nói.

Ngành ô tô của Mexico là ngành sản xuất quan trọng nhất của nước này, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ. Ngành này chiếm gần 25% tổng sản lượng xe của Bắc Mỹ.

Brian Hughes, người phát ngôn của đội ngũ chuyển giao quyền hành của ông Trump, cho biết thuế quan sẽ bảo vệ các nhà sản xuất và công nhân Mỹ khỏi "các tập tục không công bằng của các công ty nước ngoài và thị trường nước ngoài."

Ông Hughes nói ông Trump sẽ thực hiện các chính sách giúp cuộc sống trở nên bớt đắt đỏ hơn và thịnh vượng hơn cho đất nước của mình.

GM và Stellantis từ chối bình luận. Ford không bình luận về việc thuế quan mà ông Trump đe dọa sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình như thế nào nhưng nói họ sản xuất nhiều xe hơn tại Mỹ so với hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn.


***********

Trung Quốc cảnh báo sẽ hành động nếu Mỹ tăng cường hạn chế chip


01000000-0aff-0242-6877-08dc90935c99_cx0_cy7_cw0_w1023_r1_s

Trung Quốc ngày thứ Năm cảnh báo họ sẽ thực hiện "các hành động cần thiết" để bảo vệ các công ty Trung Quốc nếu Mỹ tăng cường các biện pháp kiểm soát chip, sau khi có tin chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới ngay trong tuần này.

Tuần trước, Phòng Thương mại Hoa Kỳ thông báo cho các thành viên trong một email rằng chính quyền Biden đang cân nhắc đưa thêm tới 200 công ty chip Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Việc này sẽ ngăn hầu hết các nhà cung cấp của Mỹ giao hàng cho họ.

Khi được hỏi về tin này tại một cuộc họp báo thường kì vào ngày thứ Năm, người phát ngôn của bộ thương mại Hà Á Đông nói Trung Quốc "mạnh mẽ phản đối" điều mà ông nói là Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và "lạm dụng" các biện pháp kiểm soát nhắm vào các công ty Trung Quốc.

Mỹ đã thắt chặt kiểm soát đối với chất bán dẫn giữa những lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các công nghệ tiên tiến để củng cố quân đội của mình.

"Những hành động này làm gián đoạn nghiêm trọng trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, làm mất ổn định an ninh công nghiệp toàn cầu, và gây tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như ngành bán dẫn toàn cầu," ông nói.

"Nếu Mỹ nhất quyết leo thang các biện pháp kiểm soát, Trung Quốc sẽ thực hiện các hành động cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc," ông nói thêm.

Bloomberg đưa tin hôm thứ Năm rằng chính quyền Biden đang cân nhắc các biện pháp hạn chế bổ sung đối với việc bán thiết bị bán dẫn và chip nhớ AI cho Trung Quốc.

Dẫn những người nắm rõ chuyện này, hãng tin này cho biết đề xuất mới nhất sẽ chế tài một số lượng nhà cung cấp cho Huawei ít hơn so với dự định ban đầu, đặc biệt là không bao gồm ChangXin Memory Technologies, công ty đang nỗ lực phát triển công nghệ chip nhớ AI.

Đề xuất này cũng nhắm vào hai nhà máy sản xuất chip sở hữu bởi Semiconductor Manufacturing International Corp., đối tác của Huawei, và hơn 100 công ty Trung Quốc chế tạo thiết bị sản xuất chất bán dẫn, thay vì chính những con chip, theo bản tin.

Ông Biden theo lịch trình sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 và có lo ngại rằng lời hứa áp đặt thêm thuế quan lên Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra một cuộc chiến thương mại.

Tuần này ông Trump tuyên bố áp đặt thuế quan bổ sung 10% lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cao hơn bất kì mức thuế hiện hành nào.

Ông cáo buộc Bắc Kinh làm chưa đủ để ngăn chặn dòng ma túy bất hợp pháp đổ vào Mỹ từ Mexico.

Bộ thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm nói mức thuế này sẽ không giải quyết được các vấn đề nội bộ của Mỹ.


*************

Putin nói Nga sẽ dùng mọi vũ khí có trong tay nếu Ukraine thủ đắc vũ khí hạt nhân


Trong bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí sau khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại Astana, Kazakhstan, vào ngày 28 tháng 11 năm 2024.
Trong bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với báo chí sau khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại Astana, Kazakhstan, vào ngày 28 tháng 11 năm 2024.

Tổng thống Vladimir Putin ngày thứ Năm nói Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có trong tay chống lại Ukraine nếu Kyiv thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Tuần trước, báo The New York Times đưa tin một số quan chức phương Tây không nêu danh tính đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.

"Nếu quốc gia mà về cơ bản chúng tôi đang lâm chiến vào lúc này trở thành một cường quốc hạt nhân, chúng tôi sẽ làm gì? Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả, tôi muốn nhấn mạnh điều này, chính xác là tất cả biện pháp hủy diệt mà Nga có. Mọi thứ: chúng tôi sẽ không cho phép điều đó. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi bước đi của họ," ông Putin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan.

"Nếu chính thức có ai đó chuyển giao thứ gì đó, thì điều đó có nghĩa là vi phạm mọi cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mà họ đã đưa ra," ông Putin nói.

Ông Putin cũng nói Ukraine gần như không thể sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể chế tạo một loại "bom bẩn" nào đó, một loại bom chính quy chứa vật liệu phóng xạ để phát tán gây ô nhiễm. Trong trường hợp đó, Nga sẽ phản ứng thích hợp, ông nói.

Nga đã nhiều lần nói mà không đưa ra bằng chứng rằng Ukraine có thể sử dụng một thiết bị như vậy.

Ukraine thừa hưởng vũ khí hạt nhân từ Liên bang Soviet sau khi sụp đổ năm 1991, nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994, Bản ghi nhớ Budapest, để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần phàn nàn rằng bước đi này đã khiến đất nước của ông mất an ninh. Ông dẫn ra điều này là lý do vì sao Ukraine nên được kết nạp vào NATO, điều mà Moscow cực lực phản đối.


**********

Pháp từ chối nói liệu có bắt giữ Putin theo trát của ICC hay không


Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Pháp, nước đang chịu áp lực về lập trường của mình đối với trát bắt giữ quốc tế được đưa ra nhắm vào thủ tướng Israel, hôm thứ Năm từ chối cho biết liệu họ có sẵn sàng bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin theo một lệnh tương tự hay không.

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra trát bắt giữ vào tuần trước đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng của ông và một thủ lĩnh quân sự của Hamas về cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại trong cuộc xung đột ở Gaza.

Tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu, kể cả Pháp, đều là các bên kí kết hiệp ước thành lập của ICC nhưng Pháp ngày thứ Tư nói rằng họ tin rằng ông Netanyahu được miễn trừ trước các hành động của ICC vì Israel chưa kí kết các điều lệ của tòa án.

ICC cũng đã ra trát bắt giữ đối với ông Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine, dù Nga không phải là bên kí kết hiệp ước thành lập của ICC.

Người phát ngôn bộ ngoại giao Pháp Christophe Lemoine hôm thứ Năm nói rằng lập trường pháp lý của Pháp về căn bản là giống nhau đối với lệnh bắt giữ được ban hành đối với ông Putin và ông Netanyahu.

"Chúng tôi có lẽ chưa cụ thể lắm khi bình luận về trường hợp của ông Putin so với trường hợp hiện tại nhưng, trong mọi trường hợp, lập trường của chúng tôi vẫn như vậy," ông Lemoine nói với các phóng viên.

Khi được hỏi liệu điều này có nghĩa là Pháp sẽ không bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên đất Pháp, ông nói: "Liên quan đến Vladimir Putin, tất cả những người phạm tội thì sẽ không thoát được trừng phạt. Họ phải bị buộc chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi sẽ áp dụng luật pháp quốc tế trong mọi khía cạnh."

Nhưng ông cho biết vấn đề miễn trừ, mà ông nói đã được ghi nhận trong các điều lệ của ICC, là "phức tạp" và đôi khi các quốc gia có quan điểm khác nhau về vấn đề này.


************

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp để ‘bổ túc quan hệ với Mỹ’


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư-Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đến Paris
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư-Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đến Paris

Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Hà Nội vừa thiết lập với Paris giúp Việt Nam có thêm hỗ trợ trên Biển Đông nhưng đồng thời có thể linh hoạt hơn trong việc đối phó với Trung Quốc thay vì chỉ dựa vào Mỹ, các nhà phân tích nói với VOA.

Pháp đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ 8 của Việt Nam, và là nước châu Âu đầu tiên có khuôn khổ quan hệ này với Hà Nội, hồi đầu tháng 10 sau khi Hà Nội đã liên tiếp nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Mỹ, Nhật và Úc.

Tuyên bố nâng cấp quan hệ do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố hôm 7/10 ở Paris đánh giá hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng và cho biết hai nước sẽ phối hợp trong công tác đào tạo sĩ quan trong khi Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Pháp cập cảng Việt Nam nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Tuyên bố chung còn cho biết Pháp sẽ tiếp tục thúc đẩy ODA, tức viện trợ phát triển chính thức, cho Việt Nam còn Việt Nam mong muốn hợp tác với Pháp trong cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, đường sắt, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, hydrogen phi carbon, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, logistics, cảng biển, hàng không dân dụng và cáp ngầm dưới biển…

Pháp được xem là cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì họ có các lãnh thổ hải ngoại trải dài trên hai đại dương này. Hồi năm 2020, Pháp cùng với hai cường quốc châu Âu khác là Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ủng hộ ngoại giao, pháp lý

Trao đổi với VOA từ Paris, Giáo sư Nguyễn Thái Sơn, vốn từng là nhà ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa và hiện là cố vấn khoa học cho Viện Địa chính trị Paris, cho biết lập trường của Pháp về Biển Đông như sau: không chấp nhận đường chín đoạn của Trung Quốc; ủng hộ UNCLOS (Công ước quốc tế về Luật Biển); chủ trương tự do hàng hải cũng như hàng không.

“Pháp ủng hộ Việt Nam về ngoại giao và pháp lý nhưng chỉ can dự quân sự tập thể cùng với Mỹ và phương Tây,” ông nói thêm. “Việt Nam ủng hộ Pháp tham gia tuần tra với Mỹ, Anh, Liên Âu để kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông.”

Ông Sơn cho biết Paris đã đề ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà theo đó nếu chiến tranh nổ ra ở Biển Đông, Pháp sẽ hợp tác với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để bảo vệ các lãnh thổ hải ngoại cùng 1,6 triệu dân Pháp cư trú ở các lãnh thổ này.

Theo lời chuyên gia này thì Paris có hạm đội ở Thái Bình Dương, có hiệp ước sử dụng hải cảng với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Hơn 5.000 quân nhân Pháp đang hoạt động trong khu vực, ông cho biết, trong khi Pháp đang tăng cường sản xuất khí giới để xuất khẩu và hiện đang là cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.

Một trong những lĩnh vực hợp tác mới trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, vị giáo sư này chỉ ra, là có khả năng Hà Nội sẽ tìm kiếm khí giới của Pháp để giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

“Việt Nam có thể mua thiết bị giám sát Biển Đông, chiến đấu cơ của Pháp. Họ rất thích tàu ngầm Scorpène của Pháp nhưng còn bị kẹt với 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga nên chưa có thể thay đổi được trong tương lai gần,” ông nói.

Dễ xử hơn với Trung Quốc?

Về mặt chiến lược, nếu như việc Hà Nội nâng cấp quan hệ với Washington khiến Bắc Kinh phải dè chừng thì việc nâng cấp quan hệ của Hà Nội với Paris không khiến Hà Nội lâm vào thế khó xử với Bắc Kinh, cũng theo nhận định của chuyên gia này.

“Trung Quốc không ngại cạnh tranh với Pháp ở Đông Dương vì Pháp không phải là siêu cường như Mỹ trong khi Pháp không chủ trương ngoại giao đối đầu như Mỹ,” ông phân tích.

“Đây là bước đi rất đúng vì Việt Nam cần có quan hệ chiến lược với Pháp và Liên Âu để bổ túc cho quan hệ với Mỹ, Nhật, Ấn vì Việt Nam không còn có thể trông cậy vào Nga vốn đã suy yếu và lệ thuộc vào Trung Quốc.”

Một chuyên gia theo dõi tình hình Biển Đông là Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên tại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhận định với VOA rằng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Pháp ‘sẽ giảm sức ép với Hà Nội của việc nâng cấp quan hệ với Mỹ’.

“Khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã chịu rất nhiều sức ép từ Trung Quốc,” ông giải thích. “Việt Nam có thể nhân dịp này chứng tỏ họ không chỉ nâng cấp quan hệ với Mỹ mà còn với nhiều nước khác.”

Nhất là trên Biển Đông, nếu Bắc Kinh ‘vô cùng nhạy cảm’ với quan hệ giữa Hà Nội với Washington thì quan hệ với Pháp vẫn giúp Hà Nội thách thức yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc nhưng ‘không tạo cớ cho Trung Quốc gây hấn’, vẫn theo lời ông Hoàng Việt.

“Một trong những lý do Bắc Kinh làm căng với Manila là họ nghĩ Mỹ đứng đằng sau xúi giục Philippines đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông,” ông chỉ ra.

“Pháp là cường quốc tương đối, không quá gay gắt như Mỹ, sự đối đầu Mỹ-Trung không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Việt-Pháp nên Pháp là đối tác Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ tốt hơn.”

Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Pháp giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh cả về chiến lược lẫn thực tế đồng thời nếu có thêm nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Việt Nam trước hành vi của Trung Quốc thì Trung Quốc ‘cũng phải cân nhắc phần nào’, ông Việt cho biết.

“Quan điểm của Việt Nam là muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, nên có nhiều nước can dự thì rõ ràng là tốt hơn cho Việt Nam,” ông nói và cho biết Pháp cũng như các nước châu Âu đều đề cao luật pháp quốc tế trong khi tàu chiến của các nước Mỹ, Anh, Pháp đều thách thức yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Cáp ngầm và tàu hỏa cao tốc

Cũng theo lời ông Việt, nếu Hà Nội có thể được Paris chuyển giao một số công nghệ vũ khí thì hệ thống phòng thủ của họ ‘sẽ mạnh hơn’ và cho rằng Hà Nội có thể cần tàu đổ bộ Mistral của Pháp.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra một lĩnh vực mà Việt Nam rất cần sự hợp tác với Pháp là xây dựng cáp ngầm trên biển trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt trong việc kiểm soát cáp ngầm dưới Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Paris có quá bận tâm vào cuộc chiến ở Ukraine nên lơ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không, ông Hoàng Việt cho rằng ‘Pháp và châu Âu không bao giờ quên mối đe dọa từ Trung Quốc’.

Bên cạnh an ninh-quốc phòng, ông Nguyễn Thái Sơn cho rằng một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quan hệ với Pháp là ‘công nghệ cao cấp’, trong đó có công nghệ hàng không, không gian và tàu hỏa cao tốc vì ‘Việt Nam muốn Pháp giúp thăng bằng quan hệ với Trung Quốc’.

“Pháp đồng ý bán máy bay Airbus và các hãng Safran (hãng sản xuất động cơ máy bay) và Thales (tập đoàn hàng không, không gian Pháp) có thể muốn lập nhà máy tại Việt Nam,” ông nói và cho biết Việt Nam muốn Pháp tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TGV từ Hà Nội đến Hải Phòng trong khi chỉ để Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt từ Vân Nam đến Hà Nội.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20244:25 SA
Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20244:08 SA
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20243:19 SA
Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Năm, 05 Tháng Mười Hai 20244:18 SA
Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo