Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 24 - 7 -2024

Thứ Tư, 24 Tháng Bảy 20244:35 SA(Xem: 1282)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 24 - 7 -2024
Hoaluc 4*********
rfi.fr

Pháp: Tổng thống Macron bác ứng viên thủ tướng của cánh tả

Trọng Thành

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối hôm qua, 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ vòng hai bầu cử Hạ Viện Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định chỉ bổ nhiệm chính phủ mới sau khi Thế Vận Hội kết thúc vào ‘‘giữa tháng 8’’. Tổng thống Macron cũng bác ứng viên thủ tướng của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP), vừa được đề xuất trước đó một giờ, với lý do NFP không có được ‘‘đa số’’ ở Hạ Viện mới.

Đăng ngày:

2 phút

Ngay trước cuộc phỏng vấn tổng thống Macron, liên minh NFP - bao gồm ba đảng cánh tả, đảng Xã Hội, đảng Xanh, đảng Cộng Sản và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - đã đề xuất bà Lucie Castets, 37 tuổi, một công chức cao cấp, phụ trách tài chính của tòa đô chính Paris, làm ứng viên thủ tướng. Theo AFP, đây là một diễn biến gây bất ngờ vì trước quyết định này, 16 ngày sau bầu cử, liên minh cánh tả vẫn bế tắc trong việc tìm ra tiếng nói chung.

Trả lời phỏng vấn hôm qua, tổng thống Macron giải thích không có liên minh nào tại Hạ Viện Pháp, ‘‘từ Mặt Trận Bình Dân Mới đến liên minh các đảng thuộc phe tổng thống, cũng như cánh hữu cộng hòa’’, có đủ đa số để ‘‘thực thi các cam kết tranh cử’’ của phe mình. Nguyên thủ quốc gia Pháp nhấn mạnh là các đảng phái thuộc Mặt Trận Cộng Hòa, từng đoàn kết chống lại phe cực hữu giữa hai kỳ bầu cử lập pháp, giờ đây có trách nhiệm tìm kiếm ‘‘các thỏa hiệp’’, để có thể thông qua những cải cách và ngân sách.

Ông Macron lưu ý thủ tướng tương lai sẽ phải là người ‘‘đoàn kết rộng rãi nhất’’ để tân chính phủ có được ‘‘sự ổn định’’‘‘khả năng hành động’’, đồng thời cho biết chính phủ ‘‘xử lý thường vụ’’ hiện nay sẽ được duy trì ít nhất đến giữa tháng 8, và ưu tiên hiện nay là tránh ‘‘mọi rối loạn’’ trong thời gian Thế Vận Hội Paris.

Cánh tả phẫn nộ

Theo hãng tin Anh Reuters, liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã phẫn nộ sau phát biểu của tổng thống Macron. Nhiều chính trị gia thuộc liên minh cánh tả đã lên án tổng thống phủ nhận ‘‘luật chơi dân chủ’’ (déni démocratique) và không chịu trách nhiệm về quyết định của ông giải tán Quốc Hội ngay trước thềm Thế Vận Hội, với hệ quả là phe tổng thống mất ‘‘đa số tương đối’’.

Điều phối viên toàn quốq của đảng Nước Pháp Bất Khuất trong liên minh NFP, dân biểu Manuel Bompard, lên án thái độ "thô bạo" của tổng thống, ‘‘gạt bỏ thẳng thừng’’ ứng viên thủ tướng của cánh tả. Trên đài France Inter, ứng viên thủ tướng được đề nghị Lucie Castets khẳng định liên minh cánh tả rõ ràng không có ‘‘được đa số tuyệt đối’’, nhưng kết quả bầu cử cho thấy ‘‘cử tri bác bỏ chính sách của chính phủ tiền nhiệm’’.


**********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(Reuters) – Việt Nam : Cựu thứ trưởng bộ Tài Nguyên và Môi Trường bị bắt vì những sai phạm trong quản lý khai thác đất hiếm. Theo thông cáo hôm qua, 22/07/2024, của bộ Công An Việt Nam, ông Nguyễn Linh Ngọc cùng bốn quan chức cấp cao khác đã bị bắt giữ với cáo buộc “cố ý vi phạm các quy định quản lý kinh tế nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”. Thông cáo được đưa ra sau khi công an mở rộng điều tra vụ công ty Thái Dương Group khai thác và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng. Các quan chức cấp cao của công ty này cũng bị cáo buộc giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng trong giao dịch đất hiếm.

(AFP) – Đài Loan giảm bớt quy mô của cuộc thao dượt quân sự hàng năm vì bão Gaemi. Cuộc tập trận bắn đạn thật hàng năm Han Kuang, bắt đầu từ hôm 22/07/2024 và kéo dài năm ngày, đã bị thu hẹp quy mô, do điều kiện thời tiết, theo như thông cáo của bộ Quốc Phòng Đài Loan. « Tác động của bão rõ ràng hơn ở phía đông và chúng tôi sẽ điều chỉnh một số cuộc thao dượt hải quân và không quân tùy theo diễn biến của cơn bão ». Bão Gaemi, kéo theo mưa lớn với sức gió lên đến 144km/h, dự kiến đổ bộ vào phía đông bắc hòn đảo vào ngày mai.

(Reuters) – Bangladesh : Thủ tướng phê chuẩn phán quyết loại bỏ hạn ngạch tuyển công chức nhà nước sau nhiều ngày biểu tình bạo loạn. Tòa án Tối cao Bangladesh đã đồng ý loại bỏ hầu hết hạn ngạch và thủ tướng Sheikh Hasina đã phê chuẩn phán quyết này vào cuối ngày hôm qua, 22/07/2024. Trước đó, nhiều cuộc biểu tình của sinh viên đã nổ ra nhằm yêu cầu chính phủ hủy bỏ việc khôi phục hệ thống hạn ngạch, dành gần 30% các vị trí trong chính phủ cho con cái của những người đấu tranh cho nền độc lập của Bangladesh. Các vụ bạo động đã khiến ít nhất 150 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Chính phủ Bangladesh đã ban hành lệnh giới nghiêm, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ và thậm chí nổ súng vào những sinh viên biểu tình.

(AFP) – Các phong trào Palestine ký thỏa thuận “đoàn kết dân tộc” sau cuộc gặp tại Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hôm nay 23/07/2024, thông báo 14 phe phái của Palestine, trong đó có hai phe chính là Hamas và Fatah, đã cam kết “hòa giải” và thống nhất thành lập “một chính phủ hòa giải dân tộc” nhằm quản lý Gaza thời hậu chiến.

(AFP) – Ukraina dùng drone tấn công một tàu ở eo biển Kertch. Chính quyền vùng Crimée, bị Nga sáp nhập từ 2014, cho biết drone của Ukraina đã tấn công một chiếc phà, gây ra hỏa hoạn, nhiều người bỏ mạng và bị thương. Chiếc phà này phụ trách vận chuyển giữa Nga và bán đảo Crimée, bị tấn công khi đang ở trong cảng Kavkaz, trong vùng eo biển Kertch, khu vực được cho là được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt. Kiev gần đây cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng drone nhắm vào nhà máy lọc dầu Tuapse của Nga ở Krasnodar. Mặc dù đang có đà tiến tại Hắc Hải, Ukraina dường như gặp khó khăn tại chiến trường miền đông. Hôm nay, quân Nga tuyên bố đã « giải phóng » thêm làng Ivano-Darivka ở vùng Donetsk. Matxcơva cũng đưa ra thông báo gần như hàng ngày về số lượng drone của Ukraina bị tiêu diệt.

(AFP) – Lính đánh thuê người Nhật bỏ mạng ở chiến trường Ukraina. Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, cho biết hôm nay, 23/07/2024, một công dân của nước này, 29 tuổi, đã rời khỏi Nhật, đi chiến đấu cùng quân đội Nga và bỏ mạng tại vùng Donestk ở Ukraina. Tokyo không cung cấp thông tin chi tiết, mà chỉ cho biết Nga đã thông báo tin này cho sứ quán Nhật Bản từ tháng 6. Nga được cho là đã tuyển nhiều lính đánh thuê từ các nước khác để bổ sung lực lượng, đặc biệt là các nước Nam Á. Khoảng 280 lính đánh thuê Sri Lanka đã được quân đội Nga tuyển dụng. Ít nhất 16 lính đánh thuê người Sri Lanka và 22 người Nepal đã bỏ mạng trong cuộc xung đột.

(AFP) – Nhật Bản tìm thấy xác của hai chiếc trực thăng bị mất tích cách nay 3 tháng. Hôm qua, 22/07/2024, Hải Quân Nhật Bản thông báo đã xác định được vị trí của xác hai chiếc trực thăng quân sự SH-60K và tìm được một thi thể duy nhất, 7 thành viên còn lại vẫn mất tích và được cho là cũng đã bỏ mạng. Vào tháng 04/2024, hai chiếc trực thăng tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm đã gặp tai nạn, được cho là va vào nhau ở ngoài khơi quần đảo Izu, Thái Bình Dương. Bộ Quốc Phòng Nhật cho biết hai chiếc trực thăng đã không thể kiểm soát được độ cao. Nhiều vụ tai nạn tương tự của quân đội Nhật Bản đã xảy ra, chẳng hạn như vào tháng 4/2023, một chiếc trực thăng quân sự mẫu UH-60JA đã rơi xuống biển ở vùng Okinawa, khiến 10 người bỏ mạng.

(AFP) – Colombia thông qua luật cấm đấu bò. Hôm qua, tổng thống Colombia Gustavo Petro đã thông qua luật có tên gọi No more +Olé+, cấm đấu bò tại quốc gia Nam Mỹ này. Luật sẽ có hiệu lực từ năm 2027, cấm các trận đấu bò trên toàn quốc. Các đấu trường có thể được chuyển đổi thành không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trước phán quyết của Tòa Bảo Hiến từ năm 2018, cho phép tổ chức các trận đấu bò, coi đây là một hoạt động truyền thống văn hóa, tổng thống Colombia khẳng định « không thể nói đó là văn hóa khi giết hại giết hại động vật để mua vui ». Luật này đã được nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoan nghênh. Không chỉ Colombia, nhiều nước Nam Mỹ khác như Brazil, Achentina, Uruguay và Chilê cũng đã ra lệnh cấm đấu bò.


************

Thế giới vừa trải qua ngày nóng nhất lịch sử

Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), ngày 21-7 vừa qua là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.

Các nhà khoa học nhận định các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn - Ảnh: AFP

Các nhà khoa học nhận định các đợt nắng nóng xảy ra ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn - Ảnh: AFP

Cụ thể, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đo được vào ngày 21-7 vừa qua là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua là 17,08 độ C.

Theo C3S, kể từ tháng 6-2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Riêng tháng 6 vừa qua ghi nhận nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu là 16,66 độ C - nóng nhất từ trước đến nay.

Một số nhà khoa học cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm ngoái trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy trong năm 2024 này.

Trong tuần qua, các đợt nắng nóng đã thiêu đốt nhiều vùng rộng lớn ở Mỹ, châu Âu và Nga, đồng thời làm tăng nguy cơ cháy rừng diện rộng.

Theo Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, nhiệt độ cao đã góp phần gây ra cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp, cũng như dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.

"Gần như cứ mỗi 10 phút lại có một đám cháy mới bùng phát", báo Independent dẫn lời một người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Hy Lạp. Người này nói thêm rằng họ đang phải vật lộn với hàng loạt đám cháy.

Theo Hill (Mỹ), nắng nóng khắc nghiệt là thảm họa gây chết người hàng đầu trong các thảm họa khí hậu.

Trong năm nóng nhất lịch sử 2023, hơn 2.300 người Mỹ đã chết vì nhiệt độ cao, cùng với đó là hơn 70% người lao động toàn cầu phải đối mặt với các nguy cơ do thời tiết nóng khắc nghiệt
*****

Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình

Chi Phương

Hôm nay 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh xảy ra, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đến Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Nga, để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Kiev và Matxcơva.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ukraina, được AFP trích dẫn, chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm 4 ngày của ngoại trưởng Dmytro Kouleba là « tìm cách chấm dứt cuộc xâm lược của Nga, cũng như bàn về vai trò của Trung Quốc để đạt được một nền hòa bình lâu dài ».

Trả lời báo giới hôm nay, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hai bên sẽ « tập trung thảo luận về hợp tác Trung Quốc – Ukraina và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.». Phát ngôn viên này tuyên bố: « Trung Quốc cũng luôn tin rằng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngưng bắn và tìm kiếm một giải pháp chính trị là có lợi cho tất cả các bên».

Chuyến thăm diễn ra sau khi NATO nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Matxcơva và một tuần sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tỏ ý muốn đàm phán hòa bình với Matxcơva, muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina trong tương lai. Hồi tháng Sáu vừa qua, một hội nghị hòa bình cho Ukraina đã được tổ chức ở Thụy Sĩ, với sự tham dự của nhiều quốc gia, nhưng Nga không được mời và Trung Quốc cũng không đến dự.

Theo ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu (Centre Carnegie Russie Eurasie), trả lời AFP, có khả năng ngoại trưởng Ukraina sẽ cố thuyết phục Trung Quốc tham gia vào hội nghị hòa bình thứ hai cho Ukraina. Trung Quốc đã đặt điều kiện: Nếu muốn Bắc Kinh tham dự thì hội nghị đó phải có sự tham gia của tất cả các bên và phải « thảo luận đúng đắn về mọi kế hoạch hòa bình », tức là bao gồm cả lập trường của Nga.

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình coi Vladimir Putin là « bạn thân », chưa từng lên án cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời vẫn lên án NATO « phớt lờ » các lo ngại về an ninh của Matxcơva.

Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc là vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Matxcơva. Các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là vẫn bán các sản phẩm dân dụng và quân dụng, bao gồm cả những linh kiện cần thiết cho sản xuất quân sự của Nga. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc nói trên, nhưng Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã ban hành trừng phạt đối với những doanh nghiệp Trung Quốc có liên can.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, qua chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng « mối quan tâm của Ukraina » đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.


************
rfi.fr

Thế vận hội Paris 2024: Pháp khẳng định chào đón phái đoàn Israel

Minh Phương

Hôm qua, 22/07/2024, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné tuyên bố đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel để tái khẳng định Pháp “đảm bảo an ninh cho đoàn Israel” tham gia Thế vận hội Paris sau làn sóng phản đối kịch liệt của các nghị sĩ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI). Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine cũng đã tụ tập vào cuối tuần trước và tuyên bố không chào đón các vận động viên Israel tại Thế vận hội.

Đăng ngày:

3 phút

Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin cũng đã thông báo rằng toàn bộ các thành viên đoàn Israel sẽ “được cảnh sát Pháp bảo vệ 24 giờ trên 24 (…) bao gồm cả các trọng tài”. Bộ trưởng Darmanin lên án những bình luận mới đây của ông Thomas Portes, nghị sĩ đảng Nước Pháp Bất Khuất.

Trước đó hôm thứ Bảy, trong một cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine, dân biểu Portes đã tuyên bố rằng các vận động viên Israel không được chào đón tại Olympic Paris và kêu gọi những người ủng hộ tập hợp lại để phản đối đoàn Israel. Ông cũng kêu gọi chính quyền Pháp “gây áp lực [lên Ủy ban Olympic quốc tế, để quốc kỳ và quốc ca của Israel không được sử dụng trong Thế vận hội kỳ này, như đã làm với Nga.”

Cùng quan điểm trên, nghị sĩ Aymeric Caron tại Hạ Viện cho rằng “lá cờ Israel nhuốm máu của những người dân vô tội ở Gaza” không nên xuất hiện ở Thế vận hội Paris. Còn nữ nghị sĩ Mathilde Panot thì nhắc lại rằng từ “năm 1962 đến năm 1992, Nam Phi không có quyền tham gia Thế vận hội Olympic vì chính sách phân biệt chủng tộc”. Do đó, bà tin rằng “Thế vận hội, trong suốt chiều dài lịch sử, luôn được sử dụng như một cách để thúc đẩy đình chiến cho các cuộc xung đột trên thế giới".

Ngược lại, Yonathan Arfi, chủ tịch Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái của Pháp (CRIF), đã lên án những phát biểu của ông Portes và gọi đây là những lời lẽ “vô trách nhiệm”. Ông nói : “Kể từ hôm 07/10, Thomas Portes đã hợp pháp hóa Hamas. Bây giờ ông ấy lại nhắm mục tiêu vào các vận động viên Israel, vốn là những người bị đe dọa nhiều nhất trong Thế vận hội.” Cựu nghị sĩ đảng Xã Hội (PS) Julien Dray thì gọi Thomas Portes là “kẻ phá hoại”. Trên mạng X, ông Dray tố cáo rằng Portes chỉ muốn “kích động hận thù và bạo lực. (…) đối với ông ta, mọi người Israel, mọi người Do Thái đều là kẻ thù!”

Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Olympic Palestine thông báo đã chính thức yêu cầu Ủy ban Olympic Quốc tế “loại trừ ngay lập tức Israel khỏi Thế vận hội Paris 2024”, do Israel đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và tiến hành "các vụ đánh bom ở Gaza gây thương vong cho dân thường", đồng thời nêu lên việc "Ủy ban Olympic Quốc tế đã đình chỉ thi đấu đối với các đội tuyển Nga để đáp lại cuộc xâm lược tại Ukraina".


**********

Giáo hoàng gửi điện chia buồn về sự qua đời của ông Nguyễn Phú Trọng

VOA Tiếng Việt

Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ lời chia buồn về sự ra đi của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đánh giá cao vai trò của ông trong việc thúc đẩy mối quan hệ với Vatican.

Hôm 23/7, Vatican công bố điện thư của Giáo hoàng Phanxicô được ký bởi Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, gởi Chủ tịch nước Tô Lâm, về sự qua đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Giáo hoàng Phanxicô gửi lời chia buồn đến tất cả những ai thương khóc về sự ra đi của Ngài Tổng Bí thư, đặc biệt với tang quyến, cùng bảo đảm với lời cầu nguyện của Giáo hoàng để họ được an ủi và bình an”, bức điện viết.

Giáo hoàng Phanxicô kết thúc thông điệp của mình bằng cách khẳng định sự gần gũi tinh thần của ngài với Chủ tịch Tô Lâm và với tất cả đồng bào Việt Nam: “Với sự đánh giá cao đặc biệt về vai trò của Ngài Tổng Bí thư trong việc thúc đẩy và tăng cường phát triển tích cực đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh, Giáo hoàng Phanxicô mong ước gởi sự gần gũi tinh thần đến Ngài và toàn thể người dân của Ngài trong thời điểm đau buồn này của đất nước”.

Ông Trọng qua đời hôm 19/7, ở tuổi 80 tại Hà Nội. Ông giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nước này từ năm 2011 cho đến cuối đời. Ông cũng từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2021.

Trong khi Vatican và Hà Nội chưa thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ, một nhóm làm việc chung giữa hai bên từ lâu đã nỗ lực mở đường cho mối quan hệ đầy đủ giữa Vatican và chính quyền cộng sản.

Việt Nam lần đầu tiên đồng ý cho phép Vatican bổ nhiệm một đại diện giáo hoàng không thường trú tại nước này vào năm 2011, một cử chỉ được coi là một bước quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương.

Sau các cuộc đàm phán tiếp theo, một thỏa thuận đã đạt được vào tháng 7/2023 cho phép đại diện của Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam và thành lập một văn phòng tại Hà Nội để hỗ trợ khoảng 6,5 triệu người Công giáo ở đất nước này.


***********

Điện Kremlin bác bỏ quan ngại của Lầu Năm Góc về hợp tác giữa Nga với Trung Quốc ở Bắc Cực

Reuters

Điện Kremlin hôm 23/7 nói rằng sự hợp tác của Nga với Trung Quốc ở Bắc Cực không nhắm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào khác và nói rằng sự chỉ trích của Mỹ đối với việc đó là không đúng chỗ.

Lầu Năm Góc cho biết trong một báo cáo hôm 22/7 rằng họ lo ngại các hành động của Moscow và Trung Quốc ở Bắc Cực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực, đồng thời lưu ý rằng Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự thời Liên Xô ở đó trong khi Trung Quốc đang để mắt tới các nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới.

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nga đang hợp tác ngày càng nhiều ở Bắc Cực thông qua nhiều công cụ quyền lực quốc gia,” báo cáo của Lầu Năm Góc nói.

“Mặc dù vẫn còn những bất đồng đáng kể giữa Trung Quốc và Nga, nhưng sự liên kết ngày càng tăng của họ trong khu vực là điều đáng lo ngại và (Bộ Quốc phòng) tiếp tục giám sát sự hợp tác này”, báo cáo cho biết thêm.

Điện Kremlin, khi được hỏi về báo cáo của Lầu Năm Góc, cho biết hôm 23/7 rằng một số nội dung trong đó có tính chất đối đầu và rằng sự hợp tác của Nga với Trung Quốc chỉ nhằm mục đích thúc đẩy sự ổn định.

“Bắc Cực cũng là khu vực chiến lược đối với đất nước chúng tôi. Nga có quan điểm có trách nhiệm và góp phần đảm bảo rằng Bắc Cực không trở thành lãnh thổ bất hòa và căng thẳng," người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

"Về vấn đề này, sự hợp tác Nga-Trung ở vùng Bắc Cực chỉ có thể góp phần tạo ra bầu không khí ổn định và dễ dự đoán ở Bắc Cực. Hợp tác Nga-Trung không bao giờ nhằm mục đích chống lại các nước thứ ba hoặc nhóm nước thứ ba, mà chỉ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của các nước (Nga và Trung Quốc)”, ông Peskov nói.

Bắc Kinh và Moscow đã hợp tác cùng nhau để phát triển các tuyến vận chuyển ở Bắc Cực khi Nga tìm cách cung cấp thêm dầu và khí đốt cho Trung Quốc trong bối cảnh có các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các tuyến đường biển ở Bắc Cực đang ngày càng được sử dụng để kết nối các nền kinh tế lớn trên khắp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương khi hiện tượng nóng lên toàn cầu làm các khối băng tan chảy và khiến cho thời gian không có băng dài hơn trên biển.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết thêm rằng Trung Quốc đang tìm cách tận dụng “động lực đang thay đổi ở Bắc Cực để theo đuổi ảnh hưởng và khả năng tiếp cận lớn hơn, tận dụng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và đóng vai trò lớn hơn trong quản trị khu vực”.


*************

Chính phủ Bangladesh chấp nhận phán quyết của tòa án về cắt giảm hạn ngạch việc làm trong nhà nước sau tình trạng bất ổn

Reuters

Chính phủ Bangladesh hôm 27/3 cho biết sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao rằng 93% việc làm trong nhà nước được mở để cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu chính của sinh viên sau một tuần xảy ra một số cuộc biểu tình đẫm máu nhất đất nước trong nhiều năm.

Nhưng các sinh viên đã đưa ra những yêu cầu mới bao gồm việc bãi bỏ lệnh giới nghiêm, khôi phục dịch vụ internet và mở lại các trường học. Hiện không rõ liệu việc chính phủ chấp nhận quyết định của tòa án có xoa dịu hoàn toàn tình trạng bất ổn hay không.

Sự yên tĩnh tương đối được duy trì trong ngày thứ hai liên tiếp ở Dhaka và hầu hết các thành phố lớn, mặc dù người đứng đầu quân đội cho biết an ninh vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn sau khi ông đi khảo sát thủ đô bằng trực thăng.

Chính phủ tuyên bố nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt để giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn, dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ ngày 24/7 từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều để cho phép mọi người mua sắm những thứ cần thiết, và các văn phòng mở cửa trở lại từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Chính quyền Bangladesh cũng tắt mạng internet di động và triển khai quân đội sau khi các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh lan rộng khắp quốc gia Nam Á có 170 triệu dân này.

Gần 150 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực và hơn 1.600 người bị bắt ở hai thành phố chính Dhaka và Chittagong.

Các cuộc biểu tình đã kết thúc sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết vào ngày 21/7 ủng hộ kháng cáo từ chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina và chỉ đạo rằng 93% việc làm phải được mở cho các ứng viên có năng lực.

Chính phủ của ông Hasina đã loại bỏ hạn ngạch vào năm 2018 vốn dành 56% việc làm trong nhà nước cho nhiều nhóm người khác nhau, trong đó có 30% cho gia đình của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập năm 1971 của đất nước. Nhưng một phán quyết của tòa án cấp cao đã khôi phục hạn ngạch vào tháng trước, gây ra các cuộc biểu tình của sinh viên.

Sinh viên rất tức giận vì hạn ngạch khiến chưa đến một nửa số việc làm của chính phủ được mở cho các ứng viên có năng lực trong bối cảnh khủng hoảng thất nghiệp, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, khiến những công việc trong khu vực chính phủ có mức lương được tăng thường xuyên cùng những đặc quyền trở thành đặc biệt đắt giá.


*************

Tin tức thế giới ngày 24-7: Bà Harris dẫn trước ông Trump trong thăm dò; Apple sắp ra điện thoại gập

NGHI VŨ

Tin tức thế giới ngày 24-7: Bà Harris dẫn trước ông Trump trong thăm dò; Apple sắp ra điện thoại gập- Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vận động tranh cử tại bang Wisconsin ngày 23-7 - Ảnh: REUTERS

Bà Harris dẫn trước ông Trump trong thăm dò mới nhất

Một cuộc thăm dò được thực hiện ngày 22 và 23-7 của Reuters/Ipsos cho thấy Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn trước ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump 2%, trong bối cảnh ông Joe Biden vừa tuyên bố ngừng tranh cử và đề cử bà Harris trở thành ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ.

Bà Harris hôm 22-7 (giờ Mỹ) cũng tuyên bố bà đã giành được đủ sự ủng hộ để trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, nhưng chưa nhận được đề cử chính thức.

Khảo sát trên toàn quốc của Reuters/Ipsos cho thấy bà Harris nhận được 44% sự ủng hộ, trong khi ông Trump nhận được 42% từ những người tham gia khảo sát. Cuộc khảo sát này có phạm vi sai số 3%.

Trong cuộc khảo sát trước đó vào ngày 15 và 16-7, bà Harris và ông Trump có cùng tỉ lệ ủng hộ là 44%.

Trong khi đó, cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có 56% cử tri đồng ý với nhận định rằng bà Harris (59 tuổi) "có tinh thần nhạy bén và có khả năng đối phó với các thách thức", so với 49% có nhận định như trên với ông Trump (78 tuổi).

Thủ tướng Israel đến Mỹ gặp ông Trump và ông Biden

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-7 cho biết ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 26-7 tới tại dinh thư Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida.

Hãng tin Reuters nhận định đây là dấu hiệu cho thấy cả ông Trump và Thủ tướng Israel đang tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa cả hai.

"Tôi mong được chào đón ông Bibi Netanyahu tại Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida", ông Trump đăng tải trên mạng xã hội Truth Social do ông sáng lập, nhắc đến biệt danh của ông Netanyahu.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Trump và Thủ tướng Israel kể từ sau khi cựu tổng thống Mỹ hết nhiệm kỳ. Cuộc gặp cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden về cuộc chiến tại Dải Gaza.

Thủ tướng Israel được cho là đã chọc giận ông Trump khi chúc mừng chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 của ông Biden.

Ông Netanyahu trong tuần này cũng sẽ gặp ông Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Ukraine phá hủy phà Nga dùng vận chuyển phương tiện quân sự đến Crimea

Đăng tải trên Telegram, Thống đốc vùng Krasnodar (Nga) Veniamin Kondratyev ngày 23-7 cho biết một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) của Ukraine đã làm hư hỏng một chiếc phà và làm một người thiệt mạng ở cảng Kavkaz.

Quân đội Ukraine cũng xác nhận trên telegram rằng cuộc tấn công đã "gây thiệt hại đáng kể" cho "Slavianin" - từ mà Kiev dùng để mô tả chiếc phà mà Nga sử dụng cho mục đích vận chuyển các phương tiện quân sự trong khu vực.

"Quân đội Nga sử dụng chiếc phà này để vận chuyển toa xe lửa, phương tiện và container cho mục đích quân sự”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.

Cảng Kavkaz nằm ở vùng Krasnodar miền nam nước Nga, đây cũng là một vùng đất nằm đối diện bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Các chuyến phà từ cảng Kavkaz vì thế giúp kết nối đất liền của Nga với bán đảo Crimea.

Tin tức thế giới ngày 24-7: Bà Harris dẫn trước ông Trump trong thăm dò; Apple sắp ra điện thoại gập- Ảnh 2.

Chiếc phà chở một đoàn tàu 9 toa đi qua eo biển Kerch từ cảng Kavkaz tới cảng Crimea tháng 8-2014 - Ảnh: YURIY LASHOV/AFP VIA GETTY IMAGES

Ngoại trưởng Belarus đến Triều Tiên

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 24-7 đưa tin Ngoại trưởng Belarus Maxim Vladimirovich Ruzenkov hôm 23-7 đã tới Bình Nhưỡng.

KCNA tước đó cho biết chuyến thăm của Ngoại trưởng Belarus sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 26-7.

Cũng theo KCNA, một phái đoàn do Tổng công tố Nga Igor Krasnov dẫn đầu đã đến thăm Triều Tiên đã rời Bình Nhưỡng hôm 23-7.

Pháp sẽ không thành lập chính phủ mới cho đến hết Olympic

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 23-7 cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục hoạt động cho đến giữa tháng 8 trong thời gian Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic.

Hồi tháng 7, Pháp tổ chức bầu cử Quốc hội với kết quả là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành được số ghế lớn nhất. Liên minh này cùng hôm 23-7 đề cử chuyên gia tội phạm tài chính Lucie Castets làm ứng cử viên thủ tướng Pháp.

Trong nỗ lực bổ nhiệm thủ tướng Pháp mới của liên minh cánh tả, ông Macron khẳng định: "Cho đến giữa tháng 8, chúng tôi không thể thay đổi mọi thứ vì điều đó sẽ tạo ra sự hỗn loạn".

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8. Sự kiện này là một thách thức lớn về hậu cần và an ninh cho nước chủ nhà Pháp. Các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức ở 35 địa điểm và ước tính có tổng cộng khoảng 10.500 vận động viên trên toàn thế giới tham gia.

Pháp sau cuộc bầu cử Quốc hội cũng rơi vào bế tắc khi không có đảng nào giành được đa số ghế hoàn toàn ở Hạ viện.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình ngày 23-7 - Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình ngày 23-7 - Ảnh: AFP

Apple sắp ra mắt điện thoại gập

Nguồn tin ngày 23-7 cho biết Apple có thể cho ra mắt dòng iPhone màn hình gập sớm nhất vào năm 2026. Động thái này có khả năng trở thành cuộc cải tiếng phần cứng lớn nhất từ trước đến nay đối với sản phẩm điện thoại thông minh được lòng công chúng của hãng này.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết iPhone nắp gập của Apple đang trong giai đoạn thiết kế. Apple cũng đang làm việc với nhiều nhà cung cấp ở châu Á cho việc sản xuất linh kiện cho dòng sản phẩm này.

Việc Apple ra mắt iPhone màn hình gập được cho là theo bước của Samsung, khi nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc này từ năm 2019 đã đi tiên phong trong phân khúc điện thoại gập nhằm thu hút thêm khách hàng.

Theo đó, điện thoại gập cùng với các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ giúp Apple kích cầu cho các sản phẩm của hãng, trong lúc iPhone hiện đang đối mặt với sự canh tranh gay gắt từ sản phẩm của các hãng khác như Honor và Huawei tại Trung Quốc, cũng như Samsung trên toàn cầu.

Báo mẹ ôm con

Báo đốm Châu Phi ôm lấy đàn con của mình tại Vườn thú Chapultepec ở Thành phố Mexico, Mexico ngày 23-7 - Ảnh: REUTERS

Báo đốm Châu Phi ôm lấy đàn con của mình tại Vườn thú Chapultepec ở Thành phố Mexico, Mexico ngày 23-7 - Ảnh: REUTERS


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo