Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 21 - 7 -2024

Chủ Nhật, 21 Tháng Bảy 20245:15 SA(Xem: 1239)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 21 - 7 -2024


HoaLuc 8

**************

Mỹ sẽ hỗ trợ nỗ lực của Philippines tiếp tế tàu trên Bãi Cỏ Mây

Reuters

Mỹ "sẽ làm những gì cần thiết" để bảo đảm Philippines có thể tiếp tế cho một tàu trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) mà Manila sử dụng để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với bãi cạn này, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói hôm thứ Sáu.

Ông Sullivan nói Mỹ mong muốn Philippines thực hiện việc tiếp tế cho một nhóm nhỏ quân nhân đồn trú trên tàu chiến Sierra Madre mà Manila đã cho mắc cạn vào năm 1999 để củng cố tuyên bố hàng hải của mình ở Biển Đông có tranh chấp với Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado, ông Sullivan nói Mỹ đã nói rõ với Trung Quốc rằng hiệp ước phòng thủ chung với Philippines áp dụng cho tàu Sierra Madre.

“Điều quan trọng nhất hiện nay là nhìn thấy việc xuống thang căng thẳng và khả năng của Philippines thực hiện việc tiếp tế,” ông nói.

Căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng trong năm qua, với việc một thủy thủ Philippines bị mất một ngón tay trong vụ đụng độ mới nhất vào tháng 6 mà Manila mô tả là tàu hải cảnh Trung Quốc “cố ý đâm với tốc độ cao.”

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh quyết liệt khẳng định các tuyên bố chủ quyền đối với tuyến đường thủy chiến lược này và Manila nỗ lực thực hiện các chuyến chở nhu yếu phẩm tới chiếc tàu.

Mỹ đã đề nghị hỗ trợ nhưng Philippines muốn tự mình xử lý các hoạt động, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Romeo Brawner nói hôm 4 tháng 7.

Manila và Washington được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ Chung năm 1951, một thỏa thuận quân sự có thể được viện dẫn trong trường hợp có các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào lực lượng, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông.


***********

Israel oanh kích các mục tiêu của người Houthi ở Yeman sau vụ tấn công ở Tel Aviv

Reuters

Các máy bay chiến đấu của Israel đã oanh kích các mục tiêu quân sự của người Houthi trong khu vực cảng Hodeidah ở Yemen hôm thứ Bảy, quân đội Israel cho biết, một ngày sau khi một máy bay không người lái (drone) do của nhóm này vốn được Iran hậu thuẫn tấn công thủ đô Tel Aviv của Israel.

Ít nhất 80 người bị thương, hầu hết bị bỏng nặng, trong các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện tại Hodeidah, Al-Masirah TV, đài truyền hình thông tấn do chính quyền Houthi ở Yemen điều hành nói, dẫn thông tin từ bộ y tế.

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết cảng Hodeidah đã được lực lượng Houthi sử dụng để tiếp nhận các chuyến hàng vũ khí từ Iran. Ông nói các mục tiêu cách Israel hơn 1.700 km, bao gồm các địa điểm có mục đích sử dụng kép như cơ sở hạ tầng năng lượng.

Israel đã báo cho các đồng minh biết trước vụ oanh kích, mà quân đội nói được thực hiện bởi các máy bay chiến đấu F-15 của Israel và tất cả đều trở về an toàn.

Hội đồng Chính trị Tối cao của người Houthi cho biết sẽ có "phản ứng hữu hiệu" trước các cuộc không kích của Israel. Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree cũng nói lực lượng Houthi "sẽ không ngần ngại tấn công các mục tiêu trọng yếu của kẻ thù Israel."

Vụ oanh kích Yemen, mà các quan chức Israel nói diễn ra sau hơn 200 cuộc tấn công của người Houthi nhắm vào Israel, làm nổi bật nỗi lo sợ rằng cuộc chiến ở Gaza, gây ra bởi cuộc tấn công do nhóm Hamas cầm đầu nhắm vào Israel vào ngày 7 tháng 10, có thể trở thành một cuộc xung đột khu vực.

Hôm thứ Sáu, một drone tầm xa do Iran sản xuất được phóng từ Yemen đã tấn công trung tâm Tel Aviv trong một vụ tấn công mà người Houthi nhận trách nhiệm, khiến một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương.

Vụ tấn công đó diễn ra sau khi các vụ pháo kích qua lại hàng ngày leo thang giữa lực lượng Israel và lực lượng dân quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở miền nam Lebanon, và diễn ra khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu chuẩn bị tới Washington, nơi ông sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Ông Netanyahu kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ - người Houthi, Hamas và Hezbollah - và qua đó giúp giữ an ninh các tuyến đường thương mại quốc tế.

Trong khi chiến tranh ở Gaza tiếp diễn, người Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào Israel và các mục tiêu của phương Tây, nói rằng họ đang hành động trong sự đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Họ bắt đầu tấn công các tàu phương Tây ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Các vụ tấn công của họ đã làm đảo lộn thương mại toàn cầu bằng cách buộc các chủ tàu phải đổi tuyến đường tránh dường tắt đi qua Kênh đào Suez, và cũng thu hút các vụ oanh kích trả đũa của Mỹ và Anh kể từ tháng 2.


********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) – Nga kết án nhà báo Mỹ Evan Gershkovich 16 năm tù giam về tội « làm gián điệp ». Là nhà báo phương Tây đầu tiên bị Nga kết tội gián điệp, phóng viên của báo Wall Street Journal, 32 tuổi, sẽ phải thụ án trong một trại giam có chế độ giam giữ nghiêm ngặt hơn so với các nhà tù khác. Phương Tây hôm qua ngay lập tức đã có phản ứng chỉ trích Nga và đòi Matxcơva trả tự do ngay lập tức cho Evan Gershkovich. Đích thân tổng thống Biden nói là Mỹ đang khẩn trương tìm cách để giải cứu nhà báo Evan Gershkovich. Trong thông cáo, Wall Street Journal tố cáo một bản án đầy « tai tiếng ». Phóng Viên Không Biên Giới xem đây là thí dụ về một vụ bắt giữ con tin không thể chấp nhận được. Thủ tướng Anh xem vụ kết án này là đáng khinh. Ngoại trưởng Đức tố cáo hành vi mang tính chính trị và tuyên truyền cho chiến tranh của Putin.

(Reuters) – Tổng thống Mỹ « nóng lòng » muốn trở lại tranh cử « vào tuần tới »Dù có nhiều tiếng nói trong đảng Dân Chủ kêu gọi tổng thống 81 tuổi rút lui, thậm chí có nhiều nguồn tin cho rằng có thể ông sẽ sớm thông báo, nhưng trong thông cáo hôm 19/07/2024, ông Joe Biden kêu gọi « đoàn kết » vì « cách nhìn tăm tối của Donald Trump không phải là cách nhìn của chúng ta, với tư cách là công dân Mỹ ». Theo dự kiến, ông Joe Biden hết phải cách ly vào tuần tới.

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ : Iran có khả năng sản xuất chất vật liệu phân hạch nhằm chế tạo bom nguyên tử sau « một hoặc hai tuần ». Phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được đưa ra hôm 19/07/2024 tại diễn đàn an ninh Aspen, bang Colorado, miền tây nước Mỹ. Ông Blinken cho biết theo dõi rất kỹ việc này. Dù trấn an là Iran vẫn chưa chế tạo được vũ khí hạt nhân, nhưng ngoại trưởng Mỹ cũng tỏ ra lo ngại là Teheran đang tiến gần đến chương trình hạt nhân này. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Iran là quốc gia phi hạt nhân duy nhất làm giàu uranium đến mức 60%, rất gần với cấp độ vũ khí, trong khi vẫn tiếp tục tích lũy kho dự trữ lớn uranium.

(AFP) – Hai phần ba số vận động viên Nga được phép tham gia Thế Vận Hội Paris với màu cờ trung lập đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nga xâm lược Ukraina hoặc có liên hệ với quân đội Nga. Đây là kết quả một báo cáo của Quỹ công lý quốc tế Global Rights Compliance. Quỹ công lý quốc tế Global Rights Compliance hôm 19/07/2024 tố cáo là dù đã được cung cấp bằng chứng về các vụ vi phạm, nhưng Ủy ban Thế vận Quốc tế vẫn chấp nhận hồ sơ của các vận động viên đó. Trả lời AFP hôm 19/07, Ủy ban Thế vận Quốc tế cho biết không bình luận về các trường hợp riêng lẻ và các quyết định của ủy ban kiểm tra, chỉ khẳng định là Ủy ban đã đánh giá, kiểm tra các vận động viên theo quyết định của Ban điều hành Ủy ban Thế vận Quốc tế và theo các nguyên tắc đã được đề ra.

(AFP) – Pháp : Hạ Viện Pháp đã bầu được 6 phó chủ tịch, 3 quản lý hành chính - tài chính của Văn phòng chủ tịch Hạ Viện và 12 thư ký. 12 trong số 21 vị trí này thuộc về liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới. Trong các vòng bỏ phiếu hôm 19/07/2024, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) hoàn toàn bị loại khỏi 21 vị trí chủ chốt nói trên. Theo kết quả bỏ phiếu hôm nay 20/07, phe cánh trung của tổng thống Macron được bầu làm chủ tịch của 6 trên 8 ủy ban thường trực của Hạ Viện, nhưng dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới, tái đắc cử chức chủ tịch Ủy ban tài chính, được xem là ủy ban đặc biệt quan trọng.

(RFI) – Có ít nhất 116 người chết trong 3 năm ở biên giới Liên Âu và Belarus. Số liệu được nêu ngày 18/07/2024 trong báo cáo của nhiều tổ chức nhân đạo Latvia, Litva, Ba Lan và Belarus. Tài liệu giải thích cách tổng thống Lukashenko để vài nghìn người nước ngoài, chủ yếu từ châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á, đến Belarus từ năm 2021, sau đó đẩy họ đến biên giới để gây sức ép với các nước láng giềng Liên Hiệp Châu Âu. Rất nhiều người nhập cư đã bị chết trong rừng, hoặc kiệt sức, cảm lạnh. Các tổ chức cũng lên án lực lượng cấp cứu thiếu chăm sóc thỏa đáng người bệnh tại chỗ.

(AFP) – Tây Ban Nha bắt ba nghi phạm tấn công tin tặc nhiều nước ủng hộ Ukraina. Ngày 20/07/2024, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết hai nghi phạm bị bắt ở Huelva và ở Sevilla, miền nam Tây Ban Nha, nghi phạm thứ ba bị bắt ở quần đảo Baleares. Ba người này bị cáo buộc tham gia các vụ tấn công tin học của nhóm hacker NoName057(16) thân Nga nhắm vào các định chế công và các lĩnh vực trọng điểm ở Tây Ban Nha và nhiều nước khác trong NATO. Nhóm hacker này nhận trách nhiệm vụ tin tặc nhắm vào mạng internet của chính phủ Thụy Sĩ, ngay trước ngày khai mạc thượng đỉnh vì hòa bình cho Ukraina được tổ chức vào tháng 6.


**********
rfi.fr

Bạo động ở Bangladesh : Ít nhất 115 người biểu tình thiệt mạng, 300 cảnh sát bị thương

Thùy Dương

Phong trào đấu tranh của giới trẻ Bangladesh hôm nay, 20/07/2024, bước sang ngày thứ 20. Người biểu tình đòi thay đổi hạn ngạch tuyển công chức vốn bị xem là thiên vị. Từ đầu tuần này, phong trào biểu tình đã biến thành cuộc đối đầu giữa người biểu tình và chính phủ.

Đăng ngày:

2 phút

Hôm nay, cảnh sát đã nổ súng bắn đạn thật vào người biểu tình ở thủ đô Dacca. Quân đội được triển khai ở nhiều thành phố. AFP dựa vào các nguồn tin của cảnh sát và các bệnh viện cho biết ít nhất 115 người biểu tình đã thiệt mạng trong tuần qua. Về phía cảnh sát, riêng hôm qua 19/07, có 300 người bị thương trong các vụ đụng độ với người biểu tình. Tình hình phức tạp khiến thủ tướng Sheikh Hasina buộc phải hủy bỏ các chuyến công du nước ngoài.

Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm qua lên án các vụ tấn công nhắm vào sinh viên biểu tình ở Bangladesh gây chấn động và không thể chấp nhận được. Cao ủy Volker Türk yêu cầu Bangladesh tiến hành các cuộc điều tra khách quan, nhanh chóng và toàn diện về các vụ tấn công tang tóc. Ông kêu gọi chính phủ Bangladesh thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho sinh viên biểu tình ôn hòa và đối thoại với giới trẻ.

Từ Bangalore, thông tín viên trong khu vực, Côme Bastin, cho biết thêm tình hình :

« Trong một tuần lễ, đất nước Nam Á này đã chìm vào cảnh hỗn loạn. Thủ tướng Sheikh Hasina đã làm bùng lên ngọn lửa khi muốn dành việc làm trong lĩnh vực công cho con cháu của những người đấu tranh giành độc lập cho đất nước non trẻ này. Đây thường là những người ủng hộ đảng Ligue Awami của thủ tướng.

Những cáo buộc thiên vị này, kèm theo tỷ lệ thất nghiệp cao, cộng với kỳ bầu cử trước đó bị xem là gian lận, đã khiến nỗi tức giận của giới trẻ bùng nổ trên đường phố. Các tòa nhà công cộng bị phóng hỏa, kể cả đài truyền hình Nhà nước. Người biểu tình thậm chí còn mở cửa một nhà tù và thả tù nhân.

Hiện nay, một nửa Bangladesh đang chìm trong xung đột. Trước tình hình đó, chính phủ lựa chọn giải pháp đàn áp. Những người phản đối bị bắt, internet bị cắt, các trường học và đại học bị đóng cửa. Lệnh giới nghiêm được ban bố vào thứ Sáu 19/07, đồng thời quân đội được triển khai.

Người biểu tình hiện giờ đòi hỏi thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Tháng Giêng vừa qua là lần thứ 4 được bầu làm thủ tướng mà không có phe đối lập thực sự. Thủ tướng khẳng định bà lấy làm tiếc cho tất cả những ai đã thiệt mạng, trong khi đó số người chết vẫn không ngừng tăng ».


*************

Israel oanh kích các mục tiêu của người Houthi ở Yeman sau vụ tấn công ở Tel Aviv

Reuters

Các máy bay chiến đấu của Israel đã oanh kích các mục tiêu quân sự của người Houthi trong khu vực cảng Hodeidah ở Yemen hôm thứ Bảy, quân đội Israel cho biết, một ngày sau khi một máy bay không người lái (drone) do của nhóm này vốn được Iran hậu thuẫn tấn công thủ đô Tel Aviv của Israel.

Ít nhất 80 người bị thương, hầu hết bị bỏng nặng, trong các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện tại Hodeidah, Al-Masirah TV, đài truyền hình thông tấn do chính quyền Houthi ở Yemen điều hành nói, dẫn thông tin từ bộ y tế.

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết cảng Hodeidah đã được lực lượng Houthi sử dụng để tiếp nhận các chuyến hàng vũ khí từ Iran. Ông nói các mục tiêu cách Israel hơn 1.700 km, bao gồm các địa điểm có mục đích sử dụng kép như cơ sở hạ tầng năng lượng.

Israel đã báo cho các đồng minh biết trước vụ oanh kích, mà quân đội nói được thực hiện bởi các máy bay chiến đấu F-15 của Israel và tất cả đều trở về an toàn.

Hội đồng Chính trị Tối cao của người Houthi cho biết sẽ có "phản ứng hữu hiệu" trước các cuộc không kích của Israel. Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree cũng nói lực lượng Houthi "sẽ không ngần ngại tấn công các mục tiêu trọng yếu của kẻ thù Israel."

Vụ oanh kích Yemen, mà các quan chức Israel nói diễn ra sau hơn 200 cuộc tấn công của người Houthi nhắm vào Israel, làm nổi bật nỗi lo sợ rằng cuộc chiến ở Gaza, gây ra bởi cuộc tấn công do nhóm Hamas cầm đầu nhắm vào Israel vào ngày 7 tháng 10, có thể trở thành một cuộc xung đột khu vực.

Hôm thứ Sáu, một drone tầm xa do Iran sản xuất được phóng từ Yemen đã tấn công trung tâm Tel Aviv trong một vụ tấn công mà người Houthi nhận trách nhiệm, khiến một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương.

Vụ tấn công đó diễn ra sau khi các vụ pháo kích qua lại hàng ngày leo thang giữa lực lượng Israel và lực lượng dân quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở miền nam Lebanon, và diễn ra khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu chuẩn bị tới Washington, nơi ông sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

Ông Netanyahu kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ - người Houthi, Hamas và Hezbollah - và qua đó giúp giữ an ninh các tuyến đường thương mại quốc tế.

Trong khi chiến tranh ở Gaza tiếp diễn, người Houthi đã tăng cường các cuộc tấn công nhắm vào Israel và các mục tiêu của phương Tây, nói rằng họ đang hành động trong sự đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas.

Họ bắt đầu tấn công các tàu phương Tây ở Biển Đỏ và Vịnh Aden. Các vụ tấn công của họ đã làm đảo lộn thương mại toàn cầu bằng cách buộc các chủ tàu phải đổi tuyến đường tránh dường tắt đi qua Kênh đào Suez, và cũng thu hút các vụ oanh kích trả đũa của Mỹ và Anh kể từ tháng 2.


***********

Tòa Công Lý Quốc Tế : Israel chiếm đất của Palestine là "bất hợp pháp"

Thu Hằng

Sau khi bị cáo buộc « phạm tội ác chiến tranh » ở Gaza, hoạt động chiếm đất của Palestine được Israel tiến hành từ năm 1967 bị Tòa Án Công Lý Quốc Tế ở La Haye (Hà Lan) coi là « bất hợp pháp ». Trong phán quyết ngày 19/07/2024, tòa cho rằng « việc Israel tiếp tục hiện diện ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là bất hợp pháp » và Israel « phải chấm dứt trong thời hạn sớm nhất ».

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

Khoảng 50 nước đã ra làm chứng trong vụ kiện chưa từng có tiền lệ. Phán quyết của Tòa Công Lý không mang tính ràng buộc, nhưng có thể gây thêm sức ép về pháp lý đối với Israel trong bối cảnh Nhà nước Do Thái tiếp tục cuộc chiến ở dải Gaza, khiến hơn 38.000 người Palestine thiệt mạng, theo số liệu của Hamas, để trả đũa vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023.

Thông tín viên Michel Paul tại Jerusalem cho biết thêm về phản ứng của Palestine và Israel :

« Chính quyền Palestine ở Ramallah hoan nghênh quyết định được coi là « lịch sử » của Tòa Án Công Lý Quốc Tế (CIJ). Phủ tổng thống Palestine coi quyết định này là « một thắng lợi lớn » và yêu cầu Israel « chấm dứt hành động chiếm đóng » và « xây dựng các khu định cư ». Bộ trưởng phụ trách đối ngoại Varsen Aghabekian Chahine của chính quyền Palestine coi đây là một ngày trọng đại với Palestine. Ông Hussein a-Sheikh, tổng thư ký ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), cũng đánh giá đây là một thành công lịch sử cho dân tộc Palestine và cho quyền tự quyết của họ.

Ngược lại, đúng như dự đoán, Israel đã bác phán quyết của tòa án La Haye. Đối với thủ tướng Benjamin Netanyahu, những cáo buộc dối trá sẽ không thể làm thay đổi thực tế lịch sử. Ông khẳng định người Do Thái không thể bị coi là « thực dân » trên chính tổ quốc có từ lâu đời của họ.

Phía các bộ trưởng cực hữu Itamar Ben Gvir và Betsalel Smotrich còn có phản ứng mạnh mẽ hơn khi đòi « chủ quyền ngay bây giờ ». Hay nói một cách khác là họ yêu cầu sáp nhập luôn và ngay lập tức các vùng lãnh thổ chiếm được ».

Về cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hamas ở dải Gaza, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tỏ ra lạc quan vì các bên liên quan « chỉ còn vài mét » là « chạm đến đích » một thỏa thuận ngừng bắn. Tại một diễn đàn ở bang Colorado ngày 19/07, ông cho biết « chỉ còn vài vấn đề cần giải quyết và đàm phán » để cuối cùng có thể đưa con tin trở về và xây dựng hòa bình, ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, tại Gaza, quân đội Israel tiếp tục oanh kích miền trung dải đất ngày 19/07, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng ở khu tị nạn Al Nuseirat. Phía Israel cũng có một người bị chết ở Tel-Aviv trong vụ tấn công bằng drone do lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành.


************

Lần đầu tiên, Pháp và Philippines cùng diễn tập không quân ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Thu Hằng

Lần đầu tiên Pháp mời Philippines tham gia Sứ mệnh không quân Pégase 24 thường niên ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo dự kiến, sẽ có hai chiến đấu cơ Rafale, một máy bay vận tải chiến thuật A400M và một máy bay tiếp liệu trên không-vận tải quân sự A330 đến thăm Philippines. Hoạt động này có thể diễn ra sau cuộc tập trận Pitch Black 2024 do Úc tổ chức từ 15/07 đến 02/08/2024 và Pháp, Philippines nằm trong số 20 nước tham gia.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Đội chiến đấu cơ Pháp sẽ dừng ở căn cứ không quân Clark, nằm cách thủ đô Manila về phía tây bắc khoảng 93 km. Căn cứ Clark trước đây được quân đội Mỹ khai thác cho đến năm 1991. Theo bộ Quốc Phòng Philippines, được trang South China Morning Post trích dẫn ngày 19/07, « trong chuyến thăm, nhiều hoạt động song phương sẽ góp phần xây dựng cơ sở cho hợp tác không quân giữa hai nước ». Đây sẽ là « hoạt động đầu tiên trong lịch sử quan hệ quốc phòng giữa Philippines và Pháp ».

Việc Philippines nằm trong khuôn khổ Sứ mệnh Pegase 24 nhằm thể hiện sức mạnh không quân của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương cho thấy Paris muốn thắt chặt mối quan hệ về an ninh với Manila sau khi hai bên bắt đầu thảo luận về tăng cường hợp tác quân sự vào tháng 12/2023. Hoạt động này cũng nằm trong khuôn khổ « mở rộng hợp tác quốc phòng với Philippines » được Pháp tiến hành « từ 3 năm qua », theo nhận định của nhà phân tích địa-chính trị Don McLain Gill, Đại học De La Salle ở Philippines.

Trước đó, tháng 06/2024, Pháp đã bổ nhiệm một tùy viên quân sự thường trú ở Philippines, chỉ vài tháng sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilbert Teodoro và đồng nhiệm Pháp Sébastien Lecornu ký thỏa thuận tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương tại Manila.

Theo trang web của bộ Quân Lực Pháp, chiến đấu cơ của Sứ mệnh Pégase đã đến căn cứ Darwin, Úc, ngày 10/07, để tham gia cuộc tập trận Pitch Black 2024. Năm 2024 cũng đánh dấu tròn 20 năm, Không Quân Pháp tham gia Pitch Black do Không Quân Hoàng Gia Úc (RAAF) tổ chức.


***********
rfi.fr

Biển Đông : Philippines phát triển sân bay trên đảo Pag-asa, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh

Thùy Dương

Trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Bắc Kinh về vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong thông cáo hôm thứ Năm 18/07/2024 cho biết đang tiến hành các vụ chuyển nhượng đất đai để mở rộng đường băng phục vụ Dự án Phát triển Sân bay trên Đảo Pag-asa.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Pag-asa là tên Philippines gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách chủ quyền. Theo thông cáo của Văn phòng truyền thông của tổng thống Ferdinand Marcos Jr, dự kiến sau khi dự án hoàn thành, Philippines sẽ có một phương thức di chuyển hiệu quả đến và đi từ hòn đảo xa xôi, nơi thường dân và quân nhân nước này lưu trú.

Kế hoạch xây dựng sân bay trên đảo Pag-asa/Thị Tứ cho thấy quyết tâm của Manila trong việc duy trì sự hiện diện của Philippines ở vùng biển tranh chấp, trong khi Trung Quốc cũng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Tòa trọng tài quốc tế từng bác bỏ hồi năm 2016.

South China Morning Post cho biết là một đường băng quân sự trên đảo Balabac thuộc tỉnh Palawan, miền tây Philippines, gần Biển Đông, cũng sắp được hoàn thành. Đảo Balabac là một trong 4 địa điểm mới mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo thỏa thuận quốc phòng được mở rộng hồi năm 2023. Theo tổng thống Marcos, Philippines đang trong giai đoạn cuối xây dựng đường băng quân sự Balabac và tỉnh Palawan “sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia”.

Xin nhắc lại là các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong số những ưu tiên của chính quyền Marcos Jr. và là một phần trong nỗ lực mở cửa khu vực phía nam thủ đô cho các chương trình đầu tư mới, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải và tăng cường lĩnh vực du lịch.

Liên quan tới Việt Nam, theo trang tin Philippine Star, bộ Ngoại Giao Philippines hôm qua, 19/07, cho biết Manila sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp cùng có lợi “cho các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS”, sau khi Hà Nội đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo