Tin Tức ngày 01 - 11 -2024:

Thứ Sáu, 01 Tháng Mười Một 20241:00 SA(Xem: 778)
Tin Tức ngày 01 - 11 -2024:

HoaLuc 6
***********

Israel mở rộng oanh kích tại Liban, dập tắt hy vọng ngừng bắn theo đề xuất của Mỹ

Sáng sớm hôm nay, 01/11/2024,  không quân Israel đã tiến hành ít nhất mười đợt không kích nhắm vào vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beyrouth, thành trì của lực lượng Hezbollah, đồng thời tiếp tục các đợt tập kích dày đặc vào những vùng ở nam và đông Liban.

Flame and smoke rise from Israeli airstrikes on Dahiyeh, in the southern suburb of Beirut, Lebanon, early Friday, Nov. 1, 2024.
Lửa và khói bốc lên sau các vụ không kích của Israel vào Dahiyeh, ngoại ô thủ đô Beyrouth, Liban, ngày 01/11/2024. © AP - Hussein Malla
Quảng cáo

Các vụ tấn công nói trên diễn ra vào lúc hai đặc phái viên của tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua, 31/10, đã tới Israel trong nỗ lực tìm một lối thoát cho xung đột giữa Israel và Hezbollah từ đầu tháng 10. Thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu khẳng định với các đặc phái viên Mỹ rằng hưu chiến phải ưu tiên bảo đảm an ninh cho Israel.

Dư luận tại Israel đánh giá đề xuất hưu chiến của Mỹ không đủ để bảo vệ Israel trước mối đe dọa thường trực của Hezbollah. 

Thông tín viên RFI tại Jerusalem, Sami Boukhelifah cho biết chi tiết:

Nhiệm vụ của hai đặc phái viên Mỹ là tìm được điểm nhất trí giữa Israel và Hezbollah để hai bên ký thỏa thuận hưu chiến. Washington đặt lên bàn một đề xuất : Rút các lực lượng Hezbollah và Israel ra khỏi miền nam Liban. Nhưng Nhà nước Do Thái vẫn giữ quyền tiến hành mọi chiến dịch quân sự mà họ cho là « cần thiết » đối với  Liban. « Như thế chưa đủ », theo đánh giá của bà Sarit Zehavi, chủ tịch ALMA, cơ quan tư vấn về các vấn đề an ninh ở miền bắc Israel.

Chuyên gia này giải thích: «Theo quan điểm của tôi, Israel đòi hỏi chưa đủ. Tôi sống ở miền bắc, cách biên giới Liban 9 km. Tại đó mối đe dọa là trực tiếp và có thực. Hezbollah sẽ có thể tàn sát chúng tôi ».

Israel cũng đòi được quyền bay vào không phận Liban để có thể theo dõi thường xuyên các vị trí của Hezbollah. Điểm này, bà Zehavi khẳng định « cũng không đủ để bảo đảm an ninh cho Israel ».

Bà nói : « Bay bên trên Liban là một chuyện, nhưng thực tế sẽ cần phải phá hủy toàn bộ kho vũ khí của Hezbollah. Khi cuộc chiến tranh 2006 giữa Israel và Hezbollah kết thúc, chính phủ của chúng tôi khi đó đã hứa rằng nếu điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ biết cách hành động. Nhưng rồi chính phủ đã không làm gì ».

Bởi vì trong vòng 18 năm qua, không quân Israel vẫn thường xuyên xâm phạm không phân Liban, bay trên các vị trí của Hezbollah, tuy nhiên, « việc đó không ngăn được đội quân Hồi giáo hệ phái Shia lớn mạnh », chuyên gia này kết luận.


***********

Hai nhà hoạt động: Tuyên giáo không còn hợp thời, nên dẹp; cần cổ súy xã hội dân sự


Tổng Bí thư ĐCS VN Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, 29/10/2024.
Tổng Bí thư ĐCS VN Tô Lâm làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, 29/10/2024.

Sau khi nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam mới đây căn dặn bộ máy tuyên giáo chớ có giáo điều, nói không đi đôi với làm, hai nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nói với VOA rằng ngành tuyên giáo đã lỗi thời, hại nhiều hơn lợi và nên dẹp bỏ.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm họp với Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng hôm 29/10, Dân Trí, Thanh Niên và nhiều báo mạng khác cho hay.

Vị tổng bí thư – người có thực quyền quyết sách lớn nhất của đất nước - đề ra mục tiêu của công tác tuyên giáo “trong giai đoạn cách mạng mới” là phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí “trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Thanh Niên, Dân Trí và truyền thông trong nước tường thuật.

Ông Lâm nói ngành tuyên giáo cần “tập trung xây dựng đội ngũ ‘bút chiến’ có lý luận sắc bén và am hiểu sâu sắc thực tiễn để viết ra “các chuỗi bài có tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục cao” có tác dụng “tạo đồng thuận trong thực hiện những chủ trương lớn, giải quyết những vấn đề bức xúc” và cùng “phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.

Ngoài ra, người đứng đầu đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo Việt Nam đề nghị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo và ông cảnh báo rằng “nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo thì không đi vào lòng người, lòng dân”, theo trích dẫn trên Dân Trí và Thanh Niên.

“Kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hai bản tin của Dân Trí và Thanh Niên tường thuật.

Trong khi cuộc họp của ông Lâm với Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy cơ quan này có tầm quan trọng trong hệ thống chính quyền, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng lại cho rằng “lợi ích của nó đối với đất nước bằng không hoặc âm”.

Ông Hùng lập luận rằng Ban Tuyên giáo Trung ương là công cụ của chính quyền thực hiện việc tuyên truyền “nhồi sọ, một chiều, dối trá”, theo cách dùng từ của ông, để “biện bạch về sự tồn tại của hệ thống” và thúc đấy “tín điều sai trái về chủ nghĩa Marx-Lenin”. Ông nói với VOA hôm 31/10:

“Nó không những không có lợi gì mà còn gây hại cho cả đất nước này. Có thể nói đấy là công cụ ngu dân, tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của nhân dân. Nếu muốn đất nước này thực sự bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi nghĩ Ban Tuyên giáo cần phải là một trong những cơ quan đầu tiên bị dẹp bỏ, vứt vào sọt rác”.

Theo thông tin trên báo chí Việt Nam, số lượng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, thành phố, quận huyện, thị xã là hơn 5.200 người, cộng với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay còn gọi là dư luận viên ước tính lên đến hơn 12.000 người trên cả nước.

Không có dữ liệu về ngân sách cho hoạt động tuyên giáo được công bố, nhưng từ con số nhân sự như trên, ước tính số tiền chỉ để trả lương cho họ có thể vào khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Cựu nhà báo, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, từng được giải thưởng của Phóng viên Không Biên giới vì thúc đẩy tư do ngôn luận, cũng cho rằng bộ máy tuyên giáo không còn cần thiết. Ông nói với VOA hôm 31/10:

“Ít ai quan tâm, nói tới Marx-Lenin, đấu tranh giai cấp. Thời đại này thông tin qua truyền thông, mạng xã hội nhiều rồi. Người dân thích cái gì, người ta tìm đến cái đó. Người ta tập trung rất nhiều vào đời sống, cách làm ăn, cách sinh hoạt, vui chơi giải trí. Cần tuyên truyền về những điều đó, dân sống hữu ích hơn, lợi ích cho xã hội, cho cộng đồng”.

Ông Chênh nêu lên một số việc cụ thể cần được thúc đẩy nhiều hơn gồm nếp sống văn minh; nắm vững, sống và làm việc đúng pháp luật, trong đó có tôn trọng luật giao thông; không xả rác, bảo vệ môi trường và thiên nhiên…

Nhưng ông cho rằng Ban Tuyên giáo sẽ không phù hợp để tuyên truyền về những điều nêu trên:

“Chỉ một Ban Tuyên giáo làm không đủ vì không chuyên môn. Ví dụ, về bảo vệ môi trường, thiên nhiên hoang dã, bao nhiêu tổ chức về vấn đề này họ chuyên môn hơn, họ sẽ tuyên truyền cho người dân. Hay nói về luật đi đường cũng có những tổ chức chuyên về cái đó… Đó là các tổ chức xã hội dân sự, mà đảng hình như chưa chấp nhận”.

Hồi tháng 9/2023, Liên Hiệp Quốc ra một báo cáo trong đó nói rằng chính phủ Việt Nam đã ra tay tăng cường kiểm soát, ngăn cản, bắt bớ…, làm cho không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự bị thu hẹp. Về vấn đề này, ông Chênh đưa ra quan sát:

“Tổ chức xã hội dân sự xuất hiện rất nhiều từ 2005 đến 2015, 2016, nhưng sau đó bị đàn áp, bị dẹp, những người trong các tổ chức đó bị đi tù rất nhiều. Bây giờ, các tổ chức xã hội dân sự không còn hoạt động. Để phục hồi lại, có lẽ phải chờ sự cởi mở của nhà nước theo những cam kết của nhà nước với quốc tế về việc Việt Nam đổi mới”.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng có chung suy nghĩ. Ông nói:

“Ở các nền dân chủ hiện đại, xã hội dân sự là xương sống, là một trụ cột. Muốn Việt Nam thực sự vươn mình lớn dậy trong kỷ nguyên mới, một trong những ưu tiên đầu tiên là phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của hệ thống các tổ chức xã hội dân sự. Điều đấy chắc chắn sẽ góp phần lan tỏa ra những hiệu ứng tích cực khác trong xã hội”.

Theo ông Hùng, nếu nhà nước Việt Nam không can thiệp, người dân được thực hiện các quyền tự do cơ bản theo Hiến pháp, các tổ chức xã hội dân sự sẽ xuất hiện trở lại một cách tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân trong xã hội hiện đại. Ông đưa ra nhận định mang tính sâu xa:

“Chỉ cần Việt Nam gỡ những nút thắt, những trói buộc này, tự khắc các tổ chức xã hội dân sự sẽ ra đời và phát triển. Đồng thời, nếu Việt Nam gỡ bỏ những trói buộc khác, tự khắc đất nước sẽ vươn mình lớn dậy mà không một cần lời kêu gọi nào cả”.

VOA liên lạc với Ban Tuyên giáo Trung ương của Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không có hồi đáp.


*********

Thái Lan nói 4 công dân thiệt mạng ở biên giới Israel-Lebanon


Giao tranh giữa Israel và Hezbollah gần biên giới giữa Israel và Lebanon
Giao tranh giữa Israel và Hezbollah gần biên giới giữa Israel và Lebanon

Bốn công dân Thái Lan đã thiệt mạng và một người bị thương do trúng rocket ở gần thị trấn Metula của Israel , sát biên giới giữa Lebanon và Israel, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa viết trên X hôm 1/11.

Năm ngoái, 46 công dân Thái Lan nằm trong số 1.200 nạn nhân thiệt mạng khi các chiến binh Hamas mở cuộc tấn công qua biên giới Israel, theo Bộ Ngoại giao Thái Lan.

Ba mươi công dân Thái Lan đã bị bắt cóc trong vụ tấn công ngày 7/10 năm 2023 và sáu người được cho là vẫn đang bị giam cầm, theo nhà chức trách Thái Lan.

Kể từ đó Israel đã tiến hành trả đũa khiến vùng lãnh thổ Gaza của Palestine trở thành vùng đất hoang tàn và giết chết hàng chục ngàn người. Israel cũng đã phát động tấn công vào nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon.

Trước khi có xung đột, có khoảng 30.000 công dân Thái Lan làm việc tại Israel, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo thành một trong những nhóm lao động nhập cư lớn nhất ở Israel.

“Thái Lan tiếp tục kêu gọi mạnh mẽ tất cả các bên quay trở lại con đường hòa bình, nhân danh những thường dân vô tội bị cuộc xung đột kéo dài và lún sâu này tác động nghiêm trọng,” Ngoại trưởng Thái Lan Maris nói.


**********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút

(HRW) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW kêu gọi Việt Nam hủy án với nhà hoạt động dân chủ Đường Văn Thái. Lời kêu gọi được HRW đưa ra hôm qua, 30/10/2024, ngay sau khi một tòa án ở Hà Nội kết án ông Đường Văn Thái 12 năm tù giam, vì tội tuyên truyền chống nhà nước. Ông Đường Văn Thái, 42 tuổi, trốn khỏi Việt Nam năm 2019, nhưng sau đó bị bắt cóc và bị đưa về Việt Nam. Từ tháng 2/2019 đến khi bị bắt cóc tháng 4/2023, ông liên tục đăng thông tin về tình hình chính trị ở Việt Nam trên Facebook và YouTube.

(AFP) - Đài Loan hứng bão mạnh nhất từ 30 năm qua. Bão Kong-rey ập vào hòn đảo ngày 31/10/2024 với sức gió lên đến 184 km/giờ, khiến một người thiệt mạng và 73 người bị thương. Trường học, cơ quan tiếp tục đóng cửa trên khắp hòn đảo. Các tuyến bay và tuyến phà đều dừng hoạt động từ ngày 30/10. Có bán kính 320 km, Kong-rey được coi là cơn bão lớn nhất đổ vào đất liền từ gần 30 năm nay. Trong khi đó, miền trung Việt Nam tiếp tục chịu hậu quả của bão Trà Mi (Trami) cách đây vài ngày. Có 5 người thiệt mạng và 5 người bị thương tính đến ngày 31/10 do mưa lũ sau bão. Theo chính quyền, hơn 300 ngôi nhà và gần 1.300 ha mùa màng đã bị hư hại ở tỉnh Quảng Bình do bùn tràn xuống nhiều khu vực cô lập. 

(Courrier international) - Afghanistan : Taliban cấm phụ nữ nói chuyện với nhau. Chỉ trong ba năm, phụ nữ Afghanistan bị tước hầu hết các quyền. Trong những quy định mới về « Đức hạnh », được chính quyền Taliban công bố vào tuần trước, và được truyền thông phương Tây đề cập ngày 31/10/2024, phụ nữ bị cấm lên tiếng nơi công cộng, cấm nói chuyện với nhau và bị cấm nhìn đàn ông. Báo chí Afghanistan lưu vong còn cho biết theo văn bản mới, « mỗi khi cần ra khỏi nhà, phụ nữ phải che toàn bộ khuôn mặt và cơ thể », « trang phục không được quá mỏng, quá chật hoặc quá ngắn » để « không bị cám dỗ » hoặc « cám dỗ người khác ».

(AFP) - Matxcơva triệu mời đại sứ Phần Lan tại Nga và trao công hàm ngoại giao phản đối vụ Helsinki tịch thu tài sản của nhà nước Nga. Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Nga hôm 30/10/2024 dọa có biện pháp đáp trả nếu Helsinki không thu hồi quyết định. Vụ tịch thu tài sản của 44 chủ sở hữu người Nga, trị giá 35 triệu euro, diễn ra vào tuần trước. Vụ việc do Cơ quan kiểm tra quốc gia của Phần Lan, trực thuộc bộ Tư Pháp, tiến hành chiểu theo phán quyết của một toàn án cấp quận của Helsinki hồi tháng 08/2024. Phán quyết của tòa liên quan đến việc Nga chưa thi hành phán quyết của một tòa án về việc thanh toán hơn 5 tỉ euro cho công ty dầu khí Naftogaz của Ukraina để bồi thường những thiệt hại tài chính của doanh nghiệp này do Nga sáp nhập bán đảo Crimée hồi năm 2014. 

(Le Figaro) - Pháp : Tình trạng nhà tù quá tải thêm nghiêm trọng. Tính đến ngày 30/10/2024, tại Pháp, số người đang bị giam trong tù lên tới 79.631 người, nhiều chưa từng có. Con số này tăng thêm 5.300 người trong vòng 1 năm, theo số liệu bộ tư Pháp cung cấp hôm 30/10/2024. Một số nhà tù, trại tạm giam đang giam số người nhiều gấp đôi khả năng. Theo một nghiên cứu do Hội Đồng Châu Âu công bố vào tháng 6, Pháp là nước đứng thứ ba châu Âu về tình trạng nhà tù quá tải, chỉ sau CH Séc và Rumani.

(AFP) - Tình báo Canada : New Delhi sử dụng công nghệ tấn công mạng để truy vết, giám sát hoạt động các nhà ly khai ở nước ngoài. Khẳng định của Trung tâm An ninh Viễn thông (CST) được đưa ra ngày 30/10/2024, một hôm sau khi Ottawa cáo buộc nhân vật số 2 trong chính phủ Ấn Độ đứng sau vụ sát hại một người Sikh ly khai tại Vancouver. CST cũng tố cáo Ấn Độ tiến hành nhiều vụ tấn công mạng nhắm vào chính phủ Canada và tuyên bố Ottawa xem Ấn Độ là một mối đe dọa an ninh mạng mới trỗi dậy. Canada là nơi có cộng đồng người Sikh lớn nhất ngoài Ấn Độ là cũng là nước có nhiều nhà đấu tranh cho một Nhà nước Sikh độc lập (Khalistan) nhất. 

(AFP) - Cấm vận Mỹ với Cuba : Tổng thống Acgentina cách chức ngoại trưởng do bỏ phiếu chống tại Liên Hiệp Quốc. Tổng thốngJavier Milei đã cách chức ngoại trưởng Diana Mondino, sau khi bà bỏ phiếu thuận cho nghị quyết chống lệnh cấm vận của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 30/10/2/2024, theo thông báo của phát ngôn viên của tổng thống trên mạng X. Nghị quyết chống cấm vận Mỹ đã được 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống (Mỹ và Israel) và 1 phiếu trắng (Moldova).


************

Lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức tập trận với 2 tàu sân bay ở Biển Đông

Thu Hằng

Hai tàu sân bay Sơn Đông (Shandong) và Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc lần đầu tiên cùng nhau tập trận chung ở Biển Đông trong những tuần qua. Theo đài truyền hình CCTV ngày 31/10/2024, mục đích của đợt tập trận là nhằm « nâng cao khả năng chiến đấu của các đội tàu sân bay.»

Đăng ngày:

1 phút

Ảnh không đề ngày, được Tân Hoa Xã công bố hôm 31/12/2021: Một chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc trong cuộc thao dượt chiến đấu ngoài biển khơi, từ Hoàng Hải đến Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Ảnh không đề ngày, được Tân Hoa Xã công bố hôm 31/12/2021: Một chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc trong cuộc thao dượt chiến đấu ngoài biển khơi, từ Hoàng Hải đến Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. AP - Hu Shanmin

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc không nêu rõ thời điểm diễn ra các cuộc tập trận nói trên mà chỉ nói chung chung là vào kỳ nghỉ lễ quốc khánh, cuối tháng 09 và đầu tháng 10. Còn theo trang web của CCTV, các cuộc tập trận của hai tàu sân bay cũng đã được tiến hành ở Hoàng Hải và Biển Hoa Đông.

Trả lời AFP ngày 31/10, một chuyên gia về an ninh hàng hải nhận định cuộc diễn tập chung này « cho thấy tiến bộ vượt bậc trong chương trình phát triển tàu bay và năng lực tấn công (của Trung Quốc) »« chắc chắn sẽ còn có nhiều cuộc tập trận kiểu này trong tương lai ».

Vào tháng 10, tàu sân bay Liêu Ninh cũng tham gia các cuộc tập trận có quy mô lớn, được cho là nhằm phong tỏa đảo Đài Loan. Tàu Liêu Ninh được đóng từ thời Liên Xô là tàu sân bay lâu đời nhất của Trung Quốc, được đưa vào hoạt động năm 2012. Tàu Sơn Đông thì được đưa vào hoạt động năm 2019.

Trung Quốc đang thử nghiệm tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến. Một số chuyên gia của tổ chức CSIS tại Mỹ cho biết tàu sân bay thứ ba này được trang bị hệ thống cất cánh tiên tiến, giúp không quân Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ chở nhiều thiết bị và nhiên liệu hơn.


************

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân, phản đối xây dựng radar ở đảo Tri Tôn


Các ngư dân Quảng Ngãi điều trị vết thương tại bệnh viện sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công vào ngày 29/9/2024. Photo YouTube Bao VietnamNet.
Các ngư dân Quảng Ngãi điều trị vết thương tại bệnh viện sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công vào ngày 29/9/2024. Photo YouTube Bao VietnamNet.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 31/10 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc thả ngay các ngư dân Việt Nam và toàn bộ tàu cá đã bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, trong vụ việc mà Hà Nội nói là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc xây dựng hệ thống radar ở đảo Tri Tôn thuộc quần đảo này.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ các quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thả ngay toàn bộ tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trái phép, bồi thường thỏa đáng các thiệt hại và chấm dứt, không để tái diễn các hành động quấy nhiễu, bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, VnExpress dẫn lời phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đoàn Khắc Việt, nói trong cuộc họp báo ngày 31/10 nhưng không nói rõ hiện có bao nhiêu ngư dân đang bị Trung Quốc giam giữ và họ bị bắt vào thời điểm nào.

“Mọi trường hợp bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam chúng tôi đều hết sức quan tâm, liên tục trao đổi và phản đối các cơ quan chức năng của Trung Quốc”, ông Việt được Dân Việt dẫn lời nói.

Phát biểu của ông Việt được đưa ra khi trả lời câu hỏi của báo chí về sự việc 10 ngư dân Việt Nam đã bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắt ở khu vực đảo Hải Nam.

Ông Việt nói thêm rằng việc Trung Quốc “bắt giữ trái phép” tàu cá và ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” và “vi phạm các quyền, cũng như lợi ích cơ bản, hợp pháp, chính đáng của ngư dân Việt Nam”.

Trước đó, vào ngày 2/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin với báo chí rằng lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công 10 ngư dân Việt Nam, làm hỏng ngư cụ của họ và tịch thu khoảng 4 tấn cá đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khu vực tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Theo truyền thông Việt Nam, vụ tấn công xảy ra vào ngày 29/9, khi tàu cá Quảng Ngãi với 10 ngư dân đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thì bị nhóm người ở tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản. Sự việc khiến 4 ngư dân bị thương nặng, trong đó 3 ngư dân bị gãy chân tay, và những người còn lại bị thương.

Sau vụ tấn công, một số ngư dân đã trở về Việt Nam. Không rõ hiện còn bao nhiêu ngư dân đang bị phía Trung Quốc giam giữ và họ bị bắt trong vụ tấn công trên hay trong hoàn cảnh nào khác.

Tờ New York Times hôm 28/10 phỏng vấn ngư dân Nguyễn Thanh Biên, một nạn nhân của vụ tấn công trên, và đưa tin rằng vào tháng 6, một tàu cá và các thuyền viên từ làng của ông Biên, thôn Châu Thuận Biên, xã Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi, đã biến mất sau khi đưa tin qua radio về cuộc chạm trán với giới hữu quan Trung Quốc. Tờ báo cho biết những người thân của các ngư dân hiện vẫn chưa được biết tin tức gì về họ kể từ khi có người gọi điện báo rằng họ đang bị giam giữ trên đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 2/10 nói hành động của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller trong một tuyên bố hôm 3/10 trên mạng xã hội X nói rằng Hoa Kỳ “vô cùng quan ngại trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của tàu thực thi pháp luật (Trung Quốc) đối với tàu cá Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29 tháng 9. Chúng tôi kêu gọi (Trung Quốc) chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây mất ổn định ở Biển Đông”.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời bày tỏ quan ngại trước thông tin Trung Quốc hoàn thiện hạ tầng cho hệ thống radar ở đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

“Việt Nam hết sức quan ngại về thông tin này và mạnh mẽ phản đối mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, VnExpress dẫn lời ông Đoàn Khắc Việt nói với báo chí.

Trước đó, tờ Guardian của Anh tuần trước đưa ra ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp hôm 16/9, cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn và hệ thống này sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc trong khu vực.

Tờ báo dẫn phân tích của Chatham House cho thấy Trung Quốc đang nâng cấp tiền đồn của mình trên Đảo Tri Tôn, góc tây nam của quần đảo Hoàng Sa, và xây dựng công trình có thể là điểm phóng cho một khẩu đội tên lửa chống hạm cũng như hệ thống radar tinh vi.

Tại cuộc họp báo ngày 31/10, đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền” bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.


***********

Lụt lội: Tây Ban Nha để quốc tang cho gần 100 nạn nhân

Ngày 31/10/2024, Tây Ban Nha bắt đầu quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân « trận lụt thế kỷ » trong đêm 29-30/10 : 95 người thiệt mạng và rất nhiều người mất tích, chủ yếu ở vùng Valencia, đông nam Tây Ban Nha. Công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp diễn. Thủ tướng Pedro Sánchez đã tới Valencia và thông báo hỗ trợ khẩn cấp 250 triệu euro.

Người dân đang dọn dẹp đường phố, các xe bị nước cuốn nằm ngổn ngang, Valencia, Tây Ban Nha, ngày 30/10/2024.
Người dân đang dọn dẹp đường phố, các xe bị nước cuốn nằm ngổn ngang, Valencia, Tây Ban Nha, ngày 30/10/2024. © AP - Alberto Saiz
Quảng cáo

Bộ trưởng Chính sách Địa phương, Ángel Víctor Torres, lo ngại là số người chết « sẽ còn tăng lên », vì vẫn còn « rất nhiều người mất tích » trong khi mưa lớn vẫn tiếp diễn ở vùng Valencia sáng 31/10, buộc cơ quan khí tượng Tây Ban Nha (Aemet) ban hành « báo động đỏ » ở tỉnh Castellon. Còn bộ trưởng Quốc Phòng Margarita Robles nhấn mạnh « ưu tiên hiện nay là tìm kiếm những người mất tích ».

Theo cơ quan Aemet, lượng nước mưa nhiều tương đương 300l/m2 trong đêm 29-30/10 ở nhiều thành phố ở vùng Valencia, với đỉnh điểm là 491l/m2 (49,1 cm). Truyền thông Tây Ban Nha chất vấn trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Thông tín viên RFI François Musseau tại Madrid tường trình :

« Trận lụt lội này chính thức được coi là thảm họa quốc gia. Thủ tướng Pedro Sánchez đã ban hành ba ngày quốc tang. Ông cũng khẳng định là mọi phương tiện sẽ được triển khai để « phục hồi sau thảm kịch này ».

Một nghìn quân nhân thuộc lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm người mất tích ở trong vùng. Cùng lúc, hàng nghìn người cũng đi tìm xe ô tô của họ. Theo thẩm định, có ít nhất 5.000 chiếc xe, cũng như nhiều tòa nhà, cầu đường, đã bị phá hỏng trong cơn bão mạnh kinh hoàng. Những tuyến tàu nhanh giữa Valencia và Madrid cũng phải ngừng hoạt động, hai tuyến đường cao tốc bị chia cắt vì vẫn ngổn ngang xe tải bị lật.

Tình hình hiện nay không ngăn được tranh cãi ngày càng gay gắt giữa chính phủ Xã Hội và chính quyền cấp vùng thuộc cánh hữu. Chính quyền cấp vùng dường như đã không nghe thấy những cảnh báo của cơ quan khí tượng quốc gia và 8 tiếng sau mới thông báo cho người dân Valencia, khi những trận mưa như trút nước đã đổ xuống và đã có nhiều nạn nhân ».


**********

Kremlin từ chối bình luận khi được hỏi liệu Nga đang giúp Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa


Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng chụp ảnh trong một lễ ký kết đối tác mới ở Bình Nhưỡng hôm 19/6/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng chụp ảnh trong một lễ ký kết đối tác mới ở Bình Nhưỡng hôm 19/6/2024.

Điện Kremlin hôm 31/10 đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu Nga có đang giúp Triều Tiên phát triển tên lửa và công nghệ quân sự khác hay không sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên cho biết họ đã thử tên lửa hôm 31/10, nâng cấp thứ mà họ gọi là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới", trong khi Seoul cảnh báo Bình Nhưỡng có thể lấy công nghệ tên lửa từ Nga để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine.

Hoa Kỳ và NATO cho biết một số binh lính Triều Tiên đang ở khu vực Kursk, một khu vực biên giới của Nga mà lực lượng Ukraine đã tấn công vào tháng 8 và nơi họ vẫn tiếp tục chiếm giữ lãnh thổ. Lầu Năm Góc hôm 29/10 nói rằng có thêm một vài nghìn binh lính Triều Tiên đang tiến đến đó.

Moscow không phủ nhận cũng không xác nhận trực tiếp sự hiện diện của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ của mình, với việc Tổng thống Vladimir Putin nói rằng việc Nga có quyết định sử dụng quân đội Triều Tiên hay không là việc của Nga.

Khi được hỏi trong một cuộc họp trực tuyến hôm 31/10 về việc liệu Moscow có giúp Triều Tiên về tên lửa hay công nghệ quân sự khác hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên: "Tôi không có thông tin đó, đó là thông tin chuyên ngành và các bạn nên hỏi Bộ Quốc phòng".

Ông Peskov đã đề cập đến tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm điều khoản phòng thủ chung, được ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Nga vào tháng 6.

"Một lần nữa, tôi chỉ có thể nhắc lại rằng chúng tôi vẫn cam kết với hiệp ước mà chúng tôi đã ký, chúng tôi vẫn cam kết vì lợi ích của mình để phát triển quan hệ với nước láng giềng trong mọi lĩnh vực và điều này không nên khiến bất kỳ ai lo lắng và bận tâm", ông Peskov nói.

"Nga và CHDCND Triều Tiên (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) có quyền phát triển quan hệ với tư cách là các quốc gia láng giềng".

Hôm 30/10, Nga cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đang trên đường đến Moscow để tham vấn chiến lược với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, đây là chuyến thăm thứ hai của bà tới Nga trong sáu tuần.


***********

Ukraine công bố tên các vị tướng cầm quân của Triều Tiên ở Nga


Hình ảnh trích xuất từ video do hãng tin KRT của Triều Tiên công bố cho thấy quân đội Triều Tiên đứng trào trong một lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng vào ngày 8/2/2018.
Hình ảnh trích xuất từ video do hãng tin KRT của Triều Tiên công bố cho thấy quân đội Triều Tiên đứng trào trong một lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng vào ngày 8/2/2018.

Chính phủ Ukraine đã nêu tên 3 vị tướng Triều Tiên mà họ cho là cùng hàng nghìn binh lính của Quân đội Nhân dân Triều Tiên đến Nga để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Trong một tuyên bố gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 30/10, phái đoàn Ukraine cho biết ba vị tướng này nằm trong số ít nhất 500 sĩ quan Triều Tiên được cử tới Nga.

Theo tuyên bố, các kế hoạch kêu gọi quân đội Triều Tiên lập thành ít nhất năm đội hình, mỗi đội có 2.000-3.000 quân và được tích hợp vào các đơn vị của Nga để che giấu sự hiện diện của họ.

Nga không phủ nhận sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong cuộc chiến mà họ đã tiến hành ở Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022.

Sau lần phủ nhận ban đầu, Triều Tiên cũng đã bênh vực cho ý tưởng triển khai quân đội là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại cùng cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đặc phái viên Nga Vassily Nebenzia cho biết tương tác quân sự của Nga với Triều Tiên không vi phạm luật pháp quốc tế và Moscow có quyền tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác của mình.

Ukraine đã đưa ra tên của Thượng tướng Kim Yong Bok, một vị tướng cấp cao chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, bao gồm Quân đoàn XI, còn được gọi là Quân đoàn Bão táp, mà cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết đã được phái đến Nga.

Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết vai trò của vị thượng tướng này dường như lớn hơn, điều hành Cục Hướng dẫn Huấn luyện Bộ binh Nhẹ KPA bao gồm Quân đoàn XI và các đơn vị bộ binh nhẹ được triển khai đến các đơn vị quân đoàn KPA và được điều động đến các nhiệm vụ đặc biệt cho Tổng cục Trinh sát, là cơ quan gián điệp chính của Triều Tiên.

Ông Kim đã xuất hiện tại 7 sự kiện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong năm nay, bao gồm các cuộc tập trận của lực lượng đặc biệt.

"Đây là một đợt triển khai lớn và gần như chưa từng có đối với KPA", ông Madden nói và cho rằng vị tướng này đang ở Nga với tư cách là đại diện của Kim Jong Un.

"Như vậy, có một số nhiệm vụ hành chính và liên lạc nên Kim Jong Un đã cử Kim Yong Bok đến làm người ra quyết định ủy nhiệm cho đến khi sự hiện diện của đơn vị KPA được củng cố hoàn toàn."

Theo ông Madden, Kim Yong Bok cuối cùng có thể chuyển giao quyền chỉ huy cho một sĩ quan KPA cấp dưới có cấp bậc Đại tá hoặc Thiếu tướng.

Các sĩ quan cấp cao khác được Ukraine xác định bao gồm Đại tá Ri Chang Ho, Phó Tổng tham mưu trưởng, người đứng đầu Tổng cục Trinh sát, và Thiếu tướng Sin Kum Cheol, Trưởng ban Tổng cục Tác chiến Chính.

Là người đứng đầu cơ quan tình báo chính của Triều Tiên kể từ khoảng năm 2022, ông Ri đã bị Hàn Quốc trừng phạt. Seoul cáo buộc ông giám sát các nỗ lực tấn công mạng lớn nhằm đánh cắp công nghệ và ngoại tệ.

Giống như Kim Yong Bok, ông Ri cũng tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến một số lượng lớn các sự kiện bất thường trong năm nay, bao gồm cả việc thị sát một căn cứ hải quân bờ biển phía đông.

Ông Madden cho biết sự nghiệp của ông Sin vẫn chưa rõ ràng, nhưng với cấp bậc một sao của mình, ông có khả năng sẽ nắm quyền chỉ huy quân đội Triều Tiên tại Nga sau khi Kim Yong Bok và Ri Chang Ho rời đi.


**********

CPJ, RSF, HRW lên tiếng bênh vực ông Đường Văn Thái


CPJ kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái.
CPJ kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái.

Các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả, Phóng viên Không Biên giới và Theo dõi Nhân quyền vừa lên án bản án “khắc nghiệt” đối với blogger Đường Văn Thái, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho ông.

“Việc Việt Nam tuyên án khắc nghiệt đối với blogger Đường Văn Thái là lố bịch và gây phẫn nộ, đặc biệt trong bối cảnh có cáo buộc ông bị bắt cóc ở Thái Lan và cưỡng bức đưa về Việt Nam, bị khởi tố oan”, ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao tại khu vực Đông Nam Á của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), tổ chức có trụ sở tại New York, Mỹ, nói trong thông cáo báo chí ngày 31/10.

“Người phạm tội thực sự trong trường hợp này chính là nhà nước Việt Nam. Ông Thái cần được trả tự do ngay lập tức và được phép rời khỏi Việt Nam”, ông Crispin nhấn mạnh.

Hơn một năm sau khi nhà báo, blogger Đường Văn Thái được cho là bị bắt cóc ở Thái Lan, chính quyền Việt Nam hôm 30/10 đã kết án ông 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) “kinh hoàng” trước bản án “quá đáng” này và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông, RSF có trụ sở tại Paris, Pháp, nói trong thông cáo hôm 31/10.

Ông Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.
XEM THÊM:

Văn Bút Mỹ, giới hoạt động lên án phiên tòa xử ông Đường Văn Thái

“Qua việc bắt cóc ông Đường Văn Thái, một nhà báo đưa tin về nạn tham nhũng của nhà nước và bị tuyên một bản án tù cực kỳ nặng nề, chế độ Việt Nam cho thấy mức độ coi thường quyền tự do báo chí của họ”, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nói trong thông cáo.

“Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Hà Nội để bảo đảm trả tự do cho ông cũng như trả tự do cho 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác hiện đang bị giam cầm tại Việt Nam”, ông Alviani kêu gọi.

Trước đó, hôm 30/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ, kêu gọi chính quyền Việt Nam nên hủy bỏ “bản án có động cơ chính trị” đối với ông Thái và trả tự do cho ông ngay lập tức.

Bà Patricia Gossman, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW, nhận xét: “Ông Đường Văn Thái trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị chính phủ đàn áp. Các chính phủ nên nhận ra vụ bắt cóc ấy và phiên xét xử giả hiệu đối với nhà hoạt động dân chủ này là ví dụ mới nhất về hành vi mang tính côn đồ coi thường luật pháp quốc tế và quyền công dân của chính phủ Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ bình luận về các thông cáo nêu trên của CPJ, RSF và HRW.

Như VOA đã đưa tin, hôm 30/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 12 năm tù và 3 năm quản chế đối ông Đường Văn Thái về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” quy định trong Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Theo HRW, hồi năm 2019, ông Thái trốn sang Thái Lan bởi nỗi lo sợ bị đàn áp vì các hoạt động báo chí và được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn tại Bangkok cấp quy chế tị nạn.

Theo giới hoạt động tại Thái Lan, trong khi ông Thái đang chờ định cư ở nước thứ ba vào tháng 4/2023, ông bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Ba tháng sau, chính quyền Việt Nam chính thức khởi tố ông theo Điều 117.

Chính quyền Việt Nam lâu nay bác bỏ cáo buộc cho rằng họ vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, mặc dù CPJ và RSF liên tục xếp nhà nước cộng sản này vào nhóm thấp nhất thế giới về tự do báo chí.

Việt Nam là nước giam cầm nhà báo nhiều thứ 5 trên thế giới, với ít nhất 19 nhà báo đang ngồi tù tính đến ngày 1/12/2023, theo dữ liệu mới nhất của CPJ.

Trong bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí 2024 của RSF, Việt Nam đứng thứ 174 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp cuối bảng, đồng thời nằm trong số những quốc gia giam cầm nhà báo tồi tệ nhất thế giới.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20244:25 SA
Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20244:08 SA
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20243:19 SA
Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Năm, 05 Tháng Mười Hai 20244:18 SA
Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo