Mỹ phản ứng sau bản án cho ông Nguyễn Văn Đài

Thứ Sáu, 06 Tháng Tư 20187:15 SA(Xem: 6977)
Mỹ phản ứng sau bản án cho ông Nguyễn Văn Đài
Việt Nam, dân chủ, bất đồng chính kiến, Nguyễn Văn Đài Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài (trái), tại phiên tòa 5/4/2018 . Ông và 5 nhà đấu tranh dân chủ khác bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền

Người phát ngôn ngoại giao Mỹ Heather Nauert vừa ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại" về bản án dành cho sáu nhà hoạt động, trong đó có ông Nguyễn Văn Đài hôm 5/4.

Tuyên bố của bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi Việt Nam "thả toàn bộ các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm tự do, nhóm họp hòa bình không sợ bị trừng phạt".

Mỹ cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam "bảo đảm rằng các hành động và luật pháp, gồm luật hình sự, phù hợp với các điều khoản nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam, và các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam".

Sau phiên tòa hôm 5/4, Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố nói sự kiện "tiếp tục xu hướng tiêu cực của truy tố và tuyên án các nhà hoạt động nhân quyền và blogger ở Việt Nam".

EU nói tổ chức này sẽ "tiếp tục giám sát và làm việc với giới chức và những đối tác liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam".

Phiên tòa xử các ông Nguyễn Văn Đài và năm người đã kết thúc chỉ trong một ngày xử vào hôm 5/4.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, sinh năm 1969, bị tòa ở Hà Nội tuyên án nặng nhất: 15 năm tù, 5 năm quản chế.

Ông Trương Minh Đức, sinh năm 1960, bị tuyên 12 năm tù, 3 năm quản chế.


Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị án 12 năm tù, 3 năm quản chế, trong khi ông Nguyễn Bắc Truyển bị 11 năm tù, 3 năm quản chế.

Bị cáo nữ duy nhất, bà Lê Thu Hà, bị án 9 năm tù, 2 năm quản chế.

Ông Phạm Văn Trội bị tòa tuyên 7 năm tù, 1 năm quản chế.

Nói với BBC vào tối ngày 5/4, bà Huyền Trang, vợ ông Phạm Văn Trội, cho biết các mức án như trên, nói thêm rằng tòa tuyên án khoảng lúc 7h tối và kết thúc 8h tối.

Theo bà, thông báo ban đầu của tòa dự kiến phiên tòa kéo dài hai ngày, nhưng rốt cuộc đã kết thúc trong ngày.

"Phiên tòa bất công, Viện Kiểm sát loanh quanh theo cáo trạng, chứ phần tranh tụng rất ít."

"Các bị cáo bác bỏ cáo trạng, coi đây là bản án oan sai," bà Huyền Trang nói.

Bà Huyền Trang cho biết bà và một số người thân của các bị cáo được phép có mặt bên trong tòa.

Sáu bị cáo bị đưa ra xét xử về tội 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' theo quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo điều luật này, "người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình".

"Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm," Điều 79 quy định.

"Các bị cáo đã lợi dụng cuộc đấu tranh cho 'dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự' để che giấu mục đích của Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC)," nội dung cáo trạng tại phiên tòa sáng 5/4 nói.

Cơ quan công tố nói ông Đài là người chủ mưu, trực tiếp xây dựng nền tảng, tuyển dụng thành viên mới cho HAEDC và tìm kiếm nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức nước ngoài, tổng cộng lên tới khoảng 80.000 đôla.

Việt Nam, dân chủ, bất đồng chính kiến, Nguyễn Văn Đài Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Luật sư Nguyễn Văn Đài (giữa) tại phiên tòa ngày 5/4/2018

Luật sư Nguyễn Văn Đài, 48 tuổi, một trong những sáng lập viên HAEDC, bị bắt cùng với phụ tá Lê Thu Hà, vào tháng 12/2015.

Hôm 4/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ̣̣phổ biến thông cáo báo chí yêu cầu Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà vận động nhân quyền Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức, đồng thời phóng thích họ ngay lập tức.

Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt một ngày trước phiên xử, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của HRW, nói 'Việt Nam không có phiên toà thực sự', và gọi việc giam cầm sáu nhà hoạt động nhân quyền là 'hung hãn':

"Các nhà hoạt động này đang sử dụng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp một cách ôn hòa để nói về các vấn đề như Formosa, nhân quyền, hay dân chủ ở Việt Nam. Và các quan điểm này khác biệt với quan điểm của chính phủ."

"Chính phủ Việt Nam sử dụng lý do 'âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân' để buộc tội, truy tố họ. Điều này, thẳng thắn mà nói cho thấy chính phủ Việt Nam hung hãn thế nào và Việt Nam xếp hạng rất thấp trong hệ thống các chính phủ thật sự có dân chủ và tôn trọng quyền con người."

Bắt bớ bên ngoài tòa án

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các nhà đấu tranh dân chủ biểu tình thể hiện sự ủng hộ đối với luật sư Đài và cộng sự

Ngay từ sáng sớm 5/4 đã có tin chính quyền Việt Nam bắt giữ những người biểu tình ủng hộ luật sư Đài và năm thành viên HAEDC trước phiên xét xử.

Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh cho hay vợ ông, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị cảnh sát bắt đưa đi đâu không rõ.

Anh Trịnh Bá Phương cũng thông tin mẹ anh, bà Cấn Thị Thêu, người từng hai lần đi tù liên quan đến các cuộc biểu tình giữ đất, cùng nhiều nhà hoạt động khác, bị bắt.

Nhiều cảnh sát và cảnh sát mặc thường phục được triển khai quanh khu vực tòa án để ngăn những người ủng hộ tới gần khu vực xét xử.

Phóng viên AFP tường thuật tại hiện trường 'xung đột' giữa cảnh sát và các nhà hoạt động phía ngoài tòa án.

"Ít nhất hai người bị cảnh sát mặc thường phục lôi lên một chiếc xe tải và những người khác bị kéo lên xe bus," theo AFP.

Bản quyền hình ảnh HAEDC
Image caption Thân nhân các nhà hoạt động đứng bên ngoài toà trong giờ toà nghỉ trưa

Xử kín hay công khai?

Vợ của năm nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và mẹ của bà Lê Thu Hà cuối cùng đã được phép vào dự phiên tòa.

Bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư Đài nói với BBC khuya hôm 3/4:

"Chúng em chưa gia đình nào nhận được giấy mời tham dự phiên toà. Sáng mai 8 giờ mấy chị em lại đến toà tiếp."

"Trong khi đó các luật sư bị gây khó khăn để có rất ít thời gian tiếp xúc hồ sơ, và bị gây khó khăn trong việc tiếp xúc với mọi người trong trại giam. Rất khó lấy được hẹn để vào. Khi vào trại giam thì thường bị hẹn 3 giờ chiều mới được gặp, trao đổi không được nhiều, mà trao đổi gì có công an đứng cạnh nghe hết, công an còn xen vào để cấm này cấm kia ko cho trao đổi với luật sư," bà Khánh nói thêm.

Các hình ảnh đầu tiên của phiên xét xử sáng 5/4 cho thấy phòng xử khá nhỏ hẹp.

Facebooker Lê Văn Sơn cũng cho hay nhiều người phải ngồi ngoài, xem thông tin buổi xử qua màn hình với âm thanh đứt quãng.

Tối 4/5, HAEDC đưa tin đại diện một số đại sứ quán tại Việt Nam bị từ chối cho tham dự phiên xử với lý do an ninh.

Bản quyền hình ảnh Other
Image caption Luật sư Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp với thượng nghị sĩ Mỹ John McCain

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án HAEDC theo bản Cáo Trạng số 17/CTr-VKSTC ngày 31/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, truy tố các nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và Lê Thu Hà, với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", căn cứ Khoản 1, Điều 79 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 ngày 21/12/1999.

Bao nhiêu tù nhân chính trị?

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết tính đến tuần này có 97 tù nhân chính trị hiện đang ở bị giam cầm tại Việt Nam.

Chỉ từ tháng 12/2017, ít nhất 24 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đã bị bắt và kết án tù ở, theo các tổ chức nhân quyền.

"Việt Nam là một trong những nhà tù đông các nhà hoạt động nhất của Đông Nam Á - một tiêu đề đáng hổ thẹn không ai mong muốn," ông James Gomez thuộc tổ chức này nói trong một tuyên bố.

Phát biểu trước các phóng viên tại Hà Nội tuần trước, Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink nói rằng nhân quyền vẫn là ưu tiên hàng đầu của nước này trong quan hệ với Việt Nam.

Ông nói: "Mặc dù có những tiến bộ trong những năm gần đây, nhưng trong 24 tháng qua các vụ bắt giữ, kết án và cầm tù các nhà hoạt đông gia tăng, xu hướng này rất đáng lo ngại".

Hồi tháng 8/2017, báo Quân đội Nhân dân viết: "Cũng như ở các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đặc biệt đối với Nguyễn Văn Đài, kẻ đã qua 4 năm thụ án, 3 năm quản chế tại địa phương, được các cấp chính quyền, đoàn thể nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, răn đe, nhưng vẫn chứng nào tật ấy thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn