Tin Tức ngày 31 - 10 -2024:

Thứ Năm, 31 Tháng Mười 20246:53 SA(Xem: 705)
Tin Tức ngày 31 - 10 -2024:
HoaLuc 5**********

Lính Bắc Triều Tiên có thay đổi được chiến trường Ukraina ?

Thụy My

La Croix ngày 30/10/2024 đặt câu hỏi : Việc Bắc Triều Tiên gởi quân sang tiếp ứng Nga sẽ có tác động như thế nào ?

Bình Nhưỡng có thể gởi thêm nhiều lính sang cho Putin

Theo nhà sử học, cựu đại tá thủy quân lục chiến Michel Goya, không nên nghĩ Bắc Triều Tiên là đất nước bị cắt rời khỏi thế giới. Trong quá khứ, nhiều ngàn lính của họ đã chiến đấu ở Angola, phi công Bắc Triều Tiên can dự vào Cận Đông. Điểm mới ở đây là lần đầu sang châu Âu, và với số lượng đông đảo. Người ta cho rằng có thể lên đến 12.000 quân.

Đã có gần nửa triệu lính Nga ở Ukraina, nên con số này không thể làm thay đổi cuộc chiến. Nhưng có thể đây chỉ mới là khởi đầu, sau này có thể tăng lên 50.000 hay 100.000 lính Bắc Triều Tiên tại Ukraina, thậm chí vô hạn định. Bắc Triều Tiên là một Nhà nước trại lính : 26 triệu dân nhưng có đến 1,2 triệu lính, chưa kể nhiều triệu quân dự bị. Dù không có kinh nghiệm chiến đấu, họ được huấn luyện đầy đủ và rất phục tùng. Cần nhớ rằng nghĩa vụ quân sự ở Bắc Triều Tiên kéo dài đến 10 năm.

Hiện thời đội quân này vẫn chưa ra mặt trận. Có thể họ chỉ đóng tại một vùng tương đối yên dọc theo biên giới, nhưng nhờ đó Nga huy động được thêm số lính trấn giữ tại đây ra tiền tuyến. Vẫn chưa biết họ phục vụ dưới lá cờ Bắc Triều Tiên hay với danh nghĩa « quân tình nguyện » trong quân đội Nga, là lực lượng riêng, hay chia nhỏ từng tiểu đoàn trong các đơn vị Nga. Matxcơva còn phải giải quyết vấn đề phối hợp, hậu cần, thông tin ; nhưng điều thuận lợi là vũ khí của Bắc Triều Tiên và Nga đều theo tiêu chuẩn Liên Xô.

Dấu hiệu leo thang nhằm trắc nghiệm phương Tây

Đối với ông Michel Duclos của Viện Montaigne, liên minh quân sự này là dấu hiệu leo thang. Những người cho rằng không đáng kể vì đã quên mất khía cạnh lợi ích chính trị của Putin là không cần phải ra lệnh động viên thêm quân. Chuyên gia này cũng đánh giá số lượng 10.000 tới 12.000 lính Bắc Triều Tiên chỉ là khởi đầu, vì Bình Nhưỡng hết sức cần tiền.

Việc gởi quân hẳn đã có sự đồng ý của Trung Quốc, tuy Bắc Kinh có phần nghi ngại. Đang dòm ngó Đài Loan, Trung Quốc không thể quay lưng lại với dầu khí Nga, lẫn các đối tác BRICS, vì một ngày nào đó có thể cần đến khi bị Mỹ trừng phạt. Liệu Iran có đi theo con đường của Bắc Triều Tiên ? Câu hỏi vẫn để ngỏ.

Liên minh giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva là một trắc nghiệm cho phương Tây, trước hết là Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón chủ mới của Nhà Trắng. Chuyên gia Duclos cho rằng Mỹ sẽ không phản ứng mạnh trước việc Bắc Triều Tiên gởi quân sang, nhưng ngược lại đây là dịp để đồng ý cho Kiev sử dụng hỏa tiễn tầm xa, và xúc tiến đề nghị của tổng thống Emmanuel Macronđưa cố vấn sang Ukraina. Ý kiến của ông được đưa ra vào thời điểm không phù hợp, nhưng về lâu về dài rất đáng quan tâm.

Gruzia : Đối lập tìm chiến lược đối phó

Trong khi đó tại Moldova và Gruzia, Nga đi những nước cờ để dần dà cố gắng thu phục lại những quốc gia thuộc Liên Xô cũ vào vòng ảnh hưởng của mình. Phóng sự của Le Monde ở Tbilissi, thủ đô Gruzia ghi nhận, liên minh đối lập thân châu Âu tố cáo bầu cử gian lận, đòi tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới và từ chối tham gia Quốc Hội. Tối thứ Hai, người dân Tbilissi xuống đường đông đảo, đi cả gia đình hay với bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng, có khi dẫn theo cả chó.

Đến mấy chục ngàn người đã đáp lời kêu gọi của tổng thống Salomé Zourabichvili, mang theo cờ Gruzia và Liên Hiệp Châu Âu, biểu tình phản đối kết quả bầu cử hôm 26/10 mà theo họ bị bàn tay của Matxcơva nhào nặn. Bà Zourabichvili tuyên bố trước đám đông, họ không thất bại mà cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. « Những ngày gần đây, tôi trả lời 17 cuộc phỏng vấn và nói chuyện với 6 tổng thống, không ai nhìn nhận kết quả bầu cử ».

Đối lập nhấn mạnh việc người của đảng Giấc mơ Gruzia tỏa ra mua gom ồ ạt thẻ căn cước. Cử tri giao thẻ trong thời gian bầu cử với giá 100 lari (34 euro), sau đó người khác đi bỏ phiếu « giùm ». Transparency International Géorgie nêu ra cả một chiến lược gian lận quy mô nhưng khó có cách chứng minh. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đến Tbilissi ủng hộ đảng cầm quyền, nhưng không gặp may : khách sạn ông ở chỉ cách địa điểm biểu tình có 200 mét. Đoàn xe sáu chiếc của ông phải vất vả mới đi qua được, trong những tiếng hô « Nga ! Nga ! », « Putin, đồ ngu xuẩn ! »

Iran thận trọng, không lớn tiếng sau khi bị Israel oanh kích

Tại Trung Đông, Le Figaro ghi nhận sự thận trọng của Iran sau khi bị Israel tấn công. Tuy khẳng định có quyền trả đũa,  Teheran tránh dùng những từ ngữ quá hiếu chiến. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Iran-Irak (1980-1988), hỏa tiễn đánh vào sát bên thủ đô Teheran. Đây là thông điệp của Israel thông qua vụ tấn công bằng cả trăm chiến đấu cơ F-15 và F-35, vào khoảng hai chục địa điểm quân sự trên cả nước Iran, làm thiệt mạng bốn quân nhân và một thường dân, nhưng không nhắm vào các cơ sở nguyên tử và dầu lửa.

Giáo chủ Ali Khamenei 24 giờ sau mới nói rằng « Những người có trách nhiệm sẽ quyết định cách tốt nhất để chứng tỏ sức mạnh của Iran trước Israel ». Dù Hossein Salami, người đứng đầu Vệ binh Cách mạng cảnh báo « hậu quả đắng cay » cho Nhà nước Do Thái, nhưng một ngoại trưởng nhớ lại vào tháng Chín, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, đại diện Iran tuyên bố nếu Israel tiến vào đất Liban thì sẽ gởi quân sang Beyrouth. Ba ngày sau, Israel ám sát Nasrallah nhưng Teheran vẫn không hề động binh. Chuyên gia Hamidreza Azizi ở Berlin cho rằng khó có việc Iran đáp trả trực tiếp trước bầu cử tổng thống Mỹ.

Trước mắt Force Al-Qods, nhánh vũ trang của Vệ binh Cách mạng ở nước ngoài, phải lo cơ cấu lại Hezbollah, đồng minh đã bị Israel đánh cho tơi tả. Hệ thống phòng không Iran đã bị thiệt hại « 70 % đến 90 % » - theo Benjamin Netanyahou - việc sửa chữa còn tùy thuộc tốc độ cung cấp thiết bị của Nga và Trung Quốc. Bà Nicole Grajewski của Fondation Carnegie ở Washington nhận định Teheran chọn giải pháp ngoại giao để cho Hezbollah có thời gian hồi phục. Một cố vấn của giáo chủ Khamenei nói với Financial Times, Iran sẵn sàng hợp tác với phương Tây.

Quốc tế phản ứng việc Israel cấm UNRWA

Liên quan đến Israel, Le Figaro cho biết việc Quốc Hội nước này cấm UNRWA hoạt động « khiến quốc tế phẫn nộ », Le Monde coi đây là đòn« tấn công vào Liên Hiệp Quốc », đối với La Croix « vi phạm luật pháp quốc tế ». Quốc Hội Israel với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống đã thông qua luật cấm UNRWA trên lãnh thổ Israel, và 87 thuận, 9 chống đối với dự luật nhằm hạn chế hoạt động của tổ chức này tại Gaza và Cisjordanie. Không chỉ các dân biểu thuộc đảng cầm quyền, mà hầu như toàn bộ đối lập cánh trung đều đồng tình.

Le Monde nhận thấy, Knesset (Quốc Hội Israel) chỉ mất có hai tiếng đồng hồ đã gần như nhất trí thông qua hai dự luật trên. Nhưng đây là động thái có ảnh hưởng lớn, vừa ngăn trở hoạt động của một cơ quan Liên Hiệp Quốc, vừa tai hại cho viện trợ nhân đạo tại Gaza và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và rộng hơn là tương lai của cư dân của các vùng đất này, kể cả Cisjordanie và Đông Jerusalem.

Dân biểu Boaz Bismuth của đảng Likoud tố cáo « UNRWA không phải là cơ quan trợ giúp người tị nạn mà là cơ quan trợ giúp cho Hamas », nêu ra sự kiện 20 nhân viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc này tham gia vụ thảm sát ngày 07/10. Được biết sau đó UNRWA nói rằng chỉ có 9 nhân viên « có thể đã liên can », đồng thời sa thải những người này. Hai đạo luật trên sẽ được áp dụng trong 90 ngày tới. Thủ tướng Benjamin Netanyahou viết trên X, sẵn sàng làm việc với các đối tác quốc tế để « bảo đảm rằng Israel tiếp tục tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo đến với thường dân Gaza theo cách thức không đe dọa đến an ninh » của Nhà nước Do Thái.

La Croix tóm tắt, được thành lập năm 1949, hiện UNRWA có 30.000 nhân viên, quản lý 58 trại tị nạn với gần 5 triệu người Palestine ở Gaza, Cisjordanie, Jordanie, Syria, Liban. Cơ quan này có 684 trường học miễn phí. Theo Lara Friedman, chủ tịch Quỹ vì hòa bình Trung Đông, vấn đề là quyền trở về của người tị nạn. Và theo tiến sĩ Insaf Rezagui của Ifpo, nếu người tị nạn quay về thì người Do Thái không còn chiếm đa số ở Israel, đây là việc vi phạm dần dà luật pháp quốc tế. Đã có 7 đồng mình của Israel trong đó có Anh, Pháp, Đức kêu gọi ngưng áp dụng hai luật trên, vì « hậu quả tệ hại » cho Cisjordanie và Gaza.

Muốn vực dậy kinh tế, nhưng Tập Cận Bình không quan tâm đến người tiêu thụ

Tại châu Á, Le Monde ghi nhận « Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nền kinh tế ». Từ nhiều tuần qua, Bắc Kinh tỏ dấu hiệu cho thấy đang chuẩn bị một kế hoạch vực dậy nền kinh tế, thứ trưởng tài chánh Liao Min sang Washington dự họp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Quy mô vẫn chưa rõ, và những lãnh vực nào sẽ được chú ý nhất vẫn chưa được tiết lộ, nhưng điều rõ ràng nhất là Trung Quốc khó thể đạt nổi chỉ tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi mọi ngành có những biện pháp cần thiết. Ngân hàng trung ương giảm lãi suất chỉ đạo, hỗ trợ thị trường chứng khoán sau khi đưa ra chương trình thúc đẩy địa ốc hồi tháng Năm, phát hành trái phiếu để giúp các thành phố đang nợ nần. Trong danh sách một loạt biện pháp vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng : người tiêu thụ.

Tập Cận Bình thường xuyên nói rằng khoa học và công nghệ là « xương sống » cho sự tiến bộ của Trung Quốc, nhất là đối với Hoa Kỳ. Ông Tập cũng nhấn mạnh đến các lãnh vực tương lai – năng lượng mới, bình điện, chất bán dẫn - và sự quan trọng của khu vực nhà nước, nhưng không một lời cho tiêu thụ. Hoàng đế đỏ coi người dân Hoa lục là những cỗ máy lao động nhưng không có quyền phàn nàn.

Tại Hoa Kỳ, tiêu thụ chiếm 68 % GDP, tại Đức gần 53 %, nhưng ở Trung Quốc chỉ có 39 %. Tăng cường phúc lợi xã hội sẽ thuyết phục được người dân Hoa lục chi ra nhiều hơn là tiết kiệm. Nhưng quan điểm này không phù hợp với một chế độ độc tài, khu vực nhà nước chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Tập Cận Bình không quan tâm đến người tiêu thụ trong cái nhìn rất « đỏ » của ông ta. Thực tế là kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống, khiến cư dân càng lo sợ cho ngày mai. Liệu nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ nửa thế kỷ qua có nhận ra điều này để thích ứng ?


***********

Mỹ, Hàn Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên rút quân khỏi Nga

 Mỹ và Hàn Quốc đã kêu gọi Bình Nhưỡng « rút hết lực lượng khỏi Nga ». Theo AFP, lời kêu gọi được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nêu lên trong buổi họp báo với đồng nhiệm Hàn Quốc ngày 30/10 tại Lầu Năm Góc. Đối với bộ trưởng Kim Yong Hyun, việc lính Bắc Triều Tiên được triển khai ở Nga « làm gia tăng các mối đe dọa cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên ».

Ảnh do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải ngày 06/10/2024 : Một buổi huấn luyện bắn đạn thật tại Học viện Pháo binh O Jin U, Bắc Triều Tiên.
Ảnh do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên đăng tải ngày 06/10/2024 : Một buổi huấn luyện bắn đạn thật tại Học viện Pháo binh O Jin U, Bắc Triều Tiên. via REUTERS - KCNA
Quảng cáo

Còn bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Washington « sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác để khiến Nga không đưa những lực lượng này ra chiến trường ». Ông nhấn mạnh quân đội Ukraina có quyền tự vệ « nếu lính Bắc Triều Tiên chiến đấu với quân Nga, trở thành một bên tham chiến và như vậy có nguy cơ bị chết hoặc bị thương ». Trước đó, ngày 29/10, bộ Quốc Phòng Mỹ chính thức xác nhận « một số ít » lính Bắc Triều Tiên đã có mặt ở vùng Koursk của Nga, sát biên giới với Ukraina.

Theo chính quyền Kiev, khoảng 4.500 lính Bắc Triều Tiên sẽ được triển khai đến biên giới Nga-Ukraina trong tuần này và có thể tham chiến ngay từ đầu tháng 11/2024. Trong cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An ngày 30/10, đại sứ thường trực của Ukraina Sergiy Kyslytsya tái khẳng định có đến 12.000 lính Bắc Triều Tiên đang được huấn luyện trong 5 căn cứ ở miền đông Nga, trong đó có ít nhất 500 sĩ quan và 3 tướng của bộ tổng tham mưu. Đại sứ Ukraina, còn cho biết lính Bắc Triều Tiên được cấp giấy tờ tùy thân Nga để « che giấu sự hiện diện ». Họ sẽ mặc quân phục Nga, sử dụng vũ khí hạng nhẹ và được đưa vào biên chế của các đơn vị gồm người thiểu số gốc Á, trong đó có người Buryat.

Cũng tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, đại sứ Mỹ Robert Wood cảnh cáo nếu lính Bắc Triều Tiên thâm nhập vào lãnh thổ Ukraina, « chắc chắn họ sẽ trở về trong túi đựng xác ». Ông cũng « khuyên chủ tịch Kim Jong Un nên suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện hành vi liều lĩnh và nguy hiểm như vậy ».

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassili Nebenzia xem những cáo buộc nói trên của phương Tây là « những lời dối trá hổ thẹn », đồng thời đổ cho Mỹ và Anh đã đạt đến đỉnh cao « bóp méo thông tin ». Ông khẳng định hợp tác về quân sự và những lĩnh vực khác giữa Nga và Bắc Triều Tiên hoàn toàn « phù hợp với luật pháp quốc tế »« không đe dọa bất kỳ ai ».

Về phần Bắc Triều Tiên, đại sứ Kim Song tỏ ra cứng rắn hơn, khẳng định Bình Nhưỡng sẵn sàng hành động nếu « chủ quyền và lợi ích an ninh » của Nga bị đe dọa. Một trong những dấu hiệu cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng với Matxcơva là nhà lãnh đạo Kim Jong Un cử tướng ba sao Kim Yong Bok, chỉ huy lực lượng đặc công, sang Nga. Theo nhật báo Pháp La Croix, ông là cố vấn quân sự thân cận nhất của Kim Jong Un và là một người trung thành lâu năm với gia tộc họ Kim.


*******

Quan chức Indonesia nói nước này sẽ phản ứng thích đáng với các sự cố ở Biển Đông


Hình ảnh do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) công bố cho thấy một thành viên của Cơ quan An ninh Hàng hải theo dõi chuyển động của một tàu tuần duyên Trung Quốc trên vùng biển Bắc Natuna thuộc khu vực tranh chấp Biển Đông, Indonesia, ngày 24/10/2024.
Hình ảnh do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) công bố cho thấy một thành viên của Cơ quan An ninh Hàng hải theo dõi chuyển động của một tàu tuần duyên Trung Quốc trên vùng biển Bắc Natuna thuộc khu vực tranh chấp Biển Đông, Indonesia, ngày 24/10/2024.

Quan điểm của Indonesia về Biển Đông vẫn không thay đổi và họ sẽ phản ứng thích đáng để bảo vệ lãnh thổ của mình, một quan chức cho biết hôm 31/10, sau khi một tàu tuần duyên Trung Quốc làm gián đoạn cuộc khảo sát của công ty năng lượng nhà nước Jakarta.

Tuần trước, Indonesia cho biết họ đã xua đuổi tàu tuần duyên Trung Quốc ba lần chỉ trong vài ngày sau khi sự hiện diện của tàu này ở vùng biển cách Trung Quốc đại lục hơn 1.500 km làm gián đoạn cuộc khảo sát của một tàu do Pertamina thuê.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết toàn bộ Biển Đông, điều mà họ khẳng định thông qua một đội tàu tuần duyên, một số trong số đó bị các nước láng giềng cáo buộc có hành vi hung hăng và cố gắng phá hoại các hoạt động năng lượng và nghề cá.

"Về vấn đề Biển Đông, chính phủ Indonesia không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ làm những gì phù hợp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Roy Soemirat phát biểu tại một cuộc họp báo khi được hỏi liệu việc đẩy lùi tàu Trung Quốc có phải là dấu hiệu cho thấy Tổng thống mới Prabowo Subianto sẽ quyết đoán hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia hay không.

"Chúng tôi đang tìm kiếm sự xác nhận và trao đổi thông tin. Động thái trên thực địa sẽ liên quan đến rất nhiều bên", ông nói.

Trong khi các tàu tuần duyên Trung Quốc đã nhiều lần bị phát hiện nán lại trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, thì vụ việc gần đây nhất xảy ra chỉ vài ngày sau khi ông Prabowo nhậm chức.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lực lượng tuần duyên của họ thực hiện hoạt động tuần tra thường lệ "trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc" và họ sẵn sàng hợp tác với Indonesia để xử lý đúng đắn các vụ việc.

Trung Quốc thường nói rằng lực lượng tuần duyên của họ hoạt động hợp pháp và chuyên nghiệp để ngăn chặn các hành vi xâm phạm vùng biển của mình.

Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một phán quyết mà Bắc Kinh không công nhận.

Trong khi Bắc Kinh thường xuyên xung đột với Philippines ở Biển Đông và có xích mích với Việt Nam và Malaysia, thì căng thẳng với Indonesia lại rất hiếm.

Năm 2021, các tàu của Indonesia và Trung Quốc đã đeo bám nhau trong nhiều tháng gần một giàn khoan dầu ngầm đang thực hiện đánh giá giếng dầu ở Biển Natuna. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã thúc giục Indonesia ngừng khoan ở nơi vốn là lãnh thổ của mình.


**********

Lãnh đạo Triều Tiên: Vụ thử ICBM xa nhất là 'hành động quân sự phù hợp' chống lại kẻ thù


Bức ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 31/10/2024 cho thấy vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong một cuộc thử nghiệm do Cục quản lý tên lửa tiến hành tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên.
Bức ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 31/10/2024 cho thấy vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong một cuộc thử nghiệm do Cục quản lý tên lửa tiến hành tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên.

Triều Tiên cho biết họ đã thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm 31/10, nâng cấp thứ mà họ gọi là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới", trong khi Seoul cảnh báo Bình Nhưỡng có thể nhận công nghệ tên lửa từ Nga và đáp lại bằng việc hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói rằng vụ thử là lời cảnh báo đối với những kẻ thù đang đe dọa an ninh của đất nước ông.

"Vụ thử là hành động quân sự phù hợp, hoàn toàn đáp ứng mục đích thông báo cho các đối thủ, những kẻ cố tình leo thang tình hình khu vực và gần đây gây ra mối đe dọa đối với an ninh cho nước Cộng hòa của chúng ta, của ý chí phản công của chúng ta," KCNA trích lời ông Kim nói.

Việc phô trương sức mạnh diễn ra trong bối cảnh quốc tế lên án mạnh mẽ và báo động gia tăng về việc Hoa Kỳ và các nước khác cho rằng Triều Tiên triển khai 11.000 quân tới Nga – 3.000 trong số đó ở gần tiền tuyến phía tây với Ukraine.

Vụ phóng đã nhanh chóng bị Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ lên án.

Một ngày trước đó, Seoul đã trích dẫn thông tin tình báo quân sự cho rằng Triều Tiên có thể thử phóng ICBM hoặc tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 5/11, nhằm thu hút sự chú ý đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của nước này.

Shin Seung-ki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về quân đội Triều Tiên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc do nhà nước điều hành, cho biết vụ phóng này có khả năng là để thử nghiệm hiệu suất tăng cường được cải thiện của ICBM hiện có – có thể là với sự giúp đỡ của Nga.

"Triều Tiên sẽ muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ như thế này, vì nó tiết kiệm thời gian và chi phí trong khi cải thiện hiệu suất và nâng cấp tính ổn định của hệ thống vũ khí", ông nói.

Ông Shin cho biết đây cũng có thể là phản ứng của Bình Nhưỡng trước áp lực về mối quan hệ với Nga.

"Mục đích có thể là để chứng tỏ rằng họ sẽ không khuất phục trước áp lực, rằng họ sẽ đáp trả sức mạnh bằng sức mạnh và cũng để tìm kiếm một số ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ".

Kỷ lục mới

Vụ phóng vào sáng sớm ngày 31/10 là vụ thử tên lửa đạn đạo bay xa nhất của Triều Tiên với thời gian bay là 87 phút, theo Hàn Quốc.

KCNA cho biết cuộc thử nghiệm đã lập kỷ lục mới về khả năng tên lửa của nước này.

Tên lửa cất cánh theo quỹ đạo cao đột ngột từ một khu vực gần thủ đô của Triều Tiên và rơi xuống cách đảo Okushiri của Nhật Bản khoảng 200 km về phía tây, ngoài khơi Hokkaido.

Theo chính phủ Nhật Bản, tên lửa đạt độ cao 7.000 km và bay được quãng đường 1.000 km.

Cái gọi là quỹ đạo cao đột ngột của một quả đạn bay theo góc nâng đột ngột nhằm mục đích thử lực đẩy và độ ổn định của nó trên những khoảng cách ngắn hơn nhiều so với tầm bắn được thiết kế, một phần vì lý do an toàn và tránh hậu quả chính trị khi phóng tên lửa vào sâu trong Thái Bình Dương.

ICBM trước đó của Triều Tiên, có tên Hwasong-18, đã được thử nghiệm vào tháng 12/2023. Hoạt động bằng nhiên liệu rắn và được phóng từ một xe phóng, tên lửa cũng được phóng theo góc nâng đột ngột và bay trong 73 phút, tương đương với tầm bắn tiềm năng là 15.000 km theo quỹ đạo bình thường.

Đó là khoảng cách có thể đưa bất kỳ nơi nào trên đất liền của Mỹ vào tầm bắn.

Hàn Quốc đã công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu mới đối với các vật liệu mà Triều Tiên cần để sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn vào ngày 31/10.

Khi được hỏi về vụ phóng tên lửa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Trung Quốc "luôn tin rằng hòa bình và ổn định, cũng như thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên".

Vụ thử mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Yong-hyun gặp nhau tại Washington để lên án việc triển khai quân đội Triều Tiên tại Nga.

Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều không trực tiếp thừa nhận việc triển khai này, nhưng Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã đặt câu hỏi tại sao các đồng minh của nước này như Triều Tiên không thể giúp Moscow trong cuộc chiến chống lại Ukraine khi các nước phương Tây tuyên bố có quyền giúp Kyiv.

Hàn Quốc cho biết việc triển khai này đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước này vì Triều Tiên sẽ có được kinh nghiệm chiến đấu quý giá trong chiến tranh hiện đại và có khả năng sẽ được Moscow đền đáp bằng "chuyển giao công nghệ" trong các lĩnh vực như vũ khí hạt nhân chiến thuật, ICBM, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và vệ tinh trinh sát quân sự.


************

TIN TỔNG HỢP

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI
Quảng cáo

(AFP) – LHQ kêu gọi các nước phương Nam tìm các cách thức phát triển mới. Báo cáo mới của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), công bố hôm 29/10/2024, cho biết các nước phương Nam đối mặt với thách thức ngày càng tăng với tăng trưởng yếu, nợ cao và đầu tư yếu. Tình hình thêm tồi tệ trong bối cảnh tình trạng tăng trưởng thấp đã trở thành bình thường. Tránh dựa nhiều vào nguyên liệu, tận dụng xu thế chuyển đổi sang kinh tế xanh và kinh tế kỹ thuật số là những ưu tiên mà Liên Hiệp Quốc khuyến cáo.

(AFP) – Một số nhà ngoại giao phương Tây tham gia hoạt động tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị tại Matxcơva. Lễ tưởng niệm diễn ra hôm qua 29/10/2024, trên Quảng trường Lubyanka, trước trụ sở cơ quan an ninh FSB, hậu thân của KGB. Buổi lễ diễn ra hàng năm từ năm 2007, theo sáng kiến của Hiệp hội Tưởng niệm. Hoạt động bị cấm từ đại dịch Covid. Một số nhà hoạt động nhân quyền và một số công dân khác đã tham gia vào buổi tưởng nhớ này bất chấp việc tòa thị chính thủ đô Nga không cấp phép. 

(AFP) – Pháp:  Cựu thủ tướng Gabriel Attal ứng cử chức tổng thư ký đảng Phục hưng của tổng thống. Quyết định được cựu thủ tướng đưa ra hôm qua 29/10/2024, ít giờ sau khi bà Élisabeth Borne, cựu thủ tướng tiền nhiệm, thông báo quyết định không ứng cử vào chức vụ này.

(AFP) – Trái đất nóng lên gây ra ngày càng nhiều vấn đề sức khỏe trên khắp thế giới. Đó là kết luận của báo cáo thường niên được tạp chí khoa học của Anh Quốc Lancet công bố hôm nay 30/10/2024. Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến số ca tử vong tăng mạnh liên quan đến nhiệt độ cao, trong bối cảnh những vùng ôn đới như châu Âu phải hứng chịu nhiều đợt nắng nóng hơn trước.

(AFP) – Tàu điện ở Na Uy trật bánh và đâm vào cửa hàng. Vụ tai nạn xảy ra vào hôm qua 29/10/2024 tại một khu vực sầm uất ở thủ đô Oslo, khiến 4 người bị thương và gây hoảng loạn cho người qua đường. Cảnh sát cho biết tàu điện được giữ lại hiện trường cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.


********

Nga: Tổng thống Putin thị sát tập trận hạt nhân « răn đe chiến lược »

Quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến lược ngày hôm qua, 29/10/2024, dưới sự giám sát của tổng thống Vladimir Putin.

Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 02/02/2024:  Binh sĩ đang lắp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Iskander lên bệ phóng di động trong một cuộc tập trận diễn ra tại địa điểm bí mật ở Nga.
Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 02/02/2024: Binh sĩ đang lắp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Iskander lên bệ phóng di động trong một cuộc tập trận diễn ra tại địa điểm bí mật ở Nga. AP
Quảng cáo

Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Nga, được AFP trích dẫn, nội dung tập trận bao gồm « các cuộc bắn tên lửa đạn đạo và hành trình » với sự tham gia « của các lực lượng răn đe chiến lược trên bộ, trên biển và trên không ». Và cuộc tập trận đã « hoàn thành xuất sắc tất cả các mục tiêu », « tất cả các tên lửa đều bắn trúng đích ».

Theo AP, tập trận bao gồm bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars từ bán đảo Kamchatka và từ các tàu ngầm hạt nhân Novomoskovsk và Knyaz Oleg. Quân đội Nga cũng thực hiện các vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95 có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Phát biểu lúc mở màn cuộc tập trận, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, đối với Matxcơva, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là « một biện pháp bất thường », tuy nhiên « trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự trỗi dậy của các đe dọa và hiểm họa mới bên ngoài, điều quan trọng là phải có được các lực lượng chiến lược hiện đại và luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu ». Một nội dung chính của diễn tập là « để mô phỏng một cuộc tấn quy mô lớn, đáp trả một đòn tấn công hạt nhân của kẻ thù ».

Hồi tháng 5/2024, tổng thống Nga ra lệnh tổ chức « trong tương lai gần » nhiều cuộc tập trận hạt nhân, bao gồm các đơn vị đồn trú gần Ukraina, để sẵn sàng đáp trả « các đe dọa » từ phương Tây. Cuối tháng 9/2024, nguyên thủ Nga muốn điều chỉnh học thuyết về vũ khí hạt nhân, để sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này đáp trả một cuộc « tấn công phối hợp » của cường quốc hạt nhân hậu thuẫn một quốc gia phi hạt nhân.

Đây là một cảnh báo trực tiếp gửi đến Ukraina và các đồng minh phương Tây, nhằm răn đe ý định của Mỹ và các nước châu Âu cho phép Kiev dùng vũ khí phương Tây cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin nói rõ là một quyết định như vậy tương đương với việc các nước NATO trực tiếp tham chiến chống Nga. Chủ nhật 26/10, nguyên thủ Nga tuyên bố : « Tôi hy vọng họ đã hiểu điều này ».

Tháng 10/2023, tổng thống Nga từng thị sát một cuộc tập trận tên lửa đạn đạo mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa quy mô lớn.


*********

Mỹ lên tiếng về vụ không kích kinh hoàng làm 93 người thiệt mạng của Israel

Hoài Linh

không kích gaza - epa
Gaza bị tàn phá sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: EPA

Theo BBC và CNN, Liên Hợp Quốc cho biết, đó là một trong những vụ tấn công chết chóc nhất ở Gaza của Israel trong gần 3 tháng. Trong khi đó, quân đội Israel cho biết, họ đang cố gắng tìm hiểu xem tại sao lại có nhiều người ở khu vực bị không kích như vậy. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hoạt động ở bắc Gaza trong suốt 2 tuần qua, đặc biệt là các khu vực Jabalia, Beit Lahia và Beit Hanoun. 

Các nhân viên cứu hộ cho hay, vụ không kích hôm 29/10 của Israel nhằm vào một tòa nhà dân cư 5 tầng. Các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, các thi thể được phủ chăn nằm trên sàn đất. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói: "Mỹ rất quan ngại về những thương vong trong vụ việc trên. Đây là vụ việc kinh hoàng với hậu quả kinh hoàng". Quan chức này chỉ ra báo cáo về khoảng hai chục trẻ em thiệt mạng trong vụ không kích của Israel. "Cái giá bi thảm mà dân thường phải gánh chịu trong vụ tấn công mới nhất của Israel là một lời nhắc nhở nữa về lý do tại sao chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến này".

Israel cho biết các hoạt động của họ ở phía bắc Gaza được thiết kế để ngăn Hamas tập hợp lại và cáo buộc các thành viên của nhóm quân này trà trộn vào dân thường. 

Người phát ngôn của IDF, ông David Avraham cho biết, quân đội Israel đang cố gắng tìm hiểu tại sao lại có nhiều người ở tòa nhà trên vào thời điểm xảy ra cuộc không kích, đồng thời cho biết dân thường đã được lệnh sơ tán "vài tuần trước". Ông Avraham cho biết, lực lượng Israel đã tấn công một nghi phạm khủng bố mà họ phát hiện trong khu vực và không có ý định làm sập tòa nhà.


**********

Vụ bê bối máu bẩn tại Anh và khủng hoảng niềm tin vào các chính phủ

Đăng ngày:

Tháng 05/2024, cựu thủ tướng Anh Rishi Sunak đã gửi lời xin lỗi công khai đến người dân vì một bê bối truyền máu nhiễm bệnh, khiến hàng chục nghìn người nhiễm HIV và viêm gan C. Một bê bối từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, mà chính ông Sunak cũng phải thừa nhận rằng đó là “sự suy thoái đạo đức kéo dài hàng thập kỷ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe” của chính phủ Anh. 

Những người biểu tình giương cao các thông điệp liên quan đến vụ bê bối máu nhiễm bệnh ở London, ngày 26/07/2023.
Những người biểu tình giương cao các thông điệp liên quan đến vụ bê bối máu nhiễm bệnh ở London, ngày 26/07/2023. AFP - JUSTIN TALLIS
Quảng cáo

Sự thật được phơi bày sau nhiều thập kỷ 

Bê bối bắt đầu từ những năm 1970-1980 tại Anh khi có hàng ngàn người cần truyền máu. Những người này được chia thành hai nhóm chính, một là những bệnh nhân thiếu máu trong quá trình phẫu thuật, trong các điều trị y tế, hay những phụ nữ vừa sinh con… 

Nhóm thứ hai là những người mắc bệnh máu khó đông, một căn bệnh di truyền do thiếu hụt Yếu tố VIII hoặc IX, những yếu tố cần thiết cho quá trình tạo cục máu đông. Theo hãng tin AP, vào đầu những năm 1970, các bác sĩ đã phát hiện ra một phương pháp điều trị mới, được gọi là Yếu tố đông máu 8 (Factor VIII) và được ca tụng là phương thuốc kỳ diệu. Đây là loại thuốc được tách ra từ huyết tương người, do vậy cần một số lượng lớn nguồn cung huyết tương để sản xuất. Nhu cầu sớm vượt quá nguồn cung trong nước, vì vậy các quan chức y tế Anh đã bắt đầu nhập khẩu huyết tương từ Hoa Kỳ. 

Tuy nhiên, điều đáng nói là lý lịch của những người hiến máu gây nhiều lo ngại vì vào thời điểm đó, Yếu tố VIII được lấy từ máu của hàng chục ngàn người hiến tại Hoa Kỳ. Những người này hiến máu để kiếm tiền. Họ thường là tù nhân, những người làm nghề mại dâm hoặc những người nghiện. Chính điều này làm tăng đáng kể nguy cơ huyết tương bị nhiễm bệnh, mà chỉ cần một người hiến máu bị nhiễm bệnh thì toàn bộ lô sản phẩm đều sẽ bị nhiễm bệnh theo. 

Theo ước tính từ cuộc điều tra kéo dài 6 năm mà chính phủ của thủ tướng Theresa May ra lệnh tiến hành năm 2017, hơn 30.000 người đã nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV qua truyền máu hoặc do điều trị bằng Yếu tố VIII. Hơn 3000 người chết và hàng chục nghìn người phải sống chung với bệnh tật. Nhiều người còn lây sang gia đình và người thân của mình. Thẩm phán Brian Langstaff, người đứng đầu cuộc điều tra về bê bối “máu bẩn”, đã tố cáo rằng thảm hoạ này hoàn toàn “không phải một tai nạn” mà bắt nguồn từ sự tác trách, coi thường tính mạng của người dân. Giới chức Anh lúc đó đã bỏ qua các cảnh báo nguy hiểm, bỏ qua các phương pháp sàng lọc và xử lý nguồn máu vì lý do kinh tế, bỏ qua cả các quy tắc đạo đức. 

Sai lầm nối tiếp sai lầm. Sau khi phát hiện ra những ca nhiễm HIV và viêm gan C do được truyền máu, chính phủ của cố thủ tướng Magaret Thatcher thời điểm đó, những người phải chịu trách nhiệm chính cho vụ việc này, thay vì dừng lại, nhận lỗi và sửa sai thì lại cố gắng che đậy, đưa thông tin sai sự thật đến người dân và tiêu huỷ các bằng chứng. Để rồi hơn 50 năm sau, người dân Anh mới được nhận lời xin lỗi công khai đầu tiên tới từ chính phủ Rishi Sunak. Đáng tiếc là hàng ngàn nạn nhân đã không còn sống để được nghe lời xin lỗi mà họ vẫn mong chờ.

“Vô hại” 

“Vô hại” là những gì mà chính phủ nói với công chúng. Theo nhật báo Anh The Guardian, tháng 11/1983, cựu bộ trưởng y tế Ken Clarke đã mạnh mẽ khẳng định trước báo giới rằng “không có bằng chứng thuyết phục” nào cho thấy HIV có thể lây truyền qua đường máu và nguy cơ virus viêm gan C gây bệnh là “rất thấp và không nghiêm trọng”. Để công chúng thêm tin tưởng, các bộ trưởng cũng liên tục nhắc lại rằng người dân Anh “đang nhận được sự điều trị tốt nhất hiện có”. Báo cáo điều tra của thẩm phán Langstaff còn chỉ ra rằng các bác sĩ cũng đóng góp một phần không nhỏ công sức vào việc lừa dối người dân. Các bác sĩ không những không thông báo cho bệnh nhân những nguy cơ tiềm ẩn trước khi bệnh nhân tham gia điều trị mà thậm chí cả khi những người này đã nhiễm virus HIV hay viêm gan C, các bác sĩ cũng che giấu thông tin về nguyên nhân và tình trạng bệnh của họ, dẫn đến những chậm trễ trong việc tiếp cận điều trị chuyên khoa. 

“Vô trách nhiệm” 

“Vô trách nhiệm” là những gì công chúng nói về họ. Họ ở đây là chính phủ Anh thời điểm đó, và cụ thể hơn là Hệ thống Y tế Quốc gia Anh (National Health Service - NHS). Nhiệm vụ chủ đạo của cơ quan này là chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho người dân, ưu tiên và tôn trọng sinh mạng của bệnh nhân. Thế nhưng họ đã làm gì? ... 

Họ làm ngơ trước những hiểm hoạ mà họ biết rõ. Theo đài BBC và tờ The Guardian của Anh, ngay từ những năm 1930, người ta đã biết rõ rằng việc truyền máu có thể làm lây nhiễm nhiều loại bệnh chết người. Virus gây ra bệnh viêm gan C đã xuất hiện ít nhất từ giữa những năm 1970, còn việc lây truyền HIV qua đường máu thì đã được giới khoa học xác nhận vào năm 1982. 

Không chỉ vậy, họ còn biết rằng việc nhập khẩu máu và các chế phẩm máu thương mại sản xuất tại Mỹ mang nhiều rủi ro và ít an toàn hơn so với các phương pháp điều trị trong nước. Vào giữa những năm 1970, một giáo sư đã cảnh báo rằng các sản phẩm máu này được lấy “100% từ những người vô gia cư ở các khu vực tồi tàn”, trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia tự chủ về nguồn máu để bảo đảm an toàn. NHS cũng tiến hành tăng quy mô của các bể chứa để sản xuất Yếu tố VIII dù biết như vậy có thể làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền virus. 

Biết rõ là vậy nhưng giới chức y tế nước này đã không có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân. Họ không những không đình chỉ việc nhập khẩu các sản phẩm máu thương mại từ Mỹ, mà cũng chẳng kiểm soát việc phân phối chúng. Việc triển khai xét nghiệm virus HIV và viêm gan C trong các sản phẩm máu được hiến cũng bị trì hoãn. Chính phủ cũng không đầu tư nghiên cứu các phương pháp làm bất hoạt virus, chẳng hạn như qua xử lý nhiệt. 

Họ làm ngơ trước tính mạng của người dân. Dù tôn chỉ hành động là “tôn trọng mọi sinh mệnh, không phân biệt đối xử, luôn mang lòng trắc ẩn và sự tử tế” nhưng NHS đã sử dụng các học sinh khuyết tật tại trường Treloar's College như những con chuột bạch để thử nghiệm Yếu tố VIII. Vẫn theo báo cáo điều tra năm 2017, từ năm 1974 đến 1987, 122 đứa trẻ mắc bệnh máu khó đông (haemophilia) đã được điều trị tại ngôi trường này bằng phương pháp mới, một thứ phương pháp “kỳ diệu” khiến ít nhất 72 trong số này tử vong. Họ đa phần đều chết vì nhiễm HIV và các loại virus viêm gan A, B, C.  

“Vô vọng” 

“Vô vọng” có lẽ là cảm giác mà những nạn nhân của bê bối này phải chịu đựng. Theo chân thông tín viên RFI Emeline Vin tại Anh, chúng ta sẽ cùng lắng nghe câu chuyện của chính những nạn nhân và người nhà của họ. 

Rất nhiều người đã chết, trong đó có Collin Smith : 

“Collin Smith là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị nhiễm bệnh. Cậu bé được chẩn đoán nhiễm Sida ngay trước sinh nhật năm hai tuổi. Mái tóc vàng và khuôn mặt tinh nghịch, cậu bé đã mất năm 1990, khi mới chỉ 7 tuổi. Bố mẹ của Collin cho biết : 

“Trước khi chết, thằng bé rất gầy, nó chỉ còn da bọc xương. Khi đó nó nặng 6 kg, chỉ nặng hơn đứa trẻ mới sinh một chút. Hai tháng cuối dường như kéo dài vô tận với chúng tôi. Chúng tôi rất tuyệt vọng. Chẳng đêm nào chúng tôi ngủ được. Ít nhất bây giờ chúng tôi đã đủ dũng cảm để nhắc về thằng bé. Collin có tính cách rất đặc biệt. Là một đứa trẻ vui vẻ, thằng bé lúc nào cũng tươi cười, nó thường hay trêu chọc mọi người.” 

Với những nạn nhân đã qua đời, nỗi đau để lại cho người thân, gia đình của họ. Vậy những người may mắn vẫn sống sót thì sao? 

Vào những năm 80, Bob Naylor đã được truyền máu trong một cuộc phẫu thuật và đã bị nhiễm virus viêm gan C từ đó. Bob cho biết : “Tôi thường xuyên cảm thấy không khoẻ. Cảm giác mệt mỏi, uể oải khủng khiếp. Mỗi lần tôi đi ngủ, chân tôi lại bắt đầu bị chuột rút và co thắt. Tôi đau bụng và đau lưng, những cơn đau này chẳng bao giờ biến mất. Một hôm cô y tá đã nói với tôi rằng : Bob, anh biết không, cả đời này anh sẽ phải gặp chúng tôi. Tôi hỏi vì sao thì cô ấy trả lời : Gan của anh đã bị tổn hại nên anh sẽ luôn phải đi viện kiểm tra. Anh sẽ phải lấy máu 6 tháng một lần, siêu âm 6 tháng một lần, làm xét nghiệm Fibroscan 2 đến 3 năm một lần. Anh đã bị suy gan cấp tính.” 

Không chỉ có những nỗi đau về thể xác, tinh thần của nạn nhân cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng. 

“Vào thời điểm đó, những người nhiễm HIV đều bị kỳ thị. Tại một thành phố nhỏ ở xứ Wales, Robert đã phải chịu sự phân biệt đối xử vì bị Sida. Anh cho biết : “Tôi đã kể việc mình bị nhiễm HIV cho chị gái mình và ngay sáng hôm sau, tất cả mọi người đều biết. Trên tường nhà của chúng tôi bị sơn chữ “Gia đình SIDA”. Cửa nhà thì bị vẽ chữ X. Gia đình tôi nhận được hàng tá cuộc điện thoại yêu cầu gửi tôi ra một hòn đảo hoang. Chúng tôi đã phải bỏ trốn, như thể là tôi đã giết người vậy. Thậm chí trong gia đình tôi, có người còn nói với con cái họ rằng đừng động vào đĩa của Robert, đừng động vào cốc của Robert. Nếu chính gia đình mình còn chẳng thể cảm thông với mình thì sao tôi có thể trông đợi là những người lạ ngoài kia sẽ hiểu cho tôi.” 

“Vô tội”

Nếu nạn nhân cảm thấy vô vọng thì những người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này cảm thấy gì? Có thể họ cảm thấy mình “vô tội”. Ta cần quay lại vụ bê bối tương tự, diễn ra tại Pháp vào cùng khoảng thời điểm trên. Theo Viện Nghe nhìn Quốc gia Pháp (INA), khi đứng trước toà vào tháng 01/1992, cựu bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội, bà Georgina Dufoix, vẫn không can tâm và phát biểu một câu “đi vào lịch sử” rằng : “Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm nhưng không cảm thấy mình có tội.” 

Dù chưa khảng khái trả lời như cựu bộ trưởng Dufoix tại Pháp, nhiều người vẫn tự hỏi rằng phải chăng giới chức Anh lúc đó cũng đã không cảm thấy tội lỗi. Vì nếu thấy có tội, thấy cắn rứt lương tâm, họ đã đứng ra chịu trách nhiệm, họ sẽ không để người dân phải chờ tới vài thập kỷ mà vẫn chưa nhận được lời xin lỗi. Xin nhắc lại rằng lời xin lỗi hồi tháng 05/2024 đến từ cựu thủ tướng vừa miễn nhiệm Rishi Sunak, chứ hoàn toàn không đến từ những quan chức trong chính phủ Anh thời điểm đó, những người trực tiếp đứng sau thảm hoạ này. 

Có lẽ trong bê bối này, từ “vô tội” chỉ được dành cho những nạn nhân, những người đã chết, đã nhiễm bệnh vì tin tưởng vào các bác sĩ, vào hệ thống y tế quốc gia, vào chính phủ. “Vô tội” cũng là những học sinh khuyết tật của trường Treloar’s College thời điểm đó, những đứa trẻ được đem ra làm thí nghiệm.

Điều đáng ngạc nhiên ở bê bối máu bẩn là nó không chỉ xảy ra ở Anh, mà còn ở rất nhiều nước khác trên thế giới, từ Pháp, Nhật Bản đến Trung Quốc. Dù quy mô của thảm hoạ khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả các bê bối này là các quan chức thời điểm đó đã làm việc tắc trách và không tôn trọng tính mạng của người dân.


***********

Israel hạ sát chỉ huy đặc nhiệm Hezbollah, lệnh sơ tán thành phố đông Lebanon

Tuấn Anh

Báo Times of Israel trích dẫn tuyên bố ngày 30/10 của IDF cho biết, Mustafa Ahmad Shahadi, phó thủ lĩnh lực lượng đặc nhiệm Radwan đã thiệt mạng trong một vụ không kích do các máy bay chiến đấu của Israel thực hiện ở khu vực Nabatieh, miền nam Lebanon.

linh Israel o Lebanon IDF.jpg
Lính Israel tham gia chiến dịch tấn công trên bộ ở Lebanon. Ảnh: IDF

Theo IDF, Shahadi "đã tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố chống lại nhà nước Israel" và việc loại bỏ ông ta là "một phần trong nỗ lực làm suy giảm khả năng của lực lượng Radwan trong việc chỉ đạo và thực hiện các hoạt động chống lại quân đội cũng như cộng đồng IDF ở biên giới phía bắc, đặc biệt là kế hoạch Chinh phục vùng Galilee”.

Shahadi cũng được cho là chỉ huy các hoạt động của Radwan trong xung đột ở Syria giai đoạn 2012 – 2017. Tel Aviv tin, lực lượng đặc nhiệm của Hezbollah dưới sự dẫn dắt của nhân vật này từng lên kế hoạch xâm chiếm miền bắc Israel nhưng âm mưu này cuối cùng đã không thành hiện thực.

Hezbollah hiện chưa lên tiếng bình luận trước thông tin trên.

Israel lệnh sơ tán thành phố miền đông Lebanon

IDF ngày 30/10 lần đầu tiên ban hành lệnh sơ tán ở Baalbek, thành phố chính ở miền đông Lebanon sau một tháng phát động chiến dịch tấn công trên bộ chống Hezbollah ở nước láng giềng.

dan Lebanon so tan Times of Israel.jpg
Người dân ở Baalbek đi sơ tán sau cảnh báo của IDF. Ảnh: Times of Israel

Sau khi IDF yêu cầu các cư dân ở Baalbek và các làng xung quanh phải rời đi ngay lập tức để tránh các vụ tập kích nhằm vào nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Lebanon. Các con đường chính ra khỏi thành phố bị ùn tắc xe cộ khi người dân hoảng loạn bỏ chạy.

Xe dân phòng chạy quanh Baalbek kêu gọi mọi người di tản ngay lập tức qua loa phóng thanh. “Thành phố gần như trống không”, một phóng viên kể khoảng một giờ sau cảnh báo sơ tán.


*********

Luật sư: Đường Văn Thái bị tuyên 12 năm tù trong phiên tòa xử kín


Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.
Nhà báo độc lập Đường Văn Thái phát biểu trên kênh YouTube Thái Văn Đường.

Blogger Đường Văn Thái, người được cho là bị Việt Nam bắt cóc đưa về khi đang tị nạn ở Thái Lan, bị tuyên bản án 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” trong một phiên tòa được xử kín tại Hà Nội hôm 30/10, theo một luật sư bào chữa cho biết.

Vị luật sư này nói với VOA trong điều kiện ẩn danh vì không được phép thông tin về phiên tòa xử kín rằng ông Thái bị truy cứu theo khoản 2 điều 117 của Bộ luật Hình sự, tức “làm, tàng trữ, phán tán hoặc tuyên truyền thông tin nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam," vốn thường được chính quyền của Đảng Cộng sản sử dụng để tuyên án tù cho những người bất đồng chính kiến hay chỉ trích chính phủ.

“Điều 117 có 2 cấu thành, gồm cấu thành cơ bản là từ 5 năm đến 12 năm và Thái bị khoản 2 là cấu thành tăng nặng, từ 10 đến 20 năm. Tòa tuyên là 12 năm và 3 năm quản chế,” luật sư này nói và cho biết ông Thái bị xét xử cùng 7 bị cáo khác trong vụ án mà blogger này được cho là “người cầm đầu”.

Chính quyền Việt Nam cho biết họ bắt giữ ông Thái vào ngày 14/4/2023 vì tội “nhập cảnh trái phép” trong khi các tổ chức phi chính phủ và truyền thông độc lập đưa tin rằng YouTuber bất đồng chính kiến này bị chính quyền Việt Nam ở Thái Lan bắt cóc rồi cưỡng bức đưa về nước.

Khi được VOA hỏi vì sao ông Thái lại bị xét xử kín trong trong phiên tòa hôm 30/10, vị luật sư dấu tên cho biết vì vụ án “liên quan đến một số vấn đề nội bộ của một số cán bộ cấp cao”.

Ông Thái là một cựu nhà báo ở Việt Nam và từng tham gia vận hành trang Facebook chia sẻ thông tin về nhà cửa dinh thự của quan chức chính quyền có tên “Lều của đầy tớ”. Blogger này đã trốn sang Thái Lan vào năm 2018 và được cấp quy chế tị nạn tại đây. Ngay trước thời điểm ‘mất tích’, ông được phỏng vấn và cho phép sang một nước thứ 3 để tị nạn theo chương trình của LHQ.

“Bản án 12 năm tù vô lý và không thể chấp nhận được của tòa án ‘Chuột túi’ (Kangaroo court) tuyên cho Đường Văn Thái cho thấy chính phủ Việt Nam muốn trừng phạt ông ta nặng đến mức nào vì bất cứ điều gì ông đã làm để xúc phạm họ,” Phil Robertson, giám đốc của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Quyền lao động châu Á (AHRLA) nói với VOA sau phiên tòa hôm 30/10.

“Tòa án Việt Nam làm chính xác những gì họ được Đảng Cộng sản và chính quyền yêu cầu làm, nên không có nghi ngờ gì rằng họ muốn giam giữ ông ấy trong một thời gian dài,” ông Robertson, người từng làm cho ban Á châu của Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch tại Bangkok, nói qua email.

Trước phiên xét xử một ngày, tổ chức Văn bút Mỹ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Thái và cho rằng “bằng cách tổ chức phiên tòa xét xử kín và cấm gia đình vào, Việt Nam phủ nhận quyền cơ bản của ông Thái đối với một quy trình pháp lý công bằng và minh bạch.”

Tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở New York nói trong tuyên bố trên X rằng “công việc vạch trần tham nhũng của ông Thái không phải là phạm tội – mà là một hành động thực thi quyền tự do ngôn luận quan trọng, cần thiết cho nền quản trị có trách nhiệm.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bộ này thường xuyên nói rằng chỉ có những người phạm tội mới bị kết án tại Việt Nam. Truyền thông do nhà nước quản lý cho biết ông Thái đã tham gia các tổ chức hội nhóm bất hợp pháp như “Hội nhà báo độc lập” hay “Hội anh em dân chủ” và tiến hành nhiều hoạt động chống nhà nước.”

PEN American cũng đã bày tỏ lo ngại về việt ông Thái “bị bắt cóc và cưỡng bức trở về Việt Nam”.

“Điều này gợi lại những vụ cưỡng bức trở về trước đây của các nhà hoạt động và làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về sự đàn áp xuyên quốc gia,” tổ chức của Mỹ nói trong tuyên bố hôm 29/10.

Ông Thái được Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến trong Báo cáo nhân quyền 2023 như một trường hợp “đàn áp xuyên quốc gia” của chính quyền Việt Nam để chứng minh về việc không có tiến bộ về nhân quyền tại quốc gia Đông Nam Á.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng lúc đó nói rằng báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ “tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.” Bà Hằng cho biết Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán từ trước đến nay là “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

Sau vụ ‘bắt cóc’ ông Thái, 22 tổ chức quốc tế đã kêu gọi Cao ủy LHQ về người tị nạn để lên tiến bảo vệ cho người tị nạn Việt Nam và những người xin tị nạn nói chung tại Thái Lan khỏi bị cưỡng bức đưa trở lại quê nhà.

Ông Thái là trường hợp người tị nạn thứ 2 được biết tới có sự tham gia của các đặc vụ Việt Nam trong quá trình bắt cóc và đưa về nước để xử phạt vì những thông tin mà họ đưa ra. Trước đó, nhà báo Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích khi đang xin tị nạn ở Thái Lan và sau đó bị kết án 10 năm tù ở Việt Nam.

Ông Robertson kêu gọi “Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng phản đối sự đàn áp vô luật pháp của chính phủ Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài bằng cách điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho sự đàn áp xuyên quốc gia như vậy.”


**********

Trung Quốc, Nga thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh tái khẳng định mối quan hệ bền chặt


Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, người vừa thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về cuộc khủng hoảng Ukraine hôm 30/10/2024.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, người vừa thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về cuộc khủng hoảng Ukraine hôm 30/10/2024.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine trong các cuộc họp hôm thứ Tư (30/10), và ông Vương tái khẳng định mối quan hệ bền chặt của Bắc Kinh với Moscow, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Cả hai đã trao đổi quan điểm về cuộc khủng hoảng nhưng tuyên bố của Bộ không tiết lộ chi tiết về cuộc thảo luận.

Ông Vương nhắc lại mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và Nga, không bị ảnh hưởng bởi “những thay đổi trong tình hình quốc tế”.

“Cả hai bên nên cùng nhau nỗ lực để phối hợp hợp tác trong nhiều lĩnh vực và trao đổi ở mọi cấp độ”, ông nói, nhưng không giải thích thêm.

Hãng thông tấn RIA của Nga lần đầu tiên đưa tin rằng ông Rudenko đã đến Bắc Kinh để họp.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine dường như đang có bước ngoặt nguy hiểm mới, khi NATO và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng quân đội Triều Tiên có thể sớm tham gia phe của Moscow.

Ông Rudenko đã tham gia vào việc phát triển mối quan hệ Nga với Triều Tiên sau khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Ông cũng là thành viên của các phái đoàn Nga tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine vào đầu cuộc chiến.

Hai tháng trước khi Tổng thống Vladimir Putin gửi quân đến Ukraine, ông Rudenko cho biết các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết sẽ luôn nằm trong số các ưu tiên địa chính trị của Nga.

“Bất kể các quốc gia này đi đâu, bất kể họ phát triển như thế nào, họ sẽ luôn là ưu tiên, trong số các ưu tiên địa chính trị của chúng tôi, bất kể bối cảnh địa chính trị”, RIA trích lời ông Rudenko nói vào tháng 12/2021.

“Đây là một phần trong quá khứ chung của Liên Xô trước đây của chúng tôi”.


*********

Việt Nam nói đã ‘vận động, truy bắt’ được 9 người tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài


Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một trong số những người đang bị Việt Nam truy nã vì liên quan đến các vụ án tham nhũng về đấu thầu thiết bị y tế.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn là một trong số những người đang bị Việt Nam truy nã vì liên quan đến các vụ án tham nhũng về đấu thầu thiết bị y tế.

Ban Nội chính Trung ương cho biết hôm 30/10 rằng các nhà chức trách Việt Nam đã vận động đầu thú và truy bắt được 9 người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng trong năm nay, theo truyền thông trong nước.

Những thông tin này được đưa ra trong cuộc họp của Ban khi thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Tuổi TrẻVnExpress.

Họ không công bố danh tính những người được cho là đã đầu thú hay bị truy bắt về nước từ đầu năm tới nay.

Ông Đặng Văn Dũng, phó Ban Nội chính Trung ương, được VnExpress trích lời nói rằng nhà chức trách đang kêu gọi các trường hợp khác ra đầu thú.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Đông, cũng là một phó Ban, cho biết Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các cơ quan quyết liệt vận động đầu thú, truy bắt, dẫn độ những người bỏ trốn ra nước ngoài trong các vụ án tham nhũng.

“Tất nhiên cũng còn có nhiều khó khăn do những người này bỏ trốn lâu rồi, bỏ trốn ra nước ngoài và chúng ta phải tiếp tục phối hợp các nước để thực hiện nhiệm vụ này,” ông Đông được Tuổi Trẻ trích lời nói.

Cũng theo tờ báo này, người phát ngôn của Bộ Công an, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, cho biết rằng cơ quan điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp như dẫn độ tội phạm, hợp tác quốc tế, ngoại giao và nhiều kênh khác để truy bắt người bỏ trốn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch AIC, là người nổi danh nhất trong số những người đang bị giới chức Việt Nam truy nã vì liên quan đến 5 vụ án tham nhũng khác nhau. Người phụ nữ được cho là đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam đã bỏ trốn vào đầu năm 2022. Bà bị cáo buộc đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng và bị công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.

Tại buổi họp hôm 30/10, ông Tuyên đã kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn khác “sớm về đầu thú để hưởng khoan hồng.”

“Người bỏ trốn sẽ vẫn bị xử theo quy định pháp luật và không có điều kiện tự bảo vệ mình,” ông Tuyên nói, theo VnExpress.

Bà Nhàn đã bị xử vắng mặt trong 3 phiên tòa trước đây vì bị cáo buộc có sai phạm trong những dự án liên quan đến 2 bệnh viện ở Đồng Nai và Quảng Ninh và một trung tâm công nghệ ở TPHCM với bản án tổng cộng 30 năm tù giam. Nữ doanh nhân này cũng đang đối mặt với một bản án nữa về tội danh “đưa hối lộ” trong một vụ án liên quan đến công ty AIC và Sở Y tế Bắc Ninh đang được xét xử.

Ngoài bà Nhàn, còn có 7 người khác trong vụ án liên quan đến công ty AIC đang bỏ trốn và chịu lệnh truy nã của công an Việt Nam.

Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký kết hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.

Bà Nhàn được cho là đang sống ở Đức. Một ghi nhận của báo Taz vào tháng 8 năm ngoái cho biết rằng bà có nguy cơ bị mật vụ Việt Nam bắt cóc về nước như trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh. Điều tra của Taz lúc đó nói rằng Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ và Nhàn lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.

Ông Thanh, cựu chính trị gia và lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc vào tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại Đức. Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về “đầu thú” và tuyên cho ông 2 án tù chung thân.


***********

Ngoại trưởng Triều Tiên và Nga sắp gặp nhau khi phương Tây ngày càng lo ngại


Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (phải) tham dự một buổi lễ tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, vào ngày 19 /10/2023.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (phải) tham dự một buổi lễ tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, vào ngày 19 /10/2023.

Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chiến lược tại Moscow với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Nga cho biết hôm thứ Tư (30/10), giữa bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại rằng Triều Tiên có thể chung sức với Nga, tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Nga, nói trong một cuộc họp báo rằng bộ trưởng Triều Tiên đang trên đường tới Moscow và thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận của bà với ông Lavrov, bao gồm cả thời gian, sẽ được công bố sau.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết bà Choe đã đến vùng Viễn Đông của Nga hôm thứ Ba và đang trên đường tới Moscow. Đây là chuyến thăm thứ hai của bà tới Nga trong vòng sáu tuần, diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dường như đang có bước ngoặt nguy hiểm mới, khi NATO và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng quân đội Triều Tiên có thể sớm tham gia vào cuộc xung đột để hỗ trợ cho Moscow.

Hoa Kỳ và NATO cho biết một số binh lính Triều Tiên đang ở khu vực Kursk, một khu vực biên giới của Nga, nơi lực lượng Ukraine đã mở một cuộc tấn công lớn vào tháng 8 và chiếm giữ hàng trăm km vuông lãnh thổ. Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Ba rằng có thêm vài nghìn binh lính Triều Tiên đang tiến đến đó.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho rằng việc triển khai quân đội Triều Tiên là “rất nguy hiểm” và nói Ukraine nên đáp trả quân Triều Tiên “nếu họ vượt biên vào Ukraine”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại Nga. Moscow cho biết họ có mọi quyền phát triển quan hệ với Bình Nhưỡng theo cách họ thấy phù hợp, bao gồm cả theo các điều khoản của hiệp định phòng thủ chung đã được thống nhất vào đầu năm nay.

Khi được hỏi liệu chuyến thăm của bà Choe có liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine hay không, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nói đây là một phần của cuộc đối thoại chính sách đối ngoại đang diễn ra giữa hai quốc gia láng giềng thân thiện.

“Đây là ngoại giao bình thường. Điều này không nên gây thắc mắc cho bất kỳ ai”, bà nói.

Triều Tiên đã chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình kể từ năm 2006, nhưng Nga đã phủ quyết việc gia hạn hàng năm của một nhóm chuyên gia giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt này vào tháng 3 năm ngoái.

Khi được hỏi liệu Nga có rút khỏi lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hay không, bà Zakharova nói tình hình đang diễn tiến và Moscow đang “rút ra kết luận”.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng các lệnh trừng phạt đã không giải quyết được căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và đã bị Hoa Kỳ và các đồng minh biến thành “vũ khí thô bạo” chống lại Bình Nhưỡng.


*******
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai 20244:25 SA
Thứ Tư, 11 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Ba, 10 Tháng Mười Hai 20244:08 SA
Thứ Hai, 09 Tháng Mười Hai 20243:19 SA
Thứ Bảy, 07 Tháng Mười Hai 20241:00 SA
Thứ Sáu, 06 Tháng Mười Hai 20244:31 SA
Thứ Năm, 05 Tháng Mười Hai 20244:18 SA
Thứ Tư, 04 Tháng Mười Hai 20246:50 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo