Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 20 - 7 -2024

Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy 20244:23 SA(Xem: 1028)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 20 - 7 -2024
HoaLuc 7
************

Biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Matxcơva để phản đối việc các kênh YouTube của Nga bị chặn

Phan Minh

Hàng trăm người, trong đó có ca sĩ ủng hộ điện Kremlin, Shaman, đã tập trung trước đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva vào tối qua 19/07/2024 để phản đối việc YouTube chặn một số kênh Nga trên nền tảng chia sẻ video trực tuyến của Mỹ.

Đăng ngày:

1 phút

Theo Ria Novosti, được AFP trích dẫn, hệ thống âm thanh được bố trí trước sứ quán Mỹ đã phát một số bài hát, trong đó có bài “I am Russian” của ca sĩ Shaman, ngôi sao mới nổi trong các buổi biểu diễn ca nhạc ái quốc lớn do điện Kremlin tổ chức, nhằm ca ngợi về “sự vĩ đại” của nước Nga giữa cuộc xung đột vũ trang ở Ukraina.

Shaman, nhân vật ủng hộ nhiệt thành của tổng thống Nga Vladimir Putin, đã có mặt tại hiện trường sau khi tuyên bố muốn tổ chức một cuộc biểu tình phản đối việc một số kênh YouTube của Nga bị chặn. Anh nói “sẽ không có ai cấm được các bài hát của chúng ta”.

Trước đó hôm 16/07, Matxcơva đã yêu cầu Google bỏ chặn tổng cộng hơn 200 kênh YouTube của Nga, bị chặn do “tuyên truyền” của điện Kremlin.

Về phần mình, Ủy Ban châu Âu, cách đây vài tuần, đã thông báo sẽ ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào Shaman sau khi ca sĩ này ủng hộ chiến dịch quân sự ở Ukraina do Nga phát động vào tháng 02/2022. Kênh YouTube của anh cũng đã bị chặn hồi đầu tháng 7.

AFP nhắc lại là các cuộc biểu tình ở Matxcơva hầu như đều bị cấm, ngoại trừ những cuộc tập hợp do chính điện Kremlin tổ chức, đặc biệt để chỉ trích phương Tây. Những người tham gia tụ họp ở Nga có thể bị phạt nặng.


**********

Biển Đông : Philippines phát triển sân bay trên đảo Pag-asa, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh

Thùy Dương

Trong bối cảnh căng thẳng kéo dài với Bắc Kinh về vùng Biển Đông đang có tranh chấp, Văn phòng truyền thông của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong thông cáo hôm thứ Năm 18/07/2024 cho biết đang tiến hành các vụ chuyển nhượng đất đai để mở rộng đường băng phục vụ Dự án Phát triển Sân bay trên Đảo Pag-asa.

Đăng ngày:

2 phút

Pag-asa là tên Philippines gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách chủ quyền. Theo thông cáo của Văn phòng truyền thông của tổng thống Ferdinand Marcos Jr, dự kiến sau khi hoàn thành, Philippines sẽ có một phương thức di chuyển hiệu quả đến và đi từ hòn đảo xa xôi, nơi thường dân và quân nhân nước này lưu trú.

Kế hoạch xây dựng sân bay trên đảo Pag-asa/Thị Tứ cho thấy quyết tâm của Manila trong việc duy trì sự hiện diện của Philippines ở vùng biển tranh chấp, trong khi Trung Quốc cũng thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền phi lý mà Tòa trọng tài quốc tế từng bác bỏ hồi năm 2016.

South China Morning Post cho biết là một đường băng quân sự trên đảo Balabac thuộc tỉnh Palawan, miền tây Philippines, gần Biển Đông, cũng sắp được hoàn thành. Đảo Balabac là một trong 4 địa điểm mới mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo thỏa thuận quốc phòng được mở rộng hồi năm 2023. Theo tổng thống Marcos, Philippines đang trong giai đoạn cuối xây dựng đường băng quân sự Balabac và tỉnh Palawan “sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia”.

Xin nhắc lại là các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong số những ưu tiên của chính quyền Marcos Jr. và là một phần trong nỗ lực mở cửa khu vực phía nam thủ đô cho các chương trình đầu tư mới, tạo thuận lợi cho giao thông vận tải và tăng cường lĩnh vực du lịch.

Liên quan tới Việt Nam, theo trang tin Philippine Star, bộ Ngoại Giao Philippines hôm qua, 19/07, cho biết Manila sẵn sàng đàm phán với Hà Nội để tìm kiếm các giải pháp cùng có lợi “cho các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS”, sau khi Hà Nội đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông.


*************
voatiengviet.com

Nữ Mật vụ bảo vệ ông Trump có phải là người Nga?

VOA News

Các cơ quan thông tấn và báo chí hàng đầu của Nga ngày 15/7 đưa tin rầm rộ rằng một phụ nữ Nga đã cứu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vụ ám sát hụt hôm 13/7 ở Pennsylvania.

Nhiều phương tiện truyền thông Nga đưa tin, nữ nhân viên Mật vụ Mỹ, người xuất hiện trong đoạn phim che chắn cho Trump và hộ tống ông đến nơi an toàn, từng là một vận động viên karate và võ thuật người Nga tên là Irina S.

Sinh ra ở thị trấn Skopin gần thành phố trung tâm Ryazan, cô Irina được huấn luyện với các huấn luyện viên võ thuật và karate nổi tiếng người Nga là Olga Novikova và Yevgeny Zhirikhov, các bản tin cho biết. Truyền thông Nga đưa tin, năm 2000, gia đình Irina di cư sang Hoa Kỳ, nơi cô làm huấn luyện viên võ thuật trước khi gia nhập một công ty an ninh tư nhân cung cấp dịch vụ vệ sĩ cho chính phủ Hoa Kỳ.

Nhà tuyên truyền và nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Nga Aleksey Chadayev đã đăng trên Telegram một bức ảnh của ông Trump được nữ nhân viên Mật vụ che chắn, nói rằng: “Một phần buồn cười: cô ở giữa bức ảnh lịch sử này là một vận động viên karate người Nga từ Ryazan đã di cư sang Mỹ vào đầu những năm 2000.”

Tờ báo kinh doanh Vglyad, trang tin tức Lenta.ru, trang tổng hợp tin tức Newsru.com và những trang khác cho biết:

“Người phụ nữ che chắn cho ông Trump khỏi làn đạn hóa ra là một vận động viên karate người Nga.”

Điều này là không có căn cứ.

Hai huấn luyện viên tên là Novikova và Zhirikhov nói với các hãng thông tấn Nga rằng họ không nhận ra học trò của mình trong đoạn phim và không thể xác nhận liệu nữ nhân viên Mật vụ đó thực sự là Irina S hay không.

Một số cơ quan thông tấn và báo chí đã xóa các bản tin của họ về nguồn gốc Nga của nhân viên Mật vụ, và những bài khác đã sửa lại các tin tức ban đầu của họ, tuy nhiên nhiều bản tin vẫn giữ nguyên. Tính đến thời điểm công bố bài viết này, công cụ tìm kiếm Internet Yandex.ru của Nga đưa ra hàng trăm bản tin và bài đăng trên mạng xã hội khẳng định một “phụ nữ Nga đã cứu ông Trump.”

Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ chưa trả lời các câu hỏi của Polygraph.info liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của nữ đặc vụ được thấy trong đoạn phim bảo vệ ông Trump vào thời điểm viết bài này.

Nga lợi dụng âm mưu ám sát ông Trump để tấn công và bóp méo các giá trị dân chủ của Mỹ, truyền bá các thuyết âm mưu lẫn các cáo buộc vô căn cứ.

(Nguồn: Polygraph.info)


************

Pháp: Chủ tịch Hạ Viện Yaël Braun-Pivet tái đắc cử, liên minh cánh tả phản đối

Thùy Dương

Tại Pháp, trong phiên họp đầu tiên của Hạ Viện mới, 577 dân biểu hôm qua, 18/07/2024, đã bầu chọn tân chủ tịch Hạ Viện. Sau 3 vòng bỏ phiếu kín, chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm Yaël Braun-Pivet, thuộc khối dân biểu Đồng Hành vì nền Cộng Hòa của tổng thống Macron, đã tái đắc cử.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Trong hai vòng bỏ phiếu đầu tiên, không ứng viên nào thu được đa số tuyệt đối (289 phiếu). Trong vòng bỏ phiếu cuối cùng, theo quy định, ai được nhiều phiếu nhất sẽ thắng.

Kết quả là chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm Yaël Braun-Pivet, thuộc phe của tổng thống Macron, là người thắng cuộc với 220 phiếu, nhờ được các dân biểu cánh hữu dồn phiếu. Dân biểu đảng Cộng Sản, André Chassaigne, đại diện cho liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, về nhì với 207 phiếu. Ứng viên của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, dân biểu Sébastien Chenu, về hạng ba (141 phiếu).

Thắng lợi của phe Macron trong cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện, 1 trong 4 vị trí quyền lực nhất trên chính trường Pháp (ngoài tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Thượng Viện), đã khiến liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới bất mãn, bởi liên minh này đã về đầu trong kỳ bầu cử Quốc Hội vừa qua và được nhiều ghế dân biểu nhất, hơn cả liên minh của tổng thống.

Theo AFP, dân biểu đảng Cộng Sản André Chassaigne, từng được dự báo có nhiều cơ hội đắc cử chức chủ tịch Hạ Viện, đã gay gắt tố cáo « lá phiếu bị đánh cắp » bởi « một liên minh trái tự nhiên » giữa phe Macron và cánh hữu. 

Sau phiên họp đầu tiên vào hôm qua 18/07 để bầu chủ tịch Hạ Viện, hôm nay 19/07 Hạ Viện Pháp bầu chọn nhiều vị trí chủ chốt khác, trong đó có 6 phó chủ tịch, 3 người phụ trách hành chính - tài chính của Văn phòng chủ tịch Hạ Viện và 12 thư ký.


**************
voatiengviet.com

Ba người thiệt mạng khi các cuộc biểu tình ở Bangladesh lan rộng từ sự tức giận của sinh viên

Reuters

Ba người đã thiệt mạng ở Bangladesh hôm 19/7 khi cảnh sát trấn áp các cuộc biểu tình không ngừng do sinh viên lãnh đạo phản đối hạn ngạch việc làm của chính phủ bất chấp lệnh cấm tụ tập nơi công cộng, truyền thông địa phương cho biết.

Cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán người biểu tình ở một số khu vực, theo thông tin từ các phóng viên của Reuters. Một người đàn ông cho biết đã nhìn thấy nhiều đám cháy khắp thủ đô Dhaka từ trên sân thượng và khói bốc lên trời ở một số nơi.

Viễn thông cũng bị gián đoạn và các kênh tin tức truyền hình không được phát sóng. Các nhà chức trách đã cắt một số dịch vụ điện thoại di động vào ngày hôm trước để cố gắng dập tắt tình trạng bất ổn.

Tờ báo Bengali Prothom Alo đưa tin các dịch vụ xe lửa đã bị đình chỉ trên toàn quốc khi những người biểu tình chặn đường và ném gạch vào các quan chức an ninh.

Ba người đã thiệt mạng hôm 19/7, sau khi bạo lực nổ ra một ngày trước đó tại 47 trong số 64 quận của Bangladesh, khiến 27 người thiệt mạng và 1.500 người bị thương.

Reuters chưa thể xác minh ngay thông tin này và cảnh sát chưa đưa ra con số thương vong.

Các cuộc biểu tình ban đầu nổ ra vì sự tức giận của sinh viên đối với hạn ngạch gây tranh cãi, vốn dành 30% công việc của chính phủ cho gia đình của những người đấu tranh giành độc lập khỏi Pakistan.

Tình trạng bất ổn trên toàn quốc – lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Sheikh Hasina tái đắc cử vào năm nay – cũng được thúc đẩy bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, những người chiếm gần 1/5 dân số 170 triệu người.

Một số nhà phân tích cho rằng bạo lực hiện nay còn được thúc đẩy bởi những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn, chẳng hạn như lạm phát cao và dự trữ ngoại hối giảm sút.

Các cuộc biểu tình đã mở ra những rạn nứt chính trị lâu đời và nhạy cảm giữa những người đấu tranh cho nền độc lập của Bangladesh khỏi Pakistan vào năm 1971 và những người bị cáo buộc cộng tác với Islamabad.

Các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích việc đình chỉ các dịch vụ và hành động của lực lượng an ninh. Liên minh châu Âu cho biết họ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực và thiệt hại về nhân mạng.

“Điều quan trọng là ngăn chặn bạo lực tiếp theo và tìm ra giải pháp hòa bình cho tình hình càng nhanh càng tốt, được củng cố bởi luật pháp và các quyền tự do dân chủ”, tuyên bố của EU nói.

Nước láng giềng Ấn Độ cho rằng tình trạng bất ổn là vấn đề nội bộ của Bangladesh và cho biết tất cả 15.000 người Ấn Độ ở nước này đều an toàn. Người Ấn Độ học tập tại Bangladesh đã trở về bằng đường bộ.

Bạo lực liên quan đến các cuộc biểu tình cũng bùng phát ở London xa xôi, nơi có đông đảo người Bangladesh sinh sống và cảnh sát đã phải dập tắt các cuộc đụng độ giữa các nhóm lớn đàn ông ở phía đông thủ đô nước Anh.

*********

Anh - Pháp tăng cường hợp tác quốc phòng và quản lý di dân bất hợp pháp

Minh Phương

Bên lề Hội nghị Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu hôm qua, 18/07/2024, gần thành phố Oxford, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tân thủ tướng Anh Keir Starmer cam kết sẽ "tăng cường hợp tác về vấn đề di cư bất hợp pháp" và tái khởi động quan hệ đối tác quốc phòng giữa Paris và Luân Đôn. Tổng thống Pháp cho rằng đây là “thời điểm rất quan trọng” để nối lại mối quan hệ giữa Anh và Pháp cũng như giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu EU.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Từ Woodstock, đặc phái viên RFI Valerie Gas cho biết cụ thể về cuộc gặp giữa hai nguyên thủ :

“Emmanuel Macron và Keir Starmer đã có một cuộc gặp nhanh chóng ở Washington, tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Nhưng lần này tại Woodstock, trong một bữa tối làm việc tại Cung điện Blenheim, nơi Winston Churchill sinh ra, hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc trao đổi sâu đầu tiên kể từ khi tân thủ tướng Anh được bổ nhiệm vào đầu tháng 7.

Theo những người thân cận với nguyên thủ Pháp, cuộc gặp này sẽ giúp “đánh giá” mối quan hệ Pháp-Anh, “đưa ra một cái nhìn tổng quan, xem xét lại mọi vấn đề” từ năng lượng, di cư tới quốc phòng … Đã đến lúc thích hợp để đánh giá lại mối quan hệ này, vì đây là lần đầu tiên sau 14 năm, Công Đảng trở lại nắm quyền ở Vương quốc Anh.

Như một thông điệp chào mừng tổng thống Macron, Keir Starmer đã đăng một bài báo trên nhật báo Pháp Le Monde, trong đó ông nhấn mạnh đến những mối liên kết giữa hai nước bất chấp Brexit, kêu gọi một “kỷ nguyên thân hữu” mới và khẳng định rằng “cùng nhau” Pháp và Vương quốc Anh “có thể làm cho thế giới an toàn hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn”, những thiện ý mà phủ tổng thống Pháp (Điện Elysée) đã thể hiện và chia sẻ trong lần tiếp xúc đầu tiên này.”

Theo AFP, một trong những chủ đề chính được bàn thảo giữa hai nhà lãnh đạo là vấn đề di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Tổng thống Macron cũng kêu gọi sự phối hợp của các quốc gia châu Âu khác, nhất là những nước mà người di cư nhập cảnh đầu tiên, để kiểm soát dòng người nhập cư qua eo biển Manche vì theo ông đây không phải một vấn đề có thể được xử lý “ở cấp độ song phương” (giữa Anh và Pháp). Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Ukraina và thể hiện mong muốn “tái khởi động hợp tác quốc phòng” để giải quyết những khó khăn mà thế giới đang phải trải qua và những mối đe dọa đến từ các quốc gia và các tổ chức thù địch.


************
rfa.org

Dấu ấn hay di sản trong sự nghiệp của Ông Nguyễn Phú Trọng?

Bài bình luận của bạn đọc Hoàng Hùng

Tôi cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng là người để lại dấu ấn, chứ không để lại di sản, trong sự nghiệp chính trị của mình.
Ông Nguyễn Phú Trọng có dấu ấn lớn nhất là giành quyền lực về chức Tổng bí thư, sau thời của ông Nông Đức Mạnh, để mất quyền lực vào tay Thủ tướng (thời ông Nguyễn Tấn Dũng).
Ông Trọng còn có dấu ấn trong việc đốt lò, chống tham nhũng. Nếu công cuộc chống tham nhũng thành công, tạo ra một cơ chế ngăn chặn tham nhũng, tương tự như tam quyền phân lập ở các nước khác, thì đó mới là di sản. Chứ nếu chỉ “đánh chuột không để vỡ bình” tục chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ không thành công. Vẫn cái “bình” cũ, một cái “bình” mà cho phép đảng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì cái bình sẽ còn sinh ra củi. Sự nghiệp “đốt lò” dang dở, củi mục, củi tươi, vẫn còn tiếp tục sinh ra, do cái cơ chế độc đảng,  trong đống củi đã đốt, chưa đốt, cũng có bàn tay của ông Trọng tạo lên củi.
Ông Trọng còn có dấu ấn trong việc bóp nghẹt sự tự do, dân chủ, của người dân Việt Nam. Trong thời kỳ ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư, có lẽ sự mờ nhạt của ông Nông Đức Mạnh, đã khiến cho bầu không khí tự do, dân chủ của người dân được phép tự do hơn. Nhiều tổ chức dân sự, nhiều nhà bất đồng chính kiến, người dân đã có một không gian tự do, dân chủ và đưa ra các chính kiến của mình. Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, đặc biệt là sau khi giành lại quyền lực từ ông Nguyễn Tấn Dũng và ép ông Dũng phải từ chức, sự tự do, dân chủ của người dân dần dần bị thắt chặt. Các tổ chức dân sự, các nhà bất đồng chính kiến, … bị bắt, bị bỏ tù, bị ép phải đi khỏi Việt Nam.
Ngay cả với chính người dân, hoặc các đảng viên cộng sản, cũng bị đàn áp một cách cứng rắn. Tiêu biểu nhất là vụ Đồng Tâm. Theo tôi, bản chất của vụ Đồng Tâm là tranh chấp đất đai giữa người dân đang quản lý đất và bên muốn thu hồi đất cho mục đích kinh doanh (chứ không phải là mục tiêu quốc phòng như tuyên truyền). Nhẽ ra chính quyền phải là nơi làm trọng tài, phân xử, giảng hòa, giữa hai bên tranh chấp. Nhưng không! Chính quyền lại nhẩy vào cuộc và đứng ra làm bên tranh chấp với người dân xã Đồng Tâm. Đẩy người dân vào thế chống đối chính quyền. Đẩy một vụ tranh chấp dân sự, thành hình sự. Cuối cùng chính quyền phải dùng vũ lực quân sự, để đàn áp người dân và gây ra cái chết cho 4 người và nhiều người khác bị bắt bớ, tù đầy.
Nhiều người so sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Văn Linh. Theo tôi, ông Nguyễn Văn Linh có một di sản cụ thể, đó chính là sự “đổi mới” sang nền kinh tế thị trường và phá bỏ đi nền kinh tế tập trung. Còn ông Nguyễn Phú Trọng không có di sản nào để lại. Tất nhiên nếu việc chống tham nhũng thành công, tạo ra một cơ chế mới, thì đó mới là di sản. Chứ việc bắt bỏ tù một số quan chức tham nhũng, ép một số lãnh đạo cao cấp phải từ chức, chỉ giải quyết được phần ngọn, chứ không giải quyết được cái gốc, như tôi đã viết ở trên.
Thật ra “đổi mới” của ông Nguyễn Văn Linh cũng từ một sự ép buộc, các nước cộng sản Đông Âu sụp đổ, nếu không đổi mới là chết đảng. Sự “đổi mới” của ông Linh và các đồng chí của ông ấy,  là sự đổi mới nửa vời. Thế nhưng di sản đó vẫn có thành công, biến Việt Nam từ một nước đói nghèo, có nền kinh tế cộng sản tập trung, trở thành một nước phát triển, có nền kinh tế thị trường, cho dù vẫn gắn cái đuôi XHCN.
Cá nhân tôi chỉ đánh giá cao trong chính sách đối ngoại dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, với chính sách ngoại giao “cây tre”, đặc biệt là sau khi Việt Nam nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, mà không để phật lòng Trung Quốc. Với nhiều người đó là chính sách ngoại giao “đu dây, nghiêng ngả”, thế nhưng với một nước có chế độ tương đồng với Trung Quốc, thì chính sách ngoại giao mềm dẻo đó là  dấu ấn trong sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng.
Tất nhiên lịch sử sẽ phán xét công tội của bất cứ lãnh đạo quốc gia nào,  trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, một vị lãnh đạo có một dấu ấn đặc biệt với Việt Nam, trong đầu thế kỷ 21 này. Cá nhân tôi không thể có cái nhìn bao quát, có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, bởi chính kiến thức hạn hẹp của mình và còn bởi vì sự không minh bạch trong các thông tin của chính quyền, cho nên có thể không đánh giá hết được dấu ấn hoặc di sản của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu là vậy, rất mong mọi người lượng thứ.


************

Tổng thống Zelensky kêu gọi London hỗ trợ thêm tên lửa tầm xa

UYÊN PHƯƠNG

Phát biểu trước các bộ trưởng của Chính phủ Anh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi London hỗ trợ thêm tên lửa tầm xa.

Thủ tướng Anh Keir Starmer bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước cửa tòa nhà số 10 Phố Downing, nơi đặt Văn phòng Thủ tướng Anh, hôm 19-7 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Keir Starmer bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước cửa tòa nhà số 10 Phố Downing, nơi đặt Văn phòng Thủ tướng Anh, hôm 19-7 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một trong số ít nhà lãnh đạo nước ngoài xuất hiện tại cuộc họp của Nội các nước Anh. Người gần nhất xuất hiện trước cuộc họp của Nội các Anh là cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1997.

Tại cuộc họp, Tổng thống Zelensky nhắc lại lời kêu gọi các đồng minh phương Tây về việc cho phép Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa tấn công nước Nga. Đồng thời nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói rằng phía London nên cố gắng thuyết phục các đồng minh xóa bỏ mọi giới hạn để Kiev có thể sử dụng các vũ khí mà phương Tây gửi đến.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của London đối với Kiev. Ông Starmer nói với ông Zelensky rằng Anh sẽ thúc đẩy việc cung cấp các gói viện trợ quan trọng cho Ukraine.

“Ukraine đang và sẽ luôn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Chính phủ Anh. Vì vậy, chẳng có gì là vô lý khi Tổng thống Zelensky có bài phát biểu ‘lịch sử’ trước Nội các của chúng ta”, Thủ tướng Starmer phát biểu trước cuộc họp hôm 19-7.

Anh đã "kề vai sát cánh" với Ukraine ngày từ những ngày đầu từ khi chiến sự bùng phát vào cuối tháng 2-2022. Reuters nhận định việc ông Starmer mời ông Zelensky tham dự cuộc họp của Nội các Anh càng thể hiện sự khăng khít giữa Kiev và đồng minh London.

Bên cạnh đó, các nhà quan sát cho rằng thủ tướng Anh đang nỗ lực nâng cao vai trò của London trong các vấn đề quốc tế hậu Brexit, thông qua bài phát biểu của Tổng thống Zelensky trước Nội các Anh.

Trước đó một ngày, tức hôm 18-7, ông Zelensky cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) diễn ra tại Cung điện Blenheim, Anh.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày 18-7, bộ trưởng Quốc phòng hai nước Anh và Ukraine đã ký kết hiệp ước hỗ trợ xuất khẩu quốc phòng, cho phép Kiev sử dụng 3,5 tỉ bảng Anh (khoảng 4,5 tỉ USD) tiền tài trợ xuất khẩu để củng cố các cơ sở công nghiệp quốc phòng của cả hai nước, cũng như thúc đẩy sản xuất vũ khí và phương tiện chiến đấu.

Ba Lan đẩy nhanh tiến trình giao tiêm kích F-16 cho Ukraine

Cũng trong ngày 19-7, Tổng thống Zelensky thông báo Ba Lan đang đẩy nhanh tiến trình giao các máy bay phản lực F-16 cho Kiev.

Các chuyên gia quân sự Ukraine nhận định chiến đấu cơ F-16 là một trong những “con át chủ bài” của quân đội nước này, giúp tăng cường khả năng phòng thủ, đẩy lùi những cuộc không kích bằng vũ khí tầm xa của Nga.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ những chiếc F-16 đầu tiên đang trên đường từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine. Theo Reuters, Kiev rất mong đợi vào lô F-16 đầu tiên này để có thể cải thiện vị trí trên chiến trường.


**********
voatiengviet.com

Tòa án hàng đầu LHQ: Việc Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine là bất hợp pháp

Reuters

Tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc hôm 19/7 nói rằng việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của người Palestine là bất hợp pháp và việc này cần được rút lại càng sớm càng tốt. Tuyên bố nằm trong những phán quyết mạnh mẽ nhất của cơ quan này cho đến nay về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Quan điểm tư vấn của các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn gọi là Tòa án Thế giới, không mang tính ràng buộc nhưng có trọng lượng theo luật pháp quốc tế và có thể làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Israel.

“Các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem cũng như chế độ liên quan đến chúng đã được thiết lập và duy trì trong tình trạng vi phạm luật pháp quốc tế”, Chủ tịch Nawaf Salam nói.

Tòa án nói các nghĩa vụ của Israel bao gồm trả tiền bồi thường thiệt hại và “sơ tán tất cả những người định cư khỏi các khu định cư hiện tại”.

Trong một phản ứng nhanh chóng, Bộ Ngoại giao Israel bác bỏ quan điểm này là “sai cơ bản” và phiến diện, đồng thời lặp lại lập trường rằng chỉ có thể đạt được một giải pháp chính trị trong khu vực bằng đàm phán.

“Quốc gia Do Thái không thể là kẻ chiếm đóng trên chính mảnh đất của mình”, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong một tuyên bố.

Quan điểm này cũng khiến những người định cư ở Bờ Tây cũng như các chính trị gia như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich, người có đảng tôn giáo theo chủ nghĩa dân tộc thân cận với phong trào định cư và bản thân ông sống ở một khu định cư ở Bờ Tây, tức giận.

“Câu trả lời cho The Hague: Chủ quyền ngay bây giờ”, ông nói trong một đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội X, trong một lời kêu gọi rõ ràng để chính thức sáp nhập Bờ Tây.

Ông Israel Gantz, người đứng đầu Hội đồng khu vực Binyamin, một trong những hội đồng định cư lớn nhất, nói quan điểm của ICJ là “trái với Kinh thánh, đạo đức và luật pháp quốc tế”.

‘Không đồng loã’

Quan điểm của ICJ cũng cho thấy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng và tất cả các quốc gia có nghĩa vụ không công nhận việc chiếm đóng là hợp pháp cũng như không “cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ” để duy trì sự hiện diện của Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Mỹ là đồng minh quân sự lớn nhất và ủng hộ Israel.

Bộ Ngoại giao Palestine gọi quan điểm này là “lịch sử” và kêu gọi các quốc gia tuân thủ nó.

“Không viện trợ, không hỗ trợ. Không đồng lõa. Không tiền, không vũ khí, không buôn bán... không có hành động nào dưới bất kỳ hình thức nào để hỗ trợ sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel,” Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki phát biểu bên ngoài tòa án ở The Hague.

Vụ việc bắt nguồn từ yêu cầu năm 2022 về ý kiến pháp lý của Đại hội đồng LHQ, trước khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10.

Israel đã chiếm được Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem – những khu vực thuộc Palestine lịch sử mà người Palestine muốn thành lập một nhà nước – trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và kể từ đó đã xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và đều đặn mở rộng chúng.

Các nhà lãnh đạo Israel cho rằng các vùng lãnh thổ này không bị chiếm đóng về mặt pháp lý vì chúng nằm trên vùng đất tranh chấp, nhưng Liên Hiệp Quốc và hầu hết cộng đồng quốc tế đều coi chúng là lãnh thổ bị chiếm đóng.

Vào tháng 2, hơn 50 quốc gia đã trình bày quan điểm của mình trước tòa án, trong đó đại diện của Palestine yêu cầu tòa án ra phán quyết rằng Israel phải rút khỏi tất cả các khu vực bị chiếm đóng và dỡ bỏ các khu định cư bất hợp pháp.

Israel không tham gia các phiên điều trần nhưng đã nộp một tuyên bố bằng văn bản nói với tòa án rằng việc đưa ra quan điểm tư vấn sẽ “có hại” cho những nỗ lực giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Phần lớn các quốc gia tham gia yêu cầu tòa án coi việc chiếm đóng là bất hợp pháp, trong khi một số ít, bao gồm cả Canada và Anh, cho rằng họ nên từ chối đưa ra quan điểm tư vấn.

Hoa Kỳ đã yêu cầu tòa án không ra lệnh rút các lực lượng Israel ra khỏi lãnh thổ Palestine một cách vô điều kiện.

Quan điểm của Hoa Kỳ là tòa án không nên đưa ra quyết định nào có thể gây tổn hại cho các cuộc đàm phán hướng tới giải pháp hai nhà nước theo nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình”.

Năm 2004, ICJ đưa ra phán quyết mang tính tư vấn rằng hàng rào ngăn cách của Israel xung quanh hầu hết Bờ Tây là bất hợp pháp và các khu định cư của Israel được thiết lập vi phạm luật pháp quốc tế. Israel đã bác bỏ phán quyết đó.


*******
rfi.fr

Để vuột mất chức chủ tịch Hạ Viện Pháp, liên đảng cánh tả càng khó đoạt chiếc ghế thủ tướng

Thùy Dương

Sau thắng lợi trong kỳ bầu cử lập pháp trước hai đối thủ chính là liên minh cánh trung của tổng thống Macron và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của Marine Le Pen, liên đảng cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới hôm qua 18/07/2024 vấp phải thất bại đầu tiên, để vuột mất chức chủ tịch Hạ Viện, 1 trong 4 vị trí quan trọng nhất trên chính trường Pháp, sau tổng thống, thủ tướng và chủ tịch Thượng Viện.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút

Việc 4 đảng phái cánh tả và cực tả trong liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới quyết định đoàn kết dồn phiếu cho dân biểu Cộng Sản André Chassaigne tranh chức chủ tịch Hạ Viện đã được xem là thành công, mang lại hy vọng giành chức chủ tịch Hạ Viện cho liên minh này. Tuy nhiên, Mặt Trận Bình Dân Mới không có đủ đa số tuyệt đối tại Hạ Viện để có thể giành thắng lợi ngay trong vòng 1 hoặc 2 của cuộc bỏ phiếu kín ngày hôm qua. Sự ủng hộ của cánh hữu dành cho khối dân biểu Đồng Hành vì nền Cộng Hòa, phe của tổng thống Macron, đã giúp bà Yaël Braun-Pivet tái đắc cử chủ tịch Hạ Viện.

Cuộc đấu « phân bổ » các vị trí quan trọng và mang tính biểu tượng cho tương quan lực lượng của các đảng phái ở Quốc Hội vẫn chưa tới hồi kết. Hôm nay Hạ Viện bầu 6 phó chủ tịch, 3 quản lý hành chính - tài chính của Văn phòng chủ tịch Hạ Viện và 12 thư ký. Thế nhưng, kết quả bầu chọn chủ tịch Hạ Viện hôm qua cho thấy con đường của liên đảng cánh tả giành được ghế thủ tướng Pháp sẽ thêm phức tạp.

Trên đài BFMTV tối hôm qua, Marine Tondelier, thư ký quốc gia của đảng Sinh Thái, thành viên liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới, nhận định trận đấu giành chức chủ tịch Hạ Viện đã « thất bại ngay từ khi chưa bắt đầu », nhưng họ chưa thất trận trong « cuộc chạy đua » đến điện Matignon (phủ thủ tướng Pháp) và cuộc đua sẽ « bắt đầu lại ngay lập tức ».

Tuy nhiên, theo giới quan sát, kịch bản cánh hữu liên minh với phe của tổng thống Macron hoàn toàn có thể tái diễn trong cuộc bầu chọn thủ tướng Pháp, như trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ Viện hôm qua.

Trong khi đó, cho đến giờ, liên đảng Mặt Trận Bình Dân Mới vẫn không thể đi đến đồng thuận về một ứng viên duy nhất cho chức thủ tướng, mặc dù nhất quyết vin vào kết quả là họ về đầu trong kỳ bầu cử lập pháp để đòi tổng thống Emmanuel Macron phải bổ nhiệm người của cánh tả làm thủ tướng.

Về phía tổng thống Pháp, theo báo Le Monde, ông Macron chỉ có thể để liên đảng Mặt Trận Bình Dân Mới tiếp cận vị trí thủ tướng nếu họ thắng lợi trong cuộc đua giành chức chủ tịch Quốc Hội. Nếu Hạ Viện bầu chọn dân biểu đảng Cộng Sản, André Chassaigne làm chủ tịch thì đây có thể được xem là dấu hiệu rõ ràng cho thấy liên minh cánh tả có đủ khả năng gắn kết lực lượng để lãnh đạo chính phủ. Ngược lại, thất bại của ứng viên này truyền tải rõ ràng điều vốn vẫn được xem là thông điệp ngầm từ tổng thống Macron : không giành được chức vụ quan trọng ở Hạ Viện thì không thể có đường đến điện Matignon, tức là không thể có chức thủ tướng để thành lập nội các theo ý của liên đảng cánh tả.

Chỉ ít phút sau cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ Viện, hôm qua, một số lãnh đạo của liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới đã ngay lập tức thông báo sẽ đệ trình yêu cầu lên Hội Đồng Bảo Hiến để xem xét tính hợp pháp của cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ Viện : trong số 577 dân biểu bỏ phiếu, có 17 dân biểu là bộ trưởng trong nội các đã từ chức nhưng vẫn xử lý thường vụ trong khi chờ đợi lập chính phủ mới. Theo quy định, các dân biểu Pháp không được kiêm nhiệm các chức vụ hành pháp. Trong khi đó, số phiếu cách biệt giữa bà Yaël Braun-Pivet, người tái đắc cử chủ tịch Hạ Viện, với đại diện của liên đảng cánh tả chỉ là 13 phiếu.

Trong khi chờ đợi phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến, các thành viên của liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới phải khẩn trương thương lượng để đạt đồng thuận về một ứng viên duy nhất cho chức thủ tướng. Chưa nói đến cuộc đấu giành chức thủ tướng dự kiến diễn ra vào đầu tháng 09/2024, sau khi Thế Vận Hội Mùa Hè kết thúc, cuộc đấu trong nội bộ liên minh cánh tả để chọn ứng viên thủ tướng vẫn chưa ngã ngũ.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo