Tin Tức ngày 27 - 11 -2024:

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Một 20244:06 SA(Xem: 483)
Tin Tức ngày 27 - 11 -2024:


HoaLuc 5

**************

Hoa Kỳ: Trump chọn một nhân vật chống Trung Quốc làm Đại diện Thương mại

Thanh Hà

Tổng thống tân cử Donald Trump hôm 26/11/2024 thông báo chọn một nhân vật có lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ, luật sư Jamieson Greer, làm Đại diện Thương Mại tương lại của Hoa Kỳ, thay thế bà Katherine Tai trong chính quyền Biden.

Đăng ngày:

2 phút

FILE - President-elect Donald Trump speaks during a meeting with the House GOP conference, Nov. 13, 2024, in Washington. (Allison Robbert/Pool via AP, File)
Donald Trump phát biểu tại một hội nghị ở Washington, Hoa Kỳ, 13/11/2024. AP - Allison Robbert

Jamieson Greer từng là chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong giai đoạn 2017-2021. Trong cương vị này luật sư Greer từng trực tiếp tham gia vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong thông cáo hôm qua, ông Donald Trump đề ra lộ trình làm việc của Đại diện Thương mại Mỹ trong tương lai : « Jemieson sẽ tập trung vào những nỗ lực thu hẹp nhập siêu, bảo vệ nền công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của Hoa Kỳ, và sẽ mở rộng các thị trường xuất khẩu của Hoa Kỳ ở khắp thế giới ».

Reuters nhắc lại, trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Trump, Jamieson Greer từng là một trong những nhân vật chủ chốt trong « cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ». Ông đã trực tiếp tham vào các vòng đàm phán với Trung Quốc, để hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận thương mại « giai đoạn 1 ». Văn bản đã được ký vào năm 2020.

Theo thỏa thuận này Bắc Kinh cam kết mua thêm  200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm. Nhưng Reuters nhắc lại « mục tiêu đó chưa bao giờ được hoàn thành », một phần do « tác động từ đại dịch Covid-19 ». Tháng 5/2024 ông Greer chủ trương Hoa Kỳ cần tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc để cân bằng lại trao đổi thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới. 

Lãnh đạo tương lai của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong quá trình đàm phán lại về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ giữa Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada.


************

Trung Quốc: Bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân bị điều tra vì tham nhũng ?

Họp báo sáng nay 27/11/2024, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh bác bỏ những « tin đồn » của báo chí về việc bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân ( Dong Jun ) bị điều tra về tham nhũng. Tuy nhiên, bà không đi sâu thêm vào chi tiết về thông tin này.

Chinese Defense Minister Dong Jun listens during the ASEAN- China Defence Ministers' informal Meeting in Vientiane, Laos, Wednesday, Nov. 20, 2024
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Đổng Quân tại cuộc họp bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN-Trung Quốc tại Viêng Chăng, Lào, ngày 20/11/2024. AP - Anupam Nath
Quảng cáo

Báo tài chính Anh Financial Times cùng ngày 27/11/2024 trích dẫn nhiều quan chức Mỹ thạo tin cho biết ông Đổng Quân « đang bị điều tra trong một vụ án tham nhũng liên quan đến quân đội » Trung Quốc. Nếu như tin trên được kiểm chứng thì đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp lãnh đạo bộ Quốc Phòng Trung Quốc bị thất sủng.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại ông Đổng Quân mới vừa được chỉ định vào chức vụ này hồi tháng 12/2023, thay thế ông Lý Thượng Phúc chỉ đứng đầu bộ Quốc Phòng trong vỏn vẹn 7 tháng. Ông Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi đảng vì « nghi ngờ tham nhũng » và bị cáo buộc đã nhận « những khoản tiền rất lớn », theo như thông tin từ các đài truyền hình chính thức của Bắc Kinh. Từ đó đến nay tướng Lý Thượng Phúc không còn xuất hiện trước công chúng. Người tiền nhiệm của tướng Phúc là ông Ngụy Phượng Hoàng cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng vì lý do tương tự. 

Phó giáo sư Đại Học Kỹ Thuật Nanyang tại Singapore Dylan Loh, được AFP trích dẫn, giải thích nếu ông Đổng Quân là vị bộ trưởng Quốc Phòng thứ ba của Trung Quốc bị điều tra vì tham nhũng, thì đây thực sự là một « cú sốc lớn, vì trên nguyên tắc người được đề cử vào chức vụ này phải có lý lịch trong sáng ». Một chuyên gia về tình hình Trung Quốc tại học viện quốc tế S. Rajaratnam cũng tại Singapore, Benjamin Ho, đưa ra ba giả thuyết về trường hợp của Đổng Quân : hoặc việc chỉ định ông vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã « bị trục trặc », hoặc có thể ông bị thất sủng « vì một tai tiếng về mặt chính trị hay do bị vạ lây ».  

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » để chống tham nhũng. Giới phân tích coi đây là công cụ để loại các đối thủ chính trị của ông. Đầu tháng 11/2024, lãnh đạo Trung Quốc nhắc lại mục tiêu « trong sạch hóa guồng máy trong quân đội ». Các nhà quan sát Mỹ được hãng tin Bloomberg trích dẫn cho rằng nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh lo sợ rằng nạn tham nhũng đang làm suy yếu « khả năng của quân đội Trung Quốc để tiến hành một cuộc chiến ». Quân Chủng Tên Lửa Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc đặc biệt trong tầm ngắm của ông Tập, do đây là « một chi nhánh hoạt động hoàn toàn trong vòng bí mật » đặc trách quản lý tên lửa chiến lược quy ước và hạt nhân của Trung Quốc. Tháng 7/2024 lãnh đạo quân chủng này là ông Tôn Kim Minh (Sun Jinming) đã bị kỷ luật và khai trừ khỏi Đảng, hai cấp dưới của ông cũng bị điều tra vì tham nhũng.


************

Liban: Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah bắt đầu có hiệu lực

Sau gần hai tháng Liban liên tục bị tấn công, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hồi Giáo Liban Hezbollah có hiệu lực từ 4 giờ sáng nay, 27/11/2024, giờ địa phương. Thỏa thuận, đạt được dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Pháp, quy định phía Israel có 60 ngày để rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Israel và đổi lại Hezbollah rút khỏi phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 20 km.

Displaced residents sit in traffic as they return to their villages after a ceasefire between Israel and Hezbollah went into effect on Wednesday, Nov. 27, 2024, in Ghazieh, Lebanon.
Dòng ô tô của người dân về lại các ngôi làng, sau khi htoar thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2024. Ghazieh, Liban. © AP - Mohammed Zaatari

Cụ thể, trong hai tháng tới, quân đội Liban từng bước được triển khai ở khu vực biên giới sát với Israel, nơi mà lực lượng Hezbollah bắt đầu rút đi. Lực lượng Lính Mũ Xanh Liên Hiệp Quốc tại Liban FINUL sẽ được tăng cường trong khu vực và một ủy ban giám giát đặt dưới sự chỉ đạo của Mỹ và Pháp sẽ được thành lập để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Trước mắt, thỏa thuận hưu chiến là một tin vui với tất cả các bên liên quan. Thường dân Liban tại các vùng chiến sự, chẳng hạn như ở miền nam Liban và một số khu vực ở phía nam thủ đô Beyrouth đã bắt đầu trở về nhà sau nhiều tháng tị nạn chiến tranh. Từ 14 tháng qua, lực lượng Hezbollah liên tục nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Israel và đòi Nhà nước Do Thái chấm dứt xung đột tại dải Gaza. Từ tháng 9 đến nay, Israel mở một « cuộc chiến toàn diện tiêu diệt Hezbollah », khiến 3.800 thường dân Liban thiệt mạng.

Từ Jerusalem, thông tín viên RFI từ Sami Boukhelifa cho biết thêm  :

« Đối với thủ tướng Israel đây không chỉ là hưu chiến. Tối qua, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố : Tôi đã hứa mang lại chiến thắng và chúng ta sẽ giành được chiến thắng này. Đây là một thành công quan trọng vì thỏa thuận ngừng bắn tại Liban cho phép tách biệt hai mặt trận khác nhau. Cho đến nay lực lượng Hezbollah luôn nhắc đi nhắc lại là sẽ chỉ ngừng bắn phá vào Israel một khi nhà nước Do Thái ngừng cuộc chiến tại Gaza. Về điểm này phong trào Hồi Giáo Shia ở Liban đã thất bại.

Nhưng tại Israel, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được cũng bị coi là một hình thức đầu hàng, bởi vì thủ tướng Netanyahu từng cam kết tiêu diệt Hezbollah tận gốc rễ, nhưng ông đã thất bại.

Do vậy, thủ tướng Israel tìm cách trấn an những người trong nội bộ vẫn tỏ ra hoài nghi về chính sách của ông. Bằng giọng điệu cứng rắn, Benjamin Netanyahu đe dọa : Tôi cam kết buộc phe Hezbollah phải tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn và sẽ không ngần ngại tấn công Liban trở lại nếu như thỏa thuận bị vi phạm. Thời gian hưu chiến cho phép Israel tái vũ trang và tập trung vào những mục tiêu khác. Trong tầm ngắm của thủ tướng Israel vẫn là Gaza và đặc biệt là Iran. Netanyahu cam kết ông sẽ ngăn cản Teheran trang bị vũ khí hạt nhân ».

Liban cho biết quân đội nước này đang được triển khai tại miền nam sát biên giới Israel để bảo đảm là các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn. Iran, điểm tựa của Hezbollah, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, cho biết Teheran hoan nghênh « việc nhà nước Do Thái chấm dứt cuộc  tấn công » vào Liban. Thổ Nhĩ Kỳ thì « hy vọng ngừng bắn tại Liban sẽ vĩnh viễn » nhằm bảo đảm « hòa bình và ổn định trong khu vực ». Ankara đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực đòi Israel « đền bù những thiệt hại đã gây ra cho Liban ». 

Đối với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, đây là cơ hội cho « Liban củng cố an ninh và ổn định trong nước nhờ thu hẹp ảnh hưởng của Hezbollah ». Anh Quốc cũng kỳ vọng tìm được « một giải pháp chính trị bền vững cho Liban và khu vực ».


************

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI
Quảng cáo

(AFP) – Trung Quốc triển khai lực lượng giám sát máy bay trinh sát Hoa Kỳ tại eo biển Đài Loan. Sau tuyên bố sáng nay, 26/11/2024, của Hải quân Hoa Kỳ về việc điều máy bay Boeing P-8A Poseidon vào không phận quốc tế trên eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã nhanh chóng cho biết sẽ điều lực lượng hải quân và không quân để theo dõi lộ trình của máy bay Mỹ, để có kế hoạch phản ứng. Bắc Kinh lên án Hoa Kỳ thực hiện "một chuyến bay công khai", "bóp méo các nguyên tắc pháp lý, gây nhầm lẫn cho công chúng và đánh lừa nhận thức quốc tế". Những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tăng cường các liên minh trong vùng, thường xuyên điều tàu và máy bay quân sự đến eo biển Đài Loan, trong khu vực quốc tế.

(SCMP) – Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Trung Quốc kêu gọi "hữu nghị" đàm phán. Phát biểu qua video tại một hội nghị chuyên đề về Hợp tác Hàng hải Toàn cầu và Quản trị Đại dương, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng "các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải cần được giải quyết một cách hòa bình thông qua tham vấn thân thiện giữa các bên". Do vậy, "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước liên quan để đàm phán và giải quyết tranh chấp trên biển (….)". Nhưng lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cũng không quên cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm quyền chủ quyền và lợi ích của quốc gia khác mà không quan tâm đến "sự thật cơ bản" sẽ dẫn đến thất bại.

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên ngắt cáp cung cấp điện cho khu công nghiệp Kaesong. Quân đội Hàn Quốc hôm nay, 26/11/2024, cho biết, phát hiện nhiều binh sĩ Bắc Triều Tiên đang dỡ bỏ một phần các đường dây cáp nối các cột điện nằm dọc theo con đường liên Triều Gyeongui. Hàn Quốc dự đoán hành động này có thể nhằm chuẩn bị cho việc phá hủy 15 cột điện trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên trong tổng số 48 cột điện do Hàn Quốc dựng lên để cung cấp năng lượng cho khu công nghiệp Kaesong. Đây là biện pháp mới nhất của Bắc Triều Tiên thể hiện quyết tâm cắt đứt các mối quan hệ Liên Triều.

(AFP) – Ukraina từ chối phá hủy kho mìn sát thương từ thời Liên Xô. Tại hội nghị về bom mìn lần thứ năm, được tổ chức ở Siem Reap, Cam Bốt, đại diện của bộ Quốc Phòng Ukraina cho biết Kiev không thể tuân thủ cam kết phá hủy kho chứa 6 triệu quả mìn sát thương theo Công ước Ottawa, trong bối cảnh chiến tranh với Nga. Ukraina không nêu rõ sẽ có hành động cụ thể gì với kho mìn này và cũng không đề cập đến đề xuất viện trợ mìn của Hoa Kỳ để chống lại đà tiến của Nga. 164 quốc gia và vùng lãnh thổ ký Công ước Ottawa, trong đó có Ukraina, nhưng không gồm Mỹ và Nga. Cứ 5 năm một lần, các nước sẽ tổ chức họp để giám sát việc thực hiện văn bản cấm các bên ký kết mua lại, sản xuất, lưu trữ và sử sụng mìn sát thương.

(AFP) – Nga bỏ tù nhà báo làm việc cho truyền thông nước ngoài. Hôm nay, 26/11/2024, chính quyền Nga đã kết án nhà báo Nina Novak 4 năm tù vì làm việc cho một kênh truyền thông nước ngoài. Tòa án không nêu rõ tên của phương tiện truyền thông, nhưng từ năm 2022, bà Novak đã làm thông tín viên cho Radio Free Europe, bị Nga cáo buộc là "tác nhân nước ngoài". Bà Novak đã bị bắt giữ từ tháng 12/2023 và bị xét xử tại vùng Zabaykalsky, Sibéria với cáo buộc hỗ trợ "chuẩn bị các nội dung" làm mất tín nhiệm quân đội Nga và các định chế của Nhà nước, "làm tổn hại danh tiếng của liên bang Nga và làm mất ổn định đất nước" trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraina.

(Reuters) – Nga truy tố vắng mặt một phóng viên đài France 24. Tòa án Nga hôm nay, 26/11/2024, ra lệnh bắt giữ cô Catherine Norris Trent, phóng viên đài truyền hình France 24, cùng tập đoàn France Medias Monde với RFI, với cáo buộc xâm nhập trái phép vùng biên giới Kursk của Nga. Theo hãng thông tấn Nga TASS, nữ phóng viên này đã đi cùng với quân đội Ukraina đến vùng Kursk để thực hiện một phóng sự.

(AFP) – Nhật Bản : Cháy lớn tại bãi phóng phi thuyền. Vụ cháy xảy ra ngày hôm nay, 26/11/2024, vào lúc Cơ quan Không gian Nhật Bản (JAXA) đang thử nghiệm phi thuyền Epsilon S vận hành bằng nhiên liệu rắn. Trong thông cáo, JAXA cho biết "có điểm bất thường trong khi thử nghiệm và sẽ cho điều tra nguyên nhân vụ việc", đồng thời khẳng định tai nạn không gây thương vong nào.


*************

Paris và Luân Đôn lập liên minh điều lính sang Ukraina ?

Thùy Dương

Chiến tranh Ukraina vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm. Hôm nay, tờ báo nói về khả năng châu Âu lập một liên minh, đứng đầu là Paris và Luân Đôn, để điều binh sĩ và cử các công ty tư nhân về phòng thủ sang Ukraina.

Theo các nguồn tin của báo Le Monde, Pháp và  Anh đang tái khởi động các cuộc thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt với mục đích lập một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào chiến tranh Ukraina và nhìn rộng hơn nữa là về an ninh châu Âu, để đề phòng khả năng Mỹ ngưng hỗ trợ Kiev sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống ngày 20/01/2025.

Về phía Pháp, bộ Quân Lực Pháp cũng như phủ tổng thống hiện vẫn chưa chính thức bật đèn xanh cho việc điều động quân đội hay các công ty tư nhân. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, một số đề xuất rõ ràng đã được đưa ra thảo luận, chẳng hạn đề xuất để công ty Défense Conseil International (DCI) Quốc phòng Tư vấn Quốc tế, cơ quan điều hành chính của bộ Quân Lực, theo dõi, giám sát các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Pháp và chuyển giao công nghệ quân sự liên quan, trong đó nhà nước là cổ đông nắm giữ 34% cổ phần.

Với 80% là cựu quân nhân, DCI dường như sẵn sàng tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraina ngay tại nước này, giống như họ đã làm ở Pháp và Ba Lan. Nếu cần thiết, công ty DCI cũng có thể bảo đảm việc bảo trì các thiết bị quân sự Pháp chuyển cho Kiev. Theo chiều hướng này, Babcock, một công ty tương tự của Anh, có mặt tại Ukraina, tiếp cận với DCI của Pháp để sau này chia sẻ cơ sở vật chất sẵn có. Hồi tháng 05, trong báo cáo thường niên, Babcock từng thông báo công việc đang được « tiến hành » để lập một địa điểm hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraina, « bao gồm cả sửa chữa và trùng tu các xe quân sự ».

Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga

Nhìn sang báo Le Figaro, tờ báo thiên hữu hôm nay tập trung vào chính trị trong nước, đặc biệt là về khả năng chính phủ của thủ tướng Barnier bị phe đối lập lật đổ, do bất đồng về dự luật tài chính nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng của Pháp.

Nhìn ra quốc tế, chuyên mục Kinh tế của báo Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nga qua hai bài viết : « Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga » « Đối phó với mức sinh giảm : Những thất bại của ‘‘chiến dịch đặc biệt về dân số’’ ».

Trong khi tổng thống Vladimir Putin tiếp tục quảng bá hình ảnh một quốc gia bất khả xâm phạm, đã có thể cản trở các biện pháp trừng phạt của quốc tế, trên thực tế, theo Le Figaro, tình trạng lạm phát hiện nay tại Nga khó có thể bị ngó lơ, ngay cả đối với giới truyền thông Nga vốn bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuần trước, nhật báo Kommersant đưa tin giá bơ và khoai tây đã tăng 30% và 65% so với năm 2023. Giá cước taxi cũng tăng bùng nổ.

Một nhà báo, không thể công khai đổ lỗi cho chiến tranh Ukraina, cuộc chiến mà điện Kremlin gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt », phân tích lý do là tình trạng thiếu nhân lực, thời gian sửa chữa xe kéo dài và các quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo Le Figaro, ví dụ về giá cước taxi phản ánh tác động trực tiếp của chiến tranh Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã làm chậm việc cung ứng các phụ tùng thay thế và tác động đến các lĩnh vực chiến lược như ô tô và hàng không.

Việc huy động quân sự và nỗ lực chiến tranh tiêu tốn tài sản và các nguồn lực sẵn có, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động ở một quốc gia vốn đang bị khủng hoảng dân số kéo dài, chưa kể đến tình trạng nhân tài rời bỏ đất nước. Theo một số ước tính, 2% đàn ông Nga trong độ tuổi lao động đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng kể từ đầu chiến tranh Ukraina, đẩy tiền lương tăng và lạm phát cũng lên đến 9%/năm, vượt xa mức 4% mà ngân hàng trung ương đề ra hồi tháng 06/2024.

Để kiềm chế giá cả tăng vọt, vào cuối tháng 10, ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao kỷ lục, trong khi đồng rúp mất 30% giá trị so với đồng đô la. Elvira Nabioullina, chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, cảnh báo : « Khi một nền kinh tế đạt đến giới hạn về năng lực sản xuất, mà nhu cầu vẫn tăng … thì lạm phát đình trệ (sựkết hợp giữa trì trệ kinh tế và lạm phát dai dẳng) sẽ xảy ra », có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Hiện tại, việc thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu đè nặng lên các doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có sự mất cân đối trong tăng trưởng, hiện giờ các lĩnh vực đều trì trệ, chỉ có ngành công nghiệp quân sự là phát triển. Vào năm 2025, chi tiêu quân sự sẽ chiếm 40% ngân sách nhà nước (tăng 25%). Thêm vào đó là các biện pháp tốn kém để tuyển quân và hỗ trợ gia đình họ.

Dân số Nga : Tình trạng bi thảm cho tương lai đất nước

Riêng về dân số, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov gần đây nói đến « một tình huống bi thảm cho tương lai đất nước », Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới nhưng dân số mỗi năm lại giảm đi, nên « cách duy nhất để giải quyết là tăng tỉ lệ sinh ». Đối với Le Figaro, những phát biểu nói trên của phát ngôn viên điện Kremlin chính là sự thừa nhận thất bại của chính quyền Nga : các chính sách đã được triển khai trong hơn ¼ thế kỷ đã không thể đảo ngược được tình hình tại một quốc gia đang ngày càng thiếu trẻ em.

Theo Cơ quan Thống kê Rosstat, từ gần 146 triệu, dân số Nga có thể giảm xuống còn khoảng 130 triệu người trong 20 năm tới. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2100, dân số Nga có thể giảm một nửa, xuống còn 74 triệu dân.

Trên thực tế, trong khi tỉ lệ sinh thấp, tỷ lệ tử hiện giờ lại rất cao, số người chết năm nay nhiều hơn 80.000-85.000 người so với năm 2023, không chỉ do tổn thất quân sự, mà còn do hậu quả của Covid và nạn nghiện rượu gia tăng trong xã hội. Hơn nữa, số người nhập cư giảm dần.

Trục xuất người nhập cư trái phép : Sự thật về sự thất bại của Pháp

Về xã hội Pháp, Le Figaro đưa độc giả đến với báo cáo đầu tiên của Ủy ban Ngoại vụ của Quốc Hội về những nguyên nhân khiến nhà chức trách Pháp bất lực trong việc trục xuất di dân bất hợp pháp.

Thứ nhất, nước nguyên quán của những di dân mà Pháp có lệnh trục xuất đã từ chối cấp giấy thông hành lãnh sự để tiếp nhận lại công dân của họ nếu những người này không có giấy tờ tùy thân. Đây là lý do của 96% số vụ chính quyền Pháp không thể thi hành lệnh trục xuất trong năm 2023, chủ yếu liên quan đến các nước Bắc Phi. Báo cáo nêu rõ trường hợp Algerie, gần như không hợp tác với Paris, từ chối từ chối cấp giấy thông hành lãnh sự, nhất là sau các căng thẳng ngoại giao do Paris ủng hộ chủ quyền của Maroc đối với vùng Tây Sahara nằm ở miền nam Maroc. Một số nước khác được nhắc đến trong báo cáo là Trung Quốc, Mali hay Niger. Ngoài ra, một số nước không có chuyến bay thẳng từ Pháp, một số nước thì bị xem là có thể kết án tử hình và tra tấn những người bị Pháp trục xuất.

Một lý do quan trọng thứ hai là những người bị chính quyền Pháp ra lệnh trục xuất đã từ chối lên máy bay. Le Figaro lưu ý là nhiều khi chính những hiệp hội hỗ trợ di dân, được Nhà nước tài trợ, lại khuyến khích những người này từ chối lên máy bay, khiến việc trục xuất bất thành. Ngoài ra, phải kể đến những quy định bất cập về thời hạn tiến hành trục xuất.

Điều đáng lo ngại, theo ghi nhận của các tác giả bản báo cáo: Trong dự luật tài chính cho năm 2025, dự chi ngân sách cho các hoạt động « chống nhập cư bất hợp pháp lại giảm mạnh ». Báo thiên hữu Le Figaro kết luận : « Nước Pháp, vốn là thiên đường hành chính quan liêu, gặp khó khăn trong cải tổ », và hiện tại, xét về kết quả, chính sách nhập cư của Pháp chủ yếu mới chỉ là trên giấy tờ.

Nhìn sang Libération, trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài được dành để nói về việc nước Pháp phản đối gay gắt Mercosur, hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối 5 nước châu Mỹ Latinh, mà tờ báo thiên tả gọi là hiệp định « đổi thịt lấy xe ô tô », « một kẻ thù lý tưởng của Paris » mà chính quyền Macron đang tìm kiếm đồng minh láng giềng để ngăn chặn. Tuy nhiên, Libération cũng dành chỗ nói về cuộc chiến xâm lược của Nga và nhận định « Những điểm yếu kém của Nga được phơi bày ».

Ô nhiễm nhựa : Gốc rễ vấn đề là cắt giảm sản xuất chứ không phải tái chế

Về môi trường, nhân dịp hội nghị quốc tế chống rác nhựa, được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, hướng tới hiệp ước đầu tiên mang tính ràng buộc để chống hệ lụy của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người, môi trường, khí hậu và quyền con người, hôm nay Libération hướng độc giả chú ý tới giải pháp gốc rễ chống ô nhiễm nhựa.

Giống như việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các cuộc đàm phán về khí hậu, việc cắt giảm sản xuất nhựa nguyên sinh trong đàm phán chống ô nhiễm rác nhựa hiện vẫn được xem như « con voi trong phòng », ai cũng thấy nhưng đều giả vờ không biết.

Trong khi các nhà sản xuất dầu, khí đốt và than đá hứa hẹn giảm phát thải khí nhà kính bằng các « giải pháp » như thu hồi và lưu trữ carbon, để không phải cắt giảm sản lượng, thì các nhà sản xuất nhựa cũng coi tái chế rác nhựa như một đáp án kỳ diệu. Trên thực tế, Libération nhấn mạnh là 2 chủ đề khí hậu và nhựa đều có một điểm chung : khai thác nhiên liệu hóa thạch. Dầu, khí đốt và ở một mức nào đó than đá, chính là những nguyên liệu thô chính được sử dụng để sản xuất nhựa.

Sản lượng nhựa nguyên sinh trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2020 đã tăng gấp đôi, dự kiến ​​đến năm 2060 sẽ tăng gấp 3. Hành tinh của chúng ta sẽ bị nhấn chìm trong rác thải : từ 360 triệu tấn vào năm 2020 (trọng lượng của hơn 35.000 tháp Eiffel), con số này ước tính từ năm 2060 trở đi sẽ vượt quá 1 tỷ tấn mỗi năm. Khí nhà kính phát thải từ vòng đời của nhựa chiếm 3,6% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2020, sẽ tăng lên thành 5% vào năm 2040, và điều này mâu thuẫn với các cam kết của thỏa thuận khí hậu Paris 2015, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OCDE.

Trong khi các quốc gia đang giảm lệ thuộc vào chất đốt, có kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và dầu diesel hoặc hệ thống sưởi bằng khí ga, thì các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch lại đang đầu tư vào sản xuất hóa dầu và nhựa. Họ tìm kiếm một « kế hoạch B » mang lại lợi nhuận, bảo vệ « con gà đẻ trứng vàng », hướng sự chú ý tới « tái chế và hành vi của người tiêu dùng (ví dụ không vứt rác) » và vận động hành lang trong giới lãnh đạo chính trị, cho dù theo Human Rights Watch, những tài liệu nội bộ trong ngành này ngay từ những năm 1970 cho thấy rằng các nhà sản xuất đều đã biết rằng tái chế không phải là một giải pháp có thể chấp nhận được.

Việt Nam chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái

Đề tài môi trường, sinh thái hôm nay được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Monde dành cả tựa trang nhất, bài xã luận và chuyên mục hồ sơ đặc biệt cho đề tài này. Trên trang nhất, Le Monde chạy tít « Khí hậu : Bản tổng kết mang vị đắng của thượng đỉnh COP29 ». Trong bài xã luận « Tín hiệu báo động của COP29 », Le Monde nhấn mạnh cuộc đối đầu Bắc - Nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển) về tài chính khí hậu đã trở thành bài toán rất khó giải quyết tại COP.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của các nước đang phát triển và thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu càng chậm lại thì nhu cầu sẽ càng tăng lên, khiến các nước phương Nam đòi hỏi nhiều hơn số 300 tỷ đô la tài trợ. Trong khi đó, một số ít các nước phát triển thì lâm cảnh kinh tế và chính trị không mấy thuận lợi, tăng trưởng vốn đã bị chậm lại, kèm theo đó là phong trào phản đối của một bộ phận dư luận về việc tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Xung quanh đề tài « Nuôi sống hành tinh mà không tàn phá » Trái đất, chuyên mục hồ sơ đặc biệt của Le Monde cũng hướng chủ yếu đến các nước đang phát triển. Các chủ đề chính là « Thực phẩm, nước, năng lượng : 3 dự án sáng tạo » tại các nước Colombia, Maroc và Tây Phi, công cuộc « tìm kiếm các giống ngũ cốc và cây họ đậu có sức chống chịu tốt » tại Sénégal và « giới nghiên cứu bắt đầu hợp tác với nông dân » tại các nước phương Nam.

Le Monde cũng chú ý đến nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu phóng sự của đặc phái viên Brice Pedroletti tại tỉnh Sơn La : « Tại Việt Nam, đã đến thời nông nghiệp sinh thái », dung hòa phát triển nông nghiệp với các đòi hỏi phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hướng đến kinh tế tuần hòan, chẳng hạn thông qua nông lâm kết hợp, giảm độc canh, giảm sử dụng phân bón hóa học, đẩy mạnh khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển thương hiệu địa phương…

Hồi năm 2023 Việt Nam đã khởi động một kế hoạch hành động quốc gia để chuyển đổi sâu rộng hệ thống nông nghiệp. Sơn La là một trong những tỉnh thí điểm, với sự trợ giúp chẳng hạn của chương trình Chuyển đổi hệ thống thực phẩm an toàn và sinh thái nông nghiệp (Assed), dưới sự điều phối khoa học của Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển nông học (CIRAD) với khoảng 15 đối tác Việt Nam (gồm các trung tâm nghiên cứu và cơ quan công quyền) và quốc tế. Chương trình được Cơ quan Phát triển Pháp và Liên Hiệp Châu Âu tài trợ.

Liệu pháp gien, giữa hy vọng và hiện thực

Trước thềm chương trình từ thiện Téléthon 2024 diễn ra ngày 29-30/11 để quyên tiền tài trợ cho nghiên cứu y khoa, báo Công giáo La Croix có bài viết « Liệu pháp gien, giữa hy vọng và hiện thực ». Kỹ thuật y khoa có tên liệu pháp gien, về lý thuyết, theo bác sĩSerge Braun, giám đốc khoa học của AFM-​Téléthon, về lý thuyết, đơn giản đó là « chống lại các bệnh di truyền bằng cách sử dụng gen »

Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. La Croix nhận định vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bởi vì một mặt hiện giờ có đến hơn 7.000 bệnh di truyền được ghi nhận, hầu hết đều là bệnh hiếm gặp, nguyên nhân cũng như hậu quả của các bệnh này rất khác nhau, mở ra một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn. Mặt khác, bản thân các quá trình trị liệu vẫn cần được củng cố.

Một vấn đề lớn khác liên quan đến đạo đức. Với chi phí cao, từ 2 đến 3 triệu euro mỗi lần tiêm, câu hỏi đặt ra là liệu có nhiều người được tiếp cận phương pháp trị liệu này không ?

Theo La Croix, dẫu số tiền đầu tư nghiên cứu được giữ bí mật, điều đáng nói là các liệu pháp gen ban đầu được phát triển cho các bệnh di truyền hiếm gặp sau này cũng có thể được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lý phổ biến hơn, như ung thư, bệnh tim mạch hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ Serge Braun nhấn mạnh đây là trường hợp của một nửa trong số 40 loại thuốc đã được phê duyệt trong những năm gần đây.

Laurence Tiennot-Herment, chủ tịch AFM-Téléthon, khẳng định « các liệu pháp gen có hiệu quả và cuộc chiến đấu trong nghiên cứu này có lợi cho tất cả (…) nhưng cần có các nguồn lực ». Vào năm 2023, chương trình đã thu được số tiền quyên tặng lên tới gần 93 triệu euro.


************

Nhóm tàu tấn công của Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông

2024.11.26

Nhóm tàu tấn công của hải quân Mỹ dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Abraham Lincoln vừa vào vùng Biển Đông và ghé thăm một số quốc gia hồi tuần trước.

Trang Newsweek và mạng xã hội X của tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã đăng tin, bản đồ và hình ảnh cho thấy hoạt động của nhóm tàu tại vùng nước đang có tranh chấp ở khu vực châu Á.

Biển Đông là vùng nước quan trọng nơi có các tuyến đường vận chuyển thương mại quốc tế đi qua. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này bất chấp những phản đối của các quốc gia láng giềng và bác bỏ của Tòa Trọng tài quốc tế đối với đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên biển.

Theo Newsweek, có ba tàu khu trục hộ tống tàu sân bay USS Abraham Lincoln – một trong 11 tàu sân bay chạy bằng hạt nhân đang còn hoạt động của hải quân Mỹ. Tàu sân bay đã đến cảng Klang của Malaysia hồi thứ bảy tuần trước. Trang X của tàu này cũng có dòng trạng thái và video cho biết tàu đã đến cảng Klang vào buối sáng ngày 23/11, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Mỹ đến thành pố này trong vòng 12 năm qua.

Trong khi đó, ba tàu khu trục khác trong nhóm tàu cũng đã ghé thăm hai quốc gia khác trong khu vực. Tàu USS Frank E. Petersen Jr. thăm Singapore, trong khi tàu USS Spruance và tàu USS Michael Murphy ghé Thái Lan.

Malaysia là một trong số những quốc gia có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, trong khi Singapore và Thái Lan không có tranh chấp liên quan.

Newsweek trích dẫn thông báo của hải quân Hoa kỳ cho biết nhóm tàu tấn công đang cho thấy sự linh hoạt vốn có của nhóm tàu bằng cách thăm ba quốc gia trong khu vực cùng lúc. Những tàu còn lại trong nhóm tàu này hiện vẫn đóng ở Trung Đông.

Chuyến thăm của tàu Abraham Lincoln đến khu vực được cho là sự trở lại của tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông, nơi căng thẳng vẫn tiếp tục lên cao xung quanh những tranh chấp về chủ quyền ở các đảo và thực thể trong khu vực thời gian gần đây giữa Trung Quốc, Philippines, Malaysia và các nước khác, theo Newsweek.

Theo một bức hình gần đây của hải quân Mỹ, một tàu sân bay khác của Mỹ đã ghé Biển Đông hôm 20/9 là tàu USS Theodore Roosevelt. Tàu này sau đó đã quay về căn cứ ở California hôm 15/10.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, hải quân Trung Quốc đã có cuộc diễn tập ở Biển Đông với tàu sân bay.


************

Philippines triệu tập Phó Tổng thống Duterte vì đe dọa giết Tổng thống Marcos

Reuters

Các quan chức luật pháp Philippines hôm 26/11 đã triệu tập Phó Tổng thống Sara Duterte để thẩm vấn về tuyên bố hồi cuối tuần của bà rằng bà đã thuê người ám sát Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nếu bà bị giết.

Bà Duterte cáo buộc chính quyền đã bóp méo lời nói của bà để tạo ra một câu chuyện sai sự thật rằng tính mạng của ông Marcos đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 26/11, nữ phó tổng thống cho biết những phát biểu của bà là "hành động trả thù có điều kiện".

Lệnh triệu tập từ Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) yêu cầu bà Duterte phải có mặt tại văn phòng của cơ quan này vào ngày 29/11. Theo lệnh triệu tập, mà Reuters xem được bản sao, bà Duterte sẽ bị thẩm vấn về cáo buộc đưa ra đe dọa nghiêm trọng và có thể vi phạm luật chống khủng bố.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 23/11, bà Duterte cho biết bà đã nói chuyện với một sát thủ và chỉ thị cho nhân vật này giết ông Marcos, vợ và người họ hàng của ông là chủ tịch Hạ viện Philippines, nếu bà bị giết.

Văn phòng của bà Duterte nói rằng bà không có mặt khi lệnh triệu tập được gửi đến và rằng bà chưa đọc lệnh này. Bà Duterte hôm 25/11 cho biết bà sẽ tuân thủ nếu bị các nhà điều tra triệu tập.

Những phát biểu gây sốc của nữ phó tổng thống là vụ mới nhất trong cuộc tranh cãi gay gắt, vốn đã gia tăng kể từ khi liên minh đáng gờm giữa hai gia đình quyền lực của họ sụp đổ, khi ông Marcos đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022 với tỷ lệ cách biệt lớn, và bà Duterte chạy đua để làm người phó của ông.

Cả ông Marcos và bà Duterte đều là con của các cựu tổng thống.

Ông Marcos nói trong một bài phát biểu trước toàn dân hôm 25/11 mà không nêu tên bà Duterte rằng ông sẽ chống lại "những lời đe dọa liều lĩnh và đáng lo ngại" đối với ông và sẽ không cho phép những nỗ lực gậy tội ác như vậy được thực hiện.

Không giống như tổng thống, phó tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ truy tố, theo Bộ tư pháp.

Trong tuyên bố của mình, bà Duterte nói rằng những phát biểu của bà không phải là mối đe dọa đến tính mạng của ông Marcos.

Cuộc công kích ông Marcos của bà Duterte xảy ra chỉ vài tuần sau khi cha của bà, cựu tổng thống Rodrigo Duterte, trở thành chủ đề của cuộc điều tra kéo dài của quốc hội về hàng nghìn vụ giết người trong "cuộc chiến chống ma túy" khét tiếng đã định hình nhiệm kỳ tổng thống 2016-2022 của ông.

Quốc hội đang tiến hành cuộc điều tra riêng rẽ đối với bà Duterte về cáo buộc sử dụng tiền công quỹ sai mục đích.


*********

Kế hoạch sử dụng quân đội để trục xuất di dân của ông Trump khó bị thách thức tại tòa

Reuters

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết sẽ sử dụng quân đội Hoa Kỳ để giúp trục xuất hàng triệu di dân không có giấy tờ, một kế hoạch phá vỡ truyền thống của Hoa Kỳ về việc triển khai quân đội như vậy ở trong nước, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng sẽ khó để thách thức thành công điều đó tại tòa.

Các cố vấn của ông Trump cho biết có ý định sử dụng quân đội để xây dựng các trại giam giữ hoặc vận chuyển những di dân không có giấy tờ ra khỏi Hoa Kỳ, giải phóng các nhân viên tuần tra biên giới và nhập cư để họ có thể tiến hành điều tra và bắt giữ.

Các chuyên gia cho rằng chính quyền sẽ có sự bảo vệ pháp lý nếu quân đội chỉ được giới hạn ở các vai trò hỗ trợ, đặc biệt là dọc biên giới với Mexico, mà không tương tác với nghi phạm.

"Tôi nghĩ rằng có lẽ [kế hoạch này] sẽ không phải đối mặt với nhiều thách thức thành công", Ryan Burke, giáo sư nghiên cứu quân sự và chiến lược tại Học viện Không quân Hoa Kỳ, nhận định với tư cách cá nhân. "Có quá nhiều sự mơ hồ trong các luật này để chỉ ra điều gì đó và nói rằng, này, quý vị hoàn toàn không thể làm điều này".

Đạo luật Posse Comitatus năm 1878 cấm quân đội liên bang tham gia vào hoạt động thực thi pháp luật trong nước. Quốc hội đã tạo ra các ngoại lệ, cho phép các tổng thống sử dụng thành công quân đội đang tại ngũ trong các vai trò hỗ trợ cho những việc như chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, cũng như trong trường hợp luật pháp và trật tự bị phá vỡ.

Ông Trump chưa giải thích cách thức ông dự định triển khai quân đội để trục xuất người di cư. Trong một bài đăng tuần trước trên Truth Social để phản hồi bài đăng của một người dùng khác, trong đó nói rằng chính quyền sắp tới của ông sẽ sử dụng "nguồn lực quân sự" trong nỗ lực trục xuất hàng loạt, ông Trump viết: "ĐÚNG!!".

"Tổng thống Trump sẽ huy động mọi quyền lực cần thiết của liên bang và tiểu bang để tiến hành hoạt động trục xuất lớn nhất trong lịch sử đối với các tội phạm bất hợp pháp, những kẻ buôn bán ma túy và những kẻ buôn người", người phát ngôn của chiến dịch Trump-Vance trong thời gian chuyển giao, Karoline Leavitt, cho biết trong một tuyên bố hôm 25/11.

Mọi tổng thống kể từ thời chính quyền Bill Clinton vào những năm 1990 đều đã triển khai Vệ binh Quốc gia hoặc binh lính đang tại ngũ đến biên giới để hỗ trợ, từ giám sát đến đào tạo và sửa chữa thiết bị.

Các chuyên gia cho rằng các ngoại lệ về vai trò hỗ trợ đối với Đạo luật Posse Comitatus cũng có thể cho phép quân đội xây dựng các trại lớn để giam giữ những người bị lên kế hoạch trục xuất. Stephen Miller, cố vấn về nhập cư của ông Trump, đã đưa ra đề xuất đó với tờ New York Times vào tháng 11/2023.

Theo báo cáo của Hội đồng Di trú Hoa Kỳ, một nhóm ủng hộ người nhập cư, việc trục xuất một triệu người di cư không có giấy tờ hàng năm sẽ yêu cầu chính phủ phải tăng gấp 20 lần năng lực giam giữ.

Michel Paradis, cựu luật sư của Bộ Quốc phòng, nói rằng quân đội càng được yêu cầu làm nhiều việc thì càng có nhiều cơ hội để có các thách thức pháp lý, ngay cả có việc kiện tụng đối với vai trò hỗ trợ.

Ông cho biết việc sử dụng quân đội để xây dựng trại giam giữ có thể tạo cơ sở cho thống đốc kiện, nếu tiền cho trại được chuyển từ một dự án tại tiểu bang của thống đốc đó.

Ông Trump nói với tạp chí Time vào hồi tháng Tư rằng ông sẽ ủng hộ kế hoạch trục xuất bằng cách sử dụng Vệ binh Quốc gia, một lực lượng dự bị chịu trách nhiệm trước cả tổng thống và thống đốc tiểu bang.


*************

Kế hoạch thuế quan mới nhất của ông Trump nhắm vào nhiều quốc gia. Điều này có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ?

AP

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã xác định được điều mà ông coi là giải pháp toàn diện cho những gì đang làm đau đầu nước Mỹ: Áp dụng mức thuế quan mới khổng lồ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Vào ngày thứ Hai 25/11, ông Trump đã gây chấn động khắp biên giới phía bắc và phía nam của quốc gia, tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan mới đối với Mexico, Canada cũng như Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức như một phần trong nỗ lực trấn áp di dân bất hợp pháp và ma túy.

Trong hai bài đăng trên trang Truth Social của mình, ông Trump chỉ trích làn sóng di dân không có tư cách pháp lý thường trú, mặc dù tình trạng bắt giữ ở biên giới phía nam đang ở mức thấp nhất trong bốn năm.

Ông cho biết sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ từ Canada và Mexico, và thuế quan bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, như một trong những sắc lệnh đầu tiên của ông.

Ông cho biết mức thuế quan mới sẽ vẫn được áp dụng “cho đến khi Ma túy, đặc biệt là Fentanyl và tất cả Người nước ngoài bất hợp pháp ngưng Cuộc xâm lược này vào Đất nước chúng ta!”

Tổng thống đắc cử khẳng định rằng thuế quan — về cơ bản là thuế nhập khẩu — sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trong nhà máy, thu hẹp thâm hụt liên bang, hạ giá thực phẩm và cho phép chính phủ trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em.

Các nhà kinh tế học thường tỏ ra hoài nghi, coi thuế quan là cách không hiệu quả để chính phủ huy động tiền. Họ đặc biệt lo ngại về mức thuế mới nhất mà ông Trump đề nghị.

Ông Carl B. Weinberg và bà Rubeela Farooqi, hai nhà kinh tế của High Frequency Economics ngày thứ Ba 26/11 nói rằng năng lượng, ô tô và nguồn cung cấp thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

“Việc áp thuế đối với dòng thương mại vào Hoa Kỳ mà không chuẩn bị trước các nguồn thay thế cho hàng hóa và dịch vụ bị ảnh hưởng sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu ngay lập tức”, ông Weinberg và bà Farooqi viết. “Vì nhiều mặt hàng trong số này là hàng tiêu dùng nên các hộ gia đình sẽ trở nên nghèo hơn”.

High Frequency Economics tin rằng các mối đe dọa không nhằm mục đích hỗ trợ chính sách thương mại mới mà thay vào đó là một công cụ để tạo ra một số thay đổi dọc theo biên giới và đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Mặc dù Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ trích các mối đe dọa về thuế quan của ông Trump là không nghiêm túc trong nỗ lực tranh cử tổng thống không thành công của bà, nhưng chính quyền Biden-Harris vẫn giữ nguyên mức thuế mà chính quyền Trump áp dụng đối với 360 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc. Và áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc.

Thật vậy, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã dần rút lui khỏi vai trò thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu và giảm thuế quan sau Thế chiến thứ II. Sự thay đổi đó là phản ứng trước tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất của Hoa Kỳ, được cho là do hoạt động thương mại không bị hạn chế và một Trung Quốc ngày càng lấn tới.

Thuế quan là một loại thuế đánh vào hàng nhập khẩu

Chúng thường được tính theo tỷ lệ phần trăm giá mà người mua trả cho người bán nước ngoài. Tại Hoa Kỳ, thuế quan được thu bởi các nhân viên Hải quan và Bảo vệ Biên giới tại 328 cảng nhập cảnh trên khắp cả nước.

Mức thuế quan dao động từ ô tô chở khách (2,5%) đến giày chơi gôn (6%). Thuế quan có thể thấp hơn đối với các quốc gia mà Hoa Kỳ có thỏa thuận thương mại. Ví dụ, hầu hết hàng hóa có thể được miễn thuế giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada nhờ thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada của ông Trump.

Có rất nhiều thông tin sai lệch về việc ai thực sự phải trả thuế quan

Ông Trump nhấn mạnh rằng thuế quan do các quốc gia nước ngoài trả. Trên thực tế, chính những nhà nhập khẩu — các công ty Hoa Kỳ — phải trả thuế quan và số tiền đó sẽ được chuyển vào Kho bạc Hoa Kỳ. Đổi lại, các công ty đó thường chuyển chi phí cao hơn của họ cho khách hàng của mình dưới hình thức giá cao hơn. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng thường phải trả tiền thuế quan.

Tuy nhiên, thuế quan có thể gây tổn hại cho các quốc gia nước ngoài bằng cách làm cho sản phẩm của họ đắt hơn và khó bán ra nước ngoài hơn. Ông Yang Zhou, một nhà kinh tế tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, đã kết luận trong một nghiên cứu rằng thuế quan của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc gây ra thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều hơn gấp ba lần so với thiệt hại đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Thuế quan chủ yếu nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước

Bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu, thuế quan có thể bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Chúng cũng có thể dùng để trừng phạt các quốc gia nước ngoài vì thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng, như trợ cấp cho các nhà xuất khẩu của họ hoặc bán phá giá sản phẩm với giá thấp một cách không công bằng.

Trước khi thuế thu nhập liên bang được thiết lập vào năm 1913, thuế quan là động lực doanh thu chính của chính phủ. Theo ông Douglas Irwin, một nhà kinh tế học tại đại học Dartmouth, người đã nghiên cứu lịch sử chính sách thương mại, từ năm 1790 đến năm 1860, thuế quan chiếm 90% doanh thu của liên bang.

Thuế quan không còn được ưa chuộng khi thương mại toàn cầu phát triển sau Thế chiến II. Chính phủ cần nguồn doanh thu lớn hơn rất nhiều để tài trợ cho các hoạt động của mình.

Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 9, chính phủ dự kiến sẽ thu được 81,4 tỷ đô la tiền thuế quan và phí. Con số này chẳng thấm vào đâu so với 2,5 nghìn tỷ đô la dự kiến sẽ đến từ thuế thu nhập cá nhân và 1,7 nghìn tỷ đô la từ thuế An sinh xã hội và Medicare.

Tuy nhiên, ông Trump muốn ban hành chính sách ngân sách giống với chính sách đã có từ thế kỷ 19.

Ông lập luận rằng thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu có thể làm giảm giá thực phẩm bằng cách hỗ trợ nông dân Mỹ. Trên thực tế, thuế quan đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ làm tăng giá hàng tạp hóa bằng cách giảm sự lựa chọn cho người tiêu dùng và cạnh tranh cho các nhà sản xuất Mỹ.

Thuế quan cũng có thể được sử dụng để gây sức ép với các quốc gia khác về các vấn đề có thể liên quan hoặc không liên quan đến thương mại. Ví dụ, vào năm 2019, ông Trump đã sử dụng mối đe dọa về thuế quan làm đòn bẩy để thuyết phục Mexico khống chế làn sóng di dân Trung Mỹ băng qua lãnh thổ Mexico trên đường đến Hoa Kỳ.

Ông Trump thậm chí còn coi thuế quan là một cách để ngăn chặn chiến tranh.

“Tôi có thể làm điều đó chỉ bằng một cuộc gọi điện thoại”, ông nói tại một cuộc tập họp tranh cử vào tháng 8 vừa qua ở North Carolina.

Nếu một quốc gia khác cố gắng gây chiến, ông ấy nói rằng ông ấy sẽ đưa ra lời đe dọa:

“Chúng tôi sẽ áp thuế 100% đối với các bạn. Và đột nhiên, tổng thống, thủ tướng, nhà độc tài hoặc bất kỳ ai đang điều hành đất nước nói với tôi rằng, ‘Thưa ngài, chúng tôi sẽ không gây chiến.’”

Các nhà kinh tế thường coi thuế quan là tự chuốc lấy thất bại

Thuế quan làm tăng chi phí cho các công ty và người tiêu dùng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Chúng cũng có khả năng gây ra sự trả đũa.

Ví dụ, Liên hiệp châu Âu đã phản công lại thuế quan của ông Trump đối với thép và nhôm bằng cách đánh thuế các sản phẩm của Hoa Kỳ, từ rượu bourbon đến xe mô tô Harley-Davidson. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã đáp trả cuộc chiến thương mại của ông Trump bằng cách áp thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, bao gồm đậu nành và thịt lợn trong một động thái được tính toán để gây tổn hại đến những người ủng hộ ông ở vùng nông thôn.

Một nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Zurich, Harvard và Ngân hàng Thế giới đã kết luận rằng thuế quan của ông Trump đã không khôi phục được việc làm cho vùng trung tâm của nước Mỹ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng thuế quan “không làm tăng hay giảm việc làm tại Hoa Kỳ” ở nơi mà chúng được cho là bảo vệ việc làm.

Ví dụ, bất chấp thuế năm 2018 của ông Trump đối với thép nhập khẩu, số lượng việc làm tại các nhà máy thép của Hoa Kỳ hầu như không thay đổi: Chúng vẫn ở mức khoảng 140.000. Để so sánh, riêng Walmart đã tuyển dụng 1,6 triệu người tại Hoa Kỳ.

Tệ hơn nữa, các loại thuế trả đũa do Trung Quốc và các quốc gia khác áp đặt đối với hàng hóa của Hoa Kỳ đã “tác động tiêu cực đến việc làm”, đặc biệt là đối với nông dân, nghiên cứu phát hiện ra. Những mức thuế trả đũa này chỉ được bù đắp một phần bằng hàng tỷ đô la trợ cấp của chính phủ mà ông Trump phân bổ cho nông dân. Thuế quan của ông Trump cũng gây thiệt hại cho các công ty phụ thuộc vào hàng nhập khẩu có mục tiêu.

Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại của ông Trump thất bại về mặt chính sách, thì nó lại thành công về mặt chính trị. Nghiên cứu phát hiện ra rằng sự ủng hộ dành cho ông Trump và các ứng cử viên quốc hội của Đảng Cộng hòa đã tăng lên ở những khu vực chịu thuế nhập khẩu nhiều nhất - vùng Trung Tây công nghiệp và các tiểu bang miền Nam tập trung nhiều vào sản xuất như North Carolina và Tennessee.


***********

Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom

VOA Tiếng Việt

Hôm 26/11, một tòa án ở tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt 9 người vì họ lên tiếng bảo vệ quyền của người Khmer Krom với án tù tổng cộng hơn 26 năm theo tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép”. Phiên tòa này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án mạnh mẽ.

Truyền thông trong nước tường thuật rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị phạt 6 năm tù, nhà sư Dương Khải bị tuyên 5 năm 9 tháng tù; trong khi hai phật tử Kim Khiêm 3 năm tù và Thạch Ve Sanal 2 năm 6 tháng tù.

Các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, và các phật tử Kim Khu, Thạch Nha cùng nhận mức án mỗi người 2 năm tù.

Báo Vĩnh Long cho hay “tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng, bày tỏ sự hối hận và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt”.

Giới hoạt động dẫn lời thân nhân bị cáo cho VOA biết rằng tất cả 9 người bị xét xử trong phiên tòa kéo dài một ngày tại Vĩnh Long hôm 26/11 mà không có luật sư bào chữa.

“Không có luật sư và không có tư vấn pháp lý và gia đình cũng không được thăm gặp họ. Như vậy làm sao mà là một phiên tòa công bằng cho được!”, ông Moni Mau, phó chủ tịch tổ chức Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ, nêu nhận định với VOA sau phiên xử.

“Hôm 26/11/2024, sau 8 tháng giam giữ bất công và cưỡng bức nhận tội, chính quyền Việt Nam đã tiến hành một phiên tòa không công bằng, dẫn đến những bản án nghiêm khắc và không chính đáng đối với những cá nhân không làm gì khác hơn là ủng hộ một cách hòa bình cho quyền tôn giáo và văn hóa của họ”, KKF viết trong một tuyên bố cùng ngày.

“Dường như họ đã đe dọa ông nên ông sợ không dám nói sự thật”, ông Mau đưa ra quan điểm về cách chính quyền xét xử nhà sư Thạch Chanh Đa Ra. “Ông không có làm gì sai trái và phiên tòa xét xử ông toàn toàn không công bằng mặc dù họ nói rằng ông đã nhận tội”.

Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho hay rằng ông Thạch Chanh Đa Ra đã chỉ đạo các đồng phạm khác và trực tiếp cùng thực hiện hành vi “bắt, giữ người trái pháp luật” đối với 3 người thuộc tổ công tác của chính quyền khi họ “đến nắm tình hình và giải quyết sự việc” xảy ra tại chùa Đại Thọ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Sau đó, ông Đa Ra bị cho là đã quay clip, phát trực tiếp cuộc nói chuyện của ông cùng với hai ông Kim Khiêm và Dương Khải trên Facebook về vụ việc chính quyền đến làm việc mà trong đó các ông bị nhà chức trách quy là “đã có lời nói không đúng sự thật, vu khống cán bộ...”, theo trang Người Lao Động.

Ông Moni Mau và những nhà hoạt động khác cho VOA biết rằng việc chính quyền cử đoàn công tác đến “làm việc” tại chùa Đại Thọ sau khi nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa này, và các phật tử Khmer Krom đã tiến hành xây dựng một giảng đường nhưng bị chính quyền ngăn cản, cho rằng đó là công trình không có giấy phép.

Trước khi bị bắt, ông Đa Ra, người có xu hướng muốn độc lập khỏi sự quản lý của nhà nước, đã bị khai trừ khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi ông bị bắt, vào ngày 1/4/2024, chính quyền địa phương loan tin rằng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Đại đức Thạch Xươnl làm trụ trì chùa Đại Thọ.

Cũng hôm 1/4/2024, chính quyền Vĩnh Long đã cưỡng chế, phá hủy công trình xây dựng giảng đường, được xem là nơi học tập của sư sãi và tín đồ tại chùa Đại Thọ, theo KKF. “Hành động xúc phạm văn hóa và tôn giáo này không chỉ tước bỏ nơi thờ cúng của người Khmer-Krom mà còn vi phạm nghiêm trọng di sản và bản sắc văn hóa của họ”, KKF viết.

“Đây hoàn toàn là một sự dàn dựng của chính quyền” để họ đưa những nhân vật thân chính quyền vào quản lý ngôi chùa và phục tùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền hậu thuẫn, ông Mau đưa ra nhận xét.

“Phiên tòa bất công này là bằng chứng rõ ràng cho thấy chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người Khmer-Krom vì đã thực hành Phật giáo Nguyên thủy một cách ôn hòa và khẳng định quyền tôn giáo của mình”, tuyên bố của KKF có đoạn.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố và phát biểu của KKF, nhưng chưa được trả lời.

Vào hồi tháng 3/2024, như VOA đưa tin, tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và Liên đoàn Khmer Krom (KKF) bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc nhà chức trách Việt Nam bắt giam nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các nhà sư, phật tử khác tại chùa Đại Thọ.

Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc Không có đại diện (UNPO) cho rằng việc chính quyền Việt Nam bắt giam các nhà lãnh đạo tinh thần và những phật tử Khmer Krom “là sự vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người”. UNPO nói trong một tuyên bố: “Qua việc nhắm mục tiêu vào các cá nhân thực hành tôn giáo ôn hòa và bảo vệ cộng đồng, Việt Nam thể hiện sự coi thường trắng trợn các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và các nguyên tắc dân chủ”.

Trong báo cáo hồi tháng 9/2024, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) lên án việc chính quyền bắt giam nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, người đã vận động trên các phương tiện truyền thông xã hội “cho các quyền tôn giáo và bản địa của người Khmer Khom cũng như sự độc lập của ngôi chùa của ông”.

Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần chỉ trích điều mà họ gọi là Việt Nam sử dụng các điều luật mơ hồ để dập tắt các tiếng nói phản biện, trái chiều, hay bảo vệ quyền của người bản địa. Ngược lại, chính quyền Việt Nam vào những dịp khác nhau đều khăng khăng rằng nước này bảo đảm nhân quyền và các quyền tự do cho người dân theo Hiến pháp, nhà chức trách chỉ bắt giữ và trừng phạt những người “vi phạm pháp luật”.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Sáu, 13 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20244:25 SA
Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20244:08 SA
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20243:19 SA
Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Năm, 05 Tháng Mười Hai 20244:18 SA
Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo