Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 23 - 7 -2024

Thứ Ba, 23 Tháng Bảy 20244:26 SA(Xem: 1191)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 23 - 7 -2024


Hoaluc 3**********
rfi.fr

Ngoại trưởng Ukraina lần đầu tiên công du Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình

Chi Phương

Hôm nay 23/07/2024, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh xảy ra, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba đến Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Nga, để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Kiev và Matxcơva.

Đăng ngày:

3 phút

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ukraina, được AFP trích dẫn, chủ đề thảo luận chính trong chuyến thăm 4 ngày của ngoại trưởng Dmytro Kouleba là « tìm cách chấm dứt cuộc xâm lược của Nga, cũng như bàn về vai trò của Trung Quốc để đạt được một nền hòa bình lâu dài ».

Trả lời báo giới hôm nay, phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết hai bên sẽ « tập trung thảo luận về hợp tác Trung Quốc – Ukraina và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.». Phát ngôn viên này tuyên bố: « Trung Quốc cũng luôn tin rằng nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngưng bắn và tìm kiếm một giải pháp chính trị là có lợi cho tất cả các bên».

Chuyến thăm diễn ra sau khi NATO nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Matxcơva và một tuần sau khi tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên tỏ ý muốn đàm phán hòa bình với Matxcơva, muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina trong tương lai. Hồi tháng Sáu vừa qua, một hội nghị hòa bình cho Ukraina đã được tổ chức ở Thụy Sĩ, với sự tham dự của nhiều quốc gia, nhưng Nga không được mời và Trung Quốc cũng không đến dự.

Theo ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Nga Á-Âu (Centre Carnegie Russie Eurasie), trả lời AFP, có khả năng ngoại trưởng Ukraina sẽ cố thuyết phục Trung Quốc tham gia vào hội nghị hòa bình thứ hai cho Ukraina. Trung Quốc đã đặt điều kiện: Nếu muốn Bắc Kinh tham dự thì hội nghị đó phải có sự tham gia của tất cả các bên và phải « thảo luận đúng đắn về mọi kế hoạch hòa bình », tức là bao gồm cả lập trường của Nga.

Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình coi Vladimir Putin là « bạn thân », chưa từng lên án cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời vẫn lên án NATO « phớt lờ » các lo ngại về an ninh của Matxcơva.

Trung Quốc cũng thường xuyên bị cáo buộc là vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Matxcơva. Các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là vẫn bán các sản phẩm dân dụng và quân dụng, bao gồm cả những linh kiện cần thiết cho sản xuất quân sự của Nga. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc nói trên, nhưng Hoa Kỳ và một số nước châu Âu đã ban hành trừng phạt đối với những doanh nghiệp Trung Quốc có liên can.

Theo nhà nghiên cứu Alexander Gabuev, qua chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraina, có khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng tận dụng « mối quan tâm của Ukraina » đối với hội nghị hòa bình thứ hai, để tránh các trừng phạt mới của phương Tây.


**********
voatiengviet.com

Một người Việt bị bắt vì trộm cắp đầu gậy golf ở sân bay Tokyo, Nhật Bản

VOA Tiếng Việt

Cảnh sát Nhật Bản cho biết hôm thứ Hai 22/7 rằng một nam công nhân người Việt Nam bị bắt giữ vì bị cho là đã ăn trộm những chiếc đầu gậy golf trong khi ông này làm công việc phân loại hành lý ký gửi tại sân bay Haneda ở Tokyo, hai trang tin The Mainichi và Japan Today đưa tin.

Bản tin của The Mainichi và Japan Today dẫn lại bài viết của hãng Kyodo cho hay người bị bắt có tên là Tran Nhat Tai, 33 tuổi, đến Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật và đang làm nhân viên hợp đồng tại một công ty bốc xếp hành lý của hành khách.

Cảnh sát nói rằng ông này đã thừa nhận khi bị buộc tội và khai rằng ông ấy đã lấy trộm khoảng chục chiếc đầu gậy golf như vậy, vẫn theo tin trên The Mainichi và Japan Today.

Lý do trực tiếp dẫn đến việc ông này bị bắt giữ là ông bị cáo buộc đã ăn trộm 2 đầu gậy golf trị giá tổng cộng khoảng 100.000 yen (640 đô la Mỹ) tại khu vực phân loại hành lý ở Nhà ga số 3 của sân bay vào khoảng 9h tối và 10h30 tối vào ngày 8/7.

Theo cảnh sát, vụ việc bị lộ ra sau khi các hãng hàng không nhận được đơn khiếu nại về việc các đầu gậy golf bị mất từ giữa tháng 6, khiến công ty nơi ông Tai làm việc phải tiến hành điều tra.

Theo một bài trên Báo Chính Phủ của Việt Nam hồi tháng 8/2023, số người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong những năm gần đây chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Tính đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người.

Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này. Hiện tại có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản, chiếm hơn 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản.

VOA và báo chí Việt Nam đã nhiều lần đưa tin về việc người lao động Việt gây ra các vụ phạm tội ở Nhật Bản trong các năm qua, từ trộm cắp cho đến hành hung, giết người.

Cách đây 1 tuần, như VOA đã đưa tin, cảnh sát Tokyo vừa bắt giữ 2 công dân Việt Nam với cáo buộc ăn trộm xe đạp thể thao cao cấp. Hồi tháng 5, cảnh sát tỉnh Tochigi bắt giữ 2 người đàn ông Việt Nam liên quan đến một loạt vụ cướp xảy ra trong tỉnh này ở phía bắc Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Nagano, Gunma và Fukushima.

Trước đó, hồi tháng 7, cảnh sát tỉnh Fukuoka bắt giữ nhóm 4 người Việt bao gồm cả nam và nữ với cáo buộc ăn cắp quần áo tại nhiều cửa hàng Uniqlo ở Nhật Bản.

Hồi tháng 5/2023, một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 6 người các mức án tổng cộng lên đến 37 năm tù vì họ giết một người Việt khác do mâu thuẫn vào tháng 3/2018 rồi bỏ trốn về Việt Nam.


************

Mỹ, Nhật Bản sẽ hội đàm an ninh cấp cao về răn đe hạt nhân

Reuters

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ hội đàm về an ninh vào ngày 28/7, lần đầu tiên sẽ bàn thảo về “răn đe mở rộng”, một thuật ngữ dùng để mô tả cam kết của Hoa Kỳ sử dụng lực lượng hạt nhân của mình nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh.

Mặc dù trước đây, hai nước đã thảo luận vấn đề này ở cấp thấp hơn, nhưng các hội đàm lần này sẽ đi sâu vào một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản, nước lâu nay vẫn thúc đẩy việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và là quốc gia duy nhất hứng chịu các vụ tấn công bằng bom nguyên tử.

Hồi tháng 4, Washington và Tokyo công bố việc nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật, một diễn biến có tính lịch sử, khi hai nước đồng minh nhắm đến ngăn chặn những mối đe dọa khu vực đang gia tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Liên minh Mỹ-Nhật được ký kết lần đầu tiên vào năm 1951.

“Trước những mối đe dọa ngày càng tăng chưa từng có trong khu vực, Mỹ và Nhật Bản sẽ thể hiện một cách có trách nhiệm về cách thức chúng tôi sẽ đứng lên và đảm bảo là không chỉ bảo vệ Nhật Bản, mà còn là cả sự đóng góp của chúng tôi cho an ninh khu vực nữa”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói trước cuộc hội đàm sẽ diễn ra tại Nhật Bản.

"Các cam kết trong hiệp ước an ninh của chúng tôi với các đồng minh Nhật Bản là cực kỳ vững chắc và chúng tôi cam kết sử dụng mọi phương tiện mà Mỹ có, bao gồm cả hạt nhân, để đảm bảo rằng chúng tôi đáp ứng các cam kết đó”, vẫn lời ông.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng sẽ gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản trong chuyến thăm, là một phần của chuyến đi nhiều nước châu Á nhằm trấn an các đồng minh về sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tạo ra sự bất định về chính sách đối ngoại của Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tổ chức hội đàm ba bên với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các cuộc hội đàm về an ninh với Nhật Bản cũng sẽ bao gồm các nỗ lực tăng cường hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng hai nước và nâng cấp cơ cấu chỉ huy để cải thiện sự phối hợp giữa quân đội hai nước.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nói: “Những cuộc đàm phán 2+2 lịch sử này sẽ củng cố sự dịch chuyển của chúng tôi từ tập trung vào bảo vệ Liên minh sang phô trương thanh thế của Liên minh”.

“Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu chỉ huy của các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ăn khớp với việc Nhật Bản triển khai bộ chỉ huy liên quân của riêng họ mang tính đột phá vào tháng 3/2025, Liên minh sẽ sẵn sàng và được trang bị để ứng phó với các thách thức an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới”, vị đại sứ nói tiếp.

Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc việc cải tổ cơ cấu chỉ huy quân sự lớn nhất ở Đông Á trong nhiều thập kỷ khi Nhật Bản có kế hoạch thành lập một bộ tổng chỉ huy hỗn hợp mới để điều hành Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào tháng 3/2025.

Nhật Bản cung cấp căn cứ để Mỹ triển khai sức mạnh quân sự ở châu Á, với 54.000 binh sĩ Mỹ, hàng trăm máy bay và nhóm tàu sân bay tấn công duy nhất được triển khai ở tiền phương của Washington.


*************

Olympic Paris 2024 : Hơn 4.300 người bị loại vì lý do an ninh

Phan Minh

Chính phủ Pháp hôm qua, 21/07/2024, thông báo tổng cộng 1 triệu cuộc điều tra hành chính đã được thực hiện trong khuôn khổ Thế Vận Hội Paris 2024. Trong số này, 4.355 người có khả năng gây ra mối đe dọa cho sự kiện này đã bị loại.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

1 phút

Trên kênh truyền hình France 2, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin tuyên bố : “Chúng tôi đã thực hiện hơn một triệu cuộc điều tra hành chính”, vốn là mục tiêu “được công bố cách đây một năm.

Các cuộc điều tra an ninh này được thực hiện với mọi loại đối tượng tham gia Olympic (26/07 – 11/08) và Paralympic (28/08 – 08/09), như vận động viên, huấn luyện viên, nhà báo, tình nguyện viên, nhân viên an ninh tư nhân hay thậm chí là cư dân sinh sống gần khu vực diễn ra lễ khai mạc.

Trong số 4.355 người bị loại, có 880 người bị nghi ngờ tham gia các hoạt động can thiệp của nước ngoài, 360 người trong diện bị trục xuất và phải rời khỏi lãnh thổ Pháp (OQTF)” và 142 người được liệt vào “danh sách S (an ninh Nhà nước)”. Ngoài ra, còn có 260 người bị loại do theo Hồi Giáo cực đoan, 186 theo phe cực tả và 96 người theo phe cực hữu.

Vẫn về Thế Vận Hội 2024, hôm nay, nhân chuyến thăm làng Olympic được mở cửa hôm 18/07, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định mọi thứ đã “sẵn sàng”, đồng thời ông cám ơn “sự hy sinh” của cảnh sát và lực lượng cứu hỏa, giúp cho sự kiện này diễn ra suôn sẻ nhất có thể.

Trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, trung bình sẽ có khoảng 35.000 cảnh sát, hiến binh và 18.000 binh sĩ Pháp được huy động mỗi ngày để bảo đảm an ninh.


**********

Tòa án Nga tuyên án nhà báo Kurmasheva của RFE/RL 6,5 năm tù

VOA Tiếng Việt

Một tòa án Nga đã kết án bà Alsu Kurmasheva, một nhà báo người Mỹ gốc Nga của Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) do Hoa Kỳ tài trợ, 6 năm rưỡi tù giam vì phát tán thông tin sai sự thật về quân đội Nga, tòa án cho biết hôm 22/7.

Người phát ngôn của tòa án ở thành phố Kazan, nằm ở phía nam của Nga, nói rằng bà Kurmasheva đã bị kết án hôm 19/7. Cùng ngày đó, một tòa án khác ở Yekaterinburg đã kết án một công dân Hoa Kỳ khác, phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, 16 năm tù vì tội làm gián điệp sau một phiên tòa bị tờ báo của ông và Hoa Kỳ lên án là nguỵ tạo.

Luật sư của bà Kurmasheva đã không ngay lập tức trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu bà có kháng cáo hay không.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành RFE/RL Stephen Capus gọi phiên tòa và bản án là "sự nhạo báng công lý", đồng thời nói thêm rằng "kết quả chính đáng duy nhất là Alsu được những kẻ bắt giữ bà ở Nga ngay lập tức thả ra khỏi tù."

“Đã quá thời hạn để công dân Mỹ này, đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi, được đoàn tụ với gia đình yêu thương của cô ấy,” ông Capus nói trong một tuyên bố.

Bà Kurmasheva, 47 tuổi, sống ở Praha và bị giam giữ từ ngày 18/10 khi bà bị bắt trong lúc đang đi thăm gia đình tại quê hương bà ở vùng Tatarstan của Nga. Lần đầu tiên bà bị giam giữ trong một thời gian ngắn vào đầu năm ngoái khi bà đang tìm cách rời khỏi Nga và hộ chiếu của bà đã bị tịch thu.

Một tòa án ban đầu kết tội bà vì không khai báo rằng bà có hộ chiếu Mỹ, một điều bắt buộc theo luật pháp Nga, và đã phạt tiền bà. Một tuần sau, bà bị buộc tội không đăng ký làm "đặc vụ nước ngoài" nhưng bà đã không nhận tội.

Chồng của bà Kurmasheva, Pavel Butorin, người cũng làm việc cho RFE/RL, cho biết vụ bắt giữ bà có liên quan đến cuốn sách mà bà đã biên tập có tựa đề "Nói không với chiến tranh. 40 câu chuyện về những người Nga phản đối cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine."

Hai nhà báo Gershkovich và Kurmasheva nằm trong số ít nhất nửa tá người Mỹ bị kết án và bỏ tù ở Nga trong bối của sự rạn nứt lớn nhất trong quan hệ giữa Moscow và phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh.

RFE/RL, nơi cho rằng việc giam giữ bà Kurmasheva là bất công, được Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Nga đã chỉ định tổ chức này là "đặc vụ nước ngoài", một cách phân loại mang âm hưởng tiêu cực của Chiến tranh Lạnh.

Ông Butorin đã kiến nghị chính phủ Hoa Kỳ xem bà Kurmasheva là công dân Mỹ bị giam giữ sai trái như Washington định danh trường hợp của ông Gershkovich, và điều này sẽ mở ra các con đường ngoại giao để đàm phán trả tự do cho nữ nhà báo này.


***********
voatiengviet.com

Thượng nghị sĩ Manchin nói ông sẽ không tranh cử tổng thống Mỹ năm nay

VOA Tiếng Việt

Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin hôm 22/7 loại bỏ việc tranh cử tổng thống chống lại ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ Kamala Harris, người được Tổng thống Joe Biden tán thành khi ông rời cuộc đua.

"Hãy để tôi nói rõ với bạn ... Tôi sẽ không trở thành ứng cử viên tranh chức tổng thống. Về cơ bản, tôi là ứng cử viên vì tiếng nói của những người trung lập của đất nước này", ông Manchin nói với đài truyền hình CBS ngay sau khi từ chối loại bỏ khả năng tranh cử của mình trong một cuộc phỏng vấn khác.

Ông Manchin cho biết ông ủng hộ ý tưởng về một quy trình "bầu cử sơ bộ mini" trước khi chọn một ứng cử viên thay thế ông Biden. Khi được hỏi liệu ông có nghĩ bà Harris quá nghiêng về lập trường tự do hay không, ông Manchin nói: "Chắc chắn rồi."

Ngay trước đó, ông Manchin đã được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên CNN rằng liệu ông có tranh đua với bà Harris để được đề cử hay không. "Tôi không biết," ông nói.

Nhưng vị thượng nghị sĩ này với CNN rằng ông sẽ không muốn tranh đua làm phó tổng thống cho bà Harris.

Ông Manchin cho biết ông đã nhận được các cuộc gọi từ những người yêu cầu ông xem xét việc ứng cử tổng thống năm 2024, và nói rằng họ cần một nhân vật ôn hòa hơn để lãnh đạo đất nước.

“Tôi muốn những người trung lập của đất nước này có thể nói rằng chúng tôi có tiếng nói. Chúng tôi không cực tả, chúng tôi không cực hữu,” ông Manchin, người đã rời khỏi Đảng Dân chủ vào tháng 5 sau khi chê bai "chủ nghĩa cực đoan đảng phái", cho biết.

Trong một động thái khác, Nhà Trắng cho biết bà Harris sẽ tới Wilmington ở Delaware vào ngày 22/7, một ngày sau khi bà phát động chiến dịch tranh cử tổng thống sau khi Tổng thống Joe Biden rời khỏi cuộc đua.


**********
voatiengviet.com

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đi VN dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

VOA Tiếng Việt

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ đến dự tang lễ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, đồng thời sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong thông cáo hôm 22/7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Blinken sẽ thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á để dự tang lễ của cố lãnh đạo cộng sản Nguyễn Phú Trọng, người qua đời hôm 19/7, thọ 80 tuổi.

Thông báo nói thêm rằng ông Blinken cũng sẽ “nhấn mạnh hơn nữa sức mạnh của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với các đối tác chính phủ ở Hà Nội” trong chuyến thăm này.

Trả lời phỏng vấn VOA News hôm 22/7, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ: “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Ngô Thị Mận, gia đình bà và nhân dân Việt Nam”.

“Tổng Bí thư Trọng là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ của ông, bao gồm cả việc ông ủng hộ việc nâng cấp quan hệ của chúng ta hai bậc mang tính lịch sử lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện cùng với Tổng thống Joe Biden tại Hà Nội”, người phát ngôn nói thêm.

Người phát ngôn cũng nhắc lại rằng hồi năm 2015, ông Trọng là Tổng Bí thư đầu tiên của Việt Nam thăm Nhà Trắng. Ông là người ủng hộ cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, “trong đó chúng ta tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”, vẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chưa rõ liệu ông Blinlen sẽ có cuộc gặp song phương hay không với ông Tô Lâm, Chủ tịch nước, đồng thời là người đảm nhận các trách nhiệm của chức tổng bí thư từ khi ông Trọng qua đời.

Trả lời VOA News, người phát ngôn nhận xét rằng Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm “cũng là đối tác lâu năm của Hoa Kỳ”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng phía Mỹ “mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ” với ông Tô Lâm và toàn thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo họ sẽ tổ chức quốc tang cho ông Trọng trong hai ngày 25 và 26/7 tại thủ đô của Việt Nam.

Hôm 19/7, Tổng thống Biden ra tuyên bố gửi lời chia buồn “sâu sắc nhất” đến phu nhân Ngô Thị Mận và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã lãnh đạo Việt Nam suốt 13 năm qua.

Việc ông Biden cử ông Blinken đến Hà Nội dự tang lễ ông Trọng thể hiện “động thái chính trực” của chính phủ Hoa Kỳ, vì Washington không chỉ đến để chia buồn với Hà Nội, mà còn đến để “bày tỏ cam kết giúp đỡ cụ thể, thì điều này thật chí tình, chí nghĩa”, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà quan sát quan hệ ngoại giao Việt Nam, nêu ý kiến cá nhân với VOA.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 14 Tháng Mười 20245:56 SA
Chủ Nhật, 13 Tháng Mười 20247:25 SA
Thứ Bảy, 12 Tháng Mười 20246:14 SA
Thứ Sáu, 11 Tháng Mười 20247:04 SA
Thứ Năm, 10 Tháng Mười 20246:20 SA
Thứ Tư, 09 Tháng Mười 20247:56 SA
Thứ Ba, 08 Tháng Mười 20246:36 SA
Chủ Nhật, 06 Tháng Mười 20241:00 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Mười 20247:06 SA
Thứ Bảy, 05 Tháng Mười 20246:56 SA
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo