Tin Tức ngày 11 - 9 -2024

Thứ Tư, 11 Tháng Chín 20244:57 SA(Xem: 825)
Tin Tức ngày 11 - 9 -2024

Hoaluc 4
************

Chiến tranh thời công nghệ : drone, tia laser, tên lửa siêu thanh và trí thông minh nhân tạo AI

Thùy Dương

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và Gaza ngày càng căng thẳng, với sự triển khai ngày càng nhiều loại vũ khí tân tiến, tuần báo Pháp Le Point gần đây dành một hồ sơ đặc biệt với nhiều bài viết tìm lời giải đáp cho câu hỏi « Công nghệ đã cách mạng hóa chiến tranh như thế nào », nhận định các loại vũ khí mới như laser, các đội drone, tên lửa siêu thanh, đặc biệt có sử dụng trí thông minh nhân tạo AI … đã sẵn sàng làm đảo lộn các cuộc xung đột.

RFI tiếng Việt lược dịch một số ý chính và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.

Các phát minh sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh ?

Đúng là nghệ thuật chiến tranh không thoát khỏi sự tăng tốc của lịch sử. Trước đây, phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí nhiều thế kỷ để phát minh ra một hợp kim mới hoặc thay đổi hình dạng một chiếc khiên ở thời Cổ đại, nhưng hiện nay thì chỉ sau 6 tháng là 1 loại drone đã trở thành lỗi thời, tụt hậu trên chiến trường. Theo Léo Péria-Peigné, nhà nghiên cứu của Đài quan sát các cuộc xung đột trong tương lai, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) : « Sẽ không còn tồn tại một phát minh có thể một mình làm thay đổi cuộc chơi, ngoại trừ vũ khí hạt nhân » và « chiến tranh vẫn là một cuộc đấu tay đôi không có giải pháp thần kỳ mà cần có sự kết hợp của tất cả các hệ thống vũ khí cần thiết ». Tuy nhiên, trong mọi lĩnh vực, các phát minh sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh. Biểu tượng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong một hội nghị hôm 15/07/2024, tướng Mark Milley, tham mưu trưởng quân đội Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump và Joe Biden dự báo : « Sau 10-15 năm nữa, 1/3 quân đội Mỹ sẽ được rô bốt hóa và phần lớn sẽ do các hệ thống được trang bị trí thông minh nhân tạo điều khiển ». Tại Hoa Kỳ cũng như ở Trung Quốc, hàng ngàn kỹ sư đang nghiên cứu các thuật toán chuyên phân tích tình báo, giám sát tự động mọi chuyển động của kẻ thù và điều khiển các đội drone thực hiện nhiệm vụ, thậm chí bảo trì dự phòng các phương tiện có giá trị nhất như máy bay, tàu và xe tăng. Hầu hết mọi thứ đều có thể được lập trình trong vòng nháy mắt nhờ AI, sau đó con người sẽ phải tuân theo nhịp độ máy móc đặt ra.

Trong chiến tranh, trí thông minh nhân tạo sẽ có khả năng chủ động, tự quyết nhiều hơn ?

Sắp tới đây sẽ là thời của hệ thống vũ khí sát thương tự động (Sala, đôi khi còn được gọi là « drone sát thủ »). Nhưng một số nước, trong đó có Pháp, vẫn từ chối triển khai ý tưởng chế tạo các drone có khả năng tự quyết định - cao hơn các loại vũ khí hiện tại - tiêu diệt đối phương mà không cần có sự can thiệp của con người, chẳng hạn, tiêu diệt bất kỳ binh lính nào đi vào khu vực hoặc tiêu diệt bất kỳ máy bay nào có tín hiệu radar được cho là của kẻ thù. Các hệ thống sát thương tự động này do con người lập trình, nhưng hành động sát thương sẽ được tự động hóa trên quy mô lớn.

Thời gian ra quyết định thường là yếu tố mang lại chiến thắng hay thất bại, nên quân đội nhiều nước chắc chắn sẽ bị quyến rũ về khả năng này. Để giảm thiểu nguy cơ thất bại, Hoa Kỳ không cấm cản việc trao cho các loại vũ khí tương lai khả năng tự quyết cao, thông qua phương pháp tiếp cận mà Darpa, cơ quan nghiên cứu quân sự của Lầu Năm Góc, mô tả là « có khả năng thích ứng ». Đương nhiên, con người có quyền ra quyết định, nhưng các kỹ sư Mỹ cũng đang phát triển các phương thức tăng cường hay thậm chí trao toàn quyền tự quyết cho trí thông minh nhân tạo AI trước một đối thủ không có cùng nguyên tắc đạo đức.

Làm như vậy có nguy cơ chệch hướng hay không ?

Dĩ nhiên, phương thức tự quyết như vậy kéo theo nguy cơ chệch hướng, trong trường hợp xảy ra tấn công tin tặc nhắm vào hệ thống AI hoặc khi hệ thống gặp trục trặc bất thường. Bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc nhận thức được về nguy cơ này : ngày 29/12/2024, qua gọi thầu, Không quân Hoa Kỳ cho thấy ý định đào tạo các nhân viên an ninh AI, chịu trách nhiệm giám sát các thuật toán về hành vi và định hướng lại các thuật toán này nếu cần thiết. Nhưng liệu họ có đủ năng lực kỹ thuật và sức mạnh để đối phó với AI cực kỳ phức tạp mà ngay cả những người tạo ra chúng hiện cũng khó nắm bắt được mọi hoạt động ? Một chuyên gia làm việc cho bộ Quân Lực Pháp về đề tài này cho biết : « Hiểu cách thức vận hành của AI thậm chí còn khó hơn tạo ra nó, bởi vì AI phát triển trong quá trình trau dồi và sau mỗi lần sử dụng ».

Tệ hơn nữa, trong bối cảnh « thuật toán hóa » ồ ạt các cuộc chiến tranh, việc đầu độc AI trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với các quốc gia. Các độc tố kỹ thuật số, thường là mã độc, có thể được tích hợp vào những « viên gạch nền móng » được sử dụng để tạo ra thuật toán, kể cả trong thời bình để sau này có thể sử dụng nếu cần. Với việc quốc tế hóa của các nhóm khoa học gia và sự hiện diện của các nhà nghiên cứu Trung Quốc ở hầu khắp các đơn vị nghiên cứu của phương Tây, chủ đề này khiến các đồng minh NATO lo lắng. Thông tin sai lệch cũng có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu dùng để AI trau dồi hoặc được phát tán làm mồi nhử khi tiến hành các hoạt động. Mục tiêu là thúc đẩy AI ra quyết định ngược với lợi ích của chủ nhân mà họ không nhận ra ngay lập tức. Điều này quả là một cơn ác mộng.

Trong chiến tranh hiện đại, cũng không thể không nói tới drone ?

Các cuộc chiến ở Armenia, Trung Đông và Ukraina đã khiến drone trở thành một trong những công cụ thiết yếu. Trước đây, sức mạnh của quân đội được tính bằng số lượng xe tăng, tàu khu trục hoặc máy bay, nhưng ngày nay thì phải tính tới số lượng drone. Nhưng tới đây, sẽ không chỉ còn là những chiếc drone đơn lẻ được điều khiển từ xa mà sẽ có các đội – các bầy đàn bao gồm hàng chục, hàng trăm hoặc thậm chí là hàng ngàn drone, tập trung tấn công trong một không gian nhỏ, chẳng hạn như một căn cứ quân sự hoặc một cơ sở công nghiệp. Một lực lượng đông đảo drone như vậy sẽ vô hiệu hóa bất kỳ hệ thống phòng thủ nào, kể cả những hệ thống hiện mới đang được phát triển.

Không phải là cảnh trong chuyện khoa học viễn tưởng, hồi tháng 5 năm ngoái, các kỹ sư của Mỹ đã cho bay 5.293 drone trang bị đèn LED nhiều màu trong một buổi trình diễn ban đêm. Kỷ lục thế giới trước đó là 5.164 drone bay cùng lúc do Trung Quốc lập cách nay 3 năm. Các thuật toán cho phép drone bay theo đội hình đang được điều chỉnh để áp dụng cho các hoạt động quân sự.

Éric Ligne, phó chủ tịch tập đoàn công nghiệp quốc phòng Thales của Pháp, chuyên trách bộ phận chiến tranh drone, giải thích : « Trong phần lớn các trường hợp ngày nay, người điều khiển drone mỗi lần chỉ điều khiển một chiếc duy nhất qua kết nối radio », nhưng nay nhóm của ông đã cho cả đội drone gồm khoảng mươi chiếc không đồng nhất bay và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể dưới sự kiểm soát của một người điều khiển duy nhất. Khả năng sử dụng các đội drone là vô tận và nhiều khi trên cả mong đợi. Theo tướng Pierre Schill, tư lệnh lục quân Pháp, chẳng hạn « các đội drone có thể đóng vai trò ngụy trang điện tử bằng cách phát sóng phía trên một trạm chỉ huy ». Sắp tới có thể sẽ có một cuộc cách mạng thực sự  trong lĩnh vực drone : tích hợp trí tuệ nhân tạo với drone.

Theo Giorgio Parisi, giải Nobel vật lý năm 2021, trong các đội drone mà con người tạo ra,  chúng có thể liên lạc được với nhau ở tầm xa. AI là công nghệ duy nhất có khả năng tạo cho đội drone khả năng khéo léo để cho một drone khác thay vào vị trí drone vừa bị bắn hạ và lập lại đội hình chuẩn. Các bộ xử lý nhỏ của mỗi chiếc drone được kết nối lại với nhau, mang lại khả năng tính toán cao chừng nào liên kết radio vẫn hoạt động hiệu quả. Nhưng nếu tần số không bảo đảm, bị làm nhiễu sóng, hay nếu có những thay đổi thường xuyên về tần số và chế độ mã hóa, thì khả năng liên lạc giữa các drone đó không dễ được duy trì. 

Vũ khí laser sẽ sớm được đưa ra chiến trường ?

Một điều mới lạ khác mà cho đến gần đây vẫn thuộc về khoa học viễn tưởng : tia laser. Một số ít vũ khí thử nghiệm, đặc biệt được lắp đặt trên tàu và xe bọc thép nhỏ, đang mở đường cho việc hệ thống hóa sự hiện diện của laser trên chiến trường, bên cạnh súng trường, đại bác và tên lửa truyền thống. Với tia laser, không cần đến đạn dược : số lần bắn không bị giới hạn, miễn là có đủ năng lượng. Léo Péria-Peigné, nhà nghiên cứu của Đài quan sát các cuộc xung đột trong tương lai, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), giải thích : « Khả năng bắn laser ngay lập tức cũng là một lợi thế lớn », nhưng khi sử dụng nhiều thì tia laser cũng có thể có các vấn đề, chẳng hạn về nhiệt. Việc bọc thép phương tiện, cũng như hậu cần và đặc biệt là việc sản xuất năng lượng của xe, tàu và máy bay cũng phải được cải tiến để phù hợp với việc trang bị và sử dụng tia laser. Ngày nay, chỉ có các tàu sân bay được trang bị lò phản ứng hạt nhân nhỏ mới có đủ điện để triển khai một số pháo laser cho các trận giao tranh cường độ cao.

Công nghệ siêu thanh liệu có phải là một cuộc cách mạng ?

Có khả năng nhanh hơn gấp 5 lần tốc độ âm thanh (6.174 km/h), cùng với các tên lửa hạt nhân liên lục địa, tên lửa hành trình và máy bay siêu thanh là những loại vũ khí gần như không thể ngăn cản. Không giống như tên lửa hạt nhân liên lục địa, quỹ đạo bay của máy bay siêu thanh không phải là đạn đạo. Cho đến thời khắc cuối cùng, chúng vẫn cơ động để thoát khỏi hệ thống phòng không hoặc ngụy trang nguồn gốc thực sự của cuộc tấn công. Tốc độ của chúng khiến đối phương chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi để phản ứng, có thể dưới hình thức một cuộc phản công chớp nhoáng nhắm vào hệ thống dẫn đường và vũ khí siêu thanh đối phương : đây chẳng hạn là điều mà Nga đang lên kế hoạch, với sự kết hợp của tên lửa và tia laser.

Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh rất đắt tiền và không phải lúc nào cũng mang lại lợi thế quyết định. Chuyên gia Léo Péria-Peigné cho biết : « Nga có tên lửa siêu thanh nhưng từ hai năm nay chúng vẫn không mang lại cho họ chiến thắng. Nga muốn sản xuất vô số drone cỡ nhỏ hơn, hoặc rất nhiều tên lửa thông thường với tổng chi phí chỉ bằng một tên lửa siêu thanh »
**********

Washington ‘‘chuẩn bị’’ cho phép Ukraina dùng vũ khí do Mỹ cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Trọng Thành

Chính quyền Mỹ hôm qua, 10/09/2024, phát đi nhiều tín hiệu cho thấy Washington có thể sớm cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa do Hoa Kỳ cấp để tấn công các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, như đòi hỏi khẩn thiết của Kiev thời gian gần đây. 

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Theo AFP, trả lời phỏng vấn báo giới tối hôm qua tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ‘‘đang xem xét vấn đề này’’. Cũng ngày hôm qua, trên Sky News, ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: ‘‘Chúng tôi không loại trừ việc này’ ’ nhưng nhấn mạnh, Mỹ muốn chắc chắn là việc cho phép này phải giúp Ukraina đạt được các mục tiêu mà Kiev đề ra.

Sáng hôm nay, ngoại trưởng Mỹ cùng người đồng cấp Anh, David Lammy, đi tàu hỏa từ Ba Lan đến Kiev. AFP cho hay, ‘‘việc giảm nhẹ các giới hạn trong sử dụng vũ khí của phương Tây cung cấp’’ trong cuộc chiến chống xâm lược Nga là một trọng tâm của chuyến công du của hai lãnh đạo ngoại giao Anh - Mỹ.

Một đòi hỏi chủ yếu của Ukraina là Mỹ cho phép sử dụng các tên lửa chiến thuật ATACMS, có tầm bắn đến 300 km để tấn công các căn cứ trong lãnh thổ Nga. Hồi đầu năm nay, Washington đã cho phép Kiev dùng vũ khí Mỹ cấp để tấn công các mục tiêu sát biên giới.

Truyền thông Anh cho hay, trong cuộc gặp tổng thống Mỹ hôm thứ Sáu 13/08, thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ đề nghị Nhà Trắng dỡ bỏ quy định cấm Ukraina sử dụng tên lửa Anh Storm Shadow, do Anh - Pháp hợp tác sản xuất, có tầm bắn đến 550 km, tấn công các mục tiêu trên đất Nga.

Trang mạng Telegraph ngày 10/09 giải thích, việc sử dụng tên lửa Storm Shadow đòi hỏi phải có sự cho phép của Mỹ vì vũ khí này ‘‘được sử dụng với một số hệ thống thiết bị của Mỹ’’.

Theo AFP, việc Mỹ - Anh nối lại các thảo luận về chủ đề này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ phát hiện Iran cung cấp tên lửa cho Nga, gây lo ngại về việc quân đội Nga sử dụng các vũ khí này để tấn công vào các khu vực sâu trong hậu phương Ukraina ở miền tây, cho đến nay vốn tương đối ít bị chiến tranh ảnh hưởng.

Về vấn đề này, một số nhân vật tên tuổi trong phe Cộng Hòa Mỹ, trong đó có chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, Mike McCaul, đã gửi thư đến tổng thống Biden, hối thúc Nhà Trắng sớm ra quyết định. Tuy nhiên, nội bộ đảng Cộng Hòa cũng đang rất chia rẽ : Nhiều cộng sự của ứng cử viên tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng buộc Kiev phải nhân nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt chiến tranh, nếu Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầu tháng 11/2024.
***********

EU thề ‘phản ứng mạnh’ về việc Iran chuyển giao phi đạn cho Nga

Reuters

Việc chuyển giao phi đạn đạn đạo của Iran cho Nga là một sự leo thang quân sự hơn nữa và sẽ phải đối mặt với “phản ứng mạnh mẽ” từ Liên hiệp châu Âu, phát ngôn viên về các vấn đề đối ngoại của EU, ông Peter Stano, cho biết.

Ông Stano cho hay cơ quan ngoại giao của EU, theo yêu cầu của người đứng đầu chính sách đối ngoại Josep Borrell, đã trình bày cho các thành viên EU “một loạt các biện pháp quyết đoán và nhắm mục tiêu” đối với Iran để đáp trả việc chuyển giao này.

Bất kỳ biện pháp nào như vậy cũng phải được tất cả 27 thành viên của EU đồng ý thì mới có hiệu lực, ông Stano nói thêm.

“Chúng tôi xác nhận (chúng tôi) đã nhận được thông tin đáng tin cậy về việc chuyển giao phi đạn đạn đạo của Iran cho Nga”, ông nói.

“Đại diện cấp cao Borrell, trong các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác Iran, đã liên tục cảnh báo Iran về quyết định như vậy”, ông Stano cho biết.

Ông nói việc chuyển giao này vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế.

“Việc chuyển giao phi đạn đạn đạo có thể sẽ hỗ trợ cho chiến dịch ném bom leo thang của Nga nhắm vào dân thường, thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, làm gia tăng thêm thương vong và sự tàn phá”, ông Stano cho biết.

“Sự hỗ trợ như vậy cho chiến dịch khủng bố của Nga nhắm vào người dân Ukraine sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của EU”.

Trong khi đó, Nga hôm 10/9 loan báo đã gần hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm ký một hiệp ước song phương mới với Iran, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời quan chức an ninh hàng đầu Sergei Shoigu cho biết.

“Chúng tôi mong chờ việc ký kết một hiệp ước liên quốc gia cơ bản mới. Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chuẩn bị các văn bản để các tổng thống ký kết”, ông Shoigu nói.

Nga đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ hơn với Iran và các quốc gia thù địch với Mỹ, chẳng hạn như Triều Tiên, trong hai năm rưỡi kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine.

Hoa Kỳ cáo buộc cả hai nước hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga, điều mà Moscow phủ nhận. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sáng ngày 10/9 nói Nga đã nhận được phi đạn đạn đạo từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần.

Một quan chức cấp cao của Iran hôm 9/9 đã phủ nhận các báo cáo rằng Tehran đã cung cấp cho Moscow những phi đạn như vậy.

Nga từng nói họ có ý định ký một hiệp ước hợp tác lớn với Cộng hòa Hồi giáo Iran, nhưng tuyên bố của ông Shoigu là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy một thỏa thuận như vậy sắp xảy ra.


***********

Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chạy đua phát triển tàu sân bay UAV

Minh Thu

Nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân xa bờ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện tập trung vào các tàu sân bay UAV, khi chúng giúp bớt được chi phí lớn cho việc trang bị chiến đấu cơ, cũng như đào tạo phi công.

Chuyên gia hải quân Bryan Clark tại Viện Hudson ở Mỹ nhận định, “tôi nghĩ Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ sử dụng các tàu sân bay này theo cách giống nhau để tấn công binh sĩ, cơ sở trên bờ, và tàu của đối phương ở ven biển”.

tau san bay uav.jpg
Tàu sân bay TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ chở theo UAV Bayraktar TB3 và UCAV Kizilelma. Ảnh: Anadolu 

Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ muốn TCG Anadolu vận hành như một tàu tấn công đổ bộ trang bị phi đội trực thăng và chiến đấu cơ như tiêm kích tàng hình F-35B của Lockheed Martin. Song việc Mỹ cấm bán F-35B cho Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara phải thay đổi thiết kế, và biến TCG Anadolu trở thành tàu sân bay đầu tiên trên thế giới chứa trực thăng, UAV, và cả máy bay chiến đấu không người lái (UCAV). 

TCG Anadolu có chiều dài 231m, rộng 32m, lượng giãn nước 27.436 tấn. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 39km/h,  tầm hoạt động khoảng 17.000km, và có thể hoạt động trên biển suốt 50 ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển UAV hải quân Bayraktar TB3 và UCAV Kizilelma để hoạt động trên tàu TCG Anadolu. Ngoài ra, Ankara còn có kế hoạch đóng chiếc tàu thứ 2 lớn hơn TCG Anadolu, và sử dụng nhiều linh kiện nội địa hơn.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Iran cũng đang gấp rút phát triển các tàu chở UAV, nhưng thô sơ hơn nhiều so với tàu TCG Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Business Insider đưa tin, theo một hình ảnh được chụp trong năm nay, Hải quân Iran đã có những bổ sung trên tàu sân bay UAV Shahid Bagheri. Không giống như TCG Anadolu được chế tạo với mục đích mang theo UAV ngay từ đầu, Shahid Bagheri là một tàu container được sửa đổi với sàn đáp được bổ sung để phóng UAV. Ngoài ra, tàu của Iran còn có thể mang theo trực thăng, xuồng tấn công nhanh loại nhỏ.

Hồi tháng 5, một tàu container cũ được sửa để chở UAV của Iran có tên Shahid Mahdavi cũng đã hoàn thành chuyến đi biển thử nghiệm kéo dài 39 ngày ở Ấn Độ Dương. Trong chuyến đi này, con tàu đã di chuyển gần Diego Garcia, nơi đặt căn cứ quan trọng của Mỹ. Còn vào tháng 2, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từng bắn thử tên lửa đạn đạo từ boong tàu Shahid Mahdavi.

tau san bay uav 1.jpg
Tàu sân bay UAV Shahid Bagheri của Iran. Ảnh: Defence Security Asia

Giải pháp giá rẻ 

Mặc dù không thể so sánh với các siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ, nhưng các tàu như Shahid Bagheri và Shahid Mahdavi của Iran vẫn có thể tạo ra tác động chiến lược.

Giáo sư Shaul Chorev, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách hàng hải tại Trung tâm Kinh tế xanh Israel, từng đưa ra so sánh về các tàu tự chế của Iran với tàu của Hải quân Israel.

“Không như chúng tôi, Iran sử dụng các giải pháp rẻ tiền. Iran dùng tàu buôn, trang bị sàn đáp và biến nó thành tàu sân bay UAV để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Trên thực tế, UAV và cả xuồng không người lái (USV) có thể được bố trí tại các điểm chiến lược để thực hiện nhiệm vụ mà tàu hộ tống Sa'ar 6 của Israel không thể làm được”, ông Chorev cho hay. 

tau san bay uav 2.jpg
UAV Gaza của Iran. Ảnh: Military Watch Magazine

Còn theo ông Clark, dù không có sức mạnh và tính linh hoạt như các tàu sân bay đích thực, song các tàu sân bay UAV sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran phô trương sức mạnh hải quân "vươn xa ra ngoài khu vực". 

Tuy nhiên, ông cho rằng "các tàu này sẽ không thực sự biến Hải quân Iran trở thành lực lượng biển xanh, bởi chúng vẫn thiếu khả năng giám sát trên diện rộng, và nhắm mục tiêu để triển khai UAV chống lại tàu đối phương, cũng như chưa có tàu tiếp tế để giúp các tàu sân bay UAV hoạt động lâu dài trên biển. Trong khi đó, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sở hữu những khả năng này, và đã là lực lượng biển xanh”. 

Cũng theo ông, không thể phủ nhận các tàu sân bay UAV vẫn đủ hiệu quả giúp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả những tình huống thách thức mà đối thủ trong khu vực tạo ra.


**********

Nga phản ứng mạnh vụ tấn công vào thủ đô Matxcơva

TRẦN PHƯƠNG

Nói về cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Kiev vào khu Matxcơva, người phát ngôn Nga nói rằng Ukraine càng suy yếu thì càng đẩy mạnh tấn công.

Nga phản ứng mạnh vụ tấn công vào thủ đô Matxcơva - Ảnh 1.

Một tòa nhà ở khu vực thủ đô Matxcơva bị hư hại sau vụ tấn công ngày 10-9 - Ảnh: AFP

Phát biểu ngày 10-9, người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Matxcơva đã lường trước khả năng Ukraine tăng cường tấn công.

"Mọi thứ đang diễn ra chính xác như chúng tôi đã nói trước đây: Chính quyền Kiev càng yếu trên chiến trường, mặc dù nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự lớn, thì họ càng tìm cách trả thù bằng cách tham gia vào các hoạt động khủng bố", bà Zakharova nhấn mạnh trên kênh truyền hình Solovyov Live TV.

Theo người phát ngôn Nga, nước này sẽ đưa ra đánh giá chính trị thích hợp và giải quyết vấn đề này với các tổ chức quốc tế.

Trước đó, Thống đốc Andrey Vorobyov của khu vực Matxcơva đã báo cáo rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong đêm đã làm hư hại một số tòa nhà chung cư. Ít nhất 1 người thiệt mạng, 3 người bị thương và 43 người được sắp xếp đến trung tâm trú ẩn tạm thời. Đây là vụ tấn công lớn nhất từ trước đến nay của Kiev vào khu vực thủ đô Nga.

Trong đêm, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 14 máy bay không người lái ở các khu vực Podolsk, Ramenskoye, Lyubertsy, Domodedovo và Kolomna.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine tăng nhiệt sau khi Kiev bất ngờ đưa quân sang biên giới đánh vào vùng Kursk của Nga từ đầu tháng 8-2024. Nga đã đáp trả bằng việc đẩy mạnh tấn công vào miền đông Ukraine.

Ngày 10-9, Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin tuyên bố Nga đã có kế hoạch đẩy lùi quân Ukraine ở vùng Kursk.

"Tất nhiên, quân đội có mọi kế hoạch cần thiết, nhưng tôi không nghĩ rằng những kế hoạch này có thể được thảo luận công khai", ông Peskov nói khi được hỏi khi nào quân đội Ukraine sẽ bị đẩy khỏi lãnh thổ Nga.

Cáo buộc Iran chuyển tên lửa cho Nga, Mỹ áp lệnh trừng phạt

Ngày 10-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ áp các biện pháp trừng phạt mới lên Iran, với cáo buộc Tehran đã cung cấp tên lửa cho Nga. Theo ông Blinken, các tên lửa của Iran đã được chuyển đến Nga để sử dụng trong vài tuần tới.

"Chúng tôi đã cảnh báo với Iran rằng việc thực hiện bước đi này sẽ tạo nên sự leo thang đáng kể... Giờ đây, Nga đã nhận được các lô hàng tên lửa đạn đạo này và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần tới ở Ukraine", Hãng tin AFP dẫn lời ông Blinken phát biểu tại London (Anh).

Theo ngoại trưởng Mỹ, hàng chục quân nhân Nga đã được huấn luyện tại Iran cách sử dụng tên lửa Fath-360, có tầm bắn 120km.

Ngay sau đó, các nước Anh, Pháp, Đức cũng tuyên bố sẽ tung ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành vận tải hàng không của Iran.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin khi được hỏi vấn đề này đã nói rằng "không phải lúc nào những kiểu thông tin này cũng là sự thật". Trong khi đó, Iran bác bỏ các cáo buộc của phương Tây và nhấn mạnh Tehran không dính líu đến cuộc chiến ở Ukraine.


***********
rfi.fr

Châu Phi, sân chơi cho công nghệ mới và vũ khí Trung Quốc

Thanh Hà

Châu Phi không chỉ là kho dự trữ nguyên liệu cho Trung Quốc hay là nơi tiêu thụ hàng rẻ made in China mà còn là thị trường, phòng thí nghiệm của các nhà sản xuất Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới và công nghiệp quốc phòng.

Diễn Đàn Hợp Tác FOCAC giữa Trung Quốc và Châu Phi 2024 vừa kết thúc. Là chủ nợ chính của châu Phi, Bắc Kinh cam kết « hỗ trợ tài chính » cho châu lục này 50 tỷ đô la cho ba năm sắp tới. Với trên 280 tỷ đô la tổng trao đổi mậu dịch hai chiều (năm 2023), Bắc Kinh là đối tác thương mại quan trọng nhất của châu Phi. Từ hơn 20 năm nay thâm hụt mậu dịch của châu Phi với bạn hàng Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng rẻ cho 1,5 tỷ dân tại hơn 50 quốc gia châu Phi và đổi lại thì nhập khẩu nguyên và nhiên liệu từ châu lục này để nuôi cỗ máy sản xuất.

Xavier Aurégan, đại học Công Giáo Lille, tác giả cuốn sách vừa cho ra mắt độc giả năm nay « Chine, puissance Africaine - Trung Quốc, cường quốc tại châu Phi »- NXB Armand Colin, trên đài truyền hình Pháp France 24 nói rõ hơn :

« Kinh tế và công nghiệp Trung Quốc rất cần nguyên liệu để sản xuất và cung cấp khoảng 10 % thành phẩm, vật liệu cho thế giới. Châu Phi là kho nguyên liệu và khoáng sản của nhân loại và do vậy đã thu hút chú ý của Bắc Kinh ».

Nhưng Trung Quốc nay đã trở thành một nhà sản xuất hàng cao cấp như ô tô điện hay pin mặt trời… Trung Quốc cũng là nhà cung cấp các dịch vụ và thiết bị viễn thông tên tuổi trên thế giới, làm chủ công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, công nghệ chế tạo xe lửa cao tốc và cả trong lĩnh vực quốc phòng. Đó là những lĩnh vực còn khó chen chân vào các thị trường phát triển của Âu Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản và Nga. Chỉ còn lại châu Phi, một châu lục với tiềm năng lớn. Tiếp đón trọng thể các lãnh đạo châu Phi tại Bắc Kinh vào tuần trước, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ giữa nền kinh tế thứ 2 toàn cầu và châu Phi chưa bao giờ « lành mạnh như hiện tại ».

Trả lời đài truyền hình Pháp-Đức, Arte, Valérie Niquet chuyên gia về Trung Quốc thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS nhắc lại 50 tỷ đô la được ông Tập Cận Bình thông báo « hỗ trợ tài chính châu Phi » cho ba năm sắp tới trước hết là số tiền Trung Quốc cho châu Phi vay mượn và Bắc Kinh đã ít hào phóng hơn nhiều so với quá khứ :  

« Trước hết 50 tỷ đô la viện trợ là số tiền thấp hơn nhiều so với những diễn đàn FOCAC trước đây. Tại Diễn Đàn Hợp Tác Trung Quốc-Châu Phi hồi 2018, Bắc Kinh cấp 60 tỷ đô la tín dụng cho châu Phi và tặng 60 tỷ cho châu lục này. (…) Kinh tế không còn tăng trưởng tốt như lúc trước, Trung Quốc không thể rộng rãi với các đối tác châu Phi, nhưng vẫn tiếp tục nhắm tới một số dự án trong lĩnh vực năng lượng, vào cơ sở hạ tầng… »

Chuyên gia Xavier Aurégan đi sâu hơn vào chi tiết : Theo ông  thực ra trong số 50 tỷ đô la Bắc Kinh hứa viện trợ cho châu Phi trong ba năm sắp tới bao gồm 30 tỷ được cấp dưới dạng tín dụng, 10 tỷ dành để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại châu Phi và 10 tỷ đô la còn lại, thuần túy là tiền viện trợ. Nhưng phần lớn trong số 10 tỷ viện trợ này được dùng vào việc « thanh toán nợ hay trả tiền lãi cho chính các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc ».

2 % tổng đầu FDI vào châu Phi

Một đặc điểm mà Xavier Aurégan lưu ý trong cuốn « Trung Quốc, cường quốc châu Phi » là trái với điều mọi người lầm tưởng, Trung Quốc đầu tư không nhiều vào châu Phi. Tại châu lục này, đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm có 2 % FDI trong lúc tỷ lệ này là 63 % tại châu Á và 5 % ở châu Âu. Điều đó chứng tỏ, trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, châu Phi không là một điểm đến an toàn, mà chỉ là một nguồn cung cấp nguyên liệu, một thị trường mua vào hàng hóa « made in China ».

Như Valérie Niquet vừa nêu, do tăng trưởng bị chựng lại, Trung Quốc đang khóa dần van tín dụng với các nước châu Phi. Các số liệu chính thức của nước này cho thấy năm 2016 Trung Quốc cho châu Phi vay 28 tỷ đô la, năm 2019 châu Phi chỉ còn nhận được 8 tỷ tín dụng, và đến 2022 thì chỉ còn có thể vay được 1 tỷ đô la của Bắc Kinh mà thôi.

Tiêu thụ nội địa yếu kém, sản xuất dư thừa : đó là những lý do khiến Bắc Kinh lại càng « rất cần » châu Phi như Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp IRIS ghi nhận, đặc biệt là vào thời điểm mà Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Hoa Kỳ « từng bước đóng cửa thị trường với Trung Quốc » : Châu Phi trở thành một thị trường tiềm năng để tiêu thụ pin mặt trời, bình điện và ô tô điện mà Trung Quốc không thể bán sang Âu Mỹ.

Châu Phi và nhu cầu tiêu thụ hàng cao cấp

Vào lúc trang thiết bị viễn thông của Hoa Vi đã bị cấm cửa tại Hoa Kỳ và một số nước trong Liên Âu thì tập đoàn này phải đi tìm những thị trường khác, với những nhu cầu khác về chất lượng, về mức cung cấp dịch vụ … Châu Phi vẫn cần phát triển các hệ thống cầu đường, cần có thêm cơ sở hạ tầng để mở mang kinh tế. Chuyên gia Valérie Niquet ghi nhận một thay đổi lớn về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi :

« Đúng là Trung Quốc đã đáp ứng những nhu cầu thực sự của châu Phi vào thời điểm mà châu lục này bị phương Tây bỏ quên. Nhất là sau chiến tranh lạnh, không còn mấy ai thiết tha với châu Phi hay quan tâm đến nhu cầu phát triển của khu vực này nữa. Dù vậy Trung Quốc chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có lợi cho họ. Những lĩnh vực đó gồm công nghệ viễn thông, đường sắt cao tốc … Giờ đây thì Bắc Kinh kỳ vọng rằng châu Phi là thị trường tiêu thu pin mặt trời, ô tô điện, bình điện … mà Trung Quốc sản xuất ».

Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 chuyên gia địa chính trị Xavier Aurégan có cùng quan điểm đồng thời ông nhấn mạnh đến mảng dịch vụ mà các tập đoàn Trung Quốc từ nhiều năm nay đã hướng tới :

« Trung Quốc dè dặt trong việc đầu tư vào châu Phi vì sợ rằng châu lục này có nhiều rủi ro, nhưng đã đẩy mạnh các hoạt động về thương mại với châu lục này và nhất là giành được nhiều hợp đồng bảo đảm dịch vụ cho châu Phi. Về kinh tế, mục tiêu của Bắc Kinh là gặt hái được nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ ở hải ngoại (...) Có một sự khác biệt giữa các khoản xuất nhập khẩu và các hợp đồng bảo đảm dịch vụ do các công ty Trung Quốc tiến hành. Đó là những công ty Nhà nước hay của tư nhân. Tại châu Phi, Trung Quốc giành được 1 phần 3 các hợp đồng xây dựng, tức là nắm giữ một phần lớn của toàn thị trường, xây dựng từ hải cảng đến xa lộ, bệnh viện, trường học … cho châu lục này ».

« Rế rách cũng đỡ nóng tay »

Trong những lĩnh vực công nghệ mới Trung Quốc đã vươn lên thành một cường quốc, và đang cần xuất khẩu những sản phẩm cao cấp. Châu Phi không chỉ là thị trường mua vào quần áo, hay tủ lạnh, máy vi tính của Trung Quốc, mà nay đã có điều kiện để nhắm tới ô tô điện hay mua vào thiết bị viễn thông cung cấp các dịch vụ internet trên cả một châu lục rộng lớn… 

Năm 2023 số lượng ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi đã được nhân lên gấp ba lần so với hồi 2022. Pin mặt trời « made in China » bán sang châu Phi tăng 57 % … theo các số liệu của Hải Quan Trung Quốc. Đương nhiên trong những địa hạt này, châu Phi không đủ « lớn » hấp dẫn như các ở châu Âu hay châu Mỹ nhưng đó là những giải pháp tạm thời cho phép cỗ máy công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục sản xuất và tạo công việc làm cho người lao động Trung Quốc.

Thị trường vũ khí của các nhà sản xuất Trung Quốc

Bên cạnh mảng « hàng công nghệ cao » châu Phi còn là « một sân chơi » của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc. Báo Hồng Kông South China Morning Post tháng 8/2023 ghi nhận Norinco, tập đoàn sản xuất vũ khí số 1 Trung Quốc « mở văn phòng đại diện » tại Senegal, trước khi « hiện diện thường trực » ở Mali, Côte d’Ivoire và nhiều nơi khác nữa tại Tây Phi.

Riêng trong vùng châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara, Trung Quốc đứng thứ nhì trong danh sách các nguồn cung cấp cho khu vực này. Năm 2023 Cộng Hòa Dân Chủ Congo trang bị drone của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã cung cấp không ít chiến dấu cơ cho châu Phi theo thông tin từ tạp chí ADF chuyên theo dõi các hồ sơ quân sự, quốc phòng tại châu Phi.

Zambia hiện đã trang bị trực thăng Trung Quốc, Soudan thì mua các hệ thống phóng rocket của Trung Quốc. Algérie là khách hàng quan trọng nhất của Bắc Kinh trên các thị trường mua bán vũ khí, đứng trên Tanzania, Maroc và Soudan.

Một nhà quan sát ghi nhận : Từ đầu thập niên 1980 Trung Quốc không trực tiếp tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào, nhưng nền công nghiệp quốc phòng của nước này không ngừng phát triển. Châu Phi là « sân chơi », là « phòng thí nghiệm » cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng về ngoại giao và chiến lược của Bắc Kinh đối với châu lục này vào lúc mà Bắc Kinh muốn hình thành một trật tự thế giới mới và lãnh đạo « khối các nước phương nam ».

Tất cả các yếu tố vừa nêu cho thấy, có lẽ ông Tập Cận Bình đã thành thật khi tuyên bố bang giao giữa Bắc Kinh và châu Phi « chưa bao giờ tốt đẹp như hiện tại ».


***********

Lũ lụt đe dọa nhấn chìm miền Bắc, Việt Nam đề nghị Trung Quốc ngưng xả lũ


Mưa lũ sau bão Yagi gây ngập lụt ở tỉnh Bắc Giang.
Mưa lũ sau bão Yagi gây ngập lụt ở tỉnh Bắc Giang.

Hàng trăm người chết và mất tích khi nước lũ các sông ở miền Bắc Việt Nam dâng cao, có nguy cơ nhấn chìm các tỉnh, trong đó có thủ đô Hà Nội, trong khi Việt Nam vừa cấp tốc đề nghị Trung Quốc ngưng xả lũ trên sông Hồng, theo tìm hiểu của VOA.

Hà Nội đã bị ngập lụt ở nhiều nơi và đang đối mặt nguy cơ ngập trên diện rộng sau khi nước sông Hồng dâng cao đến mức báo động 1, đài truyền hình Hà Nội cho biết. Hình ảnh trên đài truyền hình này cho thấy nhiều hộ dân khu vực ven sông Hồng ở huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Sóc Sơn… đã bị ngập lụt với hàng trăm hectare hoa màu bị chìm trong biển nước.

Ba ngày sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam hôm 7/9, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng trên khắp miền bắc, khiến nước các con sông lớn dâng cao, gây ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy nước các con sông chảy cuồn cuộn ngấp nghé đến mặt cầu.

Đến trưa ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã ban bố lệnh báo động cấp độ 1 sau khi mực nước sông Hồng lên mức 9,5 mét, theo tin từ Thông tấn xã Việt Nam.

Ngay trong đêm 9/9, chính quyền phường Phúc Xá, quận Tây Hồ, đã phải khẩn cấp di dời 4 hộ dân với 9 nhân khẩu trên bãi giữa sông Hồng trong khi nhiều hộ gia đình ven sông ở các huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đã phải chạy lũ trong đêm, cũng theo hãng tin Nhà nước Việt Nam.

Trên mạng xã hội cũng đã lan truyền thông tin vỡ đê ở huyện Sóc Sơn, tuy nhiên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã bác bỏ thông tin này.

Trong lúc này, các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã công bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ và sạt lở đất, Thanh Niên đưa tin.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết thành phố Yên Bái và nhiều địa phương của tỉnh chìm trong biển nước, nhiều phường, xã bị cô lập, giao thông chia cắt với hơn 10.000 ngôi nhà bị ngập. Còn tại Lào Cai, mưa lớn trên diện rộng đã gây sạt lở ở nhiều nơi và khiến nước sông, suối lên nhanh có nguy cơ gây lũ quét, theo VTV.

Tới ngày 10/9, đã có gần 40 người chết và mất tích ở Yên Bái do sạt lở đất, theo Tuổi Trẻ, còn ở Lào Cai, một trận lũ quét vào sáng ngày 10/9 đã vùi lấp gần 130 người ở huyện Bảo Yên làm 56 người chết và mất tích, trang VnExpress đưa tin.

Trước đó, thành phố Thái Nguyên tại tỉnh Thái Nguyên cũng bị ngập lụt khi nước sông Cầu dâng cao. Một người dân ở đây đã nói với VOA rằng nhiều người dân vùng lũ bị mắc kẹt trong điều kiện không có điện, nước và thông tin liên lạc.

Còn tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Tuyên Quang, Bắc Giang, nước các con sông cũng lên nhanh gây lũ cuốn khiến có người dân thiệt mạng, theo Tuổi Trẻ.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc và trao đổi với đại biện lâm thời nước này tại Hà Nội để đề nghị Bắc Kinh có những biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt gây ngập úng tại hạ du sông Hồng, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và lãnh sự quán tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, cũng đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sở Ngoại vụ tỉnh Vân Nam về việc kiểm soát việc xả lũ ở thượng nguồn sông Hồng ở tỉnh Vân Nam.

Phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc giảm hoặc đóng cửa xả tại các đập thủy điện ở thượng nguồn, đồng thời nếu có xả lũ thì cần thông báo kịp thời thời điểm, thời gian và lưu lượng xả lũ, Tuổi Trẻ cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vào trưa ngày 10/9 đã đi thị sát tình hình ở tỉnh Bắc Giang và chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh bị thiên tai để bàn về công tác ứng phó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin.

Ông đã yêu cầu các lực lượng quân đội, công an huy động tất cả phương tiện và lực lượng, kể cả trực thăng, để cứu trợ người dân.


*********

Tòa Án châu Âu phạt hai tập đoàn Mỹ Apple và Google hàng tỉ euro

Trọng Thành

Hôm nay, 10/09/2024, Tòa Án Công Lý Châu Âu - có trụ sở tại Luxembourg - ra phán quyết  cuối cùng – không thể kháng án – buộc tập đoàn công nghệ Mỹ Apple phải trả cho Irland 13 tỉ euro tiền thuế nộp thiếu, do được Nhà nước tài trợ bất hợp pháp. Tập đoàn Google bị Tòa Án Công Lý Châu Âu phạt 2,4 tỉ euro về tội ‘‘lạm dụng vị thế độc quyền’’.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, sau hai phán quyết của Tòa Án Công Lý Châu Âu, ủy viên châu Âu phụ trách Cạnh tranh, Margrethe Vestager, khẳng định đây là ‘‘một chiến thắng của luật chơi công bằng và luật pháp về thuế’’, ‘‘một thắng lợi của Ủy Ban Châu Âu’’ và ‘‘một chiến thắng lớn với người dân châu Âu’’.

Vụ kiện Apple bắt đầu từ năm 2016. Ủy Ban Châu Âu cáo buộc tập đoàn nhãn hiệu quả táo đã chỉ phải nộp những khoản thuế rất thấp, ‘‘từ 1% năm 2003 đến 0,005% vào năm 2014’’ trong tổng doanh thu tại châu Âu, và đòi Apple phải hoàn trả 13 tỉ euro cho chính quyền Ireland. Năm 2020, một toà án sơ thẩm của Liên Hiệp Châu Âu đã bác bỏ quyết định của Ủy Ban Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu đã khiếu nại phúc thẩm. Năm 2023, theo khuyến nghị của luật sư Giovanni Pitruzzela, Tòa Án Công Lý Châu Âu đã xem lại vụ kiện này. Chính quyền Ireland cho biết ‘‘sẽ tuân thủ’’ phán quyết của Tòa Án Công Lý Châu Âu.

Về vụ Google, Ủy Ban Châu Âu đã mở điều tra từ năm 2010, sau khi Google bị cáo buộc đã thao túng kết quả tìm kiếm trên mạng để tạo điều kiện cho trang mạng so sánh giá cả của Google, Google Shopping, lấn át hoàn toàn các đối thủ cạnh tranh. Google sau đó đã buộc phải thay đổi việc quy tắc đăng tải các kết quả tìm kiếm, theo các đòi hỏi của châu Âu, nhưng khiếu nại lên Tòa Án Công Lý Châu Âu yêu cầu hủy trừng phạt theo phán quyết của tòa sơ thẩm hồi 2021
***********

Hoa Kỳ và Anh cáo buộc Iran gửi tên lửa cho Nga để sử dụng ở Ukraine

AP

Hoa Kỳ và Anh hôm 10/9 chính thức cáo buộc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine và cho biết họ sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt những bên liên quan.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, phát biểu cùng với Ngoại trưởng Anh David Lammy trong chuyến thăm London và cho biết các lệnh trừng phạt sẽ được công bố vào cuối ngày 10/9.

"Nga hiện đã nhận được các lô hàng tên lửa đạn đạo này và có khả năng sẽ sử dụng chúng trong vòng vài tuần nữa ở Ukraine, nhắm vào người Ukraine", ông Blinken nói. "Việc cung cấp tên lửa của Iran cho phép Nga có nhiều vũ khí hơn cho các mục tiêu xa hơn so với tiền tuyến".

Ông Blinken phát biểu như vậy khi ông và ông Lammy đang chuẩn bị thực hiện chuyến thăm chung vào ngày 11/9 tới Ukraine, nơi họ sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và các quan chức cấp cao khác để thảo luận về việc tăng cường khả năng phòng thủ của nước này. Điện Kremlin đang cố gắng đẩy lùi cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine, vốn đã chiếm hàng trăm dặm lãnh thổ ở khu vực Kursk của Nga.

Những cáo buộc về tên lửa của Iran có thể khiến ông Zelenskyy mạnh dạn hơn nữa trong việc gia tăng áp lực lên Hoa Kỳ và các đồng minh khác để cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong nước Nga và tấn công các địa điểm mà Moscow tiến hành các cuộc tấn công trên không.

Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine bắn tên lửa do Hoa Kỳ cung cấp qua biên giới vào Nga để tự vệ nhưng phần lớn hạn chế khoảng cách vì lo ngại về việc xung đột sẽ leo thang hơn nữa.

Điều đó không ngăn cản Ukraine sử dụng vũ khí của chính mình để tấn công các mục tiêu sâu hơn ở Nga, tiến hành một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào lãnh thổ Nga hôm 10/9 trong cuộc chiến kéo dài 2 năm rưỡi nhắm vào nhiều khu vực bao gồm cả Moscow.

Chuyến thăm chung hiếm hoi tới Kyiv đã được thông báo trước một cách bất thường, như một tín hiệu công khai về sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Anh đối với Ukraine trước khả năng là một mùa đông tàn khốc vì các cuộc tấn công của Nga. Tiếp theo là cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 13/10 giữa ông Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer, với chương trình nghị sự là hỗ trợ cho quốc phòng của Ukraine.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có cho phép vũ khí mà họ cung cấp tấn công các mục tiêu ở Nga hay không, ông Blinken nói rằng mọi hoạt động sử dụng vũ khí đều cần phải liên kết với một chiến lược.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng một mục tiêu của chuyến thăm chung trong tuần này "là lắng nghe trực tiếp từ giới lãnh đạo Ukraine, bao gồm cả... Tổng thống Zelenskyy, về chính xác cách người Ukraine nhìn nhận nhu cầu của họ vào thời điểm này, hướng tới mục tiêu nào và chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ những nhu cầu đó".

"Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là chúng tôi sẽ chăm chú lắng nghe các đối tác Ukraine, cả hai chúng tôi sẽ báo cáo lại với thủ tướng, với Tổng thống Biden trong những ngày tới và tôi kỳ vọng đây là điều họ sẽ trao đổi khi họ gặp nhau vào thứ Sáu (13/9)", ông nói.

Tin tức về các vụ chuyển giao tên lửa từ Iran bắt đầu xuất hiện vào cuối tuần qua với các thông tin cho biết tình báo Hoa Kỳ chỉ ra rằng chúng đang được tiến hành, theo tin từ những người nắm vấn đề này cho biết với điều kiện giấu tên.

Ông Lammy gọi các vụ chuyển giao tên lửa là một phần của "một mô thức đáng lo ngại mà chúng ta đang thấy. Đây chắc chắn là một sự leo thang đáng kể".

Iran đã phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga để tiến hành chiến tranh ở Ukraine.

“Iran coi việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho các bên tham gia vào cuộc xung đột – vốn dẫn đến gia tăng thương vong về người, phá hủy cơ sở hạ tầng và xa rời các cuộc đàm phán ngừng bắn – là vô nhân đạo”, theo một tuyên bố gần đây từ phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã cảnh báo Iran trong nhiều tháng không được chuyển tên lửa đạn đạo cho Nga.

Giám đốc CIA William Burns, người đã có mặt tại London hôm 7/9 để tham dự cuộc họp chung với người đồng cấp tình báo Anh, đã cảnh báo về mối quan hệ quốc phòng đang phát triển và "đáng lo ngại" liên quan đến Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên mà ông cho là đe dọa cả Ukraine và các đồng minh phương Tây ở Trung Đông.


**********

Reuters: Hãng năng lượng tái tạo hàng đầu Enel sẽ rời khỏi Việt Nam 


Logo tập đoàn năng lượng Enel của Italy.
Logo tập đoàn năng lượng Enel của Italy.

Tập đoàn Enel của Italy đang chuẩn bị rời khỏi Việt Nam, ba người am hiểu về vấn đề này nói với Reuters. Đây sẽ là diễn biến mới nhất của một công ty phương Tây rút khỏi các dự án năng lượng tái tạo ở một quốc gia đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các kế hoạch khử cacbon.

Tập đoàn điện lực Italy cho biết vào năm 2022 họ muốn đầu tư vào các nhà máy sản xuất tới 6 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo ở Việt Nam mà không nêu rõ loại nào nhưng lưu ý tiềm năng của nước này về năng lượng gió và mặt trời.

Hai trong số những người nói trên cho biết động thái này là một phần trong kế hoạch tái tổ chức rộng rãi hơn hoạt động kinh doanh toàn cầu của Enel.

Không rõ liệu việc rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này có được công bố hay không và khi nào. Tập đoàn dự kiến sẽ trình bày kế hoạch chiến lược hàng năm vào tháng 11 tới.

Enel từ chối bình luận. Các nguồn không muốn nêu tên vì thông tin không được công khai.

Bộ công nghiệp Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.

Enel do nhà nước kiểm soát là một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào năng lượng tái tạo nhưng kể từ khi CEO Flavio Cattaneo nắm quyền vào năm ngoái, tập đoàn này đã chuyển trọng tâm sang cơ sở hạ tầng lưới điện và cam kết dành một phần đáng kể đầu tư trong nước và giảm tiếp xúc với quốc tế.

Việc Enel rời khỏi Việt Nam sẽ là đòn giáng mới nhất vào chiến lược năng lượng của quốc gia Đông Nam Á này, vốn xoay quanh việc tăng cường đầu tư vào năng lượng được tạo ra từ năng lượng tái tạo và khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Tháng trước, Reuters đưa tin công ty Equinor của Na Uy đã hủy kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực gió ngoài khơi của Việt Nam, trong khi Orsted của Đan Mạch cho biết năm ngoái họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi lớn ở nước này.

Theo trang web của Enel, chi nhánh năng lượng tái tạo của Enel, Enel Green Power, quản lý hơn 1.300 nhà máy và có khoảng 64 GW công suất tái tạo được lắp đặt trên toàn thế giới.

Trong số 6 GW công suất mà Enel dự định lắp đặt tại Việt Nam, có khoảng 1 GW “đã ở giai đoạn nâng cao” vào giữa năm 2022, với nhà máy điện đầu tiên chưa xác định dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay, theo trang web của công ty về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Enel không bình luận về tình trạng các dự án của họ tại Việt Nam.


*******

in thế giới 11-9: Ông Biden 'mách nước' cho bà Harris đấu ông Trump; Israel bao vây đoàn xe LHQ

THANH HIỀN

Mỹ sẽ nới lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tấm xa?

Theo Hãng tin Reuters, ngày 10-9, khi được hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ lệnh hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc xung đột với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông "đang giải quyết vấn đề đó".

Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp hoặc chấp thuận cho Ukraine sử dụng các loại vũ khí có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga vì lo ngại sẽ làm leo thang thêm xung đột.

Các đồng minh khác của Kiev đã cung cấp vũ khí nhưng với những hạn chế về cách thức và thời điểm có thể sử dụng các vũ khí này tấn công bên trong nước Nga.

Ukraine dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran

Ngày 10-9, Ukraine tuyên bố có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran nếu Nga sử dụng tên lửa đạn đạo mà Kiev cáo buộc do Iran cung cấp để tấn công Ukraine.

Ukraine cho biết sẽ có hậu quả tàn khốc trong quan hệ song phương với Iran nếu các cáo buộc chuyển giao vũ khí được xác nhận.

"Tôi sẽ không nói chính xác vào lúc này rằng hậu quả tàn khốc có nghĩa là gì để không làm suy yếu lập trường ngoại giao của chúng tôi. Nhưng tôi có thể nói rằng mọi phương án, bao gồm cả lựa chọn [cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran], đều đang được xem xét", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhiy Tykhyi nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga đã nhận tên lửa từ Iran và Matxcơva dự kiến sẽ sử dụng vũ khí trong những tuần tới.

Iran đã phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga. Trong khi đó Điện Kremlin vẫn chưa lên tiếng về cáo buộc của ông Blinken.

Đoàn xe Liên Hiệp Quốc bị lực lượng Israel bao vây ở Gaza

Một đoàn xe bọc thép được đánh dấu là của Liên Hiệp Quốc ở Gaza đã bị lực lượng Israel bao vây và chĩa súng vào hôm 9-9, khi Israel tìm cách thẩm vấn hai nhân viên của Liên Hiệp Quốc, Hãng tin Reuters đưa tin ngày 10-9.

Tin thế giới 11-9: Tâm trạng của ông Biden trước cuộc đấu Trump - Harris; Xe LHQ ở Gaza bị bao vây - Ảnh 3.

Người dân Palestine đi qua những đống đổ nát và một xe Liên Hiệp Quốc ở Khan Yunis, Gaza - Ảnh: AFP

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết đoàn xe đang trên đường hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc xin bại liệt cho hàng ngàn trẻ em Palestine. Đoàn xe đã bị chặn lại tại một trạm kiểm soát nối miền trung và bắc Gaza.

Ông Dujarric cho biết binh sĩ Israel muốn thẩm vấn hai nhân viên người Palestine. Tình hình leo thang nhanh chóng và binh sĩ Israel đã chĩa vũ khí thẳng vào nhân viên Liên Hiệp Quốc. Đoàn xe của Liên Hiệp Quốc đã "bị lực lượng Israel bao vây và nổ súng".

"Sau đó, xe tăng và xe ủi của IDF tiếp cận đoàn xe, đâm vào xe của Liên Hiệp Quốc từ phía sau và phía trước, ép chặt đoàn xe trong khi nhân viên Liên Hiệp Quốc vẫn còn bên trong", ông Dujarric nói.

Ông nhấn mạnh vụ việc là những ví dụ mới nhất về "những nguy hiểm và trở ngại không thể chấp nhận được mà các nhân viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc phải đối mặt".

Khi được yêu cầu phản hồi về vụ việc, quân đội Israel cho biết đoàn xe đã bị chặn sau khi họ nhận được tin tình báo về việc có một số "nghi phạm người Palestine" trên xe và họ muốn thẩm vấn.

"Chúng tôi nhấn mạnh rằng đoàn xe này là để luân chuyển nhân sự của Liên Hiệp Quốc, chứ không phải là đoàn xe chở vắc xin bại liệt. Lực lượng an ninh Israel đã thẩm vấn các nghi phạm tại hiện trường và sau đó thả họ. Đoàn xe đã quay trở lại phía nam Dải Gaza", quân đội cho biết.

Israel tuyên bố sẽ chuyển trọng tâm sang biên giới với Lebanon

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 10-9 cho biết lực lượng nước này sắp hoàn thành nhiệm vụ tại Gaza và trọng tâm của họ sẽ chuyển sang biên giới phía bắc với Lebanon, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah diễn ra hằng ngày.

"Trọng tâm đang dịch chuyển về phía bắc, chúng ta sắp hoàn thành nhiệm vụ ở phía nam, nhưng nhiệm vụ của chúng ta ở đây vẫn chưa hoàn thành", ông Gallant nói với quân đội ở biên giới phía bắc của Israel trong một video do văn phòng của ông cung cấp.

Cùng ngày, lực lượng Israel cho biết đã tiêu diệt một chỉ huy lực lượng Radwan của Hezbollah. Trong khi đó, Hezbollah tuyên bố đã bắn rocket vào các mục tiêu quân sự Israel bên kia biên giới để trả đũa.

Ông Sergei Shoigu hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Hãng tin Reuters dẫn Hãng thông tấn RIA (Nga) cho biết Thư ký Hội đồng an ninh Nga Sergei Shoigu đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại St Petersburg vào hôm 10-9, bên lề cuộc họp an ninh giữa các quốc gia thành viên BRICS.

Ông Shoigu bày tỏ sự hoan nghênh với việc ông Vương Nghị tham dự cuộc họp an ninh, mong đợi hợp tác hiệu quả và "liên lạc chặt chẽ truyền thống" với Trung Quốc về nhiều vấn đề an ninh quốc tế và khu vực.

Phơi cao lương

Tin tức thế giới 11-9:  - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp ngày 9-9 cho thấy người dân đang phơi khô cao lương tại một ngôi làng ở thành phố Trùng Khánh nằm ở tây nam Trung Quốc - Ảnh: AFP


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Ba, 08 Tháng Mười 20246:36 SA
Chủ Nhật, 06 Tháng Mười 20241:00 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Mười 20247:06 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Mười 20246:56 SA
Thứ Năm, 03 Tháng Mười 20246:52 SA
Thứ Ba, 01 Tháng Mười 20247:02 SA
Thứ Hai, 30 Tháng Chín 20245:49 SA
Chủ Nhật, 29 Tháng Chín 20246:08 SA
Thứ Bảy, 28 Tháng Chín 20247:30 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo