Tên lửa siêu thanh Orechnik: Trò chơi leo thang xung đột của tổng thống Nga Putin
Minh Anh
10–13 minutes
Ngày 21/11/2024, quân đội Nga lần đầu tiên đã phóng tên lửa loại « Orechnik » nhằm vào thành phố Dnipro của Ukraina. Theo một số chuyên gia, với hành động này, tổng thống Vladimir Putin đưa ra một thách thức leo thang rất rõ ràng đối với phương Tây : Quý vị đã sẵn sàng hay chưa để Nga tấn công các cơ sở của NATO ở bất kỳ nơi nào tại châu Âu bằng các loại tên lửa siêu thanh mà quý vị không có ?
Theo Le Monde, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hạt nhân quân sự, Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân trên chiến trường Ukraina. Tên lửa mới mang tên « Orechnik », có tầm bắn nằm trong khoảng từ 2000-3000 km.
Chuyên gia Heloise Fayet, phụ trách chương trình nghiên cứu về Răn đe và Phổ biến Hạt nhân, Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), trên đài phát thanh France Culture giải thích đây là một phiên bản cải biên từ loại tên lửa cũ RS-26, từng được Nga phát triển trong những năm 2010, nhưng chương trình đã bị đình lại do quá tốn kém:
« Điều thú vị ở đây là loại tên lửa này đã bị cấm trong từ năm 1987 đến năm 2019, nhờ vào Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Văn bản được ký kết giữa Hoa Kỳ và Liên Xô sau cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu (1977 – 1987). Vụ căng thẳng nổi tiếng này lại gia tăng giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu sau khi Nga phát triển và bố trí một số loại tên lửa nhằm đáp trả việc Mỹ cho lắp tên lửa Pershing tại châu lục này.
Hai đại cường thời kỳ đó nhận ra rằng việc trang bị các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km tạo ra một sự mơ hồ chiến lược, bởi vì một điểm tại châu Âu đã nằm trong tầm bắn từ lãnh thổ Liên Xô, và do vậy loại tên lửa này đã bị cấm. Tuy nhiên, trong những năm 2010, Nga đã quyết định tái khởi động một số chương trình vũ khí. Kế hoạch bị Mỹ phát hiện và ông Donald Trump năm 2019 đã quyết định rút khỏi Hiệp ước INF và sau đó là đến lượt Nga. »
Đương nhiên, đòn phủ đầu này của Nga đã mang lại niềm hân hoan cho những người theo đường lối cứng rắn tại Matxcơva. Còn tại các thủ đô phương Tây, hành động này của Nga đã gây bất ngờ và là một bước rẽ quan trọng trong cuộc chiến tranh Ukraina. Hành động này có thể được xem như là một thách thức từ ông Putin, theo đó, NATO không đủ sức để đối phó với các loại tên lửa « siêu thanh » của Nga mà phương Tây không hề có.
Chiến lược leo thang căng thẳng
Về điểm này, Ian Proud, một nhà cựu ngoại giao Anh, am tường về Nga, trên trang Responsible Statecraft (27/11/2024) đánh giá rằng phương Tây đang hiểu sai về chiến lược của Nga. Tại mỗi thời điểm quan trọng trong một thập kỷ qua, Nga tìm cách thống trị leo thang, một khái niệm Chiến Tranh Lạnh, theo đó, một quốc gia có thể kiềm chế xung đột tốt nhất và tránh leo thang nếu họ thống trị ở mỗi bậc leo thang liên tiếp, cho đến nấc sau cùng là bậc thang hạt nhân.
Chiến lược này đã được Nga áp dụng kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraina năm 2014. Việc sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 và cuộc chiến xâm lược Ukraina tháng 02/2022 là bước leo thang lớn mà NATO đã không đối đầu trực diện. Chiến lược này cũng được Nga thực hiện trong lĩnh vực ngoại giao. Người ta còn nhớ năm 2017, Matxcơva leo thang căng thẳng với Washington khi trục xuất 755 nhân viên ngoại giao Mỹ. Khi cho leo thang quá mức, Nga đánh cược rằng đối thủ của mình sẽ không sẵn sàng bước thêm một nấc thang nữa.
Tại Matxcơva, có một quan điểm cứng rắn, được củng cố bởi chủ nghĩa tuần tiến của Joe Biden, cho rằng khi có căng thẳng, Nga sẽ luôn vượt trội hơn một liên minh phương Tây chia rẽ và yếu kém về mặt đạo đức. Bởi một lẽ dễ hiểu là Nga có thứ mà phương Tây không có : Quyền lực tối cao và Ý chí chính trị, để có thể đơn phương hành động.
Ông Putin đã bị những người theo đường lối cứng rắn chỉ trích là đã không phản ứng trước việc phương Tây tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraina. Do vậy, việc Nga phóng một tên lửa siêu thanh Orechnik vào một cơ sở vũ khí kiên cố của Ukraina tại Dnipro đúng là đã đánh dấu một bước leo thang mới, bởi vì đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo tầm trung được sử dụng trên chiến trường.
« Orechnik » : Ngưỡng hạt nhân không bị phá vỡ
Theo ông Ian Proud, hành động này của Matxcơva mang nhiều ý nghĩa quan trọng, vì một số lý do. Thứ nhất, việc sử dụng tên lửa « Orechnik » cho thấy một sự leo thang mới về khả năng hủy diệt. Thiệt hại gây ra từ cuộc không kích này dường như lớn hơn đáng kể so với các cuộc tấn công thông thường khác.
Về điểm này, nhà nghiên cứu Heloise Fayet, lưu ý rằng, điều thú vị ở đây, không phải ở điểm tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, mà là việc chúng có thể mang nhiều đầu đạn thông thường cùng một lúc. Trên đài phát thanh France Culture, nữ chuyên gia Pháp giải thích tiếp:
« Giới chức Nga rất rõ ràng về chủ đề này. Mục tiêu của họ với loại tên lửa đạn đạo tầm trung là sử dụng nhiều đầu đạn cùng lúc và tiến hành bắn hàng loạt để có thể tiếp cận bằng tên lửa quy ước nhiều địa điểm mà trước đây chỉ có thể thực hiện bằng vũ khí hạt nhân, và do vậy cho phép tấn công dễ dàng hơn nhiều.
Bởi vì, với một loại vũ khí quy ước như vậy, quý vị không vi phạm điều cấm kỵ về hạt nhân, và do vậy tấn công dễ dàng hơn nhiều các mục tiêu tại Ukraina, hay, tại sao không, ở Ba Lan, Rumani hay các nước vùng Baltic ? Điều này đặt ra câu hỏi : Chúng ta sẽ phản ứng thế nào, đặc biệt là NATO hay Pháp, trước một cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm cho đến giờ được cho là khó thể bị nhắm đến ? »
Thứ hai, theo ông Ian Proud, một ngày sau cuộc không kích, tổng thống Nga, trong bài phát biểu trước toàn dân, đã cẩn thận mô tả đây là « một cuộc thử nghiệm », đồng thời khẳng định tên lửa « Orechnik » có một khả năng triển khai vượt xa năng lực các loại tên lửa mà các cường quốc phương Tây cho phép Ukraina sử dụng để oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga như ATACMS hay Storm Shadow. Nguyên thủ Nga còn để ngỏ cánh cửa cho các « cuộc thử nghiệm » tiếp theo của Orechnik.
« Orechnik » làm lộ rõ điểm yếu của châu Âu
Trong bài phát biểu, tổng thống Nga khẳng định, phương Tây chưa có một phương tiện nào để chống lại một kiểu oanh kích như ngày 21/11. Với tốc độ Mach 10, tức khoảng từ 2,5 -3 km/giây, chưa có một hệ thống phòng không nào hiện có trên thế giới, kể cả các hệ thống phòng không Mỹ bố trí tại châu Âu có thể bắn chặn. Một thông tin phần nào cũng được nhà nghiên cứu Heloise Faye, thừa nhận trên làn sóng France Culture ngày 25/11/2024:
« Có một số hệ thống phòng không có khả năng bắn chặn loại tên lửa này, đặc biệt là hệ thống THAAD. Đây là hệ thống tên lửa của Mỹ và được nước này triển khai gần đây ở Israel để bảo vệ lãnh thổ Israel trước một cuộc tấn công của Iran. Vấn đề là hệ thống phòng không này cực kỳ đắt và có rất ít. Quả thật, nghĩ đến một dạng Vòm Sắt giống như hệ thống vũ khí được bố trí ở Israel trên lãnh thổ châu Âu hoàn toàn là một điều ảo tưởng. »
Cuộc « thử nghiệm » của Nga đang đặt Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp trong thế phải đối mặt với việc đưa Ukraina vào một tình huống mà một loại vũ khí có sức tàn phá lớn hơn có thể được sử dụng để chống phá các mục tiêu chiến lược hoặc trên chiến trường.
Cuối cùng, phạm vi tấn công của Orechnik lớn hơn gấp 16 lần so với tên lửa ATACMS và Storm Shadow. Điều này đặt bất kỳ mục tiêu nào của NATO trong tầm bắn của cuộc tấn công thông thường. Theo nhiều nguồn tin từ Nga, trong cuộc không kích hôm 21/11, Nga đã phá hủy cơ sở vũ khí Yuzhmash, được xây dựng từ thời Liên Xô cũ, nằm sâu dưới lòng đất để tránh bị tấn công. Đây dường như là nơi được hãng vũ khí Rheinmetall của Đức sử dụng để sửa chữa xe tăng Leopard và Ukraina dùng làm cơ sở để sản xuất drone tầm xa.
Thế nên, với việc lần đầu tiên dùng vũ khí đạn đạo tầm trung không kích Ukraina, ông Putin đã gởi đi một thông điệp rất rõ ràng đến các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Mỹ và Anh Quốc, những nước ủng hộ việc triển khai ATACMS, hay Storm Shadow, rằng mục tiêu cụ thể sắp tới rất có thể sẽ là NATO.
Leo thang xung đột : Mỹ có sẽ phản ứng ?
Dù vậy, nhà nghiên cứu tại IFRI lưu ý thêm rằng, chi phí để sản xuất một loại tên lửa như vậy rất tốn kém, ước tính lên đến hàng chục triệu euro, phải mất nhiều năm để sản xuất và Nga hiện chỉ sở hữu một số lượng rất hạn chế, nhất là vẫn còn đang trong giai đoạn « thử nghiệm » như tuyên bố của nguyên thủ quốc gia Nga.
Trong cuộc leo thang xung đột giữa Nga và Phương Tây, liệu tổng thống Nga có đi đến nấc sau cùng là dùng đến vũ khí nguyên tử hay không ? Chuyên gia Heloise Fayet cho biết lập trường của bà:
« Theo tôi, nguy cơ sử dụng vũ khí nguyên tử là cực kỳ thấp, ngay cả khi chúng ta nói đến vũ khí hạt nhân của Mỹ, Bắc Triều Tiên, Nga… Tôi cho rằng Vladimir Putin đang tìm cách chứng tỏ rằng ông có nhiều giải pháp thay thế hơn là một cuộc tấn công hạt nhân, bởi vì ông biết rằng vũ khí hạt nhân đã không được dùng đến từ năm 1945 và thật không may là hiện nay, Nga không còn trong thế yếu trên chiến trường Ukraina.
Ông Putin cũng thấy rõ là tại châu Âu và Mỹ đang có nhiều cuộc tranh luận, rồi việc ông Trump sắp trở lại cầm quyền, về nguyên tắc, là ít hậu thuẫn Ukraina hơn, và do vậy, ông ấy thật sự cũng chẳng được lợi gì nếu bị cộng đồng quốc tế gạt ra bên lề, nhất là có thể gây mâu thuẫn với đối tác Trung Quốc, vốn luôn thận trọng trong việc sử dụng vũ khí nguyên tử.
Ngược lại, ông ấy sẽ tìm cách đẩy lùi dần ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân khi đánh cược trên cả hai vế : Một mặt, bằng cách cho phát triển các phương tiện tấn công sâu theo quy ước, có thể cho phép ông đạt được mục tiêu chính trị nhưng không vi phạm điều cấm kỵ về hạt nhân, và mặt khác, bằng cách luôn đưa ra báo động về việc ông ấy điều chỉnh học thuyết răn đe hạt nhân Nga, để cho thấy mối đe dọa hạt nhân vẫn luôn còn đó.
Một lần nữa, ông Putin có sẵn nhiều lựa chọn thay thế, kể cả tấn công mạng và nhất là, tại sao không, sử dụng vũ khí hóa học tấn công sâu để đẩy lui việc sử dụng vũ khí hạt nhân ».
Về phía Mỹ, vào lúc sắp hết nhiệm kỳ tổng thống, liệu ông Biden có quyết định sẵn sàng leo thang quá mức với Putin hay không ? Điều này đòi hỏi vị tổng thống sắp mãn nhiệm phải mở rộng một cách ồ ạt, quy mô và phạm vi của các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ có thể được sử dụng ở Ukraina. Tuy nhiên, Ian Proud nhắc nhở, quân đội Mỹ vẫn chưa có một hệ thống tương đương đang hoạt động như Orechnik. Sắp đến ngày chính thức bước vào Nhà Trắng, liệu rằng Donald Trump có sẽ quyết định mở kho vũ khí hay không, đây vẫn còn là một điều đáng ngờ !
***********
Đài Loan tổ chức tập trận quy mô lớn trên không và trên biển
Quân đội Đài Loan hôm nay, 28/11/2024, thông báo tiến hành tập trận trên không và trên biển, triển khai nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa, một ngày sau khi Trung Quốc thả hai quả bóng bay về phía hòn đảo.
Hãng tin AFP, trích dẫn thông cáo của không quân Đài Loan, cho biết cuộc tập trận, diễn ra vào sáng sớm, nhằm đánh giá "các quy trình phản ứng và khả năng phối hợp của đơn vị phòng không". Cuộc tập trận gần đây nhất của không quân Đài Loan diễn ra vào tháng 6 vừa qua, một tháng sau khi tổng thống Lại Thanh Đức nhậm chức.
Ngoài ra, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết hôm nay đã phát hiện hai quả bóng bay mà Trung Quốc thả cách hòn đảo khoảng 110 km về phía Tây Bắc. Một quả bóng bay Trung Quốc khác đã được phát hiện vào Chủ nhật trong cùng khu vực.
Chính quyền Đài Loan hôm qua đã cám ơn các ngoại trưởng nhóm G7 đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời ủng hộ sự tham gia của hòn đảo vào các tổ chức quốc tế.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng G7 "phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép", đồng thời nhấn mạnh không có "cơ sở pháp lý" cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Về phần mình, chính quyền Trung Quốc hôm nay đã cam kết "quyết liệt dập tắt" mọi nỗ lực giành độc lập của Đài Loan, do tổng thống Lại Thanh Đức ngày mai sẽ mở chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Lãnh đạo Đài Loan sẽ đến thăm ba quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng trên đường có thể sẽ ghé Hawaii và đảo Guam của Mỹ.
************
Nga không kích mạng lưới năng lượng Ukraina, hàng trăm nghìn người bị mất điện
Sáng 28/11/2024, Nga lại tấn công ồ ạt vào mạng lưới năng lượng ở Ukraina trong khi nhiệt độ chỉ ở mức 0°C. Hàng trăm nghìn người dân bị mất điện ở Kiev, Odessa và Dnipro. Vụ tấn công được cho là đòn « đáp trả » hai vụ oanh kích của Ukraina bằng tên lửa Mỹ ATACMS vào lãnh thổ Nga trước đó.
Trên mạng Facebook, bộ trưởng Năng Lượng Ukraina tố cáo « một lần nữa, lĩnh vực năng lượng lại bị kẻ thù (Nga) tấn công ồ ạt ». Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Zelensky, khẳng định trên mạng Telegram rằng Ukraina sẽ đáp trả, đồng thời lên án Nga « theo đuổi chiến thuật khủng bố, dự trữ tên lửa để tấn công các công trình hạ tầng của Ukraina, để gây chiến với thường dân trong mùa đông ».
Còi báo động đã vang trên cả nước. Không quân Ukraina cho biết tên lửa của Nga nhắm đến các vùng Odessa, Mykolaiv (miền nam), Kirovograd (miền trung) và Kherson (miền đông). Theo AFP, Nga thường gia tăng oanh kích vào các khu vực dân sự ở Ukraina khi mùa đông đến gần, và nhắm đến các cơ sở hạ tầng năng lượng.
Về phía Nga, bộ Quốc Phòng nước này cho biết đã bắn hạ 25 drone Ukraina trong đêm 27-28/11 ở vùng Briansk, sát biên giới Belarus, trên bán đảo Crimée và vùng Rostov (miền nam Nga).
Mỹ viện trợ thêm 725 triệu đô la cho Ukraina
Nga đang giành lợi thế ở mặt trận miền đông trước một quân đội Ukraina bị suy yếu. Trước tình hình này, ngày 27/11, chính quyền tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden đã kêu gọi Kiev hạ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống còn 18, thay vì 25 tuổi như hiện nay, để bổ sung cho lực lượng quân đội. Ngoài ra, theo nguồn tin của Reuters, chính quyền Mỹ cũng đang chuẩn bị một gói viện trợ mới cho Ukraina trị giá 725 triệu đô la, bao gồm các loại vũ khí chống tăng, đạn dược, mìn, drone, tên lửa Stinger và rocket Himars… để cản đà tiến của Nga trên chiến trường.
Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden cố gắng tăng cường hỗ trợ cho Kiev trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump, chủ trương gây áp lực với Kiev để đàm phán với Matxcơva.
***********
Thụy Điển yêu cầu tàu Trung Quốc quay lại để hỗ trợ điều tra vụ đứt cáp ở Biển Baltic
Thụy Điển yêu cầu một con tàu của Trung Quốc quay lại lãnh hải Thụy Điển để hỗ trợ cho cuộc điều tra về sự cố đứt cáp quang ngầm gần đây ở Biển Baltic, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết hôm 26/11 nhưng nhấn mạnh rằng yêu cầu này không mang ý nghĩa buộc tội đối với con tàu.
Hai đường cáp ngầm bị hư hại trong vòng chưa đầy 24 giờ hôm 17 và 18/11. Một đường cáp kết nối Phần Lan và Đức, trong khi đường còn lại liên kết Thụy Điển với Litva. Hai vụ này làm dấy lên nghi ngờ về hành động phá hoại, và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng đây có thể là hành động cố ý.
Các cuộc điều tra của Thụy Điển, Đức và Litva đang tập trung vào tàu hàng Trung Quốc Yi Peng 3, vốn rời cảng Ust-Luga của Nga từ ngày 15/11. Phân tích của Reuters về dữ liệu từ MarineTraffic cho thấy tọa độ của con tàu trùng khớp với thời gian và địa điểm xảy ra sự cố hư hại hai đường cáp.
Hiện chưa có bằng chứng xác nhận sự liên quan của con tàu, nhưng người ta cho rằng nó quay lại đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy cuộc điều tra.
Con tàu hiện đang ở vùng biển quốc tế nhưng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, được các tàu quân sự Đan Mạch theo dõi chặt chẽ.
“Về phía Thụy Điển, chúng tôi đã liên lạc với con tàu và phía Trung Quốc, đồng thời yêu cầu con tàu di chuyển vào vùng biển của Thụy Điển,” Thủ tướng Kristersson phát biểu trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh rằng điều này sẽ hỗ trợ cho cuộc điều tra.
“Chúng tôi không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào, nhưng chúng tôi muốn làm rõ điều gì đã xảy ra,” ông Kristersson nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các kênh liên lạc với Thụy Điển và các bên khác liên quan vẫn “không có gì trở ngại” khi được hỏi về yêu cầu của Thụy Điển.
“Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc luôn ủng hộ việc hợp tác với tất cả các quốc gia nhằm duy trì an ninh cho các cáp ngầm quốc tế và các cơ sở hạ tầng phù hợp với luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/11.
Các quan chức tình báo phương Tây từ nhiều quốc gia cho biết họ tin rằng con tàu Trung Quốc đã gây ra sự cố đứt cáp ở cả hai tuyến vừa kể. Tuy nhiên, họ có quan điểm khác nhau về việc đây là tai nạn hay hành động có chủ ý.
Theo một quan chức Mỹ, Tình báo Hải quân Hoa Kỳ đánh giá cả hai sự cố này là tai nạn. Tuy nhiên, các quan chức từ các quốc gia khác cho rằng không thể loại trừ khả năng phá hoại.
Bà Katja Bego, nghiên cứu viên cao cấp tại Chatham House, nói với Reuters rằng mặc dù hàng năm có khoảng 150-200 sự cố đứt cáp như vậy xảy ra và phần lớn là do tai nạn, nhưng căng thẳng địa chính trị trong khu vực khiến việc điều tra là điều cần thiết.
Bà nhận định: “Việc điều tra các sự cố như thế này có thể mất rất nhiều thời gian, và ngay cả khi tìm ra thủ phạm, như dường như đang xảy ra trong trường hợp này, việc chứng minh ý định là điều vô cùng khó khăn. Hiện tại, không thể loại trừ cả khả năng phá hoại lẫn tai nạn.”
Nga tuần trước đã bác bỏ những suy đoán cho rằng nước này có liên quan đến các sự cố đứt cáp, gọi đó là “vô lý.”
Ông Kristersson nói ông hy vọng Trung Quốc sẽ phản hồi tích cực đối với yêu cầu di chuyển tàu đến vùng biển Thụy Điển. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đầu tuần này rằng Bắc Kinh đã duy trì “liên lạc suôn sẻ” với tất cả các bên liên quan.
Năm ngoái, một đường ống dẫn khí đốt dưới biển và một số cáp viễn thông chạy dọc đáy Biển Baltic đã bị hư hại nghiêm trọng, và cảnh sát Phần Lan cho biết họ tin rằng vụ việc do một tàu Trung Quốc gây ra do kéo neo.
Tuy nhiên, các nhà điều tra chưa đưa ra kết luận liệu thiệt hại vào năm 2023 đó có phải là do tai nạn hay có chủ đích.
************
Ông Trump đề cử cố vấn lâu năm Kellogg làm đặc sứ về Ukraine và Nga
VOA
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 27/11 loan báo sẽ đề cử Tướng Keith Kellogg làm trợ lý tổng thống kiêm đặc phái viên về vấn đề Ukraine và Nga.
Ông Kellogg, một tướng quân đội đã hồi hưu và là cố vấn hàng đầu của ông Trump về các vấn đề quốc phòng lâu nay, từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Phó Tổng thống Mike Pence dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Ông Trump thông báo quyết định này trên tài khoản Truth Social của mình và nói: “Ông ấy đã đồng hành cùng tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng tôi sẽ đảm bảo HÒA BÌNH THÔNG QUA SỨC MẠNH, và Làm cho Mỹ, cũng như Thế giới, AN TOÀN LẠI!”
Việc đề cử ông Kellogg diễn ra khi cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine sắp bước sang năm thứ ba.
Ông Trump đã chỉ trích hàng tỷ đô la mà chính quyền Biden đã đổ vào Ukraine. Washington gần đây đã tăng cường chuyển vận vũ khí cho Ukraine và đã xóa bỏ hàng tỷ đô la cho Kyiv trong các khoản vay.
Tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa đã nói rằng ông có thể kết thúc chiến tranh trong 24 giờ, những bình luận có vẻ như gợi ý rằng ông sẽ gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng.
Hồi tháng 4, ông Kellogg đã viết cho “Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết” rằng “việc kết thúc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ cần một sự lãnh đạo mạnh mẽ, theo chính sách Nước Mỹ Trên hết để đạt được một thỏa thuận hòa bình và ngay lập tức chấm dứt xung đột giữa hai bên.”
“Viện Chính sách Nước Mỹ Trên hết” là một trong nhiều nhóm được thành lập sau khi ông Trump rời nhiệm sở lần trước để giúp chuẩn bị cho chính quyền Cộng hòa tiếp theo.
************
Pháp và Ba Lan phản đối dự thảo hiệp định mậu dịch tự do với Nam Mỹ
Trọng Thành
~3 minutes
Hôm qua, 26/11/2024, với đa số phiếu áp đảo, Hạ Viện Pháp đã ủng hộ lập trường của chính phủ, phản đối dự thảo hiệp định mậu dịch tự do giữa Liên Âu và 5 nước Nam Mỹ (Mercosur).
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Theo bộ trưởng Thương Mại Pháp, Sophie Primas, kết quả bỏ phiếu nói trên giúp lập trường phản đối dự thảo thỏa thuận Mercosur của chính phủ Pháp có thêm trọng lượng trước Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu. Hôm qua, ngay sau khi Hạ Viện Pháp bỏ phiếu chống, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng tuyên bố bác bỏ dự thảo. Thông tín viên Adrien Sarlat từ Varsava cho biết cụ thể :
« Paris và Vacxava cùng chống lại các sản phẩm từ Nam Mỹ. Thủ tướng Ba Lan phát biểu : ‘‘Nói một cách đơn giản là Ba Lan không chấp nhận Hiệp ước thương mại với các quốc gia Nam Mỹ với hình thức hiện tại’’. Ba Lan hôm qua đã chính thức đứng về phía Pháp để phản đối một hiệp ước thương mại được cho là “nguy hiểm” đối với châu Âu.
Hôm thứ Sáu 22/11, bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Annie Genevard đã tới Vacxava để vận động chính phủ Ba Lan ủng hộ mục tiêu này. Paris và Vacxava cùng phản đối việc nhập khẩu nông phẩm được trồng ở Nam Mỹ theo các tiêu chuẩn ít ngặt nghèo hơn so với tiêu chuẩn của Liên Âu.
Đây là một mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như đối với nông dân Ba Lan. Các nhà sản xuất thịt bò, thịt gia cầm và đường đặc biệt lo ngại không thể kháng cự lại được cạnh tranh không lành mạnh, sẽ khiến giá giảm và khiến họ không thể bán sản phẩm.
Bởi vì ở đây mọi người đều nhớ đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ngũ cốc Ukraina vào năm ngoái. Thủ tướng Ba Lan nói : ‘‘Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nông dân Ba Lan. Và rõ ràng Ba Lan không phải là nước duy nhất phản đối, nhiều quốc gia thành viên cũng có quan điểm tương tự.’’
Kể từ thứ Bảy, nông dân Ba Lan đã duy trì áp lực để đảm bảo được chính phủ hỗ trợ và bảo vệ. Họ đã phong tỏa một cửa khẩu biên giới với Ukraina từ 4 ngày nay, và cảnh báo các cuộc biểu tình dự kiến sẽ tiếp diễn cho đến cuối năm nay. »
Theo báo chí Pháp, Ý và Hà Lan cũng có thể phản đối dự thảo này. Theo quy định của Liên Âu, dự thảo hiệp định Mercosur có thể bị ngăn chặn, nếu phe phản đối tập hợp được tối thiểu bốn quốc gia thành viên, với tổng dân số chiếm 35% dân số toàn khối.
***********
Dân biểu gốc Việt đầu tiên của California tại Hạ viện Mỹ
Ông Derek Tran (đảng Dân Chủ), người tranh cử lần đầu, thắng đương kim Dân biểu Michelle Steel (đảng Cộng hòa) tại Địa hạt 45 ở Nam California với mức chênh lệch là 613 phiếu, khi kết quả bỏ phiếu được xác định hôm 27/11, hơn 3 tuần sau Ngày Bầu cử. Bà Steel đã đưa ra tuyên bố chấp nhận thất cử.
Với chiến thắng này của ông, lần đầu tiên cộng đồng người gốc Việt ở bang California có đại diện tại Hạ viện liên bang Hoa Kỳ. Trên bình diện rộng hơn, AP, Los Angeles Times và các báo, đài Mỹ đánh giá đây là một thắng lợi quan trọng của đảng Dân chủ, giúp họ có 214 ghế tại Hạ viện, trong lúc chờ kết quả về duy nhất 1 ghế còn chưa ngã ngũ.
Tính đến nay, đảng Cộng hòa có 220 ghế ở Hạ viện, chỉ cao hơn chút ít mức 218 ghế để nắm thế đa số và kiểm soát viện này.
Ông Derek Tran sẽ đại diện cho một địa hạt nơi có khu vực Little Saigon và cộng đồng người gốc Việt đông đảo nhất tại Mỹ cũng như ở bên ngoài Việt Nam.
“Quả là một vinh dự to lớn khi được bầu để phục vụ nhân dân trong Địa hạt bầu cử số 45 tại California”, ông viết trên X vào chiều 27/11, đồng thời cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn bè, những người ủng hộ và các cử tri.
Ông cho biết nữ Dân biểu Michelle Steel đã gọi điện cho ông trong cùng ngày để công nhận bà đã thua và ông sẽ làm việc chặt chẽ với văn phòng của bà về chuyển giao công việc để đội ngũ của ông có thể làm việc ngay vào đầu tháng 1/2025.
Trong một bài đăng khác trên X, được Los Angeles Times dẫn lại, ông Tran bình luận: “Chỉ có ở nước Mỹ mới có việc từ những người tị nạn bỏ chạy không có gì mang theo người trừ quần áo lại trở thành nghị sĩ trong Quốc hội chỉ trong một thế hệ”.
Vẫn theo Los Angeles Times, ông Tran viết trong một tuyên bố rằng “Chiến thắng này là minh chứng về tinh thần và sự kiên cường của cộng đồng chúng tôi. Cha mẹ tôi đến đất nước này để chạy trốn sự áp bức và theo đuổi Giấc mơ Mỹ, và câu chuyện của họ phản ánh hành trình của rất nhiều người tại đây, Nam California”.
Còn theo tin của AP, ông Tran chia sẻ rằng là con của hai người tị nạn Việt Nam, ông “trực tiếp thấu hiểu hành trình và những sự hy sinh mà nhiều gia đình trong địa hạt của chúng tôi đã phải trải qua để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Los Angeles Times viết rằng ông Tran sinh ra ở Mỹ trong gia đình có cha mẹ là người tị nạn. Cha của ông bỏ chạy khỏi Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ vào năm 1975, nhưng tàu bị đắm và vợ con ông ấy đã thiệt mạng. Ông ấy quay về Việt Nam, gặp và cưới người phụ nữ khác – là mẹ của ông Tran hiện nay, sau đó hai ông bà di cư tới Mỹ.
Như VOA đã đưa tin, ông Derek Tran năm nay hơn 43 tuổi, là luật sư và nhà vận động ủng hộ quyền của người lao động.
Trong tuyên bố chấp nhập thất cử, bà Michelle Steel cảm ơn các tình nguyện viên, nhân viên và gia đình đã bỏ công sức cho chiến dịch tranh cử của bà, và nói thêm: “Mọi sự do ý Chúa và cũng như mọi hành trình, chuyến đi này kết thúc để chuyến đi mới bắt đầu”.
Bà Steel có cha mẹ là người gốc Hàn Quốc và được nuôi dạy ở Nhật Bản. Năm 2020, bà trở thành một trong ba phụ nữ Mỹ gốc Hàn được bầu vào Hạ viện. Trong nhiệm kỳ của mình, bà đã chống lại việc tăng thuế, ủng hộ cấp thêm ngân quỹ cho cảnh sát và tuyên bố hậu thuẫn mạnh mẽ cho Israel trong cuộc chiến của nước này đánh vào Hamas.
************
Người dân Hàn Quốc phản đối cấp vũ khí cho Ukraine
Người dân Hàn Quốc vẫn phản đối áp đảo việc cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, bất chấp các yêu cầu mới từ Kyiv và các nước đồng minh sau khi Triều Tiên được cho là đang đưa quân sang giúp Nga.
Ukraine đã yêu cầu Seoul cấp một loạt vũ khí và Seoul cho biết họ có thể xem xét yêu cầu này, tùy thuộc vào các bước đi trong tương lai của Nga và Triều Tiên.
Một phái đoàn Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 26/11, văn phòng của ông Yoon cho biết, trong lúc có tin tức trên truyền thông rằng chuyến thăm nhằm tìm kiếm hỗ trợ vũ khí.
“Không chấp nhận chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cấp vũ khí cho Ukraine,” biểu ngữ do một nhóm nhỏ người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng của ông Yoon ở thủ đô, ghi.
Cả hai bên đã đồng ý tiếp tục chia sẻ thông tin về việc Triều Tiên điều quân đến Nga cũng như trao đổi công nghệ và vũ khí giữa hai bên, văn phòng của ông Yoon cho biết trong một thông báo.
Phái đoàn cũng đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và thảo luận về hợp tác giữa Seoul và Kyiv.
Ukraine dự tính gửi cho Seoul yêu cầu chi tiết về hỗ trợ vũ khí bao gồm pháo binh và hệ thống phòng không, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 với đài truyền hình KBS của Hàn Quốc.
Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng các cuộc thảo luận trong hậu trường tập trung vào các hệ thống phòng không nhằm để bắn hạ máy bay và tên lửa, nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump đã dẫn đến sự bất định về các cuộc đàm phán.
Ông Yoon, vốn đang chật vật với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục vì các vụ bê bối trong nước, đối mặt với sự phản đối rộng rãi từ công chúng Hàn Quốc đối với ý tưởng trang bị vũ khí cho Ukraine, các cuộc khảo sát cho thấy.
Hầu hết người dân Hàn Quốc coi mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow là một mối đe dọa, một cuộc thăm dò của Gallup Korea cho thấy hồi tháng 10, nhưng 82% trong số họ phản đối gửi viện trợ quân sự, bao gồm cả vũ khí.
“Đối với chính phủ Hàn Quốc, có ít lợi ích nếu tiếp tục viện trợ quân sự trong khi trong nước sự ủng hộ không nhiều và mối quan hệ với chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể xấu đi,” ông Yang Uk, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết.
Công chúng Hàn Quốc, đa số không nhạy cảm với mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến ở Ukraine, có khả năng chú ý hơn vào mặt trái trong trường hợp Hàn Quốc can dự trực tiếp, ông Yang nói.
Hàn Quốc đã cung cấp xe rà phá bom mìn, áo giáp và các viện trợ phi sát thương khác cho Ukraine và không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho Kyiv, nhất là sau khi Seoul và Washington cho biết hàng ngàn binh lính Triều Tiên đã được điều đến Nga.
Ở trong nước, Đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ đã chỉ trích chính phủ vì không loại trừ việc cung cấp vũ khí và kêu gọi họ tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho các quyết định như vậy.
Đảng DP chiếm đa số trong Quốc hội sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư, nhưng các chuyên gia nói rằng tổng thống có thể qua mặt Quốc hội để cấp vũ khí sát thương cho một quốc gia khác.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết mối quan hệ giữa Seoul và Moscow sẽ ‘bị phá hủy hoàn toàn’ nếu Hàn Quốc cấp vũ khí cho Ukraine.
***********
Thức ăn Lễ Tạ ơn năm nay ít tốn kém hơn nhưng người Việt vẫn chi nhiều
Người dân ở Mỹ sắp sửa đón mừng Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm này bằng những bữa ăn đầm ấm bên người thân và bạn bè giữa lúc vật giá tăng cao vẫn còn là mối lo ngại đối với nhiều hộ gia đình.
Dù vậy, một khảo sát kinh tế mới đây lại cho thấy một bữa ăn tối trong ngày Lễ Tạ ơn – bao gồm một con gà tây nướng cùng những rau củ và bánh mì kèm – ít tốt kém hơn những năm trước đây.
Chi phí cho bữa ăn ngày lễ năm nay — ước tính là 58,08 đôla cho một buổi tụ tập 10 người, hoặc 5,81 đôla mỗi đầu người — đã giảm 5% so với năm ngoái, là mức thấp nhất kể từ năm 2021, theo một cuộc khảo sát toàn quốc về giá thực phẩm của Liên đoàn Nông trại Hoa Kỳ (AFBF), đại diện hàng triệu nông dân Mỹ.
"Nếu đồng đô la của bạn có sức mua chung tương đương với sức mua của người tiêu dùng vào năm 1984… thì đây sẽ là bữa ăn Lễ Tạ ơn rẻ nhất trong lịch sử 39 năm của cuộc khảo sát Lễ Tạ ơn của AFBF, trừ trường hợp ngoại lệ vào năm 2020," các tác giả viết.
Ví dụ, gà tây rẻ hơn 6% so với năm ngoái, mặc dù cúm gia cầm đã làm giảm một phần số lượng gà tây có sẵn. Trữ lượng sụt giảm thường đẩy giá lên cao, nhưng người Mỹ đang ăn ít hơn khoảng 1 pound (khoảng 0,5 kg) gà tây một người mỗi năm, do đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn để bù đắp nguồn cung bị ảnh hưởng, theo NBC News.
Một số loại thực phẩm qua chế biến có thể xuất hiện trên bàn tiệc Lễ Tạ ơn hiện có giá đắt hơn. Bánh mì ổ nhỏ (dinner rolls) và bánh mì nhồi gà tây (stuffing) đều được bán với giá cao hơn 8% so với một năm trước. Ngược lại, khoai lang và sữa nguyên kem có mức giảm giá hằng năm mạnh nhất, lần lượt giảm 26% và 14%. Dù giá quả nam việt quất (cranberry) tươi tăng 12%, đảo ngược mức giảm 18% của năm trước, nó vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2015 — và khi điều chỉnh theo lạm phát, giá ngang bằng với giá vào năm 1987, báo cáo cho biết.
Dù vậy, giá thức ăn cho dịp Lễ Tạ ơn đã tăng 19% kể từ năm 2019, theo AFBF.
Đối với nhiều gia đình người Việt, Lễ Tạ ơn cũng là một dịp quan trọng để mọi người quây quần họp mặt ngoài dịp Tết cổ truyền. Những bữa ăn của một số gia đình cũng có món gà tây dù nhiều gia đình ưa chuộng những món ăn truyền thống khác của Việt Nam phù hợp với khẩu vị của mình hơn.
Bà Mã Tiểu Linh, cư dân ở thành phố Woodbridge thuộc bang Virginia, cho biết lạm phát trong những năm qua đã khiến giá đồ ăn tăng cao ở nơi bà sinh sống. Mùa Lễ Tạ ơn này, bà nói bà mua được ít đồ hơn nhưng số tiền bỏ ra nhiều hơn.
Bà hết sức ngạc nhiên khi được cho biết về kết quả cuộc khảo sát của AFBF nói một bữa ăn ngày lễ cho 10 người năm nay chỉ tốn khoảng gần 60 đô la.
“Bữa ăn Lễ Tạ ơn của gia đình mình mọi năm thì đông,” bà nói, cho biết tổng số người của gia đình bà là 10 người. “Tôi không thấy mua được cái gì nhiều mà bill là 600 đô la rồi. Ngày hôm nay phải đi mua nữa nè.”
“Thống kê mà nói đồ ăn rẻ hơn thì tôi cũng muốn biết thống kê ở chợ nào để tôi ra đứng xếp hàng mua,” bà nói vui. “Không thể nào như vậy, con gà tây có thể rẻ hơn năm ngoái nhưng rau, hành, cải, ngò nó tăng lên thì cũng như không. Mà một bữa ăn của mình đâu phải chỉ có con gà tây.”
Bà Mai Hoa, một cư dân ở thành phố Houston thuộc bang Texas, cho biết năm nay bà cũng tiêu tốn khoảng từ 500 tới 600 đô la cho bữa ăn Lễ Tạ ơn. Bà nói bữa ăn này dành cho gia đình bao gồm hai vợ chồng bà, các con và các cháu từ 8 đến 10 người.
Bà nhận xét số tiền này “không cao hơn mà cũng không thấp hơn” nhiều so với chi phí mọi năm. Đồ ăn Mỹ thì giá không đắt hơn mọi năm nhưng đồ ăn Việt Nam thì có đắt hơn, bà cho biết thêm.
Nhưng chi phí ăn uống không phải là điều quan trọng đối với bà; điều quan trọng là bà có dịp cùng con cháu quay quần sum họp.
“Thường thường trong gia đình thì không phải một người lo hết. Mình có con thì con mình cũng phụ thêm, rồi mình phụ thêm cái gì mình thích,” bà chia sẻ. “Mỗi người chung nhau một chút xíu thì nó cũng vui và cũng có tình cảm hơn là một người lo hết từ A cho tới Z.”
Số tiền người ta tiêu tốn cho bữa ăn tối Lễ Tạ ơn cũng sẽ phụ thuộc vào khu vực địa lý. Các hộ gia đình ở miền Tây, khu vực đắt đỏ nhất cho các mặt hàng tạp hóa trong ngày lễ, sẽ chi tiêu trung bình nhiều hơn khoảng 18% so với những người sống ở miền Nam, nơi có giá rẻ nhất, theo ước tính của AFBF.
Nhà sản xuất xe điện Việt Nam VinFast báo lỗ ròng 550 triệu USD trong quý 3, ít hơn cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh công ty ghi nhận doanh số tăng.
Hãng xe điện đầu tiên của nhà nước cộng sản đang đặt mục tiêu cạnh tranh với các công ty xe điện khổng lồ toàn cầu như Tesla của Mỹ.
Cổ phiếu VinFast đã biến động mạnh kể từ khi ra mắt trên Nasdaq vào tháng 8/2023, trong đó có thời điểm tăng vọt lên mức giá trị thị trường lớn hơn cả Ford và General Motors trước khi lao dốc.
Vào cuối ngày 26/11, VinFast cho biết khoản lỗ ròng trong quý 3 của công ty đã giảm 14,8% so với cùng kỳ từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái, theo kết quả tài chính chưa được kiểm toán.
Doanh thu trong quý đạt 511 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Chúng tôi kỳ vọng sẽ kết thúc năm 2024 một cách mạnh mẽ và đạt được mục tiêu 80.000 xe được giao", Chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết trong một tuyên bố.
Công ty, có trụ sở tại Hải Phòng, cho biết họ đã giao gần 22.000 xe trong quý này, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm nay, công ty đã giao 44.773 xe, đạt hơn 55% mục tiêu 80.000 xe của năm nay. VinFast cho biết rằng khoảng 1% trong số các lô hàng này được giao cho các bên liên quan.
Nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã báo cáo hoạt động bán hàng phá kỷ lục tại Bắc Mỹ vào tháng 9 nhờ vào mạng lưới đại lý mở rộng của mình. Tuy nhiên, họ không cung cấp số liệu bán hàng cụ thể hoặc thông tin chi tiết về hiệu suất tại Bắc Mỹ.
Cổ phiếu của VinFast đã tăng 4,3% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa của Nasdaq hôm 25/11, giao dịch ở mức 4,1 USD. Kể từ tháng 1, cổ phiếu của VinFast đã giảm hơn 50%.
Theo dữ liệu tổng hợp của LSEG, doanh thu quý 3 của công ty tăng vọt 42% lên 511,6 triệu USD so với cùng kỳ ba tháng trước, vượt qua mức ước tính là 499,37 triệu USD.
Năm ngoái, VinFast báo cáo khoản lỗ ròng là 2,39 tỷ USD, một mức tăng 14,7% so với năm 2022.
Với 173 phòng trưng bày trên toàn cầu, hãng xe Việt Nam đang tìm cách thâm nhập vào các thị trường ở Châu Á, Trung Đông, Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.
Công ty dự kiến sẽ mở các nhà máy tại Subang, Indonesia và tại tiểu bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ vào năm tới.
Đầu tháng này, Tổng giám đốc điều hành Phạm Nhật Vượng và tập đoàn mẹ Vingroup cho biết họ sẽ bơm 3,5 tỷ USD tiền tài trợ mới vào công ty.
Mục tiêu của công ty là đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2026.
Ông Vượng, người giàu nhất Việt Nam, đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành của VinFast vào đầu năm nay. Ông cũng là chủ tịch của công ty mẹ Vingroup.
***********
Việt Nam hứa mua thêm máy bay, LNG từ Mỹ trong thời thuế quan mới của Trump
VOA Tiếng Việt
4–5 minutes
Việt Nam có kế hoạch mua thêm máy bay, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và các sản phẩm khác từ Hoa Kỳ khi các quan chức chính phủ chuẩn bị cho giai đoạn thuế quan mới từ chính quyền Trump sắp tới, Bloomberg, VnExpress dẫn thông tin từ hội nghị thượng định Việt - Mỹ hôm 27/11 cho biết.
“Để thúc đẩy thương mại hài hòa và bền vững với Mỹ, Việt Nam có kế hoạch mua thêm các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm máy bay, khí hóa lỏng, trang thiết bị an ninh, chip AI”, VnExpress dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ ở Hà Nội, với sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, các quan chức và đại diện doanh nghiệp hai nước.
Lời đe dọa áp thuế toàn cầu của Tổng thống đắc cử Donald Trump là một trong những bất ổn lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch nước Lương Cường hồi đầu tháng này đã cảnh báo về những nguy cơ của một thế giới có mức thuế quan cao hơn khi ông nói với các nhà lãnh đạo APEC tại Peru rằng “chiến tranh thương mại chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói”, vẫn theo Bloomberg.
Theo nhận định của một số chuyên gia với tờ South China Morning Post (SCMP), trong khi quan hệ quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vẫn được duy trì ổn định, khả năng áp thuế dưới thời chính quyền mới ở Washington là mối lo ngại thường trực đối với Việt Nam khi thương mại hai chiều của nước này với Hoa Kỳ tiếp tục tăng.
Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã gọi Việt Nam là “nước lạm dụng tồi tệ nhất” thương mại Hoa Kỳ.
Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á và là giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington, nói với SCMP rằng ông Trump có thể đe dọa sẽ lật ngược quyết định mới đây của chính quyền đương nhiệm là không dán nhãn Việt Nam là “nước thao túng tiền tệ”. Chuyên gia này cho rằng không có quốc gia nào ở Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump.
Lý do là vì Việt Nam có tỷ lệ xuất khẩu trên GDP cao nhất trong khu vực (chiếm khoảng 85% nền kinh tế), và xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21% nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ đợt tăng thuế nào do chính quyền Trump áp đặt sắp tới cũng sẽ ảnh hưởng “rất nặng nề” đến Việt Nam, vẫn lời của GS. Abuza nói với SCMP.
Trong khi Việt Nam đang chờ đợi xem họ có thể phải đối mặt với những biện pháp nào từ Mỹ, Tổng thống đắc cử Trump đã đưa ra những lời đe dọa cụ thể đầu tiên vào thứ Hai, nói rằng ông sẽ áp dụng thêm 10% thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 25% thuế quan đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada.
Năm ngoái, tổng lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ là 9,8 tỷ đô la, trong khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nền kinh tế lớn nhất thế giới cao hơn 12 lần, đạt 118,9 tỷ đô la, dẫn đến thặng dư thương mại lớn có lợi cho Hà Nội, biến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những mục tiêu chính của các chính sách tái cân bằng thương mại của ông Trump.
Việc Hà Nội cam kết mua thêm một lượng lớn thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ, theo nhận định của GS. Alexander Vuving, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á - Thái Bình Dương ở Hawaii, là để thể hiện “thiện chí” của mình với Washington.
“Hà Nội tin rằng ông Trump có xu hướng nhìn nhận các mối quan hệ theo hướng có đi có lại và biết cách làm ông ấy vui”, GS. Vuving nói với SCMP.
Tuần trước, Mỹ đã chuyển giao 5 trong số 12 máy bay huấn luyện T-6C đầu tiên cho Việt Nam. Đây là lô hàng vũ khí lớn nhất được Mỹ chuyển tới quốc gia Đông Nam Á kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nói việc chuyển giao máy bay huấn luyện T-6C sẽ tăng cường “năng lực phòng thủ tự lực” của Việt Nam.
*********
Tin tức thế giới 28-11: Tình báo Đức dự báo Nga tấn công NATO; Trung Quốc thả 3 người Mỹ
MINH KHÔI
6–8 minutes
Nga có thể tấn công NATO trong tương lai
Phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu DGAP tổ chức ở Berlin ngày 27-11, giám đốc Cơ quan Tình báo Đức (BND), ông Bruno Kahl cho biết Nga có thể tấn công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những năm tới, nhưng đó không phải là một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào các quốc gia châu Âu mà chỉ là một chiến dịch giới hạn.
Theo ông Kahl, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với phương Tây và đối đầu quân sự "trở thành một lựa chọn khả thi đối với Điện Kremlin".
Giám đốc Cơ quan Tình báo Đức cho rằng các lực lượng quân sự của Nga có thể đủ khả năng, cả về nhân lực lẫn nguồn lực, để tiến hành một cuộc tấn công vào phương Tây vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, ông Kahl tin rằng đó sẽ không phải là một chiến dịch xâm nhập quy mô lớn vào các quốc gia NATO ở châu Âu, mà là một chiến dịch giới hạn - chẳng hạn như đánh chiếm hòn đảo Svalbard của Na Uy ở Bắc Cực để "dọn dẹp lãnh thổ" hoặc nhằm vào các nước vùng Baltic với lý do bảo vệ các cộng đồng người Nga thiểu số.
Fed dự kiến giảm lãi suất nhưng với tốc độ thận trọng
Ngày 27-11, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ sự tin tưởng vào việc lạm phát đang dần giảm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhưng với tốc độ chậm.
Nếu lạm phát duy trì xu hướng giảm ổn định xuống mức mục tiêu 2% và thị trường lao động duy trì ở mức tối đa, Fed có thể từng bước chuyển sang một chính sách tiền tệ trung lập hơn. Tuy nhiên, các thành viên Fed cũng lưu ý rằng mức lãi suất trung lập vẫn chưa được xác định, khiến họ thận trọng hơn trong việc điều chỉnh chính sách.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed bày tỏ sự tin tưởng rằng các yếu tố hiện tại, bao gồm giá thuê nhà chậm lại, sức ép định giá doanh nghiệp suy giảm và kỳ vọng lạm phát ổn định sẽ tiếp tục giúp kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng tình hình thị trường và các yếu tố không chắc chắn về chính sách tài khóa, đặc biệt là các kế hoạch kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể làm phức tạp thêm bức tranh kinh tế tổng thể.
Cuộc họp cuối cùng của Fed trong năm 2024 dự kiến diễn ra vào ngày 17 tới 18-12. Theo FedWatch của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME), thị trường hiện đánh giá khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp lần tới là 63%.
Ê kíp ông Trump xem xét lại trợ cấp cho doanh nghiệp chip bán dẫn
Ê kíp của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định lập trường sẽ xem xét lại các khoản trợ cấp của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip bán dẫn và năng lượng sạch nội địa.
Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội X ngày 26-11, doanh nhân người Mỹ gốc Ấn Vivek Ramaswamy chỉ ra rằng việc Chính phủ Mỹ đang đẩy nhanh chi trả trợ cấp chip bán dẫn trước khi chuyển giao chính quyền là rất không phù hợp.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Raimondo trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico cho biết Washington đang nỗ lực chi trả tối đa các khoản trợ cấp theo Luật Chip bán dẫn và Khoa học trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức vào ngày 20-1 tới. Luật này có nội dung cung cấp các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất để khuyến khích việc sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ.
Chính phủ Tổng thống Biden hiện đang hoàn tất các thỏa thuận với doanh nghiệp được hưởng trợ cấp, đồng thời giải ngân nhanh ngân sách liên quan để ngăn chính phủ kế nhiệm đảo ngược lại các chính sách công nghiệp như Luật Giảm lạm phát (IRA) và Luật Chip bán dẫn và Khoa học.
Cùng ngày 26-11, Chính phủ của ông Biden thông báo sẽ chi trả khoản trợ cấp 7,86 tỉ USD cho hãng Intel, đồng thời cho biết đang đàm phán với các công ty khác như điện tử Samsung, SK Hynix.
3 công dân Mỹ bị Trung Quốc giam giữ được trả tự do
Theo thông báo từ Nhà Trắng ngày 27-11, Trung Quốc đã trả tự do cho ba công dân Mỹ. Những người này, gồm Mark Swidan, Kai Li và John Leung, đã bị giam giữ trong nhiều năm qua, với các cáo buộc nghiêm trọng như buôn bán ma túy và làm gián điệp.
Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần trước khi chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển giao quyền lực.
Theo Nhà Trắng, việc thả người diễn ra sau nhiều năm nỗ lực đàm phán từ phía Mỹ, đặc biệt là các cuộc gặp cấp cao giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc trò chuyện gần đây nhất bên lề hội nghị APEC tại Peru được cho là đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận này.
Tuy nhiên, thông tin từ tờ Politico cho rằng đây có thể là một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân. Dù Nhà Trắng chưa xác nhận chi tiết về việc liệu có công dân Trung Quốc nào được trả về hay không, động thái này vẫn là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn đầy biến động.
Tuyết rơi dày ở Hàn Quốc
Từ đêm 26-11, trận tuyết đầu mùa năm nay đã rơi dày ở Hàn Quốc và dự đoán sẽ tiếp tục rơi nhiều cho đến ngày 28-11. Có những nơi lượng tuyết lên tới hơn 20cm, kèm theo có mưa.
Chính quyền đã ban hành cảnh báo từ rạng sáng ngày 27-11, có hiệu lực trên khắp Seoul, Incheon, Gyeonggi và Gangwon. Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) đề nghị người dân hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết, đồng thời nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì ô tô riêng.
KMA cho biết tính đến 3h chiều 27-11, thủ đô Seoul đã hứng chịu trận tuyết rơi dày trung bình 18cm, có nơi lên đến 20,4cm, lập kỷ lục mới về tuyết đầu mùa, đánh dấu lượng tuyết rơi dày nhất vào tháng 11 kể từ khi bắt đầu quan sát thời tiết hiện đại vào năm 1907. Kỷ lục trước đó là trận tuyết 12,4cm được thiết lập vào ngày 28-11-1972.
Đợt tuyết rơi kỷ lục đã gây ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với 53 xe ô tô va chạm liên hoàn trên một con đường ở thành phố Wonju, thuộc tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 86km về phía đông nam, khiến 11 người bị thương.
Cảnh sát đã phong tỏa cả hai chiều cao tốc, kiểm soát các phương tiện để bảo vệ hiện trường vụ tai nạn và cấp cứu nạn nhân khiến con đường bị ùn ứ trong nhiều giờ. Có 3 nạn nhân bị thương nặng đã được đưa vào bệnh viện gần đó để điều trị.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.