TT Putin: Nga sẽ lập cơ chế thương mại, an ninh với Triều Tiên ngoài tầm với của phương Tây
Reuters
3–4 minutes
Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa sẽ xây dựng các cơ chế thương mại và an ninh với Triều Tiên mà không bị phương Tây kiểm soát, đồng thời cam kết ủng hộ Bình Nhưỡng một cách vững chắc, đó là nội dung một bức thư được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hôm thứ Ba 18/6 trước chuyến thăm đã được lên kế hoạch của ông Putin tới Triều Tiên.
Trong bức thư được đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên, tổng thống Nga viết: “Chúng ta sẽ phát triển các cơ chế thay thế về thương mại và giải quyết các giao dịch chung mà phương Tây không kiểm soát được, đồng thời cùng nhau chống lại những biện pháp hạn chế đơn phương bất hợp pháp. Đồng thời, chúng ta sẽ xây dựng một kiến trúc an ninh bình đẳng và không thể chia rẽ ở khu vực Á-Âu”.
Ông cảm ơn Triều Tiên về sự ủng hộ dành cho hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, theo cách gọi của Nga, và cam kết ủng hộ những nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm bảo vệ lợi ích của họ bất chấp điều mà ông Putin gọi là “những áp lực, kiểu hành xử tống tiền và đe dọa quân sự của Mỹ”.
Bức thư được đăng ở thời điểm được 1 ngày sau khi hai nước thông báo ông Putin sẽ thăm Triều Tiên lần đầu tiên sau 24 năm, chuyến thăm sẽ kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ hôm 18/6.
Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, Yury Ushakov, nói rằng Nga và Triều Tiên có thể ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác trong chuyến thăm, trong đó bao gồm các vấn đề an ninh.
Ông Ushakov nói rằng thỏa thuận này sẽ không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng sẽ "vạch ra triển vọng hợp tác hơn nữa và sẽ được ký kết có tính đến những gì đã diễn ra giữa hai nước chúng tôi trong những năm gần đây - trong lĩnh vực chính trị quốc tế, trong lĩnh vực kinh tế... tất nhiên cũng tính đến các vấn đề an ninh".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov, các bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên, y tế và giao thông, các giám đốc cơ quan vũ trụ Nga và đường sắt, và người phụ trách năng lượng của ông Putin, Phó Thủ tướng Alexander Novak, sẽ tham gia phái đoàn.
Theo tin của hãng thông tấn Nga Interfax, Trợ lý Nguyên thủ quốc gia Yury Ushakov nói với các phóng viên rằng chuyến thăm sẽ bao gồm các cuộc thảo luận trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như một buổi dạ tiệc, chiêu đãi cấp nhà nước, duyệt đội danh dự, ký kết các văn bản và ra tuyên bố báo chí.
Victor Cha, cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét rằng cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên.
Ông viết trong một báo cáo hôm 17/6: “Mối quan hệ này, có bề dày lịch sử và được hồi sinh nhờ cuộc chiến ở Ukraine, đang làm suy yếu an ninh của châu Âu, châu Á và ở trong Hoa Kỳ”.
Ông kêu gọi Washington hợp tác với châu Âu và các đối tác khác để tăng áp lực kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng.
Sau Triều Tiên, ông Putin sẽ thăm Việt Nam trong 2 ngày 19-20/6.
Chiến tranh Ukraina : Tổng thư ký NATO kêu gọi bắt Trung Quốc trả giá vì hậu thuẫn Nga
Thùy Dương
2–3 minutes
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, hôm 17/06/2024 trong chuyến công du Washington, kêu gọi các đồng minh bắt Trung Quốc trả giá vì hậu thuẫn Nga, đồng thời khích lệ các đồng minh phương Tây của Kiev cung cấp thêm vũ khí cho Ukraina chống quân Nga xâm lược.
Đăng ngày:
2 phút
Phát biểu tại Wilson Center, một trung tâm tư vấn ở Washington, tổng thư ký NATO khẳng định: “Điều này nghe có vẻ như là một nghịch lý, nhưng con đường tiến đến hòa bình phải thông qua việc cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraina”. Vẫn theo nhận định của ông JensStoltenberg, “Vladimir Putin và chính quyền Nga hiện giờ lệ thuộc vào các nước độc tài, chuyên quyền trên toàn thế giới. Các nước bạn hữu thân thiết nhất và hỗ trợ nhiều nhất cho nỗ lực chiến tranh xâm lược của Nga là Bắc Triều Tiên, Iran và Trung Quốc”.
Riêng về Trung Quốc, lãnh đạo NATO cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng mang lại cảm giác là ông ta không làm gì để hỗ trợ Nga nhưng đó là cách để Bắc Kinh tránh bị trừng phạt và duy trì giao thương. Thế nhưng, trên thực tế, Trung Quốc vừa tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến Ukraina, vừa muốn duy trì quan hệ tốt với phương Tây. Chính vì thế, theo tổng thư ký NATO, đến một lúc nào đó, nếu như Trung Quốc không chịu thay đổi, thì các nước đồng minh cần bắt Trung Quốc trả giá, gánh chịu hậu quả.
Liên quan đến ngân sách của cho quốc phòng của các nước thành viên NATO, tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết hơn 23 nước đã đạt ngưỡng ngân sách quốc phòng chiếm 2% GDP.
Theo AFP, ông Jens Stoltenberg lần này đến Hoa Kỳ để chuẩn bị cho thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhân kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Thượng đỉnh dự kiến được tổ chức tại Washington từ ngày 09 đến 11/07, quy tụ 32 thành viên NATO, trong đó có thành viên mới Thụy Điển và 4 đối tác chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương : Úc, Nhật Bản, New Zeland và Hàn Quốc.
Thái Lan: Ông Thaksin bị truy tố, vài nhân vật khác sắp ra tòa gây lo ngại về khủng hoảng chính trị
Reuters
~3 minutes
Người phát ngôn của văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan nói rằng cựu thủ tướng nước này, ông Thaksin Shinawatra, người ủng hộ mạnh mẽ chính phủ hiện đang cầm quyền, chính thức bị truy tố hôm thứ Ba 18/6 vì bị xem là đã xúc phạm chế độ quân chủ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông hồi năm 2015.
Đây là vụ đầu tiên trong 4 vụ kiện gây nhiều chú ý liên quan đến các nhân vật chính trị chủ chốt bị đưa ra tòa hôm 18/6, trong cuộc chiến pháp lý mới nhất có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á rơi vào một thời kỳ bất ổn mới.
4 vụ này liên quan đến một số chính trị gia quyền lực nhất Thái Lan, bao gồm cả thủ tướng hiện tại của đất nước, và có thể làm sâu sắc thêm sự rạn nứt kéo dài hàng thập kỷ giữa phe bảo thủ-bảo hoàng và các đối thủ của họ, chẳng hạn như đảng dân túy cầm quyền Pheu Thai và đảng đối lập Tiến lên.
“Công tố viên đã đưa nghi phạm ra tòa”, ông Prayuth Bejraguna thuộc văn phòng Tổng trưởng lý nói với các phóng viên, ám chỉ ông Thaksin, 74 tuổi.
Ông Thaksin, vốn phủ nhận chuyện có hành vi sai trái, có thể bị giam giữ trước khi bị xét xử nếu ông bị tòa án hình sự từ chối được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị truy tố.
Luật khi quân của Thái Lan, một trong những luật nghiêm khắc nhất thế giới, quy định mức án tù tối đa lên tới 15 năm cho mỗi hành vi xúc phạm hoàng gia.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Tòa Bảo Hiến sẽ tiến hành một phiên tranh tụng trong khuôn khổ một vụ kiện do một nhóm thượng nghị sĩ nộp đơn, có khả năng khiến Thủ tướng Srettha Thavisin bị cách chức vì vi phạm luật khi bổ nhiệm một luật sư có tiền án vào nội các của ông.
Cũng tòa án này sẽ xét xử một vụ kiện mà bên nguyên đơn muốn giải tán Đảng Tiến lên đối lập nổi tiếng vì đảng này đã thực hiện một chiến dịch đòi sửa đổi luật về xúc phạm hoàng gia của đất nước, sau khi Ủy ban bầu cử nộp đơn khiếu nại.
Tòa Bảo Hiến dự kiến sẽ công bố ngày xét xử hoặc tuyên án tiếp theo về hai vụ kiện liên quan đến Thủ tướng Srettha và đảng Tiến lên vào ngày 18/6.
Tòa Bảo Hiến cũng sẽ ra phán quyết liệu quá trình lựa chọn đang diễn ra để lập ra thượng viện mới, bắt đầu từ đầu tháng này và dự kiến kết thúc vào đầu tháng 7, có hợp pháp hay không.
Nếu tòa hủy bỏ hoặc trì hoãn quá trình này, điều đó sẽ tạm thời kéo dài nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm, những người có vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ tiền nhiệm của chính phủ hiện nay.
***********
TIN TỔNG HỢP
RFI
5–7 minutes
Đăng ngày:
5 phút
(AFP) – Nga xác nhận tổng thống Vladimir Putin công du Bắc Triều Tiên hai ngày. Hôm nay, điện Kremlin thông báo tổng thống Vladimir Putin sẽ đến thăm Bắc Triều Tiên vào ngày 18-19/06/2024, theo lời mời của Kim Jong Un. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Nga đến Bình Nhưỡng từ 20 năm qua. Hai nước, hiện đều phải chịu nhiều trừng phạt từ các nước phương Tây, đã thắt chặt quan hệ từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraina vào năm 2022. Phương Tây cáo buộc Bình Nhưỡng cấp vũ khí cho Nga trên mặt trận ở Ukraina, khẳng định Nga đã dùng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên để tấn công quân đội của Kiev. Sau chuyến thăm tới Bình Nhưỡng, tổng thống Nga sẽ đến thăm Việt Nam, một đồng minh của Matxcơva từ thời Liên Xô, vào ngày 19-20/06.
AFP) – An toàn hạt nhân : Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hy vọng nối lại liên lạc với Bắc Triều Tiên. Trả lờiphỏng vấn tờ Izvestia của Nga, hôm thứ Hai 17/06/2024, giám đốc IAEARafael Grossi, hy vọng cần nối lại hợp tác với CHDCND Triều Tiên để bảo an ninh cho các cơ sở hạt nhân của nước này. Các chuyên gia IAEA thường xuyên đến BắcTriều Tiên từ năm 1992, đã bị trục xuất từ 2009. Ông Rafael Grossi cũng kêu gọi không lặp lại những sai lầm với Bắc Triều Tiên tương tự như với Iran.
(RFI) – Ô nhiễm hóa chất : Liên Hiệp Quốc hướng đến lập cơ chế như GIEC – nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Đây là chủ đề của cuộc họp quan trọng được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 21/6/2024 tại Thụy Sĩ. Hiện tại, có từ 40.000 đến 60.000 sản phẩm hóa chất công nghiệp được bán trên thị trường trên toàn thế giới, trong đó 6.000 loại chiếm hơn 99% tổng khối lượng. Các sản phẩm hóa học liên quan đến mọi mặt của đời sống con người : quần áo, nông nghiệp và thực phẩm, đồ điện, sản phẩm gia dụng, vật liệu xây dựng, thuốc men... Ô nhiễm hóa chất đang gây tổ hại lớn cho sức khỏe và môi trường, nhưng nhân loại thiếu cơ chế đối phó.GIEC đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy các hợp tác của nhân loại trong lĩnh vực khí hậu.
(AFP) – Việt Nam : 4 người tử vong trong một vụ hỏa hoạn ở Hà Nội. Công an thành phố Hà Nội cho biết vụ cháy xảy ra tại một căn nhà 6 tầng vào chiều tối Chủ Nhật 16/06/2024, tại Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo báo chí trong nước, 4 thi thể đã được phát hiện, gồm vợ của chủ nhà, con trai 11 tuổi và hai cháu ngoại 2 và 6 tuổi. Đám cháy đã được hơn 100 lính cứu cứu hỏa dập tắt vài giờ sau đó. Gần đây, nhiều vụ hỏa họa đã xảy ra tại Việt Nam, làm dấy lên quan ngại về những quy định phòng cháy, thường không được tuân thủ nghiêm ngặt. Hồi cuối tháng Năm, một thảm kịch hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại thủ đô Hà Nội, lấy đi sinh mạng của 14 người.
(AFP) – Doanh nghiệp Đức quan ngại vì tiêu dùng giảm ở Trung Quốc. Trung Quốc là một thị trường quan trọng của nhiều doanh nghiệp Đức, hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Tuy nhiên, một báo cáo của Phòng thương mại Đức, công bố hôm 17/06/2024, chỉ ra rằng các doanh nghiệp Đức đang gặp khó khăn vì giá thấp và nhu cầu giảm tại Trung Quốc. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng khó có thể thích ứng với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc, đặc biệt là ô tô điện. Để ngăn chặn xe điện Trung Quốc cạnh tranh tại châu Âu, Ủy Ban Châu Âu đã áp mức thuế quan lên tới 38 % đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, báo cáo nêu trên chỉ ra rằng biện pháp này có thể phản tác dụng, và có nguy cơ các doanh nghiệp của Đức, như Volkswagen, Mercedes-Benz, BMW, hoạt động mạnh ở Hoa Lục, có thể bị Bắc Kinh trả đũa.
(AFP) – Người nhập cư vào Bắc Mỹ, quá cảnh qua Mêhicô, đến từ 177 quốc gia. Theo một báo cáo công bố hôm 16/06/2024, của Viện nghiên cứu quốc gia về tị nạn của Mêhicô, số người tị nạn quá cảnh tại nước này để sang Hoa Kỳ đến từ 177 nước trên thế giới, trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hiệp Quốc. Vào năm 2023, khoảng 2,4 triệu người đã cố vượt biên trái phép từ Mêhicô vào Hoa Kỳ. Đa số là những người trưởng thành, và đến từ Venezuela, đang trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hay các nước có nhiều xung đột băng đảng hoặc nạn buôn bán ma túy, chẳng hạn Guatemala, Haiti. Những người di cư khác cố vượt qua chặng đường đầy rẫy nguy hiểm ở Mêhicô để tìm cuộc sống tốt hơn, đến từ các nước xa hơn, như từ Trung quốc, Ấn Độ hay Angola.
(AFP) – Giới trẻ cập nhật thông tin từ Youtube. Theo một báo cáo công bố hôm nay, 17/06/2024, của Viện nghiên cứu Reuters, thuộc đại học Oxford của Anh, các nền tảng mạng xã hội hay video, như Youtube, Tiktok, Snapchat, và Instrgram trở thành công cụ tìm kiếm thông tin của nhiều người trẻ. Ví dụ như tại Pháp, kênh Youtube Hugo Decrypte của nhà sáng tạo nội dung 27 tuổi, Hugo Travers, trở thành một kênh truyền thông, tuyển dụng 25 người. Với 2,6 triệu người theo dõi trên Youtube và 5,7 triệu người trên Tiktok, Hugo Decrypte trở thành nguồn tin chính của giới trẻ Pháp. Hugo Decrypte thậm chí còn được nhắc đến nhiều hơn cả Le Monde, Le Figaro hay Libération cộng lại. Tại Anh Quốc hay Hoa Kỳ, trường hợp tương tự cũng xảy ra. Báo cáo kết luận rằng các phương tiện truyền thông truyền thống gặp nhiều khó khăn vì vẫn theo văn hóa đưa tin bằng văn bản và khó thích ứng với xu thế mới.
************
Đức tịch thu lượng cocaine trị giá 2,8 tỷ USD
Các điều tra viên Đức tịch thu 35,5 tấn cocaine có giá chợ đen khoảng 2,8 tỷ USD, trong vụ triệt phá lớn nhất từ trước tới nay ở nước này.
Khoảng 24,5 tấn cocaine được tịch thu ở thành phố Hamburg của Đức, 8 tấn ở cảng Rotterdam tại Hà Lan và ba tấn ở thành phố Guayaquil của Ecuador, giới chức Đức ngày 17/6 thông báo. Số ma túy được tìm thấy bên trong 9 container vận chuyển, nằm lẫn giữa các thùng đựng hoa quả và các hàng hóa hợp pháp khác trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2023.
Các điều tra viên Đức biết về hoạt động buôn bán trái phép này nhờ thông tin từ chính quyền Colombia. Berlin đã hợp tác với Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (Europol) để mở chiến dịch có mật danh "OP Plexus" nhằm triệt phá đường dây và đã xác định được 8 nghi phạm chính, gồm hai người Đức và hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại đến từ Azerbaijan, Bulgaria, Morocco và Ukraine.
7 nghi phạm bị bắt trong các đợt truy quét trên khắp nước Đức vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay. Cùng với các đồng phạm chưa được xác định danh tính khác, được cho là tới từ Thổ Nhĩ Kỳ, những người này bị cáo buộc đã thành lập hàng chục công ty giả để buôn lậu cocaine từ Nam Mỹ.
Trong khuôn khổ chiến dịch, cảnh sát đã tịch thu một số điện thoại di động, laptop cùng các thỏi vàng, 23.300 euro (gần 25.000 USD) tiền mặt và một xe Porsche trị giá hơn 268.000 USD.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ca ngợi thành tích của các điều tra viên. "Mọi tên tội phạm đều phải biết rằng chúng tôi sẽ bảo vệ an toàn của công dân và các doanh nghiệp trong nước một cách kiên quyết và mạnh mẽ", ông nhấn mạnh.
Thành phố cảng Hamburg ở phía bắc nước Đức được coi là cửa ngõ để các băng đảng buôn ma túy vận chuyển chất cấm vào lục địa châu Âu. Đây là cảng biển lớn nhất Đức và lớn thứ ba ở châu lục này, với hơn 23.000 container hàng được vận chuyển qua đây mỗi ngày.
Hồi tháng 2, cảnh sát Anh đã phát hiện, tịch thu hơn 5,7 tấn cocaine giấu trong các thùng đựng chuối ở thành phố Southampton, trong lúc chúng chuẩn bị được vận chuyển tới Hamburg.
Tino Ingelmann, người đứng đầu cơ quan điều tra hải quan ở thành phố Duesseldorf tại phía tây nước Đức, cho biết lượng cocaine tịch thu ở quốc gia này đang tăng theo từng năm, trong đó năm 2023 là 43 tấn.
Phạm Giang (Theo AFP)
**********
Truyền thông Nga: Hệ thống phòng không S-500 Prometheus sẽ giúp bảo vệ bán đảo Crimea
Quỳnh Như
~2 minutes
TPO - Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus tới Vùng Krasnodar của nước này, góp phần bảo vệ cây cầu Crimea chiến lược nối bán đảo Crimea với đất liền Liên bang Nga.
Topwar dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, hệ thống phòng không S-500 Prometheus đã được Nga triển khai ở Vùng Krasnodar, nhằm mục đích xây dựng hàng rào phòng thủ, bảo vệ cầu Crimea trước các mối đe dọa tên lửa có thể xảy ra từ Ukraine.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov tiết lộ, Nga đã buộc phải triển khai hệ thống phòng không S-500 như một phần trong nỗ lực tăng cường "chiếc ô phòng không" của Nga trên bán đảo Crimea.
S-500 Prometheus có chức năng chống lại tên lửa đạn đạo và hành trình cũng như các mục tiêu khí động học khác.
Một thế hệ tên lửa phòng không và chống tên lửa mới đã được phát triển dành riêng cho S-500. Theo thông tin công khai, tên lửa được hệ thống sử dụng bao gồm: Tên lửa đánh chặn 77N6N và tên lửa phòng không 40N6. Những tên lửa này có tầm bắn 500-600 km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên tới 45-50 km.
Tên lửa 77N6 hai tầng là phiên bản sửa đổi của tên lửa 9M82 được sử dụng trong hệ thống phòng không S-300V4. Chúng được trang bị động cơ tên lửa rắn giai đoạn đầu (SRM) nặng hơn và xung lực cao hơn, giúp tăng đáng kể khả năng chiến đấu.
**********
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói sẽ đầu tư vào VinFast cho đến khi không còn đồng nào
2024.06.14
3–4 minutes
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong một lần trả lời phỏng vấn của Bloomberg mới đây khẳng định niềm tin rằng hãng xe điện VinFast sẽ hoà vốn trong tương lai gần, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đầu tư vào hãng xe điện non trẻ này cho đến khi ông hết sạch tiền.
Trong buổi phỏng vấn của Bloomberg TV từ văn phòng mình tại Hà Nội, ông Phạm Nhật Vượng (55 tuổi) được phóng viên Bloomberg mô tả là “đối với một người đã đầu tư đến hai tỷ đô la vào một doanh nghiệp xe điện mới mẻ, ông Phạm Nhật Vượng dường như trông điềm tĩnh đến không ngờ”.
Chỉ mới sản xuất xe điện năm năm về trước, nhưng hiện VinFast đang phải cạnh tranh với các hãng tên tuổi quốc tế khác như Tesla hay Hyundai, chưa kể những hãng xe điện Trung Quốc đang có kế hoạch xuất xe vào thị trường Việt Nam.
Theo Bloomberg, ông Vượng - người có tài sản ước tính 5,3 tỷ đô la - rất tự tin có thể lèo lái công ty đến thành công bất chấp những khó khăn và trong khi các hãng xe lớn khác như Toyota hay Volkwagen cũng đang phải vật lộn.
Cổ phiếu của VinFast mới được giao dịch ở thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 8 năm ngoái và chỉ trong vòng hai tuần đầu đã chứng kiến mức tăng 700%, nhưng sau đó giá cổ phiếu đã giảm nhanh chóng đến 95%. Theo Bloomberg, hiện chỉ có khoảng 2% cổ phiếu của VinFast đang được giao dịch trên thị trường và giá cổ phiếu rất dễ biến động khó lường.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Vingroup - công ty mẹ của VinFast - vẫn tự tin nói với Bloomberg rằng ông không quan tâm đến giá cổ phiếu hiện tại của VinFast trên thị trường Mỹ và cũng không vội vã đưa thêm cổ phiếu ra thị trường.
VinFast bắt đầu bán xe vào thị trường Mỹ hồi năm ngoái. Trong ba tháng đầu năm nay hãng mới chỉ giao được 9.689 xe, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đặt ra cả năm là 100.000 chiếc. Trong năm 2023, hãng chỉ bán được 35.000 xe, chủ yếu là cho hãng taxi của ông Vượng.
Tại thị trường Mỹ, xe của VinFast đối mặt với những đánh giá không mấy tích cực của các chuyên gia xe, đồng thời đang phải đối mặt với vụ kiện tập thể liên quan đến cáo buộc vi phạm luật chứng khoán liên bang Mỹ, vụ kiện cáo buộc vi phạm bản quyền đối với mẫu xe VF8, và vụ kiện không trả tiền thuê cửa hàng trưng bày.
Hiện VinFast đã động thổ xây dựng nhà máy pin và lắp ráp xe ở bang North Carolina, Mỹ, ở Ấn Độ và có dự kiến sẽ xây dựng nhà máy tại Indonesia. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy trị giá đến bốn tỷ đô la ở Mỹ đang bị trì hoãn để điều chỉnh quy mô nhà xưởng.
Công ty mẹ Vingroup đã đầu tư khoảng 12,9 tỷ đô la vào VinFast cho đến lúc này, theo Bloomberg.
Trong trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng cho biết ông ngủ tám tiếng mỗi ngày mà không phải lo nghĩ gì cả và sáng dậy ông chơi với cháu.
“VinFast sẽ đạt điểm hoà vốn sớm và có thể tự đứng trên đôi chân của mình” - tỷ phú người Việt nói với Bloomberg.
EURO 2024 : Trước trận ra quân, Mbappé lên tiếng về bầu cử lập pháp tại Pháp
Anh Vũ
~3 minutes
Tối nay 17/06/2024, trên sân vận động thành phố Dusseldof, đội tuyển Pháp khởi tranh EURO 2024 với trận gặp đội tuyển Áo trong khuôn khổ bảng D. Một ngày trước trận đấu, thủ quân đội tuyển, Kylian Mbappé đã thu hút sự chú ý trên một sân khác, ngoài thể thao, khi lên tiếng về những biến động chính trị đang diễn ra trong nước.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
2 phút
Danh thủ bóng đá Pháp đã bày tỏ quan điểm về cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn với những lo ngại các phe « cực đoan » lên nắm quyền tại Pháp. Mbappé cũng bảo vệ đồng đội, Marcus Thuram, trước đó một hôm đã kêu gọi đấu tranh để đảng cực hữu RN không thắng ở kỳ bầu cử này.
Thông tín viên Antoine Grognet tại Dusseldof tường trình :
Một cú ép tấn công dồn mạnh... đó là điều mà Kylian Mbappé dành cho công chúng Pháp. Là người vẫn hay bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội, thủ quân đội tuyển, như trên sân cỏ, chứng tỏ tinh thần tấn công. Anh nói : « EURO có vị trí quan trọng trong sự nghiệp cầu thủ chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ trước hết chúng tôi là những công dân, chúng tôi không nên tách rời với thế giới xung quanh, ít ra là những gì liên quan đến đất nước chúng ta. Vì thế tôi rất mong muốn nói với toàn thể nhân dân Pháp, đặc biệt là với thế hệ trẻ rằng giờ đây chúng ta thấy rất rõ là nhưng thành phần cực đoan đang ở trước ngưỡng cửa quyền lực. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lựa chọn tương lai cho đất nước mình. Chúng ta cần xác định những giá trị của mình, đó là những gia trị về sự đa dạng, tinh thần bao dung và tôn trọng. Tôi hy vọng vẫn còn được mang chiếc áo đội tuyển này vào ngày 07 tháng 7 tới ».
Dù không nói rõ anh xếp đảng nào là cực đoan, nhưng Mbappé tỏ thái độ dứt khoát với lập trường trung lập đã được Liên đoàn Bóng đá Pháp khẳng định trong một thông cáo hôm trước, cũng như huấn luyện viên Didier Deschamps đã cho biết : « Đương nhiên, đó không phải là vai trò của anh, ai đúng ai sai ? Thế nhưng đó là những công dân và điều này rất hệ trọng đối với họ. Điều duy nhất tôi ý thức đó là thể thao và bóng đá có khả năng tập hợp đoàn kết mọi người. Chúng ta không giải quyết cái gì có trước, cái gì có sau. ».
Đây là điểm bất đồng trên sân chính trị giữa Didier Deschamps và thủ quân của ông, nhưng chuyện này sẽ không được lộ ra trên sân cỏ Merkur Spiel Arena tại Dusseldof, nơi tối nay các cầu thủ áo lam đối mặt với đội Áo trong trận ra quân tại EURO.
Mỹ lên án hành động ‘leo thang và vô trách nhiệm’ của Trung Quốc ở Biển Đông
Reuters
3–4 minutes
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/6 lên án các hành động ‘leo thang và vô trách nhiệm’ của Trung Quốc ở Biển Đông mới đây và tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ dành cho Philippines.
Trung Quốc và Philippines đang cáo buộc lẫn nhau về một vụ va chạm ở Biển Đông, trong đó Manila tuyên bố lực lượng vũ trang của họ sẽ chống lại các hành động của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp. Đây là diễn tiến mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu ngày càng gay gắt.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi vận chuyển thương mại bằng tàu biển trị giá hơn 3 ngàn tỷ đô la hàng năm, bao gồm các khu vực mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.
Trong nhiều tháng nay, Trung Quốc và Philippines tranh cãi gay gắt về các hoạt động và va chạm nguy hiểm tại Bãi cạn Second Thomas, một đảo san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông.
Trong vụ việc mới nhất hôm 17/6, lực lượng tuần duyên Trung Quốc nói một tàu tiếp tế của Philippines đã tiếp cận một tàu Trung Quốc một cách ‘cố tình và nguy hiểm’ dẫn đến va chạm nhẹ sau khi tàu Philippines ‘xâm phạm trái phép’ vào vùng biển gần Bãi cạn Second Thomas, một cáo buộc mà Manila nói là ‘gian dối và gây hiểu nhầm.’
Trong một tuyên bố, lực lượng tuần duyên Trung Quốc nói tàu vận tải và tiếp tế của Philippines đã nhiều lần phớt lờ những cảnh báo.
Lực lượng đặc nhiệm của Philippines trên Biển Đông cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm và kéo, gây nguy hiểm đến tính mạng và làm hư hại các tàu thuyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro nói: “Hành vi nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines sẽ bị Lực lượng Vũ trang Philippines chống cự”. “Hành động của Trung Quốc là trở ngại thực sự cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”
Philippines gọi phần Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền là Biển Tây Philippines. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Quân đội Philippines trước đó tố cáo rằng các hành động gây hấn liên tục của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ‘đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.’
Một số sự cố đã xảy ra khi Philippines triển khai các nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính nước này đồn trú trên một tàu chiến rỉ sét, cũ kỹ mà Manila cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để củng cố yêu sách chủ quyền của mình tại đây.
Trung Quốc đã cảnh báo Philippines về việc xâm phạm vùng lãnh hải mà Bắc Kinh cho là của mình và ban hành các quy định mới, có hiệu lực từ ngày 15/6, thực thi một đạo luật năm 2021 cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ lực gây chết người đối với tàu nước ngoài trong vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Các quy định mới cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ những người bị tình nghi xâm phạm mà không cần xét xử trong 60 ngày.
Đáp lại, lực lượng tuần duyên Philippines hôm 17/6 cho biết họ đã ra lệnh triển khai hai tàu để tuần tra và đảm bảo an toàn cho ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough - điểm nóng thứ nhì cách Bãi cạn Second Thomas khoảng 640 km.
Trong 5 tháng, gần 1,4 triệu người đi qua Mexico để tới Mỹ bất hợp pháp
AFP
~2 minutes
Chính phủ Mexico hôm 16/6 loan báo khoảng 1,39 triệu người từ 177 quốc gia đã đi qua Mexico trong năm nay để tìm cách đến Hoa Kỳ theo con đường vượt biên giới bất hợp pháp.
Viện Di cư Quốc gia cho biết phần lớn là đàn ông hoặc phụ nữ đi một mình.
Có gần 3.000 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng, theo số liệu từ tháng 1 đến cuối tháng 5 năm nay.
Con số 177 quốc gia xuất xứ của các di dân bất hợp pháp này cho thấy gần như là từ khắp nơi trên thế giới. Liên hiệp quốc có 193 quốc gia thành viên.
Tính theo quốc gia, số lượng di dân lớn nhất, gần 380.000 người, đến từ Venezuela, nước bị khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong nhiều năm qua.
Tiếp theo danh sách là Guatemala, Honduras, Ecuador và Haiti, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực băng đảng và buôn bán ma túy.
Vẫn theo Viện Di cư Quốc gia, danh sách quốc gia xuất xứ của các di dân bất hợp pháp thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm xuyên qua Mexico để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Hoa Kỳ còn đến từ những nơi xa xôi như Trung Quốc, Ấn Độ, Mauritania và Angola.
Theo số liệu của Hoa Kỳ, trong năm ngoái có hơn 2,4 triệu người đã vượt biên giới Mỹ-Mexico bất hợp pháp.
Dòng người này tăng cao kỷ lục lên tới 10.000 người mỗi ngày vào tháng 12, dù hiện có giảm đôi chút do cả hai nước Mỹ và Mexico đang gia tăng trấn áp nạn vượt biên bất hợp pháp.
**********
Washington trách cứ Hà Nội về chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga Putin
Anh Vũ
3–4 minutes
Hãng tin Reuters hôm nay, 17/06/2024, dẫn nguồn từ nhiều quan chức cho biết, tổng thống Vladimir Putin trong tuần này công du chính thức Việt Nam. Washington đã tỏ không hài lòng việc Hà Nội đón tiếp tổng thống Nga.
Đăng ngày:
3 phút
Ông Putin vừa mới nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 cách đây hơn một tháng. Theo nhiều nguồn thạo tin, trong tuần, nguyên thủ Nga sẽ tới Hà Nội. Tổng thống Putin sẽ được chủ tịch Việt Nam Tô Lâm đón tiếp và ông sẽ gặp gỡ nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị Nga-Việt.
Hoa Kỳ đã có phản ứng khá nặng nề. Được Reuters đặt câu hỏi về tác động chuyến thăm Hà Nội của tổng thống Nga, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tuyên bố: “Không quốc gia nào nên tạo cơ hội cho Putin quảng bá cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và giúp ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.
Đại diện sứ quán Mỹ nói thêm: “Nếu ông ta có thể đi lại tự do, như thế tức là có thể bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga”, ý muốn nói đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà ông Putin phát động từ hồi tháng 02/2022.
Được Reuters liên hệ, bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời đề nghị bình luận về sự việc.
Vẫn theo hãng tin Anh, Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam, không bình luận trước thông tin chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Nga, nhưng tháng trước Bruxelles đã tỏ thái độ không hài lòng về quyết định của Hà Nội trì hoãn cuộc gặp với đặc phái viên Liên Âu để thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga. Nhiều quan chức ngoại giao nhận định, sự trì hoãn này có liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Putin.
Lần đầu tiên tổng thống Putin có chuyến thăm Việt Nam ở cấp Nhà nước là vào năm 2017. Lần này là chuyến đi Việt Nam thứ 5 của ông. Theo giới quan sát, trong cuộc gặp lần này, ngoài những hồ sơ hợp tác thương mại, đầu tư, công nghệ, giáo dục... hai bên sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề nhạy cảm.
Đó có thể là hồ sơ mua bán vũ khí. Trước đây, Nga là nhà cung cấp chính cho Việt Nam; hay hồ sơ hợp tác năng lượng, với các công ty Nga hoạt động tại các mỏ khí đốt và dầu lửa của Việt Nam tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; và vấn đề thanh toán, vì hai nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các giao dịch do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng Nga. Một quan chức giấu tên tại Hà Nội cho Reuters biết như trên.
Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu chính trị ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nhận định, đối với Hà Nội, chuyến thăm nhằm mục đích “chứng minh rằng Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, không ngả theo bất kỳ cường quốc nào”.
***********
Mỹ đi sau Trung Quốc tới 15 năm về năng lượng hạt nhân
Reuters
3–4 minutes
Mỹ đi sau Trung Quốc tới 15 năm trong việc phát triển năng lượng hạt nhân công nghệ cao giữa lúc cách tiếp cận công nghệ có sự hậu thuẫn của nhà nước và nguồn tài chính dồi dào của Bắc Kinh đang mang lại lợi thế cho Trung Quốc, một báo cáo cho biết hôm 17/6.
Nghiên cứu của Hội Công nghệ Thông tin và Đổi mới, một viện nghiên cứu phi đảng phái có trụ sở tại Washington, cho biết Trung Quốc có 27 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với thời gian xây dựng trung bình khoảng 7 năm, nhanh hơn nhiều so với các nước khác.
Báo cáo cho biết: “Việc Trung Quốc triển khai nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân hiện đại hơn bao giờ hết sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế quy mô và hiệu ứng vừa học vừa làm đáng kể, và điều này cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đạt được lợi thế nhờ sự đổi mới gia tăng trong lĩnh vực này từ nay về sau.”
Hoa Kỳ có đội ngũ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới và chính quyền của Tổng thống Joe Biden coi nguồn điện gần như không phát thải này là rất quan trọng trong việc hạn chế biến đổi khí hậu.
Nhưng sau khi hai nhà máy lớn ở Georgia đi vào hoạt động vào năm 2023 và 2024, vượt quá ngân sách hàng tỷ đô la và bị trì hoãn nhiều năm, thì không có lò phản ứng hạt nhân nào của Mỹ được xây nữa. Một nhà máy công nghệ cao từng được lên kế hoạch xây dựng đã bị hủy vào năm ngoái.
Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc có thể cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp tới 1,4%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây. Ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ bền vững của nhà nước và các chiến lược nội địa hóa, cho phép Trung Quốc thống trị các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và xe điện.
Lò phản ứng được làm mát bằng khí nhiệt độ cao thế hệ thứ tư đầu tiên trên thế giới tại Vịnh Shidao đã đi vào hoạt động vào tháng 12 năm ngoái. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc tuyên bố rằng dự án này liên quan đến việc phát triển hơn 2.200 bộ ‘thiết bị đầu tiên trên thế giới’ với tổng tỷ lệ nội địa hóa vật liệu sản xuất trong nước là 93,4%.
Những người ủng hộ các lò phản ứng công nghệ cao cho biết chúng an toàn và hiệu quả hơn các nhà máy hiện tại. Những người chỉ trích cho rằng một số lò phản ứng mới gây ra rủi ro về phổ biến vũ khí hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân.
Mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ đối với Trung Quốc. Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc đã cảnh báo rằng có tình trạng dư thừa nghiêm trọng trong sản xuất linh kiện hạt nhân và nạn ‘cạnh tranh quá mức’ đang khiến giá cả giảm và gây thua lỗ.
Ông Stephen Ezell, tác giả báo cáo, khuyến nghị nếu Mỹ nghiêm túc về vấn đề hạt nhân thì nên phát triển một chiến lược quốc gia mạnh mẽ bao gồm đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, xác định và tăng tốc các công nghệ đầy hứa hẹn cũng như hỗ trợ phát triển lực lượng lao động lành nghề.
“Mặc dù Mỹ đang ở phía sau nhưng chắc chắn nước này có thể bắt kịp về mặt công nghệ,” ông Ezell nhận định.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chưa bình luận về báo cáo này.
**********
Tin tức thế giới 18-6: Israel giải thể nội các chiến tranh
NGỌC ĐỨC
6–7 minutes
Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 17-6, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo chỉ trích những hành động "mang tính leo thang và thiếu trách nhiệm" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đó, Hải cảnh Trung Quốc tố tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho tàu quân sự Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây trên Biển Đông đã tiếp cận "một cách cố tình và nguy hiểm" một tàu Trung Quốc, dẫn đến va chạm nhẹ.
Manila đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Lực lượng đặc nhiệm quốc gia của Philippines ở Biển Đông còn tố ngược tàu Trung Quốc đâm và làm hư hỏng tàu thuyền của họ trong vụ chạm trán ngoài khơi trên.
Cũng trong thông báo vừa đăng, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với Philippines.
Thủ tướng Israel giải thể nội các chiến tranh
Ngày 17-6, người phát ngôn Chính phủ Israel David Mencer tuyên bố Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã giải thể nội các chiến tranh - cơ quan được thành lập ngay sau khi xung đột giữa Tel Aviv và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng nổ hồi tháng 10-2023.
Sự tan rã của nội các chiến tranh là điều được đoán trước sau khi ông Benny Gantz - đối thủ chính trị lớn nhất của ông Netanyahu ở Israel - và đồng minh Gadi Eisenkot cùng tuyên bố từ chức khỏi đây hôm 13-6.
Cả hai tuyên bố quyết định này do nội các do ông Netanyahu lãnh đạo đã không thể cho ra một kế hoạch rõ ràng về vấn đề Gaza.
Ông Mencer cho biết việc thành lập nội các chiến tranh từng là "điều kiện tiên quyết" để ông Gantz gia nhập một chính phủ đoàn kết.
"Tuy nhiên, với sự rời đi của ông Gantz, nội các này không còn cần thiết. Nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển sang cho nội các an ninh", người phát ngôn Chính phủ Israel khẳng định.
Nội các an ninh là một cơ quan đã tồn tại từ lâu, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza. Thành viên của nội các này là một nhóm nhỏ bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Ron Dermer.
Ông Putin cam kết nâng tầm quan hệ Nga - Triều Tiên
Ngày 18-6, Hãng thống tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trích lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông muốn nâng cấp quan hệ Nga - Triều Tiên lên mức độ mới.
Trong bức thư đăng trên Lao động Tân văn (cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên), ông Putin cho rằng trong 70 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và tin tưởng nhau.
Tổng thống Nga cảm ơn Bình Nhưỡng vì đã ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine và hứa hẹn sẽ hỗ trợ những nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng của Bình Nhưỡng, bất chấp "sức ép, tống tiền và đe dọa quân sự Mỹ".
Bài viết trên được đăng tải chỉ ít giờ trước khi chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của tổng thống Nga đến Triều Tiên trong 24 năm qua bắt đầu.
Điện Kremlin chỉ trích tổng thư ký NATO "leo thang căng thẳng"
Ngày 17-6 (giờ địa phương), Điện Kremlin lên tiếng chỉ trích phát ngôn của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg liên quan đến việc đang đàm phán giữa các nước thành viên việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân.
"Tôi sẽ không đi vào chi tiết hoạt động về số lượng đầu đạn hạt nhân sẽ được vận hành và đầu đạn nào sẽ được cất giữ, nhưng chúng tôi cần tham khảo ý kiến về những vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ với tờ Telegraph của Anh trước đó vài giờ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng bình luận trên mâu thuẫn với tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine mới được công bố hôm 16-6. Trong đó, các nước ký tên chỉ trích bất kỳ sự đe dọa hay hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh Ukraine cũng là không thể chấp nhận.
"Điều này đơn thuần là một sự leo thang căng thẳng khác", ông Peskov tuyên bố.
Đáp lời, ông Stoltenberg khẳng định Matxcơva chỉ đang muốn tạo sự nhầm lẫn. Thực chất, bình luận của ông chủ yếu xoay quanh nỗ lực hiện đại hóa các biện pháp răn đe hạt nhân của khối, bao gồm việc nâng cấp F-16 thành F-35 thế hệ mới.
NATO sắp đạt chỉ tiêu ngân sách quốc phòng
Ngày 17-6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẽ có hơn 20 quốc gia thành viên liên minh này đáp ứng điều kiện phân bổ ít nhất 2% GDP vào ngân sách quốc phòng trong năm 2024.
Chia sẻ với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, ông Stoltenberg khẳng định mới chỉ năm năm trước, số thành viên NATO hoàn thành chỉ tiêu trên còn chưa đạt con số 10.
Ông cho biết: "Năm nay, trên khắp châu Âu và Canada, các đồng minh NATO đã tăng ngân sách quốc phòng lên đến 18%. Đây là mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Cũng trong năm nay, có đến 23 đồng minh NATO sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng".
Trước đó, khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, ông Stoltenberg khẳng định việc liên minh này tăng ngân sách quốc phòng "tốt cho cả châu Âu và Mỹ, đặc biệt vì hầu hết số ngân sách được tăng này sẽ được chi trên chính đất Mỹ".
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.