*****************
Israel oanh kích một khu tị nạn Palestine để tiêu diệt một thủ lĩnh Hamas, ít nhất 90 người chết
Quân đội Israel một lần nữa oanh kích một khu vực tị nạn của người Palestine ở Al-Mawasi, gần Khan Younès, miền nam dải Gaza, hôm qua, 13/07/2024. Theo bộ Y Tế của Hamas ở Gaza, ít nhất 90 người chết và 300 người bị thương. Mục tiêu của Israel là tìm cách hạ sát nhân vật số hai của tổ chức Hamas, được coi là đầu não của vụ tấn công trên đất Israel hôm 07/10/2023, khiến hơn 1.200 người chết và 250 người bị bắt làm con tin.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Đây là lần thứ tám Israel tìm cách loại trừ Mohamed Deif. Tổ chức Hồi giáo Hamas lên án Israel làm "leo thang’’ chiến tranh và thảm sát thường dân. Đối với nhiều người Israel, nỗ lực tiêu diệt thủ lĩnh Hamas nói trên của thủ tướng Netanyahu có thể chặn đứng tiến trình đàm phán ngừng bắn và trả tự do cho các con tin Israel.
Thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem cho biết thêm:
‘‘Tại Israel sáng nay, dân chúng đặt câu hỏi về số phận của Mohamed Deif, chỉ huy các lực lượng vũ trang Hamas ở Gaza, đồng thời là người tổ chức vụ tấn công ngày 7/10/2023. Liệu Mohamed Deif có thoát khỏi nỗ lực tiêu diệt lần thứ tám này của Israel hay không? Theo một số nguồn tin quân sự, được giới truyền thông trích dẫn, nhân vật này đã bị trúng đạn ngày hôm qua trong vụ tấn công mới này.
Nhưng đối với thủ tướng Israel, không có gì chắc chắn cho thấy Mohamed Deif đã chết. Trong cuộc họp báo, được triệu tập sau cuộc tấn công hôm thứ Bảy tuần này, thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố ông tin rằng quân đội Israel đã không gây đủ áp lực quân sự đối với tổ chức Hamas.
Bất luận ra sao, sáng nay các nhà bình luận đặt câu hỏi về cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào Mohamed Deif sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tiếp tục cuộc đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Liệu biến cố này có gây ra một bế tắc mới trong đàm phán hay không? Trong mọi trường hợp, đây là quan điểm của gia đình các con tin đã biểu tình tối hôm qua trước văn phòng thủ tướng, cùng với hàng chục nghìn người Israel, vừa kết thúc cuộc tuần hành kéo dài 4 ngày từ Tel Aviv đến Jerusalem. Những người này tin rằng thủ tướng Netanyahu đang làm mọi cách để phá hoại một thỏa thuận có thể đạt được với Hamas’’.
***********
Đài Loan cảnh giác trước ‘nhiều đợt’ thử phi đạn ở phía bắc Trung Quốc
Bộ quốc phòng Đài Loan ngày thứ Bảy cho biết họ đang theo dõi “nhiều đợt” thử phi đạn diễn ra ở khu vực Nội Mông nằm ở phía bắc xa xôi của Trung Quốc và lực lượng phòng không của họ đang trong tình trạng báo động.
Đài Loan được cai trị một cách dân chủ, nơi mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động quân sự của Trung Quốc vì các hoạt động thường xuyên của Bắc Kinh xung quanh hòn đảo này, nhưng hiếm khi công bố chi tiết về những gì họ thấy đang diễn ra bên trong Trung Quốc.
Bộ cho biết từ 4 giờ sáng (20:00 GMT ngày thứ Sáu) họ đã phát hiện “nhiều đợt phóng thử nghiệm” do Lực lượng Tên lửa Trung Quốc thực hiện ở Nội Mông, cách Đài Loan khoảng 2.000 km.
Bộ nói các lực lượng Đài Loan đang liên tục theo dõi các diễn biến và lực lượng phòng không đang trong tình trạng báo động, nhưng không nêu chi tiết.
Bộ quốc phòng Trung Quốc không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận ngoài giờ hành chính. Lực lượng Tên lửa phụ trách kho phi đạn chính quy và hạt nhân của Trung Quốc.
Vào tháng 8 năm 2022, Trung Quốc bắn phi đạn vào vùng biển xung quanh Đài Loan trong cuộc tập trận để bày tỏ sự tức giận về chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc đó là Nancy Pelosi.
Đài Loan vận hành các trạm radar mạnh trên một số đỉnh của dãy núi trung tâm có thể nhìn xa vào Trung Quốc, theo các nguồn tin an ninh.
Trung Quốc không ưa Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, người mà họ gọi là "kẻ ly khai" và đã gia tăng áp lực quân sự bao gồm cả các cuộc tập trận kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5.
Ông Lại đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Trung Quốc nhưng bị khước từ. Ông bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ.
***********
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày:
4 phút
( Báo Việt Nam ) - Việt Nam: Tai nạn do sạt lở đất khiến 11 người chết. Một vụ sạt lở đất trên quốc lộ 34 tại khu vực huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, hôm qua 12/07/2024, đã vùi lấp một xe chở khách chạy tuyến Hà Giang - Cao Bằng, khiến 11 người chết, 4 người bị thương và 1 người vẫn mất tích, theo tổng kết mới nhất hôm nay.
(Khmer Times - VOV) – Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm lần đầu công du Cam Bốt. Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, công du Cam Bốt trong hai ngày, 12 và 13/07/2024, theo lời mời của quốc vương Norodom Sihamoni. Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân dịp này, chủ tịch nước Tô Lâm ‘‘đã chúc mừng Cam Bốt tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng Viện và các cấp thành phố, tỉnh, huyện, thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ của người dân đối với đảng Nhân Dân Cam Bốt dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hun Sen’’. Theo báo Khmer Times, chủ tịch Thượng Viện Hun Sen, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác giữa ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ông Hun Sen đã nhận lời mời của chủ tịch Tô Lâm sang thăm Việt Nam trong thời gian tới. Cam Bốt là quốc gia thứ hai mà chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm công du kể từ khi nhậm chức, sau Lào.
(AFP) – Trung Quốc phát động chiến dịch chống chia sẻ các nội dung ‘‘nguy hiểm’’ cho trẻ em trên các mạng xã hội. Cơ quan phụ trách không gian mạng của Trung Quốc cho biết chiến dịch tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng để bảo vệ trẻ em kéo dài hai tháng, chính thức bắt đầu từ hôm nay, 13/07/2024. Chiến dịch được khởi sự vào đầu kỳ nghỉ hè hàng năm
(France 24) – Nhà báo Pháp khiếu kiện về lời kêu gọi giết chết phóng viên của một trang mạng cực hữu có cơ sở tại Nga. Hôm qua, 12/07/2024, nhiều nhà báo thuộc tập đoàn truyền thông France Médias Monde, mà RFI và France 24 là thành viên, đã khiếu kiện về vụ trang mạng Réseau libre đe dọa ám sát 180 nhà báo, luật sư và chính trị gia. Ngày 11/07, cơ quan công tố Paris đã mở cuộc điều tra về vụ này. Những người là đối tượng, mà mạng lưới tiếng Pháp nói trên kêu gọi sát hại, nằm trong danh sách những người ký tên vào một tuyên bố ngày 03/10/2023, trên báo L’Humanité, kêu gọi bảo vệ quyền tự do báo chí. Trang mạng Réseau libre, do một phần tử cực hữu người Pháp Joël Michel Sambuis, 64 tuổi, phụ trách, theo Mediapart. Joël Michel Sambuis từng bị kết án về tội lừa đảo tại Pháp, cư trú ở Nga từ năm 1998.
( AFP ) - Pháp huy động 130.000 cảnh sát và hiến binh cho ngày Quốc khánh. Theo thông báo của bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin hôm qua, 12/07/2024, khoảng 130.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động trong hai ngày cuối tuần này để bảo đảm an ninh cho các lễ hội mừng Quốc khánh Pháp 14/07. Một số tổ chức của sinh viên, với sự ủng hộ của nhiều dân biểu thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, đã kêu gọi biểu tình ngày 14/07 tại quảng trường Bastille ở Paris để đòi thành lập một chính phủ của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới.
( AFP ) - Khai mạc Lễ hội Biển Brest 2024. Lễ hội Biển đã khai mạc hôm qua, 12/07/2024, tại thành phố cảng Brest ở miền tây nước Pháp và sẽ diễn ra đến ngày 17/07. Đây là một trong những lễ hội quy tụ nhiều tàu nhất thế giới. Tuy nhiên, năm nay, Lễ hội Biển Brest không có sự tham gia của các tàu Nga do các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Matxcơva.
( AFP ) - Hai tuyển thủ rugby của Pháp bị truy tố về tội hiếp dâm ở Achentina. Hugo Auradou và Oscar Jegou, hai cầu thủ của đội tuyển rugby Pháp, hôm qua, 12/07/2024, đã bị truy tố ở Achentina về tội hiếp dâm với tình tiết tăng nặng. Hai tuyển thủ Pháp nhìn nhận đã có quan hệ tình dục với nạn nhân, nhưng khẳng định không hề có hành vị bạo lực như tố cáo của nạn nhân
***********
Nhật, Đức hợp tác về ‘‘an ninh kinh tế’’ để đối phó với Trung Quốc
Hai chính phủ Nhật và Đức thỏa thuận thiết lập một khuôn khổ đối thoại song phương về ‘‘an ninh kinh tế’’, với mục tiêu chủ yếu là đối phó với Trung Quốc.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Theo đài Nhật NHK, hôm qua, 12/07/2024, thủ tướng Nhật Kishida Fumio và người đồng cấp Đức Olaf Scholz có cuộc gặp tại Berlin. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Đức, thủ tướng Nhật Kishida Fumio cho biết : Việc tăng cường hợp tác giữa hai nền kinh tế Nhật và Đức, vốn có nhiều điểm chung về cơ cấu của nền công nghiệp và công nghệ tiên tiến, là nhân tố quan trọng ‘‘giúp duy trì và mở rộng trật tự kinh tế quốc tế tự do và công bằng”.
Theo Japan News, khuôn khổ đối thoại song phương Nhật – Đức về an ninh kinh tế có mục tiêu chống lại ‘‘sự ép buộc kinh tế’’, gây áp lực lên các nước đối tác thông qua các hạn chế về thương mại và các biện pháp khác, trong đó Trung Quốc bị điểm mặt như thủ phạm chính.
Khuôn khổ đối thoại về an ninh kinh tế Nhật – Đức dự kiến có sự tham gia của các quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao và bộ Kinh Tế, bộ Thương mại và Công nghiệp về phía Nhật Bản và các đối tác Đức thuộc bộ Kinh Tế và Hành động Khí hậu.
Các biện pháp tăng cường bảo vệ các chuỗi cung ứng về chất bán dẫn, về các kim loại hiếm, và nhiều sản phẩm chiến lược khác dự kiến sẽ nằm trong chương trình tham vấn.
Trong cuộc họp này, thủ tướng hai nước cũng khẳng định an ninh của hai khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ - Thái Bình Dương là không thể tách rời, do cuộc xâm lăng Ukraina của Nga và do quan hệ ngày càng mật thiết hơn giữa Matxcơva với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Berlin và Tokyo xác nhận sẽ tổ chức các cuộc họp giữa chính phủ hai nước vào năm tới, và sẽ phối hợp tổ chức các cuộc họp theo công thức 2+2, giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao hai nước, trong thời gian sớm nhất.
***********
Mỹ gửi Ukraine hệ thống Patriot cũ, khấu hao đến 90% giá trị
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố chuyển cho Ukraine một hệ thống phòng không Patriot cũ với định giá 100 triệu USD, trong khi hệ thống mới trị giá 1 tỉ USD.
Theo Hãng tin Sputnik, ngày 12-7 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ vừa chuyển giao cho Ukraine một hệ thống phòng không Patriot.
Hệ thống này nằm trong gói viện trợ an ninh trị giá 225 triệu USD vừa được Washington công bố hôm 11-7.
Giá trị gói viện trợ này nhanh chóng dấy lên nhiều thắc mắc vì nó bao gồm hệ thống Patriot - loại khí tài phòng không hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ, với trị giá lên đến 1 tỉ USD nếu là hàng mới.
Lý giải điều này, một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống được chuyển cho Ukraine "đã cũ" khiến giá trị giảm đáng kể.
Vị này cho biết: "Chúng tôi đang trao (cho Ukraine) khí tài cũ trong kho quân giới. Giá trị của chúng đã giảm so với giá trị mua mới. 100 triệu USD là giá trị khấu hao của hệ thống Patriot vừa được chuyển giao".
Tuy nhiên quan chức trên không nêu rõ lý do vì sao hệ thống Patriot cũ lại mất giá đến 90% so với hàng mới.
Bên cạnh hệ thống này, gói viện trợ trên còn bao gồm đạn dược cho hệ thống phòng không đất đối không NASAMS, hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, tên lửa Stinger, các hệ thống Javelin, AT-4, đạn pháo các loại...
Tất cả đều được viện trợ thông qua Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA). Quyền này cho phép tổng thống Mỹ viện trợ cho nước ngoài các khí tài lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó sẽ dùng phần ngân sách đã được Quốc hội thông qua để mua mới trang thiết bị nhằm bù đắp phần khí tài được đem tặng trên.
Phía Ukraine hiện chưa phản hồi về thông tin này.
Nga tuyên bố tháo rời xong tên lửa tầm xa phương Tây
Cũng theo Sputnik, ngày 13-7, một kỹ sư quân sự Nga khẳng định đội ngũ chuyên gia nước này đã hoàn thành việc tháo rời các bộ phận trên xác một tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP từng bị Nga bắn hạ.
Đây là dòng tên lửa tầm xa do Anh và Pháp phối hợp nghiên cứu và phát triển, được phương Tây viện trợ cho Ukraine từ năm 2023 và đã được Ukraine sử dụng tích cực trong nhiều hoạt động quân sự.
Kỹ sư trên chia sẻ: "Chúng tôi đã tháo rời hệ thống treo và công tắc chính - cả hai nằm ở phần trung tâm tên lửa, cũng như toàn bộ mạch điện và dây dẫn".
Chúng tôi làm như vậy nhằm kiểm soát một cách khách quan các thay đổi sau này liên quan đến thiết kế của loại tên lửa trên".
Matxcơva kỳ vọng việc làm trên sẽ giúp các chuyên gia kỹ thuật chỉ ra được liệu phía Ukraine hoặc phương Tây có điều chỉnh, thêm bớt linh kiện hay "độ chế" gì dòng tên lửa này không khi xác chiếc Storm Shadow/SCAPL tiếp theo "lên bàn mổ".
Qua đó quân đội Nga có thể hiểu thêm về dòng tên lửa tầm xa này để có phương án đối phó tối ưu hơn***********
Trung Quốc chỉ trích luật tranh chấp Tây Tạng của Mỹ
Trung Quốc ngày thứ Bảy bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với một đạo luật của Mỹ mà Tổng thống Joe Biden kí ban hành có nội dung thúc giục Bắc Kinh giải quyết tranh chấp về đòi hỏi của Tây Tạng có được quyền tự trị lớn hơn, và tuyên bố sẽ “bảo vệ vững chắc” các lợi ích của mình.
Hôm thứ Sáu, ông Biden kí thành luật đạo luật tranh chấp Tây Tạng. Luật này nỗ lực thúc đẩy Bắc Kinh tổ chức các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Tây Tạng, vốn bị đình trệ kể từ năm 2010, để có được một thỏa thuận thông qua đàm phán về khu vực Himalaya và thôi thúc Trung Quốc giải quyết nguyện vọng của người dân Tây Tạng về bản sắc lịch sử, văn hóa, tôn giáo, và ngôn ngữ của họ.
Luật này "can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, và gửi tín hiệu sai lạc nghiêm trọng tới các lực lượng 'độc lập Tây Tạng,'" bộ ngoại giao Trung Quốc nói.
Dù Washington công nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, luật này dường như đặt nghi vấn về lập trường đó, theo các nhà phân tích. Mỹ lâu nay vẫn ủng hộ quyền của người Tây Tạng được thực hành tôn giáo và văn hóa của họ, cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở khu vực xa xôi này giáp biên giới Ấn Độ.
“Mỹ không được thi hành Đạo luật này,” bộ ngoại giao Trung Quốc nói. “Nếu Mỹ tiếp tục đi sai đường, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình.”
Sự chú ý đã tập trung vào các vấn đề Tây Tạng-Trung Quốc khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, đang hồi phục sau một cuộc phẫu thuật, bước sang tuổi 89 vào tuần trước. Nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong cho biết ông sẽ làm rõ các câu hỏi về người kế vị vào khoảng sinh nhật thứ 90 của ông, trong khi Trung Quốc khẳng định sẽ chọn người kế nhiệm ông.
**************
Israel không chắc thủ lĩnh Hamas có bị giết trong cuộc oanh kích hay không
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói vẫn chưa rõ liệu chỉ huy trưởng quân sự của Hamas, Mohammed Deif, và một chỉ huy cao cấp khác có bị mất mạng trong một cuộc oanh kích của Israel ở Gaza hôm thứ Bảy hay không, nhưng ông tuyên bố sẽ theo đuổi những mục tiêu chiến tranh của Israel đến cùng.
“Dù thế nào đi nữa, chúng tôi sẽ truy sát toàn bộ lãnh đạo của Hamas,” ông nói trong một cuộc họp báo chiếu trên truyền hình, và nói thêm rằng cơ hội đạt được thỏa thuận trao trả các con tin người Israel sẽ được cải thiện bằng cách gia tăng áp lực quân sự lên Hamas.
Cuộc họp báo ngắn được tổ chức sau khi quân đội Israel cho biết họ đã tiến hành một cuộc oanh kích dựa trên điều mà họ nói là tình báo chính xác, nhắm vào Deif và chỉ huy cao cấp của Hamas, Rafa Salama, ở thành phố Khan Younis.
Các quan chức y tế Palestine nói cuộc oanh kích giết chết ít nhất 90 người Palestine và làm bị thương khoảng 300 người tại khu nhân đạo được chỉ định Al Mawasi, trong vụ tổn thất nhân mạng nặng nề nhất trong mấy tuần qua.
Quân đội Israel nói cuộc oanh kích nhắm vào một khu quân sự nhưng nói họ không thể xác nhận con số thương vong.
Ông Netanyahu, phát biểu khi những người biểu tình ở Tel Aviv yêu cầu hành động nhiều hơn để đưa các con tin người Israel và nước ngoài trở về từ Gaza, nói rằng áp lực quân sự đối với Hamas là cách tốt nhất để đạt được thỏa thuận trả lại các con tin bị các chiến binh Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10.
Ông nói rằng ông sẽ không thỏa hiệp những đòi hỏi cơ bản của Israel cho một thỏa thuận.
“Tôi chưa xê dịch một milimet nào ra xa khỏi khuôn khổ mà Tổng thống Biden đã đưa ra,” ông nói. "Nhưng tôi cũng không để Hamas xê dịch một milimet nào.”
********
Tân thổng thống Iran bác bỏ áp lực của Mỹ, ca ngợi Nga, Trung Quốc
Mỹ nên nhận ra rằng Iran sẽ không phản ứng trước áp lực, Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian nói trong một phát biểu được công bố hôm thứ Bảy, trong đó ông cũng nhấn mạnh tình hữu nghị của đất nước ông với Trung Quốc và Nga.
Ông Pezeshkian, người tương đối ôn hòa đã đánh bại đối thủ có đường lối cứng rắn trong cuộc bầu cử, cũng nhắc lại rằng Iran không mưu tìm vũ khí hạt nhân, và nói thêm rằng Tehran sẽ mở rộng quan hệ với các nước láng giềng và giao tiếp với Châu Âu.
"Mỹ... cần nhận thức thực tế và hiểu một lần và mãi mãi rằng Iran không - và sẽ không - phản ứng trước áp lực (và) rằng học thuyết phòng thủ của Iran không bao gồm vũ khí hạt nhân," ông Pezeshkian nói trong bài phát biểu nhan đề "Thông điệp của tôi gửi tới thế giới mới" và đăng trên nhật báo Tehran Times.
Ông Pezeshkian, bác sĩ phẫu thuật tim 69 tuổi, đã cam kết cổ xúy chính sách đối ngoại thực dụng, giảm bớt căng thẳng liên quan tới các cuộc đàm phán hiện đang bị đình trệ với các cường quốc nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và cải thiện triển vọng tự do hóa xã hội và đa nguyên chính trị.
Tuy nhiên, nhiều người Iran nghi ngờ về khả năng thực hiện lời hứa vận động tranh cử của ông vì Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, chứ không phải tổng thống, mới là người có thẩm quyền tối thượng ở nước Cộng hòa Hồi giáo này.
"Trung Quốc và Nga đã luôn sát cánh bên chúng tôi trong những lúc khó khăn. Chúng tôi trân trọng sâu sắc tình hữu nghị này.
"Nga là một đồng minh chiến lược và láng giềng có giá trị của Iran và chính quyền của tôi sẽ vẫn dốc sức mở rộng và tăng cường hợp tác giữa chúng ta," ông Pezeshkian nói, và nói thêm rằng Tehran sẽ tích cực hỗ trợ các sáng kiến nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
"Người dân Iran đã giao cho tôi thẩm quyền mạnh mẽ để ráo riết theo đuổi sự giao tiếp mang tính xây dựng trên trường quốc tế trong khi khẳng định quyền lợi, phẩm giá và vai trò xứng đáng của chúng ta trong khu vực và trên thế giới.
“Tôi gửi lời mời cởi mở tới những ai sẵn lòng tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực lịch sử này,” ông Pezeshkian nói.
**********